Một Thoáng
Paris
Lúc ấy tôi 28 tuổi, có bằng kỹ sư và làm việc tại Guatemala. Giống như
một diễn viên trong một vở tuồng của Shakespeare ra khỏi sân khấu mà còn bị con
gấu rượt, tôi hứng chí nghĩ bậy rằng muốn làm nhà văn, tôi cần phải đi Paris.
Trước đó hai năm, tôi vấp chân vào sách và văn chương. Trước lúc nầy nữa, tôi
không bao giờ là một độc giả. Tôi chưa bao giờ viết một cái gì. Thậm chí tôi
chưa bao giờ hoàn tất một câu văn bằng tiếng mẹ đẻ là Tây Ban Nha, huống hồ là
một truyện ngắn. Nhưng chắc chắn tôi tin một cách lãng mạn dựa vào những sách
truyện đã đọc rằng bất cứ ai muốn thành văn sĩ cần phải đến sống ở Paris.
Do đó, tôi bỏ việc,
tom góp tiền tiết kiệm và mua một vé máy bay một chiều đi Paris vào đầu mùa
đông 1999, không có kế hoạch mục đích gì khác hơn là để thành nhà văn.
Tuy thế, sau vài
ngày trọ tại một khách sạn buồn bã gần nhà thờ Saint-Lambert, tôi cảm thấy đau
đớn một cách kinh hãi. Những ngày còn lại kế tiếp, tôi đi bộ quanh Paris, lòng
hoang mang rối rắm. Sáng dậy thân mình nhức mỏi, mà sốt nóng hơn, tôi vẫn tự ép
mình phải bước ra khỏi nhà trong giá lạnh, ngồi quán nầy qua quán nọ, uống café
expresso, tâm thần chán nản, ghi vài nét chính để viết truyện, đọc những cuốn
tiểu thuyết dài.
Tôi đọc Hugo,
Flaubert, Zola, Balzac. Sau đó tôi tìm gặp các truyện ngắn hơn của Perec và
Duna; tôi đọc Bolano ở lúc bắt đầu ít ai biết. Tôi đọc Cormac McCarthy, Thomas
Pynchon và của người mới trúng giải Nobel trong năm là Gunter Grass. Tâm thức
của tôi lúc ấy như thế nầy: không đủ thì giờ đọc những cuốn cần đọc và trên thế
giới không đủ sách cho tôi đọc.
*
Lúc ấy ở Paris tôi
là một độc giả ở giai đoạn một. Đó là giai đoạn của những kẻ, không kể tuổi
tác, vừa phát giác sự kỳ diệu của sách và cảm thấy có nhu cầu đọc bất cứ thứ gì
do bất cứ ai viết. Đọc như một hành vi của kẻ tạo loạn vô chính phủ hay hành vi
tự hy sinh tế thần, theo trường hợp đồng hóa với Emma Bovary hay Don Quixote.
Văn chương là ma túy; người đọc là kẻ nghiện ngập.
Vài năm sau, khi tôi
bắt đầu học và dùi mài nghề viết văn, lối đọc thuốc phiện bước qua giai đoạn
hai: độc giả tiểu công nghệ. Nay xem lại những cuốn sách có phần rách nát của
Hemingway, của O’Connor thì thấy những ghi chú tôi viết ngoài lề không phải là
của một kẻ gặp một đoạn văn hay hoặc có ý nghĩa sâu sắc mà là của một kẻ muốn
phanh phui nghệ thuật viết. Văn sĩ chưa vô nghề đang học cách sử dụng đồ nghề -
tức là ngôn ngữ - cũng giống như nhạc sĩ tây ban cầm mới ra lò khám phá kỹ
thuật và đường lối của Clapton hay Hendrix.
Vài năm kế tiếp, khi
tôi đã xuất bản một ít tác phẩm, tôi bước vào giai đoạn ba: độc giả khó tính.
Tôi không có nghĩa vụ, trách nhiệm đọc tiếp nếu mươi trang đầu khá bựa. Tôi
không còn kiên nhẫn đối với các câu èo uột, khó nghe, tầm thường, với những
dòng chữ yếu xịu như bún trải dài trên trang sách. Dần dần, tôi phát giác rằng
nhận xét nóng nảy về văn xuôi của kẻ khác xuất hiện như vậy chính là do việc
tôi đọc và nhận xét văn chương của tôi rồi ghép cho văn chương của người. Thì
ra, tôi với tư cách một độc giả, tôi trở thành kẻ vô lại không kiên nhẫn.
Tôi vẫn ở trong giai
đoạn ba nầy, vẫn còn là một kẻ vô lại. Nhưng khá hơn tý tẹo là vẫn hy vọng và
cầu xin một ngày nào đó sẽ bước vào giai đoạn thứ tư.
*
Tôi, cái thằng tôi
thế ấy, 28 tuổi, ở Paris, chui qua hành lang sách báo như một kẻ nghiện ma túy,
đồng thời bệnh hoạn nhiều hơn. Tôi lại cảm thấy thường xuyên mùi iodine bí mật
trong miệng. Tôi sút cân đến nỗi áo quần mặc trên người như treo trên giây phơi
và đau yếu nhiều hơn. Tôi chỉ cảm thấy kha khá trong những giờ vùi đầu trong
sách. Buồn cười thay, sự thèm sách không bao giờ vơi ấy chỉ làm tôi đau yếu
thêm, và có đôi chút điên loạn.
Một bác sĩ Pháp nói tôi bị một con vi khuẩn gì đó, rồi cho tôi uống thuốc belladonna (trừ co giật). Một thầy thuốc khác thì nói biến chứng của cúm, vừa nói vừa châm điếu thuốc Gauloises trong phòng mạch rồi ra toa thuốc trụ sinh. Chẳng đâu vào đâu, không kết quả gì.
Rồi một buổi xế
chiều gần tối, tôi gần như ngả quỵ trên xe điện ngầm. Lâu nay tôi ngủ ít ăn ít.
Khi đã ở trên tàu, tôi đứng vịn tay vào cột kim loại, tôi bắt đầu lạnh run, mắt
choáng váng, hai chân tê. Tôi ngồi phạch xuống sàn, mồ hôi nhễ nhoại, giữa
những đôi chân của người dân Paris. Hình như không ai để ý. Tôi không nhớ đã
ngồi như thế bao lâu, vì cố giữ cho khỏi lăn quay. Sau mấy lần tàu dừng tạm,
tôi cử động đôi chân được và chờ tàu đến trạm cuối. Tôi cố gắng và đứng dậy
được, lảo đảo ra khỏi tàu và đi từng bước xuyên qua sân ga Sorbone đông đúc.
Khi bắt đầu bước lên
thềm cấp dẫn đến đại lộ Saint-Germain trong bóng tối và mưa phùn, tôi chợt nhìn
lên và bị hớp hồn khi nhìn thấy bắp chân của một thiếu nữ phía trước cách tôi
vài cấp.
Tối ấy sau đó một
lúc, tôi mua vé trở về nước và rời Paris mang theo ý nghĩa thế nào là thất bại.
Ở quê nhà, tôi mất khá nhiều thời gian mới bình phục và khá nhiều thời gian hơn
để học cách viết văn. Thời gian đã xóa mờ những tháng ngày sốt run ở Paris. Tôi
đã quên những cuốn tiểu thuyết đã đọc và may hơn nữa đã quên những gì tôi cố
viết.
Nhưng tôi không bao
giờ quên bắp châm mảnh mai và quí phái của người thiếu nữ đi trước tôi mấy cấp
thềm. Tôi nhớ những đường cong, tôi nhớ rõ vị trí một nốt tàng nhang cô đơn
phía trên. Tôi nhớ một cách sống động bắp chân của nàng, nay tôi có thể vẽ ra
giấy.
Tôi hiện không hiểu
tại sao một hình ảnh bắt chợt như thế mà chung cuộc in sâu vào trí nhớ của tôi.
Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại viết chuyện nầy mấy chục năm sau. Có lẽ vì
rằng nhà văn tại Paris không viết về Paris mà viết về những mảnh vụn đọng dưới
tách trà khi thực khách nhúng bánh vào trước khi ăn. Có lẽ vì rằng đêm ấy ở
Paris, lúc tôi trèo lên dốc ga tàu ngầm như để thoát mặt trái của thành phố, là
đêm đen tối nhất của tôi. Tôi biết rằng đời tôi cho đến lúc ấy là đời của một
kẻ không hiện diện hay không muốn hiện diện. Tôi cô đơn, bất hạnh, mất hết mọi
thứ.
Nhưng bất chợt một cái gì liên quan đến màu trắng nơi bắp chân của một
thiếu nữ vào một đêm đông não nuột đã giúp tôi hy vọng và sinh động trở lại, dù
chỉ trong vài giây đồng hồ. Nhưng lắm khi, vài giây đã làm nên chuyện.-
304Đen – llttm -MT
No comments:
Post a Comment