Monday, August 17, 2020

Ngậm Ngùi Sài Gòn - Khải Triều


NGẬM NGÙI SÀI-GÒN
 
 
 

Trước khi viết bài này, tôi chạnh lòng nghĩ đến những người thân thích, những bạn hữu chí thân chí tình, những người đã có những thời kỳ sinh hoạt báo chí với tôi tại Sai-Gòn; tôi cũng nghĩ đến những người đã sống tại Sài-Gòn nhiều năm, lập nghiệp tại đây v.v…Tất cả, vì thời thế, đều đang sống tại nước ngoài. Tôi tự hỏi, trong số những người này, có ai nghĩ gì không, khi biết rằng những bàn tay bạo tàn của những kẻ cai trị đất nước này, đang dày xéo lên mảnh đất ngay trung tâm Sài-Gòn, trước cửa Nhà Hát Thành phố, một thời là Trụ sở Quốc hội VNCH, để xây dựng một nhà ga metro, một thương xá Tax với hơn 30 tầng có một tháp thông gió cho ga tàu điện ngầm ngay trong khuôn viên thương xá này. Những cây cao trăm tuổi tại khu vực đường Nguyễn Huệ – Lê Lợi cũng vừa bị đốn ngã. Công trường ngổn ngang, những gia đình tại khu vực bị ảnh hưởng rất nặng trong sinh hoạt và buôn bán. Tất cả phải chấp nhận cho sự phát triển của thành phố! Khu trung tâm có ba nhà ga ngầm: Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son. Ý kiến của ông Nguyễn Văn Tất, nguyên Kiến trúc sư trưởng Tp.HCM là : “Hãy đón nhận sự kiện trên như vốn là mâu thuẫn bản chất của sự phát triển. Tuy nhiên cái không đáng có là sự bất an của nhiều người, nhiều giới cùng có tình cảm và trách nhiệm về sự phát triển và bảo vệ giá trị tốt đẹp của thành phố này…” (Báo Tuổi Trẻ, số ra Chủ nhật ngày 12-10-2014, tr.6 cột 2).

Điều “bất an” của nhiều người trong những dự án phát triển, chẳng những tại thành phố này, mà hầu như ở khắp các địa phương trong nước, người dân đều cảm thấy bị đặt ở cái đã rồi. Hơn nữa, tính cách phát triển phải nói là quá thô bạo. Nghĩa là, cái “hồn”, cái “vía” của những vật thể bị thay thế, bị coi như một loại rác rưởi. Cụ thể như những viên đá xanh ở các vỉa hè thành phố Sài-Gòn bị thay thế từ những năm trước đây, mà chính ông Nguyễn Văn Tất đã có lần nói tới :

“Bao nhiêu tiền bỏ ra làm bêtông bó vỉa hè đường, mới một hai năm đã lở lói xác xơ, làm sao sánh với những viên đá xanh trăm năm tuổi, mà đành đoạn vứt đi khá nhiều. Vẫn chưa có một quy chế sử dụng vỉa hè cho ra hồn đô thị, những cấm đoán kiểu bắt cóc bỏ đĩa khiến mỗi lần xe công an tới là chạy táo tác, làm sao có đô thị yên lành. Vỉa hè là kinh tế thật, tiền thật. Những gánh xôi, gánh bắp vỉa hè của những người mẹ, người chị đã nuôi biết bao người trở thành tiến sĩ, kỹ sư. Nhưng một vài con đường làm ăn bây giờ được chính giới xã hội đen kiểm soát…Cứ hào hứng với nhà cao tầng đi, nhưng hãy nhớ những ngôi nhà cũ hai tầng vẫn hái ra tiền ở quận 5, làm nên nét lãng mạn hương xưa…Rồi những con hẻm ngoằn ngoèo, những quán cà phê nổi tiếng, một góc chợ trời, một phố trái cây…Chỉ khi nào cảm hết những mạch đời quý giá trong lòng cái vỏ hỗn độn (và lạc hậu!) hàng ngày mới đủ sức ước mơ về một đô thị mới phát triển đậm chất Sài-Gòn. Không có bản sắc nào không bắt đầu từ con người, nhất là kiến trúc sư đô thị.” (ASHUI.com ngày 11-12-2009)

Đối với tôi, sống tại Sài-Gòn đã 60 năm, chỉ có 3 năm ở Ban Mê Thuột, và chắc có nhiều người nữa, khu trung tâm này là một ký ức khó tàn phai. Nào là ngày 26 tháng 10 năm 1955, Việt Nam Cộng Hòa ra đời, Tổng thống tiên khởi của VNCH là ông Ngô Đình Diệm, ra mắt chào mừng quốc dân, sau ngày 23 tháng 10, Trưng cầu dân ý, truất phế Bảo Đại. Nào là ngày 7 tháng 6 năm 1964, ngay tại trung tâm này, gọi là Công trường Lam Sơn, trước Trụ sở Quốc Hội, một cuộc biểu tình lớn hay là cuộc “biểu dương lực lượng” của các thành phần Công giáo Sài-Gòn và vùng phụ cận với khoảng 100.000 người tham dự, với những biểu ngữ đấu tranh như sau:

– Lôi mặt nạ bọn lợi dụng Cách mạng để đàn áp Công giáo

– Mỵ dân là phản bội dân chủ

– Ủng hộ cuộc đấu tranh của Công giáo miền Trung

– Cabot Lodge cút đi

(VietCatholic News ngày 14-4-2009. Trong bài của Lữ Giang)

Phải chăng, vì thế mà, bàn tay của người cộng sản, trong dự án nhà ga metro, có ý đồ xóa bỏ mọi dấu tích cũ, tại đây cũng như tại các dấu tích văn hóa và lịch sử của cả nước, bất chấp sự phản đối của những người hoài cổ. Ngay tại làng quê tôi, thuộc vùng chiêm trũng, Đồng Bằng Sông Hồng, nay không còn nguyên một giải xanh màu lúa nước, chạy dài tít tắp. Vì trên những cánh đồng này, từ khi nhập vào Hà Nội, đã xuất hiện chỗ này chỗ kia, những trang trại nhỏ của gia đình, bỏ lúa để chăn nuôi lợn, gà, vịt v.v…; thanh niên, thiếu nữ rời quê đi xa làm ăn tại các tỉnh thành ở miền Nam, Đà Nẵng, Nha Trang, Biên Hòa v.v…Một số khác trụ lại ở nhà, nhưng vì chỉ còn vài sào ruộng nên cũng tìm một nghề công nghiệp nào đó trong vùng để kiếm sống, sáng đi, chiều tối về. Huyện Phú Xuyên quê tôi sẽ có một Trung tâm Hành chính, trong tổng số 5 Trung tâm hành chính, được gọi là những vệ tinh của Hà Nội. Hai vựa lúa của cả nước là Đồng Bằng Sông Hồng và Đồng Bằng Sông Cửu Long, đất nông nghiệp đang bị thu hẹp dần. Không có một đất nước nào có được hai vựa lúa như Việt Nam, phân chia đều ở hai miền Bắc-Nam như vậy. Như thế là chủ trương thay nền văn hóa nông nghiệp, tồn tại hàng nghìn năm, bằng nền văn hóa công nghiệp, máy móc. Nền văn minh cơ khí sẽ dần biến đổi con tim bằng thịt trở nên con tim bằng máy, cái cơ tâm. Con người Việt Nam nghìn năm sống trong tình nghĩa, hiền hòa, trung hậu là hoa quả của văn hóa nông nghiệp. Nay đang thành những con người bạo lực, vô cảm, dửng dưng trước những nỗi khổ của người khác.

Cộng sản Việt Nam đã sao chép mô hình phát triển của nước nào trên thế giới? Và cộng thêm “cái riêng” của Việt Nam?

Bà Angela Brady, nguyên là chủ tịch Hội đồng kiến trúc Hoàng gia Anh, trong một buổi nói chuyện về kiến trúc bền vững, vào đầu tháng 10-2014, đã cho biết vài ý kiến : Ở phương Tây, ngay cây đường phố cũng được xếp hạng như công trình kiến trúc, có phân cấp ứng xử với chúng, không thể tùy tiện đốn bỏ. Có loại có thể bỏ hoặc thay thế, nhưng có loại phải duy trì với bất cứ giá nào vì chúng cũng thuộc “di sản và ký ức” của thành phố (Bđd)

Ở Việt Nam thì không phải vậy. Bởi Việt Nam “khác”. Việt Nam không phải là Mỹ, không phải là Singapore, không phải là Thái Lan v.v…Việt Nam là Việt Nam. Việt Nam có một lịch sử khác với nước khác. Việt Nam phải “cướp” chính quyền từ phong kiến, phải dùng súng đạn của Liên Xô và Trung Cộng để chiếm đoạt miền Nam. Cho nên, những cái gọi là “di sản” của Phong kiến và tư bản đều phải bị hủy đi. Thay vào đó là các “công trình thế kỷ” do nhà nước cộng sản xây dựng. Tất cả phải mang bộ mặt mới dưới triều đại vô thần man rợ này.

Khải Triều

(Ngày 17-10-2014)

304Đen – Llttm –T.Vấn & Bạn Hữu

 

No comments: