Wednesday, August 26, 2020

Áo Mới - Linh Bảo


ÁO MỚI




 

Chiếc áo đầu tiên quý giá nhất trong gia đình tôi là một chiếc “áo Vua ban.” Hồi ấy, ba tôi làm nghề cạo giấy và mẹ tôi buôn bán theo lối tài tử. Bà làm nghề mách mối mua bán đồ cổ. Ngoài ra, bà còn vác máy ảnh đi chụp cho các bà Hoàng, bà Chúa, bà Phi, bà Tần trong cung cấm.

Nghề mách mối đồ cổ là một nghề rất nhàn. Bà chỉ việc diện bảnh, rẽ đường ngôi cho thẳng, bôi dầu dừa bóng loáng và thơm nức lên; chiếc quần cũng được là thẳng và xếp thành nếp, gọi là “xếp con”, năm con, bảy con gì đấy cho ra vẻ quý phái. Ăn mặc tề chỉnh như thế, bà chỉ việc đến nhà các mệnh phụ, công nương, ngồi lê đôi mách một vài buổi. Thế là “mệ” nào muốn bán cái gì, cụ nào muốn mua cái gì, mẹ tôi biết rõ cả. Bà chỉ việc vắt vẻo ngồi lên chiếc xe tay nhà, chạy đi chạy lại một vài lần, là kẻ mua người bán đều vui vẻ.

Nghề chụp ảnh mấy chục năm về trước còn là một nghề rất mới mẻ, nhất là đối với các mệ, các bà Phi, Tần không thể ra ngoài phố tự do như người thường. Mẹ tôi: được các bà hoan nghênh vô cùng. Phải, còn gì sung sướng hơn một bà Phi, suốt mấy năm trời chàng hề được trông thấy “mặt Rồng” của ông chồng Vua, bỗng dưng có một tấm ảnh mình ngồi chễm chệ trên một chiếc ghế bành chạm trổ tinh vi, còn “Hoàng đế” thì đứng bên cạnh, quàng tay qua lưng ghế, như ôm một cách âu yếm. Mẹ tôi rất tài về khoa ghép ảnh và tính giá rất đắt. Nhưng, tiền có nghĩa gì đối với những cung phi suốt đời từ lúc tiến cung cho đến già, đến chết, vẫn còn là trinh nữ! Tấm ảnh an ủi họ và thỏa mãn một phần nào cái lòng tham hư vinh đã được nuôi dưỡng từ lúc bé thơ.

Trong số các khách hàng của mẹ tôi, có một bà mẹ Vua. Vua thì còn bé, đang đi học xa. Bà ở nhà, sống một cuộc đời vương giả. Suốt ngày, bà chỉ biết bài bạc với những người đến “bẩm chảu” (nịnh). Bà đã phá kỷ lục về nợ nần, và bà chỉ có vay mà không có trả. Bà cho là mọi người ai cũng có bổn phận phải cung phụng bà, đưa tiền cho bà tiêu xài. Nhưng bà không bao giờ quên an ủi họ, khéo léo nói úp mở cho họ biết, ngày “Hoàng đế hồi loan,” bà sẽ đền ơn trả nghĩa. Không biết mẹ tôi có bị bà cho vào tròng không, và nếu có, thì chúng tôi, những ranh con, cũng không có quyền can thiệp.

Tôi còn nhớ, bốn chị em tôi có bốn cây kiềng vàng; và bốn cây kiềng ấy có một con đường đi bất di bất dịch; từ nhà tôi đến nhà bà Bộ, một bà nhà giàu chuyên cầm vàng bạc. Chúng nó đi “lữ hành” như thế, ít nhất mỗi tháng độ mươi lần. Mỗi khi mẹ tôi xoay được món tiền, chuộc về nằm trong tủ chưa được nóng chỗ, thì lại có lệnh “Ngài ban vay.” Và như thế, bốn chiếc kiềng bé bỏng của chúng tôi lại lên đường đến nhà bà Bộ tạm trú. Bốn chiếc kiềng vàng đi một con đường vòng độc nhất, còn số tiền cầm thì đi một con đường độc đạo, và là một con đường cụt. Nó từ túi bà Bộ sang túi mẹ tôi, rồi nhảy sang túi “Ngài” để rồi bị thủ tiêu mất tang mất tích không còn một chút dấu vết gì để lại với đời.

Đã thế, thỉnh thoảng “Ngài” lại “ngự” đến “tệ xá” của chúng tôi ở ngoại ô, mặc dầu “tệ xá” quả thực là quá tệ. Nó chỉ là một gian nhà tranh bé nhỏ nằm lọt vào một bãi tha ma to lớn, cách xa thành phố đúng ba cây số.

Ba mẹ tôi sở dĩ chọn nơi xa xôi như thế để xây “biệt thự”, vì theo lời bác sĩ khuyên, ba tôi yếu phổi nên cần phải thở không khí có gió thông trong lành. Ấy thế mà trong “tệ xá” có rầt nhiều đồ cổ quý giá. Những món ấy toàn là của các công nương, mệnh phụ gửi, nhờ cầm bán hộ. Giấy rách phải giữ lấy lề: dù mai không còn gạo để nấu cháo loáng, họ cũng vẫn giữ bí mật, không bao giờ dám ra mặt tự cầm bán lấy đồ vật. Nhưng họ vẫn còn làm điệu như thường:

– Đưa đây cho mệ hai xu, mệ “chém” một củ khoai chơi mà!

Tuy cảnh túng của họ đã trầm trọng đến thế, mà bệnh “khẩu khí” vẫn không hề thuyên giảm tí nào, và họ thấy cuộc sống vẫn không bớt phần hấp dẫn, thú vị.

Đường đến nhà tôi, hai bên trồng toàn thông xanh và phải trải qua hai cái dốc. Thỉnh thoảng, người ta lại thấy từ dưới dốc đằng xa có một chiếc xe tay sơn son thếp vàng, một chú lính mặc áo đỏ, chân quấn xà cạp vàng, đầu đội nón chóp, ì ạch kéo xe lên dốc. Sau xe có hai cô bé con độ mười bốn mười lăm tuổi, mặc áo màu hỏa hoàng, đầu chịt khăn đồng màu, tóc xõa ngang vai. Một cô tay cầm chiếc hộp trầu và cái ống nhổ bằng bạc; một cô tay cầm chiếc quạt lông, lẽo đẽo chạy theo sau xe. Thỉnh thoảng, cô bé cầm quạt cố chạy lên ngang hàng với chiếc xe, giơ chiếc quạt lông lên, phẩy nhẹ một cái vào trong xe, rồi lại tụt dần xuống đằng sau. Ấy thế mà bọn họ từ cung cấm ra ngoài thành, ngót bốn năm cây số để đến “tệ xá” đấy.

Sau khi đến nơi, “Ngài” chễm chệ leo lên chiếc sập cẩn xà cừ đặt ngay chính giữa nhà, hai thể nữ đứng hầu hai bên, kẻ pha trà, người quạt hầu. Ngài lần lượt ngắm nghía, thưởng thức các đồ vật trong “tệ xá”, và cố nhiên khi “Ngài” rời gót ngọc, những món đồ cổ ấy cũng được mang theo “Ngài” ngự, lên chiếc xe nhà sơn son thếp vàng có hai thể nữ chạy theo hầu ấy.

Trước khi bước chân lên xe, thế nào “Ngài” cũng “ban truyền”:

– Chị Tham tính tất cả tiền những cái ché và độc bình này đi. Cả cái táo lung cây vàng lá ngọc kia nữa, rồi ta sẽ trả tiền lại cho. Còn cái sập cẩn này, chị cho ta mượn, mai ta cho thị vệ ra chở.

Mẹ tôi chỉ biết “Dạ” mà nuốt lệ. Bởi vì mẹ tôi biết, đồ vật cũng như người, khi đã được “tiến cung” thì chỉ còn đợi chết! Mặc dầu được sủng ái, số phận của đồ vật còn đen tối hơn các cung phi mỹ nữ bị lãnh đạm. Các cung nhân, khi đã về già thì được thải hồi nguyên quán, còn những món đồ cổ, càng già càng quí thêm, càng không mong gì được trả về với cố chủ.

Cứ mỗi khi như thế, ba tôi lại lẩm bẩm:

– “Thấy Vua” rõ thật là “thua vấy”!

Cuộc đời cứ thế trôi qua. Ba tôi ngày ngày đi cạo giấy. Mẹ tôi bán đồ cổ và ghép ảnh cho các bà. Tiền kiếm được, dùng để nuôi chúng tôi một số rất nhỏ, còn hầu hết để nuôi “Ngài”.

Một hôm, chắc lương tâm “Ngài” thức dậy – hay là “Ngài” sợ nợ mẹ tôi nhiều quá, không trả bớt, đến kiếp sau sẽ thành ra “nợ thiên khối” như trong kinh Phật dạy –  “Ngài” bèn long trọng “tuyên dương công trạng” mẹ tôi một hồi, rồi “thân tặng” cho mẹ tôi một chiếc ao cũ của ông Vua con.

Đấy là một chiếc áo the đen, bên trong lót một lớp hàng mỏng màu vàng. Chiếc áo còn thơm nức mùi xạ hương và long não ướp lâu ngày.

Mẹ tôi đem chiếc áo ấy về, vênh vang như một kẻ “áo gấm về làng.” Sự sung sướng của mẹ tôi, được cái áo vua ban ấy, cũng giống như tâm trạng người cung phi trinh nữ, được tấm ảnh ghép ngồi chung với Đức Vua. Cả hai cùng muốn mang một cái hão huyền ra để thỏa mãn lòng tự ái, lừa mình, lừa người cho đỡ cơn ghiền!

Chiếc áo ấy về phần chị cả tôi. Mỗi năm vài lần, trong những ngày kỵ giỗ, lễ Tết, cái “áo Vua ban” ấy được “trân trọng” trình bày trên thân hình bé nhỏ của chị tôi một vài giờ, rồi lại được trân trọng xếp vào rương chờ dịp khác.

Năm tháng qua; chị tôi mới đầu mặc chiếc áo còn rộng thùng thình, rồi chật dần, ngắn dần cho đến khi không mặc vừa nữa, phải cho chị Hai tôi thay thế.

Từ chị Cả cho đến chị Hai, chị Ba, anh Tư, anh Năm, rồi đến chị Sáu, chiếc áo cứ được đem ra hóng gió mỗi năm một vài lần, cho đến lượt tôi được xỏ tay. Hôm Tết, mẹ tôi mang chiếc áo lịch sử quý giá ấy ra để mặc cho tôi và bảo: “Hoa ơi, cái áo này bây giờ về phần con” thì nó đã mục nát và chỉ động đến là rã tan ra từng mảnh.

Cũng năm ấy, ông Vua nhỏ ngự giá hồi loan. Và từ lúc ấy, “Ngài” ra lệnh không tiếp tất cả các chủ nợ của Ngài. Bây giờ, “Ngài” đã thành ra một bậc cao sang nhất, không thể có chủ nợ, và lại càng không muốn trông thấy người nào hiểu được hoàn cảnh của “Ngài” lúc còn hàn vi; thật là chí lý, chí tình vậy! Còn gì khó chịu hơn một kẻ ở địa vị cao sang, ngày ngày phải trông thấy đám chủ nợ mình ngày xưa, đám người mình từng năn nỉ khóc lóc kêu túng thiếu, người phải cầm bán vay mượn cho mình tiêu xài. Đó là một sự nhục nhã, một uy hiếp tinh thần, có thể làm mất bớt uy nghiêm nhiều lắm.

Tết năm ấy, tôi không có áo mặc, nên tôi khóc mùi khóc mẫn cả một buổi sáng. Tôi chỉ tưởng là mình khóc vì khi chiếc áo đẹp đến phần mình thì đã rách nát, nhưng thật ra, tôi đã khóc cho cái ảo ảnh “ân trả nghĩa đền” của mẹ tôi bị tan vỡ. Tôi khóc cho cái chết của chiếc áo, đổi bằng tất cả của cải mẹ tôi dành dụm được. Tôi khóc cho nền móng tương lai của môt đám trẻ thơ, đáng lẽ được dùng của cải ấy để bồi đắp cho thể chất và tinh thần.

Nhưng sau đó, gia đình tôi ngày một khá. Lần đầu tiên, chúng tôi được ăn một thứ thịt, nghe nói gọi là thịt bò. Bữa cơm hôm ấy, ba tôi mất mười lăm phút để giảng giải cho chúng tôi nghe, bò là một con vật để cho loài người ăn thịt.

Một hôm, không hiểu tại sao, mẹ tôi bỗng nhiên “phát từ bi tâm” may cho chị Sáu, tôi, em Tám và em Chín, mỗi người một cái áo xa-tanh màu phấn hồng. Xấp hàng này, có người tặng cho mẹ tôi trong dịp ăn đầy tháng em thứ mười một. Chúng tôi mừng rỡ trông đợi một ngày trọng đại, ngày được mặc chiếc áo hồng lộng lẫy, sặc sỡ, bóng loáng, mát rời rợi và rộng thùng thình như áo tế ấy, thì bỗng dưng ông nội tôi chết. Tôi thấy ba mẹ tôi khóc, anh chị tôi khóc, tôi cũng khóc. Nhưng thực ra, tôi không nhớ đã được thấy mặt ông nội tôi hồi nào. Tôi khóc là khóc cho bốn chiếc áo xa-tanh hồng tươi rực rỡ, chưa từng được diện qua một lần, vì phải để tang, đã bị mẹ tôi ngâm vào nước thuốc nhuộm răng. Chúng nó biến thành một màu kỳ lạ, không vàng, không lục, không xanh. Màu ấy, ba tôi gọi là “dưa cải úa mùa thu.” Nếu bây giờ bảo tôi đặt tên lại, thì tôi sẽ gọi là một bức tranh lập thể may thành áo. Từng vệt, từng đám, ngang dọc ngổn ngang, chồng chất lên nhau, níu kéo nhau, chằng chịt. Cái áo nhuộm như thế đấy, mà chúng tôi vẫn phải khen cho mẹ tôi bằng lòng. Bởi vì, đã có định luật rằng “thượng cấp” thì phải được “tỏ vẻ hài lòng”; còn “hạ cấp” thì chỉ độc có một việc là “nhiệt liệt hoan hô,” dù có thích hay không!

Chúng tôi phải chịu đựng cái xấu xí của áo, và áo cũng phải cố chịu đựng sự tàn nhẫn vùi dập của chúng tôi. Chúng tôi mặc nó nằm lăn dưới đất, mặc suốt ngày đêm, vò nát nó, ném nó từ góc này sang góc khác. Đôi khi còn cắn nát chéo áo để xem cái mùi chua chua của nó, phải thật chỉ chua, hay còn lẫn mùi gì nữa không.

Thật ra, số phận của những chiếc áo ấy cũng đáng thương như chúng tôi, cũng giống như chúng tôi. Tâm hồn chúng tôi sớm đã bị nhuộm thành một màu “dưa cải úa mùa thu,” hay cũng chỉ là một bức tranh lập thể của những niềm đau khổ bé thơ, đã ai hơn gì ai đâu! Thế mà chúng tôi nỡ dằn vặt chúng nó cho đến khi rách nát, và cùng lúc ấy, tang ông nội tôi cũng vừa mãn.

Một bà bạn gái của mẹ tôi ở Saigon gởi tặng mẹ tôi một xấp hàng xa-tanh hồng khác. Mẹ tôi chê sặc sỡ chướng mắt, nên may cho bốn chúng tôi. Bốn chiếc “áo tế” vừa dài vừa rộng, may xong được cất kỹ, đợi “ngày lành tháng tốt” mới được đem ra diện. Thỉnh thoảng, tôi lén mở rương vuốt ve cái áo một lúc. Tôi nâng nó lên, áp cái chất mịn màng mát rời rợi lên cằm, lên má. Tôi ướm nó vào người, hít cái mùi thơm long não và mùi xạ hương từ trong áo toát ra một cách say sưa. Cái “ngày lành tháng tốt” ấy không bao giờ đến, vì bỗng nhiên chú tôi mất. Kể ra, thì đó là một cái tang nhỏ thôi, nhưng mẹ tôi bắt chúng tôi để tang. Và một lần nữa, chúng tôi khóc cho chiếc áo đẹp lại phải nhuộm thành một cái màu lem luốc không tên!

Ba tôi lúc ấy đã bắt đầu rảo bước trên con đường rải toàn thẻ ngà, nôm na gọi là làm quan. Mẹ tôi không còn phải đi bán đồ cổ và cũng không cần chụp ảnh cho ai nữa.

Chúng tôi, mỗi người được sắm một con heo để dành tiền. Nhưng, những con heo ấy, hàng năm đều phải bị đập ra, vì mẹ tôi mở cuộc “lạc quyên” để may áo quần cho bọn con trai tựu trường.

Cảm thông những nỗi khó khăn của các anh khi túng thiếu, chúng tôi lúc nào cũng vui lòng “quyên”. Mẹ tôi bảo đấy cũng là làm việc nghĩa, chẳng mất đi đâu mà thiệt, vì rồi đây, khi các anh mặc ngắn, những chiếc áo ấy cũng sẽ đến phần chúng tôi.

Khi chiếc áo xa-tanh nhuộm mực lem luốc thứ hai “quá cố” rồi, thì chúng tôi đã thành những cô gái dậy thì. Chúng tôi đã biết thẹn, nhưng khi ra đường vẫn cứ phải mặc những chiếc áo vải dù, vải ba-ga con trai đã bạc màu và rộng mênh mông như cả một trời đau khổ. Chúng tôi cố năn nỉ xin may một cái áo mới cho ra hồn. Mẹ tôi bảo:

– Áo các anh mặc ngắn thiếu gì! Còn tốt và bền lắm; may một lần tốn kém lắm, chứ tưởng rẻ sao! Ngày xưa, suốt đời mẹ chỉ có một chiếc áo vải. Còn các con đã có bao nhiêu cái áo đẹp rồi, nhớ không? “Áo Vua ban” này, áo xa-tanh nhuộm màu dưa cải này…

Tôi nhắc:

– “Dưa cải úa mùa thu” chứ!

– Ừ thì thu, đông gì cũng được. Lại còn cái áo xa-tanh nhuộm màu mực này…

Tôi cải chính:

– Màu lem luốc chứ.

– Con Hoa thật nhiều chuyện! Mới may rồi, còn đòi gì nữa!

Em Tám nói:

– Dạ, mới may bốn năm về trước!

Mẹ tôi mắng:

– Chúng mày rắc rối lắm, không biết hà tiện hà tặn, sau hết phước đi! Phải nhớ, hồi xưa mẹ chỉ có một cái áo, nên mới có ngày nay!

Em Chín tiếp:

– Nhưng mà mẹ quên là mẹ con ông Huyện, và mồ côi; còn chúng con là con ông Tổng đốc đương thời!

– Ai dạy cho mày ăn nói giảm phước thế?

– Mẹ không thương chúng con. Mẹ chỉ thương chị Hồng. Mẹ nhớ chị Hồng mất ăn mất ngủ. Mỗi khi chị Hồng tới xin tiền là mẹ bổ ống của chúng con…

Mẹ tôi vội vã:

– Thôi thôi, để tôi may, cô không cần phải kể con cà, con kê…

Mẹ sợ chúng tôi phân bì với chị Hồng lắm. Mỗi tháng chị đến thăm mẹ tôi một lần, và mỗi lần như thế là cả nhà náo loạn cả lên. Nội một việc hầu hạ phục dịch chị cũng đủ cả nhà mệt phờ ra. Chị ăn tiêu rất rộng rãi, thưởng tiền cho người nhà không hề tiếc. Đối với chúng tôi, chị cũng “thết đãi” linh đình. Nghĩa là gọi cả một gánh bánh bèo hay bún bò vào nhà, thết mỗi người một tô. Chỉ có một cái “di hận” là chị chuyên môn bổ ống của chúng tôi. Ba mẹ cho chúng tôi một ống tiền đặc biệt, nói là dành làm của hồi môn. Nhưng từ khi chị Hồng phát giác câu chuyện ấy, thì chị rủ mẹ cho chúng tôi hùn vào tiệm may của chị. Mỗi tháng, chị đến bổ ống của chúng tôi một lần. Mãi cho đến khi chị bán cửa tiệm đi lấy chồng, chúng tôi chẳng hề thấy chị thanh toán, làm tôi cứ tưởng là cửa tiệm của chị ở nhầm hướng “tán tài” nên suốt bao nhiêu năm trời chỉ chuyên môn lỗ. Và cái tính không bao giờ thanh toán ấy, chị vẫn giữ mãi không bao giờ thanh toán.

Mẹ tôi quả nhiên giữ lời hứa, lấy một xấp hàng “xá xị” màu vàng nhạt để tận đáy rương ra, may cho chúng tôi. Bà gọi người lính ở trong dinh biết may cắt và căn dặn:

– May cho thật dài rộng mát mẻ nghe không!

Vì chúng tôi đã lớn, rất sợ những chiếc áo rộng mênh mông, mặc vào như bơi đứng trong áo, nên nghe thế, phải dặn với:

– Ừ, may cho dài…

Và đứng sau lưng mẹ, lấy tay ra hiệu may chật.

Đến lúc áo may xong, mặc thử, thật là dở cười dở khóc. Nó dài phết gót và chật như bó chả. Chật đến nỗi tay không co lại được. Người tôi cứ cứng ra như khúc gỗ không cử động gì được trong chiếc áo đó. Chỉ mấy tháng, chiếc áo mới đã phải vá cùi tay và tiếp thêm nách. Những dù vá víu xấu xí đến đâu, tôi cũng mặc đi nhiều nơi, nó vẫn còn hơn chiếc áo vải ba-ga đen cũ bạc màu của bọn con trai để lại.

Kế vị chiếc áo đấu tranh mà có này, là một cái áo vải “cạt”. Gặp lúc chiến tranh, mọi vật đều phải phối cấp, hàng vải cũng thế. Và chúng tôi được may một cái áo thứ vải “cạt” phối cấp xanh đỏ sặc sỡ lòe loẹt, nhà quê một cách không thể tả được. Mặc nó vào, người ta cứ tưởng là một tấm vải màn, hay cái ghế nằm sofa biết đi. Thế nhưng tôi vẫn phớt như không. Coi như trên đời này không còn ai nữa!

Từ đấy về sau, mẹ tôi chẳng cần phải may áo mới cho chúng tôi nữa, vì chị Hồng thỉnh thoảng lại gởi về một ít quần áo cũ cho chúng tôi tiếp thu. Trong số quần áo cũ ấy, có hai cái còn mới nhất. Chị Sáu chọn cái áo màu đỏ; tôi mặc vừa cái ao màu xanh. Hai chị em, mỗi khi đi phố, đi chợ, đều diện hai cái áo đẹp nhất của mình, kệ cho thiên hạ, bạn bè chỉ trích. Nào là màu sắc chửi nhau; nào là “người trong tranh”; nào là bất chấp thời tiết v.v… Chúng tôi giữ vững lập trường “mục trung vô nhân” và cũng không cần biết đến cả Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Kể từ ngày mẹ giao tiền chợ cho chị Sáu giữ, chị không còn khổ tâm về áo quần nữa. Chị tự sắm cho chị rất nhiều áo quần đẹp, nhưng lại cứ nói dối là của bạn bè, bà con ở xa gởi về cho, thành ra mẹ không rầy được, mà chúng tôi cũng không thể phân bì được. Tôi trông mong chị cao lớn thêm lên, hay béo ra một chút, để rơi rớt cho tôi vài cái. Nhưng rủi quá, người chị bé nhỏ, lùn thấp hơn tôi nhiều, và lòng dạ chị lại sắt đá nữa, nên tôi không hề gạ gẫm gì được cả.

***

Tôi biết rõ tính mẹ tôi, có tiền chỉ để cho người khác tiêu dùng một cách phí phạm, còn mình và con cái phải hết sức kham khổ. Có lẽ mẹ tôi cũng chẳng có cái áo nào ra hồn. Sau này, lúc tôi bị ném ra ngoài đời, tranh đấu cho cuộc sống của mình, tôi cố dành dụm ít tiền. Mỗi lần cuối năm, tôi mua gửi cho mẹ tôi mười cái áo gấm Thượng Hải. Tôi nghĩ rằng trong mười áo ấy, bà sẽ cho, tặng, bán hay gì đi nữa, nhiều lắm là chín cái thôi. Ít nhất cũng phải để lại một cái tự may cho mình. Và như thế là tôi thỏa mãn rồi. Ngày mẹ tôi bị bệnh trầm trọng, tôi ở xa về, cũng không quên mang theo mười áo gấm nữa cho mẹ tôi. Lúc mẹ tôi mất, tôi soát lại tủ áo để tìm đồ liệm theo, thì thấy chẳng có một chiếc áo nào may bằng thứ gấm Thượng Hải tôi đã gởi về biếu mẹ.

***

Một người bạn trẻ nói với tôi:

– Chị Hoa, cuộc đời chị thế là hết rồi! Không còn hy vọng gì nữa hết! Không còn tương lai gì nữa hết! Không còn mơ gì được nữa hết!

Hừ, láo đến thế thì thôi! Hắn biết tôi thất bại về hôn nhân; tôi về nước vì mẹ, mà đến nơi thì mẹ mất; đúng là một sự thất vọng lớn lao. Nhưng đâu đã đến nỗi không còn gì để mơ!

Sau khi chôn mẹ bên cạnh mộ cha xong, tôi trở lại Hương Cảng làm việc. Và từ bấy giờ, dù có thừa tiền để sắm nhiều quần áo đẹp, tôi cũng không còn thấy hứng thú gì nữa, không làm sao còn cái cảm giác say mê nồng nàn như khi len lén mở rương vuốt ve cái áo xa-tanh hồng đầu tiên, thuở mười hai.

Tôi còn nhớ, sau ngày ông nội tôi mất, ba tôi thường hay nhắc đi nhắc lại mãi với chúng tôi:

– Khi con cái còn nhớ dai, chúng nó chưa đủ hiểu nên hay oan trách cha mẹ cấm đoán điều này điều nọ. Lúc lớn lên, có gia đình, sinh con rồi mới hiểu lòng cha mẹ; lúc ấy muốn báo ân cho kẻ sinh dưỡng mình, thì cha mẹ đã không còn ở trên đời nữa!

Ba tôi mỗi lần nói thế, bao giờ cũng không dằn được hai giọt nước mắt rưng rưng.

Còn tôi, sau này mỗi lúc đi phố, nhìn những hàng gấm màu sắc u nhã, dệt hoa Long, Phụng hay chữ Phúc, chữ Thọ rất đẹp, tôi lại như người lên cơn say, cố mua cho bằng được. Nhưng sau khi mua rồi, mới ngẩn người ra, chợt nhớ mẹ còn đâu, mua áo gấm để gởi cho ai!

 

Linh Bảo

Nhà văn Linh Bảo tên thật Võ thị Diệu Viên, sinh 14 tháng 4, 1926 trong một gia đình quan lại triều đình Huế: Cha, Võ Chuẩn, nguyên Tổng đốc Quảng Nam; Mẹ, gốc hoàng tộc, Tôn Nữ Thị Lịch.

Năm 1951, Linh Bảo lập gia đình với một người Hoa mang quốc tịch Anh, và trở thành công dân Anh do cuộc hôn nhân này. Đến 1954 bà được tuyển làm nhân viên của Toà Lãnh sự Việt Nam tại Hương Cảng. Năm 1957 bà trở về nước, và chỉ sau 2 năm, 1959 Linh Bảo lại chọn một cuộc sống xa quê nhà.

Linh Bảo dạy Việt ngữ trường Sinh ngữ Quân đội, Monterey, California, Hoa Kỳ từ năm 1962 cho đến cuối năm 1976. Hiện bà cư ngụ tại thành phố Westminster. Bà được trao giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc VNCH năm 1961 với truyện dài Tầu Ngựa Cũ.

TÁC PHẨM:

•         Gió Bấc (truyện dài, Phượng Giang 1953)

•         Chiếc Áo Nhung Lam (sách Hồng, Đời Nay 1953)

•         Tầu Ngựa Cũ (tập truyện ngắn, Đời Nay 1961)

•         Những Đêm Mưa (truyện dài, Đời Nay 1961)

•         Con Chồn Tinh Quái (truyện nhi đồng, Ngày Mới 1967)

•         Những Cánh Diều (tập truyện ngắn, Trí Đăng 1971)

•         Mây Tần (tuyển tập đoản văn, Việt Nam Hải ngoại 1981)

Kính mời quý độc giả đọc lại truyện ngắn “Áo Mới” của nhà văn Linh Bảo. Truyện ngắn này với bản dịch tiếng Anh của bà Thanh Long, cùng với truyện ngắn “Người Quân Tử” đã được đưa đi dự thi ở Luân Đôn, Anh quốc vào năm 1961. Kết quả cả hai truyện cùng được tuyển chọn là một trong 26 truyện ngắn hay nhất thế giới.

 


304Đen – Llttm - dsc

 

No comments: