Friday, December 7, 2018

Sống Và Chết Ở Sài Gòn - Hoàng Hải Thủy


Sống Và Chết Ở Sài Gòn
 
 

8

Những tên “Cách Mạng Ba Mươi” là những thằng hèn kiêm ngu si, tưởng bở. Chúng tưởng chúng nhẩy ra chào mừng bọn Việt Cộng chiến thắng, tự nguyện hiến dâng thân khuyển mã phục vụ chủ mới, chúng sẽ được chủ mới chấp nhận, cho hưởng vài đặc quyền. Bọn Việt Công gần như không dùng một tên “ba mươi” nào lâu. Nói cho đúng, Việt Cộng có dùng nhưng rất hạn chế và thường chỉ dùng trong những việc vặt, việc chỉ chọc, việc bới móc tố cáo những người dân Việt Nam Cộng Hòa mà Việt Cộng cho là có tội. Bọn “ba mươi” lòng lang, dạ thú lập công bằng cách làm hại những người chúng quen biết, những người từng đối xử tốt với chúng. Dù chúng làm những việc tồi tàn, khốn nạn đến chính vợ con chúng cũng phải tủi hổ, chúng vẫn bị Việt Cộng đối xử lạnh nhạt, cho đi chỗ khác chơi sau một thời gian ngắn. Tôi gọi chúng là thứ “phi cầm phi thú”.
Tôi nghe thành ngữ “phi cầm, phi thú” lần đầu vài ngày sau ngày 1-11-1963, ngày Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Chính Trị Ngô Đình Nhu bị hạ bệ. Một tâm thư ngắn được đăng trên hai tờ nhật báo Ngôn Luận, Đồng Nai. Trong thư này, ba ký giả Từ Chung, Chu Tử, Hiếu Chân (cả ba anh đều đã qua đời) tự nhận các anh có lỗi vì các anh thấy chính phủ Ngô Đình Diệm phạm nhiều tội ác với nhân dân mà không dám tố cáo, các anh tự nhận các anh là một loại “phi cầm, phi thú”.

Dưới đây là đoạn tôi viết năm 1995 về một số người tôi gọi là “phi cầm, phi thú”:
“Chúng tôi, bọn văn nghệ sĩ Sài Gòn bại trận, chúng tôi có anh có em. Trong nhục nhã, trong khổ cực, trong tù đầy, chúng tôi vẫn có nhau, chúng tôi vẫn là những văn nghệ sĩ Sài Gòn. Cảnh “phi cầm, phi thú” hiện ra rõ nhất trong những cái gọi là buổi sinh hoạt tại Hội Văn Nghệ Giải Phóng Thành Phố Hồ Chí Minh, trụ sở đặt trong tòa nhà có vườn rộng trước 75 là một cơ sở tình báo của Việt Nam Cộng Hòa, góc đường Trương Minh Giảng-Tú Xương. Những người trong Ban Chấp Hành cái gọi là Hội Văn Nghệ Giải Phóng, thường là Tổng Thư Ký Việt Phương, lên Ủy Ban Thành Phố họp, nghe chỉ thị, về phổ biến với các văn nghệ sĩ. Những buổi như thế gọi là buổi sinh hoạt.
“Trong những buổi sinh hoạt này, bọn trong Ban Chấp Hành Hội ngồi hàng ghế chủ tọa đối diện với hàng ghế của văn nghệ sĩ Sài Gòn. Hai bên ngồi đối mặt với nhau. Hai anh Kỳ Nhông, Kỳ Đà Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn cũng dự buổi sinh hoạt. Hai anh không thể ngồi cùng hàng ghế hay ngồi sau lưng bọn Giải Phóng Miền Nam. Sức mấy chúng nó cho hai anh ngồi chung. Hai anh không ngồi chung chỗ với bọn chúng tôi, chắc hai anh sợ ngồi với chúng tôi hai anh xấu hổ… Cũng có thể hai anh nhìn thấy sự khinh bỉ hai anh trong ánh mắt của anh em chúng tôi… Hai anh không thể ngồi sau đít bọn Văn Nghệ Giải Phóng đối diện với bọn văn nghệ sĩ Sài Gòn bại trận, hai anh không muốn ngồi chung với bọn văn nghệ sĩ Sài Gòn nhục nhã. Vậy thì trong những buổi họp chia hai phe rõ rệt mặt đối mặt, chính tà hai phái, hai anh Kỳ Nhông đặt đít ở đâu?
“Hai anh ngồi ở hai ghế bên cạnh. Hai anh không ngồi trong phe giải phóng, hai anh cũng không ngồi trong phe Việt Nam Cộng Hòa bại trận.
“Dường như Phạm Trọng Cầu – Phạm Trọng: “Em ra đi mùa thu… mùa thu không trở lại…” cũng đã được sáng mắt, sáng lòng đôi chút trước cái gọi là xã hội xã hội chủ nghĩa do cách mạng vô sản dựng lên, vì thấy nó bê bối, bết bát, dơ dáy quá đỗi. Nhiều anh chị nhờ gia đình có tiền cho sang Tây ăn học, đớp phải bả xã hội chủ nghĩa, tưởng bở, hung hăng con bọ xít, theo đuôi cộng sản mần “cách mạng”, bị Cộng sản cho hộc máu, vỡ mặt khi chúng cướp được chính quyền. Điển hình và đại diện cho giới “phi cầm, phi thú” này là Mợ Dương Quỳnh Hoa.
“Nghe nói chỉ sau vài mùa kỷ niệm bác Hồ đầu thai, Phạm Trọng đã có vẻ thất vọng. Phạm Trọng có mần lời ca theo điệu nhạc bài “Quê Em”:

Quê em miền trung du,
Đồng quê lúa xanh rờn,
Giặc tràn lên cướp phá.
Anh về quê cũ,
Đi diệt thù giữ quê,
Giặc tan đón em về


Lời ca của Phạm Trọng theo nhạc “Quê Em” có câu mở đầu:

Ba tôi trồng khoai lang,
Đào lên thấy khoai mì,
Thật là điều phi lý.
Tôi về quê cũ,
Ra vườn trồng khoai lang,
Đào lên thấy khoai mì


“Những anh Kỳ Nhông đi theo cộng sản mần “cách mạng xã hội chủ nghĩa” tưởng bở: xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa nhất định phải tốt đẹp hơn xã hội tư sản dân chủ. Mấy ảnh ngẩn ngơ khi thấy sao nó bẩn quá.
“Thứ củ có thể ăn được, người Bắc gọi là sắn, người Nam gọi là mì hoặc khoai mì. Những chị đi bán rong trong những xóm nghèo thường rao: “Ai khoai lang, khoai mì…”
“Thứ củ người Nam kêu là củ sắn, người Bắc gọi là củ đậu. Ông bố mấy anh Kỳ Nhông trồng khoai lang, đào lên thấy khoai mì cũng còn là khá, ông nội anh không có trồng khoai lang, khoai mì, ông nội ác ôn của anh trồng người. Các em nhỏ bất hạnh bị đem ra trồng đầu vùi dưới đất, chân chổng lên trời.
“Ở những cánh đồng cách mạng vô sản ấy, khi đào đất lên người ta không thấy khoai mì, khoai lang chi cả, người ta chỉ thấy sọ người, xương người và máu người.
“Lo việc mười năm: trồng cây. Lo việc trăm năm: trồng người”.
“Câu nói của một Quân Tải Tàu nào ngày xưa, được ghi trong sách Minh Tâm Bảo Giám do ông Đoàn Trung Còn biên soạn. Già Hồ mượn dùng cũng được đi. Nhưng trồng là trồng cây: trồng cây si, trồng đậu, trồng gạch, trồng gì cũng được, “trồng người” nghe sao man rợ quá trời. Những anh cộng sản coi đồng bào như những con vật để họ sai khiến, bóc lột, như những cái cây để họ đem trồng. Những em bé Việt Nam bất hạnh được coi là những khúc măng non…

Em là khúc măng non…
Em chín queo trong nồi cách mạng
“, và:
Cháu lên ba… Cháu vô mẫu giáo
Cô thương cháu là cháu không khóc nhè…
Không khóc nhè…. È é e…
Em vào trường học
Mẹ cha vào nhà máy…
Ông bà lo cấy cầy
…”

“Ông bà lo cấy cầy?”. Chèng đét théng thèng ơi… Ông bà xã hội chủ nghĩa cho có trẻ lắm cũng phải sáu mươi, bẩy mươi… Khứa lão lọm cọm sống trong xã hội thối nát tư sản đến tuổi sáu bó là đã bị con cháu cho ngồi chơi xơi nước. Khứa ông buổi sáng nhâm nhi ly trà tầu, trà ướp sen, ly cà phê hay ly nước trà thường nóng nếu sống giản dị, ngày xưa ở Bắc Kỳ các khứa lão còn để móng tay dài, râu ba chòm, xuân hạ tay phe phẩy cái quạt, chống gậy đi chơi, gặp ông bạn cũng khứa lão đánh vài ván cờ tướng, thu chơi hoa cúc, câu cá, trưa mùa đông ăn cơm uống ly rượu tăm rồi đắp mền nằm ngáo. Khứa lão bà trông nom các cháu, giúp đỡ con dâu, ngày rằm, mùng một lên chùa lễ Phật, sáng sáng, chiều chiều đến nhà thờ dâng lễ, đọc kinh cầu nguyện, cảm ơn và xin ơn Thiên Chúa.
“Đấy là đại khái vài hình ảnh, cuộc sống những ông già, bà lão trong xã hội tư sản. Những ông già, bà lão trong xã hội vô sản ra đồng làm trâu bò cho đến lúc ngã xuống thở hơi cuối cùng. Trong khi đó thì “thi sĩ Đảng” Tố Hữu mần thơ diễn tả tấm lòng cao cả của bác Hồ muôn kính, ngàn yêu, ngày đêm bác vẫn mơ mộng làm sao để có:
“Sữa tặng em thơ, lụa tặng già”.

Tối mùa mưa năm 1982, chúng tôi ngồi uống rượu đế một đồng tiền Hồ một ly ở quán nghèo thật nghèo trên vỉa hè bên cổng xe lửa Số 6. Bạn tôi, L.T.N nói:
– Bảo Trịnh Công Sơn là cộng sản tội nghiệp nó.
Tôi nói:
– Có ai bảo nó là cộng sản đâu. Nếu nó là cộng sản thì ai nói làm gì. Vì nó không phải là cộng sản mà nó lại bợ đít bọn cộng sản nên người ta mới có vấn đề về nó.
Bạn tôi, Văn Quang, ở Thành Hồ, tường thuật đám tang Trịnh Công Sơn, tả anh đem máy ảnh đến nhà Trịnh Công Sơn ngồi chờ chụp ảnh. Anh phải ngồi chờ vì lúc ấy người chết chưa được liệm, Trịnh Công Sơn nằm đó với chiếc khăn phủ mặt. Anh kể chuyện ngày xưa, Tết Mậu Thân, Việt Cộng đánh vào Sài Gòn, thành phố giới nghiêm từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng. Là sĩ quan, anh có giấy phép đi trong giờ giới nghiêm. Anh lái xe đưa Trịnh Công Sơn đi chơi trong thành phố Sài Gòn ban đêm vắng tanh, chỉ có những dẫy đèn vàng, những binh sĩ tuần tiễu, đứng gác ở những ngã tư đường. Anh kể anh đưa Trịnh Công Sơn, với cây đàn ghi-ta, về ở trong căn phòng riêng của anh v.v… Anh kể trong căn phòng đó (anh bạn tôi có vợ con, có nhà lầu, nhưng cũng như nhiều tay chơi Sài Gòn trước 75, anh có căn phòng riêng trong một bin-đinh dùng làm nơi ăn chơi), những ngày sau Tết Mậu Thân, Trịnh Công Sơn đã sáng tác những bản nhạc X, Y, Z… Lời kể của anh cho thấy anh vừa là đàn anh cưu mang vừa là bạn văn nghệ, bạn tâm giao của Trịnh Công Sơn. Tôi bùi ngùi muốn hỏi anh, muốn nói với anh:
– Tháng Tư 75 nó có mù đâu, nó phải thấy đồng bào mình ghê sợ Cộng sản, chê bỏ Cộng sản, đồng bào mình liều chết chạy trốn quân Bắc Việt Cộng, đồng bào mình chết đau thương, khổ cực thê thảm đến như thế nào. Nó phải thấy Việt Cộng tàn sát đồng bào ở Huế trong Tết Mậu Thân, nó phải thấy bọn Bắc Việt Cộng xâm lăng bắn giết đồng bào trên khắp đất nước. Nó không ngu đến cái độ không biết là quân Bắc Việt Cộng vào Sài Gòn, những sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa từng mến tài nó, che chở nó, làm ơn cho nó, như mày, như Lưu Kim Cương, sẽ bị bọn Bắc Việt Cộng bỏ tù mút chỉ cà tha. Nó phải biết chứ, nó phải thấy chứ, sao nó nhẫn tâm ca hát chào mừng bọn Việt Cộng, sao nó tỏ ra sung sướng khi nó biết chúng mày sắp khốn khổ, khốn nạn? Mày kể mày thân với nó, mày là bạn nó, tao không thấy nó thân với mày, không thấy nó nhận mày là bạn, mày cưu mang nó, mày đi tù mười mấy năm nó không một lời hỏi thăm. Mày thân tàn trở về, vợ bỏ, nhà mất, con mày tan tác, tao không thấy nó đi tìm mày, không thấy nó chi cho mày nửa lời an ủi. Nó bạn với bọn văn nghệ sĩ miền Bắc, nó không bạn với bất cứ thằng văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hoà bại trận nào.
Ông bạn N.T, nhân câu dân dao “Ba Mươi giết hết lột da đóng giày”, nói:
– Tha nó. Lột da nó làm gì. Mình khác nó…

Thở hắt ra, tôi nghĩ: “Nói vậy thôi, mình có lột da được thằng nào đâu. Chúng nó lột da mình thì có. Chúng nó lột da anh em mình dài dài từ ngày ấy…”
Tôi mượn lời ông Elie Weisel để diễn tả tâm trạng tôi. Elie Weisel là người Do Thái, sinh trưởng ở Romania, hiện cư ngụ ở Hoa Kỳ. Sống sót từ Lò Thiêu Người Do Thái của Đức Quốc Xã, trong khi cha mẹ, anh chị em ông chết hết trong Lò Thiêu Người. Elie Weisel viết Hồi Ký tố cáo tội ác bọn Đức Quốc Xã đã làm với dân Do Thái trong Thế Chiến Thứ Hai. Ông được Giải Nobel Hòa Bình năm 1986. Chắc có ai đó đề nghị ông nên tha thứ, ông viết:
– Tôi không có quyền tha thứ cho bọn giết người về cái tội chúng đã tiêu diệt 6 triệu người Do Thái. Quyền tha thứ hay không là ở những người đã chết.
Chiều nay, đúng giờ này, ngày này 26 năm trước, 4 giờ chiều Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, trời Sài Gòn u ám, đất Sài Gòn quằn quại, người Sài Gòn đau thương, mấy tên đốn mạt đến đài phát thanh phứng phưng hát chào mừng quân xâm lăng.
Tôn vinh hương linh những công dân Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa – quân và dân – đã chết vì chống lại cộng sản, tưởng nhớ những người Sài Gòn đến 4 giờ chiều ngày 30 Tháng Tư 1975 còn chết vì chống Cộng sản ở Sài Gòn, tôi thành kính – và ngậm ngùi – viết những dòng này.

 

10

Số văn nghê sĩ Sài Gòn bám đít quân Bắc Việt Cộng, những tên vô liêm sỉ bị nhân dân gọi là bọn “Cách Mạng Ba Mươi” không nhiều. Anh thứ nhất là Trịnh Công Sơn – bốn giờ chiều ngày 30 Tháng Tư, đất trời Sài Gòn sầu thảm, anh CM30 Trịnh Công Sơn lên tiếng hát chào đón quân xâm lăng trên đài phát thanh – tiếp đó là Cung Tích Biền, Thái Bạch, Hoàng Trọng Miên…
Hai mươi sáu năm sau, ở xứ người, tôi vẫn cảm thấy nhục khi viết những dòng chữ này. Dù sao những anh Cách Mạng Ba Mươi ấy cũng là văn nghệ sĩ Sài Gòn. Sống ở Sài Gòn sau năm 1975, tôi mới cảm biết thế nào là nhục bại trận, nhục đầu hàng, nhục không chết được, nhục không dám chết, nhục biết là sống nhục mà cứ phải sống để chịu nhục, tôi mới thấm câu Kiều “Bắt phong trần phải phong trần”. Lòng tôi quặn đau khi tôi nhìn thấy những ông tướng của quân đội tôi khóc mếu trên màn ảnh TiVi trước mặt quân thù. Tôi mới thấy, mới hiểu thế nào là “hàng thần lơ láo, văn nhân vô hạnh, xướng ca vô loại”.
Ngày 1 Tháng 5, không biết những tên Cách Mạng Ba Mươi nào cho ra tờ báo Trắng Đen. Báo không có tin tức gì, chỉ có hình Hồ Chí Minh và vài cái thông cáo của cái gọi là Ủy Ban Quân Quản. Bọn ra báo này là bọn Cách Mạng Ba Mươi vì chúng chỉ ra được một số báo, tờ báo Cách Mạng Ba Mươi mang măng-xét Trắng Đen bị Bắc Việt Cộng dẹp tức khắc.
Chừng mười ngày sau ngày 30 Tháng Tư, tôi mới gượng đi lên trung tâm Sài Gòn. Đường Lê Lợi của ta lúc 10 giờ sáng long lanh nắng vàng – sáng mát trong như sáng năm xưa, gió thổi mùa thu vào Lê Lợi – cảnh vẫn là cảnh hôm qua chỉ có lòng người tan nát. Đường phố Sài Gòn đã được dọn dẹp, không còn những cây súng M16 vứt ở các gốc cây, không còn những chiếc áo blouson của phi công nằm lạc loài trong các góc phố. Hãy còn quá sớm, hôm ấy Sài Gòn chưa có Chợ Trời.
Tôi gặp vợ chồng Duyên Anh.
Rất tự tin, Duyên Anh nói:
– Yên trí. Chúng nó sẽ phải dùng mình.
Tôi ngậm ngùi nghĩ: “Chúng nó dùng mày, chúng nó không dùng tao”.
Tôi thường mua thuốc lá của chị bán thuốc ngồi bên cửa tiệm kem Mai Hương.
Thấy tôi, chị hỏi nhỏ:
– Cậu không chạy được à?
Tôi thấy ý thương hại trong mắt chị.
Tôi chỉ là một người khách mua hàng của chị, nhưng chị cũng mong tôi chạy thoát, chị cũng muốn tôi không bị khổ nhục. Hàng của chị xác xơ nghèo, chẳng còn bao nhiêu thuốc lá Mỹ, bẩy, tám gói Lucky, một hộp thuốc pipe Sir Walter Raleigh. Tôi mua hết số thuốc ấy. Đấy là lần cuối cùng tôi mua thuốc lá Mỹ ở Sài Gòn.
Tôi thấy ca sĩ Hùng Cường bận bộ áo cánh, quần đen, như lính Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, không nón tai bèo, không giép râu, đi giầy Bata, lưng đeo cái ba-lô có cắm lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đi phây phây trên đường Tự Do. Tôi nghĩ Hùng Cường nhân buổi tranh tối, tranh sáng, bận bộ đồ đó đi rỡn chơi, như anh hóa trang đóng một vai tuồng. Nhưng cảnh thay đổi từ bộ quân phục lính VNCH (Bạn nhớ không? Hùng Cường là lính Biệt Động Quân!) sang bộ đồ đen GPMN, chỉ thiếu cái khăn rằn, cũng làm đau lòng người Sài Gòn, nó báo trước cái cảnh:

Công hầu đệ trạch giai tân chủ
Văn vũ y quan dị tích thì


Tôi nghe các bạn tôi kể về một cuộc họp ở trụ sở Hội Văn Nghệ Giải Phóng Miền Nam tại Tòa Đại Sứ Đại Hàn đường Nguyễn Du. Đây không hẳn là một cuộc họp. Vì văn nghệ sĩ Sài Gòn kéo đến đông quá, một, hai anh GPMN phải ra tiếp, nói vài câu trấn an. Lúc đó Hùng Cường đứng lên, hát ngay một bài ca tụng Bác Hồ do anh sáng tác.
Thế rồi một số nam nữ ca sĩ Sài Gòn chiều chiều đến nhà hàng Queen Bee ca hát. Họ hát những bài Tiếng Đàn Ta Lư, Tiếng Chày trên Sóc Bom Bo, Dưới bóng cây Kà Nưa, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây v.v…
Bọn cán bộ văn nghệ MTGP không tổ chức cuộc tập hát này, họ không mời ca sĩ Sài Gòn đến tập hát, đây là sáng kiến của Hùng Cường với một anh Tầu Chợ Lớn có tiền. Anh Tầu bỏ tiền ra cho Hùng Cường thành lập một đội văn công chờ sẵn, ViXi cần đến là có ngay. Nhưng ViXi dẹp cái ban ca kịch cà chớn phi cầm, phi thú này tức thì. Việt Cộng không thèm dùng những anh chị văn nghệ sĩ Sài Gòn, nếu Việt Cộng dùng chắc hàng ngũ Cách Mạng Ba Mươi còn có nhiều khuôn mặt mẹt văn nghệ sĩ Sài Gòn hơn.

Hoàng Trọng Miên là anh Cách Mạng Ba Mươi có vẻ có giá nhất, anh có người anh là Thanh Nghị Hoàng Trọng Quĩ làm Phó bộ trưởng Văn hóa trong chính phủ “cách mạng lâm thời Cộng Hoà Miền Nam VN”. Những tháng đầu tiên Hoàng Trọng Miên “phấn khởi, hồ hởi” ra mặt. Mấy anh Tầu Chợ Lớn chuyên đón gió o bế Hoàng Trọng Miên hết cỡ. Mấy anh dùng ô tô đưa Hoàng Trọng Miên ra Vũng Tầu, lên Đà Lạt, xí nhà đất, vườn cây của các tướng lãnh VNCH. Bọn ViXi cấp xã, quận, kể cả cấp tỉnh, thấy đàn anh và phái đoàn từ Sài Gòn ra, nhân danh Hội Văn Nghệ Giải Phóng Thành Phố, tiếp quản nhà đất của tướng Ngụy bỏ chạy, dễ dàng làm giấy xác nhận chủ quyền ngay. Bọn Hoàng Trọng Miên hí hửng ăn nhậu tưng bừng, cuộc đời tươi như hoa hồng thắm. Vài tháng sau bọn cán bộ phụ trách nhà đất từ Hà Nội vào. Bọn này mới là bọn có quyền tịch thu và quản lý nhà đất của những kẻ bị coi là “có tội với nhân dân đã bỏ chạy ra ngoại quốc”. Các giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất bọn Hoàng Trọng Miên lấy được trở thành giấy lộn. Mấy anh Tầu vỡ mộng bèn bỏ rơi anh Cách Mạng Ba Mươi Hoàng Trọng Miên.
Tháng Tư 1976, Cộng sản Hà Nội khai tử cái gọi là Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, quẳng đi luôn cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng, Phó Bộ trưởng Văn hóa Thanh Nghị được cho làm quản thủ Thư Viện. Nghe nói Thanh Nghị than:
– Bây giờ tôi là tên tù giữ sách.
Cũng nghe nói Thanh Nghị chết không nhắm được mắt. Hoàng Trọng Miên cũng đã qua đời. Số phận chung của những anh Cách Mạng Ba Mươi là:
– bị nhân dân khinh bỉ.
– không được Việt Cộng dùng, ngay cả Việt Cộng cũng khinh bỉ bọn Cách Mạng Ba Mươi.

Duyên Anh Vũ Mộng Long – bị bắt tháng 4-1976, tù 6 năm, vượt biên năm 1983, sống và chết ở Pháp – viết trong hồi ký “Nhà Tù”, xuất bản năm 1987, về một số những anh chị Cách Mạng Ba Mươi:
“…Khi trở về sau 6 năm tù, tôi nhìn rõ Thái Bạch bệ rạc nằm ở sòng hút thuốc phiện xin xỏ từng điếu. Nó đã bị đá ra khỏi sinh hoạt văn nghệ. Cái hiệu sách Giải Phóng của nó ở đường Gia Long đã biến thành trụ sở công an phường. Quần áo nó lếch thếch, hôi hám. Cái chất nhễ nhãi vênh vang trên khuôn mặt đắc thời của nó giữa tháng 5-1975 đã khô rom. Nó bắt đầu chửi cộng sản chỉ để bấu một điếu thuốc phiện rẻ rề. Thế Nguyên thì tuyệt tích. Vũ Hạnh phải làm sà-bông lậu, bị công an phường gây khó dễ. Sơn Nam quần ống thấp ống cao, lang thang hè phố. Em rể Trần Bạch Đằng nằm ấp Chí Hòa một ngày, vợ nhận hết tội “áp phe” xuất cảnh, nằm thế chồng ba tháng, nhà cửa bị khám xét, đồ tế nhuyễn bị tịch thu. Lệ Hằng hết mon men tới Hội Nhà Văn sau vở kịch chửi vượt biên rồi vượt biên bị bắt. Từ Kế Tường mất chức chủ nhiệm Nhà Văn Hóa Quận 4. Nguyễn Khánh Trịnh, Ngụy Ngữ, Hoàng Ngọc Tuấn mỗi năm chỉ được đăng hai truyện ngắn. Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận mất báo Tin Sáng, mất luôn tổ hợp sơn mài, đi buôn bán tre và sẽ bị bắt…” (Nhà Tù – Duyên Anh, Xuân Thu 1987, trang 167).
“…Vẫn trò chơi bắt văn nghệ sĩ phóng uế lên sự nghiệp của mình, Trịnh Công Sơn đã tự kiểm để được làm ở Sở Thông tin Văn hóaThành phố. Loạt bài tự kiểm của Trịnh Công Sơn đã làm ngao ngán tuổi trẻ ngưỡng mộ nhạc của Sơn. Từ đó, Sơn say mèm. Bố già Á Nam Trần Tuấn Khải tự kiểm trên tờ Văn Nghệ Giải Phóng mới nản chứ! Người nản nhất, xấu hổ nhất là Trần Việt Hoài (con của ông Trần Tuấn Khải). Anh đã uất ức làm bốn câu thơ trước khi chết:

Đầy tớ Mỹ ngã gục
Bồi Tầu, Nga reo vui
Riêng cháu con nòi Việt
Ôi xiết bao ngậm ngùi
…”
(Nhà Tù, Xuân Thu 1987, trang 182)

Ông Á Nam Trần Tuấn Khải không hẳn thuộc loại Cách Mạng Ba Mươi, ông thuộc hàng ngũ “văn nhân vô hạnh”, đội ngũ này có cái tên diễn nôm hơi dài “Văn Thi Sĩ Sài Gòn Phản Thùng Nâng Bi Việt Cộng”. Bài Thơ Nâng Bi của ông là bài thơ Nâng Bi để đời. Đây là lời và thơ ông Á Nam Trần tuấn Khải:
“Cuối xuân Ất Mão (1975) tiếng súng cuối cùng Sài Gòn – Chợ Lớn đã tắt, ngọn cờ giải phóng tung bay khắp miền Nam, nước Việt Nam ta hoàn toàn sạch vết quân xâm lược. Những quân tay sai bán nước đều cao bay xa chạy. Tác giả tuổi ngoài tám mươi này được trông thấy cái cảnh huy hoàng rực rỡ của cả dân tộc Việt Nam, trút hết nỗi uất hờn sâu thẳm trong bấy nhiêu lâu, thực chẳng khác gì tái sinh nên viết mấy dòng sau đây để góp vui cùng bạn lòng trong cõi:

Hơn tám mươi năm lộn kiếp đây
Tuổi đời: lên một, tính từ nay!
Cơm no đoàn kết mau khôn lớn
Nước sạch xâm lăng khỏi quấy rầy.
Độc lập đi về nhiều chuyện thú
Tự do ăn học lắm tài hay.
Nhờ ơn cách mạng bồi thêm thọ
Hưởng mãi non sông đất nước này
“.
oOo

Liêu lạc bi tiền sự. Chi ly tiếu thử thân…
Vèo trông lá rụng đầy sân… Tha hương tâm sự có ngần ấy thôi… Sự đời đã quá đôi hồi… Thôi còn đâu nữa những người năm xưa… Quốc kỳ còn đó trơ trơ… Dám xa xôi nước mà thưa thớt lòng… Quê hương đâu nữa mà mong… Thôi đành thẹn sắt, tủi đồng thế thôi…
Anh bạn dãi dầu không bước nữa… Gục trên súng mũ bỏ quên đời… Tôi buồn tôi viết không còn lửa. Mượn thơ truy điệu để thay lời. Hỡi ơi bạn tác ngoài trôi giạt. Chẳng đọc văn ta cũng ngậm ngùi…

Tung hoành trong chốn can qua ấy
Bến Hải, Cà Mâu chẳng tiếc thân
Nước mất buông đời theo nạn nước
Khó vi tướng tá, dễ vi thần
Lậy mẹ, con đi, em ở lại
Nỗi nhà, nỗi nước há phân vân
Quê xanh lá vẫy, đầu xanh biệt
Hăm mốt tuổi đời, mấy tuổi quân
Lính chiến vốn nghèo như cát bụi
Họa chăng dư dật mảnh trăng xuân
Những phiên gác giặc thèm hơi thuốc
Mong ánh chiêu dương ló dạng dần
Mới đêm cùng bạn chung đầu võng
Sáng mở đường nghe súng nổ rân
Bạn đổ như cây chưa tỏa ngọn
Chưa từng hò hẹn một tình nhân
Lính nghèo nên lính càng thương lính
Chiến dịch dài thêm mỗi bước chân
Mỗi bước chân chưa đầy nửa thước
Băng đồng, lội suối, vượt trùng san
Quân đi tính mỗi mùa khô dứt
Từng chặng ngày đêm kể dặm ngàn
Phi pháo sẵn hai nguồn yểm trợ
Trực thăng vi vút đảo xa gần
Giang đoàn, hạm đội đầy sông biển
Hải Lục Không Quân thế trận dàn
Trai gái vai kề vai giữ nước
Toàn Quân Binh Chủng chấp nguy nan…
Hữu thân hữu khổ đà ghi khắc
Bia miệng ca dao đắng chát vần
Lính Chiến Cộng Hòa còn lãnh đủ
Súng thù, gươm bạn mấy gian truân
Bây giờ anh ở đâu anh hỡi
Câu hát năm xưa rộn xóm làng
Một bước lỡ muôn trùng cách biệt
Quốc Quân kỳ ủ rũ mầu tang
Gọi nhau trong nỗi niềm bi lụy
Mấy suối cho vừa nước Giải Oan
Ai đó thẹn thùng câu chật đất
Hỡi ơi từ thủa lính tan hàng.


Băng Đình (Wichita. Tháng Tư 2001)

Súng thù, gươm bạn, lính tan hàng… Mấy suối cho vừa nước Giải Oan… Hỡi ơi… bạn tác ngoài ly loạn… Chẳng đọc thơ nhau cũng đoạn tràng…

Hoàng Hải Thủy
304Đen – Llttm – YD

(trích từ bài viết Sống Và Chết Ở Sài Gòn)

No comments: