Friday, December 7, 2018

Ngày Mai Của Hôm Qua - Thuyên Huy



    Ngày Mai Của Hôm Qua

(Chuyện được viết bằng tưởng tượng, xin thứ lỗi cho những trùng hợp vô tình, từ tên người tới bối cảnh)
 
Viết để nhớ Nguyễn TN chết trong trận đánh Bồng Sơn và Đổ QT nằm xuống trên chiến trường Quãng Trị



  
 
 

     Sài gòn mùa này vẫn vậy, cũng cái nắng tình cờ nung người và những cơn mưa bụi, bất chợt vội vã về rồi hấp tấp đi. Người Sài Gòn vẫn sống như họ đã sống từ những ngày tháng cũ. Chiến tranh ngột ngạt đâu đó, nhưng xem ra chưa đến, dù quanh đây, đâu đó, lưa thưa dăm ba màu áo trận, ở một góc phố đông vui hay tại một ngỏ rẻ buồn thiu cuối đường, những con đường của “lối xưa xe ngựa”. Thuận đứng ngay ngã tư, trước tiệm kem Mai Hương, chờ đèn xanh, chưa kịp qua đường thì có tiếng ai đó gọi tên mình, trong đám đông, từ hướng nhà sách Khai Trí. Bạn bè, phần lớn mỗi đứa mỗi nơi sau những năm học hành thi cử cuối cùng, đã không còn mấy ai ở đây nữa, nhất là lâu lắm rồi Thuận mới về lại Sài Gòn, cho nên Thuận chỉ quay nhìn lại một cách lấy lệ. Tiếng gọi một lần nữa gần hơn và vội vã hơn, Thuận bỏ ý định băng qua đường, lùi lại bên trong lề ngờ ngợ chờ.

    Nhã Vy tay dắt đứa bé gái chừng khoảng lên ba, tách đám đông tiến đến gần bên. Cả hai người nhìn nhau thật nhanh rồi im lặng ngó ra đường. Cuối ngày rồi mà trời cũng chưa chịu mát, hơi nóng từ trưa hình như còn quanh quẩn theo người. Nhã Vy vuốt vội dăm sợi tóc đang bay ngược chiều gió trên vai, cúi xuống nói nhỏ gì đó, đứa bé khoanh tay, cúi đầu chào Thuận kèm theo tiếng dạ nhẹ lờ lợ dễ thương. Thuận đưa tay xoa đầu nó hỏi tên rồi nhìn lên, hơn ba năm rồi, Nhã Vy tuy không thấy khác hơn nhưng nụ cười hình như có cái gì đó làm nó không trọn vẹn. Nắng đuổi theo chân người đi, che khuất gần nửa con đường Lê Lợi, ở phía sông từ bến Bạch Đằng, vài cơn gió lẽ loi mang theo hơi nước, len nhẹ qua ngang mấy dãy phố lầu cao trong bóng chiều lấp lửng xuống. Nhã Vy bồng đứa bé lên, nhìn vào chỗ có cái bàn trống trong tiệm kem ngó ra rạp hát Casino, làm dấu rồi đi vào, Thuận lặng thinh gật đầu theo sau.

    Gặp lại Nhã Vy lần này, lần gặp mà Thuận đã không dám mong và nghĩ tới, cho nên không biết phải bắt đầu câu chuyện từ đâu, may mà Nhã Vy nhanh miệng hơn. Sau ngày đám cưới của Nhã Vy và Triều, Thuận cố lánh mặt và cố mà quên, và từ ngày bỏ lên Đà Lạt thì một phần đời của những ngày tháng bước vào tuổi biết buồn biết thương, biết vương biết vấn ở Tây Ninh xem như đã không có nữa. Cả hai người cùng nhìn bé Thảo Mi, hồn nhiên ăn ly kem đủ màu một cách ngon lành, rồi ngó ra đường, phía bên kia rạp Casino, quầy bán vé không còn mấy ai. Gánh bán bún bò bên lề đường vẫn đông từ xế trưa tới giờ, mặc dù cái nóng của nó và cái nóng của nắng chiều Sài Gòn không khác gì nhau, cũng có tiếng xuýt xoa, có tiếng xì xào và có những giọt mồ hôi rươm rướm chậm ở cuối bờ mắt đọng. Một lần nữa, Nhã Vy nhìn con rồi cho Thuận biết Triều đã chết trên chiến trường Triệu Phong, ngày bé Thảo Mi vừa mừng sinh nhật một tuổi. Thuận chợt thấy nghèn nghẹn, có cái gì đó làm tim mình đau nhói, đau hơn cái đau của ngày được tin Nhã Vy lấy chồng. Trên đường về, Thuận đưa hai mẹ con tới chỗ giữ xe gắn máy bên lề Lê Thánh Tôn, khúc gần thư viện Gia Long, Nhã Vy lấy miếng giấy nhỏ trong túi xách, viết vội địa chỉ đưa cho Thuận, nói nhỏ đã không còn ở chỗ cũ, Thuận nhận một cách lơ đểnh, lặng thinh. Con bé vòng tay chào, Nhã Vy lái xe bỏ chạy nhanh qua ngã tư, Thuận đứng bất động nhìn theo, tóc Nhã Vy thả dài, nhẹ bay xuôi theo chiều gió, giữa dòng sóng lá me vàng lả tả rơi, lững lơ đuổi bắt bóng nắng chiều đi xuống, không khác gì cơn mưa bụi của Sài Gòn, cũng vẫn đi và về bất chợt.

   Thuận thân với Triều từ ngày hai đứa còn học những năm đầu ở trường tiểu học xã Cẫm Giang. Gia đình Triều tương đối khá giả, có nhà có cửa ở trên tỉnh cũng như có bà con sống ở dưới Sài Gòn, ngược lại, Thuận mồ côi mồ cút sống với mẹ và bà ngoại bằng nghề buôn thúng bán bưng, nuôi vừa đủ ba miệng ăn, may mắn không dư không thiếu. Nhà Thuận, một căn nhà lộp tôn, nằm khuất mình trên miếng đất nhỏ thoai thoải xuống bờ con sông Vàm Cỏ, không mấy xa bến tàu lớn về Bến Cầu. Triều ở xế phía trên chợ xã, dọc theo tỉnh lộ, cách hàng rào sân trường có đôi ba cây Phượng già nua, lúc nào cũng còn sót lưa thưa vài chục cánh hoa đỏ bầm trong những ngày cuối hè vào học lại. Giữa năm lớp nhì, gia đình Triều dọn về Tây Ninh, hai đứa chia tay từ đó, mãi cho tới ngày gặp lại nhau hôm đứng sắp hàng chờ vào cùng lớp đệ thất của trường trung học công lập tỉnh. Rồi mớ kỷ niệm của những sáng thách nhau đuổi chân chim sáo hoang trên đường tới trường, những chiều chờ đếm đám lục bình đầy hoa tím, phía bên kia sông xem cái nào về bên này bờ trước theo từng đợt sóng nhấp nhô hay của những trưa chia nhau trái ổi nhỏ tí teo, một nửa mầy một nửa tao, dưới bóng nắng nung người quanh sân vườn nhà ai đó, trong chuỗi ngày hồn nhiên thơ dại có thêm những ngày tháng buồn vui của tuổi biết buồn và chập chững những bước đầu đời học làm người mới lớn ở ngưỡng cửa trung học.

    Nhà Triều là một ngôi nhà gạch không lớn lắm nhưng có cái vườn cây khá rộng, gần bên cạnh căn nhà sàn bằng gỗ đen, nằm ngay đầu ngỏ vào xóm dân có đạo, sau lưng nhà thờ tỉnh, trên đường Pasteur, là con đường chạy dọc theo bờ tường bọc bệnh viện. Thuận thì ở trọ tại nhà bà dì quen, chị em bà con xa gì đó với ngoại, bà dì sống với người con gái lớn, cở trạc tuổi mẹ mình nhưng không lấy chồng, làm y tá, ở cuối ngã ba trường tư thục Văn Thanh. Bà dì thì ăn chay trường và tu tại gia, thường xuyên đi cúng chùa. Buổi sáng đi học, năm nào cũng vậy, Thuận đi bộ từ nhà trọ, theo đường xuống chợ cũ , chờ Triều ngay ngã tư Võ Tánh từ hướng Pasteur đến, rồi cả hai cùng nhập bọn với đám bạn khác tới trường. Một tuần vài lần, chiều về, Triều lấy cái xe đạp mới đến, thay phiên đèo nhau hết đường ngoài ngỏ trong, chợ xa phố gần rồi dựng xe trước rạp chiếu bóng cuối đường Gia Long, chia nhau ly nước mía nhỏ, xuýt xoa đọc tấm bảng quảng cáo vẽ hình chuyện phim mà phần lớn là phim Ấn Độ, trước khi ì ạch đẩy xe lên dốc tòa hành chánh về nhà trong tiếng cười, những tiếng cười của ngày tháng vô tư, cho tới tiếng cười của tháng ngày trong hồn đã có chút biết nhớ biết thương cái gì đó.

    Đầu năm đệ tam, bà dì quen bệnh rồi qua đời, người con gái lớn bán căn nhà dọn về mãi tận dưới Đức Hòa, Đức Huệ. Thuận vào ở trong nam ký túc xá, do hội phụ huynh học sinh tỉnh vừa cất xong chừng một năm qua, nằm bên cạnh đình Hiệp Ninh, có cái cổng xi măng trên đường Trần Hưng Đạo, ngó qua trường trung học. Sau lưng cổng là cái quán nước, bán đủ thứ, từ bánh mì, kẹo mứt tới bút viết sách mực ngay đầu con đường dốc thoai thoải dẫn lên ký túc xá. Giờ hai đứa không còn chờ nhau tại ngã tư Võ Tánh như những năm trước nữa, người tới trước thì chờ người tới sau tại cổng trường mỗi sáng, dù đứng dưới mưa hay trong màn sương đục mờ, trãi dài từ phía xóm chài bên kia sông, xuyên ngang sân trường loang lỡ cỏ. Cũng không còn đèo nhau trên xe đạp chạy rong, đã biết sợ mái tóc chảy chia hai bên kỹ càng, bị cơn gió ngược nào đó làm rối tung bực dọc. Tên mấy cuốn sách vật lý, hóa học, hình học đại số được nhắc tới nhiều hơn là những chuyện trên trời dưới đất không đầu không đuôi. Chưa biết chờ biết đợi, nhưng cả hai đã thường ngồi quán nước, tập tành uống ly cà phê nóng, nghe nhạc tình, cùng nhìn ra đường trong những chiều cuối tuần, thả hồn theo gió quyện tóc thề bay của ai đó, đan từng sợi nhỏ dài lưa thưa trên tà áo một màu trắng tinh, để rồi nhìn nhau cười, ngẫng ngơ trên đường về.

    Chiều chủ nhật, Thuận tình cờ gặp lại Nhã Vy trên chuyến xe đò giữa trưa từ Gò Dầu, hôm trở lên tỉnh sau khi về Cẫm Giang thăm nhà. Thuận quen Nhã Vy trong năm xuống học luyện thi đệ thất ở trường tư thục Hữu Đức, nằm gần cuối chợ Gò Dầu, bên bờ sông. Nhà Nhã Vy là cái tiệm bán thuốc tây lớn cạnh góc ngã tư, ngó ra sân văn phòng quận và đầu chợ. Vì là con nhà giàu cho nên cô nàng lúc nào cũng ăn mặc sạch sẽ, tươm tất hơn nhiều học trò cùng lứa khác. Thuận là thằng học trò giỏi nhất, được thầy Đức thương và để ý tới hơn cho nên cả lớp, ai nấy đều có vẻ nể nang, trong đó có Nhã Vy. Trưa nào cũng vậy, trước khi vào lớp lại buổi chiều, cô nàng đều mang theo vài cái bánh tây, năm ba cục kẹo, chia cho nhóm bạn, có cả Thuận, cùng ăn miếng một miếng hai, trong tiếng cười đùa theo mùi bùn của con nước vừa lớn bên này bờ sông Vàm Cỏ. Cuối năm, nhóm này nhóm kia chuyền nhau, viết đôi câu trong cuốn tập gọi là lưu bút, cũng nhớ hoài tình bạn hôm nay và cũng bảo đừng quên nhau sau này, cái chuyện cũng như bao lứa tuổi học trò khác đi qua đã làm, từ những ngày xa xưa lắm. Cũng giống như các đám bạn khác, chia tay nhau, mỗi đứa mỗi nơi, người về dưới Bình Nguyên, Trãng Bàng, người ngược lên Gò Chùa, Trà Võ, Cẫm Giang, Thuận không còn gặp Nhã Vy từ hôm đó và quên dần cô nàng trong cái thấp thỏm, lo âu của từng ngày chờ mùa thi tới.

    Xe đông khách, chỗ ngồi không gần lắm, qua tiếng mất tiếng còn, ngờ ngợ nhận ra nhau nhưng không nói được gì nhiều. Về tới Tây Ninh, bến xe vẫn còn đông người dù mặt trời đã khuất hơn nửa phố chợ. Nắng dịu dần nhờ gió mang hơi nước từ phía sông lên, mấy chiếc xe lôi máy giành khách, ồn ào trước cửa sân cái khách sạn độc nhất của tỉnh lỵ ngang hông trụ sở xã Thái Hiệp Thạnh. Hai đứa thả bộ dọc theo phố Gia Long, qua cầu Quan, lên đầu dốc tòa hành chánh. Nhã Vy hỏi Thuận nhiều hơn là trả lời, Thuận cứ thong thả trả lời nhiều hơn là hỏi, từ chuyện ngày xưa còn bé của quê nhà tới chuyện bây giờ của phố xá thị thành. Nhã Vy cùng Hiếu, cô bạn thân, có tiệm tạp hóa lớn trong chợ Gò Dầu đậu vào đệ thất, rồi vào trường học chung lớp cho đến giờ. Hiếu ở trọ tại nhà người quen bên kia đường, ngó qua nhà Nhã Vy không quá tầm mắt, sáng đến trường hay chiều về nhà, hai người lúc nào cũng có cặp có đôi. Tới nhà, một căn phố lầu đầu ngã ba trên đường Trần Hưng Đạo, dọc bờ sông, bên hông cư xá sĩ quan tỉnh, Nhã Vy hồn nhiên cười chào, Thuận đã đi thật xa rồi mà cô nàng vẫn còn đứng trước nhà nhìn theo, bỗng dưng thấy buồn muốn khóc. Ở phía cuối đường, mây rủ nhau xuống thấp về ngang qua sân ký túc xá, nắng vội vàng bỏ đi rồi mất hút, trời lửng thửng vào đêm. Trong phòng học, bài toán hình học vẫn còn bỏ dỡ trên bàn, thằng bạn ngồi bên thắc mắc nhìn không hỏi. Chưa có đêm nào Thuận lại mong cho trời mau sáng như đêm nay.

    Giữa năm đệ nhị, sau ngày Nhã Vy mời cả bọn, trong đó có Triều xuống nhà dưới Gò Dầu chơi, về lại Tây Ninh, Triều thường hỏi Thuận nhiều thứ về cô nàng và cũng không ít lần đứng một mình, trên hành lang lầu lớp học nhìn qua phía bên dãy lầu con gái. Thuận không nhắc nhở gì về Nhã Vy trước mặt Triều, nhưng kể từ ngày gặp lại, trên chuyến xe chiều từ Gò Dầu về, hình ảnh cô nàng cứ ẩn hiện đâu đó quanh mình, trên những trang sách học cũng như trong giấc ngủ muộn rả mệt cuối đêm, từ đó Thuận chợt biết rằng hồn mình đã vừa chớm yêu, một chút tình yêu riêng mình và chỉ có một mình mình hiểu, giữa những buồn vui vô tư của đám bạn giờ đang chập chững vào phần đầu của cuộc đời người lớn. Bài học thi tú tài ngày càng nhiều, nhút là đám con trai, không thức đêm cũng ráng mà thức, công thức, định luật toán, hóa học, vật lý nuốt không nổi cũng phải ráng mà nhét vào đầu, nếu không thì, đường vào quân trường luôn rộng cửa chờ đâu đó. Ngoài những giờ trong trường trong lớp, đám bạn bốn năm người đã không còn thường gặp nhau, Triều đôi lần lái xe Honda vào ký túc xá chỡ Thuận, đi ngồi nhâm nhi chút cà phê sáng chủ nhật ngoài chợ cũ hay tại dãy quán nước đối diện ty cảnh sát, không xa trường Văn Thanh bao nhiêu. Hai người không còn thường tản bộ, theo chân Nhã Vy và Hiếu về đến nhà khi tan trường chiều về như trước đây, bỏ mặc phố xá buồn thỉu buồn thiu dưới ánh đèn đường vàng màu lá úa.     

    Cuối năm đệ nhất, trước hôm Thuận rời ký túc xá tỉnh, chuẩn bị khăn gói về lại Cẫm Giang chờ ngày thi tú tài hai, Triều mời cả bọn đến nhà ăn bữa tiệc nhỏ gọi là chia tay. Cả đám ngồi quanh cái bàn lớn, trong vườn cây giữa trưa, nhắc chuyện xưa tích cũ, chuyện vui chuyện buồn của những ngày tháng đã qua. Nhã Vy cũng như Hiếu vui cười kể mớ kỷ niệm hồn nhiên mà hai cô có với Thuận ở trường Hữu Đức dưới Gò Dầu, rồi buổi đầu bối rối khi gặp Triều do Thuận giới thiệu làm quen vào buổi chiều cuối tuần, tại cái quán bán chè sâm bổ lượng bên bờ sông chợ cá, dưới dốc cầu Quan. Xế trưa, chia tay nhau, ai nấy không quên chúc mình chúc người, may mắn trong ngày thi sắp tới. Thuận đi bộ theo Nhã Vy và Hiếu trên đường về, nắng đã chia đôi con sông từ lâu, bên này trong bên kia đục theo con nước vừa lớn. Đôi lần Thuận ngập ngừng định nói với Nhã Vy điều gì đó nhưng lại thôi, lòng dặn  mình thôi đừng nghĩ đến, khi tương lai của một thằng con nhà nghèo, vẫn còn là căn nhà tranh và hai bàn tay trắng.

    Đậu tú tài hai xong, Thuận thi vào học Hóa Học ở trường Kỹ Sư Phú Thọ, Triều quyết định tình nguyện đi Võ Bị Đà Lạt, chuyện mà anh ta chưa hề nói với ai, ngay cả với Thuận. Nhã Vy cùng cô bạn thân Hiếu, dắt nhau vào ngành Cán Sự Điều Dưởng, trường nằm sát bên cạnh bệnh viện Từ Dũ. Hôm tiễn Triều lên Đà Lạt, trong phòng chờ đợi tại phi trường có mặt đủ bốn người, cũng có ly cà phê nóng, cũng có lời tạm biệt chia tay và cũng có những cái nhìn lặng câm không nói.  Chuyến bay Hàng Không Việt Nam cất cánh đúng giờ, bỏ trời Sài Gòn lại sau lưng, trong lưng chừng của bóng nắng xế chiều. Năm học đầu, Thuận có đến nhà Nhã Vy vài lần, một căn biệt thự nhỏ đối diện bệnh viện Bình Dân trên đường Phan Thanh Giản. Nhã Vy ở với vợ chồng anh chị hai cùng đứa cháu  gái, hai vợ chồng dạy ở trường Hồng Bàng, vui tính, thân thiện và dễ mến, lúc nào cũng bảo Thuận ghé chơi khi rảnh rổi. Thuận có đến năm ba lần sau đó, khi thì ngồi kể chuyện cơm áo học hành trước hiên nhà, khi thì kéo nhau đi ăn chè Hiển Khánh ở Phan Đình Phùng hoặc thả bộ qua ăn bún bò với anh chị hai bên kia đầu đường Yên Đổ, rồi còn phải lo cho mình nên không thường lắm. Tiền nhà tiền học nhiều khi cũng đủ làm Thuận đau đầu không ít, ở quê nhà bà ngoại lúc này già yếu và mẹ Thuận cũng không khỏe hơn xưa, chợ bán bữa được bữa không, còn may là gia đình vẫn tạm sống trong cảnh đời lăn lóc. Nhiều đêm ngồi một mình với mớ sách vở giữa khuya, đã có nhiều lần Thuận rấm rứt khóc, khóc thương mẹ thương bà, thương phận đời nghèo khó và thương cả mối tình chưa dám ngỏ. Ở trọ trên căn gác xếp gần ngã tư Bãy Hiền, có xe buýt chạy ngang qua nhưng đâu ai biết là Thuận đã thường đi bộ đến trường, để dư chút đỉnh tiền, dành cho vài thứ cần khác. Thỉnh thoảng Nhã Vy cũng cho biết là có nhận thư Triều gởi về từ Đà Lạt, có hỏi thăm Thuận đôi câu. Đầu mùa hè, cuối năm thứ hai, sau khi thi cử xong, nhờ người quen của một anh bạn học chung giới thiệu, Thuận đến dạy kèm toán và hóa học cho đứa con gái của gia đình ông nha sĩ khá giàu và vài cô bạn cùng lớp, sửa soạn thi tú tài một năm tới, nhà nằm ở góc đường Mạc Đĩnh Chi, ngó qua nghĩa trang. Từ đó, Thuận tạm kiếm đủ tiền ăn tiền học cho mình, đôi khi cũng mang chút ít về Cẫm Giang giúp mẹ và bà có thêm chút vốn liếng bán mua.

     Nhã Vy tốt nghiệp cán sự điều dưỡng, về lại Tây Ninh, làm y tá trưởng tại bệnh viện tỉnh, nằm cách nhà Triều không xa, cạnh bên Tòa Án, không bao lâu thì Triều cũng ra trường, theo sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến ra đóng ở Cam Lộ, Đông Hà. Thuận có đến dự buổi lễ tốt nghiệp của Nhã Vy và Hiếu nhưng không gặp được Triều, khi anh về Tây Ninh nghỉ phép, trước ngày lên đường ra đơn vị. Nhã Vy đi rồi, Sài Gòn đối với Thuận cũng vẫn vậy, vẫn ấp ủ hoài mơ ước mối tình chưa dám ngỏ, dù quanh quẩn tháng năm này đã có lần cùng nhau đi về, trên con đường quen hay ngồi hỏi chuyện ngày mai trong quán nước nhỏ bên lề một góc phố vắng, Thuận tiếp tục lầm lũi đời mình, sống ngày hai buổi, mưa nắng nắng mưa, theo định luật của đất trời với cái vai đời được sắp sẳn trong vở tuồng định mạng, buồn nhiều hơn vui từ những ngày sau đó.

    Chiều chủ nhật, vừa vào học năm cuối được vài hôm, Thuận nhận thiệp báo tin Nhã Vy và Triều cưới nhau do đứa cháu của Nhã Vy từ nhà anh chị hai mang tới, Thuận chưa kịp hỏi thêm lời gì thì con bé đã đạp máy xe Honda bỏ chạy đi. Cầm cái thiệp trở lên gác, để hờ lên mấy cuốn sách còn lật dỡ dang, nằm ngổn ngang trên bàn học, Thuận không thấy đất trời sụp đổ, nhưng cảm thấy có cái gì tận cùng mất mác đâu đó, làm tim mình chợt đau nhói, trong phút chốc tất cả những gì mà Thuận ôm ấp bấy lâu bỗng dưng trở thành vô nghĩa, Thuận chết trân và lặng câm đứng nhìn nó rồi nhìn ra ngoài khung cửa sổ nhỏ, không tròn cái hình vuông, ở một phía xa cuối đường, trời nhuộm một màu tím bầm của mây chiều đang xuống thấp. Bên kia nhà thờ Đắc Lộ, chuông lễ chiều thong thả đổ từng hồi một, giờ này khu ngã tư Bảy Hiền thấp thỏm vào đêm, chuyến xe đò về Tây Ninh đã bỏ đi từ lâu lắm rồi.  Thuận mở lá thư viết định gởi cho Nhã Vy, đắn đo sửa đi sửa lại, từ lâu lắm nhưng chưa dám gởi, để cạnh bên cái thiệp báo tin lễ cưới, ngồi gục đầu trên bàn trong bóng đêm rươm rướm khóc. Dăm ba tia sáng vàng vỏ từ ngọn đèn đường len nhẹ vào căn phòng tối om, trên bàn hàng chữ “trăm năm hạnh phúc” rực lên một màu đỏ thẩm. Thuận không về Tây Ninh dự đám cưới của Nhã Vy và Triều, nhờ Hiếu nhắn lại là phải đi xa có việc cần gấp. Tốt nghiệp, Thuận được nhận vào làm ở trung tâm Nguyên Tử Năng Đà Lạt như đã nộp đơn xin từ mấy tháng trước đây. Thuận về Cẫm Giang thăm mẹ và bà ngoại vài ngày rồi chuẩn bị đi nhận việc. Buổi chiều xuống Sài Gòn, trước hôm khăn gói lên Đà Lạt, Thuận quyết định đem bỏ cái thư dài mà anh đã viết, đề địa chỉ của Nhã Vy ở Tây Ninh, có sửa lại vài đoạn và thêm câu “chúc Nhã Vy và Triều được trăm năm hạnh phúc” ở cuối thư, ngay thùng thư bên hông nhà thờ Đức Bà.  Ngày xách cái túi vải, xuống chuyến xe đò nhỏ chạy đường Sài Gòn – Đà Lạt tại bến xe chợ, bên cạnh rạp hát Hòa Bình, ngó xuống hồ Xuân Hương mờ mờ sương chiều lạnh, cũng là ngày Thuận bỏ Sài Gòn đi và cố mà quên Tây Ninh từ đó.

    Chiến trận độ rày xem ra căng thẳng và khốc liệt hơn tại các tỉnh địa đầu giới tuyến và dọc theo biên giới Miên Lào. Bạn bè có hai ba đứa kém may, đã nằm xuống nơi cuối núi đầu rừng khi chưa tròn tuổi lính. Thuận xin nghĩ vài ngày, về tới Sài Gòn hôm qua, chưa kịp về Cẫm Giang thì gặp lại Nhã Vy. Hai người ngồi trong phòng khách nhìn ra đường, trời đã trưa hẳn từ lâu, và đứng gió, con bé Thảo My còn nằm ngủ muộn trên cái đi-văng cạnh tường, phía trên có treo tấm ảnh bán thân của Triều trong quân phục sĩ quan Võ Bị. Loanh quanh đôi câu chuyện, cũ không cũ mới không mới, chưa đâu vào đâu thì Thảo My thức, nó dụi mắt nhìn Thuận cười hết sức ngây thơ. Ở đó không lâu, Thuận từ biệt ra về, Nhã Vy bồng con đưa ra cửa, con bé vẫy tay, Thuận mĩm cười xoa đầu nó khen giỏi. Chiếc xe xích lô đạp bên kia đường quay qua đón, Thuận không buồn hẹn ngày gặp lại, gật đầu chào. Chờ cho Thuận ngồi vào xe, Nhã Vy nói với theo là đã đọc thư của Thuận rồi. Cũng như lần chia tay trước nhà ở Tây Ninh, khi gặp lại Thuận, trên chuyến xe chiều từ Gò Dầu về tỉnh, chiếc xe xích lô  khuất mất ở ngã rẻ, cuối đường Trần Quý Cáp rồi mà Nhã Vy vẫn còn đứng nhìn theo, ôm cứng con trong lòng, bỗng dưng buồn muốn khóc. Trên xích lô, Thuận cũng bỗng dưng muốn khóc, khóc trong niềm vui muộn màng vừa chợt đến, niềm vui mà từ lâu rồi Thuận chưa có được. Cuối cùng, Thuận cũng nói ra được những gì mình đã giữ kín cho riêng mình qua bao nhiêu năm rộng tháng dài.

    Nửa phần đất miền Trung mất gần hết vào tay quân cộng sản Bắc Việt, hàng hàng lớp lớp người, dắt dìu bồng bế nhau, bỏ chạy trốn giặc vào Nam, Thuận theo đoàn người di tản về tới Xuân Lộc nơi chính quyền VNCH lập phòng tuyến cố thủ bảo vệ Sài Gòn, Cộng Sản Bắc Việt đang quần thảo đánh nhau với quân của Sư Đoàn 18, những người lính quyết một mất một còn với giặc, cùng ngày mà  tên phi công nằm vùng phản quốc tên Trung, lái oanh tạc cơ dội bom Dinh Độc Lập. Tức tối vì bị chận đứng và thiệt hại khá nặng, Bắc quân điên cuồng dùng tất cả những khẩu đại pháo cở lớn và xe tăng T54 có mặt, cùng số quân tăng viện từ cao nguyên xuống, pháo kích, tấn công tới tấp, nhất định chọc thủng vòng đai cho bằng được. Thuận cùng hai mươi mấy người di tản khác đã bị trúng đạn pháo chết, khi họ cố vượt qua một khoảng đồng rộng trồng khoai mì hoang, không xa giao thông hào phòng thủ của quân VNCH bao nhiêu. Xác Thuận nằm duỗi thẳng, trên đường đất còn in rõ dấu dây xích xe tăng cộng quân chằng chịt một vùng, trong màn bụi đỏ mịt mù giữa cái nắng quái chiều hôm đang xuống của đất trời Long Khánh.
 
 
 

    Trên sàn tàu chiếc thương thuyền lớn còn sót lại, đang hối hả rời bến Bạch Đằng, chỡ theo cả ngàn người bỏ Sài Gòn ra đi rạng sáng ngày 30 tháng tư, ngày miền Nam lọt vào tay quân giặc Bắc, Nhã Vy ôm con, mắt đăm đăm nhìn xuống đám người đông như kiến, có già có trẻ, gọi nhau ơi ới, đang cố bám các mạng dây thừng trèo lên, trong lúc chiếc tàu chầm chậm xa bờ, mong tìm thấy Thuận trong số những người đó, nếu không cũng ở trên một chiếc tàu nào khác quanh đây. Tàu chạy qua ngang khúc rẻ, đầu kho xăng dầu 18 lâu rồi, ở phía bến Bạch Đằng vẫn còn người và người, nhốn nháo giữa cái nắng đầu mùa hạ nóng nung người của trời Sài Gòn. Nhã Vy một lần nữa ôm sát con mình vào lòng, ngước nhìn lên khoảng trời mênh mông thì thầm, như đọc một đoạn kinh cầu, xin người có được cuộc tình trọn vẹn, ở lại dưới mộ sâu ngàn năm yên nghỉ và với người chưa được trọn vẹn cuộc tình, còn đâu đó trên đường đời nghiệt ngã, xin nhớ cho, vẫn có một người đã biết chờ ngày mai của hôm qua, dù có chút muộn màng.

 

Thuyên Huy

   

   

     

   

   

   

 

   

   

  

   

  

   

   




No comments: