Wednesday, January 14, 2015

Bài Thơ Đánh Phá Thơ Phùng Quán - Phạm Thắng Vũ


Bài Thơ Đánh Phá Lời Mẹ Dặn Của Thi Sĩ Phùng Quán
  
     Thi sĩ Phùng Quán (PQ) có 2 bài thơ nổi tiếng tên là Lời Mẹ Dặn và Chống Tham Ô Lãng Phí trong thời kỳ Nhân Văn-Giai Phẩm (NV-GP) tại miền Bắc Việt Nam (thời còn nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) thì ai cũng biết cả rồi. Các lý do để hình thành lên phong trào NV-GP (những năm ngay sau 1954 khi chính quyền Việt Cộng tiếp thu Hà Nội) và các cá nhân văn-nghệ sĩ cùng trí thức tham gia phong trào NV-GP cùng các biện pháp mà nhà cầm quyền đối phó lại (bao gồm cả giới văn-nghệ sĩ đứng về phe chế độ) thì ta cũng đã biết cả rồi, nên tác giả bài viết nầy (Phạm Thắng Vũ) cũng không nhắc lại nữa.
 
Lời Mẹ Dặn
 
Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc

- Con ơi
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.

- Mẹ ơi, chân thật là gì?

Mẹ tôi hôn lên đôi mắt

- Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu

Từ đấy người lớn hỏi tôi:

- Bé ơi, Bé yêu ai nhất?

Nhớ lời mẹ tôi trả lời:

- Bé yêu những người chân thật.

Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời.
In lên vết son đỏ chói.

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi giây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ

Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Lời Mẹ Dặn (LMD) ngay sau khi đăng trên báo Văn (số 21 ra ngày 27 tháng 9 năm 1957) thì không lâu sau đó trên báo Nhân Dân xuất hiện một bài thơ với tựa là: " Lời Mẹ Dặn " Có Phải Là Bài Thơ Chân Thật? (LMDCPLBTCT?) với từng câu dựa vào từng câu của bài thơ LMD để đánh trả lại cá nhân nhà thơ PQ.

Thực ra thì trên hết, nhà cầm quyền Hà Nội khi đó đàn áp phong trào NV-GP là đã ra mặt chống lại các đòi hỏi tự do về văn hóa, báo chí cùng tư tưởng mà các văn-nghệ sĩ chỉ muốn dùng ngọn bút để báo động, phê phán nền hành chánh quan liêu, tình trạng xã hội tệ hại sau vụ cải cách ruộng đất... Các tác phẩm của giới văn-nghệ sĩ trong phong trào NV-GP có gay gắt có dữ dội nhưng hoàn toàn không có ý muốn bạo loạn (lật đổ) chế độ. Văn-nghệ sĩ vẫn tin vào lãnh đạo (những người mới ngày nào đây còn chỉ đạo họ trong sáng tác) và lý thuyết Cộng Sản (là chính quyền mà họ đã đi theo từ khởi đầu cuộc chiến Việt-Pháp 1945-1954), một lý thuyết vẽ ra cảnh bình đẳng, không bất công, người bóc lột người... Nhưng tất cả họ đã lầm.
 
 
" Lời Mẹ Dặn " Có Phải Là Bài Thơ Chân Thật?
 
 

Có bạn đọc xong thơ " Lời Mẹ Dặn ",
Nghĩ không thông tìm đến hỏi tôi.
Rằng tác giả mượn lời thơ tuyên bố:
" Làm nhà văn chân thật trọn đời,
" Từ thuở nhỏ từng nghe mẹ dặn,
" In tấc son không dám trái lời:
" Yêu ai cứ bảo là yêu,
" Ghét ai cứ bảo là ghét,
" Thấy buồn muốn khóc là khóc
" Thấy vui muốn cười cứ cười ".
Vậy tác giả phải là người chân thật,
Xin cho nghe, cho biết rõ đầu đuôi?

Lời bạn hỏi không làm tôi đột ngột,
Bài thơ kia tôi đã đọc qua rồi.
Trước hãy nói đến tình yêu ghét,
Ghét với yêu là lẽ sống con người.
Mẹ muốn con thành người chân thật,
Cần khuyên con biết ghét yêu ai:
Phải yêu kẻ lòng ngay dạ thẳng,
Phải ghét quân bán nước buôn nòi.
Lòng yêu ghét phải như gương sáng,
Ví bằng không, bia miệng muôn đời.

Con bất hiếu thường trái lời mẹ dặn,
Rằng ghét yêu là quyền ở lòng tôi.
Nó ghét kẻ thầy hiền bạn tốt,
Nó yêu quân gái điếm cao bồi,
Ghét những người đáng yêu của thiên hạ,
Yêu những người đáng ghét của muôn người.
Quen học thói gà đồng mèo mả,
Hóa ra thân chó mái chim mồi.
Con hư hỏng, khuyên răn chẳng được,
Mẹ ê chề đau khổ khuôn nguôi.
Nên từ lúc con còn bé nhỏ,
Mẹ phải lo dạy dỗ cho rồi.
Dạy cho biết điều hay lẽ phải,
Ngay cả trong tiếng khóc câu cười.
Có lúc con tủi buồn khóc lóc,
Mẹ phải ru rát cổ khàn hơi.
Có lúc con reo cười đùa nghịch,
Bảo không nghe phải mượn đòn roi.
Kẻo rồi nữa tre già măng mọc,
Mẹ hiền đâu dám để buông trôi.

Trên thực tế người trong cuộc sống,
Nào mấy ai tùy tiện khóc cười:
Biết bao kẻ khi vui muốn khóc,
Lúc buồn tanh thì lại muốn cười.
Ngẫm mình thấy khóc cười vô lý,
Muốn reo như thông đứng giữa giời.
Biết bao kẻ cười ra nước mắt,
Buồn lại e rằng khóc hổ ngươi.
Cười khóc một khi không thực tế,
Thà cắn răng, mím miệng, dằn hơi.
Có những kẻ âu sầu khóc tủi,
Lệ chưa khô bỗng đã cười vui.
Khóc tủi những mong người tội nghiệp.
Cười vui cho được khách mê tơi.
Mục đích cốt tiền nhiều nặng túi,
Phương châm theo mật ngọt chết ruồi.
Ngoài miệng vẫn nói cười thơn thớt,
Mà không dao, nham hiểm giết người.
Ấy là bọn quen nghề bịp bợm,
Kiếm ăn trên tiếng khóc nụ cười.

Đoàn vệ quốc phất cao cờ quyết chiến,
Liều tử sinh nơi khói lửa tơi bời.
Họ chặt tay để xông lên mặt trận,
Họ đem mình ra lấp lỗ châu mai.
Khi chôn cất những người đồng đội,
Trong phút giây họ cũng ngậm ngùi.
Nhưng quyết không dừng chân sùi sụt.
Tiến lên theo nhịp hát vang trời.
Ai dám bảo họ thiếu chân thật?
Họ là người chân thật nhất đời!
Ai dám bảo họ là đất sét?
Họ là " người " hơn cả mọi người!
Họ đáp lời kêu gọi của Tổ quốc,
Vì nhân dân đổi khóc ra cười.
Cười với khóc muôn màu muôn vẻ,
Ghét hay yêu tùy việc tùy người.
Đâu có phải
" Yêu ai cứ bảo là yêu,
" Ghét ai cứ bảo là ghét.
" Thấy buồn muốn khóc là khóc,
" Thấy vui muốn cười cứ cười ".
Lời mẹ dặn chắc không ngớ ngẩn,
Từ nghìn xưa ai cũng thế thôi.
Nhưng có lẽ dặn khi còn nhỏ,
Nên nhà văn nay đã quên rồi;
Cũng có lẽ nhà văn xiên xỏ,
Viết văn ra cốt để bịp đời!

Nói đã hết, bạn tôi chưa thỏa mãn,
Còn mấy câu xin hỏi nốt mới thôi:
Câu:
" Sét đánh trên đầu không ngã,
" Đường mật công danh không làm ngọt lưỡi tôi,
" Bút giấy tôi đã bị người cướp giật,
" Tôi dùng dao mài đá viết văn chơi ".
Câu nói ấy có phải là chân thật,
Xin cho nghe cho biết rõ đầu đuôi?

Mấy câu nầy có phần lắt léo,
Chữ trong văn mà nghĩa xa xôi.
Nghĩa xa quá thành văn khó hiểu,
Nhưng ích chi mà nặn óc tìm tòi.
Theo lẽ thường: thì sét đánh không ngã,
Chắc trên đầu có cắm thu lôi;
Nếm đường mật lưỡi không biết ngọt,
Chắc ăn tham vị giác hỏng rồi.
Nghề bút giấy đã làm không trọn vẹn,
Thì dùng dao khắc đá cũng xoàng thôi!
Ý kiến tôi thế thì nói thế,
Đúng hay không xin bạn tự trả lời.

Tác giả bài thơ là Trúc Chi mà ở thời điểm đó (phong trào NV-GP) thì có nhà thơ Trúc Chi đang cư trú tại thành phố Hải Phòng. Ông nhà thơ nầy gốc dân miền Nam tập kết và cũng từng tiếp xúc với nhà thơ PQ mỗi khi có dịp ra Hà Nội. Khi đọc được bài thơ LMDCPLBTCT? trên báo Nhân Dân thì nhà thơ PQ đã xuống thành phố Hải Phòng để gặp và hỏi nhà thơ Trúc Chi cho ra nhẽ nhưng khi gặp hỏi thì không phải. Nhà thơ Trúc Chi nói với nhà thơ PQ: " Ông nghĩ tôi là cái hạng người nào mà đi làm mấy chuyện khốn nạn đó ". Nhà thơ PQ tìm mãi mà không biết ai là Trúc Chi của bài thơ LMDCPLBTCT? đến độ ông thuộc lòng tất cả bài thơ nầy, nói là quyết tìm cho ra tác giả là ai vì, ông cho là đời ông tan nát cũng vì cái ông Trúc Chi nầy chứ không ai khác. Tìm cho ra để biết thôi chứ cũng chẳng có ý gì.
Thực ra thì đọc 2 bài thơ ta dễ dàng thấy ở bài LMD mang tâm tình của một người mới lớn, vẫn còn là một cậu bé nhớ lời mẹ dặn khi xưa. Còn ở bài LMDCPLBTCT? thì rõ ràng là của một người có tuổi, từng trải việc đời qua các câu:
... Biết bao kẻ cười ra nước mắt,
Buồn lại e rằng khóc hổ ngươi.
Cười khóc một khi không thực tế,
Thà cắn răng, mím miệng, dằn hơi...


Nhà thơ PQ cũng đoán như vậy nhưng đành chịu vì một khi họ đã dấu tên thật của mình lại còn dùng bút hiệu của một nhà thơ khác khi đăng bài viết nầy trên tờ Nhân Dân. Chắc chắn cá nhân người có tên Trúc Chi nầy phải là một đảng viên Cộng Sản vì cứ lấy câu thơ:
" Cười với khóc muôn mầu muôn vẻ... Vì nhân dân đổi khóc ra cười ... " Nhưng tại sao người nầy lại dấu tên thật? Họ không dám để tên thật chắc là vì bài thơ LMD của nhà thơ PQ quá đúng và bài thơ họ phản bác chỉ rặt điều quy kết tàn ác, triệt tiêu ý tưởng của bài thơ LMD ngay từ khi nó mới xuất hiện trên trang báo Văn ở miền Bắc khi đó.

Nhà thơ PQ chịu chết, tìm không ra. Mãi cho đến năm 1989 thì chuyển ông tìm mới thỏa khi nhân được đọc tập thơ Một Đôi Vần (MDV) của Hoàng Văn Hoan (HVH) do nhà xuất bản Việt Bắc ấn hành (trong đó có bài thơ LMDCPLBTCT?) và ở trang đầu của tập thơ MDV có lời giới thiệu HVH chính là Trúc Chi. Trong thời kỳ NV-GP xẩy ra thi ông HVH là Ủy viên Bộ Chính Trị Đảng Lao Động Việt Nam. Biết được Trúc Chi là HVH rồi thì nhà thơ PQ vuốt râu ngâm nga (lúc nầy nhà thơ đã để râu dài và ông HVH đang sống tại Trung Quốc): " Anh Hoan ơi... Ai quen học thói gà đồng mèo mả. Ai hóa ra thân chó mái chim mồi... ".

Hoàng Văn Hoan (1905-1991) dân Nghệ An, là một nhà hoạt động chính trị từ thời Pháp thuộc, đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam từ những buổi còn sơ khai cho đến khi đảng nầy đoạt được chính quyền hoàn toàn trong các giai đoạn 1945-1954 rồi từ 1954 cho đến 1975. Từng giữ các chức vụ Thứ trưởng Quốc Phòng (năm 1945), Đại biểu Chính Phủ tại Liên Khu 4 (năm 1946), Đại sứ Việt Cộng tại Trung Cộng (từ năm 1950-1957), Bí thư Thành Ủy Hà Nội (năm 1961) và Phó Chủ Tịch Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Cộng (từ năm 1958 đến 1979). Nhân trong 1 chuyến bay sang Đông Đức chữa bệnh, khi máy bay quá cảnh tại thành phố Karachi (thuộc nước Pakistan) ngày 11 tháng 6 năm 1979 thì HVH đã đào thoát sang Trung Quốc và chết tại đó năm 1991.
Phạm Thắng Vũ
Feb 16, 2014

304Đen – Lượm mặt – Trang Vietland

No comments: