TÌNH ĐẦU
Tôi
còn nhớ, chị tên Yến. Chị có một mái tóc dài chấm eo. Eo chị rất nhỏ, vóc dáng
mảnh mai, xinh đẹp. Chị mang dòng máu nửa Hoa nửa Việt, ở đâu tuốt chợ lớn, đến
nhà tôi mướn một góc mặt tiền để bán bánh ngọt. Tủ bánh của chị rất hấp dẫn, các
loại bánh Pháp ngon lành, được trưng bày khéo léo, thêm vào một cô chủ như chị
nữa thì cửa hàng bánh ngọt này là cửa hàng hạng nhất con đường nhà tôi, một con
đường tấp nập cũng vào bậc nhất Sài Gòn, ngày xưa có tên Tự Do, sau đổi thành
Đồng Khởi. Cuối con đường là dòng sông Bạch Đằng. Dòng sông này cũng như con
đường, bận rộn vô cùng.
Hồi
chị mới đến, cả khu xóm tôi xôn xao. Các cụ cứ trầm trồ khen ngợi con nhà ai
xinh như mộng, lại khéo nữa. Các chú các anh cũng háo hức không kém, sang nhà
tôi thăm hỏi liên tục, và tôi trở thành quan trọng hẳn, được các ông anh chú ý
hơn để hỏi tin tức của chị, hoặc chỉ hỏi xem chị đến chưa, chuẩn bị dọn hàng
chưa. Các bà vợ thì tức tối thấy rõ, nói xiên nói xéo chị, và chửi bới các đức
ông chồng. Còn chị, chị lúc nào cũng nhỏ nhẹ và hiền lành, tôi có cảm tưởng chị
chẳng bao giờ có khả năng nổi giận, hay mắng nhiếc ai. Chị lễ phép với người
lớn, lịch sự với người đồng trang lứa, và âu yếm với bọn nhỏ chúng tôi. Chị ăn
mặc giản dị nhưng rất đẹp. Mái tóc dài lúc nào cũng kẹp lại bằng chiếc kẹp ba
lá, đung đưa ngang eo theo từng cử động của chị. Tôi là thằng bé mới lớn, vừa
12 tuổi, ngày nào cũng nhìn chị say mê không chớp mắt. Con em gái tôi cũng thế,
có lần nó kéo tay tôi thủ thỉ: anh Hai, em muốn lớn lên đẹp như chị Yến.
Lớn lên đẹp như chị Yến. Trời, đứa con gái nào mà không muốn, nhưng có được
không mới là chuyện. Chị Yến đâu chỉ đẹp thôi, còn duyên dáng và đảm đang nữa,
cứ trông chị làm bánh, dọn hàng, sắp từng chiếc bánh con con lên miếng giấy hoa
bọc phía dưới thì đủ biết. Chị như một nàng tiên, và những chiếc bánh của chị
cũng đẹp và ngon khác thường, nghe đâu chị nấu ăn và dọn bàn ăn cũng chẳng ai
sánh bằng. Mỗi lần lễ lượt, chị còn cắm hoa để trưng bày trên tủ bánh ngọt của
chị, bình hoa cũng đẹp giản dị và kín đáo y như chị. Chị người Việt gốc Hoa, mà
sao ở chị lại toát lên một cái gì… Tây Tây, song lại cũng rất…Ta Ta…Biết nói
làm sao nhỉ? Chị Yến bán bánh ngọt ở cửa nhà tôi là một cô gái đặc biệt, tôi
chưa thấy một người con gái nào giống chị và bằng chị.
Tôi không biết chị bao nhiêu tuổi, nhưng tôi biết chị đang ở cái tuổi đẹp nhất
của một người con gái. Chị rất thích hát. Chị không hát chỗ đông người, chỉ hát
khe khẽ một mình lúc làm bánh hoặc dọn hàng. Bài hát dính liền với chị là “Mộng
dưới hoa”. Vừa sắp bánh vào giấy bọc, chị vừa ngâm nga “chưa gặp em anh đã nghĩ
rằng có nàng thiếu nữ đẹp như trăng…”. Tôi không đồng ý với ông nhạc sĩ này.
Nếu chưa gặp chị, tôi không tài nào tưởng tượng nổi một thiếu nữ đẹp như trăng
thì sẽ đẹp như thế nào, cho đến khi chị đến, cho đến khi nhà tôi, xóm tôi, và
con đường này có một vầng trăng là chị. Tôi nói cho chị biết điều này, chị xoa
đầu tôi cười, đặt vào tay tôi 1 cái bánh. Chị nói em còn nhỏ lắm, một ngày nào
đó em sẽ biết cách tưởng tượng. Rồi chị tiếp tục công việc, và lại khe khẽ hát
tiếp: “mắt xanh là bóng dừa hoang dại, âu yếm nhìn tôi không nói năng”.
Âu yếm nhìn tôi không nói năng. Trời, chính tôi đang mỗi ngày âu yếm nhìn chị
không nói năng đây, mà sao chị chẳng biết. Cái eo của chị vẫn xoay chuyển như
cùng thỏa thuận với mái tóc, lắc nhẹ cái đuôi chờn vờn qua lại khiến tôi thèm
thuồng được túm chặt cái đuôi tóc ấy, mân mê trên tay. Mắt chị vẫn cười và long
lanh sau tủ bánh ngọt. Bàn tay chị thoăn thoắt, không ngơi công việc và mỗi cử
động của đôi tay ấy đều có chút gì âu yếm, nâng niu công việc đang làm. Chị rất
ít nói, đôi mắt chị nói rất nhiều thay chị. Chẳng ai biết chị đang nghĩ gì, chỉ
biết rằng, ở trong cái đầu nho nhỏ trên cái cổ cao thanh mảnh ấy, thì hẳn phải
là một ý nghĩ rất dịu dàng. Có lần trong lúc chị dọn hàng, gió từ hướng bờ sông
thổi đến rất mạnh, mấy miếng giấy trắng trong bọc bánh của chị theo gió cuốn
bay lên, và tóc của chị cũng bay theo. Phút chốc ấy tôi bỗng hoảng hốt, cảm
giác như chị đang bay lên, đang chới với, đang kêu cứu. Thằng bé mười hai tuổi
anh hùng trong tôi vội chạy lại, giữ chặt lấy chị, dỗ dành: “Không sao đâu. Em
bảo vệ chị”. Chị bật cười cám ơn tôi, rồi trêu: “Em bay trước chị thì có. Thôi
được rồi, phụ chị nhặt mấy tờ giấy lại đi cu cậu.”
Cu cậu. Tôi đỏ mặt giận chị. Có bao giờ một người đàn ông bị người phụ nữ của
mình gọi là cu cậu chưa nhỉ? Tôi đau khổ vô cùng. Một tuần liền tôi đi học về
cửa sau, tránh không đi cửa trước gặp chị. Gia đình tôi không ai chú ý đến tôi,
không ai biết lý do tôi đổi cửa ra vào. Tôi đi cửa sau hóa ra lại tiện hơn cho
mọi người. Mẹ tôi bán cà phê đắt hơn, chị bán bánh đắt hơn, và con em gái tôi
ngày nào cũng được ngồi trong lòng chị. Nó lăng xăng dọn hàng phụ chị, ăn bánh
phụ chị, và chỉ mới 1 tuần lễ thôi tôi đã thấy nó bày đặt làm dáng, mỗi lần xếp
tập vở vào cặp sách của mình, nó cũng bắt chước dáng điệu của chị, miệng còn
khe khẽ hát “chưa gặp em anh đã nghĩ rằng…” Tôi nổi nóng la: “mày nhỏ, hát chi
thứ nhạc ấy”. Nó nhe răng cười: “anh nhỏ thì có.
Chị Yến dạy em đấy. Nghe nè: mắt xanh là bóng dừa hoang dại. Âu yếm nhìn anh
không nói năng”.
Một hôm, nó chui vào mùng tôi, thủ thỉ kể: “anh Hai, biết gì không? Hồi chiều
em đi mua bột làm bánh với chị Yến. Anh Đạt chở em ở giữa, chị Yến đằng sau, đi
mua bột vui lắm. Chị Yến nói bữa nào em lớn chút nữa, sẽ dạy em làm bánh”. Tôi
ngồi bật dậy. Anh Đạt? Tôi nuốt nước miếng, cảm giác đắng nghét ở cổ họng. “Anh
Đạt nào? Sao tao không biết?” Con em tôi nhìn tôi đắc thắng, lên giọng: “Giời
ơi, cái anh đẹp trai ngồi ở quán mình mỗi ngày ấy.
Ngồi nhìn chị Yến. Mua bánh của chị Yến cho em ăn nữa nè. Anh dễ thương lắm
nghe, hồi chiều chị Yến dọn hàng sớm, nói về đi mua bột, mua kem làm bánh cho
kịp ngày mai. Anh Đạt xung phong chở chị Yến đi mua, rồi chị Yến xin cho em đi
theo nữa đấy nhá. Bây giờ chị Yến đi đâu cũng dẫn em theo hết. Mai mốt truyền
nghề cho em luôn”.
À, thì ra. Phải điều tra cho ra ngọn ngành mới được.
Người đàn ông tên Đạt thoạt nhìn tôi đã không ưa, trạc độ 30 tuổi, trông như
một công tử nhà giàu, chưng diện. Thừa nước đục thả câu, trong hơn tuần lễ tôi
giận không đeo bên cạnh chị, anh ta đến quán ngồi lì từ sáng đến chiều, từ lúc
chị mở hàng cho đến lúc dọn hàng, mua bánh của chị cho em gái tôi và mấy đứa
trẻ hàng xóm. Không biết chị đã quen anh ta từ trước hay là mới biết nhau,
nhưng chị ít khi nào nói gì với anh ta. Chị giữ ý đến độ tôi cảm thấy chị thật
giả dối. Nếu không thân nhau sao lại đi mua bánh, đi mua kem, rồi để anh ta
ngồi lì như thế nhìn mình suốt. Tôi thất tình, lầm lì ít nói, và cộc cằn với
chị. Còn chị, gần như không hề hay biết đến sự ghen tức của tôi. Chị vẫn dịu
dàng, vẫn gửi tôi một cái nhìn trìu mến như mọi khi. Bây giờ chị dọn hàng sớm
hơn, và khi chị bước lên xích lô thì anh ta cũng lái xe thật chậm, bám theo bên
cạnh. Họ cứ như vậy cho đến 2 tháng sau thì một buổi sáng nọ tôi không thấy chị
bước xuống từ xe xích lô nữa, mà từ xe máy của anh ta. Má chị phớt hồng, hai
mắt long lanh tràn ngập niềm vui. Anh ta lăng xăng phụ chị dọn hàng một chút,
uống cà phê, ngồi chơi với bà tôi dăm ba câu đưa đẩy trước khi cáo từ ra về.
Mỗi ngày, tôi thấy chị mỗi đẹp hơn, hay cúi mặt cười một mình, lúc dọn hàng
thỉnh thoảng chị ngước nhìn con đường trước mặt, trông ngóng anh ta. Giờ về là
giờ hạnh phúc nhất của chị. Chị lén soi gương, đánh lại chút phấn hồng. Trước
đây chẳng bao giờ chị làm như thế. Khi chiếc xe máy của anh ta đỗ kịch trước
nhà tôi, chị hướng về phía anh ta với một cái nhìn đồng lõa và chứa chan âu
yếm. Chiếc xe phóng đi tôi còn kịp thấy cái tia sáng long lanh trong mắt chị,
và hai tay chị giữ chặt eo anh ta, tóc chị bay như một cánh diều sau lưng. Thế
là hết. Chị Yến của tôi đã bay như một cánh diều theo tên đàn ông xấu xí ấy.
Tôi uất ức và buồn tủi đến xỉu được. Ban đêm, tôi nằm úp mặt xuống giường, hai
tay bấu chặt vào chiếc gối, lòng mong muốn giết chết tên đàn ông hỗn xược ấy, giành
lại người chị xinh đẹp kia cho mình. Mà không, tôi cũng không thèm chị nữa. Tôi
giận chị, tôi ghét chị, và trời ơi, tôi thấy chị đẹp đến não nề.
Ngày tháng trôi qua, thêm một tháng, hai tháng, rồi năm tháng, sáu tháng…một
buổi chiều đi học về tôi thấy chị khóc lặng lẽ nơi cửa sau nhà tôi. Tôi mon men
lại gần chị, cái đuôi tóc của chị cũng lặng lẽ như chị, thả yên lặng chạy dọc
theo tấm lưng thon, điểm ngang chỗ cái eo nhỏ đến nỗi tôi hình dung ra nó có
thể gãy bất kỳ lúc nào. Chị cứ đứng yên lặng như thế, không nhìn thấy tôi, nước
mắt chảy ròng ròng trên má. Tôi cũng chưa thấy người con gái nào khóc như thế.
Mẹ tôi khóc khác. Dì tôi khóc khác. Ngay cả trong phim tôi cũng chưa thấy người
ta khóc như thế bao giờ. Chị đứng bất động như pho tượng, đôi mắt mở to nhưng
không nhìn bất cứ một thứ gì, kể cả bức tường trước mặt, nước mắt từ đó chảy ra
bất tận, ngực phập phồng nhưng không bật lên một tiếng nức nở nào. Nắng chiều
còn sót lại vừa đủ làm những giọt nước mắt óng ánh trên má chị. Một nỗi buồn
khôn tả xâm chiếm lấy tôi. Có cái gì không thể tưởng tượng được đang diễn ra ở
đây. Có cái gì bi đát trong dáng dấp ấy. Buổi chiều bỗng tỏa ra một mùi hương
tuyệt vọng. Tôi cho rằng mình cũng đang khóc. Tôi cho rằng mắt tôi cũng đang
nhòa lệ theo chị. Tôi với tay nắm lấy bàn tay chị. Chị quay lại, nhìn thấy tôi
và cũng nắm chặt tay tôi. Yên lặng thêm vài giây nữa, rồi chị mỉm cười, một nụ
cười của sự thảm hại. Chị nói rất nhỏ: “Vào nhà thôi”.
Chị không bao giờ nhắc lại buổi chiều hôm ấy với tôi, và tôi cũng thế. Tôi không
còn ghét chị nữa, lý do vì sao thì tôi cũng không hiểu nổi. Sự đau đớn bấy lâu
vì chị như trôi đi cùng lúc với sự đau đớn của chị mà tôi bắt gặp trong buổi
chiều ngày hôm ấy. Anh chàng Đạt vẫn lui tới, nhưng thất thường hơn. Chị im
lặng hơn, chăm chú với mấy cái bánh đủ màu sắc của chị, nhưng tôi có cảm tưởng
chị chỉ vờ lấy lệ, vì đôi mắt của chị không biểu lộ sự chăm chú, cũng không
biểu lộ một niềm vui nào, nó lặng lẽ đến ghê hồn. Đôi mắt ấy không bao giờ biết
phản bội lòng chị, dù chị có khéo giấu mọi điều đến đâu chăng nữa. Hàng mi dài
của chị như rũ xuống, và cả đuôi tóc cũng lười biếng không động đậy. Bây giờ
dọn hàng xong chị leo lên xích lô về nhà, không leo lên xe anh ta nữa. Anh ta
vẫn chậm chậm lái xe theo chiếc xích lô của chị. Chị ngồi lọt thỏm trong xe,
hai tay đặt lên đùi, gương mặt nghiêm trang, và trông chị nhỏ nhắn đến đáng
thương.
Một ngày đầu năm, tôi nghe tiếng la hét và tiếng khóc lóc trước cửa nhà mình.
Một cảnh tượng thật khủng khiếp. Chị Yến bám chặt lấy mẹ tôi, gương mặt xanh mét,
kế bên chị là một bà đứng tuổi, tay túm chặt lấy tóc chị, miệng la lối: “Bà để
tôi dạy con tôi. Đồ đĩ ngựa. Nó theo thằng đã có vợ. Cái thằng khốn nạn. Trời
ơi, biết thế tôi đâu cho nó lên đây làm gì”. Rồi bà ta đổi sang tiếng Hoa, gào
thét như điên loạn. Sau lưng bà ta là một đại gia đình của chị Yến thì phải, và
gần như đủ mặt hàng xóm của tôi. Các bà vợ xung quanh nhà tôi nhổ nước bọt,
chửi phụ họa theo bà mẹ chị Yến, và các ông chồng lặng lẽ đứng bên các bà vợ
như ngầm đồng ý với họ. Đồ cướp chồng người khác. Đồ đĩ. Tôi chóng mặt vì những
tiếng gào thét ấy. Chị Yến gần như mệt lả người, bấu chặt vào mẹ tôi, lắp bắp:
“Cô ơi, cứu con”. Rồi tiếng hét thất thanh của mẹ tôi. Không kịp nữa, bà mẹ chị
Yến đã dùng kéo cắt đứt mái tóc của chị. Đuôi tóc chị rơi xuống sàn nhà, chiếc
kẹp ba lá cũng bật ra, mái tóc xổ ra một lần cuối và biến mất trên lưng chị.
Chị lịm người trong tay mẹ tôi, hai má bị đánh đến bầm tím, máu từ mũi chị chảy
ra xối xả. Đám đông bu quanh nhà tôi hả hê ra mặt. Cho đến lúc chị Yến té xỉu
được mang vào bệnh viện thì đám đông mới giải tán, và những bà vợ gương mẫu kia
nắm chặt tay các đức ông chồng, rời gót với điệu bộ vui vẻ như vừa đi xem hát
bóng về.
Tôi ngồi bệt xuống đất, nhặt mái tóc của chị tung tóe dưới sàn nhà. Tôi tìm lại
chiếc kẹp ba lá cho chị. Chị Yến, Yến, Yến ơi! Tôi nắm chặt chiếc kẹp tóc của
chị. Em sẽ chờ cho tóc chị dài ra, chấm ngang eo, và kẹp lại cho chị!
Ngày hôm sau, gia đình chị lên dọn tủ bánh. Còn chị thì mất dạng. Tôi khổ sở
mong ngóng tin tức chị. Con em gái tôi cũng buồn không kém. Người đàn ông tên
Đạt biệt tăm, không trở lại uống cà phê lần nào. Mãi đến một năm sau, trước khi
gia đình tôi rời Việt Nam, tôi mới vô tình đọc được vài dòng chị gửi mẹ tôi,
không biết từ bao giờ. Lần đầu tiên tôi nhìn được nét chữ của chị. Nét chữ
nghiêng nghiêng như sắp đổ, như cái eo của chị. Trong thư chị cho biết chị đi
lấy chồng, không phải anh Đạt. Chị viết: “Con xin lỗi không gửi thiệp mời cô đi
dự đám cưới. Con chẳng còn muốn gặp ai. Mẹ con đã sắp xếp mọi điều, mà dù không
như thế, thì Đạt cũng có vợ rồi, đâu thể lấy con. Con thăm hai em”.
Chị vẫn còn nhớ đến tôi. Tôi thấy cay cay ở mắt. Thấy thương chị không biết để
đâu.
Năm đó tôi vừa tròn mười lăm tuổi.
Và thêm mười lăm năm nữa trôi qua.
Bây giờ tôi là người đàn ông ba mươi. Tôi còn độc thân, sống ở Mỹ. Tôi không
hình dung được cậu bé thất tình ngày xưa, nhưng bóng dáng của chị Yến đôi lúc
vẫn thoáng hiện lên trong trí nhớ tôi. Thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp cái dáng
dấp ấy ở một vài cô gái, và cũng đã từng cặp kè với họ, nhưng tôi vẫn luôn cảm
thấy có cái gì thiếu sót nơi những nhan sắc ấy, không toàn vẹn như vẻ đẹp của
chị Yến. Tôi không biết thêm một tin tức gì của chị, không biết giờ này chị lưu
lạc ở đâu, còn đi mua bột, mua kem nặn mấy cái bánh Pháp hay không. Có bao giờ chị
còn đứng đối diện với một bức tường, khóc lặng lẽ như buổi chiều hôm ấy. Và mái
tóc của chị? Nghĩ đến đấy, tôi mong gặp lại chị biết bao! Tôi bỗng nhớ chiếc
kẹp ba lá xinh xinh ngày nào.
Một lần, đi dự đám cưới một người bạn, tôi gặp lại người đàn ông tên Đạt, giờ
là một người đàn ông béo phị. Cái dáng công tử con nhà giàu đã mất dạng, nhưng
cái nét đáng ghét lì lợm nơi hắn vẫn nguyên vẹn không suy suyển. Tôi bần thần,
không biết có nên đến hỏi tin tức của chị Yến không. Một người đàn bà trang
điểm diêm dúa ngồi cạnh hắn, chắc là vợ. Tôi thầm mừng cho Yến đã không phải
lấy hắn. Con em gái tôi cũng đã nhận ra, kéo tay tôi liên tục. Nó nôn nóng muốn
biết tin của chị Yến cũng không kém gì tôi. Em gái tôi lớn lên cũng là một
thiếu nữ rất xinh đẹp, và tóc nó cũng để dài như Yến. Dạo ấy em tôi đánh hơi
được lòng tôi, có một lần nó dùng một chiếc kẹp từa tựa chiếc kẹp ba lá, kẹp
mái tóc lại và đung đưa, rồi nhìn sang tôi nheo mắt cười. Nó đã đứng dậy, đi
đến chào người đàn ông kia. Tôi nín thở quan sát. Hắn ta không nhận ra em tôi.
Cũng phải thôi, ngày xưa em tôi bé tí. Người đàn bà bên cạnh hắn mặt hầm hầm
nhìn em tôi, em tôi cười giả lả, trở lại bàn ngồi cạnh tôi. Nó làu bàu: “Ghen
quá, em không dám hỏi chuyện đâu. Tí nữa anh đến hỏi nghe!”
Tôi không đến hỏi. Tôi cũng chẳng muốn hỏi lại làm gì. Sau này mẹ tôi kể lại bà
vợ đến nhà của Yến đánh ghen, và kết quả là chính mẹ của chị đánh chị đến đổ
máu và cắt đi mái tóc dài xinh đẹp ấy. Tôi chỉ biết thêm có chừng ấy về chị.
Mỗi lần nhìn một mái tóc dài bay trong gió, tôi lại nhớ đến Yến, đến thời thơ
ấu, đến một cánh diều bay lên…Tôi không thích nhớ đến mái tóc nằm dưới sàn gạch
nhà tôi, nó làm lòng tôi thắt lại.
Vào một buổi chiều sau hai ba hôm tôi gặp người đàn ông tên Đạt ấy, em gái tôi
chạy ào đến tôi, giọng gấp gáp:
“Em biết tin của chị Yến rồi!”
Và nó tiếp luôn: “Chết. Chết rồi. Sau đám cưới không bao lâu”.
Tôi nuốt nước miếng, lại cái cảm giác đắng nghét ở cổ họng. Chị Yến đi lấy
chồng, và ở lì trong nhà, không bao giờ lên tiếng nữa. Chị cứ lặng lẽ như thế,
như một chiếc bóng, không nói không cười. Ông chồng bất lực trước người vợ câm
như hến, ngày càng chìm sâu vào rượu, và cuối cùng đánh chết vợ rồi vào tù
ngồi. Chị Yến chết với cái thai trong bụng. Ông chồng vào tù như một người điên
loạn, chửi bới cái thai trong bụng chị không tiếc lời, song chính ông ta cũng
không biết rõ cái thai là của ông ta hay người đàn ông tên Đạt. Chắc là chẳng
ai biết cả, bí mật đã theo chị xuống mồ.
Buổi chiều phủ xuống rất nhanh. Tôi mở cửa, không khí lạnh lẽo của mùa đông
tràn vào. Tuyết phủ trắng bãi cỏ trước sân nhà. Tôi nhớ đến buổi chiều năm xưa
khi Yến khóc lặng lẽ ở cửa sau nhà tôi, cái buổi chiều đánh dấu cho sự thay đổi
lớn của tuổi thơ tôi, bất giác tôi nhận thấy mình đang đứng bất động, giống như
Yến ngày nào. Nỗi buồn hay lây. Em gái tôi đến bên cạnh, cầm tay tôi nói khẽ:
“Vào nhà thôi”. Tôi giật thót mình. Bộ Yến ở đâu đây? Tôi nghe một tiếng kêu
nhỏ từ lồng ngực mình, nghẹn lại ngay cổ. Suýt tí nữa tôi gọi tên Yến. Phải
chăng cái mùi hương tuyệt vọng từ buổi chiều hôm ấy đã theo tôi suốt mười lăm
năm nay, khiến tôi luôn nhìn thấy một điều gì bất ổn ở cuộc sống này, khiến tôi
vẫn không tìm được một chỗ êm ả cho tâm hồn mình.
Tôi vào nhà, thắp một nén hương cho chị Yến, tình đầu của tôi.
Lê
Sông Văn – 1990
304Đen
– llttm - YD
No comments:
Post a Comment