THƯƠNG TIẾC NHÀ THƠ TÀI HOA NGUYỄN TẤT NHIÊN YỄU MỆNH
Viết về Duyên
Nhân
Quán Văn số mới nhất mang chuyên đề chân dung một thi sĩ xứ Bưởi, tôi bỗng nảy
sinh muốn viết ít hàng về ‘một người con gái tên Duyên’. Những người yêu thơ
Nguyễn Tất Nhiên từ thuở sinh thời ít nhiều cũng có nghe giai thoại về cô gái
Bắc kỳ nho nhỏ này đã một thời làm tan nát trái tim chàng học sinh si tình cùng
lớp tại một ngôi trường tỉnh lẻ, mà chỉ một thập niên sau đã trở thành nhà thơ
trẻ có chỗ đứng nhất định trong văn học miền Nam.
Tới
khi ra hải ngoai, nhà thơ đa tài nhưng vắn số được coi như niềm tự hào của
những đồng hương xứ Bưởi khi Nguyễn Tất Nhiên trở thành danh nhân ngang vai với
những bậc trưởng thượng, quan tướng, sĩ phu nổi tiếng một thời của đất Đồng
Nai, thủ phủ miền Đông.
Tôi
biết Nguyễn Tất Nhiên trước khi anh thành danh. Tôi hâm mộ Nguyễn Tất Nhiên
không hẳn vì thơ, mà là yêu những ca khúc được phổ thơ của anh.Trước khi thơ
anh trở thành nhạc, tôi đã đọc thi phẩm đầu tay Thiên Tai qua giới thiệu của
một đồng nghiệp là thầy dậy của anh. Tôi đã gặp đâu đó chàng trai thích in thơ
và muốn nổi danh gần doanh trại của tôi khi anh chàng cố tiếp cận một nhà thơ
quân đội (cũng là bạn đồng ngành) sau này là người đỡ đầu cho bước khởi đầu con
đường thi ca của anh.
Và
phải nói có phần thiếu trọng thị khi không ít ngưòi vô tình đánh giá thấp tài
năng của Nguyễn Tất Nhiên, có thể lúc đó tuổi đời và sở học của chàng thi sĩ
trẻ chưa đến độ chin. Tôi cũng là ngưòi trong số này, nhưng do sinh hoạt nghề
nghiệp tôi ỷ y có may mắn được giao tiếp với nhiều nhà thơ nhà văn mà sau này
có người trở thành huyền thọai kể cả nhà thơ đã mentor cho anh.
Cho
đến khi đất nước đổi đời mũ áo te tua, anh em chúng tôi trớ trêu thay lại là
lúc ‘bắt gặp’ Nguyễn Tất Nhiên qua những bài hát chui trong một số trại cải tạo
miền Bắc, nơi mà chỉ còn chút an ủi khi nhạc vàng lại lên ngôi trong tâm thức
những người lính về một thời đã có những kỷ niệm vui buồn ‘để nhớ để quên’.
Nguyễn
Tất Nhiên đến với anh em chúng tôi thường về đêm, khi nhạc vàng tình cờ trở
thành ngôn ngữ chung cho cả người tù lẫn đám coi tù. Những bài hát lạ, có âm
điệu ra riết, gợi nhớ và được phổ thơ bởi người phù thủy bậc thầy Phạm Duy thì
phải nói không thể thiếu những vần thơ tươi mát, nhí nhảnh, ru tình của Nguyễn
Tất Nhiên. Thà như giọt mưa, Cô Bắc kỳ nho nhỏ, Em hiền như Masơ, Vì tôi là
Linh mục…đánh trúng tim những kẻ bị lưu đầy vì tiết tấu và ca từ của nó như
liều thuốc làm dịu đi nỗi nhọc nhằn lao động ban ngày và cơn đói dằn vặt về
đêm.
Ca
từ vừa lạ, tiết tấu vừa vui phải nói ca khúc Vì tôi là linh mục do nhạc sĩ du
ca Nguyễn Đức Quang phổ nhạc trở thành top hit do yêu cầu của các bạn ta, và
tôi nhớ bài này hay được hoan nghênh khi được hát bởi một nhà tu xuất (cựu
thiếu tá PĐT, quận trưởng Buôn Hô).
Nhìn
lại những năm đầu của thập niên ’70 nhạc giúp thơ thăng hoa. Ngược lại nếu
không có thơ với phần ca từ mượt mà của nó, nhạc cũng khó đi vào lòng quần
chúng mà quanh quẩn cũng chỉ là những cung điệu boléro ngoại ô đèn vàng, đóm
mắt hỏa châu… Thơ Nguyễn Tất Nhiên được hâm mộ trong thời điểm này, nhưng vẫn
mờ nhạt khi bị cái bóng phủ dầy của người phổ nhạc thường lập lờ xuất xứ khi
phát hành chẳng chịu đề tên.
Nhưng
định mệnh có phần khắc nghiệt với Nguyễn Tất Nhiên, số phận như được dự báo
quanh cái tên thi phẩm đầu tay – Thiên Tai. Để có một chỗ đứng như một nhà thơ
có đẳng cấp, NTN chịu nhiều khổ ải, gian truân, kể cả những cuộc tình muốn yêu
mà chẳng được yêu, muốn quên mà chẳng thể quên, rồi đổ vỡ trong hôn nhân, bế
tắc trong cuộc sống, khủng hoảng trong tâm linh, dẫn đến cái chết tự chọn, dù
một lần vì D. mà: nếu vì em mà thiên tài chán sống/thì cũng vì em ta ngại bước
xa đời , để rồi sa vào những hệ lụy với chứng tích không tên, trở thành đề tài
tranh cãi liên hệ đến nhiều bên kể cả người thân, người bảo trợ và độc giả yêu
thơ.
Có
một dạo khoảng mười năm trở lại đây, người ta lại khơi dậy vài giai thoại về
cuộc sống riêng tư của nhà thơ, chẳng ăn nhằm gì đến văn học. Tôi một kẻ yêu
thơ Nguyện Tất Nhiên đã đóng góp một bài, “Xin hãy để nhà thơ xứ Bưởi ngủ yên”.
Dù ngày ấy chưa có duyên viết lách, nhưng bài viết được sự chú ý, rồi câu
chuyện tàn lụi theo thời gian.
Càng
về sau, Nguyễn Tất Nhiên được đánh giá, vinh danh nhiều hơn, thơ được tái bản,
ca khúc được yêu cầu, thơ mới được in ấn, nhiều bài do chính anh viết nhạc cho
thơ anh. Nhiều chuyên đề về NTN được thực hiện, mới nhất từ Quán Văn, một tạp
chí văn học uy tín, với bài vở đóng góp của nhiều tác giả đã thành danh trong
nước và hải ngoại. Trùng hợp, lại được xem vài phác thảo về chân dung NTN và
Thà như giọt mưa của Đinh Trưòng Chinh trên Blog PCH, gợi nhớ cho tôi cùng
nhiều bạn đọc cảm xúc khó quên về nhà thơ tài hoa này.
Định
viết về Duyên nhưng lại dài dòng về khuôn mặt thi nhân một thời chết mệt vì cô,
Thực hư thế nào chuyện đời ai biết, nhưng theo dòng thời gian, ‘cô gái Bắc kỳ’
ngày ấy không hề phủ nhận mối quan hệ học trò với nhà thơ, dù nàng đã có chồng
và có một cuộc sống rất hạnh phúc. Tôi nhớ có đọc đâu đó, Ngày xưa Bùi thị…có
lần viết cho người si mê mình, ‘trước sau chỉ là bạn, nếu có ý gì đó, thì tôi
không gặp nữa’, nhưng dù cho tình yêu một chiều, chàng trai vẫn chấp nhận,
‘Duyên của ta tình con gái Bắc/ bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng’’. Nay nhìn
lại, để qua yếu tố lãng mạn, dù mến mộ nhà thơ, tác giả đỏan văn này vẫn mừng
cho Duyên là không lấy được Nhiên. Ý tưởng ngộ ngĩnh này cũng khó lý giải, âu
cũng là định mệnh, định mệnh trong cuộc đời. định mệnh trong tình yêu, định
mệnh trong chiến tranh.
Tôi
đã đọc và trân trọng bài viết của Chủ Biên Nguyên Minh, Như một lời cám ơn rất
nồng ấm, trang trọng khi viết về một phần đời của người con gái đã để lại dấu
ấn và nguồn cảm hứng vô tận cho dòng thơ Nguyễn Tất Nhiên.
Trở
lại chủ điểm của bài viết, nếu Nguyên Minh biết và gặp được Duyên-Tùng qua Đinh
Cường, thì nhờ Đinh Cường mà tôi chú ý đến cặp đôi này qua Những đoạn ghi (dưới
hình thức Thơ) khi người họa sĩ trải lòng về mối quan hệ tình bạn giữa họ và
đặc biệt với Duyên, mà trước sau ông vẫn coi như một người em gái trong sinh
họat nghệ thuật và ngoài đời.
Từ
đó cứ lân la qua mấy Blog thân quen, đặc biệt qua Phạm Cao Hoàng, nơi mà Đ.C.
xử dụng như ‘hộp thư’ để nhờ phổ biến và lưu giữ thơ anh, tôi khám phá ra rằng
(có thể đã trễ), ‘người tình’ trong Thơ của NTN cũng là ‘người thơ’ trong cuộc
sống đời thường. Nhiều bài thơ sáng tác dưới tên DUYÊN, tuy chỉ là những vần thơ
tài tử và tác giả cũng chẳng hề xưng nhận nhà thơ, nhưng trong tôi – một người
yêu thơ – vẫn cảm nhận và đánh gía Duyên như người làm thơ rất có tiềm năng,
khiêm tốn, đôn hậu, giàu cảm xúc không thua gì so với một số nhà thơ nữ hải
ngoại mà tôi có dịp được đọc và thân quen.
Xin
viện dẫn vài bài khi ta nghe ký ức của Duyên qua cái chết của một thanh niên
trẻ trong thời chiến, anh cũng là bạn học tên Dũng người hàng xóm bên kia sông,
một ngày kia, có tôi
đáp chuyến đò, trưa
tìm đến ngôi nhà, không có số
vách trống, yên bình
khu vườn rộng, bao la
cha mẹ hiền
và một người em gái nhỏ
báo tin buồn
anh D. vừa tử trận, hôm qua
anh ra trường, mới đeo lon chuẩn úy
hỡi dòng sông
tự bao giờ
đã ngập tràn nước mắt.
anh đi rồi
sông buồn, giữ lại, bóng hình anh….
(viết
cho anh Dũng, tháng tư buồn CÓ MỘT DÒNG SÔNG)
Duyên
cũng rất trân trọng các con chữ, trong bài ‘xếp lại. xót xa, xưa’, cô cảm nhận
với niềm an nhiên sâu sắc khi đọc những vần thơ qua tác phẩm của một bạn văn,
con đường nào
đầy ắp ước mơ. xanh
chữ lăn mình…con chữ long lanh
lời hoan ca, niềm vui lạ
quên những chênh vênh.
gập ghềnh. sóng gió
con chữ mơ màng
ẩn. hiện. giấc mơ, tan
khi . an nhiên
uống ngụm nắng tàn
Như
tiết tấu một bài hát, thơ của Duyên phân đoạn, dàn ý, chấm phết có vẻ cầu kỳ,
khi đánh máy lại tôi cứ phải dò từng con chữ, nhưng đấy chính là thơ của Duyên.
Tuy có lúc giản đơn, nhưng hiểu cho cùng cũng không phải là dễ. Tôi khép lại
bài viết với cảm xúc khá ấn tượng về những bức chân dung bằng màu chì của
Duyên, khi phác thảo xuất thần các khuôn mặt bạn văn, bằng hữu cô có lòng yêu
quí. Như vậy cũng đủ cho người viết khi tình cờ ngẫu hứng muốn ‘Viết về Duyên’.
Đỗ Xuân Tê
(Quận Cam, mùa bưởi tháng 6, 2017)
No comments:
Post a Comment