Monday, December 31, 2018

Hàn San Tự Và Thiền Lâm Tự: Đường Vào Lịch Sử - Lê Tấn Tài


Hàn San Tự và Thiền Lâm Tự: Đường vào lịch sử.

Phần I: Hàn San Tự và Thiền Lâm Tư: Đường vào lịch sử.

Do một nhân duyên nào đó, một sự việc được ghi vào lịch sữ một cách trân trọng và sống mãi với nhân gian.Từ hơn ngàn năm trước, tại đất Tô Châu, bến Phong Kiều, trong một đêm trăng mờ, tiếng quạ kêu sương áo não, rặng cây phong ẩn hiện hai bên bờ Đại Hà, xa xa lửa chài lấp lánh, Trương Kế, một sĩ tử vừa hỏng thi đang trên đường từ trường thi ở kinh đô trở lại nhà, neo thuyền qua đêm tại đây để chờ sáng. Nỗi buồn thi hỏng gậm nhấm tâm hồn, dày vò người sĩ tử, khiến chàng trong cơn đau sầu, đã xuất thần làm nên bài thơ trác tuyệt, vỏn vẹn có 28 chữ, mà suốt hơn ngàn năm qua đã được say mê, nghiên cứu và phẩm bình. Thi nhân khắp nơi, từ Trung Quốc, Việt Nam, Nhựt Bổn, Đại Hàn ... trong ngàn năm qua đã mơ ước một lần đến viếng ngôi chùa cổ Hàn San để tìm hiểu, chiêm ngưởng và chia sẻ với thi nhân Trương Kế niềm cảm xúc tuyệt vời. Hàn San Tự, một ngôi chùa cổ tầm thường có may mắn được đề cập trong bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” ngắn ngủi nầy mà tên đã lưu vào sử sách và luôn được duy trì, trùng tu.

Tại Việt Nam, Thiền Lâm Tự cũng được may mắn đóng góp vào lịch sử khai đạo Cao Đài. Thật vậy, Thiền Lâm Tự, còn gọi là chùa Gò Kén, là nơi khai sinh nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trong đêm rằm tháng 10 âm lịch năm Bính Dần 1926. Trải qua 92 năm kể từ ngày khai đạo, tôn giáo Cao Đài đã có số tín đồ lên đến nhiều triệu. Thật vậy, trong tâm của các tín đồ đạo Cao Đài, chùa Gò Kén đã gắn liền với lịch sử khai đạo.

Xin thân mời quý vị cùng tìm hiểu những giai thoại về hai ngôi chùa lịch sử nói trên.

1.Hàn San Tự và bối cảnh lịch sử của bài thơ  “Phong kiều dạ bạc”.

      Trong bài: “Đọc lại Phong kiều dạ bạc” (1)  trên tạp chí Văn Học, số 195, tháng 7 năm 2002, (từ trang 22 đến trang 29), tác giả Trần Long Hồ cho biết: “Trương Kế vốn là nhà thơ nổi tiếng thời thịnh Đường, nhưng người ta quên mất năm sinh và năm mất của ông, chỉ biết ông sinh thời vào khoảng những năm trước và sau 756, niên hiệu Chí Đức, đời Đường Túc Tông. Sinh quán của ông ở Tương Châu, nay thuộc tỉnh Hồ Bắc. Ông đậu Tiến Sĩ vào năm thứ 12 niên hiệu Thiên Bảo”. Tác giả Trần Long Hồ tiếp: “... Trương Kế, thi nhân đang ngao du thuyền trên sông và đậu lại ở bến Phong Kiều”. Lập luận  cho rằng thi nhân đang “ngao du thuyền trên sông” tôi thấy có điểm không đồng ý. Nếu thi nhân đang “ngao du, hưởng thú bồng bềnh trên sông nước” thì tâm hồn thi nhân không quá sầu đau để thốt ra: “giang phong ngư hỏa đối sầu miên ”.

