Friday, January 16, 2015

Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu (Chương Năm & Sáu) - Thuyên Huy




Chương Năm

 
     Trời chưa kịp rựng sáng, bọn Luân đã đến chợ Cẩm Giang, sau khi gởi xe Honda tại một quán nước nhỏ đầu bến tàu đò đi Bến Cầu. Bên kia sông sương mù mờ, giăng kín cái truông dừa nước dày đặc không một bóng người. Vài con chim lẻ bạn bay dật dờ không định hướng, gió nhè nhẹ không đủ mạnh làm mặt sông lung lay, dù có thèm từng cơn sóng vỗ. Chiếc tàu đò duy nhất đón khách về Bến Cầu tấp nập người lên kẻ xuống, ồn ào cả một góc trời. Chợ Cẩm Giang phía trên tỉnh lộ vẫn chưa nhóm, tiếng máy phát điện trong khu đồn lính xã, đằng sau chợ còn nghe được từ xa. Từ bên này sông Vàm Cỏ, khách đi tàu có thể nhìn thấy từng hàng cây thốt nốt mù mờ ở cuối chân trời biên giới. Người chủ tàu vội vã lên bờ, gọi khách còn ngồi trên quán xuống tàu, tiếng máy nổ vang không bao lâu thì tàu rời bến.

Lần đầu về Long Thuận, nơi Luân đã lớn lên trong những ngày đầu đời, nơi ba Luân nằm xuống vào một sáng mưa buồn tầm tã và cũng là nơi mà mẹ Luân vội vã bỏ đi. Cảnh vật không biết còn như cũ hay không trong ký ức nhỏ nhoi của mình. Bến Cầu buồn quá. Đám dừa nước già nua cứ tiếp tục bám hai bên sông, chằng chịch năm dài tháng tận. Hoa tím lục bình muôn đời trôi nổi xuống lên, theo con nước ròng nưóc lớn. Hoa sen đâu đó vẫn nở trái mùa dưới chân cây cầu gỗ cũ xưa, bắt ngang đôi bờ Long Giang Long Chữ. Dăm ba chiếc ghe nhỏ nằm quạnh quẽ trong mấy cái rạch con, đục ngầu màu đất. Luân đến gặp mấy bác đại diện giáo hội Cao Đài xã ngay khi lên bến, trao cái thư riêng của ông nội Hòa, người đang có chức vụ cao trong hàng ngủ giáo phẩm Tòa Thánh Tây Ninh, nhờ xã giúp giùm việc lấy hài cốt của ba Luân. Luân sẽ phải một đời lang bạt, góc biển chân trời, nắm tro giữ bên mình là nơi ba mẹ Luân ngàn đời yên nghỉ. Luân bàn việc hỏa thiêu với Toàn, anh Hùng từ sau khi có kết quả thi, Luân có hỏi bà Cô, cô Quỳnh, rồi hai bác sáu Biếu, mọi người thấy cũng nên nhưng tùy ở Luân. Luân không biết phải làm sao nếu muốn tiến hành,  muốn gấp vì ngày tựu trường không còn xa lắm. Luân nhờ Hòa, thằng bạn khác lớp, có ông nội làm lớn trong Toà Thánh, nhà ở chợ Thương Binh mà Luân có vào chơi vài lần. Ông nội nhận lời lo cho mọi chuyện. Bác tư Cơ, người lớn nhất trong ban đại diện, dẫn bọn Luân xuống văn phòng hành chánh xã, ký tên xin phép theo trong thư ông nội Hòa căn dặn. Từ giã bác tư Cơ, họ ghé vào một tiệm ăn gần bến tàu, ăn bánh canh cá lóc nhà quê, trước khi kịp chuyến tàu trở lại tỉnh. Mưa chợt đến bất ngờ trong cái nắng cuối chiều khi tàu về tới bến Cẩm Giang, buồn như cái buồn trong bài Mưa đêm nay của Trường Anh Mưa Cẩm Giang như niềm đau ai khóc, sương sụt sùi trong mấy nẻo truông lầy.

Bọn Luân rồi cũng theo lời ông nội, có cả Hòa, Hiên, Hân đi Trà Vỏ ngày hôm sau. Nhờ anh Hoạch, phó xã trưởng tận tình giúp đở nên giấy tờ xong xuôi thật sớm. Hiên không ghé qua nhà mà cùng cả bọn ra thăm mộ mẹ Luân. Mùi lá rừng cao su ủ sương đêm theo gió ngược từ hướng tỉnh lộ thổi về thấy buồn ray rứt. Hân ngồi bẹp xuống đất nắm tay Hiên mân mê mấy cánh hoa Mười Giờ đỏ cay đôi mắt. Anh Hùng lặng thinh bước tới bước lui xung quanh mộ. Hình như cũng như Luân, Toàn khóc. Bên kia rừng có tiếng ve sầu đơn lẻ gọi hè nuối tiếc.

 

 

Chương Sáu

 
     Căn gác buồn thiu giờ ấm áp, dù sương lạnh sớm mai hay gió trở mùa đêm tối. Cái bàn thờ trên đầu kệ sách vốn đã nhỏ bé tưởng chừng như bé nhỏ hơn nữa, kể từ khi có thêm hai cái hủ đựng tro màu xanh lục đậm và cái bình cắm hoa mà Hiên đem đến. Ngày đầu vào học, áo trắng che kín cả sân trường ngập nắng. Học trò mới thập thò bẽn lẽn, ngơ ngác tìm quen. Học trò cũ ồn ào gọi nhau ơi ới. Cha mẹ chờ con vào lớp, đứng chật cả văn phòng trường, hỏi han đủ chuyện. Đường phố bừng sống lại theo tiếng guốc tiếng giày, khua vang mấy ngõ đến trường. Lớp đệ nhất B1 có Luân, Toàn, Hoà, anh Hùng cùng hơn mươi người cũ khác lên từ đệ nhị. Số còn lại là những người mới từ trường quận lên hay từ trường tư qua. Nhìn quanh lớp, chợt thấy có gì mất mác. Một số bạn cũ không còn ngồi đâu đó nữa. Trung đã tình nguyện vào không quân, hạ sĩ quan kỹ thuật. Tòng, Răng, Mẫn, Triệu rủ nhau vào Đồng Đế. Nhã đầu quân vào phóng viên chiến trường. Tất cả lặng lẽ bỏ đi không đưa không tiễn. Nhà ai đâu đó có ánh đèn vàng vỏ quá khuya chưa chịu tắt, sách vở giờ đây thân thiết hơn cả người tình, từ cái băng ghế giờ chơi sân trường cho đến bãi cỏ khờ dại công viên, có nhớ cũng phải ráng mà quên theo từng trang sách.

    Vào học lại không lâu, Luân mượn xe honda của anh Hùng đi Trảng Bàng, tìm thăm cô Châu, sau mấy năm trời quên lửng. Trường tiểu học Trảng Bàng, nằm dọc theo tỉnh lộ, đầu quận, từ ngã ba Tha La xuống, hàng phượng rậm cao che kín cả mái ngói, sân trường rợp bóng mát rượi. Cô không khác xưa bao nhiêu, vẫn hiền từ phúc hậu. Cô trò dẫn nhau lên ngã ba Tha La, ăn bánh canh giò heo tại dãy quán cơm trên con đường đá phía trong bến xe, lúc nào cũng đông người. Cô đỏ cay đôi mắt, nghẹn lời khi hay tin mẹ Luân mất, viết vội địa chỉ của Luân, nhà bác sáu Biếu, hẹn sẽ viết thư nói nhiều hơn. Luân vội vã từ biệt cô về lại Tây Ninh, trời đã xế chiều, xe honda chạy khuất ngã ba rồi, cô vẫn còn đứng buồn hiu bên lề.

    Chiến tranh hình như mỗi ngày mỗi xích lại gần thành phố. Đại bác đêm đêm vọng về nghe rõ từng tiếng một, trong cái màn sương đục màu của những ngày giữa thu. Tiếng quân xa băng ngang phố chợ rả rích, lấn át tiếng xe lôi máy đưa người ra nhóm chợ. Đôi khi người ta thấy màu xanh ô liu áo trận nhuộm rực một góc trời. Đám bạn bè không may đã nhập cuộc, phó cho định mệnh an bày, người ở lại âm thầm chờ ngày qua lối rẽ. Hiên đến thăm Luân chiều chủ nhật, cái lạnh cuối thu nhè nhẹ len qua khung cửa, chưa buốt giá nhưng vừa đủ làm khẽ rùng mình. Bài vở học thi mới buổi đầu mà đã mệt nhừ, bóng dáng người quen, bạn bè trong quân phục sinh viên sĩ quan Thủ Đức những ngày cuối tuần trên phố, trong quán nước, cay nghiệt nhắc nhở ai đó còn đứng ở sân trường, nỗi niềm anh phải sống. Quỳ ở chánh điện hay khép nép trong thánh đường, không ai  quên cầu xin cho mình may mắn. Một may mắn nhỏ nhoi nhưng là may mắn đổi đời. Hiên đưa tay vuốt mớ tóc lòa xòa trên vai nhìn xuống đường, trời vẫn còn vài tia nắng muộn. Bỏ cuốn vật lý trên bàn, Luân cũng đứng lên nhìn theo. Cái cổng rỉ sét của căn biệt thự tường nâu bên kia đường lần đầu rộng mở. Xác hoa sứ úa ngập gần hết lối vào nhà chừng như lâu lắm rồi không ai quét dọn. Luân và Hiên ngồi cạnh nhau, nói không biết bao nhiêu là chuyện, chuyện ngày xưa hơn là chuyên bây giờ. Hiên ấp úng nói yêu Luân buổi chiều hôm đó. Như một chút mặt trời trong nước lạnh, Luân nắm tay Hiên, cái nắm tay đầu đời bỡ ngỡ, thẹn thùng mà Luân thèm có được tự bao giờ. Luân đưa Hiên xuống thang gác, Hiên ôm chầm lấy Luân rưng rưng nước mắt ra về. Chuông lễ chiều chủ nhật bên khu nhà thờ từng hồi thong thả đổ.

    Trời dạo này tuy đã lập đông, nhưng cái sắc úa vàng tàn tạ của cây lá cuối thu vẫn còn chút luyến lưu trên dăm ba cành khô trơ trụi. Gió heo may sớm về đâu đây, chưa đủ sức lung lay cho mùa thu nói lời giã biệt. Lá úa ngập phủ công viên, lá úa trải dài đường phố. Chuyến xe đò cuối ngày về Gò Dầu Hạ đã mất hút ở đầu ngõ rẽ ra tỉnh, trong cái bóng chiều thiếu nắng. Hình như đã lâu lắm rồi, Luân không thường ngồi ở cái quán nước đầy hoa giấy đỏ phiá bên kia cầu đầu chợ, mớ bài vở ngổn ngang rối bời của ngày thi đã làm anh quên lần đi thói quen thèm nhìn chuyến xe chót trong ngày, chở khách về miệt dưới mỗi khi chiều xuống. Chuyến xe mà Luân đã háo hức đợi, nô nức chờ, ngồi cho được phía gần khung cửa mỗi chiều thứ sáu, sau tiếng chuông tan trường, để nhìn dãy rừng cao su thẳng hàng thơm mùi đất ủ mưa chạy dài về Trà Vỏ, trong những ngày còn mẹ.

    Rời quán nước, Luân thả bộ dọc theo Tòa Hành Chánh tỉnh về nhà, công viên đầu phố cuối thu vắng người và trơ trụi lá. Mấy vệt mây thu ở một phía trời xế chiều lặng lờ xuống thấp. Phố chưa chịu lên đèn. Hân dừng xe gọi từ bên kia đường, làm dấu chờ:

- Em đi kiếm anh từ chiều tới giờ đây !

Luân gật đầu, chờ mấy chiếc quân xa chạy ngang rồi băng vội qua đường. Chưa hỏi gì thì Hân nói liền theo:

- Em và Hiên tới nhà kiếm anh, cửa đóng, không biết anh đi đâu nên em đưa Hiên về, rồi chạy lòng vòng xem, may quá gặp anh ở đây.

- Chuyện gì mà phải kiếm anh dữ vậy ?

- Nhà Hiên có tiệc gì đó, Hiên muốn mời mấy anh đến chơi. Anh Toàn, anh Hùng và Tài đang chờ anh ở nhà anh Hùng. Hân vừa nói vừa đi vòng ra phía sau xe honda chờ, Luân cầm tay lái, nổ máy xe chở Hân chạy ngược xuống đồi, về hướng cư xá sĩ quan tỉnh.

    Bọn Luân tới nhà đã thấy Hiên đứng chờ trước sân. Từ ngày Hiên lên tỉnh rồi gặp lại cho đến giờ, Luân có theo Hiên trên đường về dăm ba lần nhưng chưa lần nào vào tận nhà. Theo lời Hiên, căn nhà này ba má Hiên mua trước ngày Hiên chuyển về trường tỉnh vài tháng, để bà ngoại Hiên ở vì tình hình Trà Vỏ không mấy gì yên ổn lắm. Luân chưa gặp bà, nhưng theo lời Hân, bà rất hiền và mộ đạo, bà thường hay đón xe lôi máy đi chùa Gò Kén, ngôi chùa cũ kỹ nằm ở ngoại ô tỉnh lỵ, trên đường đi Bến Kéo vào những ngày lễ ngày rằm. Luân gặp lại, nói là gặp lại thì không đúng lắm vì khi còn ở Trà Vỏ rồi bỏ Trà Vỏ đi, ngoại trừ đôi ba lần cúi đầu chào khi gặp hai bác Lang, ba mẹ Hiên, trong sân trường tiểu học hay ngoài chợ xã, thật sự Luân chưa nói chuyện với hai bác lần nào. Luân ngồi cạnh anh Hùng cùng với Toàn, Hân, Tài phía bên này bàn ăn, đối diện với bà ngoại và ba má Hiên. Ba má Hiên lên tỉnh từ chiều hôm qua để làm cơm cúng nhà cúng cửa, giống như người ta cúng nhà cửa vườn tược trong ngày mùng ba tết đưa ông bà. Ba má Hiên hỏi han Luân vài chuyện, tử tế khuyên bảo Luân vài lời, rồi cùng bà ngoại vào trong cười nói với mấy người bà con vừa nới đến. Còn lại bọn Luân to nhỏ đủ chuyện như thường lệ, dù là những câu chuyện đã có lần nói rồi. Hiên, Hân lăng xăng đứng ngồi, phụ bưng phụ dọn trong tiếng cười giòn giã của đám em cháu, xúm xích chơi đùa ăn uống. Bọn Luân xin phép ra về vì thấy ở cũng đã lâu, trong nhà vẫn còn rộn rịp, ba má Hiên tiễn ra tận cửa. Hiên theo bọn Luân tới cổng, thì thầm gì đó với Hân, Luân nắm tay Hiên từ giã. Từ phía cuối đường ngoảnh nhìn lại, Hiên vẫn còn đứng đó, bóng Hiên nghiêng nghiêng đổ, theo ánh đèn đường lờ mờ trong cái màn sương vừa ướm hơi lạnh giữa khuya.

    Số báo đặc san Xuân, được sự khuyến khích của thầy Hiệu Trưởng, mấy thầy cô khác, ba anh Hùng và bác sĩ Liên, giám đốc bệnh viện tỉnh, bạn thân cô Quỳnh, do bọn Luân làm từ sau lễ giáng sinh, đã phát hành đúng ngày tại phòng họp Tòa Hánh Chánh và bán được gần hết, không uổng công họ thức khuya, gậm bánh mì mấy đêm liền, quay rô-nê-ô trang này qua trang khác. Tờ báo thu một số tiền khá lớn, phần nhiều là tiền ủng hộ của quý vị thương gia mạnh thường quân trong tỉnh. Theo lời đề nghị của Luân, anh Hùng trích ra một phần, gởi ba anh mang vào tiểu khu làm quà Cây Mùa Xuân chiến sĩ, phần còn lại sẽ dùng tổ chức tiệc tất niên trong trường, coi như là bữa tiệc chia tay cho mấy anh chị lớp đệ nhị đệ nhất, những người sẽ không trở lại trường với áo trắng, bút mực học trò năm tới.



    Chợ tỉnh chiều ba mươi, vắng tanh như cái nghĩa trang cuối ngày. Ngoài đường phố chỉ thấy bóng quân xa và lính trận nặng nề xuôi ngược. Nhà ai đâu đó cửa ngõ im lìm, khói nhang đón ông bà cuối năm lãng đãng ngoài hiên chờ giao thừa tới. Hiên về Trà Vỏ sau hôm tiệc tất niên, bỏ lại Luân với mấy hộp mứt đủ màu và dăm ba đòn bánh tét. Toàn cũng về Vên Vên không có Luân theo. Tết năm nay Luân có ba có mẹ. Giao thừa lặng lẽ qua không một tiếng pháo, chỉ có tiếng đại bác đì đùng ngoài xa, từng chập vội về ray rứt.

    Sáng mùng một, phố chợ tấp nập người đi, xe cộ các nơi về tỉnh rộn ràng lên xuống. Rạp hát cuối chợ chật ních người chờ mua vé vào xem, hầu hết từ xã ấp lên. Mấy cái quán ăn rầm rập người vô kẻ ra ồn ào ăn ăn uống uống. Tiệm quán trên đường phố chính lặng thinh cửa đóng then gài. Tiếng kêu lô tô, bầu cua cá cọp vang vọng hai bên lề đường. Luân đến mừng tuổi bà cô của Toàn thật sớm rồi đến thăm hai bác sáu Biếu, ba má anh Hùng để kịp vào thăm ông nội Hòa chiều hôm đó. Quá khuya, đêm mùng ba đưa ông bà, quân Cộng sản dùng hỏa tiển 122 ly, pháo kích vào tỉnh lỵ, từ phiá sau núi Bà Đen. Quân Cộng sản từ Bắc theo đường mòn dọc núi Trường Sơn, tiến vào Nam qua tam biên, lúc này đã lấn chiếm được một số đất trong vùng cận biên giới Miên của hai tỉnh Bình Long, Phước Long. Áp lực cộng sản ngày càng đè nặng hơn, công thêm tiếng rít khô khan của chiến xa VNCH trong những đêm dầy đặc sương trên đường, làm Tây Ninh đôi khi tưởng chừng như khó thở. Một phần bia đá Tổ Quốc Ghi Ơn giữa công viên tỉnh bị sập, một trái khác rớt xuống phía ngoài hàng rào của trường trung học tỉnh, cạnh cái đồng trống dẫn xuống bờ sông. Ngày vào học lại, học trò có thể nhìn rõ mồn một, cái hố to sâu thẳm, từ dãy hành lang trên lầu mấy lớp đệ nhị. Không như tết năm ngoái, thiếu vắng Hiên mấy ngày tết năm nay lòng Luân buồn vô hạn, buồn theo đúng nghĩa sân ga thiếu con tàu. Cố gượng cố đở nhưng chút cười chút nói của Hiên cứ len chặt vào hồn, nhớ hắt nhớ hiu, như mạng nhện chằng chịch bám quyện vào nhau không ngõ thoát. Luân không ngờ là mình đã đếm từng ngày khi Hiên đi rồi. Trà Vỏ Tây Ninh cách nhau không hơn nửa trăm cây số, nhưng Luân cứ tưởng chừng như mù khơi thăm thẳm. Luân đã cố vội quên những ngày tháng nhọc nhằn, mưa luồng gió, tạt để nói tiếng yêu Hiên lần đầu và cũng sẽ chờ cuối mùa thi nói tiếng yêu Hiên lần cuối.

Thuyên Huy 

 (còn tiếp)

No comments: