Friday, December 3, 2021

Ma Về Làng - Vi Lãng

 

Ma Về Làng



 

Lúc năm tuổi, tôi đã thấy ma.

*

Quê nội tôi ở một làng nhỏ miền Trung. Hồi đó, tất cả con lộ lớn trong làng, từ nhà ga xe lửa hay từ quốc lộ 1, đều là đường đất. Làng có khoảng năm sáu con đường lớn, khá phẳng phiu, lớn đủ để xe bò đi được. Xe bò là chiếc xe gỗ, phía sau có hai bánh lớn, phía trước cột vào cổ một con bò để kéo đi. Giống như một chiếc xe ngựa, nhưng thô hơn, dân làng dùng nó để chở mọi thứ, gỗ đốn từ rừng, lúa gạo, cuốc cày,…. Còn lại, đa số là những con đường nhỏ, được đắp đất và tán bằng ra, đủ lớn để có thể chạy hai xe hai bánh song song. Đến mùa mưa, nước làm mềm đất, thành lầy lội. Trâu bò sáng đi chiều về, để lại những hố nhỏ. Nắng lên, hố khô lại, thành những ‘lỗ chân trâu’ nguy hiểm cho dân làng. Trật một bước, trặc chân như chơi.

Tuổi nhỏ, tôi thường về lại quê thăm nội vài tuần hè, nhiều năm ở lại đến qua hết tết.

Năm tôi năm tuổi, có lần tôi ngồi chơi trong sân trước nhà với người chú. ‘Ông chú nhỏ’ lớn hơn tôi sáu tuổi. Trong vườn trước nhà nội tôi có nhiều cây cau, thân thẳng, cao gấp hai, ba chiều cao cây dừa. Buổi chiều, ngồi trên sân, nhìn những ngọn cau lung lay trong gió, ông chú nhỏ bảo, mày biết không, trên ngọn cau có ma đó. Sao chú biết. Tao biết. Tao biết từ lâu rồi, cứ một ngọn cau là có một con ma. Ban ngày nó ngủ, tối đến nó thức dậy, nhìn xuống trông nhà giùm mình. Đến ngày giỗ hay tết nhất, mày không thấy ông bà đem trái cây để dưới gốc cây à. Tôi thấy, có thêm một chén nhỏ, gạo gần đầy chén, giữ ba cây nhang thơm. Mày tin tao đi.

Tôi tin ông chú nhỏ. Tối đó, nằm trên chiếc chiếu trải trên sàn đất, qua khung cửa sổ, tôi nhìn lên ngọn cau. Trong bóng đêm, ngọn cau chỉ là một lùm tối đen, nghiêng qua ngả lại, tôi thấy như có một cái đầu dài và mấy cái tay đầy ngón, gật lên gật xuống. Tôi không thấy sợ, vì ông chú nhỏ bảo họ là ma nhà, không hại gì mình.

*

Năm tôi bảy tám tuổi, không nhớ rõ năm nào, thì lại khác. Trên con đường đất từ nhà ông nội Hai, gia trưởng dòng họ tôi, đến nhà nội tôi, có một lùm tre lớn. Không biết lùm tre này có từ lúc nào, chỉ biết nó rất là lớn đối với tôi lúc nhỏ. Có chừng mấy chục thân tre, thân nào thân nấy to đùng bằng cây cột nhà giữa gian nhà cúng. Những khi đi ngang lùm tre năm đó, ông chú nhỏ, bây giờ đã bể tiếng, giọng ồ ề, bảo trong lùm tre có nhiều ma lắm. Sao chú biết. Tao biết. Mấy đứa bạn tao cũng biết. Trong làng, mày ở tỉnh không biết chứ ở đây có mấy người, tự nhiên mất tích. Dân ở đây đồn rằng họ bị ma bắt rồi giấu đâu đó nên không thấy xác. Tao nghĩ quanh đây có chỗ nào giấu họ được đâu. Ngoài mấy lùm tre. Ma bắt họ rồi nhốt họ trong đó, mày không nghe họ rên rỉ buổi tối à. Mà thật, có nhiều tối, tôi đi ngang lùm tre gần nhà nội, với người lớn, tôi nghe tiếng kẽo kẹt từ trong đó. Tôi nghĩ, chắc họ bị ma ám rồi nghẹn giọng, không nói tiếng người được. Tôi thấy sợ.

Một tối năm đó, chúng tôi đến ăn giỗ ở nhà ông nội Hai. Tôi mê chơi nên phải về trễ một mình. Tôi nghĩ mình đã lớn, cũng quen đường, nên chẳng có gì phải sợ khi về lại nhà nội. Nhưng khi đứng đầu con đường đất, thấy lùm tre trước mặt, tàng tre lớn như một cái lọng, che nghiêng ngang gần hết con đường, tôi hơi do dự. Mình có nên đi từ từ, cũng chỉ chừng mười, mười lăm bước thôi, qua được lùm tre là xong. Hay là mình nhắm mắt chạy một lèo. Trời cũng đã tối, tôi nghĩ nếu mình không tỏ ra sợ hãi, cứ thong thả như mọi lần, chắc sẽ xong. Quyết định thế, tôi bước từ từ, mắt quay qua quay lại, nhìn lùm tre, nhìn đường đất, nhìn ruộng, sợ rằng con ma có thể nhảy ra đâu đó. Đi được chừng năm sáu bước, tôi chợt thấy hai ba bóng đen chạy nhanh băng vụt ngang bờ ruộng bên trái. Rồi tôi nghe tiếng két két từ lùm tre. Hoảng hồn, tôi cắm đầu cắm cổ chạy một mạch về thẳng nhà nội tôi. Về được đến trong gian trước, gặp bà tôi. Bà tôi bảo, sao con thở mạnh dữ dị, mặt mày lại tái mét dị. Lại đây bà rửa mặt cho. Mà sao chân con dơ dữ dị, dép đâu hổng thấy. Mới biết ra tôi mất hai chiếc dép lúc nào không nhớ.

Đêm đó, có nghe tiếng súng. Ông tôi bảo bà tôi tắt cây đèn dầu. Sáng ra, ông tôi ra ngoài ngõ, nói chuyện với mấy người lớn gần nhà. Xong, trở vào, ông tôi bảo đêm qua mấy ổng về, bắn chết ông xã trưởng rồi.

*

Năm tôi mười hai tuổi, tôi lại về thăm nội dịp gần tết. Lùm tre lúc đó lớn hẳn ra, đi gần hai chục bước mới ngang hết. Nửa trưa, đứng dưới tàng tre, thấy người mát hẳn ra. Ông chú nhỏ của tôi cũng sắp vào lính, lúc gặp tôi ông đã biết tập tành ra ngồi ngoài quán bia trong quận. Ông bảo mày ngồi đây với tao, mày chưa uống được đâu, tao mua cho một chai xá xị. Tao sắp đi rồi, qua tết, nếu không may chẳng gặp mày nữa thì chắc tao cũng không vào lùm tre đâu. Cười, rồi nhâm nhi thêm vài ngụm nữa.

Năm đó, sắp sang Mậu Thân nên tôi bị kẹt trong làng. Mấy ngày sau ông chú nhỏ dẫn tôi ra quận, bảo nếu mày thấy sợ thì đừng nhìn họ nhé. ‘Họ’, là khoảng chừng mười mấy xác chết, tay chân mặt mũi đầy bùn đất, đen đúa, nằm xếp dọc giữa quảng trường trước nhà quận. Áo quần đen mốc mết, nhiều chỗ đẫm màu nâu hung. Ông chú nhỏ bảo dân trong làng nhận ra mặt được vài người tưởng đã mất tích từ lâu. Nhìn áo quần họ còn mặc trên người, tôi nhớ đến hai ba bóng đen mấy năm trước. Lần tôi chạy xấc bấc đến mất dép.

*

Ông bà nội tôi có nhiều con. Ba tôi con trưởng, sau đó là một loạt mấy ông chú. Chú Ba, Sáu, Bảy, Tám, Mười, Mười Ba, Mười Bốn. Người thứ Bốn, Năm, Chín mất khi còn nhỏ, trước khi má tôi về làm dâu. Tổng cộng sáu anh em vào lính cộng hòa cả. Và cả sáu người đều phải đi học tập, người ngoài bắc, kẻ trong nam. Ba tôi, và ông chú nhỏ là sĩ quan thời trước nên đi ra bắc ‘mút chỉ’.

*

Năm 95, gia đình cho tôi biết tin về ông Tư. Ông Tư là anh của bà tôi, tôi chưa bao giờ gặp. Bà tôi, lúc trước nếu có ai hỏi, chỉ nói ổng chết khi đi buôn củi trên núi. Một đêm sau 75, ông ta về gõ cửa nhà nội tôi. Bảo anh mới về, đang ‘làm lớn’ trong quận, đem cho em ít quần áo và thức ăn. Bà tôi ôm chân anh mình, nước mắt dàn dụa. Anh cứu giùm mấy đứa nhỏ. Nếu anh giúp cho hai đứa con em đang ngoài đó về được, em đội ơn anh. Ông Tư cười khẩy, tụi nó ngụy cao cấp, để anh xem nhưng không phải dễ.

Chắc là không dễ. Ba tôi mười năm sau về lại, người bệnh lên ốm xuống, tay chân như bị liệt. Ông chú nhỏ, tính ngang tàng, bị nhốt trong chuồng cũi, đánh đập mềm xương. Họ thả ông ta về trước hạn mười năm, nhưng không cho gia đình biết tin. Chắc là nghĩ ông ta sẽ không sống nổi trên đường về lại nhà. Nhưng bằng cách nào đó, tôi không hỏi, không muốn hỏi, ông về được đến làng. Thím tôi mở cửa, nhìn người đàn ông trước mặt, áo quần tả tơi, thân còng, chân tay như chỉ dính da vào người, mặt hốc hác, mắt thất thần, thím tưởng là bóng ma chồng mình trở về.

*

Ông Tư tôi đã mất mười mấy năm trước. Tôi chưa hề gặp ông. Những lúc nghĩ đến chuyện xưa, tôi lại nhớ về mấy con ma sống trên ngọn cau. Những con ma, ma nhà, nếu có đó, có trông giúp được gì?

Những con ma. Những người ra bắc, kẻ trước người sau, lý do khác nhau, rồi cuối cùng cũng về lại làng.

 

Vi Lãng

304Đen – Llttm - tvvn

No comments: