Chết Dở
Khương chống hai
tay xuống chiếu, lê dần người ra một góc giường, rồi giơ tay mở ngăn kéo bàn.
Chàng cúi mặt nhìn vào trong ngăn kéo, nhưng vì buồng tối, không nom rõ, nên
chàng cho tay vào lục lọi, năm ngón tay xòe ra quờ quạng bốn góc. Tìm một lúc
lâu, chàng đậy ngăn kéo lại, có vẻ thất vọng. Khương nhớ rõ một hôm có vứt vào
ngăn kéo một điếu thuốc lá hút dở, thế mà nay biến đâu mất. Chàng cau mày lẩm
bẩm:
- Chắc lại thằng
nhỏ khốn nạn ấy nó xoáy của mình rồi.
Bỗng Khương chợt
thấy một mẩu thuốc lá nằm gọn ở chân cái mễ. Chàng cầm lên, thổi mạnh cho hết
bụi, để vào mũi ngửi.
- Thuốc lá Ănglê.
Chắc là của thằng cha Hạp lại thăm mình hôm nọ.
Khương nhỏm dậy và
lấy ngón tay cời thuốc cho tơi. Chàng nhìn dúm thuốc trong lòng bàn tay, vui
mừng nói:
- Cũng được một
điếu nhỏ.
Móc túi một lúc
lâu, Khương lấy ra một tập giấy thuốc lá, ngồi loay hoay quấn. Chàng làm công
việc ấy rất thong thả như có ý kéo dài cái thời kỳ chờ đợi được hút một điếu là
rất ngon.
Từ ngày bị liệt
hai chân - đến nay đã gần bẩy năm - Khương lúc nào cũng quanh quẩn bên giường.
Không làm việc gì
cả, nên chàng lấy cái nghiện thuốc lá làm một cái thú độc nhất để khuây khỏa
nỗi buồn. Nhà chàng nghèo dần; chàng còn sống được đến bây giờ là nhờ ở người
vợ có ít lưng vốn mở một cửa hàng bán gạo tẻ.
Khương đánh diêm
châm điếu thuốc lá, nhưng vì thuốc ẩm, hút mỏi mồm cũng không được tí khói nào.
Giấy ướt nước bọt, rách tung; Khương nhổ mạnh cho những sợi thuốc khỏi bám lấy
môi rồi tức mình quẳng điếu thuốc đi.
Khương nằm im một
lúc, toan gọi thằng nhỏ, thì có tiếng vợ chàng thét ở ngoài nhà. Chàng định bảo
thằng nhỏ xin tiền mua thuốc lá, nhưng thấy vậy, chàng đành nhịn thêm đợi lúc
khác. Nửa giờ sau, nghe ngóng biết là ở ngoài cửa hàng không có khách nào,
Khương khẽ gọi:
- Nhỏ ơi!
Không thấy thằng
nhỏ vào, và biết là nó bận luôn tay, nên Khương cứ thỉnh thoảng lại gọi khẽ một
tiếng, may ra lọt vào tai nó chăng. Sau cùng, thấy thằng nhỏ vào, chàng ngập
ngừng dặn:
- Em ra xin mợ
tiền mua cho cậu bao thuốc lá.
Lúc thằng nhỏ ra
ngoài nàng cất tiếng hỏi, chàng đã đoán trước được những lời của vợ chàng:
- Cậu mày hút gì
mà hút lắm thế. Cậu mày hút nửa, thì mày cũng hút vào đấy một nửa. Đánh mãi
cũng không chừa được thói ăn cắp của chủ.
Theo sau lời nói,
một tiếng cốp mạnh lên đầu thằng nhỏ, nhưng Khương chỉ để ý đến tiếng mở tráp
và tiếng xu, hào chạm nhau. Đưa tiền rồi, vợ chàng còn lẩm bẩm nói một mình:
- Hút vào chỉ tổ
ho, chứ có được tích sự gì đâu.
Thằng nhỏ vào
buồng, nửa như đặt, nửa như vứt bao thuốc lá trên nắp cái ấm giỏ, rồi bước vội
ra ngay. Khương không nhận thấy cử chỉ khinh thị ấy của đầy tớ, chàng chỉ khó
chịu về nỗi phải lê mãi mới tới cái giỏ để lấy bao thuốc. Chàng trân trọng mở
bao ra, quấn một điếu thật to, rồi nằm ngửa hút luôn mấy hơi dài.
Khói thuốc khi bay
ngang qua những tia nắng xiên chếch từ khe cửa sổ xuống đất hiện rõ ra những
đám mây, rồi một lúc sau lại biến mất vào trong bóng tối gian phòng. Khương đau
đớn nghĩ đến cái thời kỳ cường tráng từ năm hai mươi nhăm đến năm ba mươi tuổi,
cái thời kỳ còn chứa chan hy vọng về cuộc đời, lúc nào cũng hoài bão những công
cuộc to lớn, bồng bột chí khí hùng dũng. Học trường Luật được hai năm, Khương
bị đuổi, rồi từ đấy, chàng bắt đầu hành động. Vợ chàng, người đàn bà cằn cỗi,
chua ngoa, ngồi bán gạo ở cửa hàng hồi đó, còn là cô Liên, một thiếu nữ mảnh dẻ
dịu dàng, hai con mắt đẹp lúc nào cũng như đương mơ một giấc mơ xuân. Liên lấy
chàng chỉ vì phục chàng là người có chí rộng. Nhưng nay cái chí khí của chàng,
cũng như cái sắc đẹp của Liên không khác gì làn khói thuốc lá đã bay qua tia nắng
biến vào bóng tối đen.
Từ khi bị chân tê
liệt, tuy vẫn nghĩ đến những việc hoài bão cũ nhưng Khương dần dần thấy không
tha thiết nữa, cho những việc ấy là không cần. Chàng thờ ơ với mọi việc, thờ ơ
với cả vợ chàng là người chàng tưởng yêu đến khi nhắm mắt. Vợ chàng cũng không
yêu chàng nữa, và sau bảy năm vất vả, khổ sở, nàng chỉ coi chồng như một cái
bao nặng trên vai, muốn vứt đi nhưng không nỡ.
Khương chỉ mong vợ
bỏ hẳn mình, vì có thế, chàng mới có can đảm định liệu lại đời chàng. Còn có
người nuôi cơm ăn, thì chàng còn như thế này mãi, vì chàng đã hết cả nghị lực,
không thể tự mình vùng dậy được.
Khương quấn luôn
điếu thuốc lá thứ hai hút tiếp; trong phòng khói um như có sương mờ. Chàng thấy
rức đầu và rạo rực trong người. Tiếng vợ chàng the thé mắng đầy tớ ở ngoài nhà
khiến chàng bịt tai lại. Tuy vậy, chàng cũng vẫn nghe rõ và lần này khác hẳn
mọi lần, chàng lại để ý nghe.
- Vừa mới thấy
bóng ở đây đã chạy rúc vào buồng ngủ. Ngủ gì mà ngủ lắm thế. Tao nuôi mày để
mày ườn thây ra ngủ và ăn hại tao à?
Vợ chàng hứ lên
một tiếng dài rồi tiếp theo:
- Sao mà cái số
tôi số khổ sở thế này. Những tội, những nợ nặng chình chịch cả người.
Khương xoay mình
úp tai xuống gối nằm yên như người không muốn nghĩ ngợi gì cả. Nhưng trí chàng
vẫn cứ quanh quẩn nghĩ về mấy tiếng mắng:
- Mình bịt tai thì
mình chỉ không nghe thấy. Nhưng những tiếng ấy vẫn có.
Chàng vùng ngồi
dậy, máu rực lên làm chàng nóng bừng mặt.
Chàng cất tiếng
gọi:
- Nhỏ!
Liên chạy ngay
vào, vì thấy tiếng chồng gọi to khác thường, đoán là có việc gì nguy kịch:
- Gì thế, cậu?
- Mợ ngồi xuống
đây, tôi nói câu chuyện.
Liên nhìn quanh
quẩn biết là không xẩy ra việc gì, liền gắt:
- Cậu làm gì mà
rối lên thế?
- Mợ ngồi xuống
đây đã nào?
- Cậu muốn nói gì
thì cứ nói ngay đi. Tôi đương giở bận...
Khương nói như
quát:
- Thì tôi bảo mợ
ngồi xuống!
Liên cũng quát
lại:
- Cậu muốn mắng
tôi đấy, có phải không? ồ lạ chưa?
Khương hạ giọng
xuống:
- Tôi tưởng khi mợ
mắng đầy tớ, thì mợ cũng nên nghĩ đến tôi mà liệu giữ gìn lời nói. Mợ cũng phải
có ý tứ một chút chứ?
- Bây giờ cậu lại
cấm đoán không cho tôi mắng đầy tớ nữa sao. Tôi giận thì tôi nói cho sướng mồm,
tôi không rỗi hơi đâu mà nghĩ đến ai cả... Khổ tôi chưa, muốn yên thân mà người
ta không cho tôi yên thân. Thế này thì chết đi cho rảnh.
Khương đợi cho vợ
im hẳn rồi cố lấy giọng ôn tồn nói:
- Mợ khổ thì tôi
cũng không sung sướng gì. Nhưng mợ nên nghĩ lại ngày trước mà thương tôi. Sao
vợ chồng mình...
Khương muốn nhắc
lại cái thời kỳ hai người yêu nhau ngày xưa, nhưng nhìn vợ thấy nét mặt lạnh
lùng, hai con mắt khô khan, chàng biết rằng không bao giờ, không bao giờ nữa,
còn mong sống lại được những ngày hạnh phúc đã qua.
Liên không hiểu
chồng định nói gì, trước khi quay ra, nàng cười gằn, nói:
- Làm người ta mất
cả thì giờ! Chả được tích sự gì, chỉ được cái nhắng hão.
Hai tiếng
"nhắng hão" khiến Khương uất người lên, vì nhắc Khương nghĩ đến cái
tính hăng hái của chàng nay đã nhụt. Chàng muốn ngoài chàng ra không ai được
nhận thấy sự trụy lạc của tâm hồn mình. Chàng nghiến răng, nắm tay giơ lên
trước mặt vợ:
- Mợ phải biết,
nếu tôi không tàn tật...
Nhưng dáng dấp
hùng hổ của Khương chỉ làm cho Liên cười nhạt:
- Cậu không phải
dọa. Cậu dọa nhiều lần rồi. Cậu tưởng tôi sợ cậu lắm hay sao...
Nàng đi ra lẩm
bẩm:
- Anh hùng rơm!
Khương nắm cái nắp
ấm toan ném theo vợ. Nhưng chàng lại hạ tay xuống. Chàng tự bảo:
- Có hơn được gì
đâu. Nó cũng đã khổ chán vì mình. Giờ nó thành ra khốn nạn như vậy, đâu phải
lỗi tại nó.
Khương chán nản,
nằm vật xuống giường. Chàng cố nhấc hai chân lên, nhưng không thể được.
- Mình cũng như
thằng chết rồi!
Mắt chàng bỗng để
ý đến con dao díp, lưỡi thuôn thuôn nhọn vì đã bị mài nhiều lần. Con dao đó
chàng mua từ ngày còn khỏe mạnh, và đã nhiều lần dùng để hộ thân, vì độ ấy
chàng có bao nhiêu người thù, người sợ chàng! Nhìn cái mũi dao nhọn hoắt, chàng
lại nhớ những hôm hội họp với các bạn ở nhà ả đào dùng mũi dao để mở những hộp
thuốc phiện mới mua về. Chàng còn như trông thấy rõ trước mắt bàn tay của cô
đào yểu điệu tìm chỗ chích, rồi mũi dao cắm xuống, làm phọt lên một ít thuốc
phiện đỏ sẫm như máu đào. Khương bất giác với con dao díp, lấy ngón tay trỏ vờn
lưỡi để thử xem sắc, nhụt. Chàng nắm chặt cán dao trong lòng bàn tay, đưa lên
gần cổ. Chỉ một cái chích nhẹ vào gáy, một ít máu phọt ra, thế là hết. Văng
vẳng bên tai chàng mấy tiếng:
- Anh hùng rơm!
Anh hùng rơm!
Chàng sẽ yên lặng
không kêu một tiếng nào để tỏ cho vợ biết rằng mình cũng có can đảm, cái can
đảm cuối cùng, biết chết một cách lặng lẽ.
Bỗng chàng sợ hãi,
hai con mắt mở to chăm chú nhìn bàn tay nắm con dao. Cánh tay tự nhiên ngả dần
dần xuống chiếu và bàn tay mở ra; con dao lăn trên mấy ngón tay rồi rơi khẽ
xuống nền đất. Khương lẩm bẩm bằng tiếng Pháp:
- Không! Ta không
thể được.
Cánh cửa sổ hé mở
bị một cơn gió đóng sập lại. Trong buồng tối om. Khương thấy lạnh cả người;
những câu nhiếc của vợ, sự nhát gan lúc định quyên sinh đã làm cho chàng trông
thấy rõ cái chết của tâm hồn chàng. Chàng cảm thấy cái chết ấy ghê sợ bằng mấy
mươi cái chết thật, vì nó bắt chàng phải sống mãi, sống để mà biết.
Khương duỗi hai
tay, nhìn lên mái nhà. Một tia nắng lọt qua khe lá làm chàng nghĩ đến cảnh vui
sống của cuộc đời bên ngoài. Chàng tưởng tượng các ngọn cây đương phấp phới ánh
sáng, ngả nghiêng đùa với gió và những đám mây trắng đương nhẹ nhàng trôi trên
trời xanh cao...
Mấy cô con gái vừa
đi ngang qua vừa nói chuyện. Khương tưởng tượng họ đẹp lắm, người nào cũng khỏe
mạnh, má rám hồng vì nắng, và mắt trong sáng vì phản chiếu ánh trong trẻo của
trời thu.
Một tiếng cười
giòn sau một câu nói đùa, Khương nghe như là ở trên cõi sống đưa xuống, mà cái
buồng tối này chàng tưởng như là một cái áo quan lớn để chôn sống chàng.
Nhất Linh
Từ tập truyện ngắn
Tối tăm, Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1936
No comments:
Post a Comment