      Trong dịp viếng Tô Châu năm 2001, tôi tìm hiểu và được biết về bối cảnh lịch sử bài thơ “Phong kiều dạ bạc”: Thi nhân Trương Kế sáng tác bài thơ, nhân lúc thuyền ông đậu qua đêm tại bến Phong Kiều trên Đại Hà, lúc ông trên đường từ trường thi ở kinh đô trở về nhà, sau khi hỏng thi. Đại Hà là một con kinh dài nhất Trung Quốc, nối liền miền Bắc và miền Nam. Nỗi buồn thi hỏng “thi không ăn ớt thế mà cay  đã là nguyên nhân khiến nhà thơ làm nên bài thơ “Phong kiều dạ bạc” xuất sắc, mà suốt hơn ngàn năm qua, đã làm cho độc giả say mê, yêu thích:

                        Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

                        Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

                        Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

                        Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Thi sĩ Tản Đà dịch ra tiếng Việt:

                        Trăng tà, tiếng quạ kêu sương

                        Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ

                    Thuyền ai đậu bến Cô Tô

                    Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Tôi xin tạm dịch:

                        Quạ kêu, trăng lặn, sương đầy

                        Bờ phong kia với lửa chài buồn sâu

                        Hàn San tự, Cô Tô lầu

                        Chuông khuya vẳng tiếng đong sầu thuyền ai

Thật vậy, chỉ với 28 chữ, thi nhân đã vẽ ra cho chúng ta thấy toàn cảnh bờ Đại Hà trong một đêm đầy sương, tiếng quạ kêu thảm não. Bên bờ kinh, hàng cây phong thấp thoáng, với ánh lửa của dân chài nhấp nháy xa xa. Thi nhân buồn vì thi hỏng, đang ngủ chập chờn thì bỗng chuông công phu khuya từ chùa Hàn San vọng lại, đánh thức thi nhân. Câu chuyện chỉ giản dị có thế. Tuy nhiên, với tài thi xuất chúng của Trương Kế, bài “Phong kiều dạ bạc” đã trở thành “bất tử” và đã làm nỗi tiếng một ngôi chùa nhỏ, rất tầm thường như các ngôi chùa khác trong vùng Tô Châu, với huyền thoại người đẹp Tây Thi giặt lụa, thời Đông Chu (770 đến 314 trước Công Nguyên).

Tác giả Trần Long Hồ còn nhắc một giai thoại lý thú có liên quan đến bài thơ “Phong kiều dạ bạc”:

Chuyện ghi rằng, vào đêm Trương Kế đậu thuyền tại bến Phong Kiều, không phải chỉ có một mình thi nhân không ngủ được mà có đến hai người khác nữa cũng trằn trọc không sao an giấc. Hai người nầy say mê thơ, chắc cũng không kém nhà thơ Trương Kế. Người thứ nhất là sư cụ trụ trì chùa Hàn San. Nhà sư thao thức không ngủ được, có lẽ vì cảnh sắc quá đẹp ở bến Phong Kiều chăng, nên suy tư để làm một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt. Nhưng nhà sư chỉ làm được hai câu đầu rồi bị ngưng trệ ở đó, không sao làm tiếp được. Lúc đó, nhà thơ Trương Kế ở dưới thuyền cũng thao thức vì cảnh đẹp thiên nhiên và làm chỉ được hai câu đầu mà thôi. Nhà thơ không nghĩ ra được hai câu tiếp.

Trong khi đó có người thứ ba cũng trằn trọc trong đêm là chú tiểu trong chùa. Chú tiểu cũng là người say mê thơ. Lúc đó, sư cụ trụ trì thấy chú tiểu còn thức bèn đưa hai câu thơ mà nhà sư làm ra, nhưng không thể làm tiếp được để kết thúc bài thơ. Chú tiểu vừa đọc qua hai câu đầu của sư cụ liền viết ra ngay hai câu sau. Sư cụ đọc qua, ráp nhau lại, nhận thấy cả bài thơ bốn câu hay quá. Nhà sư mừng rỡ cho rằng Phật Tổ đã linh thiêng giúp đỡ cho hai người. Sư cụ bảo chú tiểu thắp hương, thỉnh chuông để tạ ơn Phật. Lúc đó, Trương Kế đang thao thức suy nghĩ về hai câu thơ sau, thì tiếng chuông chùa Hàn San vang ngân lên, lập tức nhà thơ viết liền ra hai câu sau, hoàn thành bài thơ tuyệt tác để lại cho đời sau”.

Đây là bài thơ của sư cụ trụ trì và chú tiểu chùa Hàn San:

                        Sơ tam, sơ tứ, nguyệt mông lung

                        Bán tự ngân câu, bán tự cung

                    Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn

                    Bán trầm thủy để bán phù không.

Trần Trọng San (2) dịch: (Thơ Đường, Trần Trọng San, cuốn một, trang 116, nxb Bắc Đẩu, in lần thứ ba, 1972)

                        Mồng ba, mồng bốn trăng mờ

                        Nửa dường móc bạc, nửa như cung trời

                    Một bình ngọc trắng chia hai

                    Nửa chìm đáy nước, nửa cài từng không.

Tôi đọc giai thoại nầy, suy nghĩ và so sánh với những chi tiết trong bài “Phong kiều dạ bạc”, thấy có mấy điểm không ổn, chưa hài lòng: Trong giai thoại văn chương nầy, nói rằng trong đêm thi nhân Trương Kế làm bài thơ “Phong kiều dạ bạc”, cũng là đêm sư cụ và chú tiểu làm bài thơ vịnh vầng trăng non, mà sư cụ nói rõ là: “mồng ba, mồng bốn”. Ánh trăng non “mồng ba, mồng bốn” chỉ kéo dài khoảng đầu hôm, đến giữa khuya thì biến mất khỏi bầu trời. Trong khi đó, Trương Kế thì nói rõ: “Nửa đêm về sáng, trăng đã xế, nhưng vẫn còn trên bầu trời” (nguyệt lạc, dạ bán chung thanh đáo khách thuyền). Theo chi tiết nầy, khi chuông chùa Hàn San ngân vang lên thì trăng tuy lặn, nhưng vẫn còn trên bầu trời, chắc chắn là cận ngày rằm, chứ không thể là trăng non “mồng ba, mồng bốn” được. Vâng, ánh trăng trong “Phong kiều dạ bạc” phải “già” hơn ánh trăng non “mồng ba, mồng bốn” trong bài thơ của sư cụ và chú tiểu chùa Hàn San.

Tuy chỉ với bài thơ Đường thất ngôn tứ tuyệt ngắn ngủi, Trương Kế đã đi vào lòng người yêu thơ suốt ngàn năm hơn. Hôm nay, ta đọc lại, vẫn thấy lòng chơi vơi buồn, cùng chia sẻ niềm đau đớn, thất vọng với tâm sự buồn rầu của một sĩ tử hỏng thi. Đây cũng là nhân duyên đưa một ngôi chùa tầm thường vào lịch sử trên ngàn năm nay tại Trung Quốc, mà qua bao nhiêu thay đổi, chùa Hàn San vẫn được trùng tu, gìn giữ để làm một di tích lịch sử cho người đời chiêm ngưỡng, lễ bái.

 
 
          Hình 1. Tác giả đứng phía trước cổng chùa, với hàng đại tự ghi tên chùa “Hàn San Tự”

 

2. Thiền Lâm Tự, tức chùa Gò Kén, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam, nơi khai đạo Cao Đài, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Từ giả chùa Hàn San, xin mời quý vị về thăm một miền đất hiền hòa, thôn dã của đồng ruộng xanh tươi tại làng Long Thành (Nam), tỉnh Tây Ninh, Việt Nam. Hằng năm, tới ngày mùa, cánh đồng lúa xanh bát ngát bao quanh chùa Gò Kén, chạy dài giáp với con sông Vàm Cỏ Đông.

 Xin mời quý vị thăm cảnh chùa Gò Kén qua sự mô tả của nhà sưu khảo Huỳnh Minh, (3) trong quyển “Tây Ninh, xưa và nay”, trang 223-227, ấn bản do Tây Ninh Đồng Hương Hội tái bản tại thành phó Sydney, Úc Châu: “...Từ Lâm Tự (nhà sưu khảo Huỳnh Minh ghi trong sách là Từ Lâm Tự. Tên hiện nay trên bảng trước cổng chùa là Thiền Lâm Tự, Lê Tấn Tài chú thích), Gò Kén xây cất bằng gạch, lợp ngói, nằm cận quốc lộ 22, cách tỉnh lỵ Tây Ninh 6 cây số ngàn. Chùa nằm về phía bên mặt quốc lộ, hướng Tây Ninh về Sài Gòn. Một con đường đá đỏ dài lối 200 thước đưa du khách từ ngã rẽ quốc lộ vào đến chùa. Hai bên đường có cây che mát lối đi. Chùa có hàng rào và cổng xây bằng gạch. Trên cổng có tấm bảng rành rành nêu ba chữ lớn tên chùa...

Chùa xây trên nền cao, khá tốt đẹp. Cuộc đất của chùa rộng được lối 4 mẫu. Chia ra 2 mẫu dùng làm nghĩa địa, 2 mẫu trong phạm vi chùa và vườn. Quanh chùa có trồng nhiều cây long nhản, cành lá sum suê. Chánh điện có 6 nóc. Hai bên có đông lang và tây lang. Cách thờ phượng trong chùa gồm đủ cả, ngôi thứ phân minh. Chánh điện thờ Đức A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí ở bên trên. Tầng dưới thờ Thích Ca, Ca Diếp, A Nan. Hai bên vách thì có Thập Bát La Hán, Đạt Ma Tổ Sư, Địa Tạng và bày rõ cảnh Thập Điện. Ngay giữa chùa thì có tượng Tiêu Diện Đại Sĩ đứng ngó ra, đối diện là tượng Hộ Pháp Già Lâm. Trước bên Hộ Pháp còn có thờ Đức Ngọc Hoàng ngồi giữa, Nam Tào và Bắc Đẩu đầu hai bên. Ngoài ra, chùa còn có một cái trống sấm và một đại hồng chung rất xưa, trên 50 năm. Trước sân chùa có hai bảo tháp. Tháp bên tả là của Tổ Sư Yết Ma Lượng lấy cốt ở Thiền Lâm cổ tự đem về an vị nơi tháp năm 1925. Tháp bên hữu là của hòa thượng Giác Hải, an vị trong năm 1939. (Xin xem hình số 5, bạn đọc sẽ thấy hai ngôi bảo tháp nầy đã bị “quấy rầy” do các đống gạch của lò gạch nằm trên cuộc đất của chùa). Chùa Từ Lâm nầy đã có một lúc là nơi tiếp cơ khai đạo Cao Đài. Nguyên khoảng đầu tháng 10 âm lịch năm Bính Dần 1926, một đêm, các ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang cầu cơ, được ơn trên mặc khải, đứng ra lo liệu việc mở mang nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Hai ông Cư và Tắc lập tức tiếp xúc với Hòa Thượng Giác Hải, hỏi mượn chùa Từ Lâm, tạm làm nơi khai đạo đầu tiên. Đôi bên thỏa thuận cho mượn chùa trong ba tháng, kể từ rằm tháng 10 năm Bính Dần (1926) đến rằm tháng giêng năm Đinh Mão (1927). Sau đó, (trể kỳ hạn hơn một tháng), Hội Thánh Cao Đài tìm được cuộc đất tốt ở Tây Ninh, để xây Thánh Thất, giao trả chùa lại như cũ.

Lại nữa, đạo Cao Đài bắt nguồn khởi thủy từ chùa Từ Lâm ở Gò Kén nầy, về sau mới do lịnh thiêng liêng chọn vị trí xây cất Tòa Thánh Đại Đạo như chúng ta thấy ngày nay. Do đó, hầu hết tín đồ đạo Cao Đài đều biết ngôi Từ Lâm Tự Gò Kén, nơi thiêng liêng giáng cơ  trong buổi đầu để khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Nhà thơ Huệ Phong có làm một bài thơ vịnh cảnh chùa dưới đây:

 

                         Từ Lâm Gò Kén mắt vui trông

                            Trước lộ sau kinh ruộng giáp vòng

                        Cửa tịnh chuông tan niềm tục lụy

                        Gió thanh dương trổi nhạc hư không

                        Chính nơi Từ Phụ khai chơn giáo

                       Tuyển bậc hương sanh lập đại đồng

                        Phật Tự xưa in hình Thánh Thất

                       Cảnh nầy còn mãi với non sông...”

                         

Tôi trở lại quê nhà, thăm chùa Gò Kén ngày thứ ba 12/9/2000. Năm 1971, nhà sưu khảo Huỳnh Minh mô tả ngôi chùa tráng lệ và xinh đẹp, có cây cảnh xanh tốt bao quanh. Gần 30 năm sau, tôi trở về thăm lại cảnh chùa. Tôi bàng hoàng, sửng sốt, khi thấy toàn cảnh chùa gần như hoang phế. Thửa vườn cây trái xung quanh chùa bị chặt sạch mất, thay vào đó là ao sâu thẳm. Đất đá đã bị đào lên để bán cho người đấp nền nhà, làm đường...

Trên sân chùa, một lò gạch đang hoạt động. Hai ngôi bảo tháp với công trình kiến trúc công phu, là nơi an nghỉ của các ngài hòa thượng trụ trì, đã bị “quấy rầy” bởi các đống gạch được chất tràn đầy, vung vãi sát bên cạnh. Trước chánh điện, tường vôi cũ kỹ, loang lỗ, dơ bẩn. Nền tráng xi măng lâu ngày bị bể vụn, lồi lõm, cỏ mọc xen lẫn vào các chỗ xi măng nứt, làm cho cảnh chùa như thê lương, điêu tàn thêm. Hai dãy nhà đông lang và tây lang cao ráo, tráng lệ, thoáng mát ngày nào đã biến mất. Không biết do xuống cấp quá tệ, không sửa chữa được, hay ai đã dỡ, di chuyển đi đâu mất? Phía sau chùa, dãy nhà dùng làm hậu liêu cho vị sư trụ trì và ni sư  trú ngụ. Một phần hậu liêu là nhà bếp. Nơi đây, một thời, các bà, các cô, trong đó có má và các chị tôi, đã tấp nập đến làm công quả, giúp chùa nấu nướng các món ăn chay để cúng Phật. Bây giờ, chùa đã hoang phế. Người vắng, chùa điêu tàn, siêu vẹo, gần như chờ một cơn gió để sụp đổ. Tôi thực sự quá xúc động. Lòng mình chùn xuống. Tôi không ngờ chùa Gò Kén ngày nay đìu hiu, quạnh quẻ, điêu tàn đến như vậy. Tôi muốn vào thăm viếng vị trụ trì, thì được cho biết nhà sư đi vắng. Có lẽ, đang đi canh tác ở đâu đó để có lương thực cho chùa. Ôi! Trong nền “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” ai cũng phải quần quật tự lo lương thực, kiếm sống. Kinh kệ, phật pháp xin được gác lại. Đợi chờ. Lòng tôi quặn thắt, đau đớn lạ lùng!

 


Hình 5.  Tác giả đứng cạnh 2 ngôi bảo tháp tại Thiền Lâm Tự, phía sau là mấy đống gạch của một lò gạch cạnh chùa.

Chùa Gò Kén, nơi khai sinh nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, một tôn giáo mà ngày nay tín đồ có trên nhiều triệu người, vừa ở trong nước, vừa ở hải ngoại. Có một hôm đẹp trời, có vị tín đồ nào đó trong lúc tình cờ đọc được lịch sử khai đạo, bèn muốn làm một chuyến hành hương, thăm lại di tích lịch sử khai đạo của các đấng “Tiền Khai Đại Đạo”, bèn “cơm ăn, cơm vở, lặn lội đường xa”  tìm đến nơi, thì hởi ôi:

            “Đoàn người vừa kịp đến nơi

            Thì  chùa đã đổ tả tơi bao giờ

            Chùa xưa lặng ngắt như tờ

            Dấu xưa “khai đạo” rêu lờ mờ xanh”

 

              (phỏng theo “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du)

 

Vị tín đồ đó chỉ còn nhìn thấy một quang cảnh chùa tiêu điều với vài mái ngói loang lỗ, ngổn ngang trong đống gạch vụn, xi măng bề bộn, xen lẫn với đám cây cỏ mọc hoang dã. Rồi vị tín đồ đó sẽ âm thầm ứa lệ và tự hỏi: “Đâu là ngôi chánh điện mà trong đêm  rằm tháng 10 âm lịch năm Bính Dần, các ngài tiền khai “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” làm lễ khai đạo?”

Mới có 92 năm kể từ ngày khai đạo, mà một di tích lịch sử quý giá của nền đạo Cao Đài đã bị hoang phế. So với Hàn San Tự, đã trải qua hơn ngàn năm mà chỉ do một duyên may nhỏ, tên chùa được đề cập trong một bài thơ nhỏ “Phong kiều dạ bạc” mà luôn được tu bổ, gìn giữ để cho hậu thế đến thăm viếng, chiêm ngưỡng, còn Thiền Lâm Tự đã được một duyên may to lớn, được hồng ân của các Đấng Thiêng Liêng độ trì, đã là nơi khai đạo của một tôn giáo có hơn mấy triệu tín đồ, mà mới có 92 năm, đã bị bỏ quên, bụi thời gian đã phủ lên chùa một lớp sơn hoang phế, điêu tàn.

Tín đồ các tôn giáo lớn, lâu đời, như Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo, ai cũng đều có tâm nguyện, trong đời được một lần có duyên may được hành hương, chiêm bái nơi Thánh Địa, hoặc nơi mà vị Giáo Chủ của họ giáng sinh. Ngay tại Việt Nam, người theo đạo Thiên Chúa hằng năm vẫn tổ chức thăm viếng La Vang, nơi Đức Mẹ hiện ra. Nhiều triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo hằng năm vẫn ùn ùn kéo về Tổ Đình tại làng Hòa Hảo, tỉnh Long Xuyên làm lễ kỹ niệm ngày đản sinh của Đức Huỳnh Giáo Chủ, dù bị cường quyền đàn áp và ngăn  cấm.

Sau năm 1975, cùng với vận nước điêu linh, các di tích lịch sử của tiền nhân để lại đã không được trân trọng giữ gìn mà còn bị “bàn tay tham lam” tẩu tán, tàn phá. Hoàng cung triều Nguyễn, các tháp Chàm, chùa chiền, lăng tẩm ... đã bị thời gian tàn phá, xuống cấp trầm trọng đến mức báo động. Cùng chịu chung số phận hẩm hiu của các di tích lịch sữ khác, chùa Gò Kén cũng bị rơi vào lãng quên, đang chờ ngày khai tử. Không biết có duyên may nào, tiếng kêu cứu thảm thương của chùa Gò Kén vang vọng đến những người có lòng, dù là tín đồ đạo Cao Đài hay tín đồ của các tôn gíao khác, mỗi người hoan hỉ phát tâm, góp một phần nhỏ để trùng tu, duy trì một di tích lịch sử của tiền nhân, một thời đã là cơ sở tôn giáo khang trang, đẹp đẽ, và là nơi khai đạo của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh.

Tháng 9 năm 2018, tôi có dịp về thăm quê hương đã nhiều năm xa vắng. Tôi đến viếng chùa Gò Kén. Trong khuôn viên chùa, tượng Phật Quan Thế Âm màu trắng, hùng vĩ, cao ráo đã được dựng lên. Một hàng rào gạch sơn trắng được xây dựng chắc chắn xung quanh khuôn viên chùa. Công việc trùng tu chùa có lẽ chưa hoàn tất, nên chánh điện vẫn còn vẽ hoang phế. Hai dãy nhà đông lang và tây lang vẫn chưa được tái xây dựng. Vẽ hoang phế của chùa vẫn hiển hiện đâu đây. Đứng giữa khuôn viên chùa mà tưởng như lạc vào một nơi xa lạ. Thầy trụ trì và các ni sư đều là người từ nơi khác được điều đến đây. Lạ hoắc.

Ngày xưa, trong những năm quân đội Cao Đài trấn giữ, bảo vệ an ninh cho vùng Thánh Địa, đã đặt Bộ Tư Lệnh tại Bến Kéo, bên cạnh sông Vàm Cỏ Đông. Phía sau chùa Gò Kén, bên kia con kinh đào Seville Tây Ninh có một đồn của quân đội Cao Đài đóng tại Gò Trôm, để chận đường tiến quân của Việt Minh từ căn cứ làng Thanh Điền phía bên kia sông Vàm Cỏ Đông kéo về quấy phá an ninh vùng Thánh Địa. Xa xa, về hướng núi Bà Đen, là nơi đóng quân cùa Lực Lượng Cao Đài Liên Minh của tuớng Trình Minh Thế. Lực luợng của quân đội Cao Đài đã dàn trải khắp vùng Thánh Địa Tây Ninh, để bảo vệ cho cơ sở Đạo và tín đồ.

Tôi vẫn  miên man nghĩ ngợi. Chùa Gò Kén đang được tu bổ, nhưng vẻ khang trang quen thuộc của chùa ngày xưa đã biến mất. Chùa không còn lưu giữ lại chút nào quang cảnh thân thương của lịch sử Khai Đạo, khiến tôi chạnh tưởng đến niềm hoài cổ của một nữ sĩ, bà Huyện Thanh Quan:

                          Tạo Hoá gây chi cuộc hí trường

                         Đến nay thắm thoát mấy tinh sương…

Sau 1975, nhiều triệu ngưòi Việt bỏ nước ra đi, xa lánh Cộng Sản. Hàng triệu người mất quê hương. Sống ở hải ngoại, trong tháng năm héo hon của tuổi xế chiều, lòng vẫn mong một ngày về thăm viếng quê hương, dù chỉ một lần để sống lại với tuổi thơ êm đềm, đầy ắp mộng mơ. Nhưng, tôi đã mất thật rồi:

                          Nhớ nườc đau lòng con quốc quốc

                       Thương nhà mỏi miệng cái gia gia…

(Phỏng theo Hà Như Chi trong “Việt Nam Thi Văn Giảng Luận”, tập 2, nhà xuất bản Tân Việt, in lần thứ 3, giấy phép số 149/T.X.B. ngày 4/6/51 của Bộ Thông Tin Nam Việt, từ trang 227 đến trang 238)

 Lê Tấn Tài,
Tháng 12 năm 2018, Úc Châu

 
Tài liệu tham khảo:

1. Trần Long Hồ (2002). Đọc lại Phong kiều dạ bạc, tạp chí Văn Học, số 195, tháng 7 năm 2002, trang 22 -29

2. Trần Trọng San (1972), Thơ Đường, cuốn một,  nxb Bắc Đẩu, in lần thứ ba, 1972, trang 116

3. Huỳnh Minh. Tây Ninh xưa và nay, loại sách sưu khảo, tác giả xuất bản, ấn bản do Tây Ninh Đồng Hương Hội tái bản tại Úc Châu, trang 223-227,

 

 

No comments: