Kẻ Bất Tài
Bối cảnh nhận vật hư cấu, tự dựng
nhưng cứ cho là thật thì sẽ thành sự thật, để thương cho chuyện đời của một người
Điền con nhà nghèo, ở cuối ấp một cái làng của một tỉnh nhỏ, sông nước bốn
mùa, giáp ranh biên giới xứ chùa Tháp. Ba anh, tật chân khập khiểng, có chiếc
ghe nhỏ trốc sơn giăng câu, quăng lưới ngoài đầu vàm sông lớn, mẹ ngồi bán những
con cá mà ông bắt được, tại một cái sạp nhỏ bằng ván cũ, rộng chừng độ chắc một
thước vuông hay hơn chút xíu, ở một góc cuối chợ hàng ngày, khi trời hừng đông,
lúc ba anh mang cá về, sau khi ông rời khỏi nhà từ ba bốn giờ sáng, ngày nào
cũng như ngày nấy, nắng mưa gì cũng vậy. Con nít, chưa làm được gì, cũng như mọi
đứa con nít khác, Điền chỉ biết ăn, ngủ, vui chơi như tuổi đời trời đã định.
*
Tiểu học trường làng, tuy con nhà nghèo nhưng trời thương, Điền học khá
giỏi, thầy cô khen đáo khen để, cả chợ cả làng ai cũng biết tên, quần áo, cơm gạo,
lam lũ vất vả nhưng ba má anh cũng đủ lấy đó làm vui. Lớn một chút, lên lớp nhì
lớp nhất, anh muốn theo ghe, nhưng không được, hiểm nguy, sông nước, sáng mang cặp đi học theo ra ngồi với mẹ, ngoài sạp
bán cá, cười te cười tét người lại người qua, chờ trống lên, chạy vào, trường nằm
cách chợ không xa, bên kia con đường lộ, có bến xe, cái xe đò nhỏ duy nhất chạy
xuống quận.
Điền đậu vào trường trung học tỉnh nhà, không mấy khó, cùng năm với hai
ba đứa khác, có trai có gái, con nhà khá giả, có ruộng có nương, có tiệm buôn
hàng quán. Lên tỉnh họ đi đường họ, anh đi đường anh, chẳng ai màn hỏi tới. Trước
ngày nhập học hai ba hôm, ba anh chân khập khiễng, dắt dìu con, từ quê lên tỉnh,
ròng rã cả ngày tìm chỗ trọ cho anh ở, may mà trời vẫn còn thương, hai cha con
gặp ông sư già, mặt mũi hiền hậu, lúc ngồi nghỉ chân bên góc ngã ba đường, ngó
lên cổng trường đầu dốc đi đâu đó về ngang, hỏi thăm khi thấy hai cha con ngơ
ngơ ngác ngác, hai cha con theo ông về chùa, cái chùa cỗ xưa, âm u nằm cuối dốc,
xa xa phía sau con đường lộ trải nhựa chạy ra ngoài chợ tỉnh, hai cha con ở đó
tới xế chiều, đón xe về lại nhà, ông sư già theo ra tới đường tiễn, xe chạy khuất
dần, hai cha con nhìn lại, cứ vậy mà sut sùi khóc suốt đường về.
*
Lên trung học, mấy năm đầu, Điền học hành không giỏi lắm, nhưng cũng thuộc
loại khá, chừng tuổi đó, đã quen dần tiếng chuông tiếng mõ, thuộc kinh thuộc kệ
không thua thuộc bài, dặn đâu nhớ đó nên ông sư già thương lấy thương để, có hắn
chùa xem ra vui hơn, ông sư già cũng đi ra đi vào nhiều hơn thay vì tịnh tâm lâu
như trước, Điền biết ăn chay, biết tiện tặn, không hề quên bổn phận quét lá úa
sân chùa, trước sau mỗi sáng, mấy đứa con trai học chung lớp chơi với anh, giờ
gán cho anh cái tên “chú tiểu”, nhà ờ gần chùa, chạy tới chạy lui, vào chùa
tìm, ông sư già để bọn nó mặc tình chơi đùa rộn rã ngoài sân, đứng dưới mái
hiên nhìn cười gục gặc đầu. Mẹ anh, mỗi lần lên tỉnh thăm, đón về nhà chơi thứ
bảy chủ nhật, đều không quên, mặc dù không dư giả chi nhưng cũng mang theo, hủ
chao, hủ tương, dưa leo, dưa chuột, để ông sư già khỏi bận đi mua, mắm muối cá
khô cho anh, luôn dặn dò phải cất riêng, khi nào muốn ăn cơm với các thứ đó,
xin phép ra ngoài mái hiên hậu liêu sân sau chùa.
Giữa năm đệ Tứ, nhà có chuyện không may, ba Điền mất vì bị nước cuốn theo
ghe, hôm sáng trời nổi giông tố lớn bất ngờ, mưa xối xả cả buổi, cái ghe lật
úp, bị nước cuốn ra ngoài sông lớn, dân làng tri hô inh ỏi, đổ xô ra vàm tìm,
ngụp lặn mọi chỗ, trên bờ dưới nước, tới trưa mới tìm được xác, anh bỏ học mấy
hôm, về nhà, đám tang đơn sơ, nghèo lặng lẽ, tang trắng, nhang đèn, có tiếng
khóc, buồn như những đám tang khác, người ta đem chôn tại cái gò mả cuối làng,
chỗ đất cao khô, nằm giữa đám cây cỗ thụ già cằn cỗi.
Sau hè đầu năm lên đệ Tam, mẹ Điền bán căn nhà, rời làng, dọn lên ở gần
nhà của người chị bà con bên ngoại, tại khu làm bánh tráng kẹo đậu phộng, hột
điều, trong xóm đạo, xa trường tỉnh chừng năm sáu cây số. Từ giã ông sư già, anh
thôi không còn ở chùa, hai mẹ con ra chùa cám ơn ông sư già đã thương tình cho anh
ở mấy năm qua, thắp nhang tạ ơn Phật, tạ ơn trời, cũng từ ngày đó, Điền đi học
bắng chiếc xe đạp cũ, còn tốt, mua từ tiệm bán xe ngoài chợ. Trước Tết năm đó,
hai mẹ con, thêm ông sư già, họ trở lại làng cũ, làm lễ cầu siêu bốc mộ, chở
lên chôn ở nghĩa địa họ đạo trên tỉnh, mộ phần không còn lẻ loi xa cách.
*
Điền rớt Tú Tài Hai, bạn bè không mấy người gọi là thân, nên chẳng có mấy
ai hỏi thăm, người vui cứ vui, kẻ buồn như anh cứ buồn, mẹ không biết chữ nhiều,
ít khi đi xa, không giao tiếp rộng rãi, nên không có gì hỏi thêm hỏi thắt, thấy
anh buồn bà cũng buồn lây theo, vậy thôi. Đám bạn thi đậu, đi về lên xuống Sài
Gòn chuẩn bị vào đại học, nói cười vui vẻ, Điền cũng bỏ tỉnh đi không kèn không
trống, bỏ luôn giấc mơ tỏ tình với cô gái cùng trường mà anh để ý thầm thương từ
lâu lắm rồi, Điền lang thang tìm quên, lặng lẽ âm thầm tìm đường khác, nhất quyết
dặn lòng phải làm nên cái gì đó, nhưng chưa biết hẳn là cái gì.
Ngủ bờ ngủ bụi hai ba hôm, sáng sớm ngồi đọc tờ báo có đăng nhiều rao vặt,
chờ cầu may ngày mới, tại một quán cà
phê vĩa hè trước rạp chiếu bóng, gần ngã bảy, ngựa xe nồm nộp, Điền tìm được một
chỗ đang mướn người, đến ngay và cuối cùng buổi sáng đó, được nhận vào làm lao
công quét dọn tại cái trường trung học Đệ Nhất cấp tư, nằm sát ngõ vào cư xá lớn,
từ sau giờ học buổi chiều tan cho tới tám giờ tối năm ngày trong tuần, nghỉ thứ
Bảy Chủ Nhật, ông hiệu trưởng, nghe hoàn cảnh thương tình, còn tới hai ba tuần
nữa mới tựu trường, nhưng cho Điền làm ngay, mở cửa , đóng cửa, phụ dọn dẹp bàn
ghế, bảng đen, trên lầu dưới trệt, chuẩn bị cho năm mới, để có chút tiền mà
xài.
Ông còn giới thiệu cho chỗ ở, trên gác trọ của vợ chồng hai ông bà công
chức già hưu trí, trong cái hẻm, đối diện trường, bên kia đường, ngay chiều đó Điền
có việc làm và có chỗ ngủ chỗ ở, sàn cây trên gác láng bóng sạch sẽ không cần
giường, đồ đạc chẳng có gì, cái túi xách đầy, vài ba bộ quần áo cũ, bốn năm cuốn
sách, mấy thứ lặt vặt, bỏ ngoài đường không ai dòm, cái mền cái gối đã có ông
bà chủ cho ngay khi bước vào, tiền lương từ trường hậu hĩ, tính ra đủ trả tiền
nhà tiền ăn, dư chút xíu, anh an lòng chuẩn bị cho mình con đường trước mặt.
Sài Gòn với Điền, cũng từ hôm đó, thấy đẹp và đáng yêu hơn lúc bước xuống bến
xe đò lớn mấy ngày trước.
*
Chỗ ăn ở, chỗ làm đâu đó xong xuôi, yên ổn, cũng xa nhà hơn hai tháng, Điền
biết mẹ ở nhà chắc trông ngóng, trước ngày khai trường đón xe đò sớm về thăm
nhà, mang theo chút quà bánh từ Sài Gòn, trong đó có cả mấy ổ bánh mì lớn mà
người nhà quê gọi là bánh mì Sài Gòn. Điền ở chơi tới hôm sau, hai mẹ con ôm
nhau mừng mừng tủi tủi, thấy bà còn mạnh, anh vui lòng hơn, hứa sẽ về thường
hơn, bà gói gởi theo anh cả chục bịch bánh tráng đậu phộng kéo đường, quà cám
ơn ông hiệu trưởng và vợ chồng bác chủ nhà cho anh ở mướn, lấy tiền tượng trưng
nửa cho nửa lấy.
Nhờ có chút tiền dư, Điền ghi tên học lại vài môn, vài buổi trong tuần ở
trường trung học tư lớn, mặt tiền đường, nằm cách đường rầy xe lửa ra miền
Trung vài căn phố, cố để thi lại mà “làm lại cuộc đời”, không xa con hẻm anh ở
bao nhiêu.
Chiến cuộc lan rộng và tăng dần, có lúc tưởng
chừng nghẹt thở, Điền vẫn đứng bên lề, tiếp tục ngày tháng qua với lớp học sân
trường cũng như đường phố Sài Gòn. Anh đậu Tú Tài hai năm đó, về thăm nhà ít
hơn trước, đường xá nhập nhằng với súng đạn, không còn mấy bình yên, xuống lên
nhiều lần không suông sẻ. Điền làm công việc quét dọn trường cho tới ngày khai
giảng năm học mới, sau đó giao lại cho một thiếm lớn tuổi thế, đứng dạy toán
hai lớp đệ Thất đệ Lục, mà ông hiệu trưởng ưu ái giao phó, vài buổi trong tuần,
tiền lương cũng khá hơn. Điền vừa dạy vừa học, ở đây đứng bục giảng, ở đại học
ngồi ghế nghe, dặn lòng “có công mài sắt có ngày nên kim”.
Điền lại vào trường khác, có tiếng có miếng hơn, không còn thì giờ cà kê
dê ngỗng vì là học cả ngày cả tuần, thôi không còn dạy toán như năm trước, từ
giã trường từ giã ông hiệu trưởng tốt bụng, thương người, mà buồn muốn khóc, buồn
da buồn diết. Năm cuối đại học, Điền tình cờ quen, Hiền, cô con gái lớn của một
bà bác làm thư ký trong trường, quen rồi hai người thương nhau sau một thời
gian tới nhà chơi. Vui buồn rồi thì cũng qua, Điền tốt nghiệp, sau mấy năm đại
học, ra trường, về thăm nhà, ở chơi với mẹ, thăm mộ ba vài ngày, trở xuống Sài
Gòn, từ giã gia đình cô bạn rồi khăn gói đi làm ở một nơi xa, bắt đầu ngả rẻ đời,
cũng có tiễn đưa, dặn dò nhắn nhủ, hẹn chờ ngày gặp lại.
*
Ba Mươi Tháng Tư, Bắc quân rầm rập
tiến vào Sài Gòn, miền Nam mất, Điền kẹt ở chỗ làm, xa tận miệt ngoài, quăng bỏ
mọi thứ, chen lấn rừng người xuôi Nam, hớt hãi xuống tàu xuống ghe bỏ bờ, từng
đoàn ra biển, giữa trời mịt mù sương mờ buổi sáng, suốt một ngày ròng rã, họ,
đoàn ghe từng cái, trong đó có anh, cũng đến được bờ Long Hải, lại một lần nữa,
giữa người và người, anh chen lấn quá giang xe hàng đầy người, về tới Sài Gòn,
vợ chồng bác chủ nhà còn đó, ông hiệu trưởng trường cũ đã đi rồi, Điền tìm lại
nhà cô bạn, cửa đóng then gài, bà chủ căn nhà bán dừa bên cạnh cho biết, họ đã
đi từ tối Hai mươi Chín tháng Tư.
Hết rồi, buồn cho lắm cũng chẳng được gì, Điền trở về quê, hai mẹ con một
lần nữa mừng mà khóc ròng, anh ở đó, đường phố tỉnh nhỏ tràn ngập cờ xí, biểu
ngữ vàng đỏ chói chang, lầm lũi lặng thinh, nhịn nhục người cầm quyền, sống bằng
nghề phụ mẹ làm bánh tráng như xưa, cái nghề mà họ còn cho phép nhưng với khuôn
khổ của ba chữ “hợp tác xã”. Nhưng Điền chưa được yên, vài tháng sau, bị công
an xã kêu lên làm việc, bảo là anh không khai báo nghề nghiệp cũ rõ ràng, yêu cầu
anh làm tờ tự khai thành thật vì có ai đó báo cáo, thật sự cả xóm, cả ấp từ trước
tời giờ, ngay cả người quen với mẹ, chẳng ai biết anh làm công việc gì, chỉ biết
là đi làm xa nhà thế thôi.
Mẹ anh cũng có linh tính, chuyện chắc chẳng lành, không dễ gì yên, bằng
lòng cho Điền quyết định sẽ làm gì. Một sáng sớm cuối Thu, với túi xách nhỏ,
nói ra chợ tỉnh có việc cần, cùng với hai ba người quen dân tỉnh nhà, có học,
có thời “làm thầy làm bà”, áo quần nông dân, lem luốc, đi lên đám rẩy gần biên
giới mà họ đang làm kiếm sống, đêm chập choạng tối đó, họ băng rừng vượt qua đất
Miên, phó mặc may rũi cho đời, đi bộ bỏ xứ mà đi. Sau mười mấy ngày, lặn hụp, ẩn
núp, đội nắng đồng che mưa rừng, họ may mắn qua được biên giới Thái Lan. Cả bọn
quỳ gối khóc ngất, lạy tạ ơn trời đã phù hộ cho mình thoát nạn.
*
Xuống xe điện từ phố chính về, thứ Bảy, mới vừa quá giữa trưa, cuối
tháng Hai trời vẫn nóng bức, Điền vào khu thương mại, tìm mua vài thứ lặt vặt
trước khi thả bộ về nhà sau cả giờ lục lạo sách ở thư viện, tới cửa tiệm quen anh
khựng lại cửa cho cô gái khá đẹp đi ra, chần chừ chưa vội vào, anh ngó lên,
cùng lúc cô quay lại, thảng thốt buột miệng, Điền chết trân kêu đúng tên nhau.
Điền quên phứt chuyện mua đồ, hai người kéo nhau vào tiệm cà phê gần đó, ngồi
nhìn nhau mà ai nấy mắt đỏ hoe, nói cho nhau nghe, chuyện ngày đó và chuyện bây
giờ, kéo dài không chịu dứt, hai ly cà phê cũng kiên nhẩn chờ cạn, nhưng chờ
hoài chưa thấy cạn.
Nôn nóng, sốt ruột cả tuần, sau bữa
gặp lại cô em Thảo, Điền đón chuyến xe lửa sáng, cũng sáng thứ Bảy, đến nhà như
đã hẹn, căn nhà mướn giá rẻ trong dãy cư xá của chính phủ tiểu bang. Đầu mùa Hạ,
trời có nắng sớm, gió mát đễ chịu dù có chút nóng, tới nơi đã có bác gái, Hiền
và Thảo đứng chờ trước cổng cái sân nhỏ, không bông hoa, cỏ loang lỡ úa. Rồi,
ngồi đó, trong căn phòng khách nhỏ, cả bốn người cứ rấm rứt khóc, chuyện gì cũng
nói, chuyện chờ đợi chuyện bỏ đi, chuyện hai người thương nhau, không ai màng hỏi
tại sao, đã qua rồi, không thể làm lại gì được, cứ vậy mà khóc cười lẩn lộn.
Mừng đã gặp lại nhau, cũng mơ ước một ngày “đưa nàng về dinh” như những
năm tháng cũ, nhưng suy đi nghĩ lại, xứ người, chỉ là thằng công nhân, cu li quèn
làm ca đêm của hảng võ xe, nghèo, không danh không phận gì, nhiều lần Điền rùng
mình, e ngại, có thể nào không. Nhưng, cuối cùng cũng có đám cưới nho nhỏ, vài
anh bạn công nhân cùng chỗ làm đến chung vui, có cha sở quen tới làm phép chúc
lành dù gia đình là người ngoại đạo.
Điền cùng vợ, Hiền, về ở nhà mướn của anh, nhà chỗ cư xá, còn lại Thảo
và bác gái, độ mười mấy trạm xe điện, đi về thăm nhau không mấy xa. Điền đành bỏ
dỡ việc vừa học thêm vừa đi làm, lo cho gia đình cái đả. Rồi Điền đổi chỗ làm mới,
cũng là công nhân, tại một phòng thí nghiệm, nơi phân chất các loại lông trừu, với
công việc đứng lo mấy cái máy giặt máy sấy, lương hướng không bằng hảng vỏ xe,
vì ở đây không có chuyện làm thêm giờ, đời sống hai vợ chồng tương đối suông sẻ,
không dư giả cũng không thiếu thốn. Trang tốt nghiệp y tá, làm việc tại một bệnh
viện khá lớn ngoài phố chính, vài tháng sau lập gia đình với anh bác sĩ người
mình, trẻ, gia đình khá giả, hai mẹ con trả lại nhà cho chính phủ dọn về nhà
riêng của chồng, ở vùng gọi là “khu nhà giàu”, những cái nhà lầu mà phần lớn chủ
là người mình. Từ đó, nhà vợ chồng Thảo đều thường có tiệc tùng, vợ chồng Điền
cũng tới nhưng trong những bữa tiệc đó, có gượng vui với người nhưng một lúc
nào đó, anh cảm thấy thật cô độc và lẻ loi giữa những người khách, bác sĩ, luật
sư, công chức ngân hàng, chủ nhà hàng, chủ hảng xưởng giàu có.
Cả mấy năm trời, nộp đơn phỏng vấn không biết bao nhiêu chỗ mà kể, học
hành thì dở dở ươn ươn, cái đậu cái rớt, biết chừng nào mới xong, cuối cùng Điền
cũng được việc mới, nhân viên quèn, tại một công ty Điện lực tư nhân và cũng
cùng năm đó, với số tiền dành dụm ít ỏi, Điền mua căn nhà cây cũ, tương đối còn
tốt, tại khu lao động không xa phố người mình bao nhiêu, với số tiền vay mượn từ
ngân hàng, trả lại nhà mướn, dọn tới, sửa sang sân trước sân sau, con đường nhỏ
cây xanh lá hai bên, rồi ở đó có đứa con
trai đầu lòng, Hiền thôi làm cho tiệm uốn tóc quen ngoài khu người mình, rồi
thêm đứa em gái nữa năm sau. Điền một lần nữa quên chuyện học hành, đi về vui với
vợ với con, “tri túc đãi túc hà thời túc”, vậy cũng quá đủ dù chung quanh mình,
những người ngày xưa hơn anh hay thua anh, đều đã là “ông nghè ông cống, nhà
cao cửa rộng”, có buồn có tủi cũng chẳng ich lợi gì.
*
Con lớn vào tiểu học gần nhà, rồi lên trung học, mười mấy năm, Điền vẫn
vậy, cũng chạy đầu này, tới đầu kia, tìm xem có gì đó khá hơn không, vẫn như
cũ, tội nghiệp cho vợ mình, không than không buồn, an ủi ủi an, hai đứa con một
lòng thương cha thương mẹ, không đua đòi không so sánh với người ta, ráng học
hành tử tế. Điền lặng lẽ thử thời vận, trong mấy năm này, hùn hạp làm báo, ra
được vài chục số thì đóng cửa vì hết vốn, rồi lại hùn hạp mở tiệm chụp hình,
mua máy móc đủ thứ, đùng một cái, không còn hợp thời vì phong trào “có hình
trong một tiếng” đang rần rộ lên, lại ôm nợ, phố mướn không ai thuê lại, đã
không tiền vô mà còn cứ phải đóng tiền mướn cho tới cả năm sáu tháng mới hết hợp
đồng.
Điền thôi việc, được một số tiền kha khá, chỗ làm đang giảm bớt nhân
viên, lấy tiền trả hết số nợ ngân hàng mua nhà, còn dư chút đỉnh, cả nhà đưa
nhau đi một vòng các tiểu bang rồi sang Tân Gia Ba, Thái Lan, thăm người chị
nuôi bên Luân Đôn trước khi thằng con lớn tốt nghiệp Đại học. Một lần nữa, mong
sẽ không còn lần sau, Điền hùn vốn với ông cựu Trung tá quân mình cũ, người đã
làm chung một tỉnh trước kia, đã từng xem nhau là anh em, sang lại một văn
phòng du lịch ngay khu phố người mình, Hiền, vợ anh vui vẻ theo chồng, không một
lời bán ra tán vào, làm bên tiệm nhưng rãnh thì chạy qua lo ăn lo uống cho cả
hai. Công việc mấy tháng đầu xem ra xuôi chèo mát mái, vì khách cũ và những người
quen biết xưa nay ủng hộ nhưng rồi cũng không lên nổi, khách cũ của văn phòng dần
dần thưa đi, số tiền thu vô không đắp nổi chi phí, may mà cả anh và ông Trung
tá không có lương, xuất tiền túi ra dần, không cạnh tranh nổi với một số văn
phòng du lịch người mình khác vì không chịu nối kết làm ăn với cán bộ ngoại
giao của bên Việt Nam. Đóng cửa, rao bán lại bàn ghế, máy móc dụng cụ, bán đổ
bán tháo, được phần nào hay phần nấy, hai em chia nhau, buồn mà cười tạm biệt.
Điền từ đó trắng tay sau gần hai mươi năm thử đủ mọi thứ thời vận, chợt nhớ lời
ba anh lúc còn sống “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, cười mà khóc, cũng
có cái bằng cử nhân xứ người nhưng giờ chỉ là một tờ giấy lộn, cho không ai
thèm lấy.
Điền bỏ cuộc, vợ bên chồng khuyên lơn, quanh quẩn ở nhà, sáng sân sau
chiều sân trước, bạn bè không mấy ai nên không cần gặp, dù lúc này, đám về hưu
thường tụ tập ở mấy quán cà phê, ngồi ngó thiên hạ, nhớ chuyện xưa, bàn tán
chuyện tương lai mà hy vọng gì đó. Thằng con lớn tốt nghiệp, ra trường có chỗ
làm khá tốt, hơn năm sau đứa em ra trường, vào làm cho một bệnh viện không xa
nhà, chừng ba bốn trạm xe điện, coi như xong, Hiền cũng nghỉ làm, vợ chồng con
cái vui mừng, không đòi gì hơn nữa. Nhưng Điền vẫn mang cái buồn riêng mình và
chỉ có mình hiểu trong lòng, giữ kín không nói ra, không muốn vợ con buồn lây,
với anh, tưởng chừng như hạnh phúc nhưng chưa phải là hạnh phúc.
*
Một buổi sáng đầu Đông, trời mù mờ lạnh, thằng con lớn, lái xe, cùng với
mẹ, và đứa em gái, đưa Điền rời nhà, trên đường, ba mẹ con rấm rứt khóc, thở
dài, lắc đầu, nhìn anh ngồi bên cạnh thằng con lớn, ngó xa xăm phía trước, họ
không cản được, không nài nĩ được, cái quyết định dứt khoát của Điền. Mang theo
một chút hành trang nhỏ, lặt vặt, mà ở nơi sẽ đến đủ dùng cho chuỗi ngày còn lại,
bỏ lại sau lưng tất cả, chỉ giữ tình thương của vợ con, những người đã chịu mọi
nhọc nhằn, vui buồn với mình trong suốt những năm dài bên nhau.
Đến nơi, ngôi nhà ba gian mái nâu xậm, nằm một mình, khuất sâu dưới chân
một ngọc đồi, giữa rừng cây xanh bát ngát, cách đường lộ, uốn mình theo triền dốc
quanh co vào khá xa, tại miền quê hẻo lánh một tỉnh nhỏ, của tiểu bang mất ba
tiếng đồng hồ lái xe. Trước cổng, có một thầy tăng người bản xứ đứng chờ, Điền
xuống, cuối đầu đi tới, không quay lại, vợ con ngồi bất động trên xe, nước mắt
và nước mắt, cái cổng lạnh lùng đóng lại, ba mẹ con vẫn ngồi và ngồi đó, chiều
ngấp nghé buông chùng xuống, não nuột quanh đây tiếng chim rừng kêu, sau cổng Điền
theo chân thầy tăng, bấy giờ anh mới quay lại nhìn ra, không thấy gì, chỉ là
màn sương âm u mờ lạnh của buổi chiều đang dần xuống, bỗng dưng anh muốn khóc,
chút dư lệ trả cho cỏi đời ngoài kia, để không còn vương lụy bụi hồng trần nữa.
Từ đó, không ai biết gì về Điền, sống hay chết, chỉ có vợ con anh, nhớ
thương vời vợi biết và giữ kín nhưng chưa biết lý do tại sao Điền bỏ đi, cái lý
do chỉ có riêng anh hiểu, hơn nửa đời người, anh chỉ là kẻ bất tài.
Thuyên
Huy
Từ Bendigo về, viết cho một người
đang ở đó - 2021
No comments:
Post a Comment