Tuesday, December 21, 2021

Tiếng Miền Nam - Nguyễn Gia Việt

 

Tiếng miền Nam



 

Xin hãy nghiêng mình giữ tiếng nói Miền Nam muôn đời!
Vô siêu thị thấy bà kia, giọng Sài Gòn chánh gốc, hỏi bà quản lý: "Em ơi! sao không còn thịt ba chỉ vậy?"
Đi chợ, bà bán thịt mập ú nu ú na mời: "Mua thịt đi cưng! thịt ba chỉ ngon lắm nè". Con nhỏ mua: "Chị ơi! bi nhiêu một ký ba chỉ dzậy hả ?"
Rồi hồn nhiên: "Cân cho em ba lạng thịt ba chỉ đi chị"
Chương trình nấu ăn của người Sài Gòn, món của Miên Nam luôn nha, vậy mà xài thịt "ba chỉ"
Ba chỉ là của người Bắc mà! Lạng, cân cũng của người Miền Bắc, Miền Nam xài chữ "gam", kí lô.
Nghe muốn lên tăng xông, mắc dịch mắc gió hông? Sao tự dưng thủ tiêu cái chữ "thịt ba rọi" dễ thương của Nam Kỳ Lục Tỉnh quê mình vậy chèn?

Thịt kho nước dừa (kho rệu) truyền thống của Nam Kỳ mình ngon nhứt là  xài thịt heo ba rọi loại ngon nhứt, miếng thịt có một lớp da ngoài cùng, một lớp mỡ và trong cùng là thịt. Cục thịt phải bự bằng một gang tay, sau đó lấy dây chuối, dậy lạt buộc chặc cục thịt lại. Kho với nước dừa xiêm Bến Tre đúng cạy, đường cát trắng, ướp hành băm, xài nước mắm Phú Quốc loại ngon và mở lửa liu riu cho tới khi nó nhừ cục thịt
Khi nồi thịt sôi tiêm gần nhừ thì bỏ vô hàng chục cái hột vịt cho nó nổi linh đinh trên mặt nồi
Chữ "ba rọi" rất thông dụng, là phương ngữ ông bà mình đặt ra cho Miền Nam xưa rày. Từ thịt ba rọi có "trình độ ba rọi" chỉ những người học hành lam nham, có cách sống nửa này nửa nọ
Ngày nay ngôn ngữ Miền Nam đang bị ngôn ngữ Bắc xâm lăng và bức tử đáng sợ
Các bạn trẻ không ý thức, mình là người Miền Nam mà cứ tự nhiên nói  đi "quẩy", đi "phượt", rồi vào "quán ăn vặt", kêu bánh snack là "bim bim", kêu tã là bỉm, kêu drap trải giường thành "ga giường", tự xưng mình là "mẹ bỉm sữa"
Nam Kỳ không có "ăn vặt", Nam Kỳ chỉ có "ăn hàng". Nam Kỳ không có "gà rán" nghen
Mùa dịch, ngày nào trên đài truyền thanh, phát thanh, truyền hình đều ra rả "Phạt người vất khẩu trang ra đường"
Miền Nam không có "vất", chỉ có ""quăng". Nam Kỳ không có "chỗ đỗ xe", Nam Kỳ chỉ có "nơi đậu xe", "cấm đổ rác"mà thôi
Nam Kỳ chỉ có bùng binh, ngã năm, ngã bảy, và "quẹo". Miền Nam không có "vòng xuyến" ,không có "rẽ lối " nha
“Anh đi ngã bảy ngã năm
Anh về anh mệt anh nằm ngã ba”
Thấy cái phim ba rọi "Gạo nếp gạo tẻ" tức cười. Đâu có gia đình Nam Kỳ nào kêu gạo nếp gạo tẻ, kêu là gạo và nếp thôi
Tại sao các bạn trẻ Miền Nam vô ý thức thấy thương như vậy"?
Là do giáo dục ở sách giáo khoa, ở trường, ở truyền thông, và gia đình cha mẹ ông bà cũng lơ là không để ý, họ nghĩ là chuyện không quá quan trọng
Rất quan trọng là khác, đó là gốc gác, là đặc trưng bản sắc riêng, là cái hồn Miền Nam, là ý thức, là niềm tự hào để mà tự hào, tranh đoạt mọi thứ
Thịt ba rọi khác thịt ba chỉ hoàn toàn dù nó chỉ một loại thịt. Như cầu Trường Tiền khác hoàn toàn cầu Tràng Tiền
Nhớ tuồng cải lương "Nửa đời hương phấn" của hai cố soạn giả Hà Triều- Hoa Phượng có đoạn ông Sáu chửi con vầy:
"Tại sao mày lên Sài Gòn mày có thêm cái tên Hương? Tên The ba má đặt cho con nó quê mùa xấu xí lắm phải không con? Mày liệng bỏ tên The chẳng khác nào mày liệng bỏ một quãng đời trong sạch của mày
Mày lượm cái tên Hương đẹp đẽ từ đâu đó để thay vào, mày dùng cái tên đẹp đẽ thơm tho kia để bắt đầu quãng đời xấu xa thúi nát"
Xin các bạn hãy biết đoái nhìn đặng mà thương Miền Nam của chúng ta
“Miền Nam ! Niềm vui chan chứa đêm mơ hồ
Miền Nam ! Tình xuân sưởi ấm thêm đôi bờ”
Miền Nam lòng dạ thẳng ngay, luôn hạ mình xuống để nâng người đối diện lên, biết thương người đồng cảnh, đồng loại, nhìn ra cùng một phương đặng mà cùng kiếm chén cơm manh áo
Người Miền Nam luôn thiệt bụng, thiệt lòng, không lòng vòng và gài bẫy bằng lời nói người đối diện. Nhưng người Miền Nam không a dua, dễ dãi, không bị mất gốc
"Tôi yêu tiếng Việt Miền Nam
Yêu con sông rộng, yêu hàng dừa cao
Yêu xe thổ mộ xôn xao
Trên đường khúc khuỷu đi vào miền quê
Tôi yêu đồng cỏ nắng se
Nhà rơm trống trải, chiếc ghe dập dềnh
Tôi yêu nắng lóa châu thành
Trận mưa ngắn ngủi gió lành hiu hiu
Nơi đây tôi mến thương nhiều
Miền Nam nước Việt mỹ miều làm sao!"


Xin các bạn hãy "dạ, thưa", đừng đổi thành "vâng ạ"
"Ngọt ngào hai tiếng dạ thưa
Đôi môi hiền thục gói vừa nết na
Lời thưa từ buổi sanh ra
Lẫn vào tiếng dạ thật thà thành em"
Tiếng Việt sau 1975 có nhiều sự thất kinh hồn vía lắm
Tp Hồ Chí Minh  ngập nước linh láng trắng xóa, minh mông, và thấy báo chí, truyền thông chánh quyền kêu là “triều cường”
Thực ra hai chữ “triều cường” không có trong tự điển Hán Việt. Chữ này thêm ra sau 1975
Nói về nước dâng từ sông, từ biển lên người Việt Nam ta có chữ riêng kêu là lụt, lụt lội, lũ lụt
Người Tàu kêu lụt là hồng (
), nước lụt là hồng thuỷ ( ), lũ lụt kinh hoàng là đại hồng thuỷ (大洪水)
Còn con nước mà lên xuống hàng ngày mà dân Nam Kỳ kêu là nước nhảy, nước nhữn, nước đứng, nước lớn, nước ròng thì chung kêu là thủy triều (
)
Nếu tự ý lấy hai chữ Hán Việt ghép lại và tự kêu nước lụt là triều cường là bậy bạ vì  trong tự điển không có từ này
Rồi nhắc một cái nữa cũng thất kinh lắm, cựu và nguyên
Báo VN cứ "Nguyên thủ tướng", "Nguyên tổng thống"
Theo nguyên tắc xưa, cái cũ gọi là cựu, cựu thủ tướng,cựu tổng thống
Vậy chứ chữ “nguyên” móc ở đâu ra? Hán Việt có chữ nguyên (
) là cái gốc, vốn dĩ, nguyên bản, lúc đầu, tự điển có căn nguyên tức là cái gốc ban đầu
Nhưng lấy nguyên ra để gọi là “nguyên thủ tướng” là sai bét
Gọi nhẹ nhàng phải là “nguyên là” nhưng cũng không đúng với bản chất của một ông thủ tướng đã về hưu. Gọi chức vụ đúng phải là “cựu thủ tướng”
Xin hãy giữ hồn Miền Nam, Tiếng Miền Nam, giữ bằng được ngôn ngữ Lục Tỉnh quê mình
Chúng ta giữ của chúng ta, và không có tham vọng muốn người miền khác phải giống chúng ta,của ai nấy giữ hồn vía mình trên sự tôn trọng
Nên nhớ, cái riêng của mình mà giữ không được thì sẽ không còn là mình nữa
Xin các bạn hãy dằn lòng, giữ mình, biết suy tư ngẫm ngợi, biết yêu xứ sở của mình hơn, thương da diết những lời càm ràm của ông bà, cha mẹ mình, thương hết thảy những người cô người dì áo bà ba quấn khăn rằn hì hụi xay bột làm bánh bò, bánh chuối cho mình ăn

Không yêu cầu bạn thuộc những sự kiện lịch sử vì bản chất bạn vốn hời hợt, nhưng bạn phát ngôn ra phải biết văn nào của mình, chữ nào của người, phải giữ cái của mình để mình còn đường tồn tại mai sau
Hãy cúi xuống, hãy chạnh lòng nhớ mình là người Nam Kỳ Lục Tỉnh, người Miền Nam
"Bao nhiêu hưng vong
Đón đợi thu vào tầm tay
Rồi con lớn khôn, hai mươi tuổi đời....."


Người Miền Nam vẫn là những người tiến bộ, tài hoa và không bao giờ ngừng bước
Sau 1975 thế hệ có xa thì xa, nhưng gần vẫn rất gần,ý thức rõ thì gần xịt, nó giữ khư khư trong lòng thì sao mà mất đặng
Di sản của Miền Nam mình thì mình ráng giữ, văn hiến của mình thì mình xiển dương, khoe khoang
Nếu không chịu ý thức, không chịu suy nghĩ thì mãi mãi Miền Nam sẽ nằm hoài ở tư thế chót bảng.

Nguyễn Gia Việt

304Đen – llttm -tvvn

 

No comments: