-Lụa!
-Dạ!
Thưa thầy cho gọi con.
-Con
ngồi xuống đây… ta có chuyện dạy.
-Con
xin nghe.
-Năm
nay con đã đôi tám rồi nhỉ?… Có lẽ… à…
-Thưa…
thầy có điều gì phiền muộn khó nói?
-À…
chẳng là cái tiếng thị phi. Con đã lớn… nay ở trong chùa không tiện… ta cũng
thật có lỗi với con… nhưng…
Lụa
nước mắt lưng tròng nghẹn ngào:
-Thầy
ơi! Thiên hạ nghĩ sao mặc họ chỉ xin thầy thương lấy con!
Sư thầy
Đạo Liên lặng lẽ thở dài, trở bước. Bóng Lụa gục đổ theo ánh sáng ngọn đèn dầu.
Đêm ấy
cả sư thầy và Lụa cùng không ngủ được. Qua tấm vách Lụa khẽ thở dài khi nghe
tiếng thầy trở mình khó nhọc. Chưa tới ngũ tuần nhưng thầy dường như đã quá
già. Ngoài trời bắt đầu gió lạnh mang theo cái hơi nồng nồng, ngai ngái. Cơn
mưa đầu hạ ập xuống. Sấm chớp ì ùng. Đâu đó trong không gian man mát thoảng mùi
hương rất khẽ.
Từ sáng
sớm, Lụa đã chèo chiếc thuyền lá ra giữa đầm Chùa hái những bông Sen đầu tiên
của Hạ. Hương Sen thơm nhẹ cứ vấn vít quấn vào tóc cô gái đương xuân. Sau đêm
mưa cả đầm xanh lá, giờ lác đác vài bông hoa trắng… thật nhẹ, thật thanh khiết.
Lụa biết ngay mà… “Sen đầu mùa dâng lên Tam Bảo í hẳn thầy sẽ vừa lòng”. Nghĩ
vậy Lụa cười khẽ một mình rồi chèo thuyền vào bờ.
-Thưa
thầy! Con đã dâng Bạch Liên lên Tam Bảo. Mời thầy lên khóa lễ!
-Đã có
Sen rồi sao?… Đêm qua mưa, hẳn nào…
-Dạ…
Con xin phép thầy, gạo, muối, củi, dầu trong chùa đã cạn.
-Ừ! Con
đi chóng về chả thầy lại lo…
Những
điều người đời nói đâu phải Lụa không hay. Cô biết cả. Nếu giờ đây cô ra đi, để
giữ tiếng cho thầy cũng được thôi… nhưng biết đi đâu. Về đâu? Một đứa trẻ mồ
côi. À không! Phải nói là bị bỏ rơi mới đúng. Chùa Vân Phan là mái ấm, là gia
đình, và thầy Đạo Liên là người thân duy nhất của Lụa. Nhưng tránh sao khỏi điều
tiếng thế gian…
Nhanh
chóng tìm đủ những thứ cần thiết, Lụa rời khỏi phiên chợ làng uể oải. Cô muốn
nhanh thoát khỏi những ánh mắt kim châm những thì thào rờn rợn… nhưng thói đời
bia miệng ngàn năm…
Về đến
cổng chùa, Lụa đứng lại kéo vạt áo lên lau khô nước mắt, hít một hơi thật sâu
rồi mới đẩy cửa bước vào.
-Thưa
thầy… chuyện tối hôm qua… xin thầy cho con ở lại đây… đến cuối mùa Sen con sẽ
xin đi.
Chùa
Vân Phan nhỏ và rêu phong. Cái tên Vân Phan tự đã có từ lâu lắm. Chỉ hay rằng
chùa nằm ở rìa làng Vân Du. Nơi mà người ta thường gọi là ngôi làng cổ tích.
Bởi chưng bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông, đều có một lớp sương khói vấn vít vương. Và
những mảnh đời nơi đây dường như cũng mong manh, mơ hồ tựa khói. Muốn vào đến
làng Vân Du thì phải ngang qua một con sông nhỏ. Trên bãi bồi ẩn hiện có một
ông lão cổ lai hy cắm sào con đò nơi quãng sông phủ đầy sương khói, ngồi đợi
khách sang sông. Lúc vãn khách, cụ đò thường gác chèo vào chùa trong đàm đạo
cùng sư thầy. Thầy Đạo Liên kính cụ, bởi thầy biết cụ không chỉ là một ông lão
chèo đò, mà còn là một kẻ sĩ thông tuệ mọi lẽ ở đời. Cũng chính nhờ cụ mà Lụa
mới được sống tới ngày hôm nay.
Năm đó…
chừng tiết hạ, Sen đã nở khắp. Cụ đò ngang sông đưa khách vào làng, thuyền tới
giữa dòng chợt khói sóng tản ra, một chiếc nôi tĩnh lặng không dập dềnh theo
con sóng lăn tăn mà cứ đứng im bất động trước mũi thuyền như chờ tay cụ vớt.
Bên trong nôi là một hài nhi hồng hào nằm gọn giữa vuông lụa trắng có thêu điểm
những đóa sen. Đứa bé gái chợt cất tiếng khóc khi được cụ nhấc ra khỏi chiếc
nôi. Tiếng khóc của nó vang lên nhưng không lẫn vào khói sóng mà nó cứ vang
mãi, vang mãi… Dường như cụ đò biết rõ Lụa là con cháu nhà nào! Nhưng mỗi lần
cô gượng hỏi, cụ chỉ cười mà rằng: “Chuyện xưa như phù sa lắng dưới đáy sông,
con khơi lại mà chi”.
Lụa cứ
lớn dần và nỗi niềm vương vấn kia ngày càng nhỏ lại. Giờ đây cô như bông Sen
đang tỏa hương, khi tuổi vừa đôi tám. Ở cạnh thầy Đạo Liên, Lụa được sống trong
đạo pháp. Bởi vậy mà Lụa khác những cô gái cùng trang lứa trong làng. Không
những Lụa đẹp, mà vẻ đẹp của cô còn toát lên một cái gì đó sáng lắm, trong lắm.
Cả làng
Vân Du duy chỉ có đôi tay Lụa mới ướp được thứ trà Sen đặc biệt. Cứ mỗi mùa
Sen, cả làng ướp trà mang bán. Trà đầm làng chỉ bán được cho những người mua
buôn. Còn đầm Chùa thì thường có một ít khách quen từ tỉnh thành về thăm trà.
Trà Vân Phan có vị thanh và hương man mát, thoang thoảng vấn vít trong khói
hương nơi cảnh chùa tĩnh lặng, siêu thoát của loại trà mang hồn, mang đạo.
Trong
những người tìm đến thăm trà có họa sĩ Phan là bạn của thầy Liên khi thầy còn
bôn ba bể đời. Cậu Phan kém thầy chục tuổi, nhưng do trọng đức, trọng tài nhau
mà kết thân bằng hữu cho tới nay.
Mùa năm
nay, Sen như thơm hơn, ngọt hơn. Lụa đang chờ đợi, chờ một điều gì đó mà lòng
mình cũng chẳng biết… Chừng nửa tuần trăng, Sen đã trắng nửa đầm, thầy trò Lụa
nhanh tay bận rộn hơn. Sáng nay con chim nhỏ đậu trước cổng chùa hót “Khách”,
Lụa ra đầm mà lòng cứ xốn xang. Hái chừng vài chục Sen, thấy trước cổng chùa
khẽ lao xao tiếng người bạch thầy, Lụa vội bơi thuyền vào bờ. Như đã nhìn thấy
dáng Lụa, người ấy bước nhanh ra phía bờ đầm:
-Tôi về
rồi đây!
-Cậu
Phan! Sao giờ cậu mới về?
-Tôi
vẫn đúng hẹn, giờ đang giữa mùa Sen.
-Em… và
thầy cứ mong cậu mãi. Cậu về đợt này, tốt rồi… em muốn thưa cùng đôi câu
chuyện.
Trao
cho Phan bó Sen còn ướt sương mai, Lụa đón lấy chiếc ô và cặp da. Hai người
bước vào cửa thiền.
-Thầy
biết không! Mỗi lần về đây, được sống giữa hương Sen, tôi dường như thấy được
chính mình.
-Cậu ạ!
Ông đò đã nói với tôi rằng: “Gió đồng rửa mặt tha hương, ta về quê chữa vết
thương giang hồ”. Lúc này, khi tâm hồn cậu còn lành lặn thì hãy cứ về vui với
hoa, cũng như tôi vui cùng kinh kệ.
-Thưa
thầy! Đã bao lần về đây, trong lòng mang một tâm nguyện mà chưa thỏa. Lúc buổi
tinh khôi, tôi gặp cô Lụa giữa đầm chùa đẹp quá! Tôi muốn xin phép thầy cho tôi
họa lại bức tranh, may chăng nắm bắt được nét đẹp tạo hóa.
Trăng
đêm mênh mang, trầm bổng. Giữa đầm chùa, Lụa sáng lung linh. Ánh bạc của trăng
rằm đổ tràn lên tóc, lên bờ vai, lên khuôn ngực của thiếu nữ. Thứ ánh sáng ấy
khiến các đường cong trên cơ thể Lụa mềm mại hơn, rõ nét hơn và cũng huyền ảo
hơn, làm cho làn hơi thở sau nếp yếm đào bồi hồi hơn. Thứ ánh sáng ấy bao bọc
Lụa, bủa vây Lụa, cả người cô rực sáng một vẻ đẹp hoàn mỹ, thánh thiện nhưng
cũng vô cùng mong manh.
Đáng ra
vẽ Lụa vào buổi sớm mai, nay gặp khoảnh khắc này, Phan vẽ thật nhanh. Cây cọ
của anh lướt trên tấm toan. Phan muốn thu trọn vào trong thanh của mình: Sự
huyền ảo của trăng, cái mênh mang của đêm, khói sương vấn vít, hương Sen ảo
ảnh, nhưng đặc biệt hơn, cái Phan cần chính là đây, là cái yếu ớt, mong manh
tựa một làn khói mỏng toát ra từ phong thái của Lụa.
Ánh mắt
họ nhìn nhau. Sự giao cảm dễ làm con người ta hiểu nhau hơn.
-Lụa
ơi! Tôi đã tìm thấy rồi.
-Cậu
tìm thấy gì nào?
-Tôi
tìm thấy em. Một làn khói giữa nơi bình yên đến ngọt ngào này.
-Em chỉ
là sương khói mỏng manh thôi sao?
-Có, em
còn một đóa Sen đẹp và vô cùng bí ẩn.
-Thôi,
em xin cậu! Cậu đừng phân tích em bằng ánh mắt ấy nữa.
Họ là
hai tâm hồn đang cùng nhau vẽ nên bức họa đồng điệu. Phan muốn được chạm vào để
cảm thấy chúng nhưng… Anh đưa Lụa tấm áo cánh.
-Em mặc
vào kẻo sương đêm.
-Cậu vẽ
xong rồi sao?
Vừa cài
khuy áo, Lụa cố nhoài người ra phía Phan để xem bức tranh. Nhưng anh đã nhanh
tay phủ lên đó một vuông lụa trắng ngà.
Phan
chèo thuyền nhẹ gần lại một khóm Sen cao chừng một thước. Lụa nhoai người lên
giũ trong hoa ra những cánh trà nhỏ. Những cánh trà thơm ngát hương cứ óng ánh
trên đôi bàn tay cô.
Và
nhiều đêm như vậy họ ở bên nhau, giữa khói sương, trăng đêm, hương trà Sen và…
Tình yêu.
Mùa
này, thầy Đạo Liên như thư tâm hơn để chuyên kinh kệ bởi đã có Phan cùng Lụa
quản hoa, quản trà. Nhưng chợt có những lúc, thấy họ bên nhau… Phải chăng thầy
đã sai lầm? Đêm nào cũng vậy, tới giờ Sửu mà chưa thấy họ lai quy là thầy lại
lên gác chuông gióng ba hồi gọi.
Lại một
đêm rằm nữa nhưng đây là đêm cuối cùng… Phan hiểu rằng anh sẽ không còn được
thấy Lụa lung linh sáng trong mắt, như lúc này đây. Nét vẽ cuối cùng cũng đã
hoàn tất. Bức tranh bừng lên trong đêm u tịch. Một đóa Sen nhỏ nhoi, mong manh,
lặng lẽ, rực sáng bạc buồn.
-Tôi đã
vẽ hồn em…
-Cậu…
-Tôi
yêu em nhưng tôi sợ tình yêu của tôi sẽ làm em tan vỡ như làn khói mỏng.
-Không!
Xin cậu hãy mang em đi thật xa khỏi cái lớp dày đặc sương này, đi khỏi cái nơi
mà em muốn xé rách, đạp vỡ để được thở này.
-Tôi
sợ… khi ra khỏi làng Vân Du, em sẽ tan biến và giấc mộng cổ tích của tôi sẽ…
Thế rồi
trăng trốn vào mây. Họ đã đến với nhau như sương đêm ủ nồng Sen nụ… Quá Sửu, từ
phía chùa vẳng lại ba hồi chuông của Đạo Liên thầy, nhưng dường như khói quyện
dày đặc đã cản tiếng gọi ấy vang xa…
Sáng
sớm hôm sau, Phan xuôi đò rời làng. Lụa ở lại như Sen tàn cuối vụ. Mà cũng chỉ
mươi tuần nữa Sen tàn thật và khi ấy Lụa sẽ phải ra đi. Những ngày này, thầy cố
thu xếp cho Lụa hành trang thật chu đáo nhưng cô thì cứ như để lạc mất hồn.
Thầy Đạo Liên thấy thần sắc Lụa bất an, xem mạch tượng thì hay cô đã mang thai…
-Lụa
con! Thầy có ít trà ngon muốn con mang biếu cậu Phan thay thầy…
-Dạ…
con xin đi.
Vài ba
bữa sau Lụa dần dà đỡ bệnh, bèn sắm sửa lên tỉnh. Chẳng hiểu thầy gửi gì trong
gói lá Sen bọc trà ấy mà Phan đã không gặp Lụa. Anh chỉ sai người làm trao cho
cô bức tranh dạo ấy. Lụa trở về làng Vân Du như đang đi tìm giấc mộng xa xăm
nào đó.
… Đủ
chín tháng mười ngày, cũng vào một đêm rằm, thầy Đạo Liên chèo thuyền đưa Lụa
ra giữa đầm Chùa. Dưới trăng, trong mây thầy đón ra một cành Sen trắng… trắng
lung linh trong đêm.
Được
hơn tuần, Phan về như đã hẹn cùng thầy. Nhưng cổng chùa khóa chặt. Chỉ có một
đứa hài nhi đang o oe khóc bên bờ đầm. Phan bế đứa trẻ được bọc trong vuông lụa
trắng có thêu những bông sen nhỏ, xuôi đò rời làng Vân Du.
… Cậu
ơi! Sao chẳng bao giờ cậu kể về mợ cho con nghe?
-Thụy
Miên… Con có hiểu là gì không?
-Thưa!
Là tên của con.
-Phải…
Mợ đã sinh con ra ở một nơi mà giờ đây khi nhớ về nó chỉ là một giấc Thụy
Miên-giấc mộng miên man hư vô không bao giờ trở lại.
Năm
nay, tiết Hạ không nóng gắt. Cả làng Vân Du lại nhộn nhịp vào vụ trà Sen. Hôm
ấy, có cô khách trên tỉnh về cứ hỏi thăm cụ đò cho kỳ được về trà Vân Phan.
-Bạch
thầy! Con là tiểu nữ của cậu Phan trên tỉnh, xin về thăm trà.
Thầy
Đạo Liên ngước nhìn cô gái chợt bất thần gọi: Lụa… Từ trong chùa bước ra một ni
cô, trên tay cầm gói trà Sen ướp hương và bức tranh hoa Sen kỳ lạ trao cho cô
gái.
-Đây là
trà hương đã mười tám năm nay ủ đợi. Xin tín nữ hãy mang về để cửa thiền tĩnh
lặng!
Qua mấy
mùa Sen, người con gái ấy có trở lại bến sông để xuôi dòng tới làng Vân Du thăm
trà nhưng hỏi ngư dân cụ đò đâu thì không ai biết. Và cũng chẳng còn ai hay
làng Vân Du ở quãng nào trên sông.
Lương Minh Giang
Từ trang QGHCUC
No comments:
Post a Comment