Kim Tuấn: Những điều thấy
trong giấc ngủ
Lời
Tòa Soạn: Sau khi tốt nghiệp khóa 15 Võ khoa Thủ Đức, nhà văn Hoàng Khởi Phong
chọn Binh chủng Quân Cảnh và từng làm việc tại Pleiku vào ba giai đoạn,
1965-1967, 1970-1973 và 02/1975-04/1975.
Ông
là một trong rất ít nhà văn lập nghiệp tại Cao nguyên Trung phần, qua đó ông
thân thiết với hầu hết các văn nghệ sĩ sinh sống hoặc hơn một lần ghé qua
Pleiku. Xin giới thiệu quý độc giả của Đặc San Phố Núi Pleiku, hồi tưởng của
một con dân Phố Núi, nhà văn Hoàng Khởi Phong…
Gửi
hương hồn Kim Tuấn
...
Và khi thức dậy
Tôi
tìm thấy tôi
Và
khi thức dậy
Tôi
tìm thấy tôi...
(Thơ
Kim Tuấn - Phạm Duy phổ nhạc)
1-
Tôi có thói quen dậy sớm, nằm lơ mơ trên giường
nghe tiếng những con chim ríu rít vọng vào từ ngoài cửa sổ. Sáng nay 11-9-2003
không phải tiếng chim đánh thức tôi dậy, mà là tiếng chuông điện thoại của Lữ
Quỳnh. Giọng anh có vẻ ngần ngừ vì anh nghĩ đã đánh thức tôi quá sớm, vài giây
sau cái vẻ ngần ngừ mất đi, anh báo cho tôi biết Kim Tuấn đã mất. Lữ Quỳnh qua
đây khá muộn màng, anh giữ được những liên hệ với các người bạn cũ còn ở trong
nước, do đó anh luôn luôn là người thông báo tin tức của những người viết văn,
làm thơ giữa hai bờ biển.
Tin Kim Tuấn mất đến với tôi cũng hệt như Pleiku đã
bị động đất, đã bị trôi ra biển. Nhưng trong thực tế chính là tôi đã trôi ra
biển, chính tôi đã bị những cơn bão đời cuốn đi, cuốn đi tới tận chân trời,
trong khi Pleiku vẫn còn đó, còn mãi mãi với những đổi thay chóng mặt. Đối với
tôi Pleiku là Kim Tuấn, là Cao Thoại Châu, là Cao Xuân Huy, là Nguyễn Bắc Sơn,
là Thái Tăng An, Ngô Văn Đinh Hợi, Cam Nhị Thu, Thế Vũ... cùng những người bạn
thỉnh thoảng ghé thăm xứ gió bụi mưa mùa như Vũ Hữu Định, Phan Lạc Giang Đông,
Trần Quang Lộc, A Khuê, Nguyễn Mộng Giác... Cho dù tôi có chỉ huy một đơn vị
tại đây, song liên hệ giữa những người lính trong đơn vị là một phần đời khác,
có những ràng buộc khác với tương quan giữa những người bạn làm văn nghệ.
Giữa năm 1970 tôi tới Pleiku nhận nhiệm sở mới,
trước đó ba năm khi mới in tập thơ đầu tôi quen Kim Tuấn nơi nhà một người bạn.
Chỉ là một cuộc gặp gỡ rất tình cờ rồi cả hai chúng tôi cùng quên đi. Thời đó
tôi chưa được ba chục, còn Kim Tuấn vừa mới qua khỏi tuổi ba mươi. Chúng tôi
còn quá trẻ và đầy sinh lực, có nhiều cách để phung phí bớt sức lực của mỗi
người, mà không nhất thiết phải vồ vập lấy nhau vì cùng làm thơ, nên trong lần
gỡ đầu tiên đó chúng tôi chỉ biết về nhau một điều duy nhất là cùng làm thơ, và
rồi ai về nhà nấy.
Kim Tuấn hơn tôi vài ba tuổi, thơ của anh đã viên
mãn, đã đầy đặn, được phổ nhạc bởi vài nhạc sĩ nổi danh đương thời. Trong khi
đó tôi là một con nghé mới nhú sừng, không hãm mình trong kỷ luật quân đội,
nhưng thận trọng trong cách giao tiếp với những người làm văn nghệ trước tôi,
bởi những lý do riêng biệt. Mặc dù biết Kim Tuấn đang ở Pleiku, khi nhận đơn vị
xong tôi không nghĩ tới việc phải tìm Kim Tuấn, bởi tôi nghĩ nếu chúng tôi có
duyên văn nghệ với nhau, không sớm thì muộn chúng tôi sẽ gặp gỡ, sẽ làm chung
với nhau một vài việc, sẽ đi chung một chuyến xe, sẽ ngồi chung trên một con đò
và cũng có thể sẽ không bao giờ gần nhau được. Tôi cũng không ngờ Pleiku là nơi
tôi ở lâu nhất trong suốt 13 năm quân ngũ, và cũng chính tại đây tôi có những
kỷ niệm văn nghệ mà tôi sẽ nhớ cho tới cuối đời.
2-
Đây là lần thứ hai tôi nhận nhiệm sở mới tại
Pleiku, nơi tôi đã bỏ mà đi sáu năm trước đó, vào năm 1964 khi thành phố này
còn hoang vu hơn nhiều, mỗi buổi chiều người ta vẫn còn thấy những đoàn người
sơn cước gùi số hàng chưa bán được trong ngày, từ những phố chợ túa ra trên các
con đường về lại các buôn bản nằm thật sâu trong rừng núi. Khoảng hai tháng sau
khi tôi nhận việc tại Pleiku, vào một buổi chiều sắp đến giờ tan sở, một chiếc
xe Jeep trờ tới đậu ngay trước cửa văn phòng. Từ ghế trưởng xa bước xuống một
người bệ vệ không đeo cấp bậc, không phù hiệu đơn vị, tôi nhìn ra và biết ngay
người có dáng bệ vệ đó là Kim Tuấn. Cùng đi với anh có một Thiếu Úy và một
Trung Úy phục vụ tại Phòng Tâm Lý Chiến Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II. Vừa bước vào
Kim Tuấn đã lên tiếng trách:
- Tôi biết tin ông lên đây đã gần hai tháng nay,
không thấy ông tới “trình diện” tôi, thì tôi phải tới “trình diện” ông
vậy.
Giao tình của chúng tôi khởi đi giản dị như thế.
Với Kim Tuấn, tôi biết anh phải đi lính vì tất cả mọi người đều đi lính, thế
nhưng phải có nhân cách nào đó, để mỗi sáng trên chiếc xe đưa đón nhân viên đi
làm, một Trung Úy và một Thiếu Úy đã nhường ghế trưởng xa cho một Hạ Sĩ. Tôi
không nghĩ các bài hát dược phổ từ thơ Kim Tuấn như “Anh cho em mùa xuân -
Những bước chân âm thầm - Khi tôi về” có thể mang lại sự trọng nể như thế. Sự
kính nêå đó tôi nghĩ chỉ có thể đến do cách anh sống với người, do nhân cách
của Kim Tuấn khi ứng xử với cuộc đời. Từ đó cứ vài ba ngày hoặc là trên đường
từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn về nhà, Kim Tuấn ghé tôi đi uống cà phê, hay thỉnh
thoảng tôi có việc vào trong Bộ Tư Lệnh, thế nào tôi cũng kéo anh xuống câu lạc
bộ ngồi tán gẫu. Qua Kim Tuấn, tôi biết thêm Cao Thoại Châu đang dậy tại Trường
Nữ Trung Học Pleime, cùng một số bạn văn nghệ khác đang sinh sống tại Pleiku
trong thời điểm đó. Về phần Kim Tuấn, ngoài công việc của một người lính, anh
còn dậy học thêm nơi trường tư thục Bồ Đề, trong khi Cao Thoại Châu dậy thêm
tại trường Minh Đức.
Tôi có thể nói một cách khiêm tốn, trước khi Kim
Tuấn và Cao Thoại Châu chính thức lập nghiệp ở Pleiku, thành phố này chưa bao
giờ gây dựng được một không khí văn nghệ. Trước đó năm, bẩy năm tại Pleiku mặc
dù đã có một số khuôn mặt văn nghệ phục vụ trong các đơn vị quân đội ở đây từ
những năm cuối thập niên 50, như Dương Diên Nghị, Duy Năng và Tường Linh song
đó chỉ là những người làm thơ đơn lẻ, vì tai trời ách nước mà phải hiện diện
nơi cao nguyên gió bụi mưa mù này. Phải đợi tới cuối thập niên 60, đầu thập
niên 70 khi mà Cao Thoại Châu và Kim Tuấn đã dựng nhà ở đây, đã dậy dỗ nhiều
lứa học trò, và sau đó thì chiến tranh ném thêm nhiều khuôn mặt văn nghệ lên
vùng đất này, trong đó phải kể tới những tên tuổi như Thế Vũ, Nguyễn Bắc Sơn,
Vũ Hữu Định, Cam Nhị Thu, Trương Thìn, Miên Đức Thắng... thay thế nhau có mặt
tại thành phố này, thì Pleiku đã tự gây dựng cho mình một bầu không khí văn
nghệ biệt lập hẳn với Sài Gòn và Huế. Tôi ở đây hơn hai năm trời, không ít thì
nhiều cũng đã tiếp tay với Kim Tuấn và Cao Thoại Châu trong việc gây dựng nên
bầu không khí văn nghệ của thành phố này.
Phải nói ngay trong số những người viết văn làm thơ
tại đây, Kim Tuấn lớn tuổi nhất, thành danh trước Cao Thoại Châu và tôi. Những
bài hát được phổ từ thơ của anh đã khiến cho những người làm văn nghệ khi nhắc
tới Pleiku là nhắc tới Kim Tuấn, thế nhưng phải đợi đến khi bài thơ “Còn một
chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Đinh được Phạm Duy phổ nhạc, những người làm văn
nghệ tại Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ, Biên Hòa... mới
thực sự biết đến một thành phố có tên là Pleiku. Nói một cách khác phải đợi tới
đầu thập niên 70, chính chiến tranh đã xác định địa danh Pleiku không phải chỉ
có những người lính, những trận giao tranh mà thôi. Ở nơi đây bên cạnh những
hơi thở nặng nhọc của những người lính chờ giao tranh, còn có những hơi thở
thoi thóp của những người lính làm văn nghệ.
Kỷ niệm đầu tiên giữa tôi và Kim Tuấn là những lần
cả hai rủ nhau đi cà phê, mà trước đó tôi phải bố trí cho lính tuần tiễu bắt
Kim Tuấn vì các tội danh đại loại như “lang thang trong giờ làm việc, mặc quân
phục không mang giầy, áo bỏ ngoài quần, quần không gom ống, không giấy tờ tùy
thân...”. Những cái tội hết sức ấm ớ mà bất cứ một anh Quân Cảnh nào khi bắt
lính đi ngoài đường, đều ghi vào trong Phiếu Vi Phạm. Sở dĩ phải bắt anh vì vợ
chồng anh có một pharmacy đồng thời bán mỹ phẩm và thời trang phụ nữ, ngoài giờ
làm việc anh hay phải đứng phụ với vợ trông cửa hàng. Kim Tuấn và tôi ngầm ước
hẹn với nhau mỗi tuần một hai lần, tôi cho lính đến “vồ” anh đi cà phê cho nhẹ
lòng. Chỉ có cách đó thì bà vợ anh mới không nghĩ là anh bỏ mặc cửa tiệm đi
chơi với bạn. Những lần bị “vồ” trót lọt trong vài tháng, cho đến khi một người
nào đó tiết lộ cho chị Kim Tuấn biết tình bạn văn nghệ giữa tôi và Kim Tuấn.
Một hôm tôi đang đi chợ trời trong khu trung tâm thành phố, khi đi ngang cửa
Pharmacy do hai vợ chồng Kim Tuấn làm chủ, chị từ trong tiệm bước ra mời tôi
vào coi hàng. Cách chị mời đon đả làm tôi khó từ chối, thế nhưng bước vào trong
tiệm chị không mời tôi coi hàng. Tôi là đàn ông, biết gì về mỹ phẩm vải vóc.
Chị mời tôi ngồi uống nước và trong lúc bất ngờ nhất chị nói với tôi:
- Tôi biết Đại Úy là bạn văn nghệ với anh nhà tôi,
lần sau Đại Úy muốn rủ anh Tuấn đi cà phê, xin đừng làm bộ bắt bớ khiến tôi sợ
muốn chết.
Đúng lúc đó Kim Tuấn từ trong phòng trong bước ra,
anh nhìn tôi nháy mắt vì chưa biết bí mật của hai chúng tôi đã lộ tẩy. Tôi cũng
nhân đấy coi như không có chuyện gì xẩy ra và lớn tiếng rủ Kim Tuấn đi cà phê
cho chị nghe thấy. Từ đó tôi ít rủ Kim Tuấn đi cà phê ngoài giờ làm việc, thỉnh
thoảng tôi lên Quân Đoàn, đón Kim Tuấn về sớm một hai giờ, khi về qua TĐ20CTCT,
rủ thêm Thái Tăng An, sau cùng ghé Trại Giam Tù Binh rước thêm Ngô Văn Đinh Hợi
chui vào cà phê Văn, một quán văn nghệ nhất của thành phố này. Đôi lần đã vào
quán rồi còn quay trở lại đón thêm Cao Thoại Châu, vì bận dậy học chỉ có thể
dời trường sau 5 giờ chiều.
Năm 1971, trường Trung Học Tư Thục Minh Đức, một
trường học do các linh mục Công Giáo điều khiển, đã tổ chức một “Tuần Lễ Văn
Hóa”, với một cuộc thi văn chương cho toàn trường, một cuộc triển lãm tranh của
các họa sĩ lúc đó đang đồn trú tại Pleiku như Ngô Văn Đinh Hợi, Thái Tăng An,
Nguyễn Thanh Hiền... Cả hai nhà thơ Kim Tuấn và Cao Thoại Châu cùng được mời
làm giám khảo cho giải văn chương này. Hôm tuyên bố kết quả, trường Minh Đức tổ
chức một buổi đọc thơ. Tôi được mời lên đọc những bài thơ mới, mà tôi không ngờ
đã làm cho các bạn tôi sau đó ít ngày mất chỗ dậy. Tôi còn nhớ trong hàng ghế
đầu của quan khách, gồm các giới chức chỉ huy quân đội cũng như hành chánh của
tỉnh, kế đó là các vị hiệu trưởng của các trường Trung Học trong vùng, đặc biệt
là hai vị tu sĩ hiệu trưởng trường Minh Đức và trường Bồ Đề. Bài thơ “Nói với
thế hệ Trường Kỳ”ø của tôi là một bài thơ dài hơn trăm câu, trong đó có một
đoạn đã khiến cho hai bạn tôi trở thành “mất dậy”. Khi đọc tới đoạn thơ này,
mắt tôi chiếu thẳng vào từng loại người mà tôi đề cập đến trong đoạn thơ gồm
những câu khá nẩy lửa:
... Và vì vậy chúng ta phải dấn thân
Để đốn ngã những tên chủ chốt:
Là bọn thầy tu làm chính trị
Bọn chính khách ma cô
Bọn trí thức giả hình
Bọn bác sĩ con buôn
Bọn luật sư dẫn mối
Và bọn giáo sư chỉ điểm
Anh không thể thống kê hết cho các em
Những hố hang anh đã gặp trên đường
Suốt những năm trường đi trong bóng tối
Bởi các anh là thế hệ Trường Sơn
Thật vững vàng như núi
Thật hùng vĩ như rừng
Các anh đã nhen nhúm được từ trong bóng tối
Một ngọn lửa sáng lên như niềm tin
Ngọn lửa cháy mỗi lúc một to
Soi tỏ khuôn mặt các anh ngày thêm rực rỡ.
Đã đến lúc trân trọng mời thế hệ các em
Những người thua anh dưới trên mười tuổi
Những người tới sau Trường Sơn
Là Trường Kỳ trong cách mạng.
(Trích bài thơ Nói với thế hệ Trường Kỳ trong tập
thơ Phục Hồi Quyền Chức Làm Người). Tập thơ này sau đó không có nhà in tư nhân
nào nhận in, nên tôi in đại không giấy phép xuất bản tại nhà in quân đội,
chuyên in truyền đơn trên Pleiku, do Thái Tăng An trình bầy ấn loát và Kim Tuấn
viết bạt. Tập thơ đó về sau đã làm cho tôi vất vả, lận đận không ít trong đời
quân ngũ của tôi. Khi viết bạt cho tập thơ, Kim Tuấn đã có lần nói với tôi:
“Thơ phú như thế này mà lại làm sĩ quan Quân Cảnh thì thật là phí”. Tôi cũng
chẳng hiểu anh muốn ám chỉ gì.
Chỉ biết rằng sau tập thơ này, mấy người chúng tôi
hào hứng rủ nhau làm một quán cà phê. Thời đó chỉ có Kim Tuấn là người tương
đối dồi dào tài chánh nhất, mình anh bỏ một nửa vốn. Cao Thoại Châu, Ngô Văn
Đinh Hợi, Thái Tăng An mỗi người một chút, phần tôi bao dàn chỗ chót của nửa
còn lại. Tôi có nhiệm vụ đi xin gỗ tại mấy xưởng cưa, đặc biệt là gỗ vụn có vỏ
cây để làm một cái nhà sàn giả có cầu thang lên xuống ở hai phía của một bức
vách, thay thế cho lối vào. Măt tiền của quán có một bức tượng đắp nổi hình một
thiếu nữ mang gùi, ngực trần. Quán được Cao Thoại Châu đặt tên là quán cà phê
“TAY TRÁI”, nằm trên con đường bên hông nhà thờ Quân Đội. Cao Thoại Châu khi đề
cập đến cái tên của quán đã nói:
- Bọn chúng mình nghề chính là làm thơ, viết văn
còn tất cả mọi thứ khác đều làm bằng tay trái, kể cả những nghề đi lính, dậy
học, bán thuốc tây, mở quán cà phê... gì gì đó chỉ là để chơi với cuộc đời mà
thôi.
Tuy nói vậy, song thâm tâm tôi biết Cao Thoại Châu
nghĩ khác. Việc trưng bầy, trang trí, làm quán cho đẹp được giao cho hai họa sĩ
Ngô Văn Đinh Hợi và Thái Tăng An. Trong thời gian làm quán và trang trí, các
bạn từ xa tới tấp lên thăm. Có người định lên chơi hai ba ngày, thế mà rồi cả
nửa tháng sau mới quay về đơn vị. Để hợp thức hóa việc vắng mặt khá lâu của các
bạn, trong chức vụ Trưởng Đồn Quân Cảnh Pleiku, tôi phải làm các Lệnh Phạt, kèm
theo Sự Vụ Lệnh cho quân nhân mãn hạn thọ phạt trở về trình diện đơn vị. Từ khi
quán được thành lập, hầu như mỗi buổi chiều chúng tôi tụ tập nhau tại đây. Thời
đó Ngô Văn Đinh Hợi, Thái Tăng An cư ngụ tại một căn nhà sàn được cất ngay
trong sân nhà tôi. Cả hai thường chỉ có mặt tại nhà trong bữa ăn chiều, sau đó
là cả ba chúng tôi trực chỉ tới quán cà phê, ngồi đồng cho tới khi quán đóng
cửa.
Từ khi có quán TAY TRÁI, bạn bè văn nghệ từ khắp
nơi mỗi khi ghé Pleiku đều được anh em đón về đây, và mỗi lần tụ họp đông đảo
như vậy là một lần anh em tổ chức văn nghệ, hát hò, đọc thơ. Lần đọc thơ đầu
tiên là hôm khai trương quán. Thời đó chỉ có Kim Tuấn và tôi có thơ xuất bản,
Cao Thoại Châu đề nghị gọi buổi sinh hoạt này là “Đêm thơ Kim Tuấn - Hoàng Khởi
Phong”, thế nhưng Kim Tuấn cho là phải có Cao Thoại Châu nữa cho đủ bộ các ông
chủ. Thế là Thái Tăng An thực hiện một bích chương tuyệt đẹp treo trước cửa
quán: “Đêm thơ Kim Tuấn - Cao Thoại Châu - Hoàng Khởi Phong”. Hôm đó quán đông
nghẹt người, ngồi tràn cả lên lối đi ngoài lan can của cái nhà sàn giả. Đáng kể
nhất là hai bàn đầu trong quán bị choán bởi hai vị khách không có vẻ gì là văn
nghệ. Một vị là Trưởng Ty An Ninh Quân Đội, bạn cùng khóa 15 Thủ Đức với tôi.
Bàn còn lại là ông Cò Phương, Trưởng Ty Cảnh Sát vốn là một tay mê nhạc cổ điển
tây phương. Vài hôm sau ông bạn Trưởng Ty An Ninh Quân Đội gọi điện thoại cho
tôi, và nói nguyên văn:
- Ông với tôi là bạn cùng khóa, nên có lời khuyên
trước là dẹp bớt những vụ đọc thơ, nhất là thơ của ông.
Tôi hỏi gặng lại
- Bộ ông được lệnh theo dõi tôi phải không
- Không phải, tôi chưa được lệnh lạc gì về ông cả,
nhưng cứ đọc thơ kiểu đó không sớm thì muộn tôi với ông cũng sứt mẻ tình
bạn.
Mặc dù có lời can của một người bạn cùng khóa tốt
bụng, thế nhưng những buổi đọc thơ vẫn diễn ra, nhất là mỗi khi có bạn văn nghệ
từ xa tới. Có điều sau đó chúng tôi không bao giờ khoa trương ra ngoài, không
có bích chương quảng cáo trước. Ban đầu những buổi đọc thơ rất đông người, về
sau không hiểu vì lý do gì, khách dân sự ít lai vãng. Mấy ông thầy dậy học có
vẻ né chuyện trò thân mật với hai đồng nghiệp Cao Thoại Châu và Kim Tuấn. Họ đồn
đại quán Tay Trái như là một cái ổ chuyên đọc thơ phản chiến và chống chính
phủ.
Trong thời gian quán cà phê Tay Trái hấp hối, mỗi
đêm chỉ lèo tèo vài khách cùng dăm ông chủ hết ra lại vào. Người khách thường
xuyên nhất lúc nầy là ông Võ Ý, Phi đoàn trưởng Phi đoàn O2 Quan sát Pleiku.
Tôi biết ông phi công nầy từ khi ông biệt phái Ban Mê Thuột và cánh không quân
nhà ông đã phá nát chiếc xe jeep do đồn Quân Cảnh Ban Mê biệt phái cho biệt đội
Quan sát tại đây vì đã “phóng” xe bằng xăng máy bay!
Nhớ khi tôi nghe lời dụ khị của Thế Phong viết bài
cho Đặc San Lý Tưởng Không Quân thì đã biết hai ông Võ Ý và Lê Bá Định, Không
Đoàn Trưởng 72 Chiến Thuật Pleiku bấy giờ trên tờ Lý Tưởng đó. Phải nói ngay Võ
Ý lẽ ra cũng là một trong các chủ quán và đã kêu gọi cổ đông hết mình. Anh nói
riêng với tôi là không thể tham gia trực tiếp vì phải ngủ đêm trong phi trường,
hơn nữa lại bận bịu với việc hành quân.
Mỗi khi có mặt Võ Ý, quán ồn ào hẳn lên vì ít khi
anh ra quán một mình mà thường có thêm vào ba ông “giặc lái” trong đó phải kể
người viết phú hay nhất là ông Lê Bá Định. Mấy ông không quân cười nói rổn
rảng, phá tan bầu không khí tĩnh mịch của con phố đìu hiu bên hông nhà thờ quân
đội.
Cách thử thời vận của các ông chủ có máu văn nghệ
rút cục cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ: quán cà phê Tay Trái đang trong cơn hấp hối
báo hiệu thời điểm chia tay ai về nhà nấy. Đêm cuối cùng của quán, chúng tôi
uống với nhau những ngụm cà phê không phải với đường mà với mật đắng của mỗi
người...
3-
Chiến tranh mỗi lúc một tăng nồng độ. Trên trời,
dưới đất, trong rừng, ngoài biển... ở đâu đâu cũng có những đám khói đen bốc
lên cao, tỏa rộng ra khiến cho bầu không khí lúc nào cũng ngột ngạt. Quán Tay
Trái càng ngày càng ế ẩm. Trước tiên quán nằm ở một chỗ khá xa trung tâm thành
phố, chơ vơ một mình một con đường. Kế đó các khách yêu văn nghệ nhưng yếu bóng
vía sợ liên lụy, nên sau một thời gian chừng nửa năm mấy ông chủ đồng ý dẹp. Ai
về nhà nấy. Làm như trước khi bão tố, bầu trời lúc nào cũng u ám nặng nề. Chiến
tranh cũng vậy, trước khi rộ lên một mùa chém giết, chiến tranh như một con rắn
già, nằm bất động chờ lột xác. Đêm đêm ít nghe tiếng đại bác bắn đi, nhưng trên
con đường 14 thường xuyên có đắp mô, chôn mìn. Sau khi quán đóng cửa, thỉnh
thoảng tôi lái xe vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn bốc Thái Tăng An, Kim Tuấn, Ngô Văn
Đinh Hợi lên xe đi một vòng chung quanh thị xã. Bắt đầu từ con đường do Liên
Đoàn II Công Binh xây dựng phía trước cổng quân đoàn, con đường này chạy thành
một vòng đai chung quanh thị xã, tới quận Lệ Trung. Trong những chuyến đi như
thế, làm như tôi cảm nhận được những buôn bản gần thị xã, những xóm nghèo dọc
quốc lộ đang tìm cách nén mình xuống thấp. Mỗi chuyến đi lang thang như vậy làm
cho chúng tôi cảm thấy bớt tù túng, ngột ngạt trong một thành phố nhỏ mà đầy
lính. Lính ở đâu mà nhiều đến thế. Nhiều hôm còn sớm chúng tôi đi thẳng tới Hàm
Rồng, nơi đồn trú của Trung Đoàn 47 thăm Thế Vũ, Cam Nhị Thu. Ở đó ai nấy đều
lầm lì, nói với nhau những câu gióng một, nhát gừng. Uống với nhau một ly cà
phê, một chai bia rồi lái xe một đoạn đường hơn hai chục cây số ra về.
Trước khi trận đánh mùa hè 72 nổ ra, Nguyễn Bắc Sơn
từ Phan Thiết phải lên thụ huấn một khóa đặc biệt về quân số tại Phòng Tổng
Quản Trị Quân Đoàn. Tôi chạy chọt cho anh khỏi phải vào ăn ở trong Quân Đoàn,
mà cư ngụ tại nhà tôi. Khóa học kéo dài hai tháng, trong hai tháng này mỗi bữa
cơm chiều, nhà tôi thế nào cũng có khách thêm bát thêm đũa. Kim Tuấn và Cao
Thoại Châu là người hay lại ăn ké nhất trong lúc Nguyễn Bắc Sơn cư ngụ tại nhà
tôi. Kim Tuấn ít uống rượu, thế nhưng mỗi khi tới xà vào bàn ăn, lần nào cũng
xách theo một gói giấy, trong đó có một vài lon bia anh mua tại chợ trời ngay
trước hiên nhà, kèm theo một gói thịt quay, phá lấu, lỗ tai, bao tử... của anh
Tầu bụng phệ, có một tủ thịt quay bay bán ngay tại trước cửa một tiệm nhậu nơi
bùng binh trước rạp xi nê Diệp Kính. Thời gian đó Nguyễn Bắc Sơn ăn gạo lức
muối mè theo phương pháp Osawa. Mỗi bữa ăn anh bới một chén cơm gạo lức ngồi
lặng lẽ nhai trước cả tiếng, trước khi cả lũ chúng tôi ngồi vào bàn.
Có một dạo đột nhiên những người bạn văn nghệ ở xa
tới Pleiku chơi, ai nấy đều đòi chụp một tấm hình chung với tôi. Sau vài lần
tôi ngờ ngợ có điều gì khác thường trong các vụ chụp hình chung này. Cuối cùng
Kim Tuấn tiết lộ: Có lần tôi để quên giấy tờ, bị nhân viên của ông vồ. May làm
sao lúc đó tôi đang đi lấy hình về, và trong xấp hình này có một bức hình tôi
chụp chung với ông. Bí quá tôi đành phải mang cái hình chụp chung với ông mang
ra thay giấy tờ tùy thân, nhờ vậy đã không bị vồ mà lại còn được chào là Đại
Úy. Sau khi câu chuyện này được phổ biến trong vòng bạn bè văn nghệ, một số anh
em cũng muốn có một cái bùa nhỏ lận trong người, vì tôi được tiếng là người có
mặt tại tất cả các Tiểu Đoàn Quân Cảnh của bốn vùng chiến thuật. Mang tôi ra
làm bùa với anh em binh sĩ Quân Cảnh hành sự ngoài phố, không ít thì nhiều cũng
có lợi hơn là trong tay không có một tấm giấy lộn.
Thế rồi trận chiến mùa hè 72 nổ ra trên toàn quốc,
chiến tranh như cơn quẫy mình của một con rắn trong khi lột da. Súng nổ đạn bay
từ khắp bốn phương trời. Trong giai đoạn này tôi ngẫm đến những lời thơ của Kim
Tuấn, qua phần nhạc phụ họa của Phạm Duy:
... Giây thép gai đã hết rào quanh đồn phòng
ngự
Và người lính đã trở về cầy đám ruộng xanh
....Khi tôi về con diều bay diều bay trong gió
Có đứa trẻ để mình trần rốn hở, cười thanh
bình
Con cò lại bay trên đồng ruộng xanh...
Những điều đẹp đẽ đó đau lòng thay chỉ là những
hình ảnh mà Kim Tuấn đã bắt gặp trong những giấc ngủ của mình. Để rồi khi tỉnh
dậy anh buồn bã viết:
...Và khi thức dậy, tôi tìm thấy tôi
Và khi thức dậy, tôi tìm thấy tôi.
Tin xấu từ khắp nơi bay về, các bạn tôi những người
lính làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc cũng như những người lính chỉ biết
bắn súng ngã xuống hàng loạt khắp các chiến trường. Trong thời gian này, tướng
Toàn Tư Lệnh Quân Đoàn II ra lệnh: Mọi quân nhân ra ngoài đường phải đội nón
sắt hai lớp có lưới ngụy trang, phải mang dây ba chạc với vũ khí đầy đủ cấp số
đạn dược. Kim Tuấn vốn là người lính không bao giờ mang súng, thậm chí anh còn
không lãnh súng tại đơn vị vì sợ phải lau chùi, thất thoát. Trước cái lệnh oái
oăm này, Thái Tăng An mách nước cho Kim Tuấn: Anh Phong thiếu gì súng tịch thu
ngoài bảng cấp số, nói anh ấy cho một khẩu súng lục đeo cho nó đỡ vướng víu.
Được lời như cởi tấm lòng, Kim Tuấn mò tới tôi xin một khẩu súng “lậu”. Xui cho
anh là trong kho tang vật chờ báo cáo thiêu hủy lúc đó không còn khẩu súng Colt
nào, tôi phải đưa cho anh một khẩu súng M79, trông to ngang, họng lớn nhưng nhẹ
hơn súng trường. Có súng rồi đi đâu anh cũng mang theo kè kè bên nách. Khẩu
súng M79 nói nào ngay trông đẫy đà hệt như Kim Tuấn.
Cơn bão lửa mùa hè sau cùng rồi cũng qua, trên
khoảng đường từ Pleiku đi Kontumcả hai bên biết bao người ngã gục. Lâm Hảo
Dũng, một nhà thơ Pháo Binh đã tham gia chiến trận trong vùng này đã
viết:
...Chư Pao ai oán hờn trong gió
Mỗi tấm khăn tang, một tấc đường...
Trong trận chiến mùa hè năm đó, con đường Pleiku -
Kontum bị đứt hơn một tháng trời. Con đường này dài hơn 45 cây số, riêng đoạn
đường của địa danh Chư Pao đã dài hơn mười cây số. Để giải tỏa bốn mươi lăm cây
số ngàn này, thử hỏi có bao nhiêu tấm khăn tang cho vừa.
Một hôm Nguyễn Bắc Sơn từ Phan Thiết mò lên. Lúc đó
đã hơn 4 giờ chiều, Nguyễn Bắc Sơn yêu cầu tôi chở anh tới Chư Pao, địa danh
trong câu thơ của Lâm Hảo Dũng. Đây là một vùng đồi núi chằng chịt những tảng
đá xanh. Trận đánh giải tỏa con đường đã diễn ra suốt một chiều dài 15 cây số
giữa đường Pleiku Kontum. Dấu vết của những trái bom lửa đánh xuống các chốt
đóng quân của Cộng Sản còn hiện diện nơi những khoảnh rừng bị cháy nám đen,
những tảng đá vôi bị nung nóng vỡ toác ra như người ta tôi vôi sống. Những cái
cây bị cháy trụi lá chỉ còn những cành lớn đen xì, chen lẫn những tảng đá vôi
trắng xóa, nổi bật trên bầu trời xanh đã tạo thành một bầu không khí im lặng
đến rợn người. Ngay khi con đường giải tỏa, tôi đã theo đoàn quân tiếp viện
Kontum để thăm viếng một đơn vị nhỏ thuộc quyền chỉ huy của tôi nằm trên này,
do đó tôi biết 5 giờ chiều con đường bị đóng lại. Thế mà khi Nguyễn Bắc Sơn mò
tới thì đã hơn 4 giờ chiều. Phải đi một quãng đường hơn 20 cây số rồi phải quay
về... Tôi còn đang lưỡng lự thì Kim Tuấn ở đâu mò tới. Thế là cả ba chúng tôi
leo lên xe jeep, cùng với chú Hội người tài xế mà tôi thương yêu như em ruột.
Cả ba chúng tôi, ba kẻ làm thơ của miền Nam đi vào chiến tranh, mà đầu toàn
những ý nghĩ trong veo như thơ của Nguyễn Bắc Sơn:
... Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
Đi hành quân vẫn rượu đế đem theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Coi chiến trận như tai trời ách nước...
Cả ba chúng tôi cùng chong mũi súng hướng ra ngoài,
mặc dù tôi tự biết, giả dụ địch quân có tấn công, bắn xẻ may mắn lắm trên xe
chỉ có hai thầy trò tôi biết phải làm cái gì, phải phản ứng như thế nào. Dọc
đường đi Nguyễn Bắc Sơn nói:
- Tôi muốn đến đây đọc cho người bạn của tôi nghe
một bài thơ mới, đã được làm khi con tôi sinh ra, đúng vào lúc bạn tôi nằm
xuống tại cửa ngõ của tỉnh Kontum này.
Kim Tuấn hỏi:
- Ông có biết đích xác bạn ông nằm xuống ở chỗ nào
không. Rừng núi sầm uất như thế này, biết chỗ nào mà mò.
- Tôi chỉ muốn tới nơi mà người ta gọi là Chư Pao
mà thôi. Chắc anh hồn của bạn tôi còn đang quyến luyến nơi này, chưa đi đâu xa.
Chỉ cho tôi đâu là Chư Pao.
Tôi nhìn thấy ánh mắt lạ lùng của Nguyễn Bắc Sơn,
long lanh mà u hoài, sáng rực mà lạnh lẽo. Thế rồi anh nhắm mắt lại, những giọt
lệ từ đâu trào ra khỏi khóe mắt, lăn dài trên gò má. Nhìn sang Kim Tuấn tôi
cũng thấy mắt anh đỏ hoe, ươn ướt lệ. Tôi không nhìn thấy đôi mắt tôi lúc đó,
song tôi thấy lòng mình trùng xuống như một sợi giây đàn đã lâu không được ai
cầm đến.
Khi chúng tôi tới địa phận Chư Pao thì đã 4 giờ 45
chiều, tôi nói chú Hội nên quay đầu xe lại và nổ máy sẵn. Cả ba chúng tôi xăm
xăm bước tới một tảng đá to ngay vệ đường. Nguyễn Bắc Sơn rút trong ba lô ra
một bó nhang, anh thắp vài nén cắm ngay xuống rìa tảng đá. Tôi kín đáo dời xa
hai bạn, ẩn mình sau một gốc cây to. Nguyễn Bắc Sơn rút bài thơ từ trong túi
áo, anh đọc nhẩm những câu thơ như những lời khấn nguyện, gửi tới người bạn đã
khuất. Bài thơ chấm dứt, Nguyễn Bắc Sơn mang ra một cây sáo trúc, anh thổi một
khúc sáo chiều, âm thanh tưởng chừng như đã làm bạt đi cái im lặng rợn người
của núi rừng. Tôi nhìn thấy xác những chiếc chiến xa đen trùi trũi, nằm ngổn
ngang trên các sườn đồi in trên nền trời mây trắng. Trên đường về thỉnh thoảng
chúng tôi phải xuống xe kéo những con ngựa gai chặn ngang quốc lộ của các đồn
bót dọc đường.
Đêm đó Nguyễn Bắc Sơn ngủ lại nhà tôi, nhưng tôi
biết là anh không ngủ được, tôi nghe những tiếng động lịch kịch vẳng từ phòng
anh. Có lúc tôi còn nghe thấy anh mở cửa ra ngồi trước hiên nhà, và nếu như
không ngại hàng xóm láng giềng, chắc hẳn anh sẽ mang cây sáo trúc ra thổi chiêu
hồn người bạn vừa khuất.
Trận chiến mùa hè 72 sau cùng rồi cũng qua đi, đầu
năm 73 các bên tham chiến ký với nhau một văn kiện hòa bình giả dối tại Paris.
Khi thò tay ký vào văn kiện này, ít nhất Mỹ và Bắc Việt đã hiểu nó chỉ là một
tờ giấy lộn, một màn kịch tạm thời, một sự dối trá vĩ đại để dàn dựng cho hồi
kết cục của vở kịch chiến tranh đã kéo quá dài ở Việt Nam, đã làm cho nước Mỹ
quá mệt mỏi. Đầu năm 1973, tôi phải đi công tác trao đổi tù binh, rồi sau đó vì
không được lòng ông xếp trực tiếp tại Pleiku, tôi phải đổi đi Đà Lạt. Kỷ niệm
cuối cùng của tôi và Kim Tuấn chính là lúc tôi vừa làm nhà xong ở Đà Lạt, mẹ
tôi từ Sài Gòn lên làm lễ cúng ông Địa, trước khi tôi mang vợ con từ Pleiku
xuống. Mẹ tôi vừa mới thắp hương cắm rải rác quanh sân, ngoài ngõ xong quay vào
nhà. Những nén hương chưa kịp tàn trên trang thờ gần cổng, thì Kim Tuấn đã lững
thững từ ngoài đường đi vào. Tôi cũng không hiểu sao anh biết đường vào nhà
tôi, khi tôi chưa chính thức dọn vào căn nhà mới dựng tại một con đường cụt,
nằm trong một hẻm núi phía sau dinh hai của quốc trưởng Bảo Đại.
Lần gặp nhau cuối cùng đó anh ngụ lại nhà tôi vài
ngày, dường như anh có một mối tình tuyệt đẹp với một cô ca sĩ ở đây có tên là
TC, bởi vì chỉ hai ngày sau mới sáng sớm sương mù Đà Lạt còn chưa tan, tôi đã
thấy chị Kim Tuấn từ Pleiku mò xuống tìm anh về. Tôi tránh mặt đi làm sớm, và
mãi vài tuần sau mới biết được điều này, khi Kim Tuấn từ Pleiku gọi điện thoại
xuống. Cho tới năm đó anh đã gần bốn chục mà hai vợ chồng anh chưa có một mụn
con nào. Không những thế anh lại là con một, tên chính thức là Nguyễn Phước
Vĩnh Khuê, ngang vai vế với Bảo Đại ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn, và là hậu
duệ của Tùng Thiện Vương, một trong vài thi sĩ nổi tiếng của triều Tự Đức. Sau
này tôi biết thêm hai vợ chồng anh ly dị sau 75, bà vợ cũ của anh đã qua Pháp
lập nghiệp. Anh ở lại Việt Nam đi thêm một bước nữa, và có hai con với người vợ
sau. Dường như anh còn có một cô con gái riêng với chị TC, cô gái đó nghe đâu
hiện nay đang cư ngụ tại Philadelphia.
4 -
Năm nay tôi bước vào tuổi sáu mươi, làm như tuổi
già thường được báo hiệu bởi những cái chết. Trong vòng tám tháng tôi mất đi
hai người bạn. Đầu năm nay trong những ngày giáp Tết, Long Ân nằm xuống do một
tai nạn trong lúc lái xe ở Quận Cam California, nhưng nguyên nhân chính của tai
nạn bắt đầu bởi một cơn đau tim, và giờ đây Kim Tuấn với một cơn đau tim khác,
chết trên đường đến bệnh viện tại Việt Nam. Nếu như Long Ân là một người bạn
ngồi chung lớp suốt 6 năm trời từ Nguyễn Trãi qua Chu Văn An, thì Kim Tuấn đến
với tôi là một trong vài người bạn đầu đời khi tôi bước chân gia nhập vào giới
cầm bút.
Lữ Quỳnh cho tôi biết vài chi tiết về cái chết của
Kim Tuấn. Theo nhà văn Phan Triều Hải, con của Lữ Quỳnh hiện còn ở Việt Nam cho
biết: Bác Kim Tuấn mất đúng vào đêm Trung Thu. Theo lời thuật lại của Phan
Triều Hải thì buổi tối trước khi mất, Kim Tuấn còn đến dự một đêm văn nghệ với
các em thiếu nhi trong một sinh hoạt trung thu đặc biệt. Vào khoảng 10 giờ đêm,
trong lúc buổi liên hoan đang đến lúc hào hứng nhất thì anh bỏ về sớm, rủ vợ và
các con ra uống trà, ăn bánh trung thu và ngắm trăng. Vào khoảng 11 giờ rưỡi,
trăng sáng vằng vặc giữa đỉnh trời, đang nói chuyện vui vẻ với vợ con thì cơn
đau tim ập tới, và anh đã chết ngay trên đường, trong lúc xe chở anh chưa kịp
đến nhà thương.
Có một điều trùng hợp lạ lùng là khi anh mất đi vào
đúng đêm Trung Thu, hai ngày sau tôi được tin buổi sáng, thì ngay buổi tối đó
tại Phòng Sinh Hoạt của Nhật Báo Người Việt, bên cạnh chỗ tôi làm việc cô ca sĩ
Mộng Thủy ra mắt một đĩa nhạc. Tôi ngồi trong phòng, lắng nghe tiếng hát của cô
ca sĩ vừa mới thành danh từ phòng bên cạnh, hát những lời thơ của anh, trong
khi ánh trăng lọt vào qua cửa kính. Tôi tin lúc đó anh hồn của anh, nhà thơ Kim
Tuấn đang tan trong ánh trăng. Có thể anh đã nhìn thấy tôi, có thể anh đã nghe
lời thơ của anh đang vọng về từ bên kia đại dương. Nếu anh có nghe được tiếng
hát tinh khôi này, lẩn trong đó là những lời chúc lành của tôi.
Anh Kim Tuấn thân,
Nếu như chiến tranh chưa tàn, thì giao tình giữa
anh và tôi dã được hơn ba chục năm, đã quá nửa một đời người. Khi còn sống gần
nhau trong cùng một đạo quân, trên cùng một thành phố đầy gió bụi và mưa mùa,
cùng chia với nhau những khốn khó của thời chiến, anh với tôi đúng là những
người bạn văn chân chính. Nếu không phải là bạn chân chính chắc anh không dại
gì viết bạt cho một tập thơ đã bị kiểm duyệt cấm, nhưng cứ in lậu không thiếu
một chữ nào. Tất nhiên chúng ta ở miền Nam, cái tội này cũng không đến nỗi phải
đi tù, song chắc chắn là bị phiền nhiễu. Và quả tình trong hoàn cảnh một đất
nước như đất nước chúng ta, có nhà văn, nhà thơ nào chia chung nỗi đau của dân
chúng mà không bị làm phiền bởi chính quyền của cả hai miền.
May mà chúng ta cư ngụ ở miền Nam, ông Cò Phương
Pleiku mỗi lần nghe đọc thơ chống chế độ ở quán Tay Trái ra về là lắc đầu quầy
quậy. Ông Trưởng Ty An Ninh Quân Đội, người bạn cùng khóa với tôi coi bộ khó
tính hơn ông Cò Phương, thế mà chỉ làm phiền tôi qua một cú điện thoại rồi
thôi. Anh và Cao Thoại Châu quá lắm là mất chỗ dậy tư ở trường Bồ Đề và trường
Minh Đức. Thế nhưng bọn chúng ta chẳng có ai bị vào tù như những người chủ trương
Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc. Mà giả dụ có vào tù, thì bọn cuồng chữ như chúng
ta cũng không đến nỗi bị dầy vò nhân cách, bị hạ xuống đất đen, bị chà đạp hành
hạ như con thú. Nhiều năm rồi tôi không còn nhớ tới Pleiku, tới chiến tranh,
bởi vì cái đến sau chiến tranh nghĩ cho cùng còn tai họa hơn chiến tranh. Tin
anh mất đã làm cho tôi tiếc nhớ những người bạn của thời chiến, làm như tôi
đang thèm khát chiến tranh. Bởi vì so đời sống trong hòa bình hiện tại, thì
chiến tranh ít nhất cũng còn làm cho một nửa phần đất nước không đến nỗi tồi
tệ.
Anh Kim Tuấn thân,
Giờ thì anh đã ngủ và không còn mơ nữa. Giờ thì hẳn
là anh đã tìm được những gì anh đã thấy trong giấc ngủ trước kia, và vì vậy anh
sẽ không bao giờ phải dậy nữa. Tôi hát nhẩm vài câu thơ của anh đã được phổ
nhạc. Tiếng hát của ca sĩ Mộng Thủy từ phòng bên cạnh vẫn còn văng vẳng trong
đầu tôi mấy ngày nay.
... Và khi thức dậy
Tôi tìm thấy tôi
Và khi thức dậy
Tôi tìm thấy tôi...
Hoàng
Khởi Phong
Tháng
9, 2003-2010
No comments:
Post a Comment