LÁ BÀNG ĐỎ
Gần như cùng một lúc vào buổi sáng, Hiệp nhận ra một chiếc lá bàng đỏ thắm lần
đầu tiên trong năm nay xuất hiện trên cây bàng dưới cửa sổ và một sợi bạc lần
đầu tiên trong đời xuất hiện trên tóc chị. Phát hiện đầu làm chị sững sờ, phát hiện
sau khiến chị choáng váng. Tuy nhiên, sững sờ hay choáng váng cũng chỉ trong
giây lát, đến lúc phải thế rồi, tránh làm sao được, chị tự nói với mình.
Sáng hôm ấy là một buổi sáng tràn đầy gió heo may.
Chị nghĩ chẳng có gì làm mình rối lòng lên được, dù màu đỏ của lá hay màu trắng
của tóc. Chị nghĩ rằng chị vẫn đến cơ quan như tất cả mọi ngày. Có gì khác đâu,
mùa thu năm nào chẳng đến, và ai chẳng tới lúc già.
Buổi trưa, lại một buổi trưa trong quán càphê, với đồ ăn nhanh, thời gian cũng
trôi nhanh, còn những lời nói của Lâm bao giờ cũng chậm. Lâm thường chỉ ngồi
nhìn chị và nói rất ít. Dạo đầu, cung cách đó của anh làm chị lúng túng, dần
thì chị quen đi, quen đến mức không thiếu được. Để nói, thực ra cũng chẳng cần
dùng nhiều đến lời, để hiểu nhau thì lại càng cần ít hơn nữa. Chỉ cần Lâm nói
một câu đại loại thế này:
- Lá lại rơi vào vai em đấy...
Thế là đủ cho chị cảm thấy không gian quanh mình trở nên rất êm đềm.
Lâm nói câu ấy vào lần thứ hai họ ngồi với nhau, dạo ấy anh nói nhiều hơn sau
này. Câu tiếp theo thực ra vẫn là câu thứ nhất: "Lần trước một cái lá cũng
rơi vào vai em, em nhớ không, nhưng cái lá lần trước xanh hơn hôm nay...".
Chẳng ra đâu vào đâu, nhưng một không gian êm đềm là điều có thật. Chẳng hiểu
vì sao hôm nay Hiệp lại nhớ đến những lời Lâm nói với chị buổi đầu, những lời
chỉ hơi giống với lời tỏ tình, hơi giống thôi, không phải là tỏ tình thật sự,
thế mà cũng đủ để bắt đầu những buổi trưa ngồi bên nhau suốt mấy năm vừa rồi.
Chị định nói với anh về chiếc lá bàng đỏ.
Nhưng chị cảm thấy không có gì để nói về nó cả.
Những chiếc lá đã rơi trên vai chị mấy năm trước không phải là lá bàng. Chúng
mỏng mảnh, màu xanh, rồi màu vàng... đã có lần không phải một hay hai chiếc lá
rơi xuống vai chị mà cả một trận mưa lá đổ xuống, không phải bên bàn càphê mà
trên một bãi cỏ xanh, một bãi cỏ rất xanh ở một nơi cách xa thành phố. Hiệp
biết rằng mình đã từng hạnh phúc.
Lâm đang nói gì thế nhỉ? Anh nói về những chiếc mặt nạ trung thu. Những chiếc
mặt nạ trung thu anh mua về cho con gái anh, anh bảo rằng chúng xấu một cách
kinh khủng. Chúng là sự cẩu thả ghê gớm mà người lớn dành cho trẻ con, cẩu thả
từ chất liệu đến đường nét và màu sắc. Nhưng vẫn cứ phải mua vì không còn có
thể như xưa, ngồi tự bồi giấy làm mặt nạ. Hình như hôm nay anh nói nhiều hơn
mọi ngày, nói về con gái, bao giờ anh cũng nói nhiều. Những chiếc mặt nạ trung
thu, thà rằng xấu xí, còn đỡ hơn những mặt nạ kinh dị, những chiếc mặt nạ thần
chết, ma sói, ma cà rồng bằng caosu mềm... Chỉ riêng việc nghĩ rằng những thứ
như vậy để bán cho trẻ con cũng nên cho một số kẻ bị kết án. Tại sao lại có
những kẻ tìm cách tạo nên những cơn ác mộng cho bọn trẻ con như vậy, thật không
thể hiểu nổi.
Những cơn ác mộng.
Mấy năm nay Hiệp hình như không gặp những cơn ác mộng. Chị có một không gian êm
đềm, dù không gian ấy chỉ tồn tại vào buổi trưa thôi, nhưng những buổi tối một
mình trong căn phòng vắng trên tầng năm của một chung cư xa trung tâm thành
phố, chị cũng không bị những cơn ác mộng đe doạ. Giấc mơ tệ hại nhất có thể tới
chỉ là giấc mơ về một cầu thang tối mịt mù và sâu hun hút, chị phải lần từng
bước và sẩy chân... cũng sợ, nhưng ngay trong mơ, chị biết được rằng chị chịu
được giấc mơ ấy. Ngay trong mơ, chị cũng tự an ủi được mình rằng chỉ là một lần
sẩy chân thôi, không ghê gớm lắm đâu. Nói chung, chị chịu đựng được, chị nghĩ
trong mơ như vậy, không biết cụ thể là mình chịu đựng được cái gì.
Lâm đã thôi nói về những chiếc mặt nạ. Anh đang nói về trăng. Anh là một người
bố tuyệt vời, mỗi đêm trung thu anh đều tìm cách cho con gái anh được ngắm trăng.
Nhà anh trong phố cổ, trăng ở phố cổ hiếm hoi nên có một vẻ đẹp riêng mà nơi
khác không có. Chỉ có điều là muốn nhìn được trăng, anh phải bế con trèo qua
một cái cửa sổ, sau đó lại trèo lên một cái bể nước nữa. Việc này mỗi năm một
khó khăn hơn vì con gái anh mỗi năm một lớn. Hôm qua con gái anh nói với anh
rằng Trung thu năm nay nó sẽ tự mình trèo qua cửa sổ, nhưng bố cũng muốn ngắm
trăng và bố sẽ vẫn bế con. Lâm kể với chị rằng anh đã trả lời con bé như vậy.
"Em biết không, có những đêm trăng anh trèo qua cửa sổ một mình, hút một
điếu thuốc lá, nhớ em đến phát khóc lên được". Chị định kể với anh về
những đêm trăng tràn ngập trên sân thượng tầng năm của ngôi nhà chị. Trăng
nhiều đến mức làm chị sợ. Chỉ những đêm trăng thật sáng, cái không gian êm đềm
buổi trưa của chị mới có thể bị làm tan loãng ra. Và đêm ấy, rất có thể chị lại
nằm mơ thấy cầu thang tối, sâu hun hút với cảm giác chịu đựng thật ra rất khó
khăn với chị. Chị định kể, nhưng lại thôi. Suốt mấy năm qua, trăng hình như lúc
nào cũng lạnh. Hễ trăng sáng quá, chị sẽ phải đi trốn. Trốn trăng, bằng cách
bật đèn thật sáng lên hoặc chúi đầu vào một cuốn sách nào đó để đừng nhìn ra
cửa sổ. Đừng nhìn ra cửa sổ, chứ nói gì đến chuyện chui qua cửa sổ để ngắm
trăng như anh. Mà anh thì chui lén, tất nhiên thế, mẹ con bé biết được sẽ đoán
ngay là vì sao. Đau ốm như chị ấy không nên phải rầu rĩ vì suy diễn hết chuyện
này sang chuyện nọ.
Lâm không nói nữa, anh lại im lặng, như mọi ngày, và nhìn chị... Một chiếc lá
xà cừ rơi trên bàn, không vào ai cả. Buổi trưa đã sắp hết. Cốc càphê cũng đã
cạn đến đáy. Những cốc càphê uống vào ban trưa, những giờ khắc yêu đương vào
ban trưa.
Chị lại muốn nói với anh về chiếc lá bàng đỏ, và thấy không thể nào nói được.
Một chiếc lá, không phải rơi trên vai mà rơi thẳng vào cuộc đời.
Gió heo may tràn ngập không chỉ buổi sáng mà cả buổi trưa nữa.
Chị không nói được gì về chiếc lá bàng đỏ. Rồi sợi tóc trắng của mình. Chị biết
là chị sẽ không bao giờ nói được. Trăng đêm nay sẽ lại rất sáng, chỉ vài hôm
nữa là Trung thu. Lâm sẽ bế con trèo qua cửa sổ ngắm trăng, và chị sẽ vùi mặt
vào gối để đừng mơ thấy cái cầu thang sâu hút với thăm thẳm bóng tối. Bóng tối
của riêng một mình chị.
"Trưa mai nhé!" - Lâm nói lúc ra về.
Trưa mai, cây bàng có thể có thêm những chiếc lá đỏ nữa.
Lần đầu tiên, Hiệp không gật đầu như mọi khi. Chị đi qua con phố dài ven hồ,
hương hoa sữa chỉ đợi chiều đến là ào ra níu kéo. Chị nghĩ là mai chị sẽ không
quay lại con đường này, và thế, hương hoa sữa giống như một nỗi đau, hay một
người bạn cũ đã ở lại phía sau, dù có níu kéo bao nhiêu. Nhưng vẫn còn những
chiếc lá đỏ và những sợi tóc trắng khác, những mùa thu vẫn đang còn trước mặt,
những mùa thu xa hơn cái hẹn vào trưa mai.
Phạm
Thanh Hà
No comments:
Post a Comment