XUÂN VỀ XÓM ĐẠO
1.
Những ngày cận tết trời Sài Gòn
se se lạnh. Cái lạnh mang theo chút nắng hanh làm đẹp hơn bao chiếc áo len buổi
sáng những con đường. Khóa học cuối năm chấm dứt bằng đêm văn nghệ toàn trường
của đại học sư phạm. Tôi dự định nán lại thành phố vài ngày rồi về quê ăn tết
với gia đình bên nội như mọi năm. Thật tình tôi không biết mình nám lại vài
ngày để làm gì? Thành phố này chẳng còn gì để tôi lưu luyến, để tôi ngồi lại
nhìn mọi ước vọng của mình đã bỏ ra đi. Lòng người rộn rã cho một mùa xuân tới,
sao lòng tôi sóng vỗ tiễn đưa người. Lúc đó tôi thật sự buồn và không hiểu vì
sao? Người con gái nói yêu tôi, viết bao nhiêu lá thơ tình thương nhớ, cho nhau
tất cả không gìn giữ tưởng chừng như gắn kết một đời. Rồi bất chợt xa lìa, bất
chợt lấy chồng không một lời nói chia tay..? Tuổi trẻ thế hệ chúng tôi đã đi
qua quá nhiều ly biệt, quá nhiều mất mát mà suốt đời vẫn mãi chưa tìm được câu
trả lời thỏa đáng, tại sao? Vài tuần lễ trước “người đó” có hẹn gặp nhau lần
cuối, tôi im lặng chối từ. Thôi cần gì phải bận lòng nhau thêm nữa, để mai này
nỗi đau sẽ ngắn vết da non! Đang lúc chẳng biết làm gì để giết thời gian
chờ đợi thì “Thịnh râu” ghé chơi và rủ tôi đi về thăm quê cậu mợ của hắn ở
Trảng Bàng, Tây Ninh. “Thịnh râu” là tên của Nguyễn Trần Thịnh học chung lớp
với tôi, có bộ râu mép đẹp không khác gì tài tử điện ảnh Trần Quang của Việt
Nam. Thịnh chơi đàn guitar tuyệt vời, nên luôn được bầu làm trưởng ban văn nghệ
của khoa. Tuy không phải là nhóm bạn “ăn thề”, nhưng tôi và Thịnh cũng rất thân
thiết qua các sinh hoạt báo chí văn nghệ. Hơn nữa lớp Việt hán của trường sư
phạm năm đó cũng chẳng có bao nhiêu sinh viên…
Trảng Bàng,
nghe đâu chỉ là một huyện nhỏ khoảng giữa đoạn đường từ Sài Gòn đi Tây Ninh.
Tôi không nhớ là Trảng Bàng có gì lạ để ghé thăm nên định thoái thoát nằm nhà.
Nhưng Thịnh vừa năn nỉ vừa hứa hẹn nhà cậu mợ hắn là một nơi, nếu không đi là
tiếc một đời..! Tôi nghi ngờ gặn hỏi, nơi nào mà phải tiếc cả một đời? “Xóm đạo
Tha La… Là xóm đạo Tha La, toa nhớ đến gì chưa?”, Thịnh đáp ngắn gọn. Là dân
gốc trường Tây, Thịnh thường dùng “moa, toa” với bạn bè quen thân.
Xóm đạo Tha
La, tôi thảnh thốt. Đây là bài thơ “Tha La Xóm Đạo” nổi tiếng của nhà thơ Vũ
Anh Khanh, mà hầu hết học sinh sinh viên đều biết đến và yêu mến. Bài thơ càng
phổ biến hơn khi được nhạc sĩ Dzũng Chinh phổ nhạc với ca khúc có cùng tên “Tha
La Xóm Đạo” (1964). Năm sau đó 1965, lại được nhạc sĩ Sơn Thảo phổ thành ca
khúc “Hận Tha La” và nhạc sĩ Anh Tuyền cũng phổ bài thơ thành ca khúc “Vĩnh
Biệt Tha La”. Cả ba ca khúc đều nổi tiếng.
Được biết,
“Tha La” xuất phát từ “Schla” trong tiếng Khmer, có nghĩa là trạm, nơi nghỉ.
Địa danh này nay thuộc xã An Hoà, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Trong chiến tranh
chống Pháp, Tha La đã chịu bao khói lửa tang thương. Tha La vắng vẻ lại càng
vắng thêm bóng người, phủ lên khắp xóm làng nỗi buồn cô quạnh, xót xa. Cho tới
nay thân thế của nhà văn, nhà thơ Vũ Anh Khanh vẫn còn là một bí ẩn, người ta
chỉ biết ông tên thật là Võ Văn Khanh, sanh năm 1926 tại Mũi Né, quận Hải Long,
tỉnh Bình Thuận. Năm 1954 ông tập kết ra miền Bắc và mất năm 1956. Trong giai
đoạn từ năm 1945 đến năm 1950, Vũ Anh Khanh là một cây bút chuyên viết truyện
ngắn và tiểu thuyết. Tác phẩm của ông gồm truyện dài như Nửa Bồ Xương Khô, Bạc
Xíu Lìn, Cây Ná Trắc và các truyện ngắn như Đầm Ô Rô, Sông Máu, Bên Kia Sông…
Tuy nhiên bài thơ “Tha La Xóm Đạo” mới làm cho rất nhiều người nhớ đến tên tuổi
của ông mãi tận sau này.
“Tha La Xóm Đạo” là
một bài thơ dài, viết theo lối hợp thể, đoạn mở đầu là ngũ ngôn, rồi
chuyển sang tám chữ, sau đó thành kịch thơ và kết thúc bằng hai câu thất
ngôn. Lời thơ giản dị, chân thành. Nhịp điệu của bài thơ nhẹ nhàng
như lời tâm tình đã làm rung động tâm hồn của nhiều độc giả ngay lúc chào
đời.
Đây Tha La xóm đạoCó trái ngọt cây lành
Tôi về thăm một dạo
Giữa mùa nắng vàng hanh
Ngậm ngùi Tha La bảo:
– Đây rừng xanh rừng xanh
Bụi đùn quanh ngõ vắng,
Khói đùn quanh nóc tranh
Gió đùn quanh mây trắng,
Và lửa loạn xây thành…” (*)
2.
Đi xe đò từ bến xe miền đông Sài
Gòn đến quận lỵ Trảng Bàng mất hơn hai tiếng, dù chỉ cách khoảng năm mươi cây
số. Trên chuyến xe ngày cận tết đã nghe ngọt ngào mùi bánh mứt, mùi bột thơm
của những ổ bánh mì Sài Gòn treo trước ghế ngồi của tôi và Thịnh. Tôi chợt thấy
lòng lâng lâng, háo hức giữa không khí rộn ràng của mùa xuân. Khoảng gần mười
một giờ trưa, chiếc xe đò bỏ chúng tôi xuống gần chợ Trảng Bàng, nằm dọc theo
trục lộ chính giữa Sài Gòn và Tây Ninh. Vài em bé trai lẫn gái đầu đội chiếc
nón cũ, áo nhiều vết vá, da sậm nắng gió chạy đến nài nỉ Thịnh và tôi mua những
bọc bao lì xì, thiệp chúc Tết in sẵn và mấy gói mứt dừa, mứt gừng, mứt bí… thật
đáng thương. Đã thấy chung quanh chợ Trảng Bàng những khẩu hiệu màu đỏ quen
thuộc, những dãy hàng dưa hấu, những chậu hoa mai, vạn thọ, cúc vàng… bày la
liệt dọc lề đường. Thịnh dẫn tôi đi men theo hông chợ, về phía bến xe lam nằm
khuất phía sau.
Hai đứa lên
chiếc xe lam lộ trình Trảng Bàng – An Hòa – Phước Chỉ. Con đường đi qua những
dãy nhà thưa, qua ngôi trường trung học phổ thông Trảng Bàng với ngói đỏ tường
vôi vàng khá khang trang. Đường tráng nhựa kéo dài độ vài trăm mét thì rẽ tiếp
vào con đường đất đỏ mà phía sau những chiếc xe gắn máy, xe lam là bụi tung mù
màu đất. Quãng đường ngập nghềnh, nhà ở thưa thớt và gần như không còn hàng
quán nào dọc theo. Bây giờ tôi mới thấm thía mấy câu thơ của Vũ Anh Khanh vẽ
lên hình ảnh thôn làng trên đường vào xóm đạo: ” Bụi đùn quanh ngõ vắng / Khói
đùn quanh nóc tranh”. Nắng bụi hanh hanh trong những ngày cận Tết, sao chợt
nghe lòng thoáng những bâng quơ.
Chiếc
xe lam dừng lại, thả Thịnh và tôi ở đầu con ngõ. Tôi đã thấy nóc ngôi giáo
đường cao phía trước trong màu nắng vàng tươi của mùa xuân. “Nhà thờ họ đạo Tha
La đó!”, Thịnh hất đầu ra dấu, “Chút nữa tụi mình vào thăm lễ buổi chiều”. Căn
nhà cậu mợ của Thịnh nằm lọt vào phía sau hàng rào dâm-bụt màu đỏ thẩm. Khu
vườn cây ăn trái chung quanh, tôi thấy nhiều mít, cây xoài, cây ổi và những bụi
tre, trúc xanh mướt lả ngọn theo từng cơn gió thoảng cuối năm. Gia đình cậu mợ
Sơn cùng ba người con (hai trai, một gái) vui mừng chào đón hai đứa tôi. Nhà
khá rộng, làm nghề đan tre gia truyền, với nhiều ảnh Chúa Jesus và Đức Mẹ Maria
treo quanh tường. Thật ra gia đình cậu mợ Sơn có năm người con, hai con trai
lớn đều có gia đình riêng ở Tây Ninh, mùng Một mới về thăm nhà chúc Tết. Phía
sau nhà chứa toàn là tre và tre. Những cây tre đã vút sẵn thành từng cọng dài
láng mỏng, rồi từng bó tre vẫn còn nguyên lá xanh tươi. Thúng tre, sàng bằng
tre, bình đựng đồ bằng tre, khung ảnh tre… tất cả sản phẩm thủ công làm bằng tre
thật đẹp, sắc sảo. Hai ấm nước nóng được nấu nhanh, Thịnh và tôi thay phiên
nhau tắm gội sạch bao nhiêu bụi đỏ đường xa.
Rời nhà
khoảng bốn giờ chiều, chúng tôi đi về phía nhà thờ. Người hướng dẫn là Ngọc
Liên, cô em gái họ của Thịnh. Đang học lớp 12 trung học Trảng Bàng, Liên hơi ốm
dáng dong cao, mái tóc cắt ngắn với đôi mắt đen lánh trong sáng, thánh thiện.
Trong chiếc áo dài trắng sờn bâu cổ và khủy tay, Ngọc Liên thật dễ thương, xinh
đẹp. Có thể do nhiều tưởng tượng, nhưng khi nhìn Liên tôi thấy có nhiều nét
giống bức ảnh Mẹ Maria trên tường nhà nàng..!? Sau khi tắm rửa, ăn trưa với tô
bánh canh thịt bầm, tôi cũng tươi tỉnh hẳn lên. Dọc hai bên đường đi vào nhà
thờ họ đạo là những cây dương xanh cao, hàng cội mai già đã được ngắt lá chen
lẫn mấy bụi tre, trúc xanh rì. Không hiểu sao tôi vẫn thấy trong không khí rộn
ràng cận Tết, Tha La vẫn có nét hoang sơ heo hút, buồn buồn.
Trước mắt tôi
là ngôi giáo đường có đôi chút cũ kỹ, cổng tường vôi mới quét sơn màu vàng với
bốn chữ lớn “Họ Đạo Tha La” màu trắng trên cao. Cây thập tự giá lớn dựng trên
bờ tường đá phía bên trái của cổng, tạo một nét đặc biệt của ngôi nhà thờ họ
đạo. Những chiếc lồng đèn hình ngôi sao nhiều màu sắc, treo dọc theo cổng vào
bên trong khuôn viên nhà thờ. Phía trong là ngôi thánh đường trang nghiêm hai
mái ngói sẫm, tường vách đá xám với tháp chuông vuông vức uy nghi và thật đẹp.
Tôi đã thật sự đến Tha La, thật sự bước những bước chân vào bài thơ của Vũ Anh
Khanh, như một giấc mơ đời có thật. “Anh Long thấy xóm đạo Tha La thế nào? Có
như những gì anh tưởng tượng qua bài thơ không?”, Liên đứng lại nhìn tôi cười
hiền lành hỏi.
Như bị đọc
được ý nghĩ, câu hỏi bất ngờ của Liên làm tôi lúng túng. Bài thơ cho tôi nhiều
tưởng tượng một xóm đạo Tha La tươi đẹp nên thơ với trái ngọt cây lành, với
rừng xanh ngõ vắng. Và rồi Tha La tràn ngập trong khói lửa của cuộc chiến
tranh, của chia ly, của điêu tàn và đầy nước mắt.
… Tha La hỏi:
– Khách buồn nơi đây vắng?
Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng!
– Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn?
Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn
Gió vi vút, gió rợn rùng, gió rít
Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch
Thôi hết rồi còn chi nữa Tha La!
Bao người đi thề chẳng trở lại nhà
Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!” (*)
Nhưng hiện trước mắt tôi là một
xóm đạo Tha La nhỏ bé yên bình, chút heo hút hoang sơ, chút hiền hòa tĩnh lặng.
Cả xóm làng họ đạo như được những rừng tre, trúc xanh tươi bao bọc vây quanh.
Không biết tự bao giờ, chiến tranh đã tràn về nơi đây nhưng chung quanh tôi bây
giờ không nhìn thấy những dấu vết đạn bom, lửa khói của một xóm đạo ven rừng.
Mỗi lần có cơn gió mùa thổi lên, là xóm đạo như vang vang khúc nhạc lá của ngàn
tre… Cả một Tha La chừng như không quá trăm căn nhà dọc theo ngôi thánh đường
cao, ngự giữa thôn làng. Tha La còn đẹp hơn ngoài đời với hình ảnh đôn hậu mộ
đạo, thiết tha tình người của gia đình cậu mợ Sơn và cả nụ cười ánh mắt của
Ngọc Liên. Tôi nói với anh em Thịnh và Liên ý nghĩ của mình và dĩ nhiên giữ lại
phần sau về cô gái nhỏ. “Đúng thế anh ạ! Chính đấy là lịch sử của Tha La, là
hình ảnh của người xóm đạo!”, không như Thịnh giọng bắc của Liên thật nhẹ, dễ
cảm lòng người.
Qua khỏi nhà
thờ họ đạo, con đường đất dẫn sâu vào thôn làng càng hun hút với những cơn gió
mùa khô nhạt nắng chiều. Chắc nhìn thấy khuôn mặt thẩn thờ của tôi, Ngọc Liên
thường dừng lại và cắt nghĩa tên của từng loài hoa dại mọc dọc ven đường. Nâng
trong tay một cành hoa sim màu tím nhạt, Liên đưa cho tôi: “Tặng anh hoa sim
rừng của xóm đạo, của Tha La”! Gió mùa hiu hắt của khu rừng thưa thổi cuốn hút
bụi đường, vân vê tà áo trắng của người con gái. Mùi nắng hanh khô đượm hương
con gái ngất ngây trong gió chiều nhẹ lơi… Nhà cửa cũng thưa dần, vắng hơn
người đi lại. Ngọc Liên cho hay đã cuối xóm đạo Tha La, phía trước là ven rừng
qua xã khác. Chợt đâu tiếng chuông đổ liên hồi, thức tỉnh cả không gian trầm
mặc chung quanh. Mải mê đưa tôi đi thăm xóm đạo đã lỡ mất buổi lễ chiều, cả
Thịnh và Ngọc Liên dừng lại, quay về phía nhà thờ cúi đầu và đưa tay làm dấu
thánh giá. Những người giáo dân đi đường cũng làm như vậy. Tất cả sinh hoạt đều
như ngừng lại, mọi người trang nghiêm hướng về giáo đường cầu nguyện, dọc theo
xóm đạo chiều cuối năm.
Đứng cúi đầu
lặng im bên cạnh Ngọc Liên, tôi chợt nghe đâu đây tiếng vọng của từng cơn gió
mùa, thổi lao xao ngàn lá động ven rừng:
– Viễn khách ơi!
Hãy dừng chân cho hỏi,
Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng
Đây Tha La, một xóm đạo ven rừng
Có trái ngọt, cây lành, im bóng lá
Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ
Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!
Về chi đây? Khách hỡi? Có ai chờ?
Ai đưa đón?
– Xin thưa, tôi lạc bước!
Không là duyên, không là bèo kiếp trước
Không có ai chờ, ai đón tôi đâu!
Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu
Tìm hoa rụng lạc loài bên vệ cỏ…” (*)
3.
Mới đó mà đã năm mươi năm, đã
cuối một đời người… Bài thơ của Vũ Anh Khanh và hình ảnh xóm đạo Tha La vẫn
luôn theo tôi qua bao nhiêu sông dài biển rộng, qua bao nhiêu năm tháng đời
người… Lần cuối tiễn đưa nhau ở bến xe Trảng Bàng, Ngọc Liên người con gái xóm
đạo tặng tôi bức ảnh ngôi giáo đường với lời nhắn nhủ: “Anh Long nhớ trở về
thăm xóm đạo, thăm Tha La nhé anh!”. Tôi đã hứa: “Chắc chắn anh sẽ trở lại thăm
Tha La, thăm xóm đạo và gia đình Liên”! Tôi định nói thêm: “Để được gặp lại
Ngoc Liên”. Nhưng nhìn vào đôi mắt đen tròn của nàng, tôi biết mình không cần
phải nói. Trước khi bước lên xe, không hiểu sao tôi quay lại đưa tay về phía
Ngọc Liên, như một phản xạ tự nhiên. Và nàng cũng đưa tay cho tôi nắm. Bàn tay
người con gái mềm mại, ấm áp trong lòng tay tôi bịn rịn, không rời… Chuyến xe
Trảng Bàng – Sài Gòn rời bến, để lại sau lưng hình bóng người con gái mờ dần
trong bụi đỏ và lời hứa sẽ trở về.
Và tôi đã
không giữ lời hứa với lòng, với người con gái xóm đạo năm xưa. Dòng đời không
trôi xuôi theo lòng người ước hẹn. Tôi đã vượt qua bao nhiêu biển cả trùng
khơi, qua bao nhiêu vùng đất lạ quê người nhưng vẫn chưa lần trở lại thăm vùng
đất ven rừng, thăm lại ngôi giáo đường xóm đạo. Lần cuối cùng tôi được tin mẹ
Ngọc Liên mất và cả gia đình dọn nhà về Di Linh để trồng trà. Còn Nguyễn Trần
Thịnh về dạy ở Khánh Hòa, vượt biên và đang định cư ở Canada. Chỉ có vậy, tôi
mất hẳn tin tức về “Thịnh râu”, về gia đình Ngọc Liên, người con gái họ đạo…
Bài thơ của Vũ Anh Khanh vẫn còn đó, ca khúc “Tha La Xóm Đạo” của Dzũng Chinh
sẽ còn sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Ngôi giáo đường cũng vẫn còn đó, xóm
đạo Tha La cũng mãi còn đó với miền đất đỏ Trảng Bàng, nhưng những người yêu
thương của tôi giờ ở phương nào? Tha La xóm đạo trong tôi không phải chỉ qua
hình ảnh trong bài thơ của Vũ Anh Khanh mà là ngôi nhà của gia đình cậu mợ Sơn
và Ngọc Liên, người con gái có nụ cười ngoan hiền khó quên; là người giáo dân đôn
hậu hiếu khách, là tiếng chuông đổ liên hồi trong xóm đạo mỗi buổi chiều rơi.
Hình ảnh của Thịnh, của Ngọc Liên và của giáo dân Tha La đứng dọc bên đường đất
đỏ cúi đầu cầu nguyện vẫn còn đọng mãi trong tôi, không nhạt mờ qua năm tháng.
Bây giờ họ sống ra sao, ở đâu trong dòng đời xuôi ngược vô chừng? Bức ảnh ngôi
giáo đường “Họ Đạo Tha La” Ngọc Liên tặng tôi cũng không còn nữa, cành hoa sim
rừng tím nhạt cũng đã để lại đâu đó nơi gió cát bụi đời. Nhưng hơi ấm bàn tay
mềm mại và những dòng chữ nắn nót viết phía sau bức ảnh của người con gái buổi
tiễn đưa, vẫn còn trong tôi như mới chợt hôm nào:
… Hãy về thăm xóm đạo
Có trái ngọt cây lành.
Tha La dâng ngàn hoa gạo,
và suối mát rừng xanh.
Xem đám chiên lành thương áo trắng.
Nghe mùa đổi gió nhớ quanh quanh…” (*)
Nguyễn Vĩnh Long
(*) Tha La Xóm Đạo – Vũ Anh Khanh
Nguồn: https://vietbao.com/a317975/xuan-ve-xom-dao
304Đen – llttm- dsc
No comments:
Post a Comment