ĐÔI
BA ĐỒNG BẠC NGHĨA LÝ GÌ!
(Truyện ngắn thời COVID)
Hẻm nhỏ, lại là hẻm cụt, có 53
nóc nhà. Tuy 53 nóc nhà nhưng mà tới gần trăm hộ dân, do có mấy căn nhà cũ, hai
ba gia đình cùng sống chung.
Trong hẻm cũng đủ loại
người, có mấy người già ưa ngồi uống café sữa trong cái ly nhỏ xíu, đựng trong
chén nước sôi giữ ấm, rồi gác chéo chân nói chuyện đời xưa. Có mấy đứa thanh
niên mua hàng vô tội vạ, shipper xanh đỏ ra vô hẻm liên tục. Có người làm hãng
sở, sáng mơi sơ mi cà vạt ra xe hơi đi làm như trong phim Hồng Kông. Hẻm
có chó, có mèo, có gà ta, có gà tre, thậm chí có nhà còn nuôi cả gà đá.
Hẻm nhỏ nên mọi người đều
biết nhau, có thể không biết rành hết mọi người, nhưng ai trong hẻm cũng phải
biết bà Tư. Bà Tư nhà khá giả, có đội xe tải, lính của bả toàn lái xe và lơ xe
tải, xăm trổ kín người, tuần nào cũng tụ về cái bãi xe cuối hẻm nhậu.
Nhà Bà Tư đầu hẻm, nguyên
một vách tường ngang cửa nhà bà Tư thay vì xây hàng rào làm sân thì bà Tư để
trống, chỉ láng xi măng. Sáng cho vợ chồng chị Liên với đứa nhỏ bán cơm tấm và
hủ tiếu, buổi chiều thì nguyên nhà cô Giàu bán cháo vịt với gỏi cuốn. Ai ra vô
nhà bà Tư đều sực nức mùi đồ ăn, mấy người đó buôn bán được, cũng muốn gửi chút
tiền gọi là “thuê mặt bằng” cho bà Tư, bà Tư khoát tay, nhớ sạch sẽ giùm tao là
được rồi, đôi ba đồng bạc, nghĩa lý gì.
Đó là câu cửa miệng của
bà Tư, đôi ba đồng bạc, nghĩa lý gì, cứ cái gì liên quan tới tiền là nghe giọng
bà Tư, đôi ba đồng bạc, nghĩa lý gì, bả nói riết rồi cả xóm nói liệu theo bả.
Bữa có ông kia đi nhậu về, hứng chí lên cho thằng tài xế tắc xi 500 ngàn, thằng
tài xế không dám lấy, đem vô gõ cửa trả lại. Ổng đứng trong nhà cũng la câu y
chang, đôi ba đồng bạc mà, nghĩa lý gì, lấy đi chú em. Bà Tư nghe xong bật
cười, đù má bắt chước tao.
Bà Tư xuất thân đâu ngoài
Quảng, bà theo chồng lưu lạc vô Sài Gòn từ trước 75. Sau 75, chồng bà Tư chết,
để lại bà với 5 đứa con nhỏ. Bà tư trở thành trùm vượt biên, bà Tư từng vượt
biên tổng cộng 17 lần, trong đó bị bắt nhốt chỉ có 2 lần, còn lại do anh em
biên phòng thấy tội, thấy quen, thấy người phụ nữ ôm 5 đứa con nên họ thả về.
Một tay bà Tư nuôi 5 đứa con, làm đủ mọi thứ để mưu sinh, mà ngon lành nhứt tới
giờ là tổ chức một đội xe vận chuyển cho mấy chợ đầu mối.
Năm người con của bà Tư
chỉ có đúng một người đi học đàng hoàng, đó là cô con gái duy nhứt của bà Tư,
người được cưng chiều nhứt nhà. Cô học giỏi, lãnh học bổng, rồi ra nước ngoài
học và lấy chồng định cư luôn ở bển. Bà Tư làm được nhiêu tiền mua thêm đất,
cất nhà gần bên, nên bốn ông con trai còn lại cũng ở loanh quanh trong hẻm.
Họ vẫn tụ tập qua nhà bà
Tư nhậu, buổi chiều, cuộc nhậu như mọi cuộc nhậu ở Sài Gòn, vài lon bia và dĩa
thịt vịt mua của nhà cô Giàu, ngay cửa, bữa nào vui thì mở ka rao kê ca, cũng
mấy bản nhạc bolero nhừa nhựa. Cả bốn người họ đều xuất thân tài xế hoặc bốc
vác, đều đen đúa vạm vỡ, giọng nói vẫn mang âm vị xứ Quảng rổn rảng, và cũng ưa
khoát tay: đôi ba đồng bạc...
Những ngày tháng Bảy, Sài
Gòn bắt đầu phong toả, hẻm cũng gần ủy ban phường nên dân phòng tới chốt luôn.
Dịch bệnh lan ra quá nhanh, nỗi sợ dịch bệnh và sự thiếu thốn của những ngày
thành phố bị phong tỏa đều thê thảm như nhau.
Nhà chị Liên dính đầu
tiên. Chị Liên vẫn hay mua hàng trên mạng, và không biết lần mua hàng nào đó
chị đã bị lây. Bà già má chồng chị Liên trở nặng ngay lập tức. Hai chiếc xe cấp
cứu với những nhân viên y tế xanh lè kín mít tới đưa cả nhà họ đi, con bé 12
tuổi hằng ngày bưng hủ tiếu cũng bị hốt theo, dù nó âm tính. Rồi nhà cô Giàu
cũng dính, lây thêm một nhà nữa. Rồi xịt khuẩn mù mịt, rồi hàng rào, rồi giăng
dây trắng đỏ… như mọi con hẻm khác, ở Sài Gòn.
Hai tuần sau con bé con
chị Liên trở về hẻm bằng xe của công an. Nó bận bộ đồ xanh kín mít, ôm theo hũ
cốt của bà nội nó. Nó nói ba nó nằm chỗ khác, mẹ nó nằm chỗ khác, giờ cũng
không liên lạc được. Nó vẫn âm tính nên người ta trả về nhà theo dõi, nhường
chỗ cho người khác, ở trỏng đông lắm rồi.
Bà Tư nói mày về ở với
ai? Nhà còn ai đâu mà ở. Cũng không ai dám chứa con bé, âm tính vậy chớ biết
đâu nó dương trở lại, ai cũng xầm xì. Bà Tư nói thôi vô nhà tao ở. Kệ mẹ, không
lẽ bỏ con nhỏ đứng ngoài hẻm hoài. Con bé đưa hũ cốt bà nội về nhà, rồi quảy ba
lô qua nhà bà Tư ở. Nó khóc hoài. Bà Tư nạt nó vang cả con hẻm, bà nội mày già
thì chết thôi, không bịnh này cũng bịnh khác mà. Ba má má nằm viện ít bữa rồi
về, ở đây tao nuôi, có gì đâu mà khóc, cười lên cái cho sáng cái nhà coi.
Đội xe bà Tư có hai chiếc
được cấp mã QR để chở hàng rau củ quả từ Tây Nguyên về Sài Gòn, chủ hàng bao ăn
ở xét nghiệm cho tài xế mà không ai chịu lái, đám tài xế né hết. Bà Tư biểu hai
ông con trai, thôi tụi mày lái đi, chở rau củ về cho người ta ăn nữa, chớ ăn
cơm với cá khô hoài ỉa không ra, tội người ta. Rồi bà Tư đưa tiền biểu hai ông
con trai mua thêm rau củ quả, chở về hẻm.
Mới đầu bà Tư để cái bàn,
là mấy cái bàn cơm Tấm của chị Liên, kê trước cửa nhà, chất rau củ trái cây lên
đó, kêu mọi người trong hẻm ra lấy về ăn. Mà mấy nhà có người dính, hoặc mấy
nhà không muốn ra đường thì không tới lấy. Bà Tư phiền quá mới đi dọc hẻm nói,
thôi bà con mỗi nhà để giùm tui một cái rổ trước cửa. Tui biểu thằng Út đem rau
củ quả bỏ vô rổ, đem vô ăn.
Vậy là ông Út nhà bà Tư
thêm nhiệm vụ, mỗi khi xe rau củ trái cây về, vác xuống nhà, chia làm nhiều
bịch nhỏ, rồi đi dọc hẻm, bỏ vô cái rổ trước nhà mỗi người. Để ngoài nắng chút
cho chết mẹ con vi rút đi, lời bà Tư hay nói, rồi ai nấy đem vô nhà nấu ăn. Ở
đâu thiếu rau củ chớ hẻm này không thiếu, mỗi nhà còn được cam, chanh, sả, trái
cây… đủ thứ.
Ba tuần sau thì chồng chị
Liên về. Anh tiều tụy như một cái xác khô, nhưng không phải do bệnh, mà buồn,
mẹ mất, vợ còn nằm đâu chưa biết. Anh đón con bé từ nhà bà Tư, cúi đầu cám ơn
bà Tư rồi dẫn con bé về nhà. Bà Tư xúc cho một bao gạo, một túi đồ ăn, một bao
rau củ, hai cha con lục đục vác về nhà.
Hai cha con loay hoay ở
nhà được ít bữa thì xe quân đội tới, chị Liên về, trong một cái hũ. Anh chồng
ráo hoảnh, mắt xa xăm vô hồn, im lặng. Còn con bé nó cứ khóc miết. Bà Tư lại
chạy qua, nói thôi để đó, hết dịch làm cái đám sau, giờ hai cha con mày ráng
sống đi, cho mẹ mày ở trển yên lòng.
Rồi không biết lây ai,
tới lượt anh Út nhà bà Tư dính luôn, mà lúc này cả thành phố đang cao điểm
dịch, các bệnh viện đều quá tải, anh Út không đi viện nữa, phải tự nhốt mình
trong nhà và uống thuốc theo đơn bác sĩ. Không có ai đi phát rau củ thì bà Tư
tự đi.
Mỗi khi xe rau củ về, mấy
ông con chất xuống cho mẹ, rồi bà Tư tự chia. Buổi chiều, bà Tư kêu anh chồng
chị Liên phụ, đẩy cái xe đẩy hàng của mấy thằng tài xế bỏ trong bãi, chất đầy
rau củ, trái cây, gạo… bà đi bỏ mỗi nhà một bịch. Xóm riềng cảm ơn bà Tư hoài
cũng ngại, cả tháng ăn rau củ của bà Tư mà, có người mới về hẻm không biết,
ráng cột tiền vô cái rổ, năn nỉ bà Tư cầm tiền giùm. Bà Tư thấy tiền bèn la
lớn, nè, ra lấy tiền vô đi, cái này tao cho mà, đôi ba đồng bạc, nghĩa lý gì,
chết có mang theo được đâu, đù má.
Đàm Hà Phú
Từ trang “Group Emails QGHC toàn cầu”
No comments:
Post a Comment