Người Lượm
Tiền Trên Bải Đậu Xe Robert Barrett
1.
Mới chập chững vào những ngày đầu Thu
mà trời hình như lạnh sớm. Cũng như thường lệ, trên đường làm ca đêm, đi bộ về,
từ đầu góc công viên Barrett, theo lối mòn nhỏ nằm giữa hai hàng cây thông chưa
đủ cao, chạy đổ dài dọc xuống cánh đồng cỏ, cuối bờ sông Maribyrnong, Ngữ băng
ngang bải đậu xe phía Nam khu thương mại High Point để về nhà trọ. Sương giăng
mù cả một khoảnh trời sáng sớm, lờ mờ chuyến xe điện từ hướng Moonee Ponds lặng
lẽ ngang qua, trên xe không thấy ai và ở trạm đón cũng không có bóng người. Người
đàn bà trong chiếc áo lạnh lùng thùng, tay dắt con chó nhỏ màu trắng ngà đi
ngang, gật đầu chào buổi sáng, Ngữ đáp lại như mọi ngày, không buồn nhìn mặt
nhau. Người đàn bà và con chó khuất dần ở cuối ngõ ra công viên từ lâu nhưng
không thấy bóng dáng bác Tư, người đàn ông lớn tuổi mà sáng nào Ngữ cũng gặp
khi đi làm về ngang, lang thang trên bải đậu xe. Ngữ đứng lại, đảo mắt nhìn kỹ
dưới những gốc cây khuynh diệp, có tàng lá lớn ướt đẩm hơi sương bao quanh nơi
này, không một bóng người, ngoại trừ hai ba con chim Hải Âu đuổi nhau giành đôi
miếng ăn thừa, mà người đi mua sắm vứt lại sau buổi chiều ra về muộn. Rải rác đâu
đó, hơn một chục cái xe đẩy mua hàng của mấy cửa hàng lớn và siêu thị Woolworth,
nằm bừa bải trên mấy lối đi dành cho người đi bộ.
Ngữ quen bác Tư vào
một sáng đầu Thu năm ngoái, trong những ngày đầu, mới đi làm ca đêm cho một xưởng
sản xuất ghế ngồi an toàn, gắn trong xe hơi cho trẻ em ở Tottenham sau khi hảng
điện tử cũ, nơi Ngữ vào làm từ ngày đến Úc đóng cửa, dời về Queensland, môt tiểu
bang khác, cách đây hơn mấy ngàn cây số. Trước đó vài hôm, ngày nào cũng vậy,
trên đường đi bộ về nhà trọ, băng qua bải đậu xe này, cũng vào giờ này, Ngữ đều
thấy một người đàn ông đi đứng khập khễnh, trông có vẻ già tuổi, trong bộ quần
áo cũ nhàu nát, đội cái nón vải rộng vành đen màu bạc như sương, lũi thũi đẩy từng
cái xe mua hàng, bằng sắt bạc của siêu thị, xếp nối hàng dài nhau trong khung cọc
sắt dành cho khách hàng trả lại, sau khi chất đồ vào xe hơi rải rác trên bải.
Ông cứ lầm lũi đẩy, cúi gầm mặt xuống đất không ngó ai, nhưng cũng không có mấy
người qua vì trời còn quá sớm. Ngữ nhìn ông trong mệt rã, sau một đêm thức trắng
làm công, vội vã về để còn kịp ngủ bù lại cho đêm nay.
Buổi sáng đầu Thu
năm ngoái đó, trên đường đi bộ về, bất chợt trời đổ mưa lất phất như sương mang
theo cái lạnh giao mùa khó chịu. Người đàn ông với bộ quần áo nhàu nát và cái
nón vải củ bạc màu sương mà Ngữ gặp mấy hôm trước, đã có trên bải đậu xe từ hồi
nào rồi, hình như ông mới đẩy một hai xe mua hàng, vì còn thấy nhiều cái khác còn
nằm rải rác, chắn ngang những lằn vạch sơn trắng chia ô đậu xe. Đi ngang qua,
ông không buồn nhìn lên, Ngữ cũng không buồn ngó lại, ở phía dưới đồi cỏ, con
sông Maribyrnong lặng thinh chờ mặt trời lên đâu đó. Chưa kịp bước qua phía bên
đường, có tiếng kêu “trời ơi” nghe thật rõ, át tiếng mưa, Ngữ khựng người quay
lại, ông trợt té nằm ngã dưới đất, bên cạnh cái xe mua hàng cũng lật nghiêng, bất
động.
Ngữ quăng túi xách,
ngồi bệt xuống, cố dùng hết sức đở ông lên. Toàn thân ông run từng chập, Ngữ cởi
cái áo khoát của mình ra, choàng qua người ông, rồi một lần nữa đở ông đứng dậy.
Qua màn mưa lất phất, cả hai ướt sũng, ông cố nhìn xuống đất, trên mặt đường nhựa,
rãi rác hai ba đồng bạc cắc ngay chỗ ông té hồi nãy. Ngữ nhặt túi xách lên, dìu
ông chầm chậm qua bên kia đường, ngồi xuống cái băng gỗ dài đặt một bên hành
lang cửa ra vào khu thương mại. Ông thì thầm hai tiếng cám ơn trong lúc Ngữ đưa
tay vuốt nước mưa đang chảy dài xuống mặt mình. Ngữ nhìn ông cười mà không nói
gì hết. Đã có một chút mặt trời lưa thưa vài chỗ ngoài bải đậu xe, khu thương mại
vẫn chưa tới giờ mở cửa. Hai người ngồi lặng thinh, không ai nói lời nào, Ngữ
quen ông từ ngày hôm đó và cũng biết ông đã làm cái việc đi lượm tiền bạc cắc từ
các cái xe đẩy mua hàng của siêu thị, trên bải đậu xe của khu thương mại High
Point từ lâu lắm rồi nhưng chưa hề hỏi tại sao và để làm gì.
Từ ngày đó, Ngữ
không hỏi tên hay tuổi ông mà chỉ gọi hai tiếng bác Tư. Trước ngày mất nước, Ba
Mươi Tháng Tư năm Một Chín Bảy Năm, bác là xã trưởng của một xã nhỏ, thuộc quận
Cai Lậy, tỉnh Định Tường, gần cầu Long Định. Vợ bác có một sạp bán trái cây
trong nhà lồng chợ khá đông khách. Bác có hai đứa con, một trai trạc cở bằng tuổi
Ngữ và một gái học ở trường tiểu học quận. Cuộc sống gia đình bác lúc bấy giờ tương
đối an bình dù chiến cuộc xem ra ngày càng tăng hơn trước. Quân du kích Việt cộng
thường rình mò về phá rối tại các ấp trong xa, nhất là những vùng nằm kề cận
phía Mộc Hóa, Kiến Tường. Một ngày giữa tháng 3 năm 1974, Việt Cộng dùng súng cối
82 ly pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy lúc xế trưa, đúng ngay giờ đang ra
chơi, giết chết 32 em trong đó có hai đứa con của bác Tư và gần 50 em khác bị
thương nặng. Vợ bác cũng không may, trúng đạn chết vì mấy trái đạn pháo khác lạc
qua làm sập khu đầu chợ gần trường không xa, nơi sạp trái cây bà ở đó. Cả trời
Cai Lậy phủ mờ một màu tang và nước mắt trên từng nấm mộ của trẻ thơ vô tội. Sau
ngày chôn cất, bác có ý định về lại quê cũ ở Chợ Gạo, Bến Tranh nhưng trong nổi
đau mất mác tột cùng này, bác lại rơi vào tình cảnh, đi không nở mà ở cũng
không đành. Biết là bác sẽ buồn, nhưng bác chỉ buồn có một, mà vợ con đang nằm
dưới ba tấc đất kia sẽ buồn tới mười, bác không muốn người ta gọi là những nấm
mồ vô chủ. Bác quyết định ở lại xã, ở lại Cai Lậy nơi bác đã lớn lên và sống một
phần đời với mùi bùn của đồng chua nước mặn từ những ngày sau đó
Miền Nam thua cuộc,
cùng với nhiều người khác, bác bị bọn cầm quyền quận Cai Lậy bắt tập trung nhốt
vào trại tù cải tạo ở khu Bến Đá, Mộc Hóa mênh mông trời nước, sau lần cúng giỗ
đầu cho vợ con. Căn nhà bác ở cũng nhanh chóng đặt dưới quyền quản lý của họ,
ngay khi bác ôm cái túi xách đựng mấy bộ quần áo bước ra khỏi cửa. Giữa mùa nước
lụt hơn ba năm sau, bọn cộng sản buộc phải dời trại tù và cũng là lúc họ cho
tràn bộ đội vào đất Miên, thêm hàng ngàn thanh niên buộc đi làm “nghĩa vụ quân
sự”, bác cùng hai ba người bạn tù khác trốn trại trên đường di chuyển bằng ghe
xuồng, trà trộn vào đám thanh niên qua được tới vùng người Việt sinh sống quanh
Biển Hồ. Định mạng một lần nữa không cho bác một sự chọn lựa nào khác hơn, đành
làm người thất hứa, đành phải sống mà bỏ đi, vợ con bác ở lại dưới những nấm mồ
vô chủ. Đã không còn nữa nước mắt mà khóc, bác sống vất vưỡng theo đó, ăn nhờ ở
đậu, làm thuê làm mướn, lần mò cũng lên được tới miệt biên giới phía bắc và cuối
cùng nhập đoàn vào nhóm người vượt biên bằng đường bộ từ Sài Gòn lên vào đất
Thái Lan. Ở trại tỵ nạn chưa tới hai năm, bác được một hội từ thiện Tin Lành
người Úc, bảo trợ đưa qua định cư ở tiểu bang Tasmania, một cái đảo nằm chếch cận
Nam cực của lục địa Úc trong một ngày đầu Đông buốt lạnh.
Không học hành nhiều,
tiếng Anh tiếng u ngọng nghệu, người Việt lại không có bao nhiêu, bác Tư theo
vài người mới quen từ trại tỵ nạn, trên cùng chuyến máy bay Qantas ngày qua
Tasmania, bỏ nơi này vào đất liền, tìm một chỗ ở đậu nhờ trong cái nhà phụ, dựng
phía sau mà người ta gọi là cái “băn-ga-lô”của ông mục sư Tin Lành khá già người
Úc, chủ tế cái nhà thờ cây cũ kỹ nghèo nàn, ở vùng ngoại ô thành phố Ascot
Vale, thuộc tiểu bang Victoria, một tiểu bang có số người Việt sinh sống đông
thứ nhì và thành công, giàu có có tiếng trên xứ Úc này. Cũng may, Bác tìm được
việc làm tại hảng vỏ xe hơi Dunlop sau ngày đến Melbourne không lâu, một việc
làm cần tay chân, ra dấu nhiều hơn là nói năng và cũng không may, tại chỗ làm, không
bao lâu, một ngày đó, khi dùng cần trục bằng điện kéo cuộn cao su lớn khoảng
thùng phuy đựng dầu, để thay cho cái vừa hết, thanh sắt ngang, tuột khỏi dây
xích, rớt đè đánh trúng vào ống chân, bác té quỵ, không có máu nhưng đau đớn
không thể tả. Xe cứu thương đưa bác vào bệnh viện, nằm ở đó gần một tháng trời,
cuối cùng bác bị gảy xương ống chân và trở thành một người tàn tật vĩnh viễn.
Một hôm sáng sớm trời
giữa Hạ, bác quen một ông già người Úc, hình như cũng bệnh hoạn lắm, quần áo
cũng rách nát tả tơi, lang thang bước mất bước còn, đi lượm tiền bạc cắc, bằng
cách đẩy mấy cái mấy cái xe mua hàng của siêu thị xếp nối hàng vào nhau, để tiền
rớt ra từ ổ khóa, trên bải đậu xe ở công viên Barrett, khi ngồi nghỉ chân bên cạnh
ông già, dưới gốc cây thông rậm bóng, chờ xe điện về nhà, trên sân cỏ úa màu trời
rám nắng không xa bải đậu xe bao nhiêu. Hai người ba xí ba tú quơ tay gục gặc
nói với nhau bằng tay chân, không biết có hiểu hết những gì mình nói hay không
nhưng người ta thấy họ lúc thì gật đầu, lúc thì lắc đầu, nhìn nhau cười khoái
chí. Ông già người Úc, dẫn bác Tư tới chỗ mấy cái xe đẩy, chỉ cho bác làm sao lấy
tiền bạc cắc ra và đưa cho bác vài đồng, vừa kiếm được sáng nay, ra dấu chỉ vào
chai nước nhỏ bằng mủ mà hai người đang uống, bảo bác cầm lấy. Rồi sáng nào cũng
vậy, bác cũng đến công viên, gặp ông già người Úc, hai người lầm lũi loanh
quanh từ bải đậu xe bên này đến bải đậu xe phía bên kia đường Rosamond cho đến
giờ trung tâm thương mại mở cửa. Không lâu sau ông già người Úc qua đời vì xuất
huyết mạch máu não và từ đó bác Tư thui thủi một mình.
Ngữ đi nhanh hơn thường lệ, cố nhìn
quanh quất một lần nữa trong màn sương mờ mờ đục, tới gần cuối rào của bải đậu
xe, nơi giáp ranh với một khoảng đất rộng, đầy cỏ hoang khoảng chừng cái sân đá
banh, bỏ trống từ mấy năm qua và con đường tráng xi măng, dùng để xe hàng loại
lớn chất bỏ đồ đạc xuống cho cửa hàng bách hóa Target. Lố nhố hai ba người đứng
lên ngồi xuống chỉ chỏ dưới đất, trước vĩa hè của tiệm bán máy may, dưới gốc
cây to có nhiều hoa tim tím nhỏ, có cái gì đó hơi lo, Ngữ chạy vội đến, bác Tư
nằm im bất động, hơi thở xem ra ngắn và từng cơn một, một hai cái xe đẩy mua
hàng nằm rải rác sát bờ tường. Một trong mấy người này, người đàn bà lớn tuổi
cho Ngữ biết, họ chạy bộ thể dục ngang, thấy ông đang đi té ngã xuống, nên dừng
lại xem, chắc là bị “đứng tim” nên dùng điện thoại di động gọi xe cứu thương rồi.
Chưa kịp hỏi thêm câu nào, thì xe cứu thương tới với tiếng còi hụ kéo dài, vang
lanh lãnh cả một khu phố còn lặng im ngáy ngủ. Hai nhân viên cứu cấp, kéo băng
ca, nhanh nhẹn dùng ống nghe, vừa khiêng bác lên xe vừa ra sức đè tay lên ngực
bác liên tục. Theo thủ tục, với sự đồng ý của mình, họ điền tên Ngữ là người
thân trên phiếu bệnh nhân, Ngữ nghe lời họ nhảy vội theo xe, tiếng còi một lần
nữa ré lên, chiếc xe chạy bất kể đèn đường xanh đỏ về hướng bệnh viện Western
General, bác Tư vẫn còn thoi thóp. Tới bệnh viện, người ta đưa bác vào phòng cấp
cứu, Ngữ ở lại đó cho tới quá trưa, rồi ra về trong nổi buồn cay mắt, cô y tá
trực không quên xác nhận lại số điện thoại di động của Ngữ trước khi nói tạm biệt.
Quá nửa khuya của ca làm đêm, bệnh viện gọi điện thoại cho Ngữ báo tin bác Tư mất
trước đó chừng hơn một tiếng đồng hồ. Ngồi
bất động, có chút nước mắt vội ứa ra mằn mặn trên môi, nổi đau vằn vặt kéo
chùng lòng mình xuống, Ngữ chợt biết mình vừa khóc, trước mặt, cái máy đúc
khuôn ghế đã ngưng chạy từ lâu, Ngữ vẫn ngồi yên ở đó.
Ông mục sư già người
Úc đem bác Tư đi chôn tại khu đất nhỏ gọi là nghĩa địa của hội nhà thờ, có mấy
cây Phượng tím và cánh đồng hoa dại vàng rộng mênh mông, mà ông là người cai quản,
ở một vùng nông thôn hẻo lánh. Đám tang chỉ có năm người vỏn vẹn, ông mục sư, một
bà cụ già bưng đồ lễ, hai người đàn ông lo việc đào đất và Ngữ. Chờ ông mục sư
làm dấu thánh giá kết thúc phần nghi lễ cầu nguyện, như đã nói với ông, Ngữ gom
hết những gì ở cái “băn-ga-lô” gọi là của riêng bác Tư, bỏ xuống huyệt, trong
đó có cái bao vải màu nâu bạc sờn nếp nhăn với tấm hình đen trắng hoen màu loang lỡ, chụp
vợ chồng bác và hai đứa con trước cổng trụ sở xã với lá cờ ba sọc đỏ phía sau,
hai đồng tiền cắc 50 xu của VNCH đã đen hơn phân nửa và một cái lon nhỏ đầy các
đồng bạc cắc Úc mà bác đã lượm nó trong vài năm qua. Hai người đàn ông
phụ việc lặng thinh, nhẩn nại cúi người đấp từng lớp đất một. Nắng trở mình, chạy
dài từng vệt nhỏ về từ phía cuối cánh đồng, bóng ông mục sư già nghiêng theo
hình cây thánh giá nằm vắt ngang nấm mộ mới đấp.
Một lần nữa, ông mục sư sờ tay lên trên
lớp đất cao và cái mộ bia bằng gỗ xám, làm dấu thánh giá và lâm râm đôi lời trước
khi lên xe, ở đó mấy người đi theo đang chờ. Ngữ ngồi xuống, đưa tay vuốt trọn
tên bác Tư trên mộ bia, thì thầm, vĩnh biệt và cầu mong bác tư ra đi bình yên,
sớm gặp lại gia đình ở nơi không còn oan nghiệt và ở đó, bác sẽ mừng vui vô hạn,
mang về cho con mình những đồng tiền bạc cắc mà bác đã chắt chiu đi lượm trên
công viên Barrett. Chiếc xe hơi cũ chỡ người đi đám tang, nặng nề khuất dần sau
hàng cây thông già ngoài đường cái. Ở một
phía xa đằng sau nghĩa địa mây kéo nhau về một màu xám ngắt, trời bất chợt nổi
gió.
No comments:
Post a Comment