Monday, December 17, 2018

Bình Một Bài Thơ Như Thế Nào? - Nguyễn Cang



BÌNH MỘT BÀI THƠ NHƯ THẾ NÀO?
 
 




Bình thơ là một thú tiêu khiển không thể thiếu trong sinh hoạt nghệ thuật, nó giống như thú làm thơ vậy. Nhiều người coi việc làm thơ là món ăn tinh thần nên ngày nào cũng sáng tác một hai bài thơ. Vì là một nghệ thuật để tiêu khiển nên việc bình thơ là cả một vấn đề khó khăn và phức tạp đòi hỏi người bình phải vượt qua để có được một bài bình coi được! Lời bình giống như cái duyên của một phụ nữ. Có người bình đọc nghe hào hứng khởi sắc, lời văn ngọt ngào chan chứa tình cảm, hoặc lâng lâng tha thiết cũng  có người bình bài thơ đó nhưng nghe khô khan cằn cỗi, giống như một phụ nữ chưa kịp lớn đã già ! Tôi chưa có một quá trình rèn luyện lâu dài trong việc bình thơ như các tác giả nổi tiếng : Hoài Thanh Hoài Chân, Lê trí Viễn, Xuân Diệu hay Kim Thánh Thán bên Tàu, nhưng cũng học được nhiều điều hữu ích xin trình bày để các bạn tham khảo.
    Một người bình thơ hay, khiến cho người đọc cảm thấy thích thú, sảng khoái, còn tác giả bài thơ thì thấy khích lệ để sáng tác nhiều bài nữa. Trái lại người bình vụng về sẽ gây thất vọng nơi bạn đọc và làm nản lòng tác giả bài thơ. Ta có thể sánh người bình thơ như một cô ca sĩ, ca sĩ trình bày bài hát hay, truyền cảm thì bài hát sẽ được nhiều người ưa thích và ca sĩ cũng được mến mộ hoan nghênh! còn bài hát hay mà ca dở thì cũng bỏ đi. Cho nên vai trò người bình rất quan trọng. Hay dở của một bài thơ còn tùy thuộc vào lời bình và giá trị của bài thơ đó !

    Trước hết bản thân người bình thơ phải thích thơ văn mới được , bạn nảo không thích thì khó bình được hay. Chính sở thích nầy mới khiến bạn học hỏi, miệt mài viết bài bình, nó giống như thời học sinh, nếu bạn không thích toán thì đừng theo ban B toán, hãy chọn ban A Vạn vật cho xong kẻo thi hoài vẫn rớt.

Muốn bình một bài thơ cho thật hay thật sâu sắc, bạn cần trang bị cho mình một số kiến thức căn bản về văn học, thơ văn . Đòi hỏi nầy hơi khó nên nhiều bạn bỏ cuộc. Tôi tin rằng nếu bạn cố gắng học hỏi thì vấn đề sẽ không còn khó nữa. Hiện nay tôi thấy người làm thơ thì nhiều còn người bình thơ thì quá ít.

   Bạn cần nhớ tổng quát nền văn học Việt Nam từ thơ văn cổ điển cho tới thơ văn hiện đại, phải biết nó biến chuyển như thế nào, diện mạo ra sao trong mỗi thời kỳ văn học. Ở đây nói về thơ văn nên bạn phải thông thạo luật thơ, cách gỉeo vần, âm điệu v.v. thì mới xếp loại được bài thơ. Bài thơ cổ phong mà bạn cho rằng đó là bài thất ngôn bát cú Đường luật truyền thống rồi cho rằng tác giả làm sai luật, thì tội nghiệp cho tác giả biết chừng nào ! Ví dụ như bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu (Thôi-Hiệu (崔顥) sinh năm 704, mất năm 754, thời Nhà Đường (618-907), đời vua Đường-Huyền-Tông) nếu cho rằng bài thơ sai luật thơ Đường thì quá đáng ! Một bài thơ nổi tiếng cả ngàn năm nay bây giờ đọc lại vẫn thấy hay mà thực ra chỉ là phá thể của thơ Đường ở một vài chỗ, nên đừng bảo là thơ Đường làm sai luật !

 

    Một số các nhà thơ nhà văn ở trong nước cũng như hải ngoại đã nghiên cứu phê bình văn học hoặc bình thơ in thành sách như: Vũ Thanh Việt (Thơ lãng mạn và những lời bình), Mã Giang Lân(thơ Xuân Diệu và những lời bình)... Ở hải ngoại thì có: Trần văn Nam ( Trong dòng cảm thức văn học Miền Nam, nhận định thi ca hải ngoại ), Trần Đình Tuyến( Nhà thơ và nhà văn hải ngoại quyển I&II), Diên Nghị( Cõi thơ tìm gặp), Nguyễn Thùy(Khung trời hướng vọng), Song Nhị( Lời rao giảng của thơ), Đặng Tiến( Vũ trụ thơ), Vĩnh Phúc (Lý luận và phê bình thơ)v.v.
Tất cả đều bình thơ theo cách riêng của mình không ai giống ai ! nghĩa là mỗi người một vẻ!


Bên cạnh hiểu biết về thơ văn nếu bạn biết làm thơ thì bài bình của bạn sẽ vững chắc hơn, đầy đủ hơn.

    Nói về phương pháp thì có nhiều cách : cổ điển hoặc tân thời. Về cổ điển thì có tính cách giáo khoa, nặng về thi cử, điển hình có quyển "VN thi văn giảng bình" của Hà Như Chi hoặc "Thơ văn bình giảng" của Phạm văn Diêu, ấn hành cách nay hơn nửa thế kỷ. Còn phương pháp tân thời thì không theo sát bố cục của sách trên mà họ phân tích, bình thơ theo nguồn cảm hứng và theo tình cảm chứa  trong bài thơ. Họ cho rằng đó là nghệ thuật tiêu khiển tinh thần thì cứ để những suy nghĩ tràn ra một cách tự nhiên mà không để lệ thuộc vào một quy định hay một rào cản nào. Cách nầy có ưu điểm là khiến người đọc thơ cảm thấy thoải mái, tránh được sự nhàm chán thường thấy.

    Đi vào nội dung bài bình, ta có phần mở bài, phải làm sao mở bài một cách tự nhiên để dẫn độc giả vào khu vườn có nhiều hoa thơm cỏ lạ. Kết luận cũng vậy, ta khép vấn đề như thế nào để khi đọc xong, người ta thấy cảm xúc bùi ngùi, lâng lâng nỗi nhớ, vừa thông cảm vùa nuối tiếc một cái gì đó mà họ chưa nhận ra ngay.

Sau khi mở bài thì tiếp theo là nói xuất xứ bài thơ. Bài thơ đựoc tác giả sáng tác trong thời gian nào , hoàn cảnh ra sao? Có liên hệ gì với lịch sử thời đó không? Nhờ thông tin nầy ta có thêm dữ liệu để bàn luận trong phần thân bài, làm sáng tỏ thêm nỗi lòng thực sự của tác giả, bài bình sẽ sâu sắc hơn. Thực tế có nhiều bài thơ ta không biết tác giả sáng tác năm nào, hoàn cảnh ra sao vì ta không liên lạc được với tác giả hoặc giả người ấy đã qua đời mà không để lại bút tích.

    Phần nội dung tức thân bài, ta cần hiểu rõ tác giả muốn nói gì? Phải đọc đi đọc lại vài ba lần để bảo đảm mình đã hiểu ý tác giả kể cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nhứt là những ẩn ngữ hoặc ẩn dụ. Khi viết lời bình mình phải thông cảm với nỗi lòng, tâm trạng của tác giả như chính mình là vai chánh vậy, có thế những lời bình mới tự nhiên sâu sắc, lột tả được những ý nghĩ thầm kín bên trong, gây cảm hứng cho người đọc. Ta cần phân tích triệt để tâm lý nhân vặt (vui, buồn, hứng khởi, thất vong...) hoàn cảnh bế tắc dẫn tới quyết định làm ảnh hưởng tới cuộc đời nhân vật về sau. Chính cái "đột biến" đó mới khiến cho cho người đọc tò mò muốn biết câu chuyện diễn tiến ra sao, kết quả thế nào ( tốt hay xấu). Đó là nội dung còn hình thức thì sao? Cũng quan trọng không kém vì thơ văn là một nghệ thuật nên cách sử dụng từ ngữ trong thi ca cũng phải được coi trọng. Người bình thơ phải thấy được nét đặc thù nầy. Ta phải đi tìm cách mà tác giả sử dụng từ ngữ xem có gì đặc biệt không? Có đúng chỗ, chính xác không? Có chỗ nào ẩn dụ không? Từ ngữ sử dụng có diễn tả hết tâm trạng tác giả? Có dùng biện pháp tu từ không? Có tượng thanh tượng hình không? Ví dụ đọc 3 câu thơ của Quang Dũng tả đôi mắt người Sơn Tây ta thấy tác giả sử dụng từ ngữ thật đặc sắc để tả đôi mắt người đẹp Sơn Tây, qua đó gởi gấm niền tâm sự nhớ thương người "em gái" cũng là người mà tác giả yêu mến:

 

"Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương

-------------------------

"Đôi mắt người Sơn Tây

U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây..."  

Chỉ vài từ ngữ mà lột tả được vẻ đẹp của đôi mắt và nét kiêu sa của người con gái. Cũng qua đôi mắt tác giả thấy được tâm trạng của người "em gái" khi phải lìa thành vào vùng kháng chiến, ly hương theo lịnh tiêu thổ kháng chiến của VM, trong lúc đó tác giả cũng vào binh đội, hành quân qua Lào, khoảng thời gian 1948. Chính thời gian "thoát ly" nầy ông xa gia đình cha mẹ anh em và xa cả người thương, khiến lòng ông chùng xuống. Tĩnh từ kép "u uẩn" có nghĩa là dấu kín trong lòng, trong tim không bày tỏ ra ngoài, tức buồn âm thầm lặng lẽ không biết tỏ cùng ai. 

 

[Bài thơ được Quang Dũng viết tặng cho người tình của ông, một kỹ nữ xinh đẹp. Chiến cuộc nổ ra, nàng lìa thành vào vùng kháng chiến, chàng thành quân nhân lên đường chống giặc Pháp như bao trai tráng thời tao loạn].

"Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương", Cụm từ nầy nầy kết hợp với "u uẩn" khiến nỗi buồn tăng lên cao chất ngất vì đây là nỗi buồn của người bỏ thành về vùng "giải phóng" hoang vu xa vắng nên thiếu thốn mọi phương tiện vật chất, đã thế còn xa gia đính, người thân, hàng xóm cũ...và cả người yêu ! Tất cả nỗi buồn ấy được lồng vào khung cảnh trời chiều mênh mông quạnh vắng thì còn buồn nào hơn? Tâm trạng nầy là của người yêu và cũng là của tác giả ! Nhà thơ Quang Dũng đã sử dụng từ ngữ rất đắc vị !thật suất sắc!

    Tiếp theo là vấn đề trích dẫn tài liệu để chứng minh một ý tưởng nào đó chứa trong bài thơ. Ví dụ tả tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du thì sau khi phân tích, phê bình, đánh giá đoạn thơ trên, ta cần dẫn chứng thêm một cảnh khác cũng gây buồn tượng tự của một tác giả khác. Dẫn chứng để củng cố lập luận, bổ sung hay mở rộng. Tài liệu có thể lấy từ trong văn học hoặc trong âm nhạc. Viêc làm nầy khiến độc giả tránh đựoc sự đơn điệu nhàm chán, họ sẽ thích thú khi bạn dẫn chứng được những tài liệu dồi dào với một bút pháp linh động, sắc bén.

 

Ví dụ tả tâm trạng Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du viết :


Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.”

     Ta viết lời bình:

 

Tác giả đã vẽ ra  một không gian nhỏ bé đang dần chôn chặt tuổi xuân của cuộc đời Kiều, trong lầu ngưng bích này, Kiều đang bị giam lõng chốn lầu xanh, mất tự do. Bốn bề non xanh bát ngát nhưng nàng không được ra ngoài nhìn ngắm. Kiều không có ai làm bạn, chỉ có mỗi vầng trăng là người bạn tâm tình. Và chiếc đèn khuya le lói đơn độc gây cảm xúc đau đớn, với biết bao nhiêu nỗi cô đơn "bẽ bàng mây sớm đèn khuya", Kiều dật dờ trong tĩnh lặng: nửa cảnh, nửa tình, khiến nàng lo lắng sợ hãi.

Đây là một bức tranh đa dạng, phong phú về ngoại cảnh và tâm trạng, khắc hoạ nỗi đau buồn, mà Kiều đang nếm trải.
Ta có thể tìm thêm ý liên kết bởi một bài thơ (hay đoạn thơ) khác có nội dung tương tự bài Kiều ở lầu Ngưng Bích, chẳng hạn trong "Chinh phụ ngâm" có một đoạn thơ thể hiện tâm trạng của người phụ nữ đáng thương thời chiến tranh, loạn lạc:


Gà eo óc gáy sương năm trống,
Hòe phất phơ rũ bóng bốn bên.
Khắc giờ đằng đẵng như niên,

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.

    Ta viết tiếp những lời bình:

Tiếng gà gáy báo canh năm làm tăng thêm vẻ tĩnh mịch, vắng lặng. Cây hòe phất phơ rũ bóng trong ánh sáng lờ mờ của ban mai gợi cảm giác buồn bã, hoang vắng, thê lương. Giữa không gian ấy, người chinh phụ cảm thấy mình nhỏ bé, cô độc biết chừng nào!

Ta có thể dẫn chứng thêm lời bài hát "Tàu đêm năm cũ" của Trúc Phương nói lên tâm sự buồn đau đầy nước mắt trong một lần đưa tiễn người yêu tại sân ga vào một đêm đông giá lạnh :
"Trời đêm dần tàn tôi đến sân ga đưa tiễn người trai lính về ngàn. Cầm chắc đôi tay ghi vào đời tâm tư ngày nay. Gió khuya ôi lạnh sao, ướt nhẹ đôi tà áo..."

Những dẫn chứng liên quan sẽ làm cho bài bình trở nên phong phú, đa dạng hơn.

    Sau khi viết xong phần nội dung ta kết thúc bài viết bằng kết luận. Kết luận là tóm tắt ý đã trình bày nhung cần đua một vài ý kiến riêng để bổ túc nội dung bài thơ tức là ý kiến mở rộng để độc giả suy nghĩ đến một vấn đề khác có liên hệ tới bài thơ nhằm gây hứng thú, thỏa mãn thị hiếu độc giả để khi đọc xong người ta cảm thấy vừa lòng, nhẹ nhõm !

    Sau cùng khi hoàn tất bài bình bạn như trút hết gánh nặng, cảm thấy sảng khoái, nhưng đừng quên đọc lại. Đọc lại bài viết  cũng là điều hứng thú qua đó mình có thể tự đánh giá sơ khởi giá trị bài viết và cũng để thưởng thức thành quả của mình. Điều quan trọng là  sửa những lỗi chánh tả mà khi viết mình không nhận ra. Có những lỗi thông thường về cách hành văn cũng có khi lỗi do kiến thức chưa đạt trình độ hoặc nhớ không chắc, cần tham khảo lại sách vở.

    Trên đây là những ý kiến thô thiển về cách bình một bài thơ( cũng có thể là một tập thơ hay một bài văn xuôi) tôi muốn gởi đến bạn đọc. Trên thực tế đôi khi người bình chỉ ghi vắn tắt theo cách "chớp nhoáng" như vài nét chấm phá của một bức tranh thủy mạc, nhưng vẫn thấy hay ! Chúc các bạn thành công !

Nguyễn Cang(6/12/18)

 

 

 

 

No comments: