Trần Tuấn Kiệt, mây phiêu du
Tuyệt vời thấm mộng, đêm là đêm xưa
Một buổi tối cuối năm - đâu đó vào năm 1965, 1966 -
trong sân trường Đại Học Văn Khoa, vắng lặng, yên tĩnh ngay giữa những ồn ào
của trung tâm thành phố Saigon đang chờ đón Tết, Trần Tuấn Kiệt vời tay lên
vầng trăng đọc cho tôi nghe hai câu thơ tuyệt vời ấy.
Kiệt đọc xong, đứng im lặng. Tôi đứng im lặng. Hồi
lâu. Bởi vì không còn gì để nói vào lúc đó. Bởi vì không có gì nên nói vào lúc
đó. Những câu thơ ngân vọng mãi đến bây giờ. 40 năm sau.
Tôi quen Trần Tuấn Kiệt một cách tình cờ, khi anh
đến trường Đại Học Văn Khoa tìm Phạm Quốc Bảo. Chúng tôi đi uống café ở góc
đường Gia Long và Nguyễn Trung Trực, trước cổng trường Văn Khoa, rồi thân với
nhau từ đó. Không ngày nào không đi lang thang với nhau, nhiều hôm cả sáng, cả
chiều, cả tối. Trần Tuấn Kiệt thủa ấy có một cái xe velo solex, tôi đi một cái
xe mobylette. Tôi thường chở Kiệt trên cái mobylette đó. Nơi chúng tôi lang
thang là hè phố Saigon, những hành sách cũ, những quán vỉa hè. Cả hai đứa ít
khi nào vào La Pagode ngồi, hình như vì cái phong thái giang hồ của hai đứa ít
hợp với nơi 'bàn cao, cửa kính' ấy. Quán café, quán ăn vỉa hè là nơi hai chàng
'tọa thị' hàng giờ. Ngoài việc làm thơ, Kiệt không làm gì cả. Còn tôi thì đi
học như đi chơi. Đầu năm đến ghi danh rồi mỗi ngày đến trường gửi xe, xong ra
quán café ngồi, cuối năm đi thi. Hai đứa tôi có nhiều thì giờ hơn ai hết, ở
Saigon lúc đó.
Trước đây, khi viết về Nguyễn Đức Sơn, tôi có nói
rằng: '…ở Việt Nam tuy có rất nhiều người làm thơ hay, nhưng chỉ có ba người
thật sự sống cuộc đời thi sĩ, họ và thơ là một, ngoài thơ ra họ không có gì
khác, không còn gì khác, không muốn gì khác, không là gì khác. Sơn là một, hai
người kia là Bùi Giáng và Trần Tuấn Kiệt…’ Quả tình ngoài thơ ra, Kiệt không
làm gì cả, không có gì cả. Hình như khi viết về Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền có
nhắc lại lời Khổng Tử nói về Lão Tử (trong Nam Hoa Kinh) để ví Bùi Giáng như là
một 'con rồng'. Nếu Bùi Giáng như ‘rồng’ thì tôi thấy Trần Tuấn Kiệt như một
'vầng mây trắng', bay lang thang vô định. Vầng mây trắng không làm gì cho trời,
cho đất. Nhưng đất trời sẽ không còn là đất trời nếu thiếu đi những vầng mây
phiêu du khắp chốn ấy.
Một con nai đứng vọng ngàn trong sương
Vách cao đá dựng trăng buồn
Tơi bời tiếng lá, mưa luồng lũng sâu
Gót thầm nai tếch ngàn thâu
Nhân gian nghe cũng vọng sầu bao la
Và hãy đọc thêm vài bài khác:
Vết son mùa để dấu hài đầu tiên
Loi choi bước nhảy chân chim
Gió tan mây tụ đảo điên hồn người
Em còn hái nữa hay thôi
Vết tay chín móng đã mười yêu thương
Phiêu-du trở bến trong vườn
Một giòng nước thẳm bên nguồn em đang…
Vườn chim trái mộng hoa vàng
Nửa đêm trăng cũng huy hoàng bên em
Lệ sầu ai rãi phấn hương mau tàn
Xuân đời nhan sắc truy hoan
Rượu tình tri kỷ trần gian mấy người
Ca thâu đàn hát tan rồi
Mây xuân chở mộng qua trời về đâu
Ta nằm nghe lặng tiếng cồn dâu xanh
Vầng trăng lửa Hạ treo nhành
Vực sâu rêu phủ mấy cành củi khô
Ngàn xưa hoa trắng phiêu du
Nước sa buồn với mùa Thu cách nguồn
Trăm sông buồn cũng xô luôn
Quanh co bến lạ máu xương rụng sầu
Sóng dồi giấc ngủ đêm thâu
Vầng trăng ngọc thạch ửng mầu tồn sinh
Nỗi buồn thiên cổ tiếng đàn nghìn năm
Lệ châu rơi xuống âm thầm
Tương Như Tư Mã cánh bằng đã xa
kiếm khách mài gươm dưới nguyệt tàn
ta về trễ quá muôn năm trước
trống đồn bi ký cõi nhân gian
Tây Thi gái Việt sắc mê hồn
ta say tình sử thương thiên cổ
mấy nếp lâu đài rộn gót son
khua trống chiêng xưa bóng chập chờn
kìa xem trăng mộng thành thiên cổ
hoa lá vin cành điệp dưới thôn
dạo chùa lễ Phật nức hương sen
cho anh gởi chút tình ân ái
về dưới Phật đài vui với Em
Suốt miền ải hạn giữa sa mạc người
Phượng hoàng xuống đậu hai vai
Ngậm hoa quỳ nhớ thiên thai không về
Ngàn năm mây trắng trôi đi
Với hồn xưa động bốn bề không gian
Bến
ngựa
tặng Bùi Ngọc Tuấn
Cỏ cây cũng nhớ thương mình ra hoa
Vầng trăng bến ngựa giang hồ
Bia thành vách mộ lòng ta chợt buồn
tặng Phan Bá Thụy Dương
Núi sông trăng mới bên triều biển xanh
Mươi năm lỡ bước thị thành
Mộng đời ủ lại mái tranh sau vườn
Bao người đánh mất quê hương
Trăm năm hiện hữu ai buồn vì ai!
Tuổi đời mỏng cánh hạc bay
Động lòng thiên cổ gió mây qua đèo
tặng Phương Triều
Cành hoa bụp cũ khóc bên đường
Bến khuya Sa đéc trăng mười sáu
Mấy độ chìm theo sóng lớp lang
Hỡi người con gái bến Tân quy
Nàng hát ta nghe hát những gì?
Tóc xõa bốn trời trăng gió tụ
Mây vờn âm điệu nét phương phi
Hát nữa nàng ơi! não bốn trời
Cành hoa bụp cũ bến kia rơi
Quê hương khúc hát chừng đưa lại
Lớp sóng trường giang lạnh đến trời
Từ thời còn rất trẻ, vào thập niên 1950, Trần Tuấn
Kiệt đã xuất hiện trên ‘Văn Hoá Ngày Nay’ của nhà văn Nhất Linh. Ngay từ bài
thơ đầu tiên trong đời được đăng báo, Kiệt đã được trả tiền nhuận bút, khá hậu
hĩnh. Cái tên Sa Giang Trần Tuấn Kiệt ngay từ buổi đầu đã có chỗ đứng riêng
biệt, vững vàng trong thi đàn Việt Nam.
Tiếng thơ Trần Tuấn Kiệt đầy những âm vọng của thơ
Lý Thương Ẩn và Đỗ Phủ, thêm vào đó là những ngậm ngùi, mênh mang của giòng thơ
lục bát nói về những u sầu của lòng người mà ngàn năm cứ trầm vang những nỗi
niềm của cuộc phù sinh. Ngoại trừ tập ‘Triều Miên Ngâm Khúc’ nói về những đớn
đau của một người cha mất con, nhìn vào cuộc đời đầy sinh ly tử biệt; Những tập
khác như ‘Nai’, ‘Cổng Gió ‘, ‘Thơ Trần Tuấn Kiệt’, ‘Em Còn Hái Trái’, ‘Lời Gởi
Cây Bông Vải’ … là những tiếng lòng u hoài miên viễn trước kiếp người hữu hạn
giữa giòng thời gian bất tận, và của đời người trầm luân trong một thời ‘Xuân
Thu mới’ nhiễu nhương không khác gì thời Xuân Thu trong cổ sử. Trần Tuấn Kiệt
không có những loại thơ tình của những tình nhân bình thường, như ta thường
thấy trong thơ tình của những thi sĩ lừng danh khác. Không có những đắm say
nồng nàn, không có những đáng cay, quằn quại. Chỉ có những mối sầu miên viễn,
sầu tình hòa cùng sầu đời, man mác, ngậm ngùi. Thơ tình của Trần Tuấn Kiệt
không bao giờ có những lời tỏ tình trực tiếp, mà luôn luôn là những ẩn dụ và
mối sầu tình cũng luôn luôn hòa với mối sầu thiên cổ.
Ngôn ngữ Trần Tuấn Kiệt giản dị mà chở đầy những
hình ảnh dù man mác mà thê thiết, trong một nhạc điệu trầm ngân như một tiếng
thở dài. Tình yêu quê hương Việt Nam, yêu tiếng Việt vốn tràn ngập trong thơ
văn Trần Tuấn Kiệt, nhưng ngắn gọn, rõ ràng và quyết liệt nhất là trong quyển
‘Tiếng Đồng Nội’, với vài giòng bố cáo đơn sơ ở đầu sách, đại khái là: cấm dịch
ra bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Nghĩa là phải người đọc phải đọc cuốn tiểu thuyết
này bằng tiếng Việt Nam…
Kiệt viết rất nhiều, thơ, truyện ngắn, truyện dài,
biên khảo (‘Tác Giả, Tác Phẩm’, Thi Ca Việt Nam Hiện Đại’ dày hàng nghìn trang….,
nhưng thơ vẫn là thể loại chính, hàng 5, 7 nghìn bài trong 50 năm qua.
Thủa đó, nơi hai chàng lãng du là những quán vỉa
hè. Ngồi trên những chiếc ghế đẩu thấp sát đất. Uống những ly rượu đế nhỏ. Nhắm
những con khô mực nướng thơm. Kiệt thường nói: 'tao nghèo mà vui'. Nghèo thì
cũng đúng, nhưng vui thì đúng hơn. Tôi cho rằng trên đời này chỉ có một mình
Trần Tuấn Kiệt là không biết buồn, biết lo. Những nỗi buồn, lo của sinh kế, của
đời sống hàng ngày, của mọi người. Kiệt hồn nhiên như một đứa trẻ. Chỉ biết có
thơ và rượu mà thôi.
Một buổi chiều tối, trong lúc đang ngồi uống café ở
bên lề đường Lê Thánh Tôn, Tôi rủ Kiệt đi ăn tối. Kiệt không chịu, nhất định
kéo tôi về nhà ăn cơm. Nhà Kiệt thời đó ở trong một ngõ hẻm nhỏ trên đường Phan
Đình Phùng, gần chợ Vườn Chuối. Căn nhà hẹp hơn một căn phòng của người khác.
Rộng chừng 2 thước, sâu chừng 4, 5 thước. Phòng khách là một cái bàn nhỏ với
hai cái ghế. Phòng ngủ (và cũng là phòng ăn) là một cái giường. Sau một bức
vách ngăn là nhà bếp nhỏ. Trên vách nhà treo đầy tranh của những họa sĩ hàng
đầu thời đó (Nguyễn Trung, Nguyên Khai, Nghiêu Đề…) tặng cho Kiệt. Đó là nơi
hai vợ chồng Kiệt và cháu gái nhỏ sống (Lúc đó cháu Trần Triều Miên - con đầu
của vợ chồng Kiệt đã gặp nạn, qua đời).
Về tới nhà Kiệt bảo vợ: 'anh Tuấn ăn cơm tối với
tui'. Nói rồi, Kiệt kéo tôi xuống bếp khoe gà. Kiệt ham mê gà chọi. Anh có thể
đói, nhưng gà phải no, phải có rượu bóp. Kiệt mở bu, bế gà ra vuốt ve hồi lâu.
Hãnh diện nói với tôi: 'mày thấy con gà này ngon không, đá vô địch'. Tôi biết
gì về gà đá… Cười. Vợ Kiệt dọn cơm lên giường. Một niêu cơm nhỏ, một nồi cá kho
nhỏ. Trong nồi chỉ có một con cá kho, trắng, to bằng 4 ngón tay. Nồi cơm được
chừng 2 bát lớn, 3 bát nhỏ. Vợ Kiệt bế con đi, chừng 5 phút sau chị trở về với
một ca sắt đầy bia. Kiệt với tôi chuyền nhau ca bia, uống. Vợ Kiệt bế con, đứng
nhìn chúng tôi ăn, mặt cười rặng rỡ. Tôi chợt biết rằng mình đang ăn phần cơm
của chị. Lòng đau thắt.
Kiệt làm thơ rất tức cười, gặp tờ giấy nào cũng
viết lên đó, nào là tờ lịch, bì thư, bản vỗ… Viết xong bài thì bỏ vào một cái
sọt tre lớn treo trên vách, kế cái bàn nhỏ tiếp khách. (Sau này nhớ lại, tôi
mới thấy là trong nhà không có tủ, mà chỉ có vài ba cái sọt treo trên tường
đựng đồ dùng. Cái sọt treo ở phòng khách là để đựng thơ). Những tờ báo hỏi xin
bài, thì Kiệt quơ tay vào trong sọt, lấy ra dăm bảy, bài đưa cho họ. Kiệt làm
thơ gần như không sửa đổi bao giờ. Thơ viết ra giấy là xong rồi. Hình như thơ
đẵ nằm trong đầu hàng loạt, hàng mươi bài mỗi lần. Có sửa gì, thì sửa trong
đầu, chứ đã viết ra giấy là xong rồi. Không nghĩ đến nữa. Tuy thế, mỗi bài thơ
là một hoàn chỉnh. Không thể sửa gì nữa. (Cũng giống như cách Bùi Giáng và
Nguyễn Đức Sơn làm thơ). Ba ông này quả thật là kỳ tài.
Trần Tuấn Kiệt là một cao thủ của trường phái Tây
Sơn Nhạn. Có thời anh dạy võ. Một hôm tôi bảo Kiệt chỉ cho một vài ngón để
phòng thân. Kiệt nói: 'mày không học tới nơi mà chỉ biết vài thế, tụi nó đánh
chết'. Nói rồi anh bảo tôi khi sắp đánh nhau thì tay trái chống vào cạnh sườn,
tai phải nắm lại, nhưng ngón trỏ thì thẳng ra chỉ chỉ vào mặt đối phương mà
tiếp tục cãi, rồi bất thình lình cụp ngón trỏ lại, đấm ngay giữa trán đối
phương, trước khi bỏ chạy. Cái cú giả vờ cãi rồi lừa địch thủ mà đấm trước rồi
chạy này tôi chưa có dịp thử, nên không biết hiệu nghiệm ra sao.
Một buổi tối kia. Hai đứa tôi vào hiệu ăn Chung
Nhuận Hy (ở góc đường Công Lý - Lê Thánh Tôn), ngồi ở một bàn ngay bên lề
đường, không gọi món ăn, mà chỉ uống 2 ly café bí-tất, mặc chủ hiệu lườm nguýt.
Kiệt nói chờ lát nữa vào nhà sách Khai Trí lấy tiền nhuận bút. Đến 7 giờ rưỡi,
mà Kiệt vẫn không chịu đi. Nói chờ đến 8 giờ, nhà sách đóng cửa mới gặp ông
Khai Trí. Chúng tôi đến đó lúc Khai Trí đang sửa soạn đóng cửa, đang đếm tiền.
Kiệt hỏi tiền bản quyền cuốn sách. Ông Khai Trí trả cho Kiệt hai ngàn - rẻ mạt.
Chúng tôi đi về, Kiệt chia xấp tiền ra làm hai. Lật bọc yên xe Solex lên dấu
xuống đó một phần, nói là để mang về cho vợ nuôi con. Còn một phần bỏ túi dắt
tôi vào quán nhậu. Ăn nhậu hồi lâu, Kiệt bỏ tôi ngồi đó, đứng dậy đi ra ngoài
chừng mươi phút. Khi trở vàogọi thêm rượu, thêm món ăn. Hai thằng say tuý luý.
Ăn nhậu xong còn rủ đi uống café. Tôi bảo Kiệt đi về đưa tiền cho vợ. Kiệt nói
tỉnh queo: 'hồi nãy tao ra lấy để trả tiền nhậu hết rồi'. Tôi lạnh người, tỉnh
hẳn rượu nhưng càng choáng váng. Viết một quyển sách mất rất nhiều thời giờ,
tim óc, nhà xuất bản trả không được bao nhiêu, vậy mà không mang về cho vợ lấy
được một nửa, dắt bạn đi nhậu hết. Có ai như ông trời này?
Ông Khai Trí còn nắm trọn bản quyền của hơn chục
cuốn tiểu thuyết Kiệt viết, mỗi quyển trả vài ngàn bạc mà chỉ có đôi ba cuốn
được in. Độc giả không bao giờ được đọc những quyển kia. Trong 40 năm nay tôi
vẫn tự hỏi nên khen hay nên trách ông Khai Trí. Ông đã mua rẻ bản quyền cất tủ,
hay ông đã tìm cách giúp nhà văn nghèo?
Để có thêm tiền, Kiệt làm cách khác. Thấy tôi có tí
vốn chữ Hán, còn mình vốn đã giỏi võ, Kiệt bắt tôi chở vào Chợ Lớn, đến những
hàng sách bên đường của người Tàu, tìm mua sách dạy võ. Gặp quyển nào có hình
người khoa chân múa tay cũng cầm lên hỏi tôi 'quyển gì đây?'... Cứ vài ngày
chúng tôi lại mua được đôi ba quyển. Khi thì Thiếu Lâm, khi thì Võ Đang…Chúng
tôi lại về khu trường Văn Khoa cũ, tôi ngồi uống café dịch miệng cho Kiệt nghe,
từng thế đánh, thế đá. Nhiều chữ không rành, vậy mà Kiệt nhờ giỏi võ biết ngay
và hiểu rõ. Sau đó anh dựa trên những quyển sách này mà viết một lô sách dạy
võ. Bán rất chạy. Kiếm được tiền nuôi gia đình.Tôi cười gần chết.
Tôi rất nhớ và mến đời sống giản dị của Kiệt. Giản
dị đến không ngờ, như có lần tôi hỏi Kiệt hồi còn ở Sa Đéc sống ra sao. Kiệt
nói: ‘mỗi ngày tao đặt cái lờ ở ngoài mương bắt cá. Buổi sáng ra gỡ lấy 3 con
cá lớn nhất.Một con tao đổi lấy một lít rượu, một con tao đổi lấy một lít gạo,
nấu cháo, còn con thứ ba tao nướng, rồi ngồi nhậu’ Tôi hỏi tiếp: ‘rồi ngày mai
làm sao?’ Kiệt đáp tỉnh queo: ‘mơi làm dzậy nữa!’.
Đời trôi về mỗi hướng. Sau mấy chục năm tôi vẫn là
kẻ lãng du ở cuối vườn ảo mộng. Kiệt vẫn là vầng mây trắng, phiêu du giữa đất
trời vô định. Đêm nay nhớ lại bạn xưa, lòng dạt dào thương nhớ. Chén rượu đêm
mưa đầu mùa thu ở Minnesota xót xa như nước mắt. Năm xưa có viết 2 bài thơ tặng
Trần Tuấn Kiệt, như sau:
đêm
buồn uống rượu một mình
(gửi Trần Tuấn Kiệt)
chén nâng mời rượu - từng giòng lệ sa
sóng bên này giải ngân hà
thoảng âm tiếng khóc từ bờ bên kia
xuôi giòng tử biệt sinh ly
quê nhà nơi đó mà về được đâu
kể từ dâu biển rời nhau
trăng đêm nay vẫn nguyên mầu cố hương
biết đây là cõi vô thường
mà tâm thể vẫn đoạn trường xiết bao
buồn ơi đầy đọa mãi sao
lòng tươi muối xát - gan bào tái tê
buồn ngồi uống rượu nửa khuya
chén này chưa cạn - chén kia nối tràn
chén sầu dằn vặt tâm can
trăng vàng đêm lạnh lời than não nề
buồn ơi! ta đã làm chi
ta ơi! buồn đã làm gì đời ta
viết gửi Trần Tuấn Kiệt
quạnh hiu bốn cõi - ngậm ngùi tâm tư
nằm im nghe động mái nhà
những năm tháng đã ra ma trở về
rượu không mà tưởng say nhè
tay bưng mặt khóc hỏi quê chốn nào
tang thương tàn cuộc binh đao
cơ trời sao để nghẹn ngào sử xanh
đêm mưa không rượu buồn tênh
đầm đầm lệ đổ - ý tình héo hon
mưa như đêm ở Saigon
trời se se lạnh theo buồn xa xăm
lòng rung theo tiếng mưa thầm
giơ tay vuốt mặt lặng nằm nghe mưa
giọt sa, giọt nhẹ mơ hồ
giọt dài, giọt ngắn, nghe như giọt sầu
một mình không rượu, đêm sâu
năm qua, ngày hết, mái đầu gió sương
quê nhà mù mịt đôi phương
một mình thương tưởng, sao buồn chứa chan
rượu không, mưa ngớt, đêm tàn
nàm im nghe vọng thời gian nặng nề
rượu không mà tưởng say nhè
tay bưng mặt khóc hỏi quê chốn nào
Minnesota, tháng 9, 2006
No comments:
Post a Comment