Tuesday, June 27, 2017

Ngồi Đó Mùa Thu Về - Thuyên Huy


Ngồi Đó Mùa Thu Về
Để tặng Thu Hồng


 










Người ngồi đó mùa thu về trước mặt
Vàng lá rơi ray rứt khúc biệt hành
Quanh đâu đây mưa buồn mưa héo hắt
Nghe tình sầu rớt từng giọt mong manh

 
Đem nhung nhớ trả về ngày tháng cũ
Thả tiếc thương bay theo gió ngậm ngùi
Người bật khóc theo muôn chiều lá đổ
Nửa kiếp đời cứ thăm thẳm mù khơi

 
Đường vẫn dài dấu chân người qua đó
Cũng con chim hoang trên tượng đá gầy
Bài hát quen lê thê chiều quán nhỏ
Người muộn màng nuối tiếc thoáng hương say

 
Người ngồi đó mùa thu chưa đi vội
Lối về xa xếp lại áo thu vàng
Lá thư xưa lời thương yêu đã mỏi
Chút lệ tình cho hồn quấn khăn tang

 
Thuyên Huy
Giữa thu Broken Hill 2015

 

 

Phạt Những Nhạc Phẩm Trước 1975:Khởi Đầu Của "Cách Mạng Văn Hóa" ở Việt Nam - VOA



304Đen đăng lại một bài viết từ đài VOA về nhạc của VNCH, để quý anh chị đọc cho biết một số ý kiến khác biệt với “nhà nước ta”, nhất là hai chữ “cường quyền” ở đoạn cuối cùng. Nếu được những chữ “thành phố hồ chí minh” xin đọc là Sài Gòn

 


Phạt những nhạc phẫm trước 1975: Khởi đầu của ‘Cách mạng Văn hóa’ ở Việt Nam?

    Nghị định 28 của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam được ký ngày 20/3/2017 và sẽ có hiệu lực từ ngày 5/5/2017.

Theo nghị định này thì ‘bán, cho thuê, lưu hành ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp phép; tàng trữ, phổ biến trái phép tác phẩm chưa được phép phổ biến sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.” Mức phạt tăng đến 25 triệu đồng cho “hành vi nhân bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu bị cấm lưu hành.”

Được biết nhiều tác phẩm âm nhạc sáng tác trước 1975 đang được công chúng Việt Nam yêu thích cho đến nay vẫn chưa được cấp phép.

Nghị định này đang gây nhiều tranh cãi, đặc biệt chỉ hơn một tuần sau khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975.

Anh Nguyễn Bắc Truyển, nhà hoạt động nhân quyền tại thành phố Hồ Chí Minh nhận xét về nghị định này như sau:

“Họ ra một văn bản hướng dẫn phạt người phổ biến các bài hát bị cấm, và các vấn đề cấm khác nữa. Tôi cho rằng họ truy cùng diệt tận. Họ muốn tiếp theo việc tạm ngưng các tác phẩm về nghệ thuật thì phạt những người không tuân thủ. Tuy nhiên, họ nhắm vào các show tổ chức là chính, còn trong dân chúng thì chúng tôi thấy người ta vẫn hát và hát nhiều lắm. Những quán nhỏ hát cho nhau nghe, họ vẫn còn hát. Và hình như họ phớt lờ lệnh cấm này. Tôi cho rằng người ta sẽ tiếp tục hát, vì trên 40 năm qua, các bài hát dù bị cấm nhưng vẫn tồn tại. Nó có một sức sống mà càng ngày giới trẻ càng yêu thích.”

Vì sao công chúng yêu mến ca khúc trước 1975?

Nhiều nhạc sĩ cho rằng kiểm duyệt ca từ và dừng lưu hành 5 ca khúc là không cần thiết. Đồng thời có ý kiến cho rằng sự trở lại của dòng nhạc xưa này cho thấy nền âm nhạc Việt Nam đang có “nhiều vấn đề” vì cơ chế quản lý của nhà nước rất xa vời với thị hiếu nghe nhạc của công chúng.

Từ thành phố “Hồ Chí Minh”, nhạc sĩ Lê Minh nhận định về sự trở lại của dòng nhạc sáng tác trước năm 1975:

“Hiện nay công chúng lưu ý đến các tác phẩm trước 1975 nhiều hơn. Các tác phẩm sau 1975 có nhiều bài có ngôn từ rất nhếch nhác và không bao giờ bị thỏi còi về vấn đề đó. Bây giờ nó tạp nham lắm mà không thấy nói, mà chỉ soi và mổ xẻ mấy chuyện xa xưa.”

Trước đó Cục Nghệ thuật biểu diễn ra quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương).

Nhạc bolero mà có người gọi là “nhạc vàng”, hay “nhạc sến” là dòng nhạc thịnh hành và được hâm mộ trước năm 1975. Nhưng gần đây bolero bỗng trở thành một “món ăn” tinh thần thời thượng của khán giả, nhất là sau sự quay trở về của rất nhiều nghệ sỹ hải ngoại thành danh với dòng nhạc này, như tờ An ninh Thủ đô nhận định.

Dòng nhạc bolero từ khi ra đời đến nay luôn tồn tại song song với dòng chảy âm nhạc Việt, cho dù xuất hiện nhiều xu hướng âm nhạc mới khi hội nhập với âm nhạc thế giới nhưng bolero vẫn có chỗ đứng riêng biệt trong lòng khán thính giả, đặc biệt ở lớp người cao tuổi, những người có tuổi trẻ gắn liền với dòng nhạc này.

Phát biểu trên VOV hôm 17/3, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, người từng làm công tác tuyên huấn, công nhận có một sự bùng nổ của dòng nhạc bolero trong mấy năm gần đây, nhưng ông nói thêm rằng “đây là một hiện tượng bình thường”. Theo nhạc sĩ Thụy Kha, nhạc bolero “là dòng nhạc bình dân, phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. …Sự bùng nổ này không làm ảnh hưởng gì đến nền âm nhạc Việt Nam, cũng không khẳng định một điều gì. Sự xuất hiện của chúng là lẽ tự nhiên bởi đó là những phản ánh chân thực về thời cuộc. Bởi vậy cần để chúng tồn tại.”

Tuy nhiên, hôm 16/3, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu phát biểu trên trang VTC.vn rằng 5 bài hát này “có rất nhiều vấn đề về mặt tư tưởng”. Ông Lưu nói thêm với VTC như sau: “Những bài hát viết về người lính Cộng hòa sẽ khiến cho một bộ phận giới trẻ phân tâm, lo lắng. Họ sẽ đặt ra câu hỏi, liệu con đường mình đang bước đi có đúng không, hay cái kia mới đúng.”

Anh Nguyễn Bắc Truyển nhận xét về dòng nhạc xưa như sau:

“Nó nói lên cái tình, cái tấm lòng của người lính trong thời chiến tranh. Họ không có gì là hận thù, là sắt máu cả. Đó là tình cảm của họ trong thời chiến. Đó là tình yêu lứa đôi dành cho nhau. Vậy thôi.”

Nhạc sĩ Lê Minh nhận định rằng, khi công chúng, trong đó giới trẻ, không thấy cái mới hay thì họ quay về cái cũ:

“Thật ra khi cái mới không đáp ứng đủ nhu cầu, cái mới không hay hơn, không có cái gì đặc biệt hơn thì người ta quay về cái cũ. Vấn đề là có cung thì có cầu. Đó là vấn đề phát triển theo xu hướng của xã hội.”

Ngoài ra, nhạc sĩ Lê Minh cho biết thêm thực tế tình hình âm nhạc Việt Nam rất khác với những gì báo chí Việt Nam nêu. Ông chia sẻ những điều ông từng quan sát tại Việt Nam:

“Nếu ở Việt Nam khi nghe các chương trình Hát với nhau hay tại các tụ điểm karaoke thì người ta hát cái gì? Người ta không hát nhạc ‘đang thời trang’ đâu, có chăng là một số ca khúc dân ca mới, bolero mới, còn đa số ‘sang’ thì họ hát nhạc của Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn…mà còn ‘bình thường’ thì người hát nhạc Trúc Phương, Lam Phương. Đa số là như vậy. Mình đi tới đó mình mới thấy rõ như vậy. Còn mình coi trên các phương tiện truyền thông thì có khi nó không phải như vậy. Tôi ủng hộ xu hướng sáng tác bằng tâm hồn, sáng tác không định kiến. Và để người nghe có quyền lựa chọn.”

Nhạc bolero tồn tại và giữ được giá trị là chính bởi tính “bình dân” của nó, bởi “giai điệu và ca từ của hầu hết các ca khúc thường là những câu chuyện về tình yêu, về cảm nhận xã hội, tâm tư tình cảm của con người,” trang Vietnammoi.vn nhận xét.

Ngoài các chương trình băng đĩa và công diễn, sự bùng phát những game show ca nhạc trên sóng truyền hình thời gian gần đây đã làm cho nhu cầu sử dụng các ca khúc xưa ngày càng trở nên bức thiết.

Báo Người Lao động nhận định về hiện tượng công chúng Việt Nam đam mê ca khúc xưa như sau: “Khi các ca khúc mới không đáp ứng được nhu cầu về nội dung lẫn nghệ thuật, nhiều ca sĩ trình diễn, nhà sản xuất chương trình lại tìm kiếm các ca khúc xưa. Sự bùng nổ của các chương trình boléro hiện nay là một minh chứng.”

Một cuộc cách mạng văn hóa ở Việt Nam?

Trả lời câu hỏi rằng liệu đây có phải là khởi đầu cho một ‘cuộc Cách mạng Văn hóa’ ở Việt Nam, anh Nguyễn Bắc Truyển cho biết:

“Tôi nghĩ là khó trong thời điểm này lắm. Ngày xưa thì có những vụ án như ‘Nhân văn Giai phẩm’ hay thời kỳ văn hóa của Trung Cộng. Đối với tình hình hiện nay thì khác biệt rồi: đó là truyền thông Internet. Trước đây hoàn toàn không có. Nhà nước có thể dùng quy định hành chánh để đàn áp, cấm đoán, nhưng người dân có một kênh riêng để phổ biến. Hơn nữa, hàng ngày người ta đi hát dạo trên đường phố vào buổi tối. Họ hát những bài nhà cầm quyền không cho phổ biến. Nhưng họ vẫn hát, vẫn ca, vẫn trình diễn trên đường phố. Tôi nghĩ rằng nếu nói có một vụ ‘Nhân văn Giai phẩm’ hay một cuộc ‘Cách mạng Văn hóa’ giống như Trung Cộng thì khó xảy ra lắm.”

Phải chăng chính quyền Việt Nam đang lo lắng vì không ngăn được những giá trị văn hóa trước năm 1975 của chính quyền Sài Gòn nay bùng phát trở lại miền Nam và nhiều nơi khác, khởi đầu bằng âm nhạc? Ông Nguyễn Bắc Truyển cho VOA biết rằng “càng cấm đoán, người ta càng rủ nhau hát nhiều hơn, vì tài sản lớn nhất của con người là văn hóa chứ không là cường quyền.”

Theo VOA/TDc

 

 

Nơi Ấy Vẫn Còn Bão Tố - vkp Công chúa nhỏ


NƠI ẤY VẪN CÒN BÃO TỐ 



 









Em muốn chôn tình mình vào quá khứ
Nhưng con tim không chịu mở vách ngăn
Nên cứ tuôn giọt nước mắt khô cằn
Chìm đắm bâng khuâng ngại ngần nuối tiếc...

*
Cà phê đắng nhớ nụ hôn ly biệt
Mặn bờ môi... sợ lệ ướt phi trường
Nuốt vội vào lòng... ôm nỗi nhớ thương
Nhìn con tàu lướt trong mây nắng gió!

*
Tri kỷ mất rồi, tri âm còn đó
Núi cao biển rộng ngăn suối cách sông
Lời xa vạn dặm sao đủ ấm lòng?
Biền biệt phương trời... chìêm bao hình bóng

*
Từ dạo ấy em vẫn luôn trông ngóng
Mong gió giao mùa mang lại người xưa
Nắng nóng ra đi, mát dịu mùa mưa
Nhưng ở nơi anh còn hoài bão tố!!!

           
Saigon 21/6/2017
Vkp công chúa nhỏ

 

 

Đường Về Nhà - Nguyễn Ngọc Thuần


Đường về nhà
 
 
 
Đó là căn nhà trên đồi, mỗi buổi chiều mẹ tao ngồi ở đó. Tao sẽ làm gì ấy à, chẳng làm gì, tao ngồi trong căn nhà thế thôi. Điều đó không êm ái, dịu dàng à?

Tôi đã được nghe câu nói này vào một đêm, người nói chuyện với tôi là Toản. Ngồi bó gối và say khướt. Tôi đến ở ké phòng trọ của nó. Đáng lý tôi cũng chẳng đến nhưng chẳng còn con đường nào. Sự run rủi đôi khi lại là một cơ may.

Ai cũng cần một căn nhà. Điều này được viết ở đâu đó, hay tôi viết ra cũng không biết nữa. Nếu đó là căn nhà của tôi, nó sẽ ra sao? Trồng Lan à, tên của nàng. Những người tên Lan, Điệp, Phượng đều nhạt nhẽo. Mẹ tôi nói vậy. Những người tên Yến thường trắng trẻo. Lan là người yêu của tôi, nhạt nhẽo thì cũng là người yêu của tôi.

Có một khoảng thời gian dài, trước khi muốn tìm hiểu ai tôi đều hỏi tên rồi gọi điện về cho mẹ. Tôi chẳng tin cái trò này nhưng vẫn thích vậy, thích nghe cách mẹ nói. Con đố  mẹ, người tên Dung thì thế nào? Trời ạ, con không thấy cái tên đó không hề có một chút màu sắc hay sao? Mẹ thích nhất là những người tên Thoa. Những người tên này dám lam lũ một đời vì chồng. Sau này tôi hiểu ra những cái tên mẹ cho là nhạt nhẽo thường là tên mang cấu trúc thực vật: Lan, Huệ, Cúc, Hồng, Phượng...

Đôi khi tôi cũng nảy ra ý định đi tìm người tên Thoa xem sao. Cái tên này được xem như một biểu tượng chịu đựng trong tôi. Nhưng hình như đời sống bây giờ những cái tên này gần như tuyệt tích. Tôi nói với mẹ như vậy.

- Rất tiếc cô Thoa mày đã chết rồi, lại chết từ thời chiến tranh, nhà cũng chẳng có lấy một tấm hình để thờ. Nếu không mẹ sẽ đưa cho con xem.

Cô Thoa. Cô Thoa bán nhà để chạy chữa thuốc thang cho chồng, cô đi chưa qua khỏi chiến tranh đã chết. Cô chưa có dịp cất nhà lần thứ hai. Cô chỉ có một căn nhà đã mất, cho một cuộc đời đã mất.

- Với tao, ngôi nhà như một biểu tượng yên lành - Toản nói.

Tôi ở với Toản được một tháng thì cả hai dọn qua phòng trọ khác. Người chủ nhà cũ không thích những kẻ về khuya. Một lũ trác táng, trong mắt của bà tôi đọc được điều đó. Bà tên Hạnh. Có nói gì nhiều thì cũng không thể thay đổi con mắt của bà.

Tôi gọi điện về cho mẹ.

- Đố mẹ, người tên Hạnh thì thế nào? - Tôi nín thở để nghe điều này.

- Người tên Hạnh ấy à, để mẹ xem, thường thì đoan trang hơn mức cần thiết.

Hình như mẹ tôi nói vậy. Tôi rú lên, trúng phóc. Ít ra thì cũng đúng trong trường hợp này.

Xem ra trên cõi đời để có một cái tên khó lắm thay. Một cái tên lưu lại, một cái tên để ta có thể yêu, để hi sinh cho nó. Bạn thân tôi tên Quốc, Hà, Thảo..., đôi khi tôi cứ đoán mò họ tượng trưng cho điều gì. Nhưng hoàn toàn không bao giờ hỏi mẹ. Một đời sống con người có dễ dàng đoán định thế chăng?

Căn phòng mới thuê nhỏ hẹp như một giấc mơ tầm thường. Cổng vào đơn độc, bẩn thỉu. Nằm cao vút trên tầng năm. Muốn vào giấc mơ này tôi phải đi 120 bậc thang và qua một hành lang đầy trẻ con. Không biết tại sao chúng nhiều đến thế, trần truồng đen đúa. Tôi hay nhìn chúng, tuổi thơ của tôi nằm trong đám này đây, thò lò mũi dãi, thiếu chăm sóc. Bố mẹ của chúng gần như tôi không nhìn thấy. Họ đi từ sáng sớm, nửa khuya mới về. Đứa lớn lo cho đứa nhỏ. Đôi khi tôi có nghe tiếng cha mẹ nó cười, yên lành, trần trụi. Sự yên lành này như mang trong mình một cơn bão, chúng có thể cuốn đi bất cứ lúc nào.

Một đôi lần tôi đi qua đi lại trước căn phòng của họ, tôi muốn nhìn thấy khuôn mặt người đã cười kia. Nhưng thường thì chỉ thấy cái bóng. Họ đang ôm đứa con của mình, họ đang ôm cái mớ giẻ rách thần thánh của mình. Và cái bóng bật cười khanh khách.

Đêm nằm tôi nghĩ về họ, nghĩ về tiếng cười. Bởi tôi thừa biết họ chỉ có thể cười trong giây phút ngắn ngủi thôi, sau một ngày làm việc mệt nhọc không còn kẽ hở. Cái kẽ hở ấy họ dành cho cái mớ giẻ rách kia. Cả một đời sống to lớn hùng vĩ bên ngoài đã được cất đi trong bóng đêm như vậy.

Những ngày tháng thất nghiệp nối tiếp, tôi chơi với đám trẻ con. Tôi cho chúng nó một niềm tin rằng có một ngôi nhà dành riêng cho chúng. Ở đó người ta có thể ngoáy mũi mà không bị người lớn la. Có thể ăn bánh như một ông hoàng, và dĩ nhiên ở đó người ta bình thản trong nỗi buồn.

Ý tưởng này đến với tôi có lẽ từ ngôi nhà của Toản. Nó thường say ngất vào những ngày nghỉ. Mặc dù nó chỉ bằng tuổi tôi thôi. Mặt nó già choắt. Tôi đếm được bốn nếp nhăn. Đáng sợ lắm. Điều đó có nghĩa rằng một lưu lượng thời gian lớn hơn tôi tưởng đã trôi qua, chúng trôi nhạt nhẽo và buồn phiền. Trôi không nhìn thấy.

Một đôi lần tôi ngồi uống với nó. Toản nói.

- Tao vừa nghĩ ra một điều như thế này, ngôi nhà chính là dấu ấn về một con người, về khả năng của họ gắn bó với một địa điểm. Mẹ tao suốt cuộc đời không bao giờ ra khỏi căn nhà của mình.

Hôm đó Toản bốc hàng cho một người nước ngoài, một ông tây già cỗi ở bến đỗ xe. Cái vốn ngoại ngữ kha khá bỏ ngang ở đại học thường giúp nó vớ bẫm những cú như vậy. Ông ta khoảng chừng năm mươi, có một đứa con gái nõn nà. Và Toản gọi cô ta là “người huyền bí”. Một tiêu đề hống hách có thể cầm chân mọi câu chuyện.

Nó được ông ta dẫn về nhà, khu biệt thự cho thuê, có hồ bơi. Ngẫm nghĩ thế nào nó xin ông ta được tắm ở đó.

- Đúng là điên thật! - Tôi thốt lên.

- Nhưng chẳng sao - Toản cười - Hồ nước xanh lắm. Khi tao đang tắm thì “người huyền bí” đi ngang. Tắm xong tao xin ông ta được lên sân thượng chơi. Tao xin đến ba lần. Chắc ông ta sợ tao là kẻ cướp. Tao nói với ông ta vẻ đẹp của một ngôi nhà không phải nó mang trong mình một kiểu cách gì, mà nó đẹp ở chỗ từ sân thượng nhìn ra bầu trời trong vắt thế kia. Lưỡng lự một hồi ông ta quyết định cho tao lên. “Người huyền bí” cũng lên theo. Đứng trên cái sân thượng đẹp đẽ đó ta muốn lao mình ra ngoài dễ sợ. Nếu có được một căn nhà như vậy thì cú nhảy của tao chẳng nhằm nhò gì so với vẻ đẹp của nó.

Đó là một căn nhà bốn tầng, rất nhiều bancông. Cầu thang lên tay vịn bọc đồng. Trên đó có một bộ bàn ghế giản dị và một chiếc dù. Những buổi chiều xuống ông tây đã ngồi ở đây. Ông ta uống rượu tây. Ông ta nhìn xuống buổi chiều đẹp đẽ, nhìn xuống những hàng cây.

- Mày tưởng tượng nổi không, “người huyền bí” mời tao một ly rượu rót từ chai rượu của bố. Thế rồi cả ba chúng tao cùng uống. Ông ta kể tao nghe về một căn nhà xa xôi nào đó ở nước ngoài. Mùa đông tuyết đã rơi xuống như thế nào. Trên bancông màu trắng tuyết của chúng như một biểu tượng thanh khiết và bi thảm. Ông ta co ro trong sự cô đơn và mơ về một nơi nắng đẹp. Ông ta khát khao một tia nắng. Một tia nắng như ngoài cửa sổ này đây.

Và Toản đã kể cho ông ta nghe về căn nhà tưởng tượng của nó. Cái thứ ánh nắng như vậy không thiếu đâu. Một lũ gà, trời ơi, chúng nhàn nhã như thế nào, đi lại trong sân. Lũ gà mái đã đẻ ra những quả trứng thơ mộng trinh trắng nhất...

- “Người huyền bí” khen tao kể chuyện hay, còn ông bố bắt tao uống đến say bí tỉ. Uống xong, tao xin tắm một lần nữa. Trời ạ, mày tưởng tượng đi, thế giới này mà không tưởng tượng thêm thì con người chắc phải chết vì nghèo; hồ bơi rộng khủng khiếp, từ đầu này đến đầu kia cũng phải 25m. Người tao ướt đẫm, lạnh run, nhưng vẫn muốn tắm. “Người huyền bí” cho tao một cái khăn thơm ngát. Riêng người bố hẹn tao một lúc nào đó rảnh rỗi đến chơi. Tao đã là khách của họ. Và tao đã hứa. Chuyện chỉ có vậy.

Một hôm ngoài hành lang có tiếng cãi vã nhau rất lớn. Đó là mẹ của thằng bé mà tôi thương nhất, tôi thương nó vì nó chảy mũi dãi nhiều nhất. Nó gợi cho tôi nhớ về tuổi thơ của mình nhiều hơn cả, như một biểu tượng cô đọng, đặc quánh. Những đứa ít chảy mũi không làm tôi nhớ nhiều. Ngày xưa tôi không hề chảy mũi như nó đâu, nhưng hình như với cái biểu tượng như thế mới làm tôi nhớ sâu sắc hơn. Mẹ nó đang bị chủ nhà mang đồ ra để ngoài cửa. Có lẽ cô ta chưa trả tiền nhà. Những lần trước cũng thấy bị vậy nhưng sau đó thì lại dọn vào. Cũng có thể đã có tiền trả chủ nhà hoặc họ cho nợ gì đó. Tôi không rành lắm nhưng có thể đoán ra.

Nhưng lần này có vẻ khác hơn, cô ta ngồi khóc. Thằng nhóc đứng bên mẹ. Mũi nó chảy dài ra. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bố nó hoặc bất cứ bóng dáng một người đàn ông nào trong căn phòng đó. Chỉ có hai mẹ con. Thường thường cô ta ghé về nhà vào lúc trưa trật và sau đó đi tiếp đến nửa khuya. Thằng bé tự ăn tự ngủ. Có hôm thấy nó nằm trên vách cầu thang ngủ thiếp đi. Có lẽ nó trèo lên tuột xuống chán chê thế là cơn buồn ngủ ập đến. Tôi ẵm nó vào nhà. Vừa ẵm vừa thấy ghê ghê cái phần mũi dãi.

Có một lần tôi tắm cho nó vào ban trưa. Chẳng hiểu nghĩ gì, chỉ chợt nổi hứng bất thường vậy thôi, một chút lãng đãng đâu đó trong người còn sót lại khiến tôi làm việc này. Tắm rửa xong, khuôn mặt nó bỗng sáng bừng đến không tin nổi. Giống như có một thiên thần nằm đâu đó bên dưới lớp da bẩn thỉu kia. Đến chiều nó nhếch nhác trở lại. Thiên thần cũng chẳng thấy đâu. Và Toản kết luận rằng những thiên thần đến rồi đi, và cái nguyên nhân sâu xa nhất đó là sự nghèo khó, sự nghèo khó đã giấu đi những thiên thần. Tôi cho đây là một câu trả lời hay nhất về sự hiện hữu của những thiên thần.

- Thế giới này có gì nào?

- Đó là một căn nhà - Toản trả lời như đinh đóng cột - Người đàn bà kia đã bị lấy đi cái thế giới mà cô ta cần. Sự hiện hữu của cô ta chứ đâu.

Hai ngày sau, không một lời từ biệt, cô ta lặng lẽ ra đi. Cô ta cũng không có ai thân quen để mà nói điều này. Những khoảnh khắc của sự giao tiếp đã bị cắt xén một cách tồi tệ. Vì đâu, chỉ vì miếng ăn thôi. Chúng đã trám vào cái thế giới đáng lý cô ta sẽ được rảnh rỗi gặp gỡ người này người kia, trao đổi, hàn huyên, được cởi bỏ tấm lòng mình. Mười hai giờ đêm cô ta mới về đến nhà thì thử hỏi làm sao, chỉ còn lại một đứa con thò lò mũi dãi thôi.

Ba hôm sau tôi nhận được một công việc - là ngày vui của tôi. Tôi kéo Toản đi làm vài chai bia, trả thù những ngày đói meo. Vả lại tôi muốn nhắc nhở cho nó thấy rằng những chai rượu đầy cồn của nó thật tồi tệ. Chúng cũng là men đấy - một sự tồi tệ, nhưng có những chất men tồi tệ khác thanh tao hơn, nó được nấu bằng lúa mạch. Nó được ủ trong những hầm kín, trưng bày sang trọng trong những khách sạn đắt tiền.

Khi uống được ba chai bia thì thằng Toản khóc.

- Khốn nạn thật, mày sỉ nhục tao đấy à!

Một điều ngoài dự đoán của tôi. Cả hai lầm lũi bỏ về. Đường về xa lắc, qua hai cây cầu. Qua hai cây cầu tức là qua hai con sông. Người xưa xem chuyện qua sông như một biểu tượng của sự xa cách. Như đi qua một quãng đời. Tôi chưa đi hết một phần ba cuộc đời thế mà đã nhìn thấy sông rồi. Chiếc cầu thứ hai bỗng dưng làm tôi e dè ở đó.

- Thôi quên đi. Nhiều lúc sao tao đau đời đến thế - Toản nói - Chúng mình ghé chỗ lão già nước ngoài chơi đi. Lão dễ thương lắm. Tao sẽ cho mày thấy thế nào là một hồ bơi dài 25 mét, vuông vắn và hoàn toàn nằm trong nhà.

Chúng tôi quay lại khu biệt thự. Ngay từ xa tôi đã nhận ra cái bancông mà thằng Toản nói. Nó đẹp quá. Như một giấc mơ lạ lùng của kẻ không nhà, của những kẻ tha phương đến tìm kiếm sự hiện hữu. Thằng Toản mạnh dạn đến nhấn chuông.

- Tao quên mất, không mua cái gì đó làm quà cho lão - Toản nói - Người già giống như một lần nữa trẻ con, họ chỉ chờ đợi những điều như thế.

Cửa mở. Một người phụ nữ bước ra. Tôi giật mình. Đó là mẹ của thằng bé thò lò mũi dãi.

- Chị đấy à? - Tôi thốt lên.

- Các cậu là ai?

- Tụi tôi là người thuê nhà gần chỗ chị hôm trước đấy.

- À, thì ra là vậy. Tôi vừa được người ta thuê coi nhà này hai hôm nay. Tôi sẽ ở đây cho đến lúc có người khác thuê thì đi.

- Thế thằng bé đâu rồi?

- Nó ngủ. Các cậu còn nhớ nó à? Căn nhà này mát lắm nên nó ngủ suốt ngày, chẳng thèm đòi ăn nữa. Từ nhỏ đến giờ nó chỉ toàn ở trong những căn nhà nhỏ và nóng.

- Thế chị có biết ông tây vừa mướn căn nhà này đi đâu không? - Ông ta chết rồi. Nhảy lầu, tự tử. Có như thế người ta mới thuê tôi đến đây. Những người phục vụ cũ bỏ đi hết. Họ sợ. Tôi cũng sợ, nhưng để có nhà cho thằng bé ở, đành cắn răng.

- Chị có biết tại sao ông ta tự tử không?

- Nghe nói ông ta không có nhà, không người thân. Ông ta là tây nhưng cũng không có nhà. Ông ta dành dụm được một ít tiền và đến đây để chết. Ông ta thèm nhìn ánh nắng.

Chúng tôi lặng người. Thì ra cũng vậy, những kẻ đi tìm. Những kẻ đi trên cỏ non dự tưởng. Tính hết mùa hè này tôi đã ở thành phố 11 năm. Tôi đã thay đổi giấc mơ 27 lần cả thảy về một căn nhà. Đầu tiên là một căn nhà vĩ đại, và cứ tiếp nối nhau nó thu hẹp dần lại, bây giờ nó chỉ là một căn nhà cũ kỹ, nhỏ bé, xa ngút ngàn. Cái chết của ông tây đã nhắc nhở tôi không phải chỉ ở đây, mà còn ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, không chỉ 11 năm, có đôi khi giấc mơ kéo dài hết cả cuộc đời.

- Thôi, thế là ông ta đã về nhà rồi - Toản nói như muốn khóc - Em còn nợ ông ấy một lần đến thăm.

- Em quen ông ta à?

- Em cũng không biết nữa. Thôi, chúc chị may mắn. Tụi em về đây.

Có tránh né thì con sông cũng hiện ra ở cuối con đường. Đường về nhà. Đường về nhà sao xa quá. Đi mãi sao không tới, đi mãi vẫn không thấy, nó nằm quá xa khỏi tầm mắt tôi.

Thế bạn hỏi cô gái huyền bí con của ông tây đâu ư? Có cô gái nào đâu. Thằng Toản đã thêm cô ta vào, như chúng tôi đã từng thêm vào đời mình những điều huyền bí, những điều bí mật, những điều mà cuộc sống xa nhà không bao giờ có. Ông ta là một kẻ cô đơn.

 
NGUYỄN NGỌC THUẦN
304Đen - Llttm

 

 

Saturday, June 24, 2017

Xin Được Làm Người Có Tội - Thuyên Huy


 Xin Được Làm Người Có Tội

Để tặng đám bạn đã có thời làm PQT ở miền cao, mưa rừng gió núi của những năm 1974
 

 

    Chiến cuộc cứ ngày càng tăng mà không thấy giảm, Kontum cũng không khác gì hơn, những ngày mới lên nhận chức còn sờ sợ chút đỉnh nhưng rồi thì, tiếng súng, tiếng bom, ngày cũng như đêm, từ miệt trên tam biên xuống hay dưới vùng biển mặn lên, xa phía rừng núi, gần bên chợ bên làng, nghe riết rồi quen tai, tập cứ phớt lờ đi như lời thiếu tá Hiếu, quận trưởng Đắk Tô, thượng cấp của Quyền, thì “mọi việc sẽ đâu vào đó”, quả đúng vậy, với Quyền, bây giờ thì “mọi việc đã đâu vào đó”. Chuyện đi lên đi xuống từ quận tới xã, từ xã lên quận, sớm đi chiều về, theo bên mình, hai ba anh lính nghĩa quân, súng mang đạn quấn, có mà có cho vui, để chạy cho khỏi mấy vụ phục kích lẻ tẻ của đám du kích địa phương, chứ gặp quân bộ đội Bắc Việt thì, phó mạng số trời, tuy nhiên còn may, chưa lần nào chạm họ, mặc dù ai cũng biết, không phải người thôi mà xe tăng đại pháo của họ đã có mặt cả một khu rừng tam biên từ lâu lắm rồi. Việc quân đoàn 2 của VNCH cho tăng cường lực lượng ở phía bắc Kontum, gồm cả quân tiếp vận từ dưới Bình Định lên, đóng bản doanh tại Tân Cảnh, chưa kể căn cứ bộ chỉ huy của trung đoàn 42 bộ binh gần ngã ba quốc lộ 14 và tỉnh lộ 512, quận nơi Quyền đang làm việc, xem ra có an ninh hơn và làm cho dân chúng yên tâm đôi chút.

    Trời đầu mùa hạ, rừng núi bớt sương mù, đã có nắng sớm và chút âm ấm, xuống tới xã Đắk Rơ Nga, trời sắp vào giữa trưa, dân chúng, người lớn con nít đứng lố nhố bên ngoài cổng văn phòng xã, lá cờ vàng vẫn còn rũ ướt hơi sương, tiếng một tiếng hai “ông phó” khi xe Quyền chạy vào sân, cả hai bác Nông, chủ tịch hội đồng xã và Hỹ, chủ tịch ủy ban hành chánh xã, cũng cái áo vết tông ở trên, cái khố phía dưới tươi cười, đi ra đón cùng một lúc, một số nhân viên theo sau lăng xăng chào, đã xuống đây vài lần, nên Quyền quen mặt gần hết nhưng không thấy Đái Nguyệt Giêng, cô thư ký người thượng gốc Sedang lai Tây, anh Nho, tài xế mang súng M16 đi kế bên hiểu ý, dòm trước dòm sau, quay qua nhìn Quyền lắc đầu. Lần đầu xuống làm quen với xã ấp, sau ngày về quận này, Quyên xuống xã Đắt Rơ Nga trước nhất, một phần vì ở đây đang lộn xộn vụ tiền trợ cấp hồi cư, một phần có chút tò mò vì tại văn phòng quận, ai nấy đều xì xầm, ở dưới Đắk Rơ Nga có cô thư ký lai Tây đẹp lắm, còn độc thân.

     Quả thật, là dân miền nam, đi học mấy năm ở Sài Gòn, con gái thấy không biết bao nhiêu, mơ mộng cũng không biết bao nhiêu, Quyền đồng ý với thiếu tá Hiếu, Đái Nguyệt Giêng chắc nhỏ hơn anh chừng bốn năm tuổi, đẹp thật, cái đẹp nửa Thượng nửa Tây khó nói, hôm đó, bác Hỹ , xã trưởng cứ tìm cách cho Giêng đi bên cạnh, khi Quyền thăm chỗ này chỗ nọ, trong văn phòng ngoài chợ xã, Giêng nói năng nhỏ nhẹ, không giống như bác Hỹ, giọng cô ta không pha tiếng Thượng chút nào, ba Giêng người Pháp, không biết vì lý do gì, gặp mẹ cô, rồi có Giêng, không may bà mất sớm, trong một hôm mưa lũ, bà bị đất lỡ chùi xuống cái đường mòn, dọc theo ven sườn đồi, quanh con suối nhỏ, nơi bà vừa nhổ khoai mì về, đè chôn hơn hai phần ba người, bà chết cái gùi còn dính chặt trên lưng, người đi rẫy khiêng bà mang về làng, Giêng chưa đầy hai tuổi, bác Hỹ, lúc đó chưa làm xã trưởng, tội nghiệp con nhỏ, vài người muốn đem Giêng về nuôi, nhưng bác Hỹ đứng ra nhận trước, giao cô cho người em gái góa chồng nuôi, Giêng học trường tiểu học Đắk Rơ Nga rồi ra Kontum học trung học, tới cuối năm đệ tứ thôi không học nữa, về được cho vào là thư ký xã, mộ mẹ cô chôn ở khu đất sau lưng cái nhà làng của buôn, mấy năm lớn lên, khi biết gốc gác mình, hình như nấm mộ đó thường có nhiều hoa quả. Trở về lại quận, từ ngày đó, Quyền chợt dưng thấy có cái gì nhớ nhớ, bước đi bước ở trong lòng và cảm thấy vui vui, khi có ai đó nhắc tới cô thư ký lai Tây ở Đắk Rơ Nga.

    Buổi họp, bàn giải quyết việc hồi cư cho một số gia đình ở xã, kết thúc tốt đẹp, hai bên chính quyền dân chúng đều hài lòng, mọi chuyện xong xuôi, trời cũng lưng lửng quá xế trưa, không mưa nhưng nhiều mây nên chiều có vẻ muốn đi ngủ sớm, dân lục đục kéo nhau ra về, trong phòng họp chỉ còn nhân viên xã và hai bác chủ tịch, mấy người lính đi theo, tụm ba tụm năm, hút thuốc, tán gẩu, bên chiếc xe jeep, ngoài sân chờ, Quyền ngồi nói chuyện với bác Nông cuối phòng, nhưng mắt nhìn quanh tìm Giêng, chưa gặp được nên cứ nấn ná không muốn về, anh Nho tài xế tự nãy giờ đứng nhỏ to gì đó với bác Hỹ, xã trưởng, bỏ đi lạị cho biết, sáng nay Giêng xin phép đi ra chợ quận mới vừa về tới, Quyền gật đầu cười, bác Nông cười theo. Từ lối cửa sau của văn phòng xã, Giêng đi lên, bẽn lẽn chào Quyền, rồi đứng nép qua một bên, ngó lại bác Hỹ theo sau như chờ cái gì đó, bác Hỹ chậm rãi “mời ông phó ở lại uống chút rượu rồi mới về, cô Giêng và mấy chị trong xã lo chuyện nấu nướng hết rồi”, chưa kịp trả lời, có tiếng ai đó rè rè, gọi trong máy truyền tin gắn trên xe ngoài sân, một người lính chạy ùa vào nói lớn “thiếu tá hỏi ông phó về chưa”, trong văn phòng, không ai nói gì, cùng nhìn Quyền chờ đợi, Quyền bảo anh lính trả lời “nói thiếu tá đừng lo, đang chuẩn bị đi”, rồi ngó qua Giêng, cô nàng thẹn thùng nhìn xuống, một lần nữa, Quyền chợt thấy lòng mình xôn xao, anh gật đầu ở nán lại, bác Hỹ rối rít hai tiếng “cám ơn”, quay qua Giêng “thôi chạy đi nói mấy người kia sắp xếp đi con, ông phó ở lại ăn cơm với mình”, Giêng dạ một tiếng nhỏ rồi bỏ đi, Quyền nhìn theo, cười mà không biết tại sao, anh Nho tài xế đi ra cửa,  hỏi “mình ở lại hả ông phó”, mà không cần nghe câu trả lời.

    Cũng theo lệ làng, Quyền ngồi xếp bằng, nối thành một vòng tròn cùng với hai bác Nông, Hỹ, trên mấy tấm chiếu bông lớn trước sân văn phòng xã, chính giữa đặt thức ăn, thịt gà thịt heo gì đó, cái tô hột gà luộc trắng bóc dành cho khách quý, rau cải đủ loại và cái bình đựng “rượu cần” cao gần nửa người ngồi, có cái ống hút cong, lớn bằng ngón tay dài ra tới chỗ người ngồi, mấy người lính đi theo Quyền, mấy anh chị nhân viên còn lại và đám con gái dân xã trong đó có Giêng, lăng xăng vòng ngoài khi ngồi khi đứng, ở một phía góc tường dăm ba ống cây lồ ồ đựng nước dựng cao tới mái nhà . Mấy người lính đi theo ngồi sau lưng, nhìn Quyền rồi nhìn nhau ái ngại, đi theo anh từ đó tới giờ, trong quận, lớn nhỏ gì cũng biết Quyền không uống được một giọt rượu nào, kể cả bia mà bọn họ thường uống, rượu cần của người Thượng, mới uống vô thì ngọt nhưng say hồi nào không ai biết, nhưng khổ một nổi, người Thượng có tục là, được họ xem như là khách quý, nhất là với Quyền, khi đã mời thì không từ chối được, vì nếu từ chối là không thương họ, họ sẽ không thương lại, mà không thương thì không nghe, mà không nghe thì không theo phe mình, Quyền không còn cách nào tránh né hay từ chối, thôi thì tới đâu hay tới đó, chắc nếu có say thì cũng không đến nổi chết, vẫn còn có mấy người lính lo cho.

    Trời bớt nắng, có phần mù mờ đôi chút nhưng vẫn còn sớm, Quyền bảo mấy người lính ăn uống qua loa rồi cáo từ, nhờ anh Nho tài xế, rù rì gì đó với Giêng, bác Hỹ kéo cái tăm đo mực rượu ngắn, nên Quyền uống đầu tiên thấy khỏe ru, từ đó lần lượt xoay vòng, chắc cũng năm sáu vòng rồi, lại tới lần Quyền đưa cái ống hút cho bác Nông, ông  vừa cầm lấy, súng đủ loại lớn nhỏ, bổng dưng nổ liên hồi xa xa miệt trên đường về Tân Cảnh, ai nấy đều ngưng mọi việc, nhìn nhau lo lắng không biết chuyện gì,  chập sau có anh lính nghĩa quân của xã, chạy xe Honda hớt hơ hớt hãi tới, mọi người trố mắt chờ, anh thở hổn hển, tiếng mất tiếng còn, cho biết, quân Bắc Việt đụng độ với toán quân của trung đoàn 42 Bộ binh VNCH từ xã Đắk Trăm về, hai bên đánh nhau dữ dội, đường đi Tân Cảnh bị chặn rồi, không biết chừng nào mới qua được, bác Hỹ nhìn Quyền lắc đầu, Quyền cũng chưa biết làm gì, anh tài xế Nho và mấy người lính đi theo, đứng dậy chờ, bác Hỹ cũng như bác Nông buột miệng “thôi ông phó ở lại đêm nay, có tụi tui lo, sáng mai về”, Quyền đưa mắt nhìn họ “thôi cứ như vậy đi”, mọi người lại ngồi xuống, tiếp tục bữa ăn, bình “rượu cần” được đổ thêm nước từ các ống cây lồ ồ mấy lần nữa, tiếng người cười nói nghe rõ hơn tiếng súng trận.

    Tiếng súng thưa dần, trời chạng vạng tối, ngậm ống cần hút chưa kịp uống, Quyền ngã bật người té ngữa ra sau, mắt lờ đờ, mặt trắng xanh không còn chút máu, anh Nho tài xế đở Quyền ngồi dậy chưa nửa người thì anh đã mửa ra đầy cái áo lính mà anh mới đưa cho Quyền mặc vào sợ lạnh, đầu Quyền gục qua một bên, ai nấy quýnh quáng vây quanh, Giêng ngồi xuống kế bên, nắm lấy hai bàn tay của Quyền, nhìn Nho “tay ông phó lạnh quá anh ơi”, rồi bỏ chạy đi, Nho nói với theo “ông phó say rượu thôi, chắc không có sao đâu”. Mấy người lính khiêng Quyền lên xe jeep, chở đưa qua trạm y tế xã, gần bên kia ngã ba đường, đám dân làng phụ ăn uống, tay cầm đuốc chạy lấp xấp theo, sáng hơn cả ánh đèn điện vàng vỏ ở đầu đường. Chị y tá xã phụ họ để Quyền nằm trên cái giường bệnh, tấm trải giường còn trắng tinh trong phòng trong, đèn sáng, Giêng trở lại với bác Hỹ, tay cầm mớ lá cây rừng, bác Hỹ dặn dò cô gì đó rồi bảo mấy người lính “thôi mấy anh về ngủ tạm bên văn phòng xã đêm nay, có hai cô này lo cho ổng được rồi”, rồi bỏ đi ra trước, đám người dân cầm đuốc bên ngoài, tản ra thưa dần, đêm tối đen, vài tiếng chim kêu rã rời đâu đó ngoài bìa rừng, trời lặng yên, không có tiếng súng.

    Gần khuya, Quyền vẫn chưa tỉnh rượu, hai người nhìn nhau lắc đầu, chị y tá xã đứng ngồi không yên, có ý muốn về nhà, cùng lúc đó ngoài đường, toán lính nghĩa quân xã tuần đêm qua ngang, chị đi ra ngoài cửa, cầm cây đuốc còn lửa, chào Giêng về trước, lặng lẽ theo sau toán lính khi nãy, một khoảng không mấy xa, không ai nói tiếng nào. Chị y tá xã đi rồi, còn lại một mình, Giêng ngồi ở một góc phòng nhìn, Quyền co quắp người qua một bên giường, bổng dưng thấy vui, Giêng mĩm cười một mình, đâu đó xa xa, có tiếng đại bác vọng về từng chập một, mù mờ sương rừng bắt đầu xuống, đường làng vắng cái vắng rợn người, ngọn đèn điện vàng trong bệnh xá tắt tự nãy giờ, trong phòng, giữa màn đêm đục màu lặng thinh, đôi lúc, có tiếng “ông phó, Giêng” lập lại kéo dài, đứt quảng rồi ngưng bặt, đêm đó, Giêng đã vui lòng cho đi đời con gái một cách trọn vẹn, với ước mơ thầm kín đầu đời, chưa biết sáng mai này sẽ ra sao, nhưng không có gì hối tiếc.

    Thiếu tá Hiếu cản không cho Quyền đi Đắk Rơ Nga, mặc dù ông đã biết chuyện của Quyền đêm ở lại xã này hai ngày trước, vì tình hình mấy hôm nay căng thẳng quá, từ từ rồi tính, rũi ra có việc gì thì ân hận, Quyền thờ thẩn đứng ngồi trông ngóng. Thật vậy, ngày 23 tháng 4 năm 1972 quân Bắc Việt hơn hai sư đoàn cộng với quân thiết giáp bắt đầu tung quân tấn công Tân Cảnh bằng những trận mưa pháo ác liệt và cả hỏa tiển Sagger 13, ở ngoài không ổn, thiếu tá Hiếu cùng sĩ quan các ban và Quyền phải chạy vào bên trong căn cứ, chiến xa M41 của VNCH nằm ở các vịt trí phòng ngự bị trúng đạn tê liệt, hệ thống truyền tin cũng không còn gì nữa, khoảng 2 giờ sáng ngày 24 tháng 4 năm 1972,chiến xa T54 của quân Bắc Việt vây chặt, căn cứ Tân Cảnh, và quận Đắk Tô thất thủ, thiếu tá Hiếu và một số sĩ quan của sư đoàn 22 Bộ Binh VNCH, thoát được ra ngoài, một số lớn đã bị bắt làm tù binh, trong đó có Quyền.

    Theo đoàn người chạy nạn bỏ Đắk Rơ Nga, bỏ Đắk Tô, Bác Hỹ xã trưởng, đem gia đình và một số người bà con, có cả Giêng, dắt díu nhau về tới thị xã Kontum mấy ngày sau rồi ở lại đó. Suốt năm, bác Hỹ, Giêng không ngừng tìm hỏi tin tức về Quyền, cuối cùng họ gặp một anh sĩ quan của trung đoàn 42, sống sót khi thoát được khỏi căn cứ Tân Cảnh, anh bị thương nặng, do bên tiểu khu Kontum tìm giùm, cho biết Quyền bị bắt đêm đó.  Giêng khóc không biết bao nhiêu mà nói, bỏ ăn bỏ ngủ, mẹ nuôi, vợ chồng bác Hỹ khuyên lơn, an ủi lời nọ lời kia, riết rồi cũng mỏi mệt, mùa hạ năm sau, Giêng sinh con, thằng bé trai bụ bẩm, tên đặt Đái Tân Cảnh, nơi sinh Đắk Rơ Nga, cha vô danh, mang họ mẹ trên giấy khai sanh.

    Lưng chừng tháng 3 năm 1975, Giêng bồng con cùng gia đình bác xã trưởng Hỹ, một lần nữa, theo đoàn người di tản, rời Kontum Pleiku xuôi nam, sau khi quân VNCH triệt thoái bỏ cao nguyên, 30 tháng tư,  ngày hai mẹ con Giêng vào tới Sài Gòn thì Sài Gòn không còn nữa, miền Nam đã mất sau mấy tháng dài chiến trận khốc liệt, cũng là ngày Quyền được thả ra, từ đâu đó ở Khe Sanh gió mùa, trội giạt giữa dòng người xa lạ, súng trận cây rừng, nhớ ray rứt nhớ quặn thắt cái đêm tội tình ở Đắk Rơ Nga suốt những ngày tù tội, bao lần muốn tìm lại chốn cũ, gặp Giêng nhưng cũng đành bỏ cuộc, rồi về tới Đà Nẳng Sơn Chà, len lỏi theo đám tàu của dân đánh cá ven biển ra khơi, được tàu hải quân Mỹ vớt, đưa vào đất Phi Luật Tân, mang theo mình “chuyện một đêm” ngày đó, bỏ lại Sài Gòn sau lưng một nổi buồn, buồn xa xăm buồn vời vợi. Nhờ gặp lại một người quen làm rừng hồi còn ở Quảng Đức, bỏ về Sài Gòn từ lâu, giờ có quen biết gì đó với anh em người chủ tịch xã mới, bác Hỹ đem gia đình và mẹ con Giêng về Thạnh An, ngay mé cửa Cần Giờ, xây cái nhà tranh nhỏ, đủ có chỗ ăn chỗ ở trên miếng đất khô, bên cạnh con rạch nhỏ chảy ra biển, theo dân làng ở đây, chài lưới bắt cá bắt tôm, trồng khoai trồng mía, chở ngược về chợ Cầu Ông Lãnh bán.

    Dân làng bắt đầu bàn tán xì xầm chuyện vượt biên, trong mấy tháng qua, đã có mấy chiếc tàu đánh cá biển, chở đông người, lớn nhỏ ra đi từ Thạnh An, có những lần biển động, họ ở lại tại đây cả đêm chờ, lân la hỏi dân quanh chỗ tàu đậu, chuyện này chuyện kia, có khi họ cho lại dân, cả chục cả trăm đồng tiền mới mang theo người. Một đêm tháng 3 năm 1982, giữa nhóm người vượt biên từ Sài Gòn ra, lố nhố chen chúc nhau, trong bóng đêm, lờ mờ ánh trăng khuya bàng bạc, Giêng đẩy thằng Tân Cảnh theo lên chiếc tàu đậu tại đầu con rạch chờ, thằng nhỏ nhìn lại ngơ ngác, Giêng nói vói theo “đi nhớ cẩn thẩn nghe con, mẹ không sao đâu, ráng nghe lời người ta”, nước mắt đầm đìa, đâu đó vắng tanh, sông nước lặng thinh, chiếc tàu lừ đừ theo ánh đèn của cái ghe câu nhỏ ai đó đi trước, ra khơi, Giêng bật khóc sướt mướt “con tôi, Cảnh ơi, con ơi”. Trời còn thương, tàu đến trại tỵ nạn Galang, lên đảo, thấy thằng nhỏ bơ vơ một mình, khóc nhiều ít nói tội nghiệp, vợ chồng một người dược sĩ trẻ, gia đình có tiệm thuốc tây trên đường Nguyễn Văn Thoại, gần cư xá Nguyễn Văn Thoại, thêm tên vào tờ khai cho nó khỏi lẻ loi và tạm có nơi ăn chốn ở. Rời trại, vơ chồng người dược sĩ đi Mỹ hôm trước, được một hội nhà thờ bảo lảnh, thằng Cảnh theo họ qua Úc vài ngày sau.

*

    Sáng chủ nhật, đã vào hạ, mặt trời lên thật sớm, trời hâm hấp nóng từ giữa khuya, vừa uống ly trà xong, loay hoay định thả bộ qua bên kia sông, xem mấy anh người Việt câu cá, tán gẩu cho vui, thì ông Keith Herten, người đở đầu cho Quyền xin được việc tại văn phòng Trợ giúp luật pháp ở Parkville, chỗ hiện đang làm, điện thoại gọi Quyền lên nhà ông, vì có người mẹ của Cảnh, bên Việt Nam qua, Cảnh là thằng nhỏ trai mà ông bà nhận nuôi, từ hội nhà thờ khi nó mới đến Úc gần hai năm nay, ông vừa đón từ phi trường Tullamarine về nhà, một công hai chuyện, ăn trưa và thông dịch giùm trong việc điền một số giấy tờ cần thiết. Quyền quen ông Keith, một sáng đầu đông, khi xe buýt chở toán người từ Phi cả trăm mạng, lớn nhỏ tới khu nhà cư xá dành cho người tỵ nạn ở Wiltona Hostel, vì nằm ở một khoảng đồng trống lại gần biển nên trời ở đây lạnh ngắt, lạnh run cầm cập, lúc đó ông cùng nhóm người của hội nhà thờ Basilica of Our Lady of Victoria ở Camberwell xuống, mang theo quần áo, mùn mềm, thuốc men, sửa cho trẻ em và mấy thứ đồ dùng lặt vặt khác, phân phát cho, ông Keith lựa ra cái áo lạnh còn khá tốt đưa cho Quyền, cho tới giờ này Quyển vẫn còn mặc, hỏi qua hỏi lại, vì là người nói được chút ít tiếng Anh, nên Quyền trở thành thông dịch viên “bất đắc dĩ”cho nhóm ông.
 
 

    Từ hôm đó, ông Keith, là quản gia trông coi nhà thờ, có lần lái xe mang theo cả gia đình xuống cư xá thăm Quyền cũng như thỉnh thoảng đón anh về trên nhà ông, đường Denmark Hill, Camberwell, cách nhà thờ Basilica một ngã tư đường Burke, khi dọn ra mướn nhà ngoài ở khu Essendon, ông bà đã mang xuống cho đủ thứ, từ bàn ghế, tủ lạnh, tới chén muỗng, lò sưỡi, nồi chảo. Dần dà một số người Việt qua trước, có đạo, đâu đó miệt phía đông, vợ chồng con cái rủ nhau đi lễ mỗi chủ nhật hàng tuần khá đông, Quyền lại kiêm công việc dịch tiếng Việt và đánh máy cho nhà thờ, mấy cái thư từ hay thông báo giờ giấc, khi ông Keith gọi tới. Sau ngày có việc, bận phải đi làm, cộng với chuyện học thêm, Quyền không thường lên trên nhà ông Keith lắm, nhưng vẫn tiếp tục làm cái việc đã làm khi ông Keith cần, một vài lần Quyền có gặp thằng Cảnh ở đó, sau ngày ông bà Keith nhận nó về nuôi, trông nó cũng khá dễ thương, vì khá bận, lúc nào tới cũng vội cũng vàng, nào là việc làm, đôi khi phải ở lại trễ, nào là việc học, thứ bảy chủ nhật có khi đi làm thêm ở cái siêu thị Cole gần nhà vài giờ, nên chưa có dịp nói chuyện với nó nhiều, chào hỏi đôi câu rồi thì đôi khi cũng không nghĩ tới.

    Xuống xe điện, lửng thửng thả bộ về phía nhà ông Keith, giữa trưa, nắng hừng hực nắng, chưa đủ nóng như thiêu như đốt nhưng cây cỏ hai bên đường xem ra có phần khó chịu, dù vẫn còn ươn ướt dăm ba giọt nước như sương  mà chủ nhà ai đó đã tưới từ buổi sáng, phải đi hai ba chuyến xe từ Essendon, lại bị chuyến xe lửa ở ga chính Flinders chạy không đúng giờ, nên Quyền tới hơi trễ, qua khúc quanh nhỏ, ngó lên, ông bà Keith cũng vừa đi xuống, có lẽ hai người định ra ngoài đường Burke xem sao, Quyền cười trừ, hai người cười theo, trở lên nhà, cũng là lúc Jacquie, cô con gái lớn của ông bà Keith, học năm chót luật ở trường đại học Melbourne đi ra sân, “cho biết bữa ăn trưa đã sẳn sàng rồi”.

    Bàn ăn còn trống, bà Keith bỏ vào nhà bếp, ông Keith kéo Quyền ngồi xuống trước, rồi lớn tiếng gọi ra phía sân sau, Quyền nhìn ra, Cathy, em gái Jacquie, đi trước, cười ngặt nghẽo, tay làm dấu, chỉ chỏ gì đó cho hai mẹ con thằng Cảnh, có cả Jacquie đi sau, bước vào nhà, Quyền đứng bật dậy, đẩy cái ghế ngã xuống sàn nhà sau lưng nhìn Giêng chết trân, buột miệng “trời ơi, Giêng đây sao”, Giêng đứng yên, bật khóc thành tiếng “ông phó”, thằng Cảnh trố mắt nhìn mẹ, lắc lắc tay Giêng gọi “mẹ mẹ”, bà Keith từ trong nhà bếp nghe khóc, chạy vội ra phòng ăn, cả nhà ông Keith, trố mắt nhìn hết Quyền rồi Giêng, không ai nói gì, lo lắng chờ, Quyền ngồi xuống ghế lại, mắt đỏ hoe, ông Keith thủng thẳng đứng lên, bước tới bên cạnh Giêng, nhìn về phía Quyền hỏi “bộ hai người biết nhau trước đây hả”, Quyền gật đầu mà không nói, bữa ăn xong, sau câu chuyện “một đêm hè ở trạm y tế xã Đắk Rơ Nga” kết thúc, ngậm ngùi, vui chưa đuổi được buồn, thằng Cảnh là kết quả của “chuyện một đêm” hôm đó, Giêng lại khóc lớn, khóc sụt sùi, giọng đứt quảng, kéo thằng Cảnh tới sát gần bên chỗ Quyền bảo “thưa ba đi con”, thằng nhỏ ngớ người ra, bật khóc theo mẹ, vòng tay “dạ thưa ba”, ông bà Keith không biết ất giáp gì, lo lắng hỏi đi hỏi lại “chuyện gì xãy ra vậy”, Quyền đứng lên, ôm chặt thằng nhỏ trong tay, rưng rưng “ anh xin lỗi Giêng, ba xin lỗi con”.
 
 

    Trời cũng vừa dịu nắng, chiều thấp thoáng xuống đâu đó ngoài sân, Quyền cùng mẹ con thằng Cảnh theo gia đình ông bà Keith qua nhà thờ đi lễ chiều chủ nhật, thằng nhỏ xem ra “quen nước quen cái” nên lăng xăng nắm tay Giêng chỉ cái này cái nọ, Quyền ở ngoài cửa chánh tòa nhìn vào trong, hai mẹ con đứng bên cạnh ông bà Keith, chuông bắt đầu thong thả đổ, có tiếng cha xứ Ford chào, Giêng bỡ ngỡ nhìn ra, Quyền gật đầu cười, vụng về bắt chước người xem lễ bên trong làm dấu thánh giá, lúng ta lúng túng của một người ngoại đạo và hai tiếng Amen, trên chuyến xe điện về nhà đêm hôm đó, hẹn trở lại đón hai mẹ con, nhìn cây thánh giá cao, lung linh sáng trên nóc gác chuông nhà thờ, Quyền thì thầm từng tiếng một “lạy Chúa xin cho con được làm người có tội”.

 
Thuyên Huy
Mượn một số địa danh thật, tình tiết và nhân vật được viết bằng tưởng tượng.