Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 37): Vũ
Thành An & Nguyễn Đình Toàn: Tình Khúc Thứ Nhất
Nhà thơ Trần Tiến Dũng thường rất ít khi
hát, nhưng trong dăm phút vui trên cõi đời cứ dần cạn, mỗi khi nói về cuộc đời
và tình yêu, ông hay xin được hát bài này thay cho ngôn từ của mình. Ông không
phải là một giọng hát hay, nhưng khi cất lên giai điệu của Tình khúc thứ nhất,
thường thì ai có mặt cũng đều xúc động như lặng nhìn một bức tranh tuyệt đẹp
của đời người, đầy những gam màu của bầu trời và vực thẳm.
“Nhiều năm nữa, người ta có thể viết nên
những bài thơ hay hơn, nhưng khó mà thương đau cao vút như lời của Nguyễn Đình
Toàn và nhạc của Vũ Thanh An”, nhà thơ Trần Tiến Dũng vẫn nói như vậy, trong sự
xúc động mỗi khi nghe lại. Nhà thơ có ngôn ngữ hiện đại hiếm hoi của Việt Nam
được nhà xuất bản Norton (Mỹ – 2007)* chọn dịch để giới thiệu 100 gương mặt thi
ca đương đại Châu Á này, luôn nói ông cứ bị chấn động khi nghe phần ngôn xướng
của Tình khúc thứ nhất, như được uống phần suối nguồn tinh hoa
của một quá khứ văn nghệ vàng son miền Nam Việt Nam.
Có cái gì đó thật lay động khi người ta
lắng nghe ca từ của Tình khúc thứ nhất. Bài hát được viết vào năm 1963, nhân
công việc ở Đài Phát Thanh Sài Gòn mà ông gặp được nhà văn Nguyễn Đình Toàn để
có được cơ duyên cho ra đời bài hát này. Từ năm 1954, khi đặt chân vào miền
Nam, nhạc sĩ Vũ Thành An trãi qua nhiều khó khăn để vào đời, cũng như không dễ
dàng thành đạt trong đời sống âm nhạc ở Sài Gòn lúc ấy đang có quá nhiều tên
tuổi văn nghệ áp đảo. Nhưng khi nổi lên với Tình khúc thứ nhất, Vũ Thành An lập
tức trở thành một cái tên lớn và được ghi nhớ mãi về sau, bất chấp có những
nghịch cảnh của thời thế khiến ông phải cắt đứt với âm nhạc bình thường trong
một giai đoạn dài.
Trong những cuộc tán gẫu bất tận về sự diệu
vợi của nền âm nhạc miền Nam giữa cuối thế kỷ 20, Vũ Thành An vẫn được nhắc đến
với nét nhạc luôn buồn bã loay hoay. Ngay cả trong lời hy vọng của ông, nghe
như cũng vang lên từ huyệt mộ sâu thẳm. Đôi lúc người nghe phải tự hỏi rằng
thương đau nào mà ông đã trãi qua, tận cùng đến mức trong ý nhạc đó, luôn là sự
cào cấu của hối tiếc, nghẹn ngào. Lạ lùng, những điều đó làm nên tên tuổi của
ông. Không biết liệu hôm nay, đứng trên một
sân khấu những người nghe đã rất khác, một cuộc sống rất khác, liệu ông có tìm
thấy một chút nắng vàng đẹp đẽ ngày cũ của mình?
“Lời nào em không nói em ơi. Tình nào không gian dối. Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say…” câu hát được đẩy đến những thanh âm cao ngất, như một lời oán thán trong đêm. Vọng âm như một đoạn thánh thi về tình yêu mà tuyệt vọng là cảm giác chiếm hữu duy nhất. Có rất nhiều nhạc sĩ đã viết về nỗi buồn, mỗi người một vẻ, mà thế giới của Vũ Thành An là một điều rất lạ, dường như vẫn sẽ day dứt, giày vò sẽ còn đuổi theo ông suốt hết kiếp người.
“Lời nào em không nói em ơi. Tình nào không gian dối. Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say…” câu hát được đẩy đến những thanh âm cao ngất, như một lời oán thán trong đêm. Vọng âm như một đoạn thánh thi về tình yêu mà tuyệt vọng là cảm giác chiếm hữu duy nhất. Có rất nhiều nhạc sĩ đã viết về nỗi buồn, mỗi người một vẻ, mà thế giới của Vũ Thành An là một điều rất lạ, dường như vẫn sẽ day dứt, giày vò sẽ còn đuổi theo ông suốt hết kiếp người.
Non nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi Việt
Nam dừng tiếng súng. Nhiều bài hát tưởng chừng khó khăn lắm mới trở lại đời
thường, rồi cũng đã dần dần xuất hiện trên sân khấu, truyền hình. Đã nhiều chục
năm, nhưng nhiều bài hát nghe đâu như vẫn còn rất tươi mới những nỗi lòng người
Việt. Câu chuyện tình yêu đơn sơ ở quê nhà bị lạc mất trên những nẻo đường đô
thị đầy cám dỗ, vang vọng sự hối tiếc – như Tình khúc thứ nhất – cũng không
phải xa lạ gì trong cuộc sống hôm nay. Những người con trai, con gái Việt Nam
giờ đây trong đất nước có tên gọi thanh bình vẫn
phải rời bỏ làng quê để đi tìm một cơ hội trong đời, rồi không còn quay lại.
Dù ở thế hệ nào, vẫn có thể nao nao như tìm thấy phận mình trong tiếng ca muôn
thuở.
Không phải ngẫu nhiên mà Tình khúc thứ nhất
hay vô vàn những bài tình ca, những lời hát về cuộc đời… mà hàng ngàn bài hát của nền văn hoá miền Nam trước năm
1975 vẫn sống và lay động lòng người bất chấp rêu phong thời cuộc. Những bài hát đó vẫn góp tiếng vào
thị trường thương mãi âm nhạc, nhưng được viết ra bằng sự chia sẻ, bằng cách
kết nối sự cảm thông của thành thị và thôn quê, của con người biết đau từng nỗi
đau của nhân thế. Khác với mua bán và giải khuây, những
bài hát đó là lịch sử và văn hoá của một thời kỳ, nó giảng giải một cách đơn giản về
chiến tranh và mất mát, chia sớt nỗi buồn của thân phận và nghịch cảnh quê
hương mà không có chương trình lịch sử nào có thể
sánh bằng. Vi
vậy, dù đã nghe biết bao lần, trái tim ta vẫn diệu vợi khi thưởng thức, như chỉ
mới vừa biết một tình khúc nào đó, lần thứ nhất trong đời.
Cuộc đời khép mở bất tận. Hôm qua, có những bài hát bị giày xéo và nguyền rủa, thì
hôm nay chúng lại được trang hoàng lộng lẫy, gọi mời trở lại. Không ai có thể
tự giày xéo mình đau thương bằng chính mình, cũng như chỉ có chế độ kiểm duyệt
mới có thể cắt ứa máu linh hồn và trí tuệ của chính dân tộc mình.
Có người
nói rằng dẫu muộn, thì việc chấp nhận phần văn hoá miền Nam Việt Nam đó vẫn còn
hơn không.
Nhưng ai biết được, rằng cuộc quay lại đó, là huy hoàng đón nhận hay chỉ là lời
chào kết thúc.
Nhà thơ Vũ Ngọc Giao cũng viết trong một cuộc rượu, rằng:
Về đâu khi ngày đã tắt
Ngồi đây ta uống rượu chơi
Cuộc đời nằm trong con mắt
Một lần khép mở mà thôi
Về đâu khi ngày đã tắt
Ngồi đây ta uống rượu chơi
Cuộc đời nằm trong con mắt
Một lần khép mở mà thôi
Ôi… trong một lần khép mở ấy, vô tận ấy
biết bao đổi thay, chứa khôn cùng buồn vui trần thế.
T.Vấn và bạn hữu thực
hiện 2018
304Đen – Llttm – VV
*Ghi chú:
Bài viết được chọn đăng lại trên trang này vì những
ý tưởng tuyệt vời đáng hảnh diện và đáng nhớ một thời của miền Nam VNCH, tự do
dân chủ và nhân bản (các đoạn in đậm màu đỏ), hoàn toàn không có ý khen hay chê
về người nhạc sĩ tên VTA, chuyện này xin để tùy người đọc phán xét.
304Đen
No comments:
Post a Comment