Kẻ xấu đã thắng trong cuộc
chiến Việt Nam
Tác giả: Uwe
Siemon-Netto
Người dịch: Trần Văn Minh
Người dịch: Trần Văn Minh
Bằng cách khuyến dụ, thuyết phục và khéo léo qua
mặt các thủ tục hành chánh, White đã tìm được một phương cách tuyệt vời để cứu
thoát 112 nhân viên Việt Nam của Ngân hàng Chase National Bank và những người
gia đình của họ: ông chỉ đơn giản nhận bảo trợ tất cả những người đó, trước sự
chứng kiến của các thẩm phán Mỹ đang làm nhiệm vụ khẩn cấp tại sân bay Tân Sơn
Nhất ở Sài Gòn. Trong khi đối mặt với thất bại sắp xảy ra của đồng minh Hoa Kỳ
là người Việt ở miền Nam, người công dân Mỹ này đã đạt được một chiến thắng tuy
nhỏ bé nhưng thật nổi bật.
Bốn ngày sau đó, vào ngày 30 tháng 4, xe tăng
T-54 của Liên Xô đã hoàn tất cuộc chinh phục của cộng sản đối với miền Nam Việt
Nam bằng cách cán qua cổng rào của dinh tổng thống ở Sài Gòn. Ở bên trong, Tổng
thống miền Nam, Việt Nam là ông Dương Văn Minh (Big Minh) đề nghị chuyển giao
quyền hành. Đại tá Bắc Việt Bùi Tín trả lời: “Không có chuyện chuyển giao quyền
lực… Ông không thể chuyển giao cái mà ông không có”.
Đối với tôi, một người Đức, những lời này nghe
có vẻ giống các điều khoản của Đồng Minh áp đặt lên đất nước chúng tôi năm
1945, khi tôi còn là một đứa trẻ: đầu hàng vô điều kiện. Sự trớ trêu là trong
khi vào cuối Đệ Nhị Thế chiến, một chính phủ rõ ràng là độc ác đã bị buộc phải
đầu hàng theo cách này, thì điều trái ngược lại xảy ra 30 năm sau ở Sài Gòn: một chế độ độc tài toàn trị với các đặc
điểm vô nhân đạo đến tận cùng đã uy hiếp một đối thủ nhân đạo hơn nhiều – mặc
dù có những khuyết điểm – vào tình thế đầu hàng vô điều kiện, và được thế
giới hoan hô.
Sau thời gian tường thuật về Việt Nam cho một
nhà xuất bản lớn nhất của Tây Đức trong khoảng thời gian 5 năm, tôi kết luận
rằng: Kẻ xấu đã thắng. Không có lý do gì để vui mừng.
Tuy nhiên, khi Tổng thống Gerald Ford tuyên bố tại Đại học Tulane ở New Orleans
rằng chiến tranh Việt Nam “đã chấm dứt, ít nhất là đối với Hoa Kỳ”, một tuần
trước khi miền Nam, Việt Nam cuối cùng đã bị tiêu diệt, ông đã nhận được sự
hoan hô nồng nhiệt.
Đáng lẽ ra các phản ứng này nên được kềm lại
trước số phận tăm tối của số lượng lớn những người Việt bị chuyển giao. Đối với
họ, hành trình tử nạn thực sự chỉ mới bắt đầu với chiến thắng của cộng sản.
Khoảng từ 200.000 tới 400.000 người đã bị chết chìm trong khi chạy trốn khỏi
đất nước của họ trên những chiếc thuyền đánh cá và thuyền chắp vá tạm bợ, theo
Cao ủy LHQ về người tị nạn. Khoảng 65.000 người đã bị hành quyết. Một triệu
người bị đẩy vào các trại tập trung, ở đó, 165.000 người bị tra tấn hay bị bỏ
đói đến chết. Trong số những người bị giết gồm có 30.000 người trong danh sách
tình báo viên của CIA bị sót lại tại tòa đại sứ, theo tường trình của National
Review.
Tính theo tỷ lệ, Ralph White thành công vượt
trội so với chính phủ Hoa Kỳ: anh đã đem được tất cả người của mình ra, như đã
dự tính khi anh tình nguyện chuyển từ Bangkok đến Sài Gòn để làm quyền tổng
giám đốc cho chi nhánh Chase ở Việt Nam hai tuần trước khi Sài Gòn thất thủ.
Trong báo cáo với cấp trên của mình tại Chase sau này, ông viết rằng “việc duy
trì mối liên lạc giữa ngân hàng Mỹ và tòa đại sứ để bảo đảm sự phối hợp chặt
chẽ trong kế hoạch di tản” là “mục đích duy nhất” cho sứ mạng của anh.
“Đọc lại báo cáo của mình làm cho tôi khá tự hào
về người đàn ông 27 tuổi này,” Ông White, người bây giờ là một nhà văn ở
Litchfield, Connecticut cho biết.
Gần bốn thập niên sau sự sụp đổ của miền Nam
Việt Nam, tôi gặp một câu chuyện cảm động về một công dân Mỹ dũng cảm và trung
thành với những giá trị của mình như bất cứ người lính nghiêm chỉnh nào.
Patricia Palermo là một cô gái tiếp viên hàng không tóc vàng của hãng máy bay
Pan Am từ Nebraska, tình nguyện làm tiếp viên trưởng cho các chuyến bay liên
tục từ Guam đến Sài Gòn, đưa “những chàng trai trẻ má hồng và tinh thần phấn
khởi” ra mặt trận, như cô nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Khi tôi
thấy họ một lần nữa 12 tháng sau đó, họ trông giống như những người đàn ông 50
tuổi. Nhiều người bị thương và tàn phế, một số bị đánh thuốc mê. Họ không được
phép lên máy bay cho đến khi sau những ‘người trở về’ khác đã được xếp vào khoang
hàng hóa – những người nằm trong quan tài kẽm”.
Palermo hiện đang sống ở New York, cho biết
trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng bà bị tác động tình cảm dữ dội về
các chuyến bay này đến nỗi bà đã loại ra khỏi tâm trí của mình cho đến năm
1980, khi bà xem trên truyền hình về tường thuật trực tiếp cuộc diễu hành đầu
tiên vinh danh các cựu chiến binh Việt Nam. “Tôi lập tức lao ra khỏi nhà và
cùng tham gia”, bà nhớ lại.
Phần đáng ghi nhớ nhất trong sự nghiệp hàng
không của mình trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, khi Pan Am đem ít
nhất 2.000 trẻ sơ sinh, hầu hết là người Mỹ gốc Á đang chờ được nhận làm con
nuôi ở Hoa Kỳ, ra khỏi Sài Gòn. “Chúng tôi không được phép rời khỏi máy bay vì
hỏa lực địch, nhưng chúng tôi có thể thấy một số bà mẹ tuyệt vọng ném con em
của họ qua hàng rào tại Tân Sơn Nhất để được phi hành đoàn chúng tôi đưa đến
nơi an toàn. Tôi nhớ một ai đó đưa cho tôi hai em bé giấu trong một cái giỏ.
Một lần tôi đếm được hơn 400 trẻ sơ sinh trên chiếc máy bay Boeing 747 của
chúng tôi. Trẻ sơ sinh ở khắp mọi nơi, ngay cả trong các ngăn để hành lý phía
trên chỗ ngồi, và chúng nó rất yên lặng, luôn luôn yên lặng…. “
Tôi đã chứng kiến sự sụp đổ của Sài Gòn trên
truyền hình trong căn chung cư của tôi ở Paris với nỗi đau buồn và tức giận vô
cùng. Tôi ngạc nhiên trước việc thi hành hoàn hảo Chiến dịch Gió lốc, đã di tản
1.373 người Mỹ cuối cùng, cộng với 5.595 người Việt Nam và người các nước khác,
chủ yếu bằng máy bay trực thăng từ một bãi đáp trên nóc nhà của văn phòng tùy
viên quân sự ở Tòa Đại sứ Mỹ ngày 29 và 30 tháng 4. Tôi đã ở đó bảy năm trước trong dịp Tết Mậu Thân và
theo dõi từ bên kia đường cuộc tấn công bị đánh bại của cộng sản vào Tòa Đại
sứ. Bây giờ họ sắp sửa chiến thắng; vì thế tôi đau buồn.
Tuy nhiên, cơn giận của tôi chủ yếu hướng về các
sinh viên và trí thức, những người cổ vũ chiến thắng của cộng sản là một hành
động giải phóng. Họ hành xử như thế ở khắp mọi nơi: bên kia sông Seine ở Bờ
trái; ở đất nước của tôi, Tây Đức; và ở Hoa Kỳ.Chứng kiến một biển cờ Việt
Cộng màu xanh đỏ trên TV làm cho tôi cảm thấy muốn mửa, bởi vì đối với tôi, những màu sắc này tiêu
biểu cho các vụ thảm sát tàn khốc mà tôi đã chứng kiến ở Việt Nam.
Chẳng hạn như, một đêm ở Tây Nguyên, tôi đã tình
cờ gặp những xác chết bị chặt chân tay của một ông xã trưởng, vợ ông và 12 đứa
con của họ, tất cả đã bị các tay sai cộng sản tra tấn. Theo như những người dân
làng nói với tôi, gia đình đó đã bị giết
chết bởi vì ông xã trưởng vẫn trung thành với chính quyền Sài Gòn. Đó là
vào năm 1965. Trong năm 1967 là năm bầu cử, Việt Cộng đã thi hành ít nhất
100.000 hành vi khủng bố như thế chống lại dân thường để ngăn cản họ không đi
bỏ phiếu.
Khi xướng ngôn viên Pháp thông báo sự kết thúc
của miền Nam Việt Nam, tự nhiên tôi với lấy một cuốn sách nằm trên bàn cạnh
giường ngủ của tôi ở khách sạn Continental Palace ở Sài Gòn và tôi mang theo
tới Paris: “Hai nước Việt Nam”. Tôi đã từng gặp tác giả cuốn sách, nhà khoa học
chính trị Pháp Bernard B. Fall, nhiều lần ở Sài Gòn và Washington trước khi ông
bị giết bởi một quả mìn Việt Cộng. Đối với tôi, ông là một trong những chuyên
gia sắc bén nhất về Đông Dương. Một đoạn trong cuốn sách của ông đã ám ảnh tôi
từ đó đến giờ. Fall trích lời một chiến lược gia chủ yếu của Bắc Việt, Đại
tướng Võ Nguyên Giáp, đã qua đời ngày 4 tháng 10 [năm 2013] ở tuổi 102, nói với
các chính ủy của một trong những sư đoàn của ông: “Kẻ thù (có nghĩa là phương
Tây) … không có… các phương tiện tâm lý và chính trị để chống lại một cuộc
chiến tranh kéo dài”.
Giáp chưa bao giờ nghi ngờ khả năng quân sự của
Mỹ, nhưng tin rằng ông đã tìm thấy gót chân Achille của hệ thống dân chủ, như
Fall giải thích: “Trong tất cả các khả năng, Giáp kết luận, công luận trong các
nền dân chủ sẽ đòi hỏi chấm dứt sự ‘đổ máu vô ích’, hay cơ quan lập pháp của họ
sẽ yêu cầu được biết trong bao lâu nữa họ sẽ phải bỏ phiếu gia tăng không ngừng
tín dụng khi không có một chiến thắng rõ ràng trước mặt. Đây là những điều luôn
luôn bắt ép các nhà lãnh đạo quân sự của các quân đội dân chủ phải hứa hẹn một
kết thúc nhanh chóng cho cuộc chiến – để ‘đưa các chàng trai về nhà vào dịp
Giáng sinh’ – hoặc buộc các chính trị gia dân chủ phải đồng ý với hầu hết các
loại thỏa hiệp nhục nhã, thay vì chấp nhận ý tưởng về chiến dịch chống du kích
bán thường trực”.
Phải chăng sự thể thảm khốc này nảy sinh từ thất
bại của Washington trong việc đáp trả, như đã hứa, “với lực lượng quân sự đáng
kể” đối với bất kỳ vi phạm nào của Bắc Việt trong việc thi hành Hiệp Định Paris
1973, tôi tự hỏi? Hiệp định đã cho phép Hà Nội giữ lại 80.000 quân chính quy ở
miền Nam, nhưng không có gì xảy ra khi con số đó tăng lên đến 200.000. Khi thảm
kịch Việt Nam diễn ra quá tàn khốc, tôi cũng tự hỏi làm thế nào chúng tôi trong
giới truyền thông, bao gồm đại đa số trong chúng tôi không đứng về phía Việt
Cộng (một cách công khai hay âm thầm), đã không làm cho độc giả của chúng tôi
nhận ra những bằng chứng không thể chối cãi nhất, rằng hầu hết người dân miền
Nam không bao giờ ủng hộ cộng sản: từ đầu, chúng tôi, các phóng viên, đã nhìn
thấy họ chạy trốn Việt Cộng.
Họ chạy trốn không phải vượt qua sông Bến Hải
vào Bắc Việt, cũng không vào cái gọi là vùng giải phóng – “giải phóng” bởi
những người cộng sản. Cho đến cuối cùng, những người tị nạn đổ xô về phần thu
hẹp của đất nước dưới quyền kiểm soát của Sài Gòn; 2 triệu người đổ vào thành
phố Đà Nẵng. Những con đường về Sài Gòn đã quá đông đúc với những gia đình chạy
trốn đến nỗi làm chậm lại bước tiến quân của Bắc Việt, và khi mọi chuyện lắng
dịu, “thuyền nhân” không những ra đi từ phía Nam với số lượng khổng lồ mà còn
từ các cửa khẩu phía Bắc. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam có một cuộc di
cư hàng loạt khỏi đất nước như vậy – không phải trong những ngày dưới quyền
Trung Hoa, Pháp hay Mỹ. Và điều này được cho là giải phóng? Bằng
cách nào đó, lúc đó tôi nghi ngờ và bây giờ đã tin, lối lập luận đó là một
trong những thiệt hại của chiến tranh Việt Nam. Và cũng như sự trung thực trí
thức.
Một hình ảnh lóe sáng trên màn hình TV ở Paris
đã ghi khắc trong tôi nhiều thập niên vì đã đâm sâu vào suy tư của tôi. Hình
ảnh cho thấy Phó Tổng thống Miền Nam Nguyễn Cao Kỳ đang cầm lái chiếc trực
thăng UH-1A (Huey) hạ cánh trên boong của hàng không mẫu hạm USS Midway. Tôi đã
được biết ông Kỳ khá rõ và thích ông. Đúng thế, ông là tướng lãnh hào nhoáng
của Không lực Việt Nam, một con công như nhiều nhà quân sự trong suốt lịch sử.
Nhưng ông không phải là anh hề quanh co như thường được mô tả.
Sáu năm trước, tháng 5 năm 1969, Kỳ và tôi đã đi
du hành với nhau từ Paris đến vào Sài Gòn, nơi tôi làm phóng sự về các cuộc đàm
phán hòa bình của Việt Nam và ông dẫn đầu đoàn đại biểu Sài Gòn. Cuộc trò
chuyện giữa chúng tôi lủng củng một cách bất thường, có lẽ bởi vì cả hai chúng
tôi biết rằng mọi chuyện đã không diễn ra tốt đẹp ở Paris cho phía của ông; rõ
ràng là một nhận thức sai lầm ở Hoa Kỳ và các nơi khác về Tết Mậu Thân năm 1968
đã phá vỡ ý chí của Mỹ để mang cuộc xung đột này đến một kết luận chiến thắng.
“Nhưng chúng tôi đã thắng vào dịp Tết!” Kỳ nổi
giận. “Tại sao người Mỹ nghĩ khác đi?”
Tôi trả lời: “Tôi biết, thưa Thiếu tướng, tôi ở
Huế trong thời gian ông giành chiến thắng. Nhưng công chúng tại Hoa Kỳ và Âu
châu đã nhận được thông tin khác nhau”.
Tại Huế, tôi đã đứng bên mép một ngôi mộ tập thể, chứa thi thể của ít
nhất 1.000 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị những người cộng sản tàn sát. Một
nhóm truyền hình Mỹ lảng vảng quanh hiện trường một cách vô định. “Tại sao bạn
không quay phim cảnh này?” Đồng nghiệp của tôi, Peter Braestrup, báo The
Washington Post, hỏi họ. Người quay phim của họ trả lời: “Chúng tôi đến đây
không phải để tuyên truyền chống cộng sản”.
Tôi đã nói với Kỳ điều này, và ông ta đã không
bình luận. Ông ta biết tôi biết rằng chiến thắng quân sự của Mỹ và VNCH vào dịp
Tết đã bị biến thành một thất bại chính trị khi Walter Cronkite tuyên bố chiến
tranh không thể thắng trên CBS trong một chuyến thăm ngắn sau Tết. Điều này
trái ngược hẳn với những gì nhiều người trong chúng tôi, phóng viên chiến
trường, đã chứng kiến và tường thuật từ Huế. “Nếu tôi mất Cronkite, tôi mất
Trung Mỹ”, Tổng thống Lyndon B. Johnson được cho là đã nói như thế. Tôi chia sẻ
cảm giác mất mát của Tổng thống và không bao giờ tha thứ thần tượng Cronkite về
hành động bất cẩn báo chí của ông.
Ông Kỳ nhìn chằm chằm vào cánh cửa dẫn đến buồng
lái của chiếc máy bay Air France.
“Tại sao ông cứ nhìn vào đó?” Tôi hỏi ông.
“Tôi chỉ muốn trở lại làm một phi công,” ông nói
khẽ.
Cuộc chạy thoát của ông đến Midway bằng chiếc
Huey đánh dấu sự nghiệp bay của ông kết thúc.
Một vài năm trước đây, tôi dạy một lớp báo chí
cao cấp tại Đại học Concordia, Irvine, California. Chúng tôi tập trung vào cộng
đồng tị nạn người Việt lớn mạnh và thành công tại Quận Cam. Sinh viên Kellie
Kotraba, bây giờ là một nhà báo thành công ở Missouri, đã xem qua nghiên cứu
của một nhóm gồm tám nhà nghiên cứu nổi tiếng dẫn đầu bởi bác sĩ tâm thần
Richard F. Mollica của đại học Harvard, có tiêu đề “Sự bất thường cơ cấu não bộ
và di chứng sức khỏe tâm thần nơi những cựu tù nhân chính trị miền Nam Việt
Nam, những người đã sống sót sau chấn thương đầu và tra tấn”.
Nghiên cứu, được Hiệp hội Y khoa Mỹ công bố, cho
thấy hàng ngàn tù nhân chính trị trước đây hiện đang sống tại Hoa Kỳ vẫn phải
chịu đựng nặng nề từ hậu quả của tra tấn gây ra cho họ trong thời gian bị giam
cầm nhiều thập niên trước đây. “Phải trên 100.000 người như họ,” Mollica nói
với Kotraba, người sau đó đã yêu cầu Tòa Đại sứ Việt Nam tại Washington bình
luận. Cô nhận được một lời từ chối qua điện thư từ tùy viên báo chí của Tòa Đại
sứ, Tùng Phạm, với lời lẽ: “Thông tin nói rằng các tù nhân của trại cải tạo
(sic) đã (sic) bị tra tấn là hoàn toàn không đúng sự thật”.
Chuyện này chẳng có gì lạ. Đáng ngạc nhiên hơn
là một thực tế rằng các nghiên cứu của Mollica ít được chú ý trong giới truyền
thông Mỹ khi nghiên cứu được công bố năm 2009, và khi tôi cung cấp những câu
chuyện hấp dẫn của Kotraba cho nhiều nhà xuất bản, các biên tập viên của họ
không mấy thích thú.
Tôi tự hỏi: tại sao các biên tập viên Mỹ làm ngơ
trước thông tin về sự khổ đau ở quy mô lớn như vậy đang xảy ra, hậu quả của
cuộc chiến tranh Việt Nam? Có một sự tương đồng mạnh mẽ giữa những gì đã xảy ra
ở một số trong 300 ngục tù cộng sản ở Việt Nam với các trại tập trung ở vùng
chiếm đóng của Đức Quốc xã ở Âu châu. Tôi vừa đọc xong một bản dịch tiếng Pháp
về trường hợp của Cha Andrew Nguyễn Hữu Lễ, một linh mục Công giáo hiện đang
sống ở New Zealand, về 13 năm của cha trong điều kiện giam giữ của cộng sản,
2.020 ngày cha trải qua trong cùm sắt – gây ra những vết thương mưng mủ với
giòi bọ nảy nở.
Trong “Je dois vivre” (“Tôi phải sống”), Lễ mô
tả chi tiết khủng khiếp như thế nào về bạn tù Đặng Văn Tiếp, một cựu đại úy quân
đội VNCH và là thành viên của Quốc hội, đã bị giết chết trong sự vui mừng của
đám đông quan chức cộng sản và vợ con họ hò hét đầy phấn khích. Ông bị bắt buộc
phải uống một lượng lớn nước. Sau đó, tù nhân tay sai Bùi Đình Thi, cai tù tàn bạo nhất trong trại tù Thanh Cẩm, nhảy lên bụng của Tiệp
cho đến khi nổ tung và ruột đổ ra ngoài. Tiệp chết.
Thi từng là một đại úy trong quân đội VNCH. Kẻ
bị giam cầm tại Thanh Cam gọi ông là “Kapo”, một thuật ngữ được sử dụng cho
những “kẻ được tin dùng” trong các trại tập trung của Đức Quốc xã. Giống như
một số cựu Kapo Đức Quốc xã, ông đã tới Hoa Kỳ. Ông đã bị phát hiện tại Garden
Grove, California, bị bắt giữ và bị trục xuất.
Theo tin tức sau cùng, ông sống ở quần đảo Marshall.
Trong cuốn sách của mình, Lễ mô tả các nỗi ám
ảnh thường xuyên của ông, trong đó gồm đau bụng dữ dội. Nỗi ám ảnh là một triệu
chứng mà nhiều cựu chiến binh Mỹ biết quá rõ. Khi tôi làm việc với vai trò
tuyên úy tập sự trong số những người này tại các trung tâm y tế Cựu Chiến binh
ở St. Cloud, Minnesota, Tôi đã gặp một người làm bánh từ St. Paul, ông có cơn
ác mộng cứ tái diễn. Mỗi ngày, ông mơ màng về một sự kiện gần Đà Nẵng. Ông đang
ngồi ở ghế sau của một chiếc xe tải quân sự và thấy một cậu bé kéo chốt một quả
lựu đạn, sẵn sàng liệng vào xe tải, có lẽ sẽ giết chết toàn bộ tiểu đội.
Người lính đã giết đứa trẻ. Nhưng rồi, đêm đêm,
ông nhìn thấy khuôn mặt méo mó của cậu bé đã chết. “Đứa bé ấy khoảng 8 tuổi,”
người cựu chiến binh nói, “bây giờ tôi có con sinh đôi và trong giấc mơ của
tôi, khuôn mặt của đứa trẻ khoác lên hình ảnh con tôi”. Đây là một trong những
câu chuyện buồn nhất tôi được nghe trong thời gian tập sự của tôi, đó là một
phần của giáo dục thần học mà tôi đã bắt đầu vào khoảng giữa đời, có lẽ để trả
lời cho những kinh nghiệm làm phóng viên ở Việt Nam.
Nhưng có điều gì đó tồi tệ hơn mà tôi tìm thấy
trong số những cựu chiến binh Việt Nam: hầu hết mỗi thành viên của ba nhóm chăm
sóc mục vụ mà tôi hướng dẫn, cùng với một nhà tâm lý học, đã bị xem là một kẻ
sát hại trẻ em trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi từ giã chiến tranh. Một người
thậm chí còn được yêu cầu không trở lại nhà thờ cho đến khi tóc của ông mọc trở
lại, và xin xuất hiện trong bộ quần áo dân sự.
Hầu hết những người trong nhóm của tôi tin vào
Thiên Chúa, nhưng nghĩ rằng Chúa đã bỏ rơi họ ở Việt Nam. Vì vậy, họ đã “quẳng
Chúa đi”, theo kiểu họ gọi. Tôi đã viết một luận án thần học cho các cựu chiến
binh Việt Nam với tựa đề “Sự tha thứ của Chúa”, nhắc nhở họ về cái nhìn sâu sắc
của nhà thần học tử đạo người Đức Dietrich Bonhoeffer. Ông nói rằng loài người
được kêu gọi để “chịu đau khổ với Chúa trong một thế giới vô thần”, mà trong
trường hợp của họ hàm ý Chúa đang đau khổ với họ và luôn hiện diện với họ trong
đau khổ – cả ở Việt Nam và sau khi họ trở về. Vì vậy, Chúa không bỏ rơi họ
nhưng là người cùng chịu đau khổ với họ. Nhiều người trong số bệnh nhân tìm
thấy ý nghĩ này hấp dẫn.
Cho đến hôm nay, tôi nghe các cựu chiến binh
Việt Nam hỏi: “Phải chăng sự hy sinh của chúng ta vô ích?” Là một phóng viên
chiến trường lớn tuổi, tôi không thể trả lời câu hỏi này một cách sáng tỏ.
Nhưng là một nhà thần học tôi có câu trả lời. Trong bài tiểu luận nổi tiếng,
“Ngay cả binh lính cũng có thể được giải thoát”, Martin Luther so sánh công
việc của binh sĩ với bác sĩ giải phẫu, có thể phải cắt bỏ chân tay của bệnh
nhân để cứu các phần còn lại của cơ thể. Thông thường bệnh nhân chết trong vài
ngày hoặc vài tháng sau khi phẫu thuật. Nhưng liệu điều này có nghĩa là ca giải
phẫu vô ích?
Là một phóng viên chiến trường, tôi thấy đại đa
số các binh sĩ Mỹ và Việt Nam tận tình với công việc phục vụ người khác. Kẻ xấu
đã thắng; điều này là sự thật. Là một nhà thần học, tôi phải nói thêm: con
người không phải là chủ thể của lịch sử, và lịch sử luôn luôn rộng mở cho tương
lai. Có thể sẽ mất nhiều thập niên nữa
cho đến khi chúng ta nhìn thấy sự hy sinh của những người lính ở Việt Nam (thời
xưa) đơm hoa kết trái và chế độ cộng sản biến mất, như các chế độ độc tài khác
đã từng biến mất trong quá khứ. Có lẽ tới khi đó, thế giới sẽ khám phá ra rằng máu
của người Mỹ và các đồng minh đổ ra ở Việt Nam trở thành hạt giống của một
chiến thắng đặc biệt hơn chiến thắng mà họ đã bị từ chối ngày 30 tháng 4 năm
1975.
304Đen – Lượm lặt -Trang Ba Cây Trúc
No comments:
Post a Comment