Sài Gòn chuyện đời của phố: Về Bà
Chiểu, rảo Hàng Bàng
Hẻm gần
ngã tư Bình Hòa, không xa cái nhà gỗ trên đường Rừng Sác nay là đường Nguyễn
Thiện Thuật của ông Vương Hồng Sển. Cũng không xa cái nhà xưa trên cầu Băng Ky,
mà mùa hè năm trước tôi viếng thăm và đưa vào cuốn Sài Gòn, chuyện đời của phố
phần 1. Đằng trước hẻm nhà cô Tám có trồng ba cây sao cao vút. Bây giờ nó chỉ
còn cái tên cũ không mấy ai biết, chỉ biết đó là cái hẻm 104 mà thôi.
Một tin nhắn nhỏ khiến tôi nghĩ ngợi về vùng Bà
Chiểu và thấy rằng mình luôn có cảm giác dễ chịu khi đến nơi đó. Đất Bà Chiểu,
giống như Lái Thiêu hay Trảng Bàng, đều là những vùng dân cư luôn khiến người
mang tình hoài cổ có cảm xúc khi lai vãng. Ở nơi đó, xen giữa những nhà phố,
thỉnh thoảng lại ló ra một căn nhà ngói rêu phong, một cây cổ thụ um tùm lá,
một góc miếu thờ nhỏ hay mái đình to và ở đó dân cư thường hiền hòa, bình dị.
Đi về Bà Chiểu như đi về một quá khứ không xa lắm.
Trường Vẽ Gia Định nay đã không còn mặt tiền xưa với những cái cột toscan và
vòm cửa arcade rất đẹp, điều này khiến tôi luôn tự hỏi tại sao những người quản
lý ngôi trường hay ở cấp cao hơn không tìm cách giữ lại một vẻ đẹp kiến trúc cổ
điển và mang giá trị văn hóa, lịch sử và mỹ thuật rõ nét như vậy? Đi ngang nhà
ông Vương Hồng Sển, nhìn vào sân sau thấy cây xoài thanh ca cuối sân đã chết
nhưng vẫn cố đứng vững chịu đựng lũ dây leo quấn quanh chằng chịt. Kệ thờ ở
dưới cái mái nhỏ trong sân giữa có di ảnh của ông và bà Năm Sa Đéc nhìn ra cái
hòn non bộ buồn thiu, vài cây chậu nhỏ tiêu sơ và cái nhà lớn cửa đóng im ỉm.
Bà ngoại tôi, tiểu thư của một gia đình hết thời
vùng Khánh Hội đầu thế kỷ 20 kể với má tôi rằng khi còn trẻ, bà thường có việc
đi qua khu Bà Chiểu từ Gò Vấp trên xe thổ mộ theo đường làng số 15, bây giờ là
đường Lê Quang Định. Xe đi qua xóm Gà, thường thấy hàng cây sao dài um tùm
trong những buổi sáng sương sớm hay buổi chiều tối. Lúc đó là những năm 1925,
1926 khi bà vừa sinh má tôi... Xe thổ mộ lóc cóc đi ngang Tòa Bố Gia Định (nay
là Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh, góc Phan Đăng Lưu - Đinh Tiên Hoàng) vào
ban ngày, khách đi đường thưa thớt và ban đêm tối âm u vì đèn đường cách nhau
rất xa, đầy tiếng ếch nhái ễnh ương kêu inh ỏi.
Tới Tòa Bố, xe quẹo cua vào đường Hàng Bàng ngay
góc Lăng Ông. Đường Hàng Bàng là đoạn đường mang tên Đinh Tiên Hoàng từ đường
Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh ngày nay cho tới Cầu Bông. Thời đó, hai bên
đường là bưng bàng, dùng để đan đệm, không phải loại bàng lá to thân cứng, nên
con đường này được gọi tên như vậy. Khu Bà Chiểu khi đó còn có đường Hàng Gòn,
Hàng Dừa, Hàng Sanh... đặt tên tùy theo cây trồng hai bên. Đường Hàng Gòn nay
là Hồ Xuân Hương. Đường Hàng Sanh bây giờ là đường Bạch Đằng, xưa rất vắng vẻ
có trồng nhiều cây sanh có rễ phụ giống như cây đa, cây si... Vài người già ở
Bà Chiểu luôn cảm thấy bực mình khi chữ Hàng Sanh bị viết sai thành Hàng Xanh
như lâu nay.
Cô ma Ba Trâm
Khi gả con gái út vào một gia đình ở ngã năm Bình
Hòa, hiểu biết của bà ngoại tôi về vùng Bà Chiểu càng đầy lên qua những câu
chuyện với ông bà sui là dân cố cựu ở đây. Lúc đó, khoảng đầu thập niên 1950 đã
có đông người lao động nghèo về ở nơi đây nhưng khoảng thập niên 1920 thì còn
thưa vắng. Từ Cầu Bông về xóm Đình gần đó người ta còn làm ruộng, thậm chí còn
thấy hai bên đường Hàng Bàng ruộng lúa tươi tốt chín vàng khi đến mùa gặt. Thú
vui của dân xóm Đình gần đó là đi câu ếch và bắt cá lia thia, bắt còng.
Tuy nhiên, đám trẻ đi bắt cá lia thia ở quanh quẩn
đường Hàng Bàng trong ngày nghỉ học thường không dám nán lại lâu vì sợ đến giờ
Ngọ là giờ... ma đi. Giờ khắc đó, mấy người thả trâu cũng đã về ăn cơm chứ
không còn ai ngoài ruộng. Ai cũng sợ cô Ba Trâm... nhát ma.
Về cô Ba Trâm, ông bà sui của ngoại tôi kể rằng: Cô
còn trẻ, con nhà khá giả. Cô treo cổ tự tử sau khi bị bà mẹ ghẻ tàn độc hành hạ
và ép gả chồng không theo ý mình. Nơi cô Ba Trâm tự tử là gốc cây trâm gần
Trường Vẽ Gia Định (Đại học Mỹ thuật TP.HCM ngày nay). Nơi đó cây cối sầm uất,
nhà cửa thưa thớt nên thân xác cô khi được phát giác đã không còn nguyên vẹn do
bị thú ăn. Vì chết oan, lại chết thảm nên người dân tin là hồn cô không đầu
thai được mà còn vất vưởng trên dương gian. Họ đồn về đêm cô thường hiện về
trong dáng vẻ một cô gái bận áo trắng đứng đón xe song mã ở Hàng Xanh đòi đi
dạo một vòng rồi về Gia Định. Xe nào đưa cô đi thì gặp may, từ chối thì gặp xui
rủi và giở trò ong bướm sẽ bị vật chết. Bây giờ người ta cho rằng xóm Đình
chính là đoạn đường Nguyễn Duy hiện nay, một con đường nhỏ còn tồn tại một số
nhà kiểu xưa.
Câu chuyện này rộ lên từ cuối thập niên
1910 và mai một dần, hầu như dân cư ở đó không mấy ai biết. Đến đầu thập niên
1950, không thấy ai còn nhắc đến chuyện cô Ba Trâm nữa.
Lúc đó đường Hàng Bàng đã trở thành đường Lê Văn
Duyệt (nay là đường Đinh Tiên Hoàng) và nhà cửa đã đông đúc hơn.
Phạm Công Luận
304Đen – Llttm
No comments:
Post a Comment