Lời tâm sự của một
nhân chứng
Nói chuyện với các nhà
văn Đức tại thành phố Nuremberg, 2.2000
Nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà tuyên bố độc lập năm 1945 khi đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc.
Cùng với sự tuyên xưng độc lập, chế độ kiểm duyệt thời thuộc Pháp chính thức bị
bãi bỏ.
Nhưng chẳng bao lâu sau,
những tờ báo thuộc các xu hướng không làm vừa lòng nhà cầm quyền mới lần lượt
bị đóng cửa bằng nhiều cách, kể cả những cách hoàn toàn không dân chủ chút nào
– phong toả trụ sở, tịch thu báo, cấm bán, cấm tồn trữ…
Trong thời kỳ kháng
chiến chống Pháp, chỉ có vài tờ báo ở chiến khu làm nhiệm vụ tuyên truyền cổ
động nhân dân đánh giặc. Thiếu giấy, thiếu phương tiện in, nhưng chúng đã làm
tốt nhiệm vụ của mình. Trong kháng chiến, việc kiểm duyệt không được đặt ra.
Sau năm 1954, khi Hà Nội
trở về tay những người chiến thắng, số tờ báo còn lại trong vùng quân đội Pháp
chiếm đóng được phép tồn tại èo uột thêm một thời gian ngắn. Sau, chúng bị
chuyển thành những tờ báo của các tổ chức công quyền. Năm 1956, tờ báo tư nhân
cuối cùng là tờ Nhân Văn, vừa mới ra liền bị đóng cửa, nhiều người làm văn làm
báo bị đưa ra toà, bị đi tù hoặc đi cải tạo lao động. Có thể nói, đó là năm
cuối cùng của cái gọi là “tự do báo chí”, kể cả tự do ở trên giấy.
Năm 1967, tôi chính thức
bước vào nghề báo, làm phóng viên kiêm biên tập viên cho một tờ báo tên là Báo
Ảnh Việt Nam. Tờ báo này trực thuộc Uỷ ban Đối ngoại Trung ương. Tờ báo này chỉ
làm một nhiệm vụ duy nhất là giới thiệu, tuyên truyền cho nước Việt Nam cộng
sản. Vào thập niên 60, thế giới cộng sản chia làm hai phe: phe theo đường lối
của Liên Xô (cũ) gọi là phe “xét lại”; phe theo đường lối Trung Quốc gọi là phe
“giáo điều” (theo cách người trong hai phe gọi nhau). Do chức năng của nó,
những người làm báo ảnh sống khá yên ổn. Báo in ảnh nhiều, chữ ít, bài vở được
duyệt cẩn thận, trước hết là ở phòng, ban, sau đến thư ký toà soạn, chủ nhiệm,
nên hiện tượng “mất lập trường”, sai “quan điểm” hầu như không có. Tuy nhiên,
trong phong trào “chống chủ nghĩa xét lại hiện đại” dâng cao, thỉnh thoảng lại
có sự phát động những cuộc rà soát từng câu từng chữ trong các bài đã in để “phát
hiện” những “phần tử xét lại” trong hàng ngũ. Nói khá yên ổn chỉ có nghĩa như
vậy. Kể lại những tình tiết trong các vụ rà soát này cần phải có nhiều thời
gian. Người nghe kể thể nào cũng nghi ngờ tính chân thực của câu chuyện – nó
giống chuyện tiếu lâm. Người trong cuộc thì không có cơ hội để cười – ai cũng
có thừa cơ hội để lo lắng. Người bị nghi ngờ là “phần tử xét lại”, hoặc “có tư
tưởng xét lại” chắc chắn sẽ phải chịu những hình phạt mà không ai có thể đoán
trước nó sẽ là thế nào. Nhẹ thì bị đưa ra khỏi biên chế, tức là đuổi việc, nặng
thì có thể bị đưa đến những nơi không ai muốn đến.
Tôi không may mắn bị bị
rơi vào số người bị nghi ngờ, trước hết là do những phát biểu của mình trong
những cuộc họp tôi đã không ca ngợi tư tưởng Mao Trạch Đông như những người
khác. Ấy là chưa kể tôi còn có những lời châm biếm “người cầm lái vĩ đại”. Việc
ca ngợi Mao Trạch Đông trong thời kỳ này được coi như lời khẳng định lập trường
mác xít – lê-nin-nít chân chính trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống
“chủ nghĩa xét lại”.
Cộng vào đấy, tôi là kẻ
có tì vết. Một truyện ngắn của tôi được đăng trên tờ Văn Học mấy năm trước bị
vị lãnh tụ văn nghệ lên án trong bài viết “Nâng cao lập trường tính đảng, chống
chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ” của ông ta. Ai đã sống qua thời ấy mới hiểu
tầm quan trọng của bài phê bình ấy, chỉ cần đọc cái đầu đề. Tôi lại có quan hệ
bè bạn với những người bị coi là “phần tử xét lại”, có tên trong “sổ đen”. “Sổ
đen” tuy nằm trong két sắt của các cơ quan trấn áp, nhưng nó là một thứ secret
de Polichinelle, ai cũng biết. Cuộc “đấu tranh tư tưởng” kéo dài nhiều năm,
trong bầu không khí nặng nề, đầy đe doạ. Ở nước láng giềng phương Bắc những kẻ
như tôi chắc đã ở trong tù, hoặc tệ hơn, đã mất mạng.
Tôi ngây thơ nghĩ rằng ở
nước tôi tình hình không đến nỗi như thế. Nhưng tôi đã lầm.
Cuối năm 1967, một cuộc
bắt bớ rộng rãi, “một mẻ lưới” theo cách gọi của đảng cầm quyền, được thực
hiện.
Tôi bị bắt cóc giữa
đường và đưa thẳng vào nhà tù, nơi cha tôi đã ở qua nhiều lần trong cuộc đời
hoạt động giành độc lập cho đất nước của ông. Gần nửa năm sau vợ tôi mới được
cơ quan thông báo tôi đã bị bắt. Trước đó, gia đình tôi chỉ biết tôi đã mất
tích. Trong đợt càn quét này số cán bộ ở các cơ quan trung ương bị bắt khoảng
gần 40 người, theo tôi tính nhẩm. Con số chính thức chỉ có công an biết. Ở các
tỉnh, trong phong trào thi đua “chống chủ nghĩa xét lại hiện đại”, số người bị
bắt nghe nói còn đông hơn, trong đó có nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tác giả cuốn tiểu
thuyết nổi tiếng gần đây Chuyện Kể Năm 2000. Tất cả những người bị bắt giam trong “vụ
án của tôi” đều là những người lương thiện. Họ chỉ có một cái tội, ấy là dám
nghĩ bằng cái đầu của mình, dám nói ra những ý nghĩ của mình.
Sự bắt bớ tràn lan trong
cơn lên đồng tập thể này còn thâu tóm vào nó rất nhiều người không vì một lý do
chính đáng nào. Trong tù, tôi gặp mấy dị bản “xét lại” kỳ quặc. Một sinh viên
đi học ở Hungary, anh ta rơi vào tù vì yêu một cô gái Hung. Hungari là một nước
“xét lại”, cô ta ắt cũng là “xét lại”, yêu cô ta thì cũng là “xét lại”. Một tên
“xét lại” khác, một trí thức đi tù vì biết tiếng Anh, nhờ biết tiếng Anh, anh
ta quen mấynhà ngoại giao Ai Cập và Nam Dương mời tới nhà uống rượu. Những
người Ai Cập và Nam Dương hiển nhiên nằm trong phe cái gọi là “phe đế quốc”.
Cùng với cuộc bắt bớ
này, cái “vô sản chuyên chính” của những lãnh tụ hoàn toàn được khẳng định. Mặt
nạ dân chủ không còn cần thiết nữa, không cần dùng tới nữa. Thay vào đó là cái
khác mang tên “dân chủ tập trung”cho đến nay vẫn còn làm tốn rất nhiều giấy
mực. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã lột xác hoàn toàn để khoác áo mới
“cách mạng vô sản”.
Tôi đã ở qua bốn nhà tù,
trong số đó có ba nhà tù tôi bị giam trong xà lim một người. Đó là một căn
phòng ẩm ướt, thiếu ánh sáng và không khí, đủ chỗ cho bốn cái quan tài. Tôi
không được phép đọc dù chỉ một mẩu giấy có chữ in – người ta đã bóc hết giấy
bọc quà của gia đình được phép gửi cho thân nhân bị tù.
Lần đầu tiên tôi sau bốn
năm tù tôi đọc mấy mẩu báo đã hết thời gian tính dùng để gói thức ăn của thân
nhân tù gửi cho người nhà trong trại. Ấy là khi tôi đã được đưa từ xà lim ra
trại chung, nơi tù chính trị và hình sự ở lẫn với nhau để làm lao động. Sau khi ra tù tôi có đặt câu hỏi với những
người tù cùng một vụ với tôi vốn đã bị thực dân Pháp giam giữ trong thời thuộc
Pháp vì tội hoạt động cách mạng: nhà tù nào khắc nghiệt hơn? Câu trả lời là:
nhà tù Việt Nam cộng sản khắc nghiệt hơn.
Đói, rét, là chuyện bình
thường. Cái tệ hại hơn cả là người ta tìm cách huỷ diệt chí khí và trí não của
người tù bằng cách bắt người tù ngồi đấy suốt năm này sang năm khác trong bốn
bức tường, không được đọc, không được viết, không có tiếp xúc với nhân quần,
không được biết ngày trở về.
Trong tù tôi luôn hỏi
các cán bộ chấp pháp: bao giờ họ hỏi cung xong để đưa chúng tôi ra toà? Không
có một câu trả lời. Tới năm thứ sáu thì họ bảo: tội của tôi không đáng đưa ra
xử, kể từ nay tôi sẽ bị tập trung cải tạo. Điều đó có nghĩa là cuộc hỏi cung
tôi kéo dài tới 6 năm, và tôi sẽ còn ở tù lâu, cứ 3 năm sẽ có một lệnh mới, cho
đến khi người ta cho rằng tôi đã “cải tạo tốt”. Trong các nhà tù mà tôi đi qua
tôi đã gặp nhiều người bị oan ức, có người chỉ vì một câu nói phạm thượng trong
lúc say rượu mà ở tù cả chục năm. Tôi đã thấy một người vì đói quá mà ăn mỗi
ngày hai tờ báo Nhân Dân xin được của những người có tiếp tế. Vỏ khoai luộc là
thứ dạ dày không tiêu hoá được, nhưng nhiều người tù vẫn nhặt ở dưới đất lên để
ăn.
Sau khi được thả, người
ta cho tôi ký một hợp đồng tạm tuyển làm công nhân bốc vác, sau đó tôi làm
nhiều nghề khác nhau nữa để kiếm sống. Trừ nghề viết. Không có một lệnh nào
bằng văn bản quy định như thế, nhưng ở mọi tờ báo, ở mọi nhà xuất bản, đã nhận
được lệnh miệng, thứ lệnh có hiệu lực hơn bất cứ văn bản nào. Mười năm sau, cho
tới thời kỳ gọi là “đổi mới”, tôi mới được phép viết trở lại. Cũng không có
lệnh giải toả nào hết. Và cũng không có cả lệnh miệng. Là nhờ một giám đốc một
nhà xuất bản dũng cảm dám in bừa, in đại. Cuốn sách của tôi được giải thưởng
cao nhất trong một kỳ chọn sách hay cho trẻ em. Như một phép màu.
Trong suốt mười năm ấy,
tôi phải sắm vai một công dân ngoan ngoãn, nhưng tôi biết cơ quan mật vụ vẫn
theo dõi tôi từng bước. Ý nghĩ về một cuốn sách miêu tả cái xã hội quái gở mà
tôi buộc phải sống trong đó không lúc nào rời bỏ tôi. Nhờ biết thông thạo tiếng
Nga, tôi được đi theo một đoàn thương mại đến Liên Xô với tư cách phiên dịch,
rồi sau đó, nhờ ký được mấy hợp đồng, tôi được ở lại làm đại diện cho một công
ty. Cuốn Đêm
Giữa Ban Ngày được viết ra trong thời kỳ này. Do bất cẩn, việc tôi
viết một cuốn sách chắc chắn là phản động đến tai nhà cầm quyền. Người ta đã
tạo ra một vụ trấn lột để cướp bản thảo, tôi bị đâm, bị cướp sạch những gì tôi
có. Tôi chạy qua Warszawa, rồi từ đó, khi biết người ta vẫn lần theo dấu vết
của mình, tôi nhớ tới lời khuyên của một đại tá KGB (cũ) điều tra vụ trấn lột
tôi và biết rõ kẻ trấn lột là ai, tôi tìm đường sang Pháp. Nước Pháp cho tôi
quy chế tị nạn chính trị, và tôi hoàn tất cuốn sách bị cướp ở Paris.
Tôi đã không sai lầm khi
chọn cuộc sống lưu vong.
Nó không phải cuộc sống
tự nguyện, nhưng nó cho tôi điều kiện để viết xong cuốn sách ấp ủ. Tôi coi nó
là món nợ phải trả. Đồng bào tôi phải được biết về mặt trái của cái xã hội được
coi là đoạn đầu của con đường đi tới miền hạnh phúc viên miễn. Nền tuyên truyền dối trá, như một thứ thuốc
lú, đã làm cho nhiều người mê mẩn, không phân biệt chân giả, quên mất mình là
con người có quyền được sống như một con người, chứ không phải một robot chỉ
biết tuân lệnh các lãnh tụ tự xưng “vô cùng sáng suốt” và “duy nhất đúng đắn”
Tôi cảm ơn nước Pháp đã
cho tôi tá túc. Tôi cảm ơn hai tổ chức International Parliament of Writers và
International PEN đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi làm công việc mà tôi muốn
được làm là đóng góp vào cuộc đấu tranh chung vì dân chủ hoá xã hội Việt Nam.
Công việc ấy chiếm toàn bộ thời gian còn lại của tôi.
Tôi sẽ không quên lòng
tốt của những người bạn ở các thành phố mà tôi đã được sống qua: Paris,
Strassbourg, Bern, Nuremberg. Nhờ các
bạn tôi được hiểu biết thêm rất nhiều về các dị bản của xã hội dân chủ, những
mặt mạnh cũng như những chỗ yếu của nó. Kinh nghiệm của những xã hội ấy chắc
chắn có ích cho đất nước tôi vào ngày mà nó thoát khỏi vũng lầy phi nhân tính
của chế độ độc tài.
Tôi đặc biệt yêu mến
Nuremberg, một trong những cái nôi của nền văn hoá Đức. Nhờ nó mà cả nước Đức
trở thành gần gụi với tôi. Nhờ nó mà hôm nay tôi không bỡ ngỡ khi được có mặt ở
đây giữa các bạn, như giữa những người thân thuộc.
Có vẻ tôi đã nói nhiều
về chính trị hơn là cần thiết.
Tôi nghĩ: ở nước tôi
hiện nay không thiếu các nhà văn, lại là những nhà văn rất tài hoa nữa, nhưng
còn thiếu nhiều công dân ý thức được trách nhiệm của mình. Vì sự thiếu ấy, tôi
chọn vị trí công dân.
Xin cảm ơn các bạn đã bỏ
thời giờ nghe lời tâm sự của tôi
Vũ Thư Hiên
304Đen
– Llttm - VV
No comments:
Post a Comment