Tuesday, January 25, 2022

Phượng Cầu Hoàng Trong Bích Câu Kỳ Ngộ - Vũ Thế Thành

Phượng Cầu Hoàng trong Bích Câu Kỳ Ngộ

 

Hồi học Đệ lục (lớp Bảy bây giờ), trong phần Cổ văn, tôi phải học Bích Câu Kỳ Ngộ. Đây là truyện thơ lục bát dài cả mấy trăm câu, tôi chỉ được học trích đoạn. Tôi không hiểu tâm tư cô giáo thế nào mà lại cho đám học trò vắt mũi… chưa (chắc) sạch như bọn tôi học trích đoạn Tú Uyên tương tư Giáng Kiều.

 

Vũ Thế Thành

 


Thực ra, trích đoạn này cũng nằm trong quyển Việt Văn lớp Đệ lục của giáo sư Phan Ngô, mà cô giáo khuyến khích nên mua để đọc thêm. Khuyến khích chứ không bắt buộc, vì bả không bao giờ kiểm tra sách, mà chỉ kiểm tra vở xem học sinh có chép bài tử tế không, có chịu học thuộc và hiểu những gì bả “muốn” không.

Bị “truy bức” thì cũng phải ráng lảm nhảm học cho thuộc. Mà thơ lục bát vần điệu êm tai nên cũng dễ nuốt. Cho đến giờ, cả nửa thế kỷ trôi qua tôi vẫn còn nhớ, mà nhớ gần hết chứ không đùa. Đây này…

Lần trăng ngơ ngẩn ra về

Đèn thông khêu cạn giấc hòe chưa nên…

Cổ văn thường có nhiều điển tích. Điển tích giống như những câu chuyện nhỏ trong một truyện thơ lớn. Nghe chuyện phong thần, tình ái lãng mạn thì người lớn còn thích, huống chi con nít. Nghe giảng, đọc phần chú thích trong sách, có khi còn lò mò lần qua những trích đoạn khác để xem thêm.

Nhờ môn Cổ văn mà tôi hiểu thêm được nhiều từ Hán Việt, thêm các điển tích… Tôi có thể nói với các ông thầy bà cô dạy Văn thời nay, nói không cần khách sáo, rằng nếu bây giờ mà tôi giảng trích đoạn Tú Uyên tương tư Giáng Kiều, không chừng còn hay hơn… nguyên bản. Suy bụng ta ra bụng người mà không hay sao được.

Có một điển tích mà tôi rất thích, đó là Phượng Cầu Hoàng. Điển tích này có trong trích đoạn Tú Uyên tương tư Giáng Kiều mà tôi đã học hồi nhỏ:

Cầu Hoàng tay lựa nên vần

Tương Như lòng ấy Văn Quân lòng nào!

Ngày xưa, nói đến chim phượng, người ta hiểu đó là con phượng trống, còn phượng mái gọi là chim hoàng. Phượng Cầu Hoàng là khúc ca nói về chim phượng trống đi tìm chim phượng mái. Cũng chẳng khác gì, Tú Uyên lòng ấy Giáng Kiều lòng nào. Chuyện ái tình giai gái là thế!

Tư Mã Tương Như là tay phong lưu tài tử, nổi danh cầm kỳ thi họa, ngao du đây đó, cùng bạn đến chơi nhà Trác Văn Quân. Biết Văn Quân lấp ló sau rèm nghe… lén, Tương Như làm khúc ca Phượng Cầu Hoàng để ghẹo cô nàng, rồi đàn hát luôn tại bữa tiệc. Văn Quân nghe nhạc, phải lòng Tương Như, nhưng ông bố lại không ưng. Con phượng mái nửa đêm trốn nhà đi theo phượng trống.

Hồi trước học Việt văn, dù không có khiếu (mà cũng không ưa luôn) món văn tả tình tả cảnh, lòng thòng dây nhợ, nhưng tôi thấy thoải mái, không bị áp lực khuôn mẫu, tha hồ tán hươu tán vượn, miễn là đừng lạc đề và không được nói trật, chẳng hạn “cầu Hoàng” mà bốc phét là cái cầu có tên Hoàng thì mới bị lãnh búa. Chứ còn nói trật ý thầy cũng chẳng sao.

Thí dụ, Tú Uyên mới gặp Giáng Kiều lần đầu là đã mê mệt, mê đến phát ốm, thơ văn chứng cớ rành rành ra đó, cãi thế nào được. Nhưng bây giờ nói ngược lại, Giáng Kiều mồi chài Tú Uyên cũng rành rành ra đó. Ai thả lá hồng đề thơ rơi vào chân Tú Uyên ở sân chùa? Làm gì có chuyện “hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình” đến thế? Rồi sau đó cô nàng mới từ cổng chùa nhẹ nhàng bước ra, lượn qua ẻo lại thì còn gì hồn vía con nhà người ta! Chưa hết, lại bày ra trò báo mộng, nhập hồn vào tranh vẽ… Sao chỉ toàn là những chuyện vô tình có nguyên cớ thế? Mấy chiêu trò ảo diệu này chỉ có tiên mới làm được. Giáng Kiều là tiên, dù là tiên bị đọa, nhưng biết được cơ trời, biết cái số của mình phải vướng vào Tú Uyên, nên mới bày vẽ ra trò mèo vờn chuột cho biết tay bà. Tiên mà xuất chiêu thì phàm nhân trốn đâu cho thoát?

Ấy là sau này tôi ngẫu hứng mà “phản biện” như thế, chứ hồi đi học, hai chữ “tương tư” còn chưa hiểu mùi vị ra sao, ở đó mà đòi “phản biện” đấu phép với tiên. Nhưng nói ngược với thầy cô là chuyện thường, được khuyến khích ở học đường, lọt tai thầy cô có khi được điểm cao cũng không chừng.

“Nói ngược” ở học đường thuở niên thiếu, và “nói ngược” sau này ở môi trường giáo dục cao hơn là cách nói dân dã. Thực ra đó chính là “Khai phóng”, một trong ba nguyên tắc trong triết lý giáo dục miền Nam thuở trước (Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng). Khai phóng mới bật ra Sáng tạo. Đi học là để sáng tạo, chứ không phải copy / paste.

Trở lại khúc ca Phượng Cầu Hoàng, Trác Văn Quân sau khi trốn nhà đi… bụi đời với tình nhân đã sinh nhai bằng cách mở quán… nhậu. Thật tuyệt vời! Vài tài liệu sau này nói rằng họ mở lò rượu, nhưng tôi ngờ. Cặp vợ chồng tài hoa này phải mở quán nhậu thì tao nhân mặc khách mới tìm đến, chứ mở lò rượu thì đi bỏ mối rượu à?

Bích Câu là địa danh có thật, nằm đâu đó ở Hà Nội. Tôi chưa đến, mà chắc cũng không bao giờ dám đến.

Nhưng ở Đà Lạt thì có quán Bích Câu, nằm trên rẻo đất nhô ra ở hồ Xuân Hương, cũng có cây cầu gỗ bắc qua lạch nhỏ. Thỉnh thoảng tôi vẫn ra đó uống cà phê vào sáng sớm, đọc sách và ngắm trời mây non nước. Phải là sáng sớm, vì khi nắng lên, khách du lịch vào nhiều, Đà Lạt biến mất.

Truyện Bích Câu Kỳ Ngộ thật tẻ nhạt, chẳng có gì đáng nhớ, nhưng điển tích Phượng Cầu Hoàng trong đó lại là câu chuyện đẹp. Khúc ca ngân nga mãi trong lòng…

Phượng hề, phượng hề quy cố hương,

Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng…

 

Vũ Thế Thành

Đà Lạt, 24.1.2017

(trích ” Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ”, 2020)

304Đen – llttm - sgtc

  

No comments: