Tuesday, September 1, 2020

Đoản Văn Không Đề Số Hai - Thuyên Huy


Đoản Văn Không Đề Số Hai

Viết cho đám bạn cũ, khi đọc chuyện có thể thấy có mình là người trong đó không chừng.

Chuyện Một

    Đêm tháng Ba, người nối tiếp người, xe nối tiếp xe, lầm lũi, lẳng lặng đi, dài không khác gì một con rắn khổng lồ, giữa trời đêm hun hút của núi rừng cao nguyên buốt lạnh. Quá giữa khuya, liên tỉnh lộ 7, anh bớt ga, chậm chiếc xe Jeep, chất đầy đồ đạc, cũ không ra cũ, mới không ra mới lại, vừa qua đèo Chu Sê.

   Bên lề đường, ở một khúc người thưa, đứt đoạn, dưới bóng trăng đêm lờ mờ, vằng vặt, thằng con trai nhỏ, chừng sáu bảy tuổi, tóc hớt cua, quần sà lõn đen, áo thun rách mất một bên tay, quảy trên vai khúc cây khô, treo đầu trước đôi dép xanh dương đậm cũ, đầu sau cái túi ni lông đựng gì đó nằng nặng, lầm lũi một mình ngó xuống đường, đôi chân khẳng khiu gầy, bước từng bước chậm theo dòng người đi trước.

    Nó cứ lầm lũi đi, không ngó lại, thấy thương, anh lái xe chậm theo sau một khoảng, sát lề đường, cho đoàn xe sau lên, người và người gồng gánh, níu kéo nhau qua ngang, cũng như nó, không ai màng nhìn ra đường. Cứ như vậy một lúc, lái xe nhanh lên khúc trên chừng trăm thước, chắc chắn là nó chỉ đi một mình, nhưng tại sao chỉ có một mình, anh ngừng xe tấp vào cùng bên lề, sát vào mé mương bìa rừng, ngồi chờ.

   Trăng vẫn màu trăng như từ đầu hôm, anh dắt thằng nhỏ tới ngồi bên anh ngay đầu chiếc xe Jeep, nó khư khư ôm khúc cây khô, đôi dép và cái túi ni lông, nhìn kỹ, trong đó có hai ba nửa cũ khoai mì, khoai lang nguội, khô khốc. Anh hỏi tên, nó lắc đầu, rồi òa lên khóc sướt mướt, anh không cầm được nước mắt.

   Cha mẹ nó chết vì bị loạt đạn pháo quân Bắc Việt bắn theo tại ngã ba Mỹ Thạnh, chổ ngả rẽ vào liên tỉnh lộ 7, đoàn người di tản từ Pleiku xuống, hoảng loạn, túa chạy, mạnh ai nấy lo thân, thằng nhỏ cũng chạy theo lạc giữa rừng người, người tiếp tục tụ tập lại đi, nó cũng đi, đi hoài, không biết đường trở lại. Cha mẹ nó nằm lại đó.

   Chở thằng nhỏ theo, hết ngày rồi đêm, theo đoàn người, cuối cùng, xe không còn xăng, máy không còn nổ, bỏ xe, anh vừa dắt vừa cõng thằng nhỏ, đã ho từng cơn từ lâu, một lớn một nhỏ cứ vậy mà tiếp tục đi.

    Qua Phú Túc, tan hoang, gần tới cầu Cà Lúi, trong bóng đêm, lại cũng một đêm trăng vằng vặt, trong số hàng trăm xác người chết nằm dọc hai bên đường, một đoạn dài, không biết vì đạn pháo hay đạn súng của quân Bắc Việt, có lẽ nằm đó cũng đã mấy ngày, xác một người lớn ôm thằng con trai nhỏ, chừng sáu bảy tuổi trên ngực, tóc hớt cua, tay còn ôm đôi dép màu xanh dương đậm cũ, nằm chết, có mùi hôi, một nửa trên lề đường một nửa dưới bờ ruộng khô cằn màu bùn xám đỏ.

Chuyện Hai
 
 
 
 

    Ngày bải trường, nghỉ hè, cũng như năm trước, năm đệ Thất, mẹ lên tỉnh từ sáng sớm, khiêm nhượng đứng nép mình ở gốc cây phượng già bên kia đường, xế chỗ cổng trường một khoảng xa, chỗ cũ. Chuông tan trường reo lên vang rân, trong đám đông nghẹt học trò túa ra như bầy ong vỡ tổ, nó chạy nhanh ra tìm mẹ, nắm tay bà cười thành tiếng.

    Tiếng học trò nhà ở tỉnh, cười giỡn xúm xích với gia đình, nào xe hơi, xe gắn máy, áo quần người nào người nấy thẳng thốn lụa là, cách đó không xa. Bất chợt nhìn mẹ, cũng cái áo bà ba sờn tím bạc, cái quần đen ngã màu bùn che chưa trọn gót, cũng đôi dép Nhật cũ, bộ đồ đã mặc khi lên tỉnh đón nó về năm trước, tự dưng thấy có chút gì nhói đau nhè nhẹ, đâu đó trong lòng khó tả, khác hẳn năm trước, nó vô tư không nghĩ gì. Xe đò tới, lên xe rồi, nhìn lại phía sau, nó thấy buồn buồn.

   Năm đệ Tứ, vào ở ký túc xá không lâu, được thằng bạn thân, nhà giàu cùng lớp giới thiệu tới làm việc phụ bưng chén bưng tô cho khách, vài tiếng đồng hồ mỗi chiều tan học về tại một tiệm cơm của người dì bà con hắn ta. Làm như vậy, vài tháng sau, trước ngày nghỉ Tết năm đó, buổi chiều tan học, nó ra tiệm vải trong nhà lồng chợ tỉnh mua hai sấp vải màu, áo tím đậm màu trái cà, quần đen tuyền màu mực, đem về làm quà cho mẹ.Trên đường đi bộ từ chợ về ký túc xá, cười vui như trúng số, ước mơ một ngày có được của nó đã thành sự thật.

    Mấy mùa Tết năm sau, không dám nhưng có đôi ba lần, lần lựa rồi e dè hỏi sao chưa may quần áo mới, mẹ cười bảo chưa cần, khi nào may nó sẽ biết ngay.

   Hai mẹ con ngồi ăn bánh mì, với mấy lát thịt đồ hộp của Mỹ mà nó mua từ chợ Cũ Sài Gòn, hôm đi xem kết quả Tú Tài Một về sau chái hiên nhà, buổi chiều còn nắng, tin thi đậu rồi làm mẹ mừng khôn xiết, giờ thì bà bảo nó, bà chờ ngày này từ mấy năm rồi, ngày mai mẹ sẽ may quần áo mới, vừa nói vừa cười, chút vạt nắng tím hồng chiều còn sót lại, lùa ngang phớt qua, trên đầu bà những sợi tóc thưa bạc màu sương khe khẻ đưa, vui lây.

    Hôm đưa nó ra đường, chờ đón xe lên tỉnh tựu trường đầu năm đệ Nhất, mẹ mặc chiếc áo bà ba màu tím trái cà mới, lên xe, xe chạy một khoảng xa, nhìn lại, nó rươm rướm khóc.

Chuyện Ba

    Chị, người con lớn của ba cô con gái trong nhà, nhà có cái tiệm bán hủ tiếu và cà phê pha vợt vải duy nhất ở chợ xã, tuổi chừng hơn mười tám mười chín. Chị đẹp nhất trong ba chị em, đều học trường tiểu học ở làng, lên tới lớp Nhất, thi rớt đệ Thất trường trung học quận chị bỏ học, ở nhà phụ bán tiệm.

    Chị đẹp, ăn nói nhỏ nhẹ, dạ thưa, từ tốn, vui vẻ nên người ở chợ ở xã đều mến, ai chọc ghẹo gì chị cũng cười trừ. Ông sư già, trụ trì cái chùa nhỏ nghèo cũ kỹ cuối ấp chợ, sát bờ sông, cái chùa dân xã thường tới cúng quảy, có lần coi tuổi coi tay cho mấy chị em nói chị có số “sát chồng” nhưng ai nấy nghe rồi cười cười, không mấy gì tin.

   Một ngày đầu Hạ, chợ xã rộn rịp, pháo đỏ rượu hồng, mừng đám cưới chị và người Trung Úy, đại đội phó Địa Phương Quân đóng trên đồn lớn, đầu xã.

    Cuối Thu, sau ngày cưới chừng nửa năm, không may, chồng chị tử trận, một đêm mưa dầm lớn khi quân du kích Việt Cộng từ mật khu Hố Bò, Dương Minh Châu kéo qua, tấn công đồn ác liệt. Người ta đưa xác chồng chị về chôn anh ở quê nhà miền tây sông nước.  Cả chợ cả xã, ai nấy đều bùi ngùi thương xót cho tình cảnh chị, tiệm đóng cửa mấy ngày, ít khi thấy chị ra ngoài từ đó.

    Hơn hai năm sau, chị vào làm cô đỡ hương thôn cho bệnh xá xã, sau khi học xong khóa huấn luyện dưới quận, cũng vẫn phụ nhà bán buôn. Không lâu chị bước thêm bước nữa, lập gia đình với một anh giáo viên lớp Ba trường tiểu học nhà, không phải đi xa, không phải làm dâu. Chợ xã một lần nữa rình rang chung vui chúc mừng. Chiến tranh ngày càng lớn dần, dân xã ấp biết thấp thõm lo thấp thõm sợ hơn trước, một ngày hơn một năm sau, qua Tết, trên đường về thăm nhà dưới Suối Cụt Củ Chi trở lên trường, cũng không may chuyến xe đò sớm cán trúng mìn của quân du kích Việt Cộng gài lại ban đêm trong mấy cái mô đất chặn đường, nổ tung, người đi vừa chết vừa bị thương hơn hai chục, có anh giáo viên, chồng chị trong số những người chết đó. Một lần nữa, tuổi xuân chưa quá, chị chịu thêm cái tang chồng.

    Người ở chợ, bây giờ mới nhớ tới lời ông sư già ở chùa về hai chữ “sát chồng”, họ chưng hửng bảo nhau “chẳng lẽ”, lúc này không còn ông sư nữa, ông đã bỏ đi từ lâu lắm rồi. Bẳng đi một dạo, vắng chị, tiệm vẫn mở cửa, cũng sáng tới chiều nhưng không thấy chị ra vào nữa.

    Bốn năm sau, có người ni cô còn trẻ, khăn áo nâu sồng về mừng đám cưới cô con gái kế của chú thiếm tiệm hủ tiếu, bà con chung quanh hôm đó, nhận ra, mà buồn, người ni cô kia là chị.

Chuyện Bốn

    Trong hẻm, ngồi trên gác trọ học bài, nghe tiếng con gái rao chè đậu xanh bột lọc nhẹ nhàng nhỏ, mỗi đầu hôm hàng ngày, không lê thê kéo dài riết rồi quen, hôm nào không nghe, tự nhiên thấy thiếu thiếu cái gì đó, nhưng chưa có lần nào mua.

    Chiều thứ bảy, đi bán hơi sớm hơn mọi khi, vừa gánh tới trước hiên nhà, trời bất chợt đổ mưa như trút nước, cô đành phải quảy gánh đứng lại, trong hẻm nhà nào cũng như nhà nào, mái hiên nhô ra không dài, nước cứ mặc tình làm tình làm tội người đi, từ trên gác, anh cầm vội cái áo mưa khá tốt mua ngoài chợ trời Hàm Nghi chạy xuống lầu, ông bà chủ không có nhà, mở rộng cửa, đưa cho cô gái đậy sơ gánh chè lại, rồi kêu bước vào trong chút xíu đụt mưa.

    Hỏi nhau qua lại làm quen, chờ mưa tạnh, cô chừng mười bảy, học lớp đệ Nhị, nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ bán hàng ban ngày, ở cuối con hẻm, chỗ trổ ra ngỏ đường phía bên kia khu hỏa hoạn Petrus Ký cũ. Anh, sinh viên nghèo năm cuối Kỹ sư Hóa học, quê ở tận miệt làng quê miền Tây, nơi ruộng đầy ốc gạo bốn mùa. Mưa tạnh, cô ngại ngùng quảy gánh đi, luôn miệng mấy lần cám ơn, anh đứng trước cửa nhìn theo, chờ nghe tiếng rao chè quen đã nhớ.
 
 
 
 
 

    Rồi hai người quen nhau, thương nhau, cũng chờ cũng đón nhau, đưa về nhà chào hỏi kính thưa, theo lễ nghĩa cha mẹ dạy, mẹ cô gái mừng không biết bao nhiêu mà nói, con cái nhà ai biết phép biết tắc.

    Tết Mậu Thân, năm Bắc quân mở cuộc tổng tấn công đất Nam, về quê rồi bị kẹt lại, sau gần cả tháng kẹt đường kẹt xá, anh lên tới Sài Gòn, trường chưa mở cửa lại. Vội vã đến nhà cô gái, nguyên một khu phố tan hoang, nhà cháy không còn một cái, có người chết, hai mẹ con cô gái bán chè không còn đó, anh bấn loạn, hỏi thăm số người, chắc là người ở đây đang quanh quẩn tìm tìm kiếm kiếm gì đó trong đám tro than đen mờ bụi, biết hai mẹ con cô gái bán chè rong nhưng không biết bây giờ ở đâu, cũng có thể chết vì trúng đạn đại pháo bắn vào. Đau đớn, tan nát hồn, ngơ ngẩn, anh ngồi xuống lề đường, mắt cay xé đỏ.

     Mấy ngày sau, mượn được cái xe đạp cũ của thằng bạn chung lớp, chạy đôn chạy đáo, hết trường đua Phú Thọ lên Ngã Tư Hàng Xanh, qua Khánh Hội xuống Phú Lâm, không ai biết, bặt tin, cuối cùng, hy vọng nhưng đành bỏ cuộc.

    Đêm xuống lâu rồi, đèn đường trong ngỏ hẹp đã lên, anh cứ ngồi bất động trên gác trọ, nhìn xuống chờ, như đã chờ từ chiều, vẫn chưa có tiếng rao chè ngày cũ, thẩn thờ đứng dậy, chút ánh sáng đèn vàng vọt từ căn nhà đối diện chiếu ngang qua mặt, anh đi vào, mắt ướt sủng nước mắt, Sài Gòn giờ giới nghiêm.

Chuyện Năm

   Qua khỏi cầu, ngay khúc quanh lên dốc không xa, ngó ra sông, bờ bên này, căn biệt thự có lầu, tường leo đầy một màu hoa cánh nhỏ tím, đẹp thật đẹp, nắng lưng chiều trải ngập sân, lối sỏi trắng đi vào nhà đỏ rợp hoa Sứ nở.

    Chuyến xe buýt từ phố chính, tới trạm này thì rẽ qua đường khác, cũng như mọi ngày, từ chỗ làm anh phải xuống, rồi đi bộ về nhà trọ, nơi anh ở từ những ngày tay trắng tới xứ người, sau ngày mất nước 30 tháng 4 uất hận, buồn thảm. Thường thì vậy, chiều này, lần đầu anh thả bộ qua cầu đi vòng thay vì theo con đường cũ, con đường chắc cũng đã mòn dấu chân mình hơn quá nửa năm nay.

    Vừa ngang qua cổng nhà, anh đứng khựng lại, có tiếng ca sĩ nào đó trong máy hát vang vọng ra “đêm qua chưa mà trời sao vội sáng” từ cái cửa sổ mở rộng trên lầu, trời đứng gió, nghe rõ từng chữ, anh ngạc nhiên, không ngờ là có người mình ở đây, một chút rồi bỏ đi nhưng đi chậm, cố chờ nghe câu cuối, bài hát quen “rượu cạn ly uống say tình còn giá, lá trên cành một chiếc cuối bay xa”, nhìn lại căn nhà sau lưng, anh chợt nhớ.

    Anh con nhà nghèo, ở một xã quê của một tỉnh nhỏ miền Đông. Cô, con gái con nhà giàu, người Sài Gòn, gia đình làm chủ một số cửa hàng buôn bán đủ loại xe gắn máy Honda, Suzuki, Vespa... và tủ lạnh máy giặt lớn nhỏ trên các con đường đông người trong thành phố. Hai người quen học cùng chung ban tại một trường Đại học, rồi thương nhau, chung đường chung lối, cũng hẹn ngày mai “yêu nhau dài lâu”.

    Năm học thứ hai, bịn rịn xa, cô vào trường khác, nhắm vào mảnh bằng Dược Sĩ, vì nhà cô còn có một tiệm thuốc Tây lớn trên đường có quán chè Hiển Khánh, cái quán quá quen của cô cậu học trò mới biết thương trong đó có hai người, đường đi về từ ngày đó, không muốn, cũng phải có đôi lần chia hai lối rẽ và cũng từ đó anh một mình với bàn không ghế trống.  Anh có đến nhà chơi vài lần nhưng xem ra và hình như, nghe qua gia cảnh anh, gia đình cô có vẻ không mấy “mặn mòi” cho lắm.

    Ra trường, anh xuống dạy tại trường trung học ở Mộc Hóa, cô lên năm cuối, chắc bận học, ngoài mớ thư gởi vẫn thương vẫn nhớ, cô ít khi xuống tỉnh, hè anh có về Sài Gòn ghé thăm, khoảng cách nghèo giàu chưa thấy gần nhau hơn.

    Ba mươi tháng Tư, miền Nam thua cuộc, sụp đổ, anh cũng như nhiều người bạn cùng ngành mất việc, lang thang về quê ở với cha mẹ, có lần trở xuống Sài Gòn, thành phố đã bị đổi tên, cô con gái năm cuối trường Dược đã theo gia đình rời Sài Gòn từ lâu, theo chuyến tàu vượt biển nào đó, hết rồi thật sao, anh nghẹn ngào. Cũng còn may, rồi nhờ bạn quen thầy cũ, anh thoát ra xứ người trong một đêm mưa tối trời tầm tả từ Bến Đáy Trà Vinh.

    Sau giờ học, khóa học bán thời ở trường trưa thứ bảy, trời giữa Đông, co ro lạnh, áo khoát phủ trùm đầu, một lần nữa, anh thả bộ qua cầu, đi ngang qua cái biệt thự đầu dốc, mong là sẽ nghe bài hát tình ca quen thuở nào đó nữa. Phía trong sân nhà, có người con gái đi trước, con bé nhỏ hai ba tuổi theo sau, gọi “mẹ mẹ”, loanh quanh chỉ mấy con bướm trắng vàng “bước đi bước ở” trên những cánh hoa Sứ đỏ, anh nhìn vào, chưng hửng, chết trân, đúng là cô nàng, nhiều năm rồi vẫn hình dáng cũ, anh chết lặng, đứng yên đó, chưa tỉnh hồn dù trong lòng chợt có nhiều lời muốn nói, không bao lâu, người con trai, trạc tuổi anh từ trong nhà đi ra, con bé chạy lại, nắm tay gọi “ba ba”, chỉ ra đường. Anh quay mặt đi, hai vợ chồng ung dung, tay nắm tay nói cười, con bé chạy trước, ra đường, đi về hướng khúc sông trên, có nhà hàng nhô ra sông, cái nhà thủy tạ và vườn chơi trẻ em nho nhỏ.

    Anh nhìn theo họ một khoảng khá xa, lầm lũi trở ngược đường cũ về, cúi mặt, thôi cũng đành “đường thênh thang gió lộng một mình ta”, anh bước nhanh, lòng xe thắt lạnh, một lần nữa anh thầm hát “lá trên cành một chiếc cuối bay xa”.

    Từ ngày đó căn biệt thự trên dốc đồi không còn thấy một người thanh niên lạ, chậm bước, chờ nghe bài tình ca trước nhà và anh, cũng không có lần nào nữa hối hả qua cầu.

   
Thuyên Huy
Tháng mưa sớm 2020     

   

   

 

 

No comments: