Wednesday, April 17, 2024

Tôi Về: Hồi Ức Tháng Tư - Nguyễn Cang

 

TÔI VỀ: HỒI ỨC THÁNG TƯ

(phần I) TÔI ĐƯỢC THA




 

Khoảng cuối năm 1978 tôi được “tha về” từ trại tù Bùi Gia Phúc ( thuộc tỉnh Phước Long) . Không có niềm vui nào bằng thoát khỏi cảnh tù tội. Người ta thường nói “Nhật nhật tại tù thiên thu tại ngoại” đó sao! Tôi như con chim sổ lồng từ cái lồng kẽm gai đệm lớp lồ ô vạt nhọn. Xin vĩnh biệt trại tù Phước Long, vĩnh biệt phòng giam ọp ẹp, vĩnh biệt những những ngày lao động vất vả thiếu ăn, vĩnh biệt chốn lưu đày nghiệt ngã …Tôi và anh bạn tù Phan Văn Nam được thả ra cùng một lượt. Sau khi làm xong thủ tục giấy tờ chúng tôi bước nhanh ra khỏi cổng như bị ma đuổi vì sợ quản giáo đổi ý, bất ngờ kêu lại. Anh Nam còn dặn tôi đừng ngước đầu nhìn lại trại giam sợ có cô hồn!

Đồ đạc tư trang chúng tôi bỏ lại gần hết cho bạn bè nên thân nhẹ thênh thang. Chúng tôi cuốc bộ tới “Ngã Ba” cách cầu Đắc Luông độ một cây số , đón  xe đò về tỉnh Phước Bình, từ đó sang xe đò về Sài Gòn. Đợi một lúc lâu không thấy chiếc xe khách nào nên chúng tôi tiếp tục cuốc bộ. Đường tuy xa thăm thẳm nhưng chúng tôi không thấy mệt vì mình được tự do, tự dưng có thêm sức mạnh lạ thường . Khi hoàng hôn vừa buông xuống thì chúng tôi tới một nơi có nhiều nhà cửa, mà không biết nơi đây là đâu, để tìm chỗ ngủ tạm thời,  sáng mai đi tiếp.  Bất ngờ chúng tôi thấy phía trước có một ngôi chùa, bèn xin vào tá túc qua đêm. Một bà ni sư tuổi độ 50, đem cho chúng tôi mượn 2 chiếc chiếu, trải bên hiên chùa để chúng tôi nằm ngủ. Suốt đêm chúng tôi không ngủ vì nôn nao trông cho trời mau sáng để đi về .Khi nghe tiếng gà gáy sáng thì đồng hồ chỉ 4 giờ, chúng tôi thức dậy, dọn dẹp đồ đạc, xếp chiếu lại dựng trước cửa phòng rồi nhẹ bước đi ra, không lời từ biệt ni sư vì lúc đó trời còn tối sợ phá giấc ngủ của sư. Sương khuya giăng phủ đầy trời, hai tay ôm sát vào ngực, lạnh thấm vào thân thể gầy còm xác xơ. Sau cùng chúng tôi ra tới phố chợ Phước Thành, đón xe đò về Sài Gòn còn anh bạn Nam thì về Vũng Tàu, chúng tôi chia tay từ đây, hẹn ngày tái ngộ tại Sài Gòn, tôi cho bạn địa chỉ nhà ở Tân Quy Đông Nhà Bè. nhưng cho mãi tới nay, hơn nửa thế kỷ trôi qua tôi cũng chưa gặp lại bạn. Không biết bây giờ bạn ấy ra sao, sống chết thế nảo?

        Tôi về tới nhà đúng 10 giờ tối, lúc nầy mọi người đều đi ngủ, tôi gõ mạnh cửa, gọi tên vợ con nhưng không có tiếng trả lời, bỗng chị Bảy Tâm hàng xóm không biết từ đâu bước tới nhận ra tôi bèn reo lên: Anh Tư ( Nguyễn Cang)  về rồi nè chị Tư ơi! Rồi chị nói : Để em về nhà lấy chìa khóa mở cửa, tháng rồi vợ anh có gởi chìa khóa nhà em. Tôi nghe hụt hẫng, một nỗi buồn như xé con tim, tại sao vợ con đi đâu cả ? Chị Tâm trở lại, tôi hỏi nhanh: Vợ con tôi đi đâu rồi chị Tâm ? Chị đáp: Nghe chị Tư nói xuống Mỹ Tho làm mướn kiếm gạo, còn mấy đứa nhỏ thì gởi về bà nội ở Tây Ninh !Tôi nghe đau nhói trong lòng, cửa nhà sa sút đến thế sao? Hai mắt cay xè ! Nhớ tới mấy lần thăm nuôi vợ mang đồ ăn tiếp tế` nào đường, mắm ruốc, đậu phọng… tôi mới hiểu sự vất vả, dè xẻn của vợ để mua cho tôi những thứ đó, tôi bỗng dưng thấy nghèn nghẹn trong cổ họng.

Độ 4,5 ngày sau có người xuống Mỹ Tho nhắn vợ tôi về, gặp lại tôi nàng mừng lắm như chết đi sống lại, rồi một  tháng sau nàng lên Tây Ninh, mang đủ mấy đứa con trở về, tất cả còn nguyên vẹn chỉ khác một điểm là đứa nào cũng đen đúa, khét nắng vì hằng ngày chúng thường lội ruộng bắt cá, hay ra đồng bắt dế.

Về sống tại địa phương tôi tưởng sẽ được tự do bay nhảy, đi thăm cha mẹ, bà con, bạn bè nhưng không thể vì còn bị quản chế 6 tháng. Mỗi tuần tôi phải trình diện công an, báo cáo những việc đã làm trong tuần. Điều làm tôi khổ tâm là không biết làm gì để phụ vợ kiếm tiền nuôi con, muốn chạy xe ôm, phụ hồ cũng không được vì tôi không được phép rời xã để qua Sài Gòn hay nơi khác. Ngoài ra còn bị áp lực buộc đi kinh tế mới nhường nhà cho người khác. Ở trong tù sự kềm kẹp thật khắc nghiệt, ra ngoài xã hội cũng không kém. Bà con lối xóm không ai dám đến nhà  tôi chơi hay chào hỏi lúc gặp ngoài đường. Tôi thật sự bị cô lập giữa thế giới loài người trên chính quê hương mình. Tôi tủi thân tủi phận cho kiếp nhân sinh. Một hôm trên đường ra chợ gần nhà bất chợt tôi đụng đầu một anh bạn từng dạy học chung ở Gò Công, tôi mừng rỡ kêu lên : Anh Tiếp! Anh ngỡ ngàng nhìn tôi ra vẽ ái ngại, nói vài câu xã giao rồi vội vã bỏ đi, sợ có ai trông thấy.  Tôi ngơ ngác như trời trồng, biết thân phận mình là kẻ bị ghép tội sĩ quan biệt phái Bộ Giáo Dục nên ai cũng sợ bị liên lụy. Ôi, thói đời sao lắm chua cay, độc ác! 

 

(Mời xem tiếp phần II)

Nguyễn Cang (Apr. 13, 2024)   

 

 

1 comment:

Tam Dang said...

Bài viết đọc cảm động quá anh Cang. Mong anh đăng tiếp phần 2. Cám ơn Anh