Friday, January 7, 2022

Bà Ngoại Tôi - Thiền Nhân

 

Bà Ngoại Tôi



 

    Tôi ra đời tại một làng quê thuộc huyện Yên Định tỉnh Thanh Hoá. Tôi chẳng còn có một ý niệm nào về nơi sinh quán. Khi tôi được ba tuổi, tôi biết mình đang ở nhà bà ngoại. Đó là một ngôi nhà rộng lớn, tường dày bằng gạch trên nền nhà cao hơn một thước Tây, đúc bằng bê- tông. . Một tầng cấp với sáu bậc thềm nối liền nhà với sân trước lát gạch tàu. Nhà được xây cất ở giữa một ngôi vườn rộng một mẩu Tây ( hơn 2 acres = 1 hecta re= 10 ngàn square meters). Địa thế nhà rất tốt. Mặt trước nhìn thẳng vào sông Hương và mặt sau dựa lưng vào dãy núi Trường Sơn. Bốn bức tường gạch bao chung quanh ngôi vườn. Cơ ngơi này có hai cổng ra vào. Cổng sau là một cổng tam quan hướng ra đường cái rải nhựa, có ba cửa, một cửa giữa với hai cửa bên hông trái và phải. Cổng trướcxây bằng đá tảng, nối liền với một tầng cấp mười hai bậc chạy dài xuống mé sông. Đây cũng là nơi ghé bến của những chiếc đò dọc và xuồng thể thao perissoires. Bên kia sông là Cồn Dã Viên. Một vị bô lão trong làng cho biết trước đây chỉ có vài ngôi nhà nhỏ của đân chài sống bằng nghề đánh cá trên sông Hương và trồng ngủ cốc trên đất cồn. Triều đình Huế buộc dân chài dời nhà đến nơi khác để lấy đất làm nơi tập võ nghệ và cởi ngựa bắn cung cho Thái tử Hồng Nhậm, (sau này lên ngôi vua lấy tên hiệu là Tự Đức), và đặt tên Cồn Dã Viên. Trong khi đang cởi ngựa dọc theo bờ sông, bỗng thái tử dừng ngựa lại và trầm ngâm đứng ngắm dòng sông lấp lánh ánh mặt trời. Đoạn thái tử quay lại hỏi một vị cận thần:

“Trước đây có dân sinh sống trên cồn này không ?”

“Tâu thái tử thưa có. Dân vạn đò sống nay đây mai đó trên sông nước. Họ ngụ cư trên bìa cồn và sống bằng nghề đánh cá trên sông Hương và trồng trọt ngủ cốc. Họ không phải là dân làng. Họ chỉ tạm trú và dời đi nơi khác khi có lệnh của Hội đồng làng và vị tiên chỉ.

Đất cồn là công thổ của làng, thuộc quyền sở hữu của toàn dân làng. Họ đã tuân lệnh dời đi nơi khác.”

“Họ dời đi chỗ mô ? Họ sính sống ra răng ? Mần nghề chi ? Chừ họ có con cháu chi không?”

Đoạn thái tử ra lệnh cho cận thần tìm con cháu của những người dân chài để đưa về cư ngụ lại trên cồn Dã Viên. Nhờ vậy, con cháu của dân vạn đò được định cư trên cồn này.

Sống trong khung cảnh “kín cổng cao tường,” tụi trẻ nít con cô con cậu chúng tôi chỉ biết cùng nhau nô đùa chơi ù - mọi, đánh thẻ, nhảy cò - cò, nhảy dây v.v... trên sân gạch trước nhà vào những ngày nắng ráo.

Vào mùa hè, sân này thuận lợi cho việc phơi khô nhiều thứ trái cây ngon như xoài, mít, thơm. Khi vụ mùa đến, Bà ngoại tôi thuê những người nông dân nhàn rỗi sau khi làm xong công việc đồng áng, hái trái cây, gọt vỏ, cắt thành lát, sắp từng lát lên những cái nia to lớn đan bằng tre; đoạn đem ra phơi nắng ở ngoài sân. Sáng phơi chiều dọn vô nhà, xếp thứ tự, nia nọ chồng lên nia kia thành từng chồng cao trong nhà kho. Bà ngoại tôi cho mời nhiều bạn hàng quen thuộc buôn bán ở chợ Đông Ba đến nhà đánh giá chất lượng của sản phẩm. Sau khi thấy được giá, họ thường góp chung tiền để mua sĩ toàn bộ lô hàng. Sinh kế của bà Ngoại tôi cũng dựa vào số lợi tức thu được qua việc bán nhiều loại trái cây tươi như măng cụt, dừa, vú sữa, me chín, thanh trà, chuối, cau tươi và trầu tươi. Doanh lợi thu hoạch từ vườn cây cọng với tiền hưu của ông ngoại để lại, bà ngoại tôi sống thư thả và có phương tiện nuôi con ăn học. Để có mùa vụ tốt trong năm, bà Ngoại thuê vài người làm công chăm sóc các loại cây ăn trái như tỉa cành, bón phân, làm cỏ và tưới nước vào mùa khô. Tôi cảm thấy thú vị khi xem người làm vườn trèo lên những thân dừa cao và to lớn. Trước tiên người trèo cột vào thân mình một cuộn dây dừa. Kế tiếp anh ta đánh một cái nài bằng dây thừng to bản để cài vào đôi bàn chân. Công dụng của cái nài là giữ đôi chân áp sát vào thân cây giúp sức đẩy người lên trong khi hai tay ôm vòng quanh thân dừa, lần lượt tay phải tay trái chuyền lên cao cho đến khi tay vói tới bẹ dừa to bản. Anh ta dùng sức mạnh của đôi tay đu người lên cao để ngồi trên bẹ. Nhìn cảnh trèo dừa tôi cảm thấy vừa hồi hộp lo âu vừa thán phục sức lực dẽo dai và lòng gan dạ của người trèo. Đặc biệt là những người chăm sóc cây cối trong vườn không phải chỉ một ngôi vườn mà họ thầu săn sóc vườn cho cả một xóm. Làm xong vườn nhà này rồi qua vườn nhà khác, cứ luân phiên như thế nên họ có việc làm quanh năm.

Sau khi ông ngoại tôi qua đời vào khoảng năm 1915, bà quán xuyến việc nhà từ lúc con cái đang còn thơ dại cho đến lúc trưởng thành. Bà từ bỏ tĩnh Thanh Hoá, nơi ông ngoại tôi đảm nhiệm chức vụ Tổng Đốc. Bà đưa người con trai út vừa được một tuổi cùng với mẹ tôi và bốn người con trai về sống và học hành tại Huế. Mẹ tôi theo học trường Đồng Khánh đến lớp Nhì thì bà ngoại bắt ở nhà. Ba dạy dỗ con cái theo gia phong lưu truyền từ đời trước sang cho đời sau. Bà thường xuyên nhắc nhở con cái tuân theo lời khuyên bảo của cha mẹ, ông bà tổ tiên về hạnh phúc và đời sống êm đềm trong khuôn khổ đại gia đình. Bà cảm nhận sung sướng khi thấy ba thế hệ con cháu sống chung dưới một mái nhà “tam đại đồng đường.” Bà thường nhắc nhở con cháu giữ gìn thanh danh của dòng họ và gia đình, sống hài hoà với mọi người cũng như giúp đở người hoạn nạn, bà con họ hàng gặp hoàn cảnh túng thiếu hay đau ốm ngặt nghèo. Bà nói con gái không nên học nhiều, chỉ cần biết đọc biết viết và làm toán cộng trừ nhân chia là đủ rồi. Học nhiều chỉ lo viết thư cho trai, không giữ đúng phong cách con nhà hoàng phái. Bà khuyên mẹ tôi nên học theo bà về cách dạy dỗ con cái và nữ công gia chánh. Con gái nên học nấu ăn, thêu thùa và may vá cho thật giỏi để sau này phục vụ chồng con khi lập gia đình. Chuyện hôn nhân của mẹ tôi không bắt nguồn từ tình yêu mà lại do bà định đoạt. Mẹ tôi phải vâng lời chấp nhận lấy người chồng do bà chọn lựa khi vừa đến tuổi trăng tròn.

Bà Ngoại khắc khe với con gái trong việc học hành nhưng lại mong muốn con trai học thật cao và đỗ đạt để “vinh quy bái tổ.” Lần lượt bà cho từng đứa con trai theo học trường Pháp từ bậc tiểu học cho đến khi đậu Tú Tài. Người con trai trưởng tên là Viên, anh của mẹ tôi làm việc tại Toà Khâm Sứ ở Huế. Tôi nghe bà ngoại nói Cậu Viên là một tay bơi lội giỏi, từng đoạt giải vô địch bơi lội Việt Nam. Tuy nhiên không may đến với cậu, trong một lần thi bơi trên sông Hương, cậu chết đuối vì bị vọp bẻ. Hai người con trai kế tiếp, em của mẹ tôi đang làm giáo học ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Cậu

Bật và cậu Văn thường đem vợ con về Huế thăm Bà Nội và mẹ tôi vào dịp Tết Nguyên Đán và thời gian đi công tác tại Huế. Nhờ vậy Bà biết thêm tin tức về cậu Tùng và tình hình chính trị trong nước. Mỗi lần về thăm nhà, cậu Bật và cậu Văn đều cho Bà Ngoại tiền để phụ giúp tài chánh cho cậu Tùng trong lúc còn theo học y khoa ở Hà Nội. Cậu Út học rất giỏi nên sau bảy năm miệt mài học hành tại Đại Học Y Khoa và thực tập tại nhiều nhà thương ở Hà Nội, cậu trở thành một bác sĩ nổi tiếng về giải phẩu. Bà ngoại lúc nào cũng mong gặp mặt cậu Út cho thỏa lòng thương nhớ. Bà vui mừng khi thấy cậu Út về thăm nhà vào dịp hè. Nhưng cậu Út chỉ về với bà vài hôm rồi lại ra đi. Bà và mẹ tôi đều cảm thấy thái độ lạnh lùng của cậu Út khi trả lời những câu hỏi về chuyện lập gia đình hay thuốc men trị bệnh. Cậu chỉ cười nhạt, lửng lơ đáp: “ Đau đầu thì ra ngoài sân nhổ cỏ hay ra vườn cuốc đất cho đổ mồ hôi thì sẽ hết đau ngay. Nằm trong nhà hoài thì đau. Phải lao động, làm việc và làm việc nhiều cho khỏe người.” Khi bà ngoại ngỏ ý giới thiệu vài cô gái xinh đẹp và nền nếp con dòng cháu giống để cậu chọn người làm vợ, cậu lắc đầu nói: “Con còn nhiều việc cần làm, chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Không có thì giờ để lấy vợ sinh con.” Thế rồi cậu Út lại ra đi để lại trong lòng bà Ngoại biết bao thương nhớ. Những lúc đau lòng khi nghĩ đến cậu Út, bà ngoại chỉ còn biết giải tỏa nổi lòng ấm ức bằng cách chuyện trò với người con gái duy nhất. Trong thời gian này, chồng nàng vừa qua đời. Nàng đem con về ở với mẹ. Nàng trở thành goá phụ khi vừa hai mươi sáu tuổi. Điệu

buồn phủ lên khuôn mặt trẻ lại càng làm vẽ duyên dáng tăng lên. Trong nhà lúc bấy giờ chỉ có hai bà quả phụ và tình mẩu tử nên rất thân thiết với nhau để bày tỏ nổi lòng. Bà ngoại tâm sự: “ Nay mẹ đã già rồi, bảy mươi tuổi nên cũng chẳng còn bao lâu nửa. Từ ngyày cha con qua đời, mẹ làm hai việc chính yếu là nuôi con trai học hành thành tài và con gái yên bề gia thất. Con gái thì theo chồng, lo gánh vác giang sơn nhà chồng. Con còn trẻ, mẹ nghĩ thế nào con cũng đi bước nửa và sẽ theo chồng. Mẹ con lại xa nhau tuy mẹ rất mừng khi con tái giá. Lần này, mẹ để con tự do chọn lựa. Mẹ nghĩ đến thằng Tùng. Bây giờ nó đã ba mươi tuổi và có nghề nghiệp mà nó chưa chịu lấy vợ. Trước đây mẹ nghĩ khi nó ra trường thuốc, nó sẽ về Huế làm việc tại nhà thương lớn hoặc mở phòng mạch. Nó sẽ sống trong nhà này với mẹ. Mẹ sẽ không bị cô đơn. Nó biết thuốc men và chửa trị bệnh tật nên mẹ sẽ an tâm sống trong tuổi già. Mẹ chú tâm nhiều hơn vào việc kinh kệ và gặp các vị cao tăng để nghe giảng Phật pháp. Lần về thăm mẹ vừa qua, mẹ gợi ý nhắc nó lấy vợ, nhưng nó lơ là. Nó nói với mạ, “ con còn nhiều việc quan trọng hơn cần làm. “ Thế rồi nó lại vội vã ra đi. Mạ buồn lắm. Không biết nó bận chuyện chi? Nó có nói chi với con không ? Mẹ thấy cũng lâu rồi mà Bậc và Văn chưa thấy về thăm. Nghĩ đến mấy đứa con trai, mỗi đứa một nơi, tự nhiên mẹ đâm ra lo lắng. Mẹ nghe nói tình hình đang thay đổi, Nhật hất cẳng Pháp và cho Việt Nam độc lập. Không biết thực hư như thế nào? Hay con viết thư hỏi Bậc và Văn ? Dạo này, mẹ nghe nhiều tin đồn không thuận lợi về tình hình đất nước. Rồi thỉnh thoảng lại nghe còi nhà đèn hụ báo động máy bay Mỹ đến thả bom.

Hình như đang có thay đổi lớn, hết Tây rồi đến Nhật cai trị nước mình. Cơm thua gạo kém, dân tình đói khổ, mẹ cũng nghe nói nạn đói đang xảy ra tại vùng thôn quê miền Trung và miền Bắc. Người Nhật không cho thương lái chở gạo từ trong Nam ra ngoài này. Thật là khổ đến nơi rồi !”

Mẹ tôi vâng lời viết thư cho cả hai em. Chỉ khoảng vài tuần sau, hai cậu hồi đáp. Nhờ vậy mẹ tôi biết được cậu Tùng, cậu Bậc và cậu Văn gặp nhau nhiều lần tại Hà Nội và Thanh Hoá. Sau mỗi lần chuyện trò, sự xung khắc về tư tưởng lại càng sâu đậm hơn trong lòng mỗi người. Lúc bấy giờ, thế giới chiến tranh lần thứ hai đang hồi khốc liệt trên chiến trường Đông Nam Á. Quân đội Mỹ đã đổ bộ lên nước Philippines và giải phóng nước này thoát khỏi ách đô hộ của Nhật Bản. Về phía Châu Âu, liên quân Anh Mỹ phá vở phòng tuyến Normandy và đang hổ trợ lực lượng kháng chiến của tướng De Gaule tiến về Paris giải phóng nước Pháp, buộc quân của Hitler phải tháo chạy về Đức. Trước tình hình chiến sự bất lợi này, Nhật e ngại tướng Mac Arthur đem quân đánh chiếm Việt Nam để làm chủ biển Nam Hải. Như vậy con đường hàng hải tiếp vận nhiên liệu và chiến cụ cho Nhật Bản sẽ bị cắt đứt. Vì vậy Nhật đảo chánh, hất cẳng Pháp ra khỏi Đông dương và trao trả quyền chủ thể chính trị trên toàn cỏi đất nước Việt Nam cho Vua Bảo Đại. Dưới sự lãnh đạo của Nhà Vua, Việt Nam tuyên bố độc lập, bãi bỏ tất cả hiệp ước ký kết với Pháp và xúc tiến thành lập Tân Nội Các dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Trần Trọng Kim.

Tình hình chính trị trong nước thay đổi đột ngột tác động mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh dành độc lập cho nước nhà. Thanh niên nam nữ ngấm ngầm liên kết với nhau thành từng nhóm. Tuy cùng chung mục đích dành độc lập cho Việt Nam, nhưng các nhóm lại khác nhau về chủ nghĩa và đường lối đấu tranh. Thành phần theo chủ nghĩa Cộng Sản xây dựng thế lực chính trị trên cơ sở phân chia giai cấp trong xã hội. Giai cấp Bần Cố Nông bao gồm những người nông dân vô sản nghèo khổ, không có tài sản, suốt đời phải “ cày thuê cuốc mướn hay làm phu đồn điền, làm thợ khai thác mỏ, làm tôi tớ để kiếm ăn. Họ làm việc lam lủ mà không đủ sống. Những người được xếp vào thành phần “Bần Cố Nông” phải trải qua ba đời không có tài sản đất đai hay của cải, không được học hành hay không biết chữ. Họ bị liệt vào hạng cùng đinh trong xã hội, chịu sưu cao thuế nặng và sự áp bức của giới cầm quyền phong kiến, bọn phú nông ở thôn quê, bọn thương nhân trọc phú và bọn trưởng giả giàu sang ở thành thị. Lợi dụng tình trạng dân chúng nghèo đối ở thành thị và nông thôn, đảng Cọng Sản đưa ra đường lối mới để phân chia giai cấp. Xã hội Việt Nam không còn đặt trên nền tảng Sĩ - Nông - Công - Thương. Theo sự tuyên truyền của cán bộ Cộng Sản, hình thức mới của xã hội Việt Nam bao gồm bốn giai cấp: Bần cố nông, Cố nông, Tư sản và tiểu tư sản, Địa chủ và đại địa chủ.

Cố nông bao gồm thành phần nông dân nghèo “mạt rệp chỉ một đời.” Họ không có ruộng đất, nhà cửa. Họ sinh sống bằng cách làm công, làm mướn hay cấy rẻ. Thợ thuyền ở thành thị cũng được liệt vào thành phần cố nông. Bần cố nông là những cố nông đã trải qua ba đời nghèo khổ: đời ông, đời cha, đời con.

Nồng cốt nhân lực của Đảng Cộng Sản là Bần Cố Nông. và Cố nông. Họ thuộc thành phần Vô Sản. Đảng Cộng Sản nêu lên nhiều khẩu hiệu để thu hút quần chúng : VÔ SẢN CƯỚP CHÍNH QUYỀN, VÔ SẢN NẮM CHÍNH QUYỀN, ĐẢ ĐẢO ThỰC DÂN PHÁP và TAY SAi, ĐẢ ĐẢO PHONG KiẾNv.v...Họ phổ biến bài hát Quốc Tế Ca những câu hát hấp dẫn dân nghèo tham gia cuộc Cách Mạng lật đổ chế độ Thực Dân Phong Kiến đang áp bức và bóc lột dân Việt Nam: “ ... Vùng lên ! Hởi các nô lệ ở thế gian. Vùng lên! Hởi những ai cực khổ bần hàn. Sục sôi nhiệt huyết trong tim đầy chứa rồi. Quyết phen nầy sống chết mà thôi ! Chế độ xưa ta mau phá, đập tan tành ! Đoàn nô lệ vùng đứng lên đi ! Mai đây, cuộc đời sẽ khác xưa, bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình ! ...” Đồng thời họ thành lập đảng Lao Động, kêu gọi thanh niên nam nữ thoát ly gia đình làm cách mạng và gia nhập đảng Lao Động để chiến đấu chống Thực Dân và Chế Độ Phong Kiến. Họ hứa hẹn xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc.

Cậu Văn và cậu Bậc đã giải thích những biến chuyển về tư tưởng và xã hội đang xảy ra tại Việt Nam cho Bà Ngoại và mẹ tôi hiểu. Mỗi khi đêm về, tiếng bước chân rầm rập của từng đoàn người trang bị gậy gộc, dao mác, đèn đuốc vang lên trên đường, Bà Ngoại lo âu và thường hay than thở “ Đảo lộn hết cả rồi. Tương lai con cháu không biết ra sao. Thời buổi loạn ly đến nơi rồi mà sao chẳng thấy thằng Tùng về nhà. Nó đi đâu rồi mà biệt tăm biệt tích. Khổ ơi là khổ ! “ Thế rồi tin tức Mỹ thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng. Việt Minh cướp chính quyền và Vua Bảo Đại thoái vị. Hồ Chí Minh nắm quyền lãnh đạo, công bố Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà vào ngày 2-9-1945 tại Hà Nội. Bà ngoại lại buồn hơn khi Cậu Văn báo tin cậu Tùng đi theo ông Hồ Chí Minh nên chưa thể về nhà. Nổi lòng thương nhớ và mong con đoàn tụ hằn lên những vết nhăn trên khuôn mặt già nua. Bà trở nên trầm ngâm. Kinh kệ và cầu nguyện giúp Bà ngoại nuôi niềm hy vọng.

Thời gian xói mòn niềm hy vọng của bà, nhưng mỗi khi gặp con cháu bà che dấu Âu lo bằng cách tĩnh tâm nói: “Rồi đây tình hình chính trị yên ổn, cậu Tùng sẽ trở về Huế ở với bà. Ngày ấy cũng sắp tới rồi. Cầu xin Trời Phật phù hộ.“ Hằng ngày bà tụng kinh lâu hơn vào lúc nửa khuya thanh tịnh.

Chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ vào ngày 20 tháng 12 năm 1946. Bà

Ngoại theo đoàn người tản cư về nhà Dì Thượng Lại ở làng La Chữ. Nhiều con và cháu của bà đi theo Việt Minh, rút lui về vùng an toàn ở thôn quê và vùng rừng núi. Cậu Tùng theo chính phủ kháng chiến Việt Minh về vùng cao nguyên Việt Bắc. Nghe nói Cậu giữ nhiệm vụ y tế, chăm lo sức khỏe của thành phần lãnh đạo Việt Minh. Bà ngoại vẫn bền tâm và kiên trì nói với con cháu: “ Rồi đây, giặc giã yên ổn, cậu Tùng sẽ về Huế. Bà sẽ cưới vợ cho cậu. Vợ chồng Cậu Tùng sống với bà trong ngôi nhà này.” Niềm mơ ước con cháu, cha mẹ, anh em ... đoan tụ sống bên nhau dần dần lụi tàn trong tâm tư bà ngoại. Chiến tranh Việt - Pháp trở nên trầm trọng. Hai vùng lãnh thổ thuộc hai phe Quốc - Cọng đánh nhau với vũ khí càng ngày càng tối tân hơn gây ra biết bao nổi thống khổ cho người Việt. Bà Ngoại mong con trở về vẫn là niềm hy vọng trong lúc trở nên già yếu. Ba năm sau khi chiến tranh bùng nổ trên quê hương, bà Ngoại từ giả cõi đời vào ngày 2 tháng 7 năm 1949 sau một cơn đau tim. Bà ngoại thọ 79 tuổi.

Đám tang Bà ngoại được cử hành trọng thể tại ngôi nhà Bà đã sống nuôi con từ lúc còn thơ dại cho đến khi khôn lớn. Vì lúc bấy giờ tình hình an ninh tại những vùng phụ cận thành phố Huế không được yên ổn nên con cháu đồng ý chôn Bà ở ngay trong vườn. Mộ Bà ngoại ở trong khu đất bên hông ngôi nhà chính. Hai mươi sáu năm sau, Cọng Sản Bắc Việt chiến thắng xâm chiếm Miền Nam Việt Nam vào năm 1975. Cậu Tùng trở về Huế trong cương vị là một nhà khoa học trong ngành y khoa và đương thời là một đại biểu Quốc Hội nước Cọng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Với quyền cao chức trọng, Cậu Tùng và cậu Bậc chừa lại một giải đất hẹp có mộ Bà ngoại cùng với hai cổng ra vào ngôi vườn và giao phần đất này cho người cháu gái cai quản. Còn ngôi nhà và bốn phần năm ngôi vườn bị hai cậu thông đồng vời cơ quan hành chánh xã Dương Xuân Thượng phân chia thành nhiều mãnh nhỏ rồi đem bán đi. Những người mua đập phá ngôi nhà lấy gỗ và gạch ngói. Ngôi nhà bên dòng Hương Giang được bà Ngoại chăm sóc và gìn giữ làm nơi sum họp với con cháu và làm nơi thờ phụng tổ tiên, ông bà không còn nữa.Hai cậu chia nhau số tiền bán cơ ngơi do Bà ngoại dày công xây dựng rồi ôm tiền về Bắc !!!

                                       

THIỀN NHÂN (CH 4/HVQGHC)

Từ trang DĐQGHCTC

 

 

 

No comments: