Vàng Lá Thu Phai
Mượn một số địa
danh thật, bối cảnh, nhân vật và tình tiết tự dựng bằng tưởng tượng.
Để nhớ ngoại,
mẹ và người bạn của tôi
Trời bây giờ quá giữa
thu, lưng lửng, nắng từng vạt lẻ loi chùng xuống bên kia sông, mười mấy ngày rồi
hai nấm mộ đất vẫn chưa ráo màu bùn, lưa thưa đâu đó xung quanh còn chút mùi ủ
sương đêm, vài ba cụm hoa Mười Giờ hối hả xếp cánh tàn, mấy nén nhang đốt từ
sáng trước mộ bia còn thơm mùi xi măng, thoi thóp tắt, Triệu cứ hết đứng lên rồi
ngồi xuống, không biết làm gì hơn, khóc thì không khóc nhưng không cầm được nước
mắt, một lần nữa, Triệu đứng lên, đọc đi đọc lại tên Diệu khắc trên bia, thẩn
thờ u uất nhìn lên cao, trời đã bắt đầu ngã màu nắng xế, thở dài, hai vợ chồng
người quen trong xóm tay mang đục, tay mang lưới ra vàm lớn giăng câu từ sớm về
ngang, dừng lại bên lề con đường đất mòn chạy ngoằn ngoèo quanh khu gò mả, nhìn
vào chào, rồi quày quả bỏ đi, đi xa rồi, Triệu lặng thinh.
*
Cù lao Vàm có chừng
trên dưới bốn năm chục căn nhà tranh, nằm cách bên kia chợ xã con sông nhỏ là một
phần thuộc ấp Tây của xã Phước Trạch, sông không rộng lắm nhưng chưa có cầu bắt
ngang cho nên người bên cù lao phải dùng đò đưa đi đón về, con đò ngang cũ kỹ, duy
nhất của thiếm hai Lành, qua chợ xã hay đón xe xuống Gò Dầu hoặc xa hơn nữa. Nhà
thiếm hai, mẹ của Diệu, nằm cách nhà Triệu khoảnh sân nhỏ và cái mương hẹp một
sãi tay, lưa thưa mấy cây trâm Bầu, lá xanh lá vàng theo bốn mùa xuân đông thu
hạ, sát bờ quanh góc con sông, ngó thẳng qua bên kia xóm ấp, đường lên chợ xã, có
cây cầu gỗ lấp xấp nước lớn nước ròng, chân thấp chân cao, nơi chiếc xuống ba
lá của thiếm cột lững trước nhà và là chỗ người lên xuống.
Nhà bên hai mẹ con
thiếm hai Lành nghèo, áo rách áo lành bao nhiêu thì bên nhà hai bà cháu Triệu
cũng quần vá quần chầm bấy nhiêu. Diệu không có ba cũng như Triệu chỉ có bà ngoại,
ba Diệu mất khi đi làm ăn phương xa ngày con bé chưa kịp thôi nôi, thiếm hai ở
vậy nuôi con từ đó, ba mẹ Triệu chết đuối vì chiếc xuồng đi câu đêm bị chìm do
cơn nước trôn xoáy vòng ác nghiệt, khúc ngoài vàm ra sông lớn trong một tối trời
gầm gừ nổi mưa giông bất chợt, xác bị nước lũ cuốn trôi đi xa, không tìm được,
ngày thằng Triệu mới lên hai. Bên kia thì thiếm hai bên này thì ngoại, cứ như vậy
mà nuôi con nuôi cháu, bữa cháo bữa cơm, tối lửa tắt đèn qua lại có nhau.
Dân xóm cù lao Vàm,
đếm tới đếm lui, chừng hơn trăm người nhỏ lớn, vòng lên vòng xuống có chừng đó,
nên cũng quen cũng biết nhau, không chị không anh thì chú bác dì cô, thằng nhỏ
này con nhỏ kia, nhà nào cũng nghèo chỉ khác là nghèo ít nghèo nhiều vậy thôi. Ở
đây, không có ruộng, phần lớn trồng rau trồng cải, trồng chuối trồng đu đủ,
nuôi gà nuôi vịt, còn lại, trong đó có ngoại Triệu, thiếm hai mẹ Diệu, cắm câu,
giăng lưới, kiếm được bao nhiêu, rỗ rau, cặp gà cặp vịt, thì đem qua bán bên chợ
xã, riêng mẹ Diệu, vì vốn một chân bị chút khập khễnh, đi đứng không mau lẹ nên
làm thêm nghề đưa đò, nhờ cái xuồng ba lá cũ mà hai vợ chồng thiếm có trước
đây, trong xóm cũng có một số người có xuồng nhưng hình như cùng cảnh nghèo như
nhau, nhất là thương mẹ góa con côi nên không ai xen vào, họ chỉ dùng của mình
cho việc giăng câu thả lưới ngoài vàm lớn ngoài sông, đi chợ, bán buôn thứ này
thứ nọ bên chợ đều đi đò.
*
Ngày nào cũng vậy,
trừ mùa bải trường, sáng sớm thiếm hai chèo chuyến đầu, đưa bà con trong xóm,
đôi khi có cả ngoại Triệu, mang rau cá, gà vịt qua chợ xã bán trước, rồi quày
trở lại, lúc đó mặt trời đã rựng hé sáng trên sông, đám con nít chừng mười mấy
đứa, trai gái, có Diệu, Triệu tụ năm tụ ba ngay cây cầu, tay cặp tay sách chờ
đò, một lần nữa thiếm đưa bọn nhỏ qua sông đến trường làng trong tiếng cười tiếng
ca “trời hồng hồng sáng trong trong...”
rộn rã. Mỗi khi chợ tan, hay chiều tan trường, nghe tiếng gọi từ bờ bên kia, một
ngày như mọi bữa thiếm hai lại chèo đò đi đón họ về, thỉnh thoảng có bà con ai
đó bên chợ qua thăm, như quen rồi, họ cũng đứng bên này gọi, đò qua đón rồi đưa
về khi xong việc.
Ngày tháng cứ vậy
qua, cũng như tuổi cứ vậy mà lớn, những sáng theo đò qua sông, tay nắm tay níu
nói cười đến trường, chia nhau miếng khoai miếng bắp, những chiều ngồi chăm chú
tập cho nhau đọc vần viết chữ trước mái hiên lụp sụp hông nhà khi trời còn nắng
muộn, con cá lìm lìm kho quẹt cắn làm hai, chén cơm lưng sớt qua bằng cho được,
vắng một chút thì cũng hỏi cũng kiếm, bên này phụ ngoại bó rau bên kia phụ mẹ cất
dầm chèo xếp lưới, hai người quấn quit nói cười Diệu này Triệu nọ. Những năm
tháng tiểu học trường làng, gói trọn kỷ niệm của tuổi thơ, kỷ niệm của buồn
vui, nhớ nhung bất chợt, vô cớ, buồn theo từng hạt mưa dầm mù sương ngoài sông
mùa mưa lũ, buồn theo tiếng chim lẻ bạn gọi nhau trên sân chiều buông nắng, buồn
xếp lá trâm Bầu rụng mỗi khi trời thu vàng, nằm bên nhau nhìn cành khẳng khiu
trơ trụi mà thương cho đời của lá. Rồi vui, mỗi khi theo mẹ theo bà ra bờ vàm gở
cắm câu, giành nhau bắt đám cá đám cua bỏ vào cho đầy đục đầy giỏ, vui khi thấy
bông rộ nở vàng lưa thưa, lác đác trên cành mấy gốc mai già nghèo nàn, đơn lẻ dọc
theo các con đường đất mòn quanh xóm, tay nắm tay, áo mới của mình nhưng cũ của
người, theo mẹ theo ngoại chèo đò qua chợ xã, xúm xích theo dân làng xem múa
lân pháo nổ, vào sân đình, sau lưng mẹ, lưng bà chấp tay cầu nguyện, mùng một tết.
Như vậy đó, hai người mến nhau thương nhau tự hồi nào không hay không biết, cái
mến cái thương của mùi bùn chân đất, của trái trâm Bầu ngọt lịm đầu mùa, của
dòng sông có con đò nghèo đưa người qua sông đi về ngày hai buổi.
*
Năm đệ thất trường quận, ngày đầu vào học, ngồi
đò mẹ qua sông, hai người bên nhau, thiếu mất tiếng cười mọi khi, buồn ra mặt,
tay cầm chèo thiếm Hai thấy cũng buồn theo. Ra tới ngã ba, chờ Triệu lên xe
lam, trống giục vào lớp mấy hồi, xe chạy đi rồi Diệu mới lủi thủi quay lại trường,
tới cổng tay vẫn còn quẹt nước mắt. Chiều về, từ ngày đó, ngày nào cũng vậy,
tan trường Diệu ôm cặp đứng ngay gốc cây Bả Đậu, bến xe lam, chờ Triệu, tay bắt
tay mừng, nói cười bên nhau, thiếm hai từ bên bờ, sau chuyến đưa người đi chợ
và đám nhỏ trường làng về trước đó, một lần nữa chèo đò sang đón, mái dầm trong
tay thiếm nhịp nhàng vui. Gần cuối năm học, ngấp nghé bải trường, chiều về, cơm
nước xong, Diệu tập chèo xuồng, tới lui cặp sát bờ bên nhà với mẹ, bà cháu Triệu
đứng trên cầu gỗ nhìn theo, thấy mà thương, rồi những ngày sau đó, chiều nào
cũng vậy, tan trường về nhà, lo phụ mẹ dọn dẹp cái rổ cái đục, nhưng cứ để mái
dầm dựng trước liếp cửa, mắt cứ nhìn qua phía bờ bên kia ấp chợ, chờ thấy Triệu
là không hỏi không han, xuống đò chèo nhanh qua đón.
Hai năm sau, nhờ trời
thương Diệu cũng vào đệ thất trường quận, hết rồi chờ hết rồi đợi, sáng sớm đi
chiều muộn về, chiếc xe lam của chú tư Bình từ đó có thêm con nhỏ khách quen,
con đò ngang của thiếm hai Lành thôi phải ngóng phải trông qua sông thêm chuyến
nữa. Hè về mùa bải trường mấy năm sau, Diệu thường thay mẹ chèo đò đưa người đi
về, chuyến nào cũng có Triệu theo, ngồi trước mũi xuồng, thả hồn nhìn tóc Diệu lùa
gió sông quê bay, mặc tình mà thương mà tưởng. Cả hai giờ đã ở tuổi biết buồn,
buồn để mà thương cho phận đời nghèo khó, có sợi dây tình cảm vô hình nào đó đã
cột chặt kiếp người của nhà hai bên, tự nó tới và đã tới từ lâu, tiếng mẹ tiếng
ngoại xem ra như người của một nhà. Cả hai biết mình đã thương rồi đó nhưng
chưa ai nói ra, dân trong cù lao Vàm cũng nhận ra, đầu trên xóm dưới, vui lây, ai
hỏi tới nếu nói “chị Diệu con Diệu đò
ngang” thì cũng ráng kèm theo “anh
Triệu thằng Triệu”.
*
Đậu tú tài Một, nhà
nghèo, ngoại cũng già yếu rồi, chắc gì chờ nỗi xa hơn, Triệu thi vào trường Quốc
Gia Sư Phạm, mau có việc làm, là “ông thầy
giáo làng” cũng đủ, không dám mơ ước cao xa gì hơn, và hy vọng ra trường sẽ
được về quê nhà, về quê nhà cũng có nghĩa là anh và Diệu sẽ sống một đời bên
nhau. Phần Diệu, nghèo vẫn nghèo, thiếm hai Lành, sức khỏe mẹ cũng ngày càng yếu,
đở hơn ngoại Triệu đôi chút thôi, con đò ngang đưa người qua sông, giờ người ta
thấy Diệu chèo thường hơn và cũng không thấy thiếm hai Lành ra sông cắm câu, thả
lưới mọi ngày nhiều như trước.
Triệu xuống Sài
Gòn, Diệu tiếp tục học lên đệ tam trường quận, cũng vậy, ngày nghỉ, ngày hè,
sách vở một bên, cũng chèo đò ngang, chạy qua chạy lại, bên mẹ bên ngoại Triệu,
đốt đèn, châm nước, miếng cháo miếng cơm, cô bác ở vàm thấy thương thấy tội
nghiệp, thăm hỏi, Diệu cười trừ. Phần ở dưới Sài Gòn, Triệu vào học không lâu,
tình cờ làm quen với một anh công nhân cùng ngồi ăn chung bàn ở tiệm cơm chay
đường Hàm Nghi, chợ Cũ chỉ cho, anh xin được việc làm giữ sổ sách nhà kho, ca
chiều hai ba ngày một tuần tại hảng giày BATA ở khu Lý Thái Tổ Petrus Ký, nhờ
ăn xài tằng tiện nên có thêm chút dư, mỗi lần về thăm nhà, luôn mang theo về
chút ít tiền, một phần cho Diệu, hai phần cho ngoại.
Làng mạc quận xã đâu
đó dân bắt đầu nghe tiếng súng lạ, khi ít khi nhiều, nổ ban đầu xa xa rồi lần lần
ngày càng gần xóm ấp hơn, xã ấp có thêm mấy anh lớn đi lính nghĩa quân và thấy
họ mang súng đi lên đi xuống quanh chợ quanh làng mỗi khi chiều chạng vạng tối,
có bữa súng nổ vang trời trên chợ, tiếng người la hét, tiếng chân chạy rầm rập
ra tới bờ sông bên kia ấp trên, hỏi ra thì họ đánh nhau với quân du kích Việt Cộng
ở miệt mật khu Bời Lời kéo qua, chiến tranh bắt đầu lớn dần và lan rộng khắp
nơi từ những ngày tháng đó, và cũng từ đó Triệu không về nhà thường như trước.
*
Tháng tám, năm Diệu
học lớp đệ nhị, một đêm mưa dầm lê thê mịt mù, giông gió cuồn cuộn sóng trên
sông, quân du kích từ mật khu Bời Lời dùng xuồng ghe, len giữa những mảng lục
bình cao lớn dầy đặc, kéo qua sông tấn công cái đồn lính nghĩa quân, bao cát,
rào kẽm, hào sâu, xây lên ngay dốc bờ phía cuối ấp Tây, ngó qua bên kia cù lao
Vàm, ngay chỗ đầu con đường lộ mà người bên đó qua đi chợ xã, vài tháng trước
đây. Cả một khúc sông lớn, súng đạn vang trời, bốn phương tám hướng, tiếng hò
tiếng hét nghe lanh lảnh rợn người, từ ngoài quốc lộ có tiếng xe nhà binh GMC
chạy xuống hướng sông, giờ có thêm tiếng súng cối bắn từ trong đồn ra, nổ tung
tóe trên mặt nước, cứ như vậy hơn cả tiếng đồng hồ, quân du kích bị thương khá
nhiều, một số xuồng của họ trúng đạn súng cối bể chìm, nhóm ba bốn người chèo một
trong hai ba cái còn lại ngược qua bờ bên cùa lao, lăm lăm súng trên tay, ép mẹ
con Diệu và gần hết những người có xuồng khác trong xóm, lấy xuồng chèo ra, chở
đám du kích bị thương theo, họ bắn trả để rút đi ra sông lớn, quân tiếp viện
trên quận từ mấy chiếc xe GMC lúc nảy, tiếp tục bắn rát hơn,
Không may, hai ba chiếc xuồng của người dân
cù lao, trong đó có chiếc của hai mẹ con Diệu bị trúng đạn súng cối, nổ tung,
xuồng bể ba bốn khúc, cả hai mẹ con chết, cùng vài ba người trên xuồng, hai ba
người dân khác bị thương khá nặng, xác mẹ con Diệu vướng vào mảng lục bình già
chòng chành trôi tấp vào bờ cù lao, một khoảng không xa cây cầu gỗ trước nhà họ,
đám quân du kích vớt xốc người bị thương lên mấy chiếc xuống khác, tay chèo tay
bơi, cố rút chạy lẹ ra sông lớn. Súng ngưng bặt, lính nghĩa quân kéo ra ngoài
khỏi đồn, ba bốn anh, bỏ súng lội qua phụ mấy người đàn ông bên cù lao đang
khiêng xác hai mẹ con Diệu về đặt trước sân nhà, đi vòng quanh hỏi thăm người
này người kia, một lát sau, chiếc ghe máy đuôi tôm lớn của ai đó trên xã đến,
chở mấy người bị thương lên bệnh xá xã, chiếc ghe chạy đi rồi, trời cũng vừa rựng
sáng, ngoại đứng nhìn xác hai mẹ con, thẩn thờ, khóc.
Đám tang hai mẹ con
Diệu, như hiểu nổi tình cảnh, mấy chú bác lo chôn cất nán để trễ lâu hơn chút
vì muốn chờ, cuối cùng Triệu đón chuyến xe đò sớm nhất cũng kịp về Phước Trạch
với tâm hồn trĩu nặng đau đớn, buồn xé nát lòng, ở lại nhà, nhìn theo Triệu tay
vịn quan tài, chập choạng, ngoại rơi nước mắt già, trên đường đưa hai mẹ con đi
chôn ngoài gò mả, anh cũng rơi nước mắt như ngoại. Chú bác phụ chôn cất bỏ đi
lâu rồi, mấy nén nhang thơm cũng đã tắt, trời trở nắng xế chiều, vàng nhạt một
màu, Triệu vẫn ngồi đó, tay mân mê cây cọc thấp, cột miếng vải đen, làm dấu mộ
Diệu nghẹn ngào rươm rướm, nước mắt tuôn dài thấm môi mặn đắng.
Buổi chiều, hai bà
cháu đứng trước sân, bên kia nhà Diệu vắng tanh, lá trâm Bầu giữa thu xơ xác trải
vàng úa ngập bờ mương, nơi nhiều buổi chiều như vậy Triệu nằm bên Diệu nhìn trời
cao, thương cho đời lá, Triệu thẩn thờ chết lặng, chừng như nửa hồn mình đã chết,
ngoại nhìn cháu mà lòng già quặn thắt đau.
*
Hai vợ chồng người
quen bỏ đi, đi xa rồi, Triệu lặng thinh, cố nén lòng không khóc, ngồi xuống kéo
cái túi xách vải đầy ắp lá trâm Bầu úa màu vàng thu, đem theo từ sáng, rải phủ
lên trên phần mộ Diệu, cũng trải dài như những ngày “lót lá mình nằm” còn Diệu, rấm rức “chuyện cố chọn cho được nhiệm sở về tỉnh nhà từ ngày vô học Sư Phạm giờ
đã trở thành vô nghĩa”, chiều xuống chậm rồi thật thấp, nắng tàn theo, có
tiếng súng đâu đó ở một phía trời xa, cúi xuống hôn lên nấm mộ thêm lần nữa rồi
ngày mai anh trở xuống trường, lần đi này và những lần sau sẽ không còn ai đưa tiễn,
Triệu bật khóc thành tiếng.
Thuyên Huy
Xứ Úc trời tháng
Sáu – 2020
No comments:
Post a Comment