Sunday, April 28, 2024

Bài Thơ Thứ Nhất - TTKH

 

BÀI THƠ THỨ NHẤT -T.T. KH

 

T.T.Kh. là một tác giả ẩn danh trong phong trào Thơ mới (1930–1945), tác giả bài Hai sắc hoa ti-gôn nổi tiếng. Nhiều người đã suy đoán lai lịch thật của T.T.Kh. nhưng chưa có giả thuyết nào thuyết phục được công chúng.

Sau khi truyện ngắn Hoa ti-gôn của Thanh Châu đăng năm 1937 trên Tiểu thuyết thứ bảy (Hà Nội), toà soạn nhận được hai bài thơ, do một thiếu phụ trạc 20, dáng bé nhỏ, thuỳ mị, nét mặt u buồn, mang đến gửi cho chủ bút, ký tên T.T.Kh., xin đăng báo. Báo này đăng hai bài thơ đó và xin tác giả cho địa chỉ nhưng tác giả từ chối. Sự việc rắc rối là trong khi tác giả T.T.Kh. im lặng thì một vài nhà thơ đương thời như Nguyễn Bính, Thâm Tâm đã sáng tác các bài thơ hưởng ứng trong đó dường như có biết, thậm chí có dính líu với đời tư người này từ trước (Cô gái vườn Thanh của Nguyễn Bính, Màu máu ti-gôn của Thâm Tâm). Từ đó, những lời đồn đại về T.T.Kh. càng có thêm nhiều dị bản.

T.T.Kh. chỉ đăng 4 tác phẩm rồi bặt danh:

-Hai sắc hoa ti-gôn (1937)
-Bài thơ thứ nhất (1937)
-Đan áo cho chồng (1937)
-Bài thơ cuối cùng (1938) và Trần Thiện Thanh phổ nhạc.

304Đen – llttm - dđqghcuc

 


Đừng Bỏ Em Một Mình - Minh Đức Hoài Trinh

ĐỪNG BỎ EM MỘT MÌNH
















Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Chậm rãi tiếng cầu kinh

Đừng bỏ em một mình
Khi mưa chiều rào rạt
Lũ chim buồn xơ xác
Tìm nhau gục vào mình

Đừng bỏ em một mình
Trời đất đang làm kinh
Rừng xa quằn quại gió
Thu buốt vết hồ tinh

Đừng bỏ em một mình
Đừng bắt em làm thinh
Cho em gào nức nở
Hòa đại dương mông mênh

Đừng bỏ em một mình
Biển đêm vời vợi quá
Bước chân đời nghiêng ngả
Vũ trụ vàng thênh thênh

Đừng bỏ em một mình
Môi vệ thần không linh
Tiếng thời gian rền rĩ
Đường nghĩa trang gập ghềnh

Đừng bỏ em một mình
Bắt em nghe tiếng búa
Tiếng búa nện vào đinh
Hòa trong tiếng u minh

Đừng bỏ em một mình
Bóng thuyền ma lênh đênh
Vòng hoa tang héo úa
Yêu quái vẫn vô tình

Đừng bỏ em một mình
Cho côn trùng rúc rỉa
Cỏ dại phủ mộ trinh
Cho bão tố bấp bênh

Đừng bỏ em một mình
Mấy ngàn năm sau nữa
Ai mái tóc còn xinh
Đừng bỏ em một mình

Minh Đức Hoài Trinh 

Những Chiếc Ấm Đất - Nguyễn Tuân

 

NHỮNG CHIẾC ẤM ĐẤT




 

Bóng nắng gần tới đỉnh đầu. Sư cụ chùa Đồi Mai thủng thẳng trở về trai phòng. Nhà sư già gỡ chiếc nón tu lờ, sắp ngồi vào thụ trai thì có tiếng con trẻ gọi ở ngoài cổng chùa. Một chú tiểu lễ phép bưóc lên tam cấp :

-Bạch cụ, có người con trai cụ Sáu xin vào.

-Vậy chú vẫn đóng cửa chùa đó à ? Chú ra mở mau không có người ta phải đứng nắng lâu. Cổng nhà chùa bao giờ cũng nên để ngỏ. Từ giờ chú nên nhớ : sáng sớm tụng kinh nhật tụng và thỉnh chuông xong là phải mở rộng cửa chùa và tối đến, lúc nào học xong kệ thì mới đóng. Kẻo nữa khách thập phương họ kêu đấy.

Tiểu ra được một lát thì một người con trai trạc mười bảy tuổi xúng xính trong chiếc áo dài thâm, chân séo lấm, tay bưng cái khay tiến vào tăng xá, vái sư cụ :

-Bạch cụ thầy con cho con mang xuống biếu cụ bình trà đầu xuân. Và xin phép cụ cho ra giếng chùa nhà gánh một gánh nước.

Nhà sư già đã quen với việc biếu và xin mượn này ở dưới cụ Sáu, khẽ cất tiếng cười. Trên khuôn mặt khô xác, nụ cười không có gì là ấm áp thiết tha. Nó chỉ đủ là hiền lành thôi.

-Thế cháu đựng nước bằng cái gì ?

-Dạ, có người nhà quẩy nồi và gánh đi theo còn chờ ở ngoài.

-A di đà phật ! Nắng này mà đi từ làng trên xuống tận đây lấy nước, cụ Sáu nhà có công quá. Cháu ngồi nghỉ chân đã. để già bảo chú tiểu đưa người nhà ra giếng. Cháu đi từ sớm chắc bây giờ đã ngót dạ rồi ; sẵn oản chuối vừa hạ xuống, già ép cháu thụ một ít lộc Phật.

-Bạch cụ, cháu ăn mặn ở nhà vẫn còn lửng dạ.

Sư cụ chùa Đồi Mai không nài thêm và vẫn chỉ cười rất thuần hậu.

-Cháu có biết cụ Sáu nhà đến xin nước ở chùa đây đã mấy năm nay rồi không ? Gần mười năm. Uống trà tàu như thầy cháu thì cũng có một. Cứ nước giếng chùa đây mới chịu pha trà. Lắm lúc già tự hỏi về cái tiền thân của thầy cháu xem là như thế nào ? Nghĩ đến cái nhân duyên của thầy cháu với nhà chùa đây, thực cũng là bền và kỳ lắm cháu ạ.

Thoáng thấy người nhà đã quảy xong gánh nước đang ngơ ngác tìm mình và làm ướt cả khoảng giữa sân chùa lát toàn đá tảng xanh, người con cụ Sáu, với cái từ tốn của một thư sinh ngồi hầu chuyện bực phụ chấp đã xuất gia, liền vội vàng đứng dậy xin phép về.

-Bạch cụ, cháu vội phải về, vì ở nhà hôm nay có khách uống trà. Có lẽ thầy cháu ở nhà đang chờ nước về.

Nhà sư già cũng vội theo bọn xin nước ra tới thềm ngoài. Sư cụ rút trong tay áo vải rộng ra một chiếc quạt thước, xòe rộng hết cả nan quạt, nghiêng che đầu cho đỡ nắng và bảo chú tiểu :

-Chú chạy mau ra vườn, bẻ mấy cành lá đào.

Rồi cụ giữ con cụ Sáu lại:

-Ấy, ấy, thong thả một chút. Thả mấy cành đào có lá vào nồi nước, lúc gánh đi đường xa nó đỡ sóng ra ngoài và về đến nhà, nước vẫn mát.

Bọn xin nước vái chào nhà sư. Trên con đường đất cát khô, nồi nước tròng trành theo bước chân mau của người gánh đánh rỏ xuống mặt đường những hình ngôi sao ướt và thẫm màu. Những hình sao ướt nối nhau trên một quãng đường dài ngoằn ngoèo như lối đi của bò sát. Ví buổi trưa hè này là một đêm bóng trăng dãi, và ví cổng chùa Đồi Mai là một cửa non đào thì những giọt sao kia có đủ cái thi vị một cuộc đánh dấu con đường về của khách tục trở lại trần.

 

Ánh nắng già giặn buổi trưa nung đốt mặt cánh đồng dưới chân đồi, làm rung rinh lớp không khí bốc từ mặt đất. Giống như vệt khói nhờ, nắng vờn qua những màu xanh bóng loáng của một dãy xóm làng cây cối im lìm. Đứng trong cổng chùa từ bề cao nhìn xuống cái thấp dưới chân mình, nhà sư già nheo nheo cặp mắt, nhìn cái nắng sáng lòa. Bọn người xin nước chỉ còn là mấy cái chấm đen, mỗi chuyển động lại làm tung lại phía sau mình một chùm cát bụi mờ mờ. Gió nồm thổi mạnh, nhiều cơn, đã đem cả mảnh bụi trần kia vào lọt cổng ngôi chùa cao ráo. Nhà sư nghĩ đến cụ Sáu, thở dài tỏ ý tiếc cho một kiếp chúng sinh còn vướng mãi vòng nghiệp chướng.

Cụ Sáu vốn đi lại với chùa đây kể ra đã lâu. Từ trước cái hồi nhà sư già tới trụ trì. Mấy pho tượng Phật Tam Thế bằng gỗ mít đặt ở trên bệ và mấy pho kinh in giấy đại thừa là của cụ Sáu cúng đấy. Cái chuông treo ở trên nhà phương trượng cũng là của ông cụ Sáu cúng vào hồi trùng tu lại chùa. Và mỗi lần nhà chùa lập phả khuyến thì ông cụ Sáu đứng đầu sổ. Chùa Đồi Mai ở xa làng mạc biệt lập trên một khu đồi nên cũng ít bị phiền nhiễu bởi đám tạp khách. Thỉnh thoảng trong bọn khách đến chơi, ông cụ Sáu được sư cụ biệt đãi nhất. Tháng một lần, nhà sư già lại giữ ông cụ Sáu lại ăn một bữa cơm chay và lần nào từ biệt, nhà sư cũng chân thành tặng khách một rò lan Mặc.

Thường thường, mỗi lần gặp gỡ, thể nào hai ông già cũng kéo nhau ra cái giếng nước mà chuyện vãn rất lâu. Nhà sư ít nhời trầm tĩnh ngắm bóng cụ Sáu trong lòng đáy giếng sâu. Cái bóng nhà sư già ít khi được đậu hình cho lâu trên phiến gương nước giếng mát lạnh : chốc chốc một vài giọt nước ngọt lại rời mạch đá tổ ong, thánh thót rớt xuống, tiếng kêu bì bõm. ông cụ Sáu tỳ tay vào thành giếng nhờn mịn rêu xanh, chỉ ngón tay xuống lòng giếng sâu thẳm gần hai con sào mà nói :” Chùa nhà ta có cái giếng này quý lắm. Nước rất ngọt. Có lẽ tôi nghiện trà tàu vì nước giếng chùa nhà đây. Tôi sở dĩ không nghĩ đến việc  đi đâu xa được, cũng là vì không đem theo được nước giếng này đi để pha trà. Bạch sư cụ, sư cụ nhớ hộ tôi câu thề này: là giếng chùa nhà mà cạn thì tôi sẽ lập tức cho không người nào muốn xin bộ đồ trà rất quý của tôi. Chỉ có nước giếng đây là pha trà không bao giờ lạc mất hương vị. Mà bạch cụ, chúng tôi không hiểu tại sao ngọn đồi này cao mà thủy lại tụ. Địa thế chùa này, xem ra còn dụng võ được…”.

Chừng như sợ cụ Sáu bàn rộng tới những chuyện không nên trao đổi với kẻ tu hành đã lánh khỏi việc của đời sống rồi, sư cụ vội nói lảng sang chuyện mấy cây mít nhà chùa năm nay sai quả lắm. Rồi kéo cụ Sáu vào trai phòng dùng một tuần nước. Theo một ước lệ rất đáng yêu đặt ra từ ngày mới làm quen với nhau, đã mười năm nay, bao giờ uống nước trà của nhà chùa, ông cụ Sáu cũng được cái vinh dự pha trà và chuyên trà thay nhà chùa.

Dạo này, chắc ông cụ Sáu bận nhiều việc nên đã mấy tuần trăng rồi mà không thấy vãn cảnh chùa uống nước thăm hoa, để cho sư cụ, cứ nhìn mấy chậu Mặc lan rò trổ hoa mà tặc lưỡi. Cùng bất đắc dĩ phải ngắt cắm vào lọ con vậy. Dạo này cụ Sáu chỉ cho người nhà xuống xin nước giếng thôi. Và trưa hôm nay lúc lặng ngắm người nhà và con ông cụ Sáu đem nước ra khỏi chùa, lúc trở vào, nhà sư già thở dài cùng sư bác chờ đấy :”Ông cụ Sáu này, nếu không đam mê cái phong vị trà tàu, đam mê đến nhiều khi lầm lỗi, nếu ông ta bỏ được thì cũng thành một ông sư tại gia. Danh và lợi, ông ta không màng. Phá gần hết cơ nghiệp ông cha để lại, ông ta thực đã coi cái phú quý nhỡn tiền không bằng một ấm trà tàu. Nhưng một ngày kia, nếu không có trà tàu mà uống nữa thì cái ông cụ Sáu này sẽ còn khổ đến bực nào. Phật dạy rằng hễ muốn là khổ. Biết đâu trong bốn đại dương nước mắt chúng sinh của thế giới ba nghìn, sau đây lại chẳng có một phần to nước mắt của một ông già năng lên chùa nhà xin nước ngọt về để uống trà tàu. Mô Phật ! “

oOo

Ông cụ Sáu, hôm nay lấy làm thích cái người khách lạ đó lắm. Người khách lạ vừa kể cho chủ nhân nghe một câu chuyện cổ tích. Lê trôn chén vào lợi chiếc đĩa cổ vài ba lần, người khách kể :

“Ngày xưa, có một người ăn mày cổ quái. Làm cái nghề khất cái là phải cầm bằng rằng mình không dám coi ai là thường nữa; thế mà hắn còn chọn lựa từng cửa rồi mớI vào ăn xin. Có một lần hắn gõ gậy vào nhà kia, giữa lúc chủ nhà cùng một vài quý khách đang ngồi dùng bữa trà sớm. Mọi người thấy hắn mon men lên thềm, và ngồi thu hình ở chân cột một cách ngoan ngoãn, mọi người không nói gì cả, để xem hắn định giở trò gì. Hắn chả làm gì cả, chỉ nhìn mọi người đang khoan khoái uống trà. Hắn đánh hơi mũi, và cũng tỏ vẻ khoan khoái khi hít được nhiều hương trà nóng tản bay trong phòng. Thấy mặt mũi người ăn mày đã đứng tuổi không đến nỗi bẩn thỉu quá, chủ nhân bèn hỏi xem hắn muốn xin cơm canh hay là hơn nữa, hắn lại muốn đòi xôi gấc, như kiểu người trong phương ngôn ! Hắn gãi tai, tiến gần lại, tủm tỉm và lễ phép xin chủ nhân cho phép hắn ” uống trà tàu với ! ” .

 

Mọi người tưởng hắn dở người. Nhưng không nỡ đuổi hắn ra và còn gọi hắn lại phía bàn cho hắn nhận lấy chén trà nóng. hắn rụt rè xin lỗi và ngỏ ý muốn được uống nguyên một ấm trà mới kia. Hắn nói xong, dở cái bị ăn mày của hắn ra, cẩn thận lấy ra một cái ấm đất độc ẩm. Thấy cũng vui vui và lạ lạ, mọi người lại đưa cho hắn mượn cả khay trà và phát than tàu cho hắn đủ quạt một ấm nước sôi, thử xem hắn định đùa đến lúc nào mới chịu thôi.

Hắn xin phép đâu đấy rồi là ngồi bắt chân chữ ngũ, tráng ấm chén, chuyên trà từ chén tống sang chén quân, trông xinh đáo để. Lúc này không ai dám bảo hắn là ăn mày, mặc dầu quần áo hắn rách như tổ đỉa. Uống một chén thứ nhất xong, uống đến chén thứ nhì, bỗng hắn nheo nheo mắt lại, chép môi đứng dậy, chắp tay vào nhau và thưa với chủ nhà : ” Là thân phận một kẻ ăn mày như tôi được các ngài cao quý rủ lòng thương xuống, thực kẻ ty tiện này không có điều gì dám kêu ca lên nữa. Chỉ hiềm rằng bình trà của ngài cho nó lẫn mùi trấu ở trong. Cho nên bề dưới chưa lấy gì làm khoái hoạt lắm “.

Hắn tráng ấm chén, lau khay hoàn lại nhà chủ. Lau xong cái ấm độc ẩm của hắn, hắn thổi cái vòi ấm kỹ lưỡng cất vào bị, rồi xách nón, vái chủ nhân và quan khách, cắp gậy tập tễnh lên đuờng. Mọi người cho là một người điên không để ý đến. Nhưng buổi chiều hôm ấy, cả nhà đều lấy làm kinh sợ người ăn mày vì ở lọ trà đánh đổ tung vãi ở mặt bàn, chủ nhân đã lượm được ra đến mươi mảnh trấu . “

Ông cụ Sáu nghe khách kể đến đấy, thích quá, vỗ đùi mình, vỗ đùi khách, kêu to lên :

-Giá cái ông ăn mày ấy sinh vào thời này, thì tôi dám mời ông ta đến ở luôn với tôi để sớm tối có nhau mà thưởng thức trà ngon. Nhà, phần nhiều lại toàn là ấm song ẩm quý.

-Cổ nhân cũng bịa ra một chuyện cổ tích thế để làm vui thêm cái việc uống một tuần nước đấy thôi. Chứ cụ tính làm gì ra những thứ người lạ ấy. Ta chỉ nên cho nó là một câu giai thoại.

-Không, có thể như thế được lắm mà. Tôi chắc cái ông ăn mày này đã tiêu cả một cái sản nghiệp vào rừng trà Vũ Di Sơn nên mới sành thế và mới đến nỗi cầm bị gậy. Chắc những thứ trà Bạch Mao Hầu và trà Trảm Mã cũng đã uống rồi đấy ông khách ạ. Nhưng mà, ông khách này, chúng ta phải uống một ấm trà thứ hai nữa chứ. Chả nhẽ nghe một câu chuyện thú như thế mà chỉ uống với nhau có một ấm thôi.

Thế rồi trong khi cụ Sáu tháo bã trà vào cái bát thải rộng miệng vẽ Liễu Mã, ông khách nâng cái ấm quần ẩm lên, ngắm nghía mãi và khen:

-Cái ấm của cụ quý lắm đấy. Thực là ấm Thế Đức màu gan gà.” Thứ nhất Thế Đức gan gà; – thứ nhì Lưu Bội; – thứ ba Mạnh Thần “. Cái Thế Đức của cụ, cao nhiều lắm rồi. Cái Mạnh Thần song ẩm của tôi ở nhà, mới dùng nên cũng chưa có cao mấy.

Cụ Sáu vội đổ hết nước sôi vào ấm chuyên, giơ cái ấm đồng cò bay vào sát mặt khách :

-Ông khách có trông rõ mấy cái mấu sùi sùi ở trong lòng ấm đồng không ? Tàu, họ gọi là cái kim hỏa. Có kim hỏa thì nước mau sủi lắm. Đủ năm cái kim hỏa đấy.

Thế cụ có phân biệt được thế nào là nước sôi già và nước mới sủi không ?

Lại ” ngư nhãn, giải nhãn ” chứ gì. Cứ nhìn tăm nước to bằng cái mắt cua thì là sủi vừa, và khi mà tăm nước to bằng mắt cá thì là nước sôi già chứ gì nữa.

Chủ khách cả cười, uống thêm mỗi người hai chén nữa. Cụ Sáu tiễn khách ra cổng với một câu :

-Thỉnh thoảng có đi qua tệ ấp, xin mời ông khách ghé thăm tôi như một người bạn cũ. Mỗi lần gặp nhau, ta lại uống vài tuần nước. Hà, hà.

Năm ấy nước sông Nhĩ Hà lên to. Thảo nào mấy nghìn gốc nhãn trồng trên mặt đê quanh vùng, vụ đó sai quả lạ. Cái đê kiên cố đã vỡ. Nhưng vốn ở cuối dòng nước chảy xiết, nhà cửa cụ Sáu chưa đến nỗi bị cuốn phăng đi. Lúc nước rút, ở cái cổng gạch nguyên vẹn, hai mảng giấy hồng điều đôi câu đối dán cửa vẫn còn lành lặn và nét chữ vẫn rõ ràng :

Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu.
Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai (1)

Năm sau, quãng đê hàn khẩu, chừng hàn không kỹ, lại vỡ luôn một lần nữa. Cái cổng gạch nhà cụ Sáu vẫn trơ trơ như cũ. Nhưng lần này thì đôi câu đối giấy hồng điều, gió mưa đã làm bợt màu phẩm mực, ngấn nước phù sa đã phủ kín dòng chữ bằng những vạch ngang dày dặn.




Ông khách năm nọ – cái người kể câu chuyện ăn mày sành uống trà tàu – đi làm ăn xa đã mấy năm, nhân về qua vùng đấy, nhớ lời dặn của cụ Sáu, đã tìm tới để uống lại với ông già một ấm trà tàu nữa. Nhưng người khách hỏi nhà ông đến, người khách đã bùi ngùi thấy người ta bảo cho biết rằng nhà cụ Sáu đã bán rồi. Thấy hỏi thăm tha thiết, người vùng ấy mách thêm cho ông khách :”Có muốn tìm cố Sáu thì ông cứ xuống Chợ Huyện. Cứ đón đúng những phiên chợ xép vào ngày tám thì thế nào cũng gặp. Chúng tôi chỉ biết có thế thôi”.

Phải, bây giờ ông cụ Sáu sa sút lắm rồi. Bây giờ ông cụ lo lấy bữa cơm cũng khó, chứ đừng nói đến chuyện uống trà. Thỉnh thoảng có xin được người nào quen một vài ấm, cụ lấy làm quý lắm: gói giấy, dắt kỹ trong mình, đợi lúc nào vắng vẻ một mình mới đem ra uống. Vẫn còn quen cái thói phong lưu, nhiều khi qua chơi ao sen nhà ai, gặp mùa hoa nở, cụ lại còn cố bứt lấy ít nhị đem ướp luôn vào gói trà dắt trong mình, nếu đấy là trà mạn cũ.

Những buổi có phiên chợ, cụ Sáu ngồi ghé vào nhờ gian hàng tấm của người cùng làng, bày ra trên mặt đất có đến một chục chiếc ấm mà ngày trước, giá có trồng ngay cọc bạc nén cho trông thấy, chửa chắc cụ đã bán cho một chiếc. Có một điều mà ai cũng lấy làm lạ, là cụ bán lũ ấm đất làm hai lớp. Mấy kỳ đầu, cụ bán toàn thân ấm và bán rất rẻ. Còn nắp ấm cụ để dành lại. Có lần vui miệng, cụ ghé sát vào tai người bà con :” Có thế mới được giá. Có cái thân ấm rồi, chẳng nhẽ không mua cái nắp vừa vặn sao ? Bán thân ấm rẻ, rồi đến lúc bán nắp ấm, mới là lúc nên bán giá đắt. Đó mới là cao kiến”.

Cụ Sáu cười hề hề, rồi vội quay ra nói chuyện với bạn hàng đang mân mê những cái thân ấm đất đủ màu, cái thì dáng giỏ dâu, cái thì múi na, hình quả vả, quả sung, quả hồng. Cụ đang bảo một ông khách :

-Thế nào tôi cũng tìm được nắp cho ông. Cứ phiên sau lại đây thế nào cũng có nắp. Không, đúng ấm tàu đấy mà. Nếu không tin ông cứ úp ấm xuống mặt miếng gỗ kia. Cho ấm ngửa trôn lên. Cứ xem miệng vòi với quai và gờ miệng ấm đều cắn sát mặt bằng miếng gỗ thì biết. Nếu muốn thử kỹ nữa, quý khách thả nó vào chậu nước, thấy nó nổi đều, cân nhau không triềng, thế là đích ấm tàu.

Nguyễn Tuân

(1) Câu đối này lấy của ông Tú Hải Văn.

 

 

Cà Phê Sài Gòn "Nguyên Chất Dĩ Vãng" - Vũ Thế Thánh

 

CÀ PHÊ SÀI GÒN “NGUYÊN CHẤT DĨ VÃNG”

 

Tôi ra Hà Nội lần đầu vào năm 1980 gì đó, vào cửa hàng ăn uống gọi, à không, mua phiếu một ly cà phê đen. Tôi nhâm nhi, gật gù,…đúng là cà phê nguyên chất. Nhưng xin lỗi,…mùi vị dở ẹc. Dĩ nhiên tôi chỉ chê thầm, lỡ cô “mậu dịch viên” mà nghe được thì tôi tới số. Mậu dịch viên hồi đó là chúa tể, chứ không phải lèng phèng như mấy cô em cà phê Sài Gòn đâu.

Vũ Thế Thành

 


Hồi đó cà phê bán ở Sài Gòn có loại hạt rang sẵn, cà phê Moka, cà phê Robusta,… bán tới đâu xay tới đó, mà mỗi lần mua chừng một trăm, hai trăm gram là nhiều. Xài hết ra mua tiếp, chẳng ai khoe cà phê nguyên chất cả. Cà phê là cà phê, thế thôi.

Mà nguyên chất thế nào được!

Hồi người Pháp mới trồng cà phê ở Việt Nam đâu đó cuối thế kỷ 19, cà phê hạt chỉ được rang, xay rồi pha với đường quậy với sữa. Thứ “cà phê di sản” này mới đúng là cà phê nguyên chất (pure).

Nhưng dân Đằng Trong đâu chịu cà phê đắng nghét kiểu đó, họ bắt đầu thêm thắt chế biến theo kiểu cách riêng, cái mà marketing hiện đại gọi là… “tạo sự khác biệt”. Họ làm quy mô nhỏ thôi, làm theo bí quyết riêng, chẳng ai làm giống ai, rồi bỏ mối cho mấy quán cà phê, hay mấy tiệm bán cà phê xay lẻ.

Cà phê Sài Gòn hồi đó có độn bắp không? Có chứ sao không. Không có chút xíu bắp rang làm sao cà phê có độ sánh. Có thêm xác cau rang không? Có luôn, không có xác cau rang làm sao cà phê có vị đắng. Rồi tiện tay, cho thêm rượu đế, mắm muối,… Mà rượu đế là dung môi dễ bay hơi, không kéo theo hương tự nhiên của cà phê bốc lên mũi sao? Thêm muối để cà phê thêm phần đậm đà. Có khi còn thêm nước mắm là để tạo sự…khác biệt. Đó là những phụ gia dân dã có sẵn trong tầm tay.

Cà phê Sài Gòn là thế. Những phụ gia “nhà bếp” và đầy tính sáng tạo quyện với hương vị của hạt cà phê rang thủ công đúng điệu tạo ra cái gọi là cà phê Sài Gòn một thời. Không quán café nào có café mùi vị giống nhau. Điều đó tùy thuộc họ lấy mối cà phê ở đâu. Và cũng phải kể thêm cách pha cà phê riêng của mỗi quán nữa. Chẳng hạn pha thêm chút vanilla hay beurre Bretel để hương lan tỏa nhẹ trên tách cà phê nóng, trước khi hương cà phê thứ thiệt bốc

Nhưng cần hiểu rằng, những thứ lằng nhằng thêm thắt này chỉ là phụ gia son phấn thôi, chứ không phải hàng độn. Ngon dở vẫn phải là cà phê rang sao cho tới mới ra được hương vị cà phê mê hoặc lòng người.

Sau năm 75, cà phê Sài Gòn rơi vào bế tắc vì ngăn sống cấm chợ. Tôi mang một kg cà phê sống từ Nha Trang về Sài Gòn còn bị tịch thu. Dân Sài Gòn sáng sớm không có cà phê để tán chuyện làm sao chịu nổi. Cà phê “sáng tạo” “bắt đầu bay bổng khắp vỉa hè Sài Gòn. Đó là “cà phê non-caffeine”. Dùng đậu nành rang là chính. Muốn đắng có ký ninh, muốn sánh có a dao, gelatin, muốn đen có màu caramel, muốn bọt có chất tạo bọt xà phòng (lauryl sulfate). Còn hương cà phê?  Hương cốm, hương nếp, hương cà cuống còn… “nhân tạo” được, thì hương cà phê nhằm nhò gì, nhiều vô số kể.

Những năm sau này khi giao thương thông thoáng hơn, sản lượng cà phê nhiều hơn, rẻ hơn thì Sài Gòn không còn thứ “cà phê non-caffeine” đó nữa, nhưng cà phê Sài Gòn vẫn thêm “phụ gia” theo bí quyết riêng của họ. Gọi đó là cà phê giả hay cà phê độn thì không đúng đâu. Dù vậy, cà phê Sài Gòn “phụ gia” hồi đó đâu có đen thui, sánh sệt như cà phê của một số hãng lớn bây giờ.

Cà phê Sài Gòn phôi pha nhiều theo cuộc bể dâu, nhưng không vì thế mà bốc lên cà phê nguyên chất, cà phê đúng nghĩa, cà phê linh thiêng, hay cà phê là di sản quốc gia…

Thời còn đi học thỉnh thoảng tôi vẫn trốn học giờ lý thuyết, bờ bụi cà phê vỉa hè ở khu Hồ Con Rùa, gần Nhà Thờ Đức Bà, mà tụi tôi gọi đùa là khu tam giác vàng. Nơi đây có 3 trường đại học, Văn khoa, Luật khoa và Dược khoa. Để mấy bà dược sĩ ống nghiệm qua một bên, thì ngồi cà phê (pha vợt) vỉa hè chỉ để ngắm mấy nàng Văn khoa Luật khoa tha thướt.

Còn bè bạn đi lính về phép lại thường kéo nhau vào quán cà phê đèn mờ nghe nhạc tiền chiến, bên tách cà phê phin, khói thuốc, trầm ngâm về chiến cuộc ngày càng khốc liệt. Biết đến bao giờ…?

Đó, một chút bình yên của Sài Gòn bên ly cà phê Sài Gòn trong thời chiến là thế.

Cà phê Sài Gòn một thời. Một thời mà cũng cả trăm năm rồi chứ đâu còn là thưở hồng hoang cà phê nguyên chất như khi Pháp mới lập đồn điền cà phê.

Lang thang ở Hà Nội, thỉnh thoảng tôi cũng ngồi bệt trên thềm hè, uống cốc chè thúng mẹt, hút chơi điếu cày, ăn miếng kẹo lạc, tám chuyện lăng nhăng với dân Hà Nội. Sài Gòn có cà phê, Hà Nội có nước chè mà, phải không?

Vào những năm 72-73, khi chiến cuộc bị đẩy lên cao khủng khiếp – Mùa hè đỏ lửa đó, rất nhiều sinh viên Hà Nội bị động viên để đưa vào Nam. Ngồi uống chè bệt ở Hà Nội, đôi khi tôi tự hỏi, họ có rủ nhau đến uống nước chè “cái mẹt nằm trên cái thúng” như thế này không? Ngồi uống để nói với nhau những lời “heart-to heart” mà không bị “kiểm duyệt” trước khi lên đường Nam tiến. Họ nghĩ gì trong đầu lúc đó? Và nếu còn sống, họ nghĩ gì lúc này? 

Bọn tôi ở Sài Gòn, thường rúc vào quán đèn mờ, nghe nhạc tiền chiến, uống cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc”, trầm ngâm thằng còn thằng mất…Có những kiểu “nhân danh” gì đó vô lý, vô nghĩa,… để mạng người bèo bọt.

Cà phê Sài Gòn vẫn còn nguyên đấy! Còn nguyên trong ký ức như một thứ cà phê dĩ vãng, buồn nhiều hơn vui. Xin đừng lộng ngôn với quá khứ.

Vũ Thế Thành

304Đen – llttm- sgtc

 

Thursday, April 25, 2024

Nhớ Chuyện Xưa & Người Bạn Trị Kỷ - Nguyễn Thị Châu

 NHỚ CHUYỆN XƯA

 














Chiếc bóng bên thềm vọng cố hương

Nhớ về quê cũ dạ vấn vương

Ra đi là rất nhiều nhung nhớ

Bỏ lại sau lưng những tình thương

 

Ba mươi năm, lái đò đưa khách

Thăng trầm biến đổi theo thời gian

Vẫn vững tay chèo theo giông tố

Đưa các em về bến bình an

 

Đời giáo viên rất nghèo, rất khổ

Khoai sắn độn cơm, qua tháng ngày

Quần áo tả tơi, không đủ mặc

Đàn con nheo nhóc, với rổ khoai

 

Khổ quá đành bỏ quê đi mất

Giờ ngồi đây nhớ chuyện qua rồi

Quê hương ơi! Tôi luôn nhớ mãi

Ngôi trường xưa, mái đỏ tường vôi….!!!

 

24-4-2024

Nguyễn thị Châu

 

NGƯỜI BẠN TRI KỶ

 













Người bạn tri kỷ của tôi ơi!

Đôi ta xa cách đã lâu rồi

Phương ấy bây giờ anh có nhớ?

Cánh Hồng tươi thắm đã trao ai?

 

Hai ta gặp lại buổi chiều tà

Lời thương chưa nói, đã chia xa

Hoàng hôn dừng bước chân lãng tử

Bóng nguyệt u buồn cũng đi qua

 

Cánh Hồng trước gió, tìm ai đó?

Da diết buồn hiu dáng hao gầy

Mong cho Bướm nọ sang vườn cũ

Tìm chút dư hương buổi sum vầy

 

Hởi người tri kỷ của tôi ơi!

Có nghe tiếng gọi không nên lời

Có nghe thổn thức trong tim vở

Xào xạc ngoài kia, chiếc lá rơi…!!!

 

24-4-2024

Nguyễn thị Châu

 

Wednesday, April 24, 2024

Nghĩa Trang Chiều - Nguyễn Đạm Luân

 Nghĩa Trang Chiều

 













Chiều hiu hắt nghĩa trang

Buồn cũng buồn ngày cũ

Nắng ngã bóng thu vàng

Lẻ loi người nằm đó

 

Người đi trời vào thu

Mang theo sầu vạn cổ

Chôn sâu đáy huyệt mồ

Ngậm ngùi vàng là đổ

 

Hôm tôi tiễn người đi

Sụt sùi mưa thu khóc

Vĩnh biệt tuổi xuân thì

Nảo nề thiên thu khúc

 

Đêm nằm nghe tiếng mưa

Ngỡ người về đâu đó

Gác trọ bóng trăng xưa

Chênh chếch mờ không tỏ

 

Người dưới đó lạnh không

Trên này cuồng gió hú

Nghĩa trang chiều lạnh lùng

Nghẹn ngào mưa lệ đổ

 

Nguyễn Đạm Luân