Friday, December 17, 2021

Như Chốn Thân Quen - Bùi Diệp

 

Như Chốn Thân Quen




1.

Sài Gòn, đằng sau 2 tiếng thân quen ấy là không biết bao nhiêu chữ, câu định danh, định tính mà chắc không ai là người Việt Nam chưa một lần điền vào dấu chấm lửng cho “Sài Gòn của riêng mình”.

Tôi cũng vậy, chỉ vỏn vẹn có 4 năm sống nơi này. Nói gắn bó cho thực sự đúng nghĩa thì không hẳn. Vì thực ra thời gian sinh hoạt của một thằng sinh viên trong ngoài đôi mươi cách đây trên 30 thì chẳng có gì phong phú. Chỉ quẩn quanh giảng đường, trường học, thư viện và những con đường. Ôi chao Sài Gòn có lẽ hấp dẫn và thú vị nhất là ở những con đường. Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, lúc chúng tôi đến từ tỉnh lẻ, vẫn còn nghe người Sài Gòn gọi tên đường, tên khu phố, những tòa nhà thương mại, những công sở, khách sạn,… theo tên cũ vốn gắn bó với người “Hòn ngọc viễn đông” từ trước 1975. Ví dụ lúc bấy giờ con đường nối dài từ Ngã 6 Cộng Hòa cho đến ngã ba rẽ vào Cư xá Thanh Đa mà hằng ngày chúng tôi vẫn đạp xe từ KTX đến trường ĐH Tổng Hợp số 10_12 Đinh Tiên Hoàng (Văn Khoa) có tên mới là Sô Viết Nghệ Tĩnh mà sau này, 2 phần 3 con đường này đổi thành Nguyễn Thị Minh Khai nhưng người Sài Gòn vẫn cứ quen gọi là đường Hồng Thập Tự. Rồi đường Tự Do, Thương Xá Tax,… Vài dòng lan man về tên gọi xưa và nay của những con đường Sài Gòn là để gợi lại hình ảnh một Sài Gòn thời thắt lưng buộc bụng. Thời ấy đời sống thường nhật vẫn để lại trong trí nhớ bọn thanh niên chúng tôi về những cảnh đời không vui thậm chí là ảm đạm của những người từ vùng KTM về lại, tá túc dưới những hàng me, hàng dầu, hàng xà cừ,… chạy hai bên hè phố bên những bờ tường hay những trạm chờ xe bus.

Những con đường Sài Gòn vừa là thường nhân, vừa là thi nhân và cũng là chứng nhân cho những thăng trầm, đổi thay của thành phố phương Nam này. Tôi nhớ SG như nhớ tuổi trẻ của mình. Cái tuổi xanh như cành như lá và hồn nhiên ngay cả trong thua thiệt không ngờ!

Ơi những ngôi nhà cao thấp lô nhô với vòm trời phương Nam đỏng đảnh nắng mưa nhưng mái ấm luôn xanh ngời màu lá. Và chim nữa. Ngày ấy những con đường bình yên với xe đạp nhiều hơn xe máy, xe hơi, thường vẫn rộn ràng tiếng chim trên mái ngói, trong vườn phố.

2.

Bỗng dưng, tôi nhớ đến không khí của những nhà sách quốc doanh và rạp hát, rạp chiếu phim và những của hàng bách hóa tổng hợp. Ngày đó, để mua được bộ sách Tự Điển Văn Học hoặc danh tác Một Thời Để Yêu, Một Thời Để Chết của E. Remarque, Cội Rễ của Alex Haley,… tôi và H, một bạn thân cùng lớp, cùng phòng KTX phải tới thăm cô nhân viên cửa hàng sách trên đường Nguyễn Đình Chiểu với vài bịch cóc xoài ổi mận kèm theo không ít lời “nịnh hót” cô mới để dành cho. Rồi chuyện rạp hát, rạp chiếu phim, chúng tôi trốn học xếp hàng vòng quanh rạp Vườn Lài để mua vé xem bằng được phim “Nửa Cuộc Đời” kể về nhà thơ người Đức Henrich Haine hoặc phim Cecilia,… không hẳn vì nội dung phim mà cái hấp dẫn tuổi trẻ là trong những phim ấy có cảnh “mát mẻ” hấp dẫn vô cùng so với thời văn nghệ đóng cửa “ngặt nghèo” bấy giờ. Lần đầu, ở cái tuổi sung mãn, luôn tò mò khám phá mà được mãn nhãn với màn ảnh rộng những hình ảnh hành động đầy biểu cảm “libido” ai mà không “chết”!

Xếp hàng. Nếu bây giờ có nhiều bạn trẻ dị ứng với thói quen này nhưng riêng cá nhân tôi luôn đánh giá cao hình thức ứng xử nơi công cộng này. Nó thể hiện một đám đông có trật tự, tổ chức tự giác và biết tôn trọng và tự trọng. Nhưng cũng chính vì vậy mà thời ấy tại những nơi giao thương, kinh doanh như bệnh viện, cửa hàng, rạp phim, nhà ga hay bến xe,… kể xấu thường lợi dụng. Tôi nhớ mỗi lần về quê, ra bến xe miền Đông xếp hàng mua vé, thể nào cũng bị bọn cò vé đặt từ khi nào rất nhiều cục gạch nối nhau để xí chỗ!

3.

Nói đúng ra, với tôi Sài Gòn ít kỷ niệm vui nhưng vì hầu hết bạn bè tôi là người tứ xứ về đây học tập nên ai cũng tâm trạng như nhau. Và chắc chắn một điều, dẫu thế nào chúng tôi vẫn luôn hàm ơn Sài Gòn. Mỗi góc phố, hàng cây, một vạt cỏ, mùi bùn sình bốc lên từ kênh rạch và những tiếng rao đêm cứ đồng vọng mãi trong lòng người một thuở ngụ cư.

Và ân tình, ơn nghĩa. Tôi nhớ hoài con hẻm nhà ba Sáu, ba bạn học tên P nằm trên đường Lê Quang Định hay nhà bạn MT ở Phú Nhuận nơi có cây mận sai trái mà Chủ Nhật nào chúng tôi cũng đến chơi và xin mang về…

Sài Gòn với tất thảy hằm bà lằng xí tố cho một ngày mưu sinh để rồi qua một đêm như dòng sông Sài Gòn lại xanh trong, lục bình lại tím bông và nắng lên trên cầu Bình Triệu, cầu Sài Gòn lại rộn ràng trong tiếng người xe của một đô thị hào phóng phương Nam.

Mỗi lần trở lại hay chia xa, tôi vẫn nghĩ thành phố này là nơi chốn thân quen của mình. Hơi bắt quàng bạn nhỉ. Thông cảm cho tôi nhé!

Phan Rang
Bùi Diệp

304Đen – Llttm -tvvn

 

No comments: