Thế Rồi
Một Buổi Chiều
Dũng bước trên con đường làng.
Ban trưa, đường vắng, tiếng gió thổi kẽo kẹt trong những rặng tre già lẫn với
một vài tiếng gà gáy xa xa đưa lại và tiếng trong trẻo của mấy đứa trẻ nô đùa
dưới ánh nắng ấm áp. Dũng cứ cắm đầu bước, tuy chàng vẫn biết rằng lần này khó
lòng thoát được; từ nửa đêm đến giờ, chàng đã chồn chân, đi hết làng này sang
làng khác, nhưng không có một nơi nào để chàng tạm ẩn.
Bên đường, cạnh vài gốc thông già,
mấy người con gái xúm quanh một cái giếng khơi đương kéo gầu lấy nước. Dũng
khát ráo cổ, nhưng vẫn không dám dừng lại xin nước uống, sợ người ta nhận biết
mặt mình. Chàng cắm đầu đi, văng vẳng nghe sau lưng tiếng gió reo trong rặng
thông, tiếng cười nói của mấy cô con gái và tiếng nước chảy từ gầu xuống giếng
sâu.
Đi gần hết làng, Dũng trông xa ra: ở
giữa tận chân trời, thấp thoáng có mấy nóc nhà gạch. Chàng biết đó là dãy phố
huyện V.D., chàng biết rằng chàng đã cùng đường, tiến không được nữa, lùi tất
gặp người đuổi mình. Chàng rẽ liều vào một cái ngõ con, đi hết một quãng, gặp
một cái cổng chùa, nửa khép nửa mở. Dũng chép miệng:
- Cứ liều.
Liều, vì chàng biết rằng vào đây chỉ
là đợi người ta đến bắt. Dẫu sao, khi đã khép cổng lại rồi, Dũng thở dài, người
như nhẹ hẳn. Một dãy hồng nở hoa, thoang thoảng đưa hương thơm. Dũng đi qua một
cái vườn rộng, vừa vào đến gần chùa, thì một vị sư bà chạy ra nói:
- ấy chết mời thầy ra ngay cho, chùa
này là chùa sư nữ ở.
Dũng ngần ngừ nhìn sư bà, rồi trả lời
ngớ ngẩn:
- Nhưng tôi đã trót vào rồi thì để
tôi vãn cảnh chùa đã.
Rồi Dũng nhìn ngang ngửa như một nhà
khảo cổ, ngắm nghía vẻ đẹp của nếp chùa. Thật ra chàng đương loay hoay tìm cách
ẩn thân, ngắm nghía mãi rồi sư bà cũng đến mời ra thôi.
Mười lăm phút sau, khi đã xem khắp
các nơi để tìm chỗ trốn, Dũng đứng vờ đọc những chữ mà chàng không hiểu trên
một tấm bia cổ. Bỗng có tiếng người đẩy cổng chùa. Chàng giật mình, lắng tai
nghe, nhưng lại yên tâm ngay vì thấy có tiếng cài then cửa lại. Chắc là có
người nào ở trong chùa vừa đi đâu về. Dũng thấy động sau lưng, quay lại: đôi
mắt hoa đương đăm đăm nhìn chàng, đôi mắt ngạc nhiên của một cô sư trẻ tuổi.
Dũng như không để ý đến người sư nữ,
lại vờ nhìn bia.
Một lát sau, sư bà lên cùng với sư cô
trẻ tuổi, vừa cất tiếng mời Dũng ra, thì ngoài cổng có tiếng đập mạnh. Ba người
cùng lặng yên, lắng tai. Dũng tiến đến gần sư bà, van lơn:
- Bạch sư bà, tôi sống chết bây giờ
là ở tay sư bà, xin sư bà thương mà cứu tôi. Họ sắp vào bắt tôi, tôi... một
người...
Tiếng sau cùng chàng nói thật khẽ,
nhưng hai nhà sư cùng nghe rõ, và thấu ngay tình cảnh nguy cấp của người khách
lạ thăm chùa.
Sư bà đưa mắt nhìn sư cô, còn sư cô
vẫn đăm đăm nhìn Dũng không chớp. Tiếng gõ cổng ngoài một lúc một mạnh.
Dũng nói:
- Sư bà cho phép tôi đi trốn... Nhưng
ẩn đâu. ẩn đâu bây giờ?
Trong lúc sư bà còn đương lưỡng lự
chưa biết xử trí ra sao, thì sư cô điềm nhiên, nói một cách bình tĩnh như
không:
- Được, ông vào buồng tôi mà ẩn.
Rồi cô lấy tay chỉ về phía nhà trái,
bảo Dũng:
- Ông xuống ngay đi!
Tuy đương lo sợ, hốt hoảng mà Dũng
cũng phải lấy làm ngạc nhiên về cử chỉ của cô sư. Chàng thoáng thấy một vẻ đẹp
oanh liệt, lạ lùng hiện trên nét mặt dịu dàng của người sư nữ đã điềm tĩnh tìm
cách cứu chàng, che chở chàng như một người chị.
Trong lúc Dũng ở trong buồng tối, nép
mình sau mấy bức hoành phi và câu đối, thì sư cô lên tiếng hỏi người gõ cổng:
Một lát sau, Dũng thấy có tiếng người
đàn ông nói:
- Lạ thật! Có người bảo đi vào ngõ
này mà tìm đâu cũng không thấy.
Và tiếng người sư nữ đáp lại:
- Chùa này lúc nào cũng đóng cửa, ai
vào được đây.
- Họ trèo tường vào.
- Các ông thử đi xem.
Tiếng sư cô trả lời bình tĩnh như
không, im một lát, rồi Dũng thấy tiếng chân đi về phía cổng và tiếng cài then.
Chàng vững tâm lại gần cửa nhìn qua khe ra ngoài, thấy hai sư đương đứng ở sân
bàn chuyện.
Sư bà nói với sư cô:
- A Di Đà Phật! Bây giờ làm thế nào?
- Bạch sư bà con nghĩ nên để cho
người ta ẩn đến chiều.
- Thế ngộ làng nước...
- Bạch sư bà... ai biết được.
Thoát nạn, Dũng bước ra, đến gần hai
nhà sư ân cần tạ ơn và xin đi ngay để khỏi phiền lòng hai nhà sư.
- Không sao, ông cứ lánh ở nhà chùa,
đợi đến xâm xẩm tối hãy đi. Bây giờ ra ngay thế nào được. Họ biết thì lôi thôi
đến cả nhà chùa nữa.
Sư bà gật đầu cho là phải và khi thấy
Dũng có vẻ mệt, liền ân cần hỏi:
- Thầy chắc đói lắm.
Rồi quay lại bảo sư cô:
- Sư cô lên lấy ít oản chuối xuống
đây để thầy ăn cho đỡ đói.
Sư cô lên chùa rồi đem xuống một đĩa
đầy oản chuối, đặt trên bàn, mời:
- Có ít lộc Phật, ông vào xơi nước.
Bây giờ Dũng mới để ý đến giọng thanh
tao của vị sư nữ, đến đôi bàn tay xinh xắn, trắng trẻo đương nhẹ nhàng xếp lại
mấy phẩm oản, và đôi bàn chân nhỏ nhắn trong dép da mộc mạc.
Chàng đói bụng, nên ăn có dáng ngon
lành. Rồi trong khi uống nước, chàng nói chuyện với hai nhà sư về cuộc đi trốn
của chàng trước khi đến chùa; thấy hai nhà sư ân cần hỏi han, chàng đem đời
mình ra kể qua loa bằng một giọng thành thực và tự nhiên. Chàng sẵn có tài nói,
nên dễ cảm động người nghe. Sư bà chốc chốc lại điểm hai tiếng: tội nghiệp. Dần
dần, Dũng biết rằng ông cụ thân sinh ra sư bà trước kia cũng đã gặp cảnh ngộ
giống như cảnh ngộ của chàng. Bấy giờ chàng mới hiểu vì cớ sao sư bà không sợ
gì tội lỗi, hiềm nghi, để cho chàng ẩn vào buồng sư cô. Còn sư cô từ nãy đến
giờ vẫn ngồi yên, không nói nửa lời, mắt nhìn ra sân vẻ mặt lạnh lùng, bí mật,
có dáng nghĩ ngợi.
Nhất Linh
(còn tiếp phần 2)
No comments:
Post a Comment