Thursday, January 22, 2015

Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu (Chương Chín & Mười) - Thuyên Huy


Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu
 
 
 
 
Chương Chín

 
    Hiệp định Ba Lê, sau những năm bàn thảo giữa người Mỹ và chính quyền Bắc Việt, rồi VNCH được chính thức ký kết tháng giêng năm 1973. Bắc quân có phần lợi thế hơn VNCH trong cái văn bản bất đắc dĩ phải ký này. Trước áp lực chính trị và quyền lợi riêng tư của các nước phương Tây, trong thế yếu miền Nam đành chịu mất đi một phần đất, vùng giáp ranh biên giới Miên và Lào, từ Bình Long lên đến Bình Định Quãng Nam, Quãng Trị. Chiến trận có đôi phần tạm dịu xuống những ngày sau đó, Sài Gòn lại tiếp tục sống nhưng xem ra vội vã hơn. Nhóm Thành phần thứ ba Lý Quý Chung, Ni Sư Huỳnh Liên, Linh Mục Chân Tín ... lại xuất hiện, đòi thi hành đứng đắn tinh thần hiệp định Ba Lê, đòi lập chánh phủ ba thành phần để tìm giãi pháp chính trị cho miền Nam, chánh phủ VNCH ra lệnh bắt giam nhưng rồi phải thả vì áp lực nước này nước nọ. Bắc Quân cùng đồng bọn, trong đó có Nga Sô, Trung Cộng, ngưng tấn công, nhưng vẫn âm thầm chuyển quân, xây dựng hậu cứ trong phần đất mà họ chiếm theo ngôn từ ngưng bắn tại chỗ của tờ hiệp ước và dọc theo đường Trường Sơn. Quân VNCH bó tay trong thế thủ. Tình hình chánh trị miền Nam lúc bấy giờ rối bời còn hơn những năm đảo chánh.

    Luân đậu Cử nhân luật đầu mùa hè năm đó, cùng năm với Hân tốt nghiệp dược sĩ. Hân về lại Tây Ninh, mở tiệm thuốc Tây trên đường Trần Hưng Đạo, con đường mà ngày xưa cô nàng làm dáng thả áo dài bay mỗi chiều về, làm anh chàng Toàn chết mê chết mệt thuở còn đi học. Anh Hưng gởi Luân đến tập sự tại văn phòng của một người bạn luật sư ở góc đường Lê Thánh Tôn trong mấy tháng hè. Tựu trường trở lại, xuống Cái Nhum chưa trọn mấy ngày thì nhận được điện tín của chị Quỳnh, gọi Luân về Sài Gòn gấp vì anh Hưng có chuyện cần bàn.

Anh Hưng đưa Luân đi gặp một số người quen suốt hai ba hôm, trong đó hầu hết là bạn bè của anh, đang giữ chức vụ khá cao trong ngành tư pháp, có cả ông thầy đở đầu đang là Thẩm phán Tối Cao pháp viện. Bận bịu với sự sắp xếp của anh Hưng, Luân không buồn đến tìm Toàn mặc dù đang ở Sài Gòn. Buổi chiều từ toà án về, anh Hưng cho biết Luân được chọn vào học khoá Công Tố Viên do Nha Công Tố tổ chức. Luân ôm chầm lấy anh rưng rưng nước mắt. Chị Quỳnh cũng không cầm được mũi long.
 



   
    Luân xuống Vĩnh Long, nộp đơn xin phép nghỉ việc với Nha Tiểu Học qua bác Trưởng Ty. Đón xe đò đi Cái Nhum, từ giã mấy người bạn dạy cùng trường, đám học trò ngây thơ, tóc tai thơm mùi ruộng lúa. Từ giã người quen bên này và bên kia sông, sẽ không còn cơm canh chua cá lóc. Luân cũng không quên chào cô gái trong quán nước bến đò đã không tính tiền ly trà đá. Lần cuối trên chuyến xe đò cũ quen về Vĩnh Long, Luân cám ơn người chủ nói lời giã biệt, từ nay bà không còn phải dành sẵn chỗ cho Luân mỗi chiều tan trường. Luân xuống Bắc Mỹ Thuận, theo phà qua sông lần cuối, con sông đục ngầu phù sa bên lở bên bồi, lặng lờ như ngày Luân mới tới. Rồi Luân về lại Tây Ninh không cần ai chờ ai đợi. Hàng dừa sau lưng chợ cá phía bên này cầu già nua, không đủ che nắng cho con sông chia đôi thành phố nửa trong nửa đục. Hàng chữ Tòa Hành Chánh, bằng xi măng, trên cổng vào tỉnh đường, trốc sơn vàng vỏ vẫn còn đó không ai buồn sơn phết lại. Công viên lưa thưa vài cụm hoa cuối mùa nở muộn. Hàng phượng quanh trường thiếu hoa, xanh xanh một màu lá. Luân đứng lặng im, chung quanh vẫn là cảnh cũ nhưng không còn mấy người xưa. Luân ghé thăm Hân và gia đình ngay khi vừa xuống xe rồi qua nhà anh Hùng, anh giờ mang lon Trung uý trông cũng oai ra phết, cả nhà hỏi han đủ mọi chuyện. Sương, em gái anh Hùng, giờ cao lớn và đẹp hơn xưa, cuối năm nay thi tú tài chớ còn nhỏ nhắn gì nữa đâu, chắc là cũng có anh chàng nào đó lẽo đẽo theo về. Anh Hùng lấy xe honda chở Luân vào bà Cô, bà rầy cho một trận rồi ngậm ngùi chùi nước mắt. Xế chiều Luân ghé tiệm cơm thăm hai bác sáu Biếu. Tiệm cơm vẫn như xưa, chị Ánh đã thôi việc hơn năm qua, lấy chồng về miệt Củ Chi, hai bác không tìm người thay. Bác trai đầu bạc trắng như bông bưởi. Hai bác ôm Luân mừng mừng tủi tủi, trách  sao đi mà không cho hai bác biết tiếng nào. Luân ngủ lại nhà anh Hùng đêm đó, sáng hôm sau, Luân đưa Sương tới trường rồi mượn xe honda vào chợ Thương Binh thăm ông nội của Hòa. Buổi trưa, sau khi mua vé xe đò về Sài Gòn chuyến chót, Luân định rủ anh Hùng đi ra nhà Định ở ngã ba Giang Tân, anh Hùng cho biết Định vào không quân, đi Mỹ học lái trực thăng, về nước bay cho không đoàn hai, chết vì hoả tiển Sam trong trận chiến Bồng Sơn cuối năm rồi. Bạn bè bọn Luân đếm không mấy đứa giờ đã vĩnh viển ra đi hơn phân nửa. Anh Hùng, Sương và Hân, đưa Luân ra bến xe. Lần này Luân từ giã Tây Ninh có người đưa người tiễn.

    Từ tòa án ra, thấy còn hơn một tiếng đồng hồ nữa mới tới giờ hẹn Toàn đến đón, Luân thả bộ dọc theo đường Lê Thánh Tôn, ngược lên hướng Tòa Đô Chánh, nhìn người buôn người bán cho vui. Hàng cây me hai bên để lá vàng mặc tình rơi trên vai, vương trên tóc ai đó vội vã qua đường, trong cái nắng chiều xuống muộn. Sài Gòn vẫn chưa có mưa. Mãi mê nhìn mấy cái áo kiểu trong cửa kiếng của một tiệm quần áo, đầu ngõ vào thương xá Tam Đa, không kịp đèn xanh nên đành đứng nán lại, Khánh Tường từ phía Lê Lợi đi lên trố mắt nhìn Luân kinh ngạc:

- Anh Luân, về hồi nào mà không cho ai hay biết gì hết vậy?

Luân cười làm như thật:

- Mới về trưa nay, buồn quá xin phép nghỉ dạy vài hôm !

Khánh Tường nhìn Luân ngờ ngợ, Luân cũng không nói thêm gì. Từ ngày chuyển về Vĩnh Long, Luân không cho Khánh Tường biết tin. Khánh Tường không còn dạy ở Nhà Bè, đã cải ngạch giáo sư trung học về dạy môn Việt văn lớp tám trường trung học Thủ Đức, gần hồ tắm Ngọc Thủy. Sợ Toàn chờ, Luân cùng Khánh Tường trở lại Tòa Án, Khánh Tường trách móc thật lòng:

- Anh ác và vô tình quá, đổi về trường khác mà không cho Khánh Tường hay một tiếng.

    Luân tìm cách dối quanh cho Khánh Tường yên lòng, thật ra anh đã quên lững cô ta một cách hết sức không ngờ trong những ngày ở Vĩnh Long. Luân không dám làm một sự lựa chọn, vì sự lựa chọn nào cũng có ít nhiều mất mác. Luân đứng chơi vơi giữa đôi bờ vực tình. Toàn ngồi trên xe honda chờ, khi Luân và Khánh Tường trở lại. Họ gởi xe cho chỗ gởi ngay bên lề Thư Viện, rồi kéo nhau vào cái hẻm nhỏ bên cạnh rạp Casino ăn bánh canh bột lọc, ngồi nói chuyện khào với nhau. Trời tuy về chiều nhưng còn nhiều nắng, thấy Khánh Tường có vẻ bịn rịn, không muốn chia tay, Toàn bỏ về trước. Luân ngồi lại ở đó rất lâu, hình như phố xá ngoài kia đang chuẩn bị lên đèn. Khánh Tường nhắc những ngày đầu, cái nhìn trộm đầu tiên khi gặp Luân lang thang trong sân trường Sư phạm, rồi cái nhìn không ngỡ khi hai người cùng vào chung một lớp. Khánh Tường đã mến đã yêu  từ hôm đó, nhưng đến gần cuối năm mới ngài ngại ngỏ lời. Không phải Luân không biết nhưng anh đã cố vội vô tình khi bóng Hiên vẫn là một phần lẽ sống của đời mình. Luân dặn lòng, xem Khánh Tường như một người bạn thân. Luân đã chia đời làm đôi ngả rẽ, một nẻo đi xa và một nẻo về gần. Như một cơn mơ vừa chợt tỉnh, Khánh Tường nói thật lâu về mớ kỷ niệm vui ít buồn nhiều từ những ngày quen Luân, trong đôi mắt đỏ cay , nhìn mông lung bên, Khánh Tường bảo sẽ chờ Luân dù phải chờ trong xót xa. Lòng chợt buông xuôi, Luân nắm nhẹ tay Khánh Tường ngậm ngùi không nói. Khánh Tường đưa Luân về nhà Toàn, con đường Trần Quốc Toản, hình như đêm nay không chịu dài thêm dăm bước nữa.

 
Chương Mười

 

    Sáng chủ nhật, trời mưa trút nước, một màu trắng xóa như sương, từ Khánh Hội mưa qua, từ Hàng Xanh mưa lại. Đường phố vắng tanh không bóng người, một vài chiếc xích lô đạp, bó mình che mưa trong tấm vải ni lông bạc màu, mỏi sức vượt mưa không ai đón. Dạo này, Toàn thường không ở Sài Gòn những ngày cuối tuần, anh chàng về phụ Hân trên Tây Ninh. Hai người chuẩn bị làm đám cưới sau khi Toàn ra trường. Nhà không còn ai, chị Hương về Vên Vên từ chiều thứ sáu, sau khi tan sở. Giữa trưa, không đợi mưa tạnh hẳn, Luân lấy xe honda vào bênh viện Saint Paul, thăm chị Quỳnh mới vừa sinh thằng con trai kháu khỉnh. Vì sinh con đầu lòng còn hơi yếu, nên anh Hưng dể chị nằm lại vài ngày. Luân ngồi bên giường nói chuyện không đâu với chị, bác gái và chị Trang, hai mẹ con giành nhau bồng bế thằng cháu. Bỏ chị Trang ở đó, Luân chở bác gái về nhà lo cơm nước rồi vòng qua đường Hai Bà Trưng, xuống chợ Sài Gòn mua một vài thứ lặt vặt mà chị Hương dặn. Thơ thẩn vòng quanh mấy cái quán bán băng nhạc trên đường Nguyễn Huệ, nghe thử đủ giọng ca mà vẫn chưa lựa được cuốn nào. Mưa xuống xong, trời dịu đi không còn nóng, gió từ hướng sông bến Bạch Đằng thổi lên mát cả môi mắt người đi.
 
 



   
    Luân băng ngã tư, ngược lên Quốc Hội, vài ba anh sĩ quan Dù đứng hỏi đường mấy cô gái đi qua, trước phòng Thông Tin Đô Thành. Không biết có được chỉ đúng chưa, họ vẫn loanh quanh ở đó nhìn lên nhìn xuống. Đường vắng người, Luân khẽ gật đầu chào trước khi định bước nhanh qua bên kia cho kịp đèn xanh, có tiếng một trong mấy anh này gọi tên Luân, anh khựng người quay đầu lại. Thanh, thằng bạn nhà nghèo thân của Luân, ở ấp chợ Trà Vỏ đang đứng sững sờ trong quân phục sĩ quan Dù. Thanh là con trai lớn của bác Bảy lò rèn, cùng học chung từ lớp năm tới lớp nhất. Cái chái nhà tranh mưa dột nắng hở, có lò lửa nóng nung người là nơi mà bọn Luân đã nướng khoai lang khoai mì còn sót lại cuối mùa, trong những buổi sáng lạnh rung, chờ trống vào học điểm. Ly nước mía thèm thuồng, không đủ tiền phải chia làm hai trong những ngày chợ phiên nắng gay nắng gắt. Trái xoài hoang rụng đầu rừng, mỗi lần mưa giông tới cũng đã cắn đều, miếng một miếng hai.

Luân đưa Thanh về nhà, hai thằng nói cho nhau nghe không biết bao nhiêu là chuyện. Ngày Luân lên trường trung học tỉnh, Thanh theo ba má về Gò Dầu Thượng. Thanh không có dịp lên tỉnh, Luân cũng chẳng có lúc xuống Gò Dầu, cho nên họ đã không gặp nhau từ đó. Thanh đậu tú tài một, rồi tình nguyện vào Võ Khoa Thủ Đức trước anh Hùng một khóa. Ra trường chọn binh chủng Dù, ra trấn đóng mãi tận Triệu Phong, Quảng Trị. Lên Trung Uý hơn một năm nay. Giữa khuya Luân đưa Thanh về trại Hoàng Hoa Thám, trên ngã tư Bảy Hiền, hết phép, rạng sáng mai qua phi trường trở lại đơn vị.  Luân nói dối với Thanh, anh đang là ông giáo làng.

    Sáng sớm, hai anh em ngồi uống cà phê trên lề đường Lê Văn Duyệt, nhìn trời nhìn đất, anh Hưng đưa cho Luân tấm danh thiếp của một người quen, có thẩm quyền trong việc sắp xếp nhiệm sở, dặn  đến gặp xem có tin tức gì chưa. Tới giờ làm anh Hưng vào tòa án, Luân ngược lên sở thú, vào văn phòng Nha Trung Tiểu Học làm thủ tục hoàn tất việc nghỉ dạy và tình trạng động viên. Ông Chủ sự chịu trách nhiệm hồ sơ của Luân bận họp, anh đành phải chờ. Loay hoay trong hành lang văn phòng một lúc, thấy hơi chán, Luân bỏ ra cái quán nước nhỏ ngoài rào cổng văn phòng, gọi ly sinh tố, ngồi mơ màng nhìn mấy cô nữ sinh Trưng Vương thả tóc bay dài trong sân trường ngập nắng sớm. Trở vào văn phòng Nha, chưa được mấy bước, gặp Khánh Tường, trên tay cầm xấp giấy tờ thong thả đi ra. Không có lối nào tránh Luân đành làm ra vẻ ngạc nhiên, trong lúc cô nàng còn trố mắt:

- Ủa! Hôm nay không dạy sao ?

- Anh về hồi nào vậy? Khánh Tường dịu giọng.

Ra dấu bảo Khánh Tường trở lại văn phòng chờ, Luân vừa đi vừa nói:

- Chờ Anh vào lấy hồ sơ chút xíu, rồi mình nói chuyện.

Khánh Tường gật đầu theo sau với vẻ mặt xem ra đang thắc mắc. Ông chủ sự phòng nhân viên đưa Luân ra tận cửa, anh cũng không quên cám ơn sự mau mắn của ông. Ra cổng, Luân cùng Khánh Tường dựng xe honda trên lề bên kia đường, tìm cái băng ghế đá trống cạnh cửa vào sở thú ngồi. Khánh Tường giận dỗi:

- Anh đổi địa chỉ lần nữa, không màng cho ai hay hết, để đến nỗi thư gởi đi bị trả ngược về vì không người nhận. Nhận cái thư đóng dấu trả về buồn muốn khóc.

- Bị sa thải rồi làm sao có địa chỉ mà cho biết. Luân cố đùa.

- Có thật vậy không ?

- Hôm nay không phải là ngày lễ, không phải nghỉ hè, cũng không là thứ bảy chủ nhật, rồi phải vào trình diện Nha Tiểu Học,  nếu không bị đuổi thì là cái gì đây cô ! Luân nhìn mặt Khánh Tường ra vẻ nghiêm trọng.

Khánh Tường tiếp tục trách móc :

- Cứ cho là anh bị đuổi đi, thì anh cũng phải ở một chỗ nào đó, chớ chẳng lẽ anh ngủ ngoài đường sao ? Anh biết nhà em mà ! Cô nàng rươm rướm nước mắt.

Cái rươm rướm nước mắt tội tình đó, làm hồn Luân se thắt. Luân cho Khánh Tường biết việc về Sài Gòn học khóa Công Tố Viên, sẽ mãn khóa nay mai. Luân xin lỗi là đã dấu cô nàng vì rất nhiều lý do khó nói. Khánh Tường ôm chầm lấy Luân:

- Anh Luân ác quá !

Hai người lấy xe xuống chợ, vào một quán kem vắng bên khu bán vải, trên đường Lê Lợi. Khánh Tường cười nói luôn miệng tưởng chừng như từ lâu lắm rồi không có. Trong một lúc nào đó, Luân thấy lòng mình bỗng dưng vui.

    Luân mãn khóc học, cùng ngày ăn đầy tháng thằng bé Bảo, con trai đầu lòng của anh chị Quỳnh. Bác gái và chị Trang lo chuẩn bị trước đó mấy ngày, nhứt định làm thật lớn để mừng hai chú cháu như lời chị Trang luôn nói. Bữa ăn nói là lớn nhưng thật ra chỉ có mấy người trong nhà, Toàn, anh bạn trai của chị Trang và Khánh Tường. Mới gặp nhau lần đầu mà ba cô giáo có vẻ thân thiết quá, thì thầm to nhỏ, nói cười huyên thuyên, chị Trang quên cả việc giành ẳm thằng bé Bảo với bà ngoại như ngày thường.

Chủ nhật sau đó vài hôm, Luân đến thăm Khánh Tường và gia đình như đã hứa. Cô Hảo xúc động gặp lại Luân. Cũng hơn bốn năm rồi, cô không thấy già hơn xưa, vẫn chưa hưu trí, cô nói ở nhà buồn quá. Khánh Tường không còn ba, bác trai chết trong một tai nạn xe cộ, trên đèo Chuối, khúc gần Lâm Đồng, trên đường từ Nha Trang về. Nhà còn hai người em, Khánh Uyên, đang học năm thứ hai Nha Khoa, cậu em trai út, An thì lớp 11 trường Petrus Ký. Không biết Khánh Tường đã nói gì, Khánh Uyên lâu lâu nhìn trộm Luân mĩm cười một mình. Luân ở lại ăn cơm trưa với gia đình Khánh Tường để khỏi phải phụ lòng hai chị em. Cả bọn kéo nhau ra rạp Eden xem phim rồi lang thang suốt buổi chiều trong niềm vui vừa trọn.

Còn vài hôm nữa bãi trường, lại thêm một mùa hè. Luân rủ Toàn lên Lái Thiêu thăm Trung rồi đi vòng vòng chơi luôn thể. Đến trường tiểu học Lái Thiêu mới hay Trung đang là Hiệu Trưởng. Trung vui mừng dẫn họ đi vòng quanh trường, cạnh hàng rào phía sau sân dăm ba cây nhản to đang mùa có trái. Trung đậu cử nhân văn khoa, không chuyển ngạch giáo sư để tiếp tục được động viên tại chỗ, không phải vào lính. Thỉnh thoảng dạy tư thêm giờ ở trường trung học quận. Chưa định lập gia đình, còn phải lo cho mấy đứa em ăn học. Ba người vào chợ Búng ăn trưa trong giờ nghỉ, xế trưa Luân từ giã Trung, hai thằng buồn hiu vì không biết bao giờ mới gặp lại.

Từ Lái Thiêu về, theo như dự tính, Toàn chở Luân tấp qua nghĩa trang quân đội Gò Vấp thăm mộ Nhã, thằng bạn hạ sĩ quan phóng viên chiến trường, chết trong trận chiến Bình Long. Luân chưa vào đây lần nào, nhưng nhìn quanh, hình như có nhiều ngôi mộ sơn trắng mới. Nghĩa trang vắng người vì hôm nay không phải ngày nghỉ. Hai người cắm vội trước mộ bia, bó hoa huệ trắng mua từ một quán bán hoa bên kia đường, ngay cổng vào, nhìn bức ảnh Nhã cười mà lòng hai đứa đau buốt, cứ như vậy thì bạn bè còn lại được mấy ai.



 

    Sài Gòn lại có mưa, mưa đầu tháng sáu rớt vội rớt vàng trên hàng phượng vừa nở hoa đỏ bầm đầu mùa hè đâu đây ngoài ngõ, lúc thì chập chùng lúc thì lất phất bay như bụi. Phố xá buổi trưa cứ đông nghẹt người. Cả nhà chị Quỳnh, chị Hương, Toàn, Khánh Tường và thằng bé Bảo, còn bồng trên tay, tiễn Luân ra phi trường Tân Sơn Nhất. Mọi người ai nấy thấy cũng cười nhưng mặt buồn thiu buồn thít. Bác gái nắm tay Luân sụt sùi bảo ráng giữ gìn sức khỏe. Chị Quỳnh bồng thằng bé Bảo trên tay, quay đầu đi đỏ cay đôi mắt. Ai nấy lặng thinh, Khánh Tường bật khóc. Tiếng gọi khách lên phi cơ lần cuối, Luân hôn Khánh Tường lần đầu, cái hôn giã biệt. Phi cơ lên cao dần rồi mất hút. Mưa vẫn còn nặng hột trên trời Sài Gòn.
 
Thuyên Huy
(còn tiếp)
 

 

No comments: