Tuesday, December 14, 2021

Chuyện Thầy Tôi - Thuyên Huy

 

Chuyện Thầy Tôi

Mượn nhân vật tôi, viết bằng tưởng tượng, có một số địa danh thật, kể chuyện của một người, có cuộc đời gần giống như vậy nhưng không phải là người trong chuyện.

 


    Nhà thầy nghèo, trong đầu óc của thằng nhỏ mới từ tiểu học làng, chập chững lên Đệ Thất trường tỉnh, chỉ biết là nghèo nhưng nghèo ra sao, tới độ nào thì mù tịt. Cũng ngộ, nhà thầy, mái tranh, không thấy cửa nẻo gì, trước sau cũng kín kín hở hở, nhỏ lắm nhưng có một khoảnh sân bên hông cửa trước rộng, cất trên một nền màu vàng đất khô sạch sẽ, một bên nhà tựa vào tường gạch của căn phố tiệm buôn tạp hóa ngoài mặt đường, làm tường nhà mình, ngay ngã ba, đường tỉnh lộ và ngỏ ra sông lớn. Thầy không có ba, chỉ có bà mẹ già mà tôi kêu là bà Ba, bà vui tính, mặt mài nhân hậu, giống như thầy, cười nhiều hơn buồn.

*

    Gọi là thầy, chứ thầy học chung trường tỉnh với tôi, lớp Đệ Nhị, thầy học giỏi lắm, tôi và thầy cùng ở trọ một nhà, tại một căn biệt thự nhà giàu, ông chủ đã hưu trí từ lâu, ở lưng chừng con đường dốc, cây xanh bóng mát hai bên, không mấy xa trường, trong nhà còn có thêm hai anh nữa, một anh quê đâu đó ở Trãng Bàng “Tha La xóm Đạo” lớp Đệ Nhất, anh kia người Bến Cầu “xứ Năm con Rồng”, lớp Đệ Tứ, anh nào cũng dễ mến, nhỏ nhẹ, sẳn lòng chỉ dạy tôi, thằng em còn lơ ngơ đủ chuyện.

   Hè về, nghỉ bải trường, cuối năm Đệ Thất, ba tôi cho xuống thầy học thêm, dạy kèm toán, hai ba ngày một tuần, vì ông thấy tôi môn toán làm sao đó, dù kết quả học bạ cuối năm không tệ, nhưng thật tình không xuất sắc lắm. Nhà tôi ở xã trên, tại chợ làng, từ đây đi tới nhà thầy chừng bốn năm cây số, mỗi sáng ông chở tôi bằng chiếc xe Goebel Đức cũ xuống học, rồi bỏ đó về lại nhà, trưa xuống đón về, không quên trả tiền công, thầy vui vẻ nhận lấy, bà Ba cũng cám ơn ba tôi hoài. Chỉ có một thầy hai trò, bên phía tường gạch, thầy gắn tạm cái bảng đen, không biết kiếm ở đâu ra, đứa kia cũng là thằng bạn quen, cững học cùng lớp trên tỉnh, cách nhà thầy chứng chục căn, qua một đám ruộng trống khá rộng, gia đình có chiếc xe hơi Peugeot 403, làm xe đò đón đưa người lên tỉnh, xuống quận.

    Nhà thầy không có vách che cửa trước, hai đứa ngồi ngay bộ ván gỏ, vừa học vừa ngó ra đường, đặc biệt là ngó qua căn nhà gạch, hao hao giống cái biệt thự, sân trước sân sau rộng, cây cỏ lá hoa xanh ngát đủ màu, đối diện, ngay ngã ba, thỉnh thoảng có hai cô con gái chạy ra chạy vô, rồi băng qua tiệm tạp hóa bên này, thấy hai đứa ngó mộng ngó mênh, thầy thấy cũng tức cười, để tự nhiên, không thúc học, thằng bạn rù rì, hai cô con gái đó là con của chủ tiệm và cũng là chủ căn biệt thự bên kia, cô lớn tên Cúc, học lớp Đệ Tứ, cô em tên Mai, năm tới lớp Đệ Thất dưới trường quận. Thằng bạn này, mới từng tuổi này mà khoái làm thơ, tối ngày tìm câu lựa chữ, cho nên hai thằng nói chuyện “trớt quớt”, vậy mà tôi cũng bắt chước theo, lên tỉnh, trong lớp cứ đọc “Lục Vân Tiên’ mà làm thơ lục bác, rốt cuộc, chẳng ra đâu, toàn là thơ con cóc, nhưng cũng vui.

*

    Hè năm sau, thầy xong bảy năm trung học, tuy bận bịu với chuyện thi cử nhưng thầy vẫn dành dạy hai thằng tôi thêm gần một tháng hè, sau đó ba tôi cám ơn thầy, không  cho học tiếp, để thầy lo mùa thi cho trọn, hai thằng từ giã và chúc thầy thi đậu, ba thầy trò chia tay mà buồn khôn xiết, từ đó và từ ngày trở lại trường, tôi không còn gặp lại thầy. Lên tỉnh, anh Đệ Nhất thôi còn học, không còn ở trọ, anh Đệ Tứ ra ở chung với ai đó cùng quê, hai người đi hết rồi, nhà trọ không còn ai, hỏi ba bằng lòng, tôi dọn tới ở chung với mấy anh cùng miệt dưới quận và thằng bạn học thêm toán, tại căn nhà thiếc cuối đường, cơm canh tự liệu, không sao, lớn rồi, Đệ Ngủ kia mà.

   Hè cuối năm Đệ Tứ, tôi đạp xe xuống thăm thầy, chỉ gặp bà Ba, mẹ thầy cho biết là thi xong có về vài ngày rồi trở xuống dưới Sài Gòn mà không nói khi nào về lại. Thằng bạn mê làm thơ cũng đã chuyển về dưới trường quận, hai đứa ít gặp nhau như trước, trừ năm ba ngày nghỉ hè, lần nào hắn ta cũng đem khoe hai ba tờ báo, Trắng Đen, Tin Sáng, dưới Sài Gòn, mấy bài thơ đăng trên trang thơ văn gì đó, cười cười nhắc chuyện hai thằng làm thơ con cóc, xem ra mãn nguyện, từ đó tôi không gặp lại thầy nữa và tôi cũng bắt đầu nhất định sẽ làm thơ và một ngày nào đó gặp lại hắn, tôi cũng sẽ có bài đăng trên báo không thua gì.

*

    Đậu Tú Tài Hai xong, xuống Sài Gòn, hai thằng mơ làm thơ gặp lại nhau cùng giảng đường Đại Học, ngày còn đi về nhà, xe đò đường dài, chuyến sớm chuyến muộn không tiện ghé ngã ba cũ nhà thầy, hỏi thì thằng bạn cho biết, có ghé ngang vài lần, không gặp, thầy rớt Tú Tài Hai, đã vào lính, không biết đóng ở đâu, ít khi về, bà Ba giờ thui thủi một mình, ra vào ngó ra đường, một lần nữa tuổi già thêm tuổi buồn. Cô chị gái lớn, con chủ tiệm tạp hóa, tối nghiệp Sư Phạm Sài Gòn, hiện đang dạy ở trường tiểu học Cẫm Giang, cô em sắp sửa thi Tú Tài Một.

    Mấy năm sau, tốt nghiệp ra trường, về quê thăm nhà, trước khi chọn nhiệm sở, hai thằng một lần nữa ghé nhà thầy, một trưa cuối Hạ, căn nhà vắng tanh quạnh quẽ, bà Ba già hơn xưa, tóc bạc trắng màu bông bưởi, không còn cái cười của những ngày học toán với thầy, lần này hai đứa ngồi nói chuyện với bà cả buổi, thầy có về thăm nhà vài ngày, áo hoa Dù mũ Đỏ, cũng đi ra đi vào, không gặp gỡ ai quen, nhớ nhau chưa trọn, rồi lại ra đi, mây ngàn bạt gió, bà ở lại vái van ông bà cho thầy bình yên, đi đến nơi về đến chốn. Bà buồn buồn nói, có đôi lúc ngó qua căn biệt thự bên kia góc đường, lắc đầu thở dài, thì ra, thầy tôi đã ‘yêu thầm nhớ trộm’ chị Cúc, cô con gái lớn của chủ tiệm hóa từ mấy năm nay nhưng, giữ trong lòng, chưa lần nào có dịp nói ra, vì cả thầy và chị Cúc không có bao lần giáp mặt nhau lâu, ngoài những lần gặp phớt qua, khi thầy từ trên tỉnh về nhà hay những chiều lang thang bâng quơ ngoài ngã ba đường, khẻ gật đầu chào như cái chào thường tình, kèm theo nụ cười lịch sự, thế thôi.

    Bà Ba biết, thầy cũng không chối, thương cho con và thầy cũng có đủ sáng suốt biết, thân phận nghèo nàn, khỏi nói đâu xa, cứ đứng nhìn, đem hai cái nhà so nhau, không nói gì khác hơn, người bên ngoài cuộc thở dài, giàu nghèo khá rõ. Biết để mà buồn cho số phận, bà không nở khuyên thầy quên đi nhưng chỉ nhắc khéo ba chữ “nhà mình nghèo”, vậy thôi, thầy ráng sức học, con đường mà thầy hy vọng sẽ mở cho thầy một cơ may trong tương lai, “công thành danh toại”, đổi cho kiếp nghèo, để toại nguyện ước mơ, từ đó thầy vẫn đi về với nổi lòng “yêu thầm nhớ trộm” trong tim mình. Từ giã, chào bà Ba ra về, trời xế trưa, nắng cũng nắng như từ sáng, hai thằng bịn rịn không nở đi mau, có tiếng cô con gái nhỏ, em chị Cúc nói gì với mẹ, hai mẹ con cười giòn, nhìn lại trong nhà, bà còn ngồi trên bộ ván ngó ra, bỗng dưng hai thằng buồn muốn khóc.

*

    Hai thằng chia tay, tôi về làm ở Mỹ Tho Định Tường, thằng bạn “thi sĩ dỡm” xuống tận Cần Thơ Phong Dinh, từ đó chia tay, đường ai nấy lo, phận ai nấy giữ, cũng là những ngày cuộc chiến nhiều năm qua xem ra căng thẳng và khốc liệt hơn. Ít gặp nhưng thỉnh thoảng, đôi lần dùng nhờ vào điện thoại chỗ làm, gọi hỏi thăm nhau đôi điều, ôn ngày xưa hai ba chuyện vậy thôi, ngày mai không ai biết trước gì cả, cứ chờ cứ ngóng một ngày nào đó, không còn phải ngậm ngùi khi nhìn người thiếu phụ còn quá trẻ, khăn tang trắng trên đầu theo sau chiếc quan tài phủ cờ người lính nào đó, mỗi khi xe tang đi ngang đường phố, kéo dài khúc nhạc chiêu hồn tử sĩ.

   Lâu lắm mới nghỉ vài ngày phép, ghé Sài Gòn chơi, nhớ chút kỷ niệm thời mài ghế giảng đường, trước khi về trên quê thăm nhà, ở tạm nhà một người quen xa. Buổi chiều, một buổi chiều Sài Gòn, đi xuống đi lên giữa dòng người “ngựa xe xiêm áo”’có cặp có đôi” một mình, hết đường trên ngỏ dưới, thắm mệt, vào tiệm kem quen Hương Lan, ở ngã tư, ngó ra rạp Casino ưa ngồi ngày xưa tìm chỗ ngồi nghỉ chân, quán không đông người lắm, loay hoay chọn bàn, thấy ở góc cạnh tường bàn trống ngó ra đường, một anh sĩ quan Dù đang ngồi một mình, không ngó lên, đọc tờ báo gì đó, tôi cũng một mình, lân la tới làm quen, anh ngó lên, tôi sửng sốt ‘thầy ơi”, cùng lúc thầy cũng buột miệng “em hả”, thật là thầy tôi rồi, hơn nhiều năm chưa một lần thầy trò gặp lại từ ngày thầy rớt Tú Tài Hai. Thầy có về thăm nhà ngày hôm qua, thấy mẹ già nhưng vẫn còn mạnh cũng mừng, không ngờ gặp lại tôi, thầy cười nhìn tôi, còn vài tiếng nữa cũng đáng cho ba ngày phép rồi, vì đêm nay, máy bay sẽ đưa thầy và đoàn quân ra chiến trường miền Trung.

   Trên nhà, thầy có gặp lại chị Cúc, lần này lâu hơn những lần trước, chắc giờ là cô giáo người lớn, hỏi qua hỏi lại, chị chuyện trường lớp học trò, thầy giày sô áo trận, mưa rừng gió núi vậy thôi. Hai người chúc nhau may mắn và hẹn có dịp khác, nhưng không biết là khi nào, với thầy, dù chưa nói ra nổi lòng “yêu thầm nhớ trộm” nhưng cũng đủ cho thầy vui, dù vui không được trọn vẹn, buổi chiều trên chuyến xe đò lớn trở xuống Sài Gòn, chầm chậm đi, chị Cúc đứng trên bực  thềm trưới cửa tiệm tạp hóa, vẫy tay cười chào theo, suốt đường, trên xe, thầy mĩm cười một mình, nụ cười “lên men hy vọng”. Ra khỏi tiệm kem, Sài Gòn lên đèn, người vẫn còn dập dìu đường phố, hai thầy trò băng qua bên kia con hẻm Casino, ăn bữa cơm từ biệt, tôi ghi địa chỉ quân bưu KBC của thầy cho, nhưng bảo cần lắm thì viết, không thì thôi, thư từ đời lính thường đi trễ đến muộn vì đầu sông cuối đồng, mai chỗ này kia chỗ nọ.

   Trời sụp tối hẳn, hai thầy trò ngồi xe xích lô máy về lại trại Hoàng Hoa Thám, để thầy kịp chuyển quân, xe chờ ngoài cổng, tôi xiết chặt tay thầy từ biệt mà nước mắt rưng rưng, người lính gát mở cửa chào, thầy vẫy tay, tôi nói với theo, một lần nữa,”thầy cố bảo trọng, chúc thầy mọi điều bình an”, người lái xe xích lô ngồi chờ dưới ánh đèn vàng vỏ của màn đêm, tôi vẫn cứ nhìn theo, bóng thầy xa dần rồi khuất mất sau dãy doanh trại màu xanh lá rừng, trở lại xe, mắt cay xé, người lái xe chắc cũng hiểu chuyện, ông lặng thinh, nổ máy, quay đầu xe, ngồi  nhìn vào bên trong trại, ở đó chỉ là một màu âm u, bất giác thở dài, tôi nói cho mình nghe “không biết chừng nào mới gặp lại thầy ơi”.

   Gần tết năm đó, tôi và thằng bạn “thi sĩ dỡm” gặp lại tại kỳ họp liên tỉnh, chẳng có gì để hỏi chuyện bây giờ, vẫn độc thân , đời công chức vẫn là đời công chức, thế thôi, gặp lại thấy còn mạnh khỏe, không buồn rầu là mừng rồi, hắn cho biết có về quê thăm nhà vài tháng trước, chiếc xe Peugeot 403 đưa đò cũng còn chạy lên chạy xuống được, bà Ba, mẹ của thầy mình, đã không còn ở đó, căn nhà bỏ trống, bán chắc chẳng ai mua, bà xuống tóc, vào ở chùa Bảo Sơn Tự dưới Gò Chùa, người trong chợ xã không ai biết bà ra sao, không màng nhắc tới, mà bà có gì đâu để nhắc , người quen nghèo như bà chỉ cầu mong bà được mạnh lành ở những ngày tháng cuối đời.

*

    Một ngày giữa hè năm sau, thầy tử trận tại chiến trường An Lộc, cũng là ngày đám cưới chị Cúc được tổ chức rần rộ, ở chợ xã, hoa lá một màu đỏ thắm trên cái cổng gắn bảng“Lễ Thành Hôn” dựng ngay lối vào, tại căn biệt thự đầu góc đường, chị thành hôn với một anh kỹ sư tốt nghiệp Phú Thọ, học trên chị một lớp cùng trường, con nhà khá giả ở chợ quận, xe cộ khách khứa rộn rịp một khúc đường cả ngày trời. Ngày hôm sau, rước dâu, buổi sáng trời trong nắng đẹp, chị theo về nhà chồng, đoàn xe mười mấy chiếc rộn rã trên đường xuống quận, cũng cùng lúc đó, vừa hơn nửa đường, ngang qua trụ sở xã Phước Trạch, lá cờ tung bay theo gió thường ngày, sáng nay hình như bất chợt rũ xuống, họ chậm lại, nhường đường cho chiếc xe nhà binh, còn bụi đỏ, chở chiếc quan tài phủ cờ vàng, đang rẽ vào ngã ba hướng ra chùa, toán lính mặc đồ Dù, bâng quơ nhìn, mấy tràng hoa cưới đỏ thản nhiên, lả lơi đong đưa trên mui đoàn xe rước dâu theo chiều gió sớm.

    Tin thầy nằm xuống, được báo cho người trong ban trị sự của chùa, rồi theo lời họ, thay vì chôn ở nghĩa trang quân đội, quân đội chở thầy về với bà, tuổi già bóng xế, không còn sức mà khóc, nước mắt khóc cho cả cuộc đời nghèo khó đã cạn, người phụ đám tang dìu bà theo sau, ban trị sự đem chôn thầy tại cái nghĩa   địa nhỏ, trong khu đất ngoài sau chùa, nơi cũng đã có mấy nấm mồ của ai đó. Hai thằng tôi được tin quá trễ, tạ lỗi vì không về kịp tiễn thầy đi, lòng buồn da diết. Bức hình thầy nửa người đặt trên kệ thờ bên hông chánh điện, từ đó người ta nghe tiếng kinh, tiếng mõ cầu siêu sáng chiều, kéo dài và dài nảo nuột hơn trước.

   Cuối cùng, thầy đã đi xa, xa thật xa, mang theo cái cười “lên men hy vọng” ngày có cái vẫy tay từ biệt, của người con gái thầy “yêu thầm nhớ trộm” trên chuyến xe về Sài Gòn hôm đó, thầy không hay tin người đó đã theo chồng ngay ngày  người ta đưa thầy về lại quê nhà, nếu không, chắc thầy sẽ đau lòng biết dường nào, không bình thản nhắm mắt, không yên lòng yên nghỉ, khi phải mang theo nổi buồn thiên thu sầu xuống tận đáy mồ.

 

Thuyên Huy

Viết cho một người họ Phan, không biết còn hay mất – xứ xa ngày nhập nhằng cuối Đông đầu Hạ 2021

   

No comments: