Wednesday, April 24, 2024

Hồi Ức Tháng Tư: Tôi Về (Phần 2) - Nguyễn Cang

 

Hồi ức tháng Tư: TÔI VỀ (Phần II)




           

I.THẦY TRÒ GẶP LẠI

 

Một hôm anh Bảy Tâm ( chồng chị Bảy, người lối xóm rất thân với gia đình tôi, đã kể ở phần I) đến nhà chơi cho biết anh Vũ Hợi ( tức Vũ Đức Sao Biển) ở xóm trên mới cải tạo về được dạy học lại, bảo tôi đến Sở Giáo Dục thành phố xin dạy lại xem sao? Tôi cỡi chiếc xe đạp cọc cạch tới sở, vào lấy đơn xin dạy học. Ngồi nhà đợi kết quả, chẳng thấy ai trả lời, nhưng cũng nhờ cái biên nhận bằng bàn tay mà tôi có lý do để nán lại thành phố sau nhiều đợt đi kinh tế mới do huyện  phát động. Hằng tuần cứ sáng thứ hai là tôi đạp xe tới Sở Giáo Dục để xem kết quả. Tới nơi thì thấy có nhiều anh em cải tạo đến trước rồi, có khoảng hai ba chục người ngoài vòng rào chờ đợi, họ vừa đứng vừa ngồi, mặt anh nào cũng lộ vẻ ưu tư không biết số phận mình ra sao? Bất ngờ cuối dãy, tôi nhận ra một gương mặt rất quen, thì ra đó là giáo sư Bửu Lịch dạy ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Sao Thầy lại đến đây xin việc? Một hồi lâu tôi rón rén đến gần Thầy: -Chào Thầy, sao Thầy lại ở chỗ nầy?  Thầy có vẻ e ngại, dè dặt, rồi hỏi ngược lại tôi:   -Thế còn anh, tại sao lại ở đây? Tôi đáp: Thưa Thầy, em xin dạy học lại ạ!

-Thì tôi cũng giống anh thôi!

-Sao Thầy không đến trường cũ xin dễ hơn, ở đây chỉ dành cho giáo viên cấp 1,2,3 thôi

-Họ đâu có cho mà xin, ở đây may ra họ cho tôi dạy cấp nào cũng được.

Nghe thầy nói mà tôi nghẹn trong họng, một nỗi chua xót đắng cay không tả xiết . Thầy là giáo sư đại học mà nay vì hoàn  cảnh ngặt nghèo phải hạ mình xin “bên thắng cuộc” một chỗ dạy bậc Tiểu học  để được ở lại thành phố, khỏi đi kinh tế mới! Thật là một cảnh đời đầy bi thương, tội nghiệp cho thầy và cho giới trí thức Miền Nam. Thầy, theo nhận xét của riêng tôi, là một lý thuyết gia số một về CS ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn  thời bấy giờ . Thầy  chuyên nghiên cứu về học thuyết CS mà không theo CS, thầy bị động viên đi quân dịch rồi biệt phái về dạy học. Thầy được sinh viên kính trọng và yêu mến. Sách giảng khóa của thầy tuy khó hiểu nhưng rất thâm sâu, đọc mà cảm thấy khoái trong bụng, càng đọc càng say mê. Thầy cho rằng CS không mạnh, CSVN cũng không mạnh, cái mạnh của CSVN là do CS Liên Sô – Trung Cộng yễm trợ cùng thế lực của CS quốc tế thêm vào. Thầy còn nói: Các Mác- Lênin mắc nhiều sai lầm về lý thuyết khi vận dụng vào thực tế, nên sẽ bị đào thải trong tương lai. Bây giờ nghiệm lại thấy đúng : năm 1989 khối CS Liên Xô tan rã, các thành viên của khối tách ra khỏi LX gia nhập vào liên minh Bắc Đại Tây Dương Nato. Hình như thầy thuộc dòng dõi hoàng tộc vua chúa mà tiêu biểu là các GS: Bửu Cầm, Bửu Dưỡng, Bửu Kế… đang dạy ở đại học Văn Khoa Sài Gòn và Huế trước 75? Thầy BL rất am tường về chế độ CS vậy mà sao thầy không ra đi sớm trước khi biến cố 75 nổ ra?

Tôi còn gặp thầy vài lần ở Sở Giáo Dục, sau đó không còn  thấy nữa, không biết thầy có xin được việc không hay phải bỏ cuộc giữa dòng đời nhiễu nhương bát nháo? Trong những năm đầu của thời bao cấp, việc đi kinh tế mới là một nỗi sợ hãi, đối với ai không có công ăn việc làm chánh thức.vì phải bỏ nhà cửa, tài sản để tới một vùng xa lạ, thiếu những  tiện nghi vật chất cơ bản, chỉ thấy đồng khô cỏ cháy, ruộng nước bao la không người ở, đêm nghe tiếng ếch nhái kêu vang trời, buồn thắt ruột. Lương thực nhà nứơc chỉ cấp cho 6 tháng, sau đó phải tự túc. Cây trái hoa mầu chưa thu hoạch mà gạo đã hết, bịnh hoạn  không thuốc men nên nhiều gia đình lén bỏ về thành phố , ngủ đầu đường xó chợ hay gầm cầu, bến xe, thật thảm não ! Anh em cải tạo muốn xin một việc làm bất kỳ để được ở lại thành phố là vậy. Ngày xưa thời vua chúa, sau một cuộc bể dâu người dân nghèo khổ, nhưng so với bây giờ không thấm vào đâu !

“Phút giây bãi bể nương dâu

Cuộc đời là thế  biết hầu nài sao?”

( Lê Ngọc Hân / Ai Tu Vãn)

 

Bạn nào có tin tức gì về thầy BL xin cho biết, rất cám ơn.

Nguyễn Cang ( Apr. 17, 2024)

( xin xem tiếp phần III, đoạn kết)

No comments: