ĐÔI MẮT
NGƯỜI SƠN TÂY
Bây giờ là cuối tháng 7. Khác
với nhiều năm trước, những ngày này, nhất là ở miền Bắc Pháp, ngồi trong nhà
đưa tay ra ngoài. Là đã chạm Hè. Chạm vào cái nóng khô, gắt. Như 31°C hôm kia.
31°C thì cũng chưa đến nỗi nào. Nhưng cũng đủ làm cho những kẻ dở chịu nóng như
tôi phải e dè, “nội ít xuất”.Bây giờ đang Hè, mùa bãi trường. Nhiều gia đình đã
rời phố, lên non, ra biển. Sau mấy tháng bị cô – lập, hơn lúc nào hết, người ta
cần đi, cần ra ngoài, cần một thay đổi, từ không khí đến không gian. Nhất là
với những gia đình sống trong “appartement”. Khu tôi ở, tuy chỉ có những
ngôi nhà biệt lập nhưng, ngay từ đầu tháng, đã lặng lẽ, im lìm. Không còn tiếng
xe vào ra, cũng không tiếng trẻ reo đùa, trũng nước hồ bơi.
Mùa nào cũng mang đến cho người
ta nỗi buồn của nó: những nỗi buồn không duyên cớ. Riêng tôi, yêu nhất nỗi trưa
Hè. Nỗi nhẹ như trời lên (Hôm nay trời nhẹ lên cao / Xuân Diệu). Nỗi
buồn theo tiếng gáy (Xao xác gà trưa gáy não nùng / Lưu trọng Lư).
“Đang buồn không hiểu vì sao
đang buồn” thì tiếng chim hót bên ngoài kéo tôi ra vườn. Chóa mắt trước những
cành hồng rực sắc, tôi rảo bước về cây “cerisier” tìm một bóng mát cho mình,
cho lòng.
Dưới hàng cây rợp lá. Nhìn lên
phía trời xanh. Chợt thấy lòng rộn rã. Theo đôi mắt treo cành.
Qua màu xanh lá cây, tôi thấy
lại màu xanh lơ đôi mắt của Michèle Morgan, người mà Jean Gabin đã kề tai, thì
thầm câu nổi tiếng “T’as d’beaux yeux, tu sais”!
Trong “lá thư” sau
déconfinement (11/5) tôi viết, ngày đầu, có dịp ra phố, chỉ gặp những cặp mắt
vô hồn! Thế mà chỉ 2 tuần thôi, nhất là khi về miệt biển miền Nam thì, cám ơn
Trời, mọi chuyện đang, lần lượt, trở về “gần” như trước. Hay người ta cố gắng
làm “gần” như trước. Bởi không có chọn lựa nào khác!
Đời sống đang từ từ hồi sinh.
Cùng người!
Và tôi muốn cám ơn Thượng Đế đã
gắn lên con người đôi mắt (những người khiếm thị thì được Trời đền bù bằng một
khả năng khác, một biểu lộ cảm xúc khác). Để khóc, để cười, để lo, để giận… và
để, khi nhìn vào, tôi cũng thấy chính tôi!
Là “cửa sổ của tâm hồn”, đôi
mắt đã được con người mang vào nhiều lãnh vực: văn chương, nghệ thuật (tranh
vẽ, phim ảnh…), bệnh lý, tâm lý… đoán tính, xem người.
Theo một bài viết trên mạng,
màu mắt tùy thuộc vào sự hiện diện của chất “mélanine” (màu nâu sậm). (Mélanine
chỉ có do di truyền).
Có 3 màu chánh: Không có
mélanine = mắt xanh lơ (phần đông người Bắc Âu). Mélanine nhiều = mắt nâu / đen
(80% trên thế giới). Mélanine + lipocrome (màu vàng) = mắt xanh lá cây (2% thế
giới).
Ngoài ra, một vài yếu tố khác
cũng cho ra một số màu: xám, hạt dẻ (noisette) hay đôi mắt “varions”: hai con
mắt, hai màu khác nhau. Mắt vàng thì lại khác. Đó là mắt của người yếu gan
(chưa hẳn là nhát gan). Cũng như mắt trắng khác với (đám) “trắng con mắt” sau
ngày 30/4!
Ca dao dạy “xem… mắt mà bắt
hình dong”. Mắt lá răm: đáng trăm quan tiền. Mắt lươn: trai thì
trộm cắp, gái buôn chồng người! Mắt lá khoai: liếc chồng, chồng chết, liếc
trai, trai mù (?). Mắt phượng mí mỏng, mày cong / Tánh tình vui đẹp giữ lòng
thủy chung. Mắt lờ đờ, tuổi thọ khó cao…
Quan trọng như thế nên các Cụ
ngày xưa kiếm dâu thì phải đi “coi mắt” trước, để xem “bầy trẻ có
hợp… nhãn không”. Mặc dầu, theo tôi, cái… miệng, cái tiếng (nhỏ nhẹ, khàn
khàn, trong trẻo, the thé…) mới là cái phải “xem” nhất. Ngọt ngào, cằn nhằn, êm
ái, xỉa xói, vâng dạ, mắng mỏ (?!)… cũng đều từ đó mà ra!
Mà không chỉ trong việc cưới
hỏi. Đi phỏng vấn xin việc mà cứ cúi gầm hay nhìn chỗ khác, lúc trả lời thì “đi
không, bảo đảm trở về không”.
Trên khuôn mặt, đôi mắt thuộc
về một… “thế giới” riêng. Khác với các cô (?) bạn láng giềng được gộp chung vào
một “tổ”, dưới sự theo dõi, chăm sóc của một bác sĩ chuyên khoa ORL (tai, mũi,
họng) trong khi đôi mắt có một bác sĩ riêng (Nhãn Khoa) cho mình. Không những
thế, chúng còn được giới văn nghệ, văn chương vinh danh nhiều nhất.
Trong tranh vẽ, đôi mắt Mona
Lisa (La Joconde), qua mấy trăm năm vẫn còn thu hút người xem.
Trong âm nhạc, từ “mắt em
màu trùng dương” (Y Vân) đến mắt “xanh xao, bạc tình” (Trịnh công
Sơn), từ Mắt Nhung Đức Huy đến Mắt Biếc Ngô
thụy Miên… Chao ôi là bao nhiêu thứ “mắt”.
Nhưng được ca tụng nhiều nhất,
nói đến nhất, phải là mắt huyền:
•Pham Duy: …Nơi ta đi chó sói
ngủ vùi. Một đàn nai: mắt huyền thơ dại… (Giã Từ Ác Mộng)
•Văn Cao: …Chiều năm xưa gót
hài khai hoa, mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương (Cung Đàn Hoa)
•Tô Vũ: Em đến thăm anh người
em gái. Tà áo hương nồng. Mắt huyền trìu mến, sưởi ấm lòng anh (Em Đến
Thăm Anh Một Chiều Mưa)
•Hoàng Dương: Hà Nội ơi. Mắt
huyền ngây ngất đê mê, tóc thề thả gió lê thê, cứ tin ngày ấy anh về (Hướng
Về Hà Nội)
…v.v.
Thế, mắt huyền là mắt ra sao?
“Huyền” của mơ huyền (mờ)? Hay “huyền” của tóc huyền?
Trước tôi cứ nghĩ mắt huyền,
như tóc huyền, là đôi mắt đen (láy). Sau này mới biết, “huyền” trong mắt huyền
có nghĩa là đẹp. Mắt huyền, huyền châu: đôi mắt đẹp (từ điển Đào Duy Anh). Cũng
như dáng huyền (Mộng Chiều Xuân / Ngọc Bích) là dáng đẹp (cây dáng huyền /
bonsai), không phải cái dáng… đen thùi lù lù kế bên trong xe buýt!
Ở cải lương thì có những vở
“Mắt em là bể oan cừu”, “đôi mắt người xưa”…
Thi ca thì khác, ít thấy mắt
huyền lập đi, lập lại. Mà là “dòng sông” với Lưu trọng Lư, là “bóng dừa hoang
dại” với Đinh Hùng. Với Nguyên Sa chúng là “đôi mắt cá ươn” (đôi mắt cá ươn như
sắp sửa se mình…) Nguyễn Bính còn ghê gớm hơn nữa khi tuyên bố:
“Bao nhiêu chí lớn trong
thiên hạ.
Góp lại chưa đầy mắt mỹ nhân…”!!!
Nhưng độc đáo nhất, phải là
Nguyễn Du:
“Làn thu thủy, nét xuân sơn.
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn
kém xanh”.
Không một chữ “mắt” nào trong
đó, mà đọc lên đã thấy mắt–(rất–)huyền ngay!
Thi hào quả có khác!
Ở miền Nam, thời 54–75, đôi mắt
nổi tiếng nhất không phải là mắt Huế, mắt Đà Lạt, mắt Sài Gòn hay mắt Nha Mân…
Mà là một đôi mắt Bắc Kỳ. “Mắt em dìu dịu buồn Tây phương” là câu thơ
trong bài “Đôi Mắt người Sơn Tây” của thi sĩ Quang Dũng, đã
được nhạc sĩ Phạm Đình Chương làm cho bất tử khi phổ thành ca
khúc với 4 câu mở đầu lấy từ bài “Đôi bờ”.
Tuy chưa bao giờ gặp nhau (?),
dẫu đã cùng tham gia chống Pháp, nhưng, tôi nghĩ, giữa thi sĩ và nhạc sĩ, ngoài
sự đồng cảm (cùng một nòi tình), còn có mối liên hệ sâu xa khác: cả hai đều là
người Sơn Tây (bên Ngoại Phạm Đình Chương).
Có nhiều giai thoại về “đôi mắt
người Sơn Tây”, “người” đã làm thi sĩ xúc động viết nên bài thơ.
Trong quyển hồi ký 2 “Thời cách
mạng kháng chiến” (Hoa Kỳ – 1989), nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, người Sơn Tây có
đôi mắt đã làm thi sĩ “nhớ xứ Đoài mây trắng lắm” là cô hàng cà–phê ở Chợ Đại
(Cống Thần) tên Nhật, còn một biệt danh khác là Akimi. Sau một thời kháng chiến
khiến chán, cô hàng dinh tê vào thành (“xa quá rồi em người mỗi ngã / đôi bờ
đất nước nhớ thương nhau”). Theo làn sóng di cư 54, cô Akimi vào Nam, và là một
trong những vũ nữ nổi tiếng ở “Tự Do”. Năm 75, cô di tản sang Mỹ. Khi Quang
Dũng mất, Phạm Duy có gọi cho cô báo tin buồn này.
Năm 2017, trên mạng “Tuổi trẻ”,
ký giả Quốc Việt lại đưa ra một nguồn tin khác. Vẫn cái mối tình thầm lặng của
thi sĩ với cô hàng cà–phê. Vẫn chung một lý do khiến nhà thơ viết nên “Đôi mắt
người Sơn Tây”. Nhưng sự khác biệt là ở nhân vật Akimi.
Theo tiết lộ của ông Hoàng
Giáp, một đàn em học dưới lớp Quang Dũng “… Nguyên tiểu đoàn trưởng pháo binh
523, sư đoàn 304 từng tham chiến Điện Biên Phủ…” (https://tuoitre.vn/di-tim-doi-mat-nguoi-son-tay-1254814.htm), cô Nhật
nguyên là một “thiếu nữ yêu kiều, quý phái và có học hành” (sic) nhưng vì hoàn
cảnh chiến tranh nên cô đã trở thành vũ nữ ở Hà Nội. Cô được các sĩ quan Nhật
mê nhảy đặt tên là Akimi để đỡ nhớ… “phụ nữ Nhật” (theo ông Giáp). Sau 1946, cô
Nhật vào kháng chiến mở hàng cà–phê và “Cô chính là tai mắt bí mật của Việt
Minh ở vùng trái đệm luôn dày đặc tình báo ta lẫn mật thám Pháp cài cắm nghe
ngóng lẫn nhau” (sic). Đúng là VC, cái gì [cũng] ráng nhét cho được
Đảng vào trong đó. Đúng là tiểu đoàn trưởng pháo binh 523 (5+2+3 = bù trất!), thuộc
sư đoàn… 304 (30 tháng 4)! Về già mà cũng vẫn còn nổ văng miểng tùm lum! Nếu là
gián điệp sao lại dinh tê trốn CS, rồi di cư 54, di tản 75? Hay khi làm gián
điệp, thấy, chứng kiến sự tàn ác của CS nên cô Nhật “tung cánh chim tìm về tổ
ấm”?
Ngược lại với cái giả thuyết
“đôi mắt tây phương” này, là giải thích của ông Sơn–Tây–Phan–Lạc Phúc (nguyên
chủ bút báo Tiền Tuyến), người gần làng với Quang Dũng… Theo ông Phúc, “mắt em
dìu dịu buồn Tây phương” thì “Tây phương ở đây không phải là occident, mà là chùa
Tây Phương ở Sơn Tây đấy” (trang 90 / Tuyển Tập Tạp Ghi). Chùa Tây Phương (Sơn
Tây) là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất miền Bắc.
Tôi đọc bài thơ trước khi biết
bài hát, trước hơn nghe người hát. Ở Sài Gòn, tôi nghe Thái Thanh, rồi Phạm
đình Chương. Vượt biên sang đây, đầu thập niên 90s, mua được cuốn băng “Duy
Trác”. Và nghe ông hát bài này. (https://www.youtube.com/watch?v=vJO5BZ6uYdw). Mỗi
tiếng hát, một cảm xúc. Nhưng với Duy Trác, mỗi lần nghe, là một lần xúc động.
“Đôi mắt người Sơn Tây”
được Sơn–Tây–Quang–Dũng viết năm 1948. Sơn–Tây–Phạm–Đình–Chương phổ nhạc năm
1970. Trên 40 năm sau (1992), có chàng trai miền Tây (VN) nghe một lần qua một
tiếng hát độc đáo, một “sáng tác” tuyệt vời. “Sơn–Tây–từ–A–đến–Z”, ở trên đất…
Tây. Nghe trong hoàn cảnh đó, làm sao chỉ “thưởng thức không” thôi? Nhất là với
những câu:
“Em hãy cùng ta mơ
Mơ một ngày đất Mẹ
Ngày bóng dáng quê hương
Đường hoa khô ráo lệ”.
72 năm sau ngày bài thơ được
viết (2020), cái giấc mơ nhỏ bé tầm thường: đường quê hương, “hoa khô ráo lệ”,
vẫn còn là cái mơ ước của người Việt Nam!
Khác chăng, trong những đôi mắt
“u uẩn chiều luân lạc, buồn viễn xứ khôn khuây” đó, không chỉ là những
đôi–mắt–Sơn–Tây!
BP
304Đen – llttm - dsc
No comments:
Post a Comment