SÀI GÒN
VUI TRONG PHÚT GIÂY THÔI (*)
Thật lạ. Mỗi khi nhìn vào tấm
ảnh của một người đã chết, dù đang được đặt trên bàn thờ hay được treo trên
vách, dù đang cười hay đang nghiêm nghị, tôi vẫn thấy đôi mắt của họ nhìn tôi
buồn khôn tả. Và mỗi lần bước chân trên đường phố Sài Gòn, thành phố đã qua đời
từ năm 1975, tôi cũng có cảm giác như có tiếng thở dài đâu đó trên từng phiến
đá, từng gốc cây, từng chiếc lá.
Huyền Chiêu
Tôi không là người Sài Gòn nhưng
cũng đã được nhìn ngắm thành phố này 20 năm, cho đến ngày nàng tử nạn. Cuối
tháng Tư năm ấy, nàng đã bị xe tăng húc chết tại cánh cổng sắt của dinh Độc
Lập. Có cần phải cư xử côn đồ đến thế, khi Sài Gòn đã đầu hàng, không hề chống
cự? Thuở bé tôi sinh ra và lớn lên ở miền Trung. Tôi không phân biệt được Sài
Gòn và những tỉnh miền Tây. Sài Gòn đối với tôi là miền đất cuối cùng của đất
nước. Mỗi khi vẽ bản đồ miền Nam Việt Nam tôi vô cùng hài lòng chấm dứt công
việc bằng một dấu chấm đen với hai chữ Sài Gòn.
“Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài gòn ơi!” (Y
Vân).
Sài Gòn chắc lạ lắm, nhộn nhịp lắm vì có “đèn
ngọn xanh, ngọn đỏ”. Sài Gòn chắc vui lắm nên mới có “ai đang đi trên Cầu Bông,
té xuống sông…”.
Năm tôi 15 tuổi, sau khi đậu
trung học, tôi được đi Sài Gòn lần đầu không phải bằng tàu lửa hay xe đò mà
trên chiếc tàu thủy to nhất của Hải Quân VNCH mang số hiệu 500.
Nhờ có quen với hạm trưởng, gia
đình đã xin cho các cô cháu gái và tôi được làm một chuyến du lịch Sài Gòn như
một phần thưởng.
Sau hai ngày bồng bềnh trên
biển, con tàu khổng lồ bắt đầu rẽ vào cửa sông Sài Gòn.
Đứng trên boong, tôi choáng ngợp
khi ngắm nhìn dòng sông quá mênh mông bát ngát so với những dòng sông nhỏ bé ở
miền Trung. Và tôi không khỏi ngạc nhiên vì dòng nước ở đây không trong trẻo mà
ngầu đục phù sa cùng từng mảng lục bình trôi nổi dập dềnh.
Sài Gòn đẹp và tráng lệ đến bất
ngờ.
Tôi đã tận mắt nhìn thấy Dinh
Độc Lập, Dinh Gia Long, nhà thờ Đức Bà, được dạo chơi trong Sở Thú, chợ Bến
Thành, đường Catinat.
Trở về làm cô học trò đệ nhị
cấp, tôi mơ một ngày được sống và đi học tiếp ở Sài Gòn.
Cô học trò đã đến tuổi mơ mộng.
Buổi tối cô mở radio, chờ nghe giọng Bắc ngập ngừng rất hay của nhà văn Nguyễn
Đình Toàn trong chương trình Nhạc Chủ Đề từ đài phát thanh Sài Gòn.
Cô cũng chịu khó đọc báo Văn
phát hành từ Sài Gòn để mong trở thành người “Ham đọc, hiếu học, ưa suy nghĩ”.
Rồi không biết từ lúc nào, cô
nhận ra rằng thành phố Sài Gòn với dòng sông mênh mông bát ngát đã bị “xâm
lăng” một cách đáng yêu bởi một tầng lớp người Bắc di cư.
Món phở Bắc chắc chắn đang cạnh
tranh không khoan nhượng với món hủ tiếu. Trong những ngôi chợ lớn nhỏ đã xuất
hiện màu xanh của rau kinh giới bên cạnh rổ giá sống trắng phau.
Cô cảm thấy yêu tiếng Việt hơn
qua các ca khúc của Phạm Duy. Và tiếng hát của Anh Ngọc, Sĩ Phú, Thái Thanh, Lệ
Thu đã làm cô không còn mặn mà với những bản vọng cổ rất mùi của Út Trà Ôn mà
thuở nhỏ cô rất ưa thích…
Cô tìm đọc các nhà văn, nhà thơ
Bắc di cư.
Cô rất muốn biết vì sao hàng
triệu người miền Bắc đã nghẹn ngào từ bỏ một miền quê hương yêu dấu đến thế,
tươi đẹp đến thế để vào với Sài Gòn xa lạ.
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông. (Nguyên Sa)
Câu thơ ấy sẽ ra sao nếu được
viết:
“Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Nam Vang”.
Sài Gòn sau cuộc di cư năm 1954
đã được pha phách như cốc cà phê đen cho thêm chút sữa và một chút bơ Bretagne
để trở nên một hỗn hợp đậm đà hương vị.
Năm 18 tuổi, tôi vào Sài gòn để
ghi danh ở Đại Học Văn Khoa. Và Sài Gòn dưới mắt cô sinh viên nghèo không hoa
mộng như những gì cô đã từng tưởng tượng.
Cô nhận ra Sài Gòn không là Hòn
Ngọc Viễn Đông. Chẳng vinh dự gì để nhận danh hiệu ấy khi những dinh thự, nhà
thờ, phố xá, nhà hàng, khách sạn sang trọng của Sài Gòn là do người Pháp xây
dựng và để lại.
Và chỉ một số rất ít, rất ít
người dân Sài Gòn được sống trong những dinh thự nguy nga ấy, được ngồi uống
rượu ở Continental, Givral, hay có đủ tiền mua sắm ở thương xá Tax, Eden…
Người dân Sài Gòn thuở ấy vẫn
rất nghèo.
Họ là những công tư chức, thầy
giáo và người lao động tự do làm thợ thuyền, làm nghề buôn bán nhỏ, kiếm sống
trong những ngôi chợ tồi tàn, hay trên gánh chè, gánh bún…
“Nhớ thuở nào, anh đi làm công, em gánh rong.
Đôi ta cùng gặp nhau dưới cầu, bóng mát dưới
cầu.” (Phạm Duy).
Đường phố Sài Gòn đông thật
nhưng nhìn dòng xe đạp, xe mobillet, xe xích lô máy… chen chúc nhau, người ta
vẫn cảm nhận được cái nghèo của thị dân nơi đây.
Chính quyền Sài Gòn thời ấy hầu
hết là những công chức xuất thân từ một nền hành chính Pháp thuộc hoặc từ thành
phần con cháu quan lại triều Nguyễn. Họ mù tịt với các chiến lược kinh tế, và
lơ đãng nhìn gần như toàn bộ nền sản xuất, thương mãi nằm trong tay người Tàu ở
Chợ Lớn.
Và mấy ông Ba Tàu thì chưa khi
nào muốn cho nền kỹ nghệ VN tiến bộ.
Từ bao năm trời, cái hũ đựng
chao, cái bóng đèn hột vịt, cái tấm lịch Tam Tông Miếu vẫn thế.
Mà thay đổi làm gì khi người
tiêu thụ chẳng đòi hỏi và túi tiền của họ vẫn ngày càng đầy.
Từ lưu xá Phước Hải trên đường
Trần Quốc Toản xuống quận 1 đi làm thêm ở văn phòng một hãng sản xuất hóa chất,
tôi đã chen chúc cùng người dân Sài Gòn trên những chuyến xe bus chật chội,
những chiếc xe lam nồng nặc mùi khói …
Ngọc thì không được có tì vết.
Nhưng ngay cạnh vẻ lộng lẫy của trung tâm Sài Gòn là những con hẻm ngập bùn sau
mỗi cơn mưa, là những khu nhà ổ chuột chen chúc trên những dòng kinh nước đen
hôi thối, nhớp nhúa.
Sài Gòn theo tôi là một thành
phố tự phát trên cái nền sẵn có của người Pháp để lại và rất thiếu vắng sự quản
lý của một chính quyền chuyên nghiệp. Nhưng dầu sao người dân Sài Gòn thuở ấy
rất hạnh phúc theo cách của riêng mình. Họ sống đời thị dân của một thành phố ô
hợp một cách hồn nhiên, vui vẻ.
Trẻ con Sài Gòn đã lớn lên, gắn
bó với ngõ hẻm thân quen. Và tôi bắt đầu yêu Sài Gòn với những cơn mưa bất
chợt.
Sáng Chủ Nhật tôi đã cho phép
mình quên đi nỗi cô đơn trong thành phố quá đông người này, để một mình đặt
bước chân ngại ngùng trên lề đường Lê Lợi, tìm lấy niềm vui vô định và để thấy
cuộc sống thật nhẹ nhàng mỗi khi nhìn ngắm những balcon kiểu Pháp thấp thoáng
sau vòm lá me xanh ở khu Nhà Thờ Đức Bà.
Dầu sao người Sài Gòn thuở ấy
hoàn toàn tự do trong suy nghĩ, trong cảm xúc.
Sau một ngày cực nhọc, họ có thể
chọn lựa đi xem Thanh Nga, Bạch Tuyết ở các rạp cải lương. Họ có thể say mê
nghe Hùng Cường, Mai Lệ Huyền hát Túp Lều Lý Tưởng hay vào rạp xem Audrey
Hepburn trong Vacance Romaine.
Họ có thể đọc thơ Quang Dũng,
Huy Cận, Xuân Diệu, hát nhạc Đoàn Chuẩn, Văn Cao… chẳng cần biết mấy ổng đó
đang ở chức vụ nào bên kia chiến tuyến.
Người Sài Gòn không phải họp
hành, hô khẩu hiệu.
Người Sài Gòn có thể đứng nghiêm
ngả mũ chào đám tang một người không quen nhưng không khóc tổng thống Mỹ
Kennedy khi ông qua đời.
Sài Gòn không có lãnh tụ. Hầu
hết người miền Nam và người Sài Gòn coi cuộc chiến vừa qua là “Tai trời ách
nước” (Nguyễn Bắc Sơn).
Đi lính, người Sài Gòn vẫn có
thể nói “tôi chán cuộc chiến này” nếu họ thật sự nghĩ thế…
Và ký ức về Sài Gòn vì vậy vẫn
còn là những nỗi nhớ ngọt ngào.
Huyền Chiêu, tháng
9-2015 (trích “Những chuyện xưa của lòng”, Tập I)
* Mượn ý thơ Nguyễn Đình Toàn.
No comments:
Post a Comment