Monday, December 17, 2018

Cây Hoa Anh Đào Đầu Tiên Trong Thành Phố Dĩ Vãng - Topa (Hòa Lan)


Cây Hoa Anh Đào Đầu Tiên Trong Thành Phố Dĩ Vãng
 
 
 

Lâu lắm rồi tôi mới được nhìn thấy lại Hoa Anh Đào Oshima Zakura, dù chỉ là một cành chứ không phải nguyên cây. Cành hoa mà người bạn đem từ Nhật về tặng cho tôi nhân dịp bạn đi du lịch bên đó. Sở dĩ bạn đem đúng cành hoa này về tặng tôi là vì có lần tôi đã kể cho bạn nghe về loại hoa này mà gia đình tôi từng có, và, đó cũng là cây Hoa Anh Đào đầu tiên trong thành phố dĩ vãng.

Nhìn cành hoa tôi bị xúc động mạnh. Từ lâu rồi tôi không muốn nhớ đến một thành phố có nhiều loại hoa với nhiều màu sắc rực rỡ trong buổi sớm mai có nhiều sương mù lạnh lẽo, và, buổi trưa âm ấm trong ánh mặt trời. Thành phố đó có rất nhiều đồi thông mà những cây thông thì cao vút thẳng tắp đứng sừng sững giữa trời xanh gió thổi vi vu cùng tiếng chim hót và tiếng suối chảy. Tôi không muốn nhớ đến là vì thành phố đó nay không còn nét yêu kiều đài các, không còn một chút gì gọi là sang trọng cả. Người của thành phố cũng không còn đối xử với nhau trong tình thương yêu chân thật. Tất cả đều là giả tạo! Tất cả đã biến mất!
Ông nội tôi làm việc cho người Pháp nên khi gặp dịp ông quý tộc người Pháp trở về cố quốc, ông nội tôi đã mua lại cái “lâu đài nhỏ” của vị quý tộc với giá vừa phải. Ngày đó thành phố dĩ vãng chỉ có một cây Hoa Anh Đào được ông quý tộc đem giống từ Nhật Bản qua trồng trong vườn của ông. Ông quý tộc nói với ông nội tôi.  “Đây là cây Hoa Anh Đào Oshima zakura mà hoa có mùi thơm rất quyến rũ và sang trọng”. Ông nội tôi cũng là người rất thích hoa, mà, Hoa Anh Đào trắng Oshima zakura là hoa mà ông nhìn thấy lần đầu tiên nên ông đã nâng niu chăm sóc rất kỹ đến nỗi ba mẹ tôi nghĩ, ông sẽ đau khổ lắm nếu như có ai đó lỡ làm cho cây hoa bị hư hại.
Ông nội tôi qua đời trước khi tôi ra chào đời. “Bà nội mất khi ông nội còn rất trẻ, nhưng ông đã không lấy vợ khác”. Ba tôi nói với vẻ mặt rất kiêu hãnh. Chính ba tôi là người đã nói về “lịch sử” của cây Hoa Anh Đào trắng Oshima zakura cho tôi nghe. Và, tôi đã thích cây hoa từ năm tôi bảy tuổi. Mùi thơm và vẻ đẹp quý phái của loại hoa năm cánh màu trắng mọc từng chùm đã quyến rũ tôi đến nỗi, gần như lúc nào tôi cũng ở bên cạnh cây hoa, ngoại trừ khi màn đêm buông xuống. Có những lúc tim tôi nhói lên khi nhìn thấy những bông hoa bị khô héo. Khi đó tôi cảm thấy những bông hoa như không còn muốn mỉm cười với tôi, làm cho tôi buồn lắm. Tôi chưa kịp hiểu vì sao những bông hoa lại bị héo úa thì người quản gia thật thà và trung thành của gia đình tôi đã đến và giúp tôi. Ông nói cho tôi đừng buồn: “Cây hoa có lẽ bị chim làm tổ nên cây bị bệnh”. Suýt chút nữa tôi đã buột miệng cười vì câu nói của ông. Nhưng, ông đã chỉ cho tôi thấy một cái tổ chim trên cao. “Tôi sẽ dời tổ chim đi mà không làm cho những con chim con bị thương”.

Ngày hôm sau ông đem về một cái hộp bằng cây nhìn giống cái nhà nhỏ, vì, phía trên cũng có cái mái nhà và cũng có cửa ra vô nhưng cửa là hình tròn. Ông dựng một cái cây ở góc sân rồi đặt cái nhà nhỏ lên trên đỉnh cái cây. Ông đưa những con chim con vô trong cái nhà nhỏ đó. Cả thành phố này tôi chưa hề nhìn thấy cái nhà nhỏ đó bao giờ. Con chim mẹ có lẽ cũng vui mừng lắm khi được ở trong cái nhà mới đó. Con chim mẹ sáng sớm nào cũng hót thật lâu, hót thật hay như để cảm ơn người đã cho mẹ con nó có chỗ tránh mưa tránh nắng và, còn cho thức ăn mỗi ngày nữa. Lạ lùng sao, từ đó những bông hoa cũng tươi tỉnh lại và không còn héo úa nữa. Trước khi thành phố trở thành dĩ vãng thì tôi đã nhìn thấy thành phố có nhiều cây Hoa Anh Đào và nhiều tổ chim giống cái nhà rồi.
 
Ngày xưa đó tôi như con chim nhỏ đang chập chững nhưng tin tưởng và hăm hở. Tôi vừa đi vừa ca, đồng thời bước chân đưa tôi lên cái đồi cao và rộng. Trên cái đồi đó chỉ trồng hai thứ, khoai tây và cà rốt. Trên cái đồi cao này tôi chưa từng thấy một cọng cỏ nào cả. Cỏ đã được những người làm vườn nhổ sạch sẽ. Nếu như trên cái đồi đó không trồng hai thứ thực phẩm để nuôi sống con người thì chẳng khác nào cái đầu bị cạo trọc lóc. Lòng tôi dâng lên một cảm giác khó tả. Tại sao cả cái đồi rộng lớn như vậy mà tôi không nhìn thấy một cọng cỏ, là sao?

Bốn người đàn ông đang trồng khoai tây và cà rốt. Họ đang khom mình dọc theo các luống. Khi nhìn thấy tôi từ xa thì một người trong họ lên tiếng:

  • Cô bé ơi, lại đây tôi cho cô bé thứ mà cô rất thích nè.

Tất cả họ đều ngừng tay và đứng hết lên. Khi tôi đến thì người đã gọi tôi liền đưa cho tôi cái lồng chim làm bằng tre, bên trong có một con chim nhỏ. Tôi vui mừng và nói lí nhí trong miệng lời cảm ơn. Tôi định đưa lồng chim lên sát mặt để nhìn ngắm con chim nhưng tôi dã không làm. Tôi sợ điều đó có thể làm cho con chim bị sợ hãi. “Con chim dễ thương lắm và tôi nghĩ nó sẽ hót hay lắm đó cô bé. Con chim mẹ bay đi tìm mồi nhưng không thấy quay về. Thế là tôi đem con chim vô trong nhà và cho nó ăn. Tôi mua cái lồng cho nó ở. Tôi chợt nhớ là cô rất thích hoa và chim nên hôm nay tôi đem theo. Tôi nghĩ, nếu cô lên thăm vườn ngày hôm nay thì con chim sẽ có cô chủ bé nhỏ và rất dễ thương”.
Tôi đưa cao lồng chim và thích thú nhìn ngắm. Tôi sẽ thay mẹ nó và nuôi nó cho đến khi đủ lông đủ cánh tôi sẽ cho nó được tự do trở về với trời rộng bao la và cây rừng bát ngát.
Tôi quay lưng đi xuống đồi. Khi tôi bước đi được một quãng xa, tôi quay đầu nhìn lại phía sau thì thấy bốn người đàn ông lực lưỡng đang tiếp tục khom mình dọc theo những luống  khoai và cà rốt.
Nhân ngày cuối tuần tôi đã được ba mẹ cho phép đến thăm người làm vườn đã cho tôi cái lồng và con chim. Nhà của ông nằm trong “Ấp Chiến Lược” có tên là Phát Chi, cách nhà tôi khoảng bảy cây số.
Đây là vùng đất trù phú mà người dân thì hiền lành và lương thiện vô cùng. Người làm vườn nói với tôi: “Từ ngày thành lập Ấp cho đến nay, đồng bào ở đây chưa bao giờ bị thiếu ăn thiếu uống. Về an ninh thì chưa bao giờ xảy ra vụ lộn xộn nào, dù là rất nhỏ. Người trong “Ấp” đều biết nhau nên không bao giờ có người lạ mặt nào dám vô đây để làm những chuyện mờ ám”.
Ông cũng có mảnh vườn nhỏ được trồng khoai tây, cà rốt và cả hành tây nữa. Căn nhà và mảnh vườn là gia tài của cả đời ông. “Từ ngày khôn lớn cho đến nay tôi chưa bao giờ đi khỏi vùng này. Xem như suốt đời tôi sẽ gắn bó với căn nhà và mảnh đất đã cho tôi rất nhiều thứ trên cõi đời”.

Ngày tháng trôi qua. Tôi đã trở thành cô thiếu nữ. Chiến tranh đã xảy ra từ lâu nhưng thành phố rất yên tĩnh. Thành phố chỉ bị một lần hỗn loạn nho nhỏ vào những ngày đầu xuân năm Mậu Thân 1968. Nhưng, chỉ vài ba ngày sau là mọi chuyện đã trở lại yên tĩnh như xưa. Tôi không ngờ chỉ bảy năm sau, bảy năm ngắn ngủi thôi, và…Tất cả biến mất.
Người làm vườn đã cho tôi cái lồng có con chim, chắc chắn ông đau khổ lắm, và, có thể ông đã bị giết ngay khi bầy quỷ dữ với vũ khí giết người kéo đến quyết san bằng cái “Ấp Chiến Lược” có tên là Phát Chi. Tôi đã thoát khỏi thành phố trước khi thành phố bị xảy ra những chuyện tang thương.
Tôi yêu nước Pháp. Mỗi năm tôi đều đến nghỉ hè ở miền Nam nước Pháp. Và, mỗi lần đến Paris hay phải đi ngang nước Pháp tôi thường lái xe trên những con đường quốc lộ. Tôi không thích đi đường xa lộ vì tôi muốn nhìn thấy lại thành phố của tôi, thành phố đã thuộc về dĩ vãng. Người Pháp đã khám phá rồi xây dựng lên thành phố tuyệt đẹp và tuyệt thơ mộng cho tôi những năm tháng tuổi hoa niên. Nhưng… Tất cả biến mất.

Người chủ nhà hàng Nhật ở Paris đã giới thiệu tôi món cơm Onigiri. Và, tôi đã ăn thử. Món cơm lạ lần đầu tiên tôi ăn, tôi thành thật khen: “Cám ơn ông đã giới thiệu. Quả thật món cơm Onigiri ngon quá ông ạ”. Ông chủ quán lộ nét mặt thật vui và nói ra điều mà tôi không ngờ: “Vỏ để cuốn bên ngoài nắm cơm Onigiri, thay vì chúng tôi dùng “tảo biển”, chúng tôi đã dùng lá của loại Hoa Anh Đào có tên là Oshima zakura mà chúng tôi nhập từ Nhật. Lá phải được ướp với muối rồi sau đó sẽ cuốn bên ngoài nắm cơm có hình bầu dục và chính giữa nắm cơm có miếng cá hồi tươi”. Có lẽ mặt của tôi lúc nghe ông nói về công dụng của lá cây hoa mà gia đình tôi từng có; nhìn thấy ngố lắm. Tôi thật không ngờ về sự hữu ích của cây hoa mà tôi từng yêu thích nên tôi cứ trố hai con mắt lên nhìn ông. Ngày trước gia đình tôi không hề biết công dụng của lá mà chỉ biết thưởng thức mùi thơm của hoa thôi.
Tôi gắp nắm cơm và nhai thật chậm. Mùi thơm thoang thoảng của hoa và mùi cá hồi tươi làm cho tôi cứ muốn ăn hoài.
Tôi chợt nhớ về thành phố dĩ vãng và cái lâu đài nhỏ cùng ba mẹ tôi. Tôi nhớ về những người làm vườn thật thà và hiền hậu. Tất cả đã biến mất. Trái tim tôi đập thật mạnh. Thành phố của tôi đã là dĩ vãng. Rồi đây quê hương tôi cũng sẽ là dĩ vãng chăng?  Rồi đây thủ đô quê hương tôi sẽ bị lá cờ của ngoại bang phất phới tung bay thay cho lá cờ của hiện tại? Cũng như mới ngày nào đây thôi, thủ đô của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa đã bị lá cờ lạ, lá cờ của hận thù, của xảo trá, của độc ác và của kỳ thị Nam Bắc… được cắm lên nóc Dinh Tổng Thống và đã làm cho tôi – làm cho biết bao triệu người miền Nam phải khóc hận.

“Xin hãy cho tôi chết trước khi quê hương tôi là dĩ vãng. Có lẽ… Tất cả rồi sẽ biến mất thật. Nếu như…”.
Nghĩ đến quê hương đang xảy ra những biến động để chuẩn bị hoàn tất cho một hiệp ước mật đã ký, tôi thật sự bị xúc động mạnh. Tôi đã cố giữ cho thật bình tĩnh nhưng người của tôi cứ run lên và nước mắt cứ chực tuôn ra. Tôi nhìn hai nắm cơm Onigiri hình bầu dục còn trên dĩa mà nhớ lại những bữa ăn ngoài trời cùng ba mẹ bên cạnh cây Hoa Anh Đào và, những bữa cơm tối êm ấm hạnh phúc cùng ba mẹ khi thành phố và Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa còn nguyên vẹn trên bản đồ thế giới; đã làm cho hai khóe mắt bị ngấn lệ.
Người chủ nhà hàng tuy đang rất bận rộn nhưng vẫn thỉnh thoảng nhìn về chỗ tôi ngồi và, khi ông thấy tôi cứ nhìn chằm chằm hai nắm cơm mà không ăn, ông bước về phía tôi. Không để cho ông thắc mắc và cũng không muốn ông biết tôi đang bị xúc động, tôi vội vàng lau mắt và nói ngay khi ông vừa đến bên: “Món cơm ngon quá nhưng tôi chưa quen với wasabi. Hơi bị nồng một chút nhưng tôi sẽ quen thôi. Lát nữa ông cho tôi một phần cơm Onigiri đem về nhé”. Người chủ nhà hàng gật đầu và nói cảm ơn rồi quay người đi. Tôi kịp nhìn thấy ông nhếch môi cười. Tôi nghĩ ông không tin là tôi chưa ăn quen wasabi./.

Topa (Hòa Lan)

304Đen – Llttm - VT

 

 

No comments: