Tuesday, April 9, 2024

Lá Trúc Đào - Phạm Thanh Hà

 

LÁ TRÚC ĐÀO





Nếu một ngày nào đó, tôi gặp lại cô gái ấy, dù cô là ai và như thế nào, tôi cũng sẽ vô cùng biết ơn cô vì nhờ gặp lại cô, tôi đã cất được một gánh nặng suốt bao năm qua.

Nhưng bởi vì tôi đã hoài công tìm kiếm suốt bao năm qua mà vẫn không gặp cô, nên gánh nặng của tôi vẫn còn đấy. Cái gánh nặng ấy, nó không sinh ra từ một niềm ân hận, hay một mặc cảm tội lỗi nào. Tôi chẳng phải một kẻ chưa từng phạm tội hay chưa từng ăn năn bao giờ, nên tôi biết rằng cả hai cái ấy đều có thể bớt dần theo thời gian như bát nước nóng có thể nguội dần. Còn gánh nặng của tôi mãi cứ đè nặng lên tâm trí tôi - cô gái mà tôi chỉ thoáng thấy một lần, một lần duy nhất trong đời là người làm cho tôi bị ám ảnh lâu hơn hết so với những người con gái khác. Tôi biết sẽ không ai kết án tôi vì chuyện này. Không ai hết, ngoài tôi.

Một buổi sáng rất đẹp của một ngày đầu mùa hè. Khi ấy tôi đang là phóng viên tập sự của một đài phát thanh và có việc phải sang mấy huyện ngoại thành vì một công tác gì đó. Tôi ra đi từ sáng sớm. Đường phố chưa có mấy người đi lại, không khí thanh sạch và dịu dàng đến tuyệt vời. Tôi chọn con đường dọc theo một bức thành cổ có nhiều cây ở hai bên. Có những thời khắc thật ngắn ngủi trong một ngày để tận hưởng niềm hạnh phúc được sống trong yên tĩnh. Đúng vào lúc ý nghĩ ấy đi qua đầu tôi, tôi trông thấy cô gái ấy. Cô đang rướn mình lên để níu lấy một cành lá xanh ở một cây ven đường. Cô còn rất trẻ và mảnh mai, tóc dài xòa ngang lưng, bộ quần áo trắng muốt, những ngón tay nhỏ nhắn hái những chiếc lá non, đã có một nắm lá trong tay cô. Trong buổi mai yên tĩnh, vòm cây khẽ lay động như để xua đi những giấc mơ còn đang quanh quẩn và chuẩn bị sáng lên trong những tia nắng mới non nớt. Những chùm hoa rực rỡ đầu cành rung động theo tay cô gái. Toàn bộ hình ảnh ấy đẹp đến nỗi tôi sững sờ và đi chậm lại. Tôi tiếc mình không phải nhiếp ảnh gia hay họa sĩ, bởi sự tương phản của mầu sắc, từ bộ quần áo trắng muốt đến cành lá mầu xanh biếc, những chùm hoa hồng rực, bức tường cổ rêu phong và nhất là hình dáng mảnh mai yêu kiều của cô gái, tất cả tạo nên một bức tranh đẹp và hoàn chỉnh.

Về sau này mỗi khi hình dung lại bức tranh ấy, những chi tiết của tôi có lẫn lộn đôi chút. Bộ quần áo của cô đôi khi không phải màu trắng mà là màu vàng hoặc xanh nhạt, mái tóc cô không phải xõa ngang lưng mà chỉ chấm đến vai. Nhưng mầu lục sẫm của những lá cây trong tay cô, sắc hồng rực rỡ của những chùm hoa ngang đầu cô thì không bao giờ thay đổi, chỉ có mỗi ngày một tươi hơn - cũng như nét mặt cô, mà đi một đoạn ngắn rồi tôi mới quay lại nhìn, trong ánh sáng đã rõ hơn đôi chút, nét mặt nhợt nhạt, không ạt chút sinh khí, tôi vẫn cứ giật mình mỗi lần nhớ lại.

Cái mầu hoa cứ chói ngời lên ấy, đi thêm một đoạn nữa, tôi mới nhớ ra rằng nó là mầu hoa của cây trúc đào, những chiếc lá trong bàn tay nhỏ của cô là lá trúc đào. Và phải thêm một đoạn đường tiếp theo nữa, tôi mới nhớ rằng lá trúc đào là một thứ lá độc, ăn vào có thể chết người.

Tôi choáng váng. Nét mặt không sinh khí của cô gái và nắm lá trúc đào, hai cái ấy cộng lại với nhau thành một điều thật kinh khủng.

Tất cả những suy diễn của tôi hiện ra chỉ trong một vài phút. Đoạn đường tôi mới đi không đáng là bao và tôi có thể quay lại, để đến bên cô gái, hỏi han cô đôi điều để phán đoán của mình đúng hay sai. Nếu cần, tôi có thể giật lấy bó lá vứt đi, nếu cần nữa tôi sẵn sàng trở thành bạn, thành anh của cô, và nếu cần hơn nữa, tôi có thể đưa cô về nhà. Nếu tôi đã làm như thế, bao nhiêu năm nay tôi đã không phải cứ nghĩ mãi về cô. Đằng này, tôi lại ngần ngại và đạp xe đi như một cái máy. Ngã ba đầu tiên, tôi tự hỏi mình có nên quay lại không? Ngã tư tiếp theo, rồi đến chân cầu Long Biên, tôi vẫn tự hỏi mình có nên quay lại không? Qua cầu Long Biên là con dốc dài quanh co, hết cái dốc ấy, tôi không nghĩ là mình sẽ quay lại nữa. Tôi cố gắng nghĩ đến công việc, đến cái tin phải viết cho đài phát thanh. Nhưng buổi sáng của tôi đã bị độc bởi những ngọn lá trúc đào chẳng làm nổi một việc gì nữa cả, uống một ngụm nước cũng không xong. Quá trưa tôi trở về bằng con đường cũ. Cô gái không ở đấy nữa. Đường phố tấp nập. Cây trúc đào vẫn ở nguyên chỗ cũ, cây trúc đào có bao nhiêu lá, chẳng ai biết đã có một ít lá của nó bị hái đi lúc sáng nay. Tôi mong sao cho những gì đã trông thấy chỉ là ảo ảnh, nhưng mà lá trúc đào xanh quá, tôi không sao tự lừa dối được mình.

Chiều hôm ấy, tôi lao đến nhà một người bạn là bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai. Nó tưởng tôi ngớ ngẩn khi hỏi:

- ở chỗ cậu hôm nay có ai phải cấp cứu vì ăn lá trúc đào không?

- Không, chỉ có hai ca tự tử, một bằng thuốc trừ sâu, một bằng dây thừng...

Không đợi nó nói hết câu, tôi lại lao về.

Nhưng mà thành phố không phải chỉ có một Bệnh viện Bạch Mai, còn bao nhiêu bệnh viện khác. Tôi không thể thở phào ngay được mà cũng không thể đi khắp các bệnh viện được. Cái gánh nặng của tôi nặng hơn khi đêm tới. Đầu tiên, tôi tự mắng mình một cách thật khách quan, rằng mình chỉ lẩn thẩn và hay làm to chuyện. Biết đâu cô gái hái lá trúc đào vì một mục đích nào khác. Lạy trời, chắc hẳn lá trúc đào còn phải có nhiều công dụng khác tốt đẹp hơn cái khả năng gớm ghiếc kia của nó. Và biết đâu, cô gái lại chẳng đã nghĩ lại rồi. Tôi thử tưởng tượng ra cảnh cô chợt phá lên cười và thả từng chiếc lá trúc đào rơi lả tả xuống chân. Nhưng hễ tôi bắt đầu sử dụng đến trí tưởng tượng của mình thì khuôn mặt nhợt nhạt, không chút sinh khí của cô gái lại hiện lên, làm thắt cả tim tôi. Mỗi lúc cảm giác của tôi một đậm hơn lên, rằng đấy là khuôn mặt của một người đã chết, đã chết đau đớn, vật vã. Mà lẽ ra, tôi có thể ngăn chặn được cái chết ấy. Chỉ một cố gắng cỏn con của tôi thôi, không cần dùng đến lòng can đảm, chỉ cần đỡ ngần ngại, đỡ lười biếng đi trong một vài phút. Tôi biết chứ, một cô gái trẻ định tự tử, đấy là vì cô ta cô đơn, khốn khổ và tuyệt vọng đến cùng cực rồi, một bàn tay đưa ra lúc ấy cần thiết bao nhiêu, thế mà tôi đã quay đi. Quay đi sau khi khen cô ta đẹp và để cô ta chết...

Đêm ấy, tôi thức trắng. Cô gái chỉ thoáng trông một lần trở nên có một gương mặt vô cùng ám ảnh và ngày càng quen thuộc với tôi. Tôi nghĩ đến cô nhiều hơn nghĩ đến mình. Suốt bao năm nay tôi vẫn tìm cô. Đôi khi, tôi lại thấy rất rõ ràng trước mặt những đường nét của thân hình mảnh mai đang vươn lên níu lấy một cành trúc đào trên cao. Rất nhiều đêm, trong tiếng gõ nhịp đều đặn và khô khốc của chiếc đồng hồ treo tường, tôi nghe thấy những tiếng thở dài não ruột của cô và rất nhiều lần tôi thấy tất cả các loại lá xanh trên đời, không chỉ là lá trúc đào, ánh lên một mầu xanh độc địa khiến tôi không làm sao chịu nổi.

 

Phạm Thanh Hà

No comments: