Monday, September 21, 2020

Sách Vở Ích Gì - Phan Ni Tấn

Sách Vỡ Ích Gì





 

Trước 1975 ở Ban Mê Thuột có khá nhiều tiệm sách.

Thập niên 1960, ông Cao Trí là chủ nhân tiệm sách Cao Trí khai trương đầu tiên tại thị trấn miền cao Buồn Muôn Thuở. Tiệm sách này nằm trên đường Nguyễn Thái Học, cạnh nhà thầu rau cải của bà cụ Thất (ngoại tôi) và tiệm may Thừa Thiên.

Ông Cao Trí tên thật là Y Tí, em song sinh với ông anh là Y Lý. Hai ông là người Thượng nhưng thuộc giới có học thức. Hồi trào Tây, gia đình họ Y và ông bà Thừa Thiên là hàng xóm thân thiết với gia đình bên ngoại tôi. Ông bà Y Tí có một cô gái rượu tên Hoa, hiền lành, ít nói. Hàng ngày đi học về, cô thường coi sóc tiệm sách. Ngược lại, ông bà Y Lý đông con hơn. Hai người con trai lớn tên Y Sự và Y Huỳnh là bạn học với tôi thời tiểu học.

Thế sự thăng trầm, vạn vật đổi thay, kẻ ở người đi, ông Y Lý và Y Tí (vợ là Ngân) cũng không còn. Họ mất đã lâu, chỉ còn dì Sen, vợ ông Y Lý hiện nay đã ngoài 90, vẫn sống vói con cháu ở Ban Mê Thuột. Tánh tình dì Sen hòa nhã, đôn hậu. Dì gốc Huế như bên ngoại tôi, rất thân với má tôi.

Kế đến là tiệm sách Văn Hoa của anh Nguyễn Văn Linh, nằm phía đầu đường Quang Trung, gần rạp ciné Tường Hiệp. Anh Linh lúc đó là huynh trưởng Phật tử chùa Khải Đoan nên sách báo của anh nghiêng về giáo dục, học đường, học làm người và hướng Phật. Chị Huệ, vợ anh Linh là trưởng nữ của ông bà tiệm may Thừa Thiên, củng là chị ruột của Đỗ Văn Cư, bạn học với tôi thời thơ ấu, hiện sống tại Hòa Lan.

Hiện nay gia đình anh chị Linh Huệ định cư ở San Jose, Bắc California, Hoa Kỳ. Năm 1986, sau buổi ra mắt sách của tôi tại thành phố này, anh Linh đưa vợ chồng tôi về thăm gia đình anh chị. Trong phòng khách, anh Linh cho tôi coi bản thảo tập nhạc Phật Giáo của nhạc sĩ Hằng Vang. Tập nhạc chép tay rất công phu và trang trọng.

Thập niên 50-60, Hằng Vang, nhạc sĩ của Phật Giáo được biết đến tài năng qua những bài hát mang đậm tư tưởng nhà Phật, như Về Thăm Chùa Huế, Em Mong Mùa Sen Nở, Tim Nở Mặt Trời… Đặc biệt, ca khúc Ánh Đạo Vàng thường cất lên trong những ngày Phật Thích Ca thành đạo, đã trở nên quen thuộc:

Từ ngàn xưa phương thành Ca Tì La Vệ. Tất Đạt Đa, Thái tử con vua Tịnh Phạn. Thời niên thiếu sống trong nhung lụa êm ấm. Thương chúng sanh lạc loài trong kiếp luân hồi. Rồi một hôm bên thành Ca Tì La Vệ. Tất Đạt Đa quyết chí xuất gia tầm đạo…

Năm 2001, má tôi về thăm nhà, lúc trở lại Gia Nã Đại, nhạc sĩ Hằng Vang có gởi tặng tôi môt dĩa VCD nhạc của anh.

Hiện nay nhạc sĩ Hằng Vang có khoảng 500 ca khúc. Tuy đã gần tuổi 80 anh vẫn miệt mài sáng tác, vẫn trường chay và vẫn an nhiên tự tại vui sống với con đàn cháu đống trên cao nguyên miền Thượng du Ban Mê Thuột.

Ngoài tiệm sách Văn Hoa, còn có tiệm sách Khải Minh cũng nằm trên đường Quang Trung, cạnh Ty Cảnh Sát và tiệm thuốc tây Quang Trung. Anh Lý Minh, chủ nhân tiệm sách Khải Minh là người Việt gốc Hoa, dáng người cao ráo, tánh tình hòa nhã, rất yêu sách. Sách của anh trưng bày trong các tủ kính rất bắt mắt. Ngoài một số tác phẩm của các tác giả miền Nam, hầu hết là sách dịch và triết học.

Cuối thập niên 1960, sách dịch rất thịnh hành, được giới yêu sách ưa chuộng. Trí thức thì chuộng triết học hiện sinh và mỹ học nặng về lý luận của Gabriel Marcel, Jean Paul Sartre, Albert Camus, Nietzsche… hoặc truyện dịch của Ernest Hemingway, André Gide, Erich Maria Remarque, Mario Puzo… Bình dân thì đọc tiểu thuyết trinh thám (Bàn Tay Máu, Z 28), truyện đường rừng (Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu, Chiếc Nỏ Cánh Dâu), truyện kiếm hiệp của Kim Dung, Cổ Long, Hàn Giang Nhạn hoặc truyện tình cảm, tâm lý xã hội của Quỳnh Giao, Bà Tùng Long…

Nhà sách Lục Hòa của anh Hoàng Văn Hiếu nằm trên đường Lý Thường Kiệt, cạnh hãng bán vé máy bay Air Việt Nam. Ngoài các lọai sách về thơ, văn, nhạc kịch v.v…, nhà sách Lục Hòa, phần lớn chuyên bán kinh sách Phật Giáo và các loại sách mang tinh thần nhà Phật. Được biết Lục Hòa là sáu phương pháp thể hiện nhân cách sống của con người có đạo đức, mang lại sự hòa thuận yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ và chia sẻ cho nhau từ vật chất tới tinh thần trong mọi công việc hàng ngày của cuộc sống.

Chủ nhân tiệm sách Lục Hòa, anh Hoàng Văn Hiếu từng là huynh trưởng cấp Dũng Gia Đình Phật Tử Daklak. Anh em văn nghệ sĩ địa phương rất quý mến và nể trọng anh. Thỉnh thoảng cuối tuần các bạn văn như Đoàn Văn Khánh, Nguyễn Minh Nữu, Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Thành Công và tôi hay lai rai vài xị với chủ nhân Lục Hòa trên gác sách. Anh Hoàng Văn Hiếu, pháp danh Chúc Tịch, sinh năm 1932 tại Hà Nội, mất năm 2018 tại Ban Mê Thuột. Hưởng thọ 87 tuổi.

Cũng xin nói thêm: Hiện nay nhà thơ Đoàn Văn Khánh là cây bút chủ lực của tạp chí Quán Văn (tiền thân là tạp chí Ý Thức) do nhà văn Nguyên Minh sáng lập tại Sài Gòn, quy tụ nhiều cây bút tên tuổi trong và ngoài nước. Cón nhà văn Nguyễn Minh Nữu, nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng và tôi hiện sống ở nước ngoài. Riêng bạn Nguyễn Thành Công, Trung Sĩ Nhất Trung Tâm Truyền Tin Diện Địa đã mất tích trên đường rút quân khỏi Tiểu Khu Quảng Đức vào trưa ngày 25 tháng 3 năm 1975 dưới sức tấn công ào ạt của quân Bắc Việt.

Tiệm sách Tiên Dung của ông Nguyễn Đình Dũng (giáo sư trường Trung học Ban Mê Thuột) nằm trên đường Hùng Vương. Hiện giáo sư Nguyễn Đình Dũng cư ngụ tai Bắc California, Hoa Kỳ.

Thêm một tiệm sách gần rạp hát Thăng Long ở cột đèn ba ngọn tôi không nhớ tên.

Tiệm sách Thanh Trúc của vợ chồng thầy Lê Thanh Nhàn (hiệu trưởng trường Bán Công) ở đường Lý Thường Kiệt, gần nhà cô giáo Trang. Củng nằm trên đường Lý Thường Kiệt, gần ngã tư Ama Trang Long, cách nhà hàng Mỹ Cảnh vài căn phố có tiệm sách Văn, ngoài các loại sách văn học, chủ nhân tiệm sách còn cho thuê chuyện chưởng, tiểu thuyết, trinh thám…

Nhà sách Tinh Hoa ở đường Phan Bội Châu, đói diện Đức Thọ Đường, nằm giữa đường Tôn Thất Thuyết và Lê Văn Duyệt chuyên bán dụng cụ học sinh và sách giáo khoa.

Sau này có một tiệm sách nữa, nhỏ nhắn hơn, khiêm tốn hơn, nằm trên đường Bà Triệu, gần trường Trung Học BMT ngó qua. Đó là tiệm sách Hoa Văn của cô giáo Thưởng, em của cô Suối Kiết, cô Hồng Phượng và là chị của Thanh Tài. Cô giáo Thưởng cũng là giáo sư trường Trung Học BMT. Tôi có tới nhà cũng là tiệm sách Hoa Văn một lần theo sự níu kéo của cô giáo Hảo, bạn thân của cô Thưởng, được nữ chủ nhân đãi café. Biết tôi “sanh dưới gốc cây cà phê” nên cô Thưởng trịnh trọng pha cho tôi một ly cà phê sữa đá đặc quẹo, thơm nức nở. Bữa đó chúng tôi vừa thưởng thức cà phê vừa hàn huyên, văn nghệ bỏ túi.

Sau buổi gặp gỡ không hẹn ấy đến nay, gần 50 năm chúng tôi không còn có dịp gặp lại nhau lần nào. Cả ba anh em chúng tôi theo định mệnh đã chia ra ba nẻo đường đời. Có người hóa thành câu thiên cổ. Người thì bỏ núi giạt xuống Sài Gòn. Riêng tôi, như câu hát trôi lênh đênh ngoài thiên lý, quên cả đường về quê nhà.

Trong cái ngổn ngang quá khứ đời người, tôi không còn nhớ buổi cà phê văn nghệ bỏ túi đó, ngoài chủ đề về quê hương, đất nước và thân phận con người, có ai hát những bản tình ca trong cái ngày đã xa xưa ấy không, nhưng hương vị cà phê của cô giáo Thưởng vẫn còn đọng lại trong tôi thiên thu nồng nàn.

Ngoài các nhà sách kể trên, cũng cần nói thêm về mặt báo chí. Trước 1975, ở Sài Gòn mỗi ngày có khoảng 50 tờ nhật báo được xuất bản. Báo chí Sài Gòn thời đó rất đa dạng và phức tạp. Từ những tờ báo cơ quan ngôn luận của chính quyền cho tới những tờ đối lập với chính quyền cũng như những tờ chuyên về kinh doanh thương mại…đều không ngừng cạnh tranh nhau. Mặc dù hoạt động trong thời kỳ chiến tranh cũng như bị áp lực của chính quyền, nhưng báo chí miền Nam vẫn có tiếng nói tự do của báo chí.

Ngoài ngành xuất bản sách báo, nghề làm báo, viết báo cho nhật báo là một nghề nhọc nhằn, đòi hỏi tin tức cấp thời, nhanh chóng và chính xác. Nhật báo thường phát hành vào buổi chiều nên nhân viên tòa soạn phải làm việc cật lực từ lúc nửa khuya tới mờ sáng. Khi báo ra, các đai lý phát hành nhanh chóng rải báo khắp đất Sài Gòn và vận chuyển đi các tỉnh để ngày hôm sau kịp thời đáp ứng nhu cầu người đọc.

Riêng tại thị trấn Ban Mê Thuột, thời sách báo thịnh hành, ngay góc đường Quang Trung – Y Jut có thể nói là một góc “văn học” nhộn nhịp nhất phố. Ở đó trên vỉa hè giữa người qua kẻ lại có một xe bán báo tên Tia Sáng rất đắt khách. Mỗi sáng sớm, xe báo Tia Sáng đã bày bán đầy đủ các tờ tuần báo, nhật báo còn thơm mùi mực in, mùi giấy từ Sài Gòn lên, như Trắng Đen, Sóng Thần, Tiếng Chuông, Ngôn Luận, Thần Chung, Sài Gòn Mới, Điện Ảnh, Kịch Ảnh, Phụ Nữ Diễn Đàn, Văn Nghệ Tiền Phong…

Biến cố 30-4-1975, toàn bộ hệ thống báo chí miền Nam đồng loạt ngưng hoạt động. Những cơ sở in ấn với tiếng máy in rầm rập suốt ngày đêm trên đất Sài Gòn cũng im hơi lặng tiếng. Sách báo miền Nam đều bị tịch thu, chất đống và đốt sạch. Nền văn hóa miền Nam Việt Nam hoàn toàn sụp đổ theo chế độ Cộng Hòa.

oOo

Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài suốt 30 năm giữa hai miền Nam Bắc, lịch sử nước Việt đã sang trang. Trên trang sử đó, chế độ cũ của VNCH bị thay bằng chế độ mới của CSVN, con đen cũng theo mệnh nước mà đổi đời. Từ đó, ngôn ngữ miền Nam được thay bằng ngôn ngữ mới, một thứ ngôn ngữ lạ tai, có phần kỳ dị và trái khuấy. Nhất là những ngày tháng gần đây – theo “ý chỉ” của bọn thiên triều – nước Việt ta lại xuất hiện một loại ngôn ngữ cực kỳ ngọng nghịu và vô cùng quái đản nhằm hủy diệt tiếng Việt trong sáng của dân tộc Việt Nam. Đã vậy, chúng còn âm mưu sửa đổi truyện Kiều bằng thứ ngôn ngữ vô cùng quái đản kia, in thành sách để đưa vào giáo dục học đường.

Tôi đứng bên ngoài đất nước nhìn vế quê hương mà thương cho vận nước nổi trôi. Trong cơn đau, tôi chợt nghe đâu đó tiếng than van, ai oán của cụ Tam nguyên Yên Đổ ngày nào: “Sách vở ích gì cho buổi ấy”.

Đất nước người ta đem lại văn hiến cho đời; còn đất nước mình mang lại cho dân toàn những lời ai oán.

 

Phan Ni Tấn

304Đen – llttm -tvvn

  

No comments: