Monday, December 20, 2021

Nổi Trăn Trở Mang Tên Việt Phương - Mai Thanh Sơn

 

Nỗi trăn trở mang tên “Việt Phương”

Mai Thanh Sơn



 

“Cửa mở” là tập thơ thế sự. Nhưng tôi không chắc ở đó có chính luận/chính đề hay phản biện/phản đề. Điều đó không lạ, bởi Việt Phương là một cán bộ cộng sản cao cấp. Một sự lựa chọn dứt khoát nào đó có thể sẽ đưa ông đến con đường tù đày như bao nhân vật bất đồng chính kiến đương thời. Tôi chỉ cảm nhận ở đó sự day dứt, trăn trở về hiện thực miền Bắc; sự hoài nghi về “con đường”, và “thần tượng”. Không cần nhiều dẫn chứng, chỉ qua một bài thơ trong tập đó cũng có thể phần nào hiểu được tâm trạng của ông: “Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi”.

Bài thơ này được viết năm 1969, nhưng không ghi rõ ngày tháng. Tôi không hiểu Việt Phương viết bài này trước hay sau khi ông Hồ Chí Minh mất (02/09/1969). Thập niên 1960 có nhiều biến động trên thế giới: J.F.Kennedy, tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ bị ám sát (11/1963); N.S.Khrushchyov, lãnh đạo tối cao của Liên xô, bị lật đổ (1964); Cách mạng Văn hóa và tư tưởng Maoit bành trướng ở Trung Quốc; chiến tranh lạnh và cuộc chạy đua vũ trang giữa 2 phe bước vào cao trào…

Bối cảnh thế giới đó đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống chính trị Bắc Việt. Hà Nội đứng trước sự lựa chọn giữa đường lối của 2 ông lớn: “chung sống hòa bình” như lãnh tụ Liên xô N.S.Khrushchyov đề xuất, hay “theo đuổi chính sách cứng rắn của Mao Trạch Đông, ủng hộ tổ chức ngay chiến tranh giải phóng miền Nam”. Chính từ bối cảnh đó, đã dẫn đến "Vụ án Tổ chức chống Ðảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài". Và “vụ án này được phương Tây cho là bắt nguồn từ cuộc tranh chấp về đường lối chính trị trong nội bộ Đảng Lao động Việt Nam và chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Bất luận là bên nào đúng/sai, “vụ án” trên đã dẫn đến những hệ lụy đau lòng đối với những người “yêu Đảng một cách trong sáng thuần khiết”, mà Việt Phương là một trong số đó.

Là một cán bộ cao cấp trong Đảng và Nhà nước, Việt Phương ắt hẳn hiểu rất rõ bối cảnh quốc tế cũng như nội địa. Là một trí thức Tây học (ông đã đậu tú tài thời Pháp), Việt Phương chắc chắn có những chủ kiến riêng về thời cuộc/và thời đại. Nhưng cũng như đa số nhân vật bất đồng chính kiến đương thời, ông chưa thể bước qua lằn ranh cuối cùng để “phản tỉnh”. Ông chỉ có thể biểu hiện nỗi day dứt, trăn trở và hoài nghi của mình qua những vần thơ.

Nhiều bạn đọc yêu thơ thường tâm đắc đọc cho nhau nghe những câu “Ta nhất quyết đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ/Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào/Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ/Sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao”. Nhưng không có nhiều người để ý đến khổ thơ thứ nhất của ông “Năm xưa ta đã nói rất nhiều “cực kỳ” và “hết sức”/Tội nghiệp nhất là ta nói chân thành rất mực/Chưa biết rằng “trời” còn xanh hơn “trời xanh”/Ta thiếu sự trầm lắng đúc nên bởi nhiệt tình.” Ông tự trào (“Tội nghiệp nhất là ta nói chân thành rất mực”)? Đúng. Nhưng ngay sau đó, ông cảnh tỉnh (“Ta thiếu sự trầm lắng đúc nên bởi nhiệt tình”). “Nhiệt tình cách mạng” là câu nói phổ biến thời đó, và nó luôn khiến mỗi người thiếu đi sự tỉnh táo trong suy nghĩ.

Để viết nên được câu đó, ông đã phải chiêm nghiệm rất lâu: “Một phần tư thế kỷ đã qua đi và bây giờ ta đã biết/Thế nào là thương yêu thế nào là chém giết/Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao/Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao.” Chẳng có chút liên quan gì đến “ý thức hệ” ở đây. Là người cận kề “đỉnh chín tầng cao”, Việt Phương thấy rất rõ những chỗ lồi lõm của “trăng sao”, và cả những “vết bùn” trên đó. Chuyện hoàn toàn nội bộ giữa những người cộng sản. Khổ thơ này thực sự là một kiểu “mó dái ngựa”, nhưng cũng nhờ đó, ông thoát hiểm. Trong cuộc “đấu tố” tập “Cửa mở” diễn ra tại NXB Văn học, ngày 12/11/1970, không có bất cứ “Hồng vệ binh văn nghệ” nào dám chất vấn ông về bài thơ này và ngụ ý trong những câu thơ đó. Bàn cãi về chuyện này là tự tìm con đường chết, vì thế “lờ” đi cho ông là thượng sách.

Việt Phương cực kỳ khéo léo trong cách thể hiện quan điểm của mình. Ông mượn hình ảnh người “say” để dẫn dắt bạn đọc: “Sức ta tăng bội phần khi ta say đến trở thành rất tỉnh”. Một hình ảnh vừa hiện thực, vừa có ý tự giễu nhại. Người say, mấy ai tự nhận ra điều đó. Và những người say luôn nghĩ mình anh hùng, có sức mạnh được nhân lên gấp bội, và luôn có tính thủ đắc. Và rồi “Năm xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin/Nay ta càng thêm tin mà không cần tô gì nữa cả”. Từ cái “vô tình” của một giấc mơ được tô vẽ bởi một ý thức về lý tưởng, đã biến thành cái “vô thức” của cả một lớp người. Không ai còn đủ tỉnh táo để suy nghĩ về “cuộc đời” có thực sự đẹp hay không? Đa số đều tin vào những gì được tô vẽ bởi những người khác. Một hiện tượng tâm lý bình thường được nhà thơ vận vào chuyện thế sự. Quá tài!

Việt Phương đau đớn bởi những phát hiện của mình, và thẳng thắn thừa nhận “Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kỳ lạ/Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn.” Ông nhìn thấy những con rắn “nằm phục giữa vườn hoa”, và khốn nạn hơn là “cuộn khúc giữa lòng ta”. Ông thất vọng. Và khẳng định “Những kẻ tốt đến yếu mềm chỉ là đồ giẻ rách”. Đọc câu thơ này, chắc chắn không ít “vĩ nhân/thiên tài” cảm thấy chạnh lòng. Tôi chắc thế.

Chính vì được “sống những phút giờ sự thật”, ông hiểu được “Tầm dân tộc ta và kích tấc loài người”. Có lẽ ông mong có thêm “chất người” trong trái tim cộng sản? Câu thơ “Và chất người trong ta cộng sản thêm chút nữa” dường như chưa phản ánh hết tâm sự của ông. Bởi ngay sau đó ông viết “Trút vỏ thần tượng đi càng lồng lộng con người”. Đó mới chính là điều ông muốn nhắn gửi?

Vâng! “Hồi quy nhân tính” mới chính là mong muốn của Việt Phương. Nhưng từ vị trí của mình, ông chưa thể viết khác, chỉ biết cảm thán “Ta nhìn hết sự xấu xa và bỗng nở nụ cười/Mở đài địch như mở toang cánh cửa/Nghe nó chửi ta mà tin ở ngày mai”. Không phải ai cũng có thể nhìn vào tấm gương phản chiếu mà thấu được bản thân. Và ông tin, ngày ấy sẽ đến với mọi người.

Nhưng dù sao, vào thời điểm đó (1969) Việt Phương cũng vẫn chưa vượt qua được lằn ranh của con đường mà ông theo đuổi từ khi còn rất trẻ. Ông cảm nhận được sự đòi hỏi tất yếu đối với sự thay đổi nhận thức. Ông coi mỗi sự thay đổi như vậy là một lần hóa thân, và mang “nỗi đau sinh nở”. Và ông vẫn gửi gắm niềm tin vào đảng của mình với lời tự sự đầy tin yêu: “Ta vui lắm những niềm vui cởi mở/Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi…”.

Đó cũng chính là điểm đáng tiếc ở Việt Phương! Nhưng đời mà, ai không sợ chết?

P/S: Tôi là người ngoại đạo văn chương, bình chơi thôi, không có ý khẳng định điều gì. Mong nhận được nhiều comments chỉ bảo.

Bạn nào quan tâm đến bài thơ, có thể vào đường link:

https://www.thivien.net/…/poem-Ts6lQqpxfibnnAsfRpDL0A

Bạn nào muốn biết nội dung cuộc "đấu tố" tập thơ "Cửa mở", có thể vào đường link:

https://trian.vn/bien-ban-cuoc-hop…/d20200904152937318.htm

304Đen – llttm - VV

No comments: