BẠN THỜI CHƠI NHÀ CHÒI
Khi
em đưa cái Thẻ Kiểm Tra, mình chưa đọc tên đã biết ngay là em. Nhưng mình cứ
làm tỉnh ngồi ôn lại những kỷ niệm ngày xưa. Em thì tình thiệt không biết mình.
Nhớ hồi nhỏ hai đứa cũng quyến luyến nhau, dầu chưa tới mười tuổi.
Nguyễn
Văn Sâm
Em
hay giận hờn khi thấy mình thân thiện với con Bình khi cả bọn chơi nhảy cò cò.
Mình cũng thấy ghét thằng Bé sứt môi khi thằng nầy tỏ ra săn sóc hay nhường
nhịn em. Thường thì mình xô đẩy thằng Bé, nhiều khi còn cười ngạo cái bất hạnh
của anh ta nữa. Nghĩ cũng kỳ cho tuổi trẻ ác tâm và không biết suy nghĩ. Mình
không ưa má em. Thím hỗn hào với chồng, Thím khinh khi mọi người, tối ngày chỉ
nằm dài ca hát nghêu ngao. Đàn ông thì kêu bằng thằng cha tuốt: Thằng cha thầy
giáo, thằng cha thầy chùa, thằng cha y tá, thằng cha góp tiền đất. Đàn bà thì
con hết thảy: Con mẹ Ba cho vay tiền ngày, con mẹ Bảy Mập bán bánh mì, con mẹ
vợ thằng cha Hiệu Trưởng, con mẹ Tư gánh nước mướn. Chỉ có cậu Út là được thím
nể nang và thân thiện một điều cậu Út, hai điều cậu Út mà thôi.
Mình
thích nhứt là được Chú Ba Huê chở vợ con với lại mình đi ra An Lạc ăn cháo đầu
cá lóc với rau đắng. Xe chật, ngồi dựa hông vô nhau nghe hơi nóng của em truyền
qua mình chắc đâu còn nhớ tới giờ. Nhưng mà rau đắng họ trồng cả đám lớn bên
hè, người ta đi đái vô đó tỉnh queo… Ghê quá! Biết họ có rửa rau sạch không
nữa! Mình cũng thích bữa nào chú Ba rủ đánh cờ tướng với chú, khoái là được
khen mình cao cờ. Khoái là em bị chú sai lấy nước cho anh, khoái là em bận áo
quần xích xác lòi cái ngực chưa nẩy nở mà mình con nít quỷ ưa dòm vô đó kiếm
kiếm điều gì mà mình tưởng tượng là rất lạ lẫm. Hình như mình mê em sau cái lần
cùng nhau chơi nhà chòi khi con Bình giận bỏ về ngang mình phải thế chỗ. Em bắt
mình làm con em làm má. Mình đòi làm chồng em làm vợ. Em lưỡng lự cuối cùng rồi
cũng đồng ý. Mình nói chồng thì nắm tay vợ đi chợ. Em đỏ mặt rồi cũng rụt rè
đưa tay cho nắm…
Sau
khi thi đậu vô Đệ Thất mình bị bắt ở trọ không gặp em nữa. Có về nhà vài ba lần
nhưng đều mất tích biệt tăm.
Trời hơi chạng vạng. Xóm nhà lá khu Bà chủ Phát đã lốm đốm lên đèn. Mùi cơm
sôi, mùi cá kho hòa với mùi củi cành cây cao su chưa khô cháy tươm dầu quyện
lên trong không khí thành nét đặc trưng buổi trời sắp tối của xóm. Chú ba Huê
bẻ mạnh tay lái lách tránh mấy đứa nhỏ đương mảy mê chơi trò Thiên Đàng Địa Ngục Hai Bên rồi quanh cua từ từ chạy xe vô con đường nhỏ đầy bông bụp
của sân nhà. Khi tiếng nổ lịch bịch phát ra từ chiếc cần câu cơm của chú còn
vang dội ở xóm nhà thằng Bé sứt môi thì thằng Dần từ nhà dưới đã đi chậm chậm
ra tới cửa buồng. Tay nó níu tấm ri-đô để vạch
ra một lỗ nhỏ nhìn coi chuyện gì sẽ xảy ra. Nó ngó lấm lét chú Huê trong khi
chú sửa lại cách đậu chiếc xe cho ngay ngắn. Trong nhà, vợ chú, má con Én, trở
mình trên cái giường tre nhưng cũng chưa chịu ngừng bài hát còn đương dang dở.
Thím tay cầm cuốn bài ca đưa thẳng trước mặt, cố lấy hơi hát lớn hơn bản Vọng
cổ trong tuồng Hạnh Nguyên Cống Hồ của thời
xa xưa:
Nhìn
dòng sông đen hắc,
Nhớ xứ thể cắt can trường.
Thầm suy trách thay vua Đường.
Xui nên dở dang chỉ hường.
Rồi
thím chuyển giọng của con a hoàn, cũng Vọng cổ lối thời năm nẳm gì đâu mà thím
học theo trong dĩa hát Pathé:
Ghen
ghét chi ông Tạo,
Để người phòng khuê phải hòa giặc Phiên.
Chú
Ba Huê lòn tay xuống cái hộc dưới đệm xe rút ra một gói giấy lấm tấm ướt mỡ
thấm từ bên trong ra, thủng thẳng đi vô nhà. Chú hỏi vợ liền như đã ôm trong
lòng từ lâu lắm, sau khi ngó lướt qua vợ, nhíu mày tỏ ý không bằng lòng chuyện
gì đó:
‘Má con Én có nghe chuyện gì lạ trong xóm sáng nay không vậy?’
Chị vợ lỏ mắt ếch ngó chồng không trả lời, một phút sau đủng đỉnh lồm cồm ngồi
dậy. Cái áo cánh màu hồng điểm bông tấm li ti gợi cảm của thím rộng cổ trễ
tràng xệ rộng trước ngực. Chú nói mau:
‘Hồi sáng sớm, xe ra tới đầu ngõ tôi thấy hai ông bị bắn đâu chừng hồi hai ba
giờ khuya gì đó, máu miệng trào ra, còn ri rỉ chảy chưa đông lại hết. Cả hai
tướng tá coi nho nhã, trẻ măng, áo quần cũng tươm tất lắm. Không biết phe nào.
Tay bị trói thúc ké sau lưng. Tôi vái họ phò hộ được đắt mối. Bây giờ giữ lời
hứa, mua con gà quay về cúng.’
Mình cúng họ cũng phải. Có thể họ là người của phe mình trước kia.
Cũng có thể họ là những người bị phe mình trước kia giết oan như bao nhiêu
trường hợp mình từng chứng kiến. Bên nào thì cũng là đồng bào. Bên nào thì họ
cũng đã chết quá sớm, cuộc đời hưởng có bao nhiêu lâu đâu. Tội nghiệp thì thôi!
Chị vợ phán thẳng băng làm cụt ý chồng:
‘Tưởng chuyện gì, chuyện bị xử bắn lén xảy ra hà rầm. Thời buổi chiến tranh mà.
Mình dân làm ăn thì đừng để ý tới chuyện ai giết, ai bị giết cho mệt thân. Cúng
kiến gì cho hao tiền. Họ có bà con gì mình đâu nè!’
Chú Ba chống chế:
‘Thì cúng chút híu có tốn bao nhiêu đâu! Bữa nay chạy được nhiều mối ngon. Được
giá!’
Chị vợ xốc lại cái vai áo xệ, lầm bầm:
‘Muốn nhậu thì nói mẹ nó đi. Đừng qua mặt con nầy. Bày đặt nầy nọ như là người
tin thần tưởng thánh lắm. Hồi xưa ông quả quyết là chẳng có linh hồn, không có
thần thánh, cũng không có Địa Ngục Thiên Đàng gì hết mà!’
Tuy không vừa ý với lời dè bỉu của vợ, Chú Tư Huê cũng làm thinh không thèm trả
lời trả vốn gì hết. Chú đặt gói gà lên bàn nước, đi ra nhà sau lui cui soạn đem
lên hai cái dĩa bàn thang, bày biện cúng kiến. Vợ chú bây giờ mới đủng đỉnh
bước xuống giường, miệng vẫn ỷ ê ỷ a mấy câu ca một bài Tứ Đại Oán thảm sầu.
Bực mình chú Tư phê bình nhẹ nhàng:
‘Má con Én ca bản xưa không à! Đời bây giờ người ta ca Vọng cổ tân thời sáu câu
32 nhịp theo cách của Bảy Cao, Thanh Tao, Năm Phồi không ai còn ca kiểu xưa như
kép Từ Anh, Tám Thưa hay cô Tư Sạng nữa đâu.’
Chị vợ nổi hứng cất giọng thân mật:
‘Nghe chị ca Máu Nhuộm Phụng Hoàng Cung nè
em! Em mà phán là chị ca dở tối nay chị nhịn cơm cho em biết.’
Chú Tư ngó vợ bằng cặp mắt của người tình.
Và Má con Yến nói lối dài trước khi vô giọng
cổ xuống xề nghe ngọt lịm kiểu tài tử đẹp trai Năm Phồi.
Người chồng đưa tay bẹo má vợ. Thưởng.
Con Én, ở đâu chạy vô xem giữa hai người, nó thở hào hển mà vẫn liến thoắng:
‘Ba ơi, ba mét cho thằng Dần bị đòn nứt đít đi ba. Đi đi ba, ông Huế về rồi
đó!’
‘Chuyện gì mà dữ vậy?’ Tay chú xoa mạnh đầu con, làm rối tóc con nhỏ, khiến nó
xụ mặt.
‘Nó là con nít quỷ đó ba. Nó dòm nách má rồi ra ngoài nói tùm lum tà la là má
có lông nách dài.’ Con nhỏ vừa nói vừa chu mỏ dài sọc.
Thím Tư bịt miệng con không kịp, thím đưa mắt lừ con gái. Chú Tư lừ lại vợ
mình:
‘Cũng không nên bận quần áo lôi thôi quá. Nhà cửa trống hếch trước sau. Nít nhỏ
chạy vô chạy ra hà rầm. Thằng Dần nói vậy còn đỡ. Cậu Út nói vậy thì…’
Chú ngưng ngang vì thấy mình không nên khơi sâu điều vợ không muốn nghe.
Con Én nắm tay ba nó giựt giựt:
‘Ba mét ông Huế để thằng Dần bị đòn nghe Ba! Hôm bữa nó ăn hiếp con. Nó còn nói
nữa lớn nó cưới con làm vợ rồi đánh nhừ tử cho bỏ ghét. Đánh như ba thằng Bé
sứt môi đánh vợ. Đánh như ba thằng Dần đánh má nó đó.’
Cách vách, thằng Dần nghe hết mấy câu trao đổi của người bên kia, nó nuốt nước
miếng cái ực như nuốt cơn giận lớn cành hông.
Nhang được thắp lên. Chú Tư cắm ba cây lên mình con gà. Chú rót nước vô mấy cái
chén chung. Tự tay chú ra khạp gạo lấy một nắm gạo bỏ lên cái dĩa nhỏ rồi trút
muối lên kế bên. Chú nói với vợ:
‘Chết như vậy oan ức sẽ thành cô hồn, mình phải rải muối gạo để vong linh họ đỡ
tủi.’
Mình không chết là may! Đi theo họ có hai năm mà xuýt chết mấy lần
do Tây phục kích hay là xung phong công đồn mà phá không thủng phải chém vè.
Còn cái thằng Đại Đội Trưởng nữa, nhiều khi nó ngó mình bằng cặp mắt quỷ như
muốn ăn tươi nuốt sống vì mình can thiệp thả mấy người dân biết rõ ràng là bị
bắt oan. Cũng may mình rút kịp ra ngoài nầy. Ở lại thì thấy ông bà ông vãi lâu
rồi. Bởi vậy tội nghiệp hai người nầy quá chừng.
Chú thành kính rót rượu vô ba cái ly nhỏ đặt ngang hàng trước con gà. Chú lâm
râm vái.
Vợ chú vô buồng lấy áo bà ba bận tề chỉnh. Thím cũng đốt ba cây nhang, xá xá
rồi đem ra trước cửa xá trời. Thằng Dần ở trong nhà dòm ra thấy hết cử chỉ của
thím. Nó vái thầm trong bụng là ưng ai thím nổi từ tâm bỏ qua chuyện đó, không
cho chồng mét ba nó. Nó cũng tự hứa là nếu được như vậy thì từ rày sẽ tử tế với
con Én hơn, không ăn hiếp nó nữa. Và nó đứng dựa cửa buồng, lim dim ngủ gà ngủ
gật…
Bốn năm chiếc xe cảnh sát ngừng ở con đường độc đạo trải đá, dựa bờ sông. Mỗi
chiếc cách nhau chừng trăm thước, đủ để trấn giữ cả khu yên hoa nổi tiếng bình
dân hoạt động mấy năm nay. Khi máy xe vừa tắt, khi những người cảnh sát nhảy
xuống xếp hàng dài bắt đầu làm phận sự thì hầu hết những ngọn đèn lờ mờ trong
dãy nhà lụp xụp bên kia đường dựa bàu nước đồng loạt tắt. Tiếng la ơi ới, tiếng
kêu nhau ầm ĩ, tiếng chạy thình thịch và tiếng ùm ọc, bì bõm của vài người nhảy
xuống nước, lội trốn vang dội trong đêm. Đàn ông từ những căn nhà tắt đèn đổ ra
đường giả bộ thanh nhàn thơ thẩn như người đi hóng gió sông. Đàn bà thì chẳng
thấy ai. Mấy ghe thương hồ bật đèn lên sáng một khúc sông, người trên ghe ra
trước mũi ngồi hút thuốc bàn tán…
Sau một hồi bao vây và lục lọi, lính bắt được vài chục gái, một số chịu trận
trốn trong buồng, trong nhà tắm, trong cầu tiêu bị lôi ra. Một số ôm cột xi
măng dưới nước bị rọi đèn pin vô mắt,
ngoắc lên. Ướt loi ngoi, chậm chậm bước lên bờ cỏ.
Tiếng một mụ chủ chứa than với người lính quen mặt:
‘Trời ơi, bộ mấy ông ghét dân Cầu Hàn lắm sao mà suốt ba tuần liền tuần nào
cũng bố. Điệu nầy tụi em chắc dọn đi chỗ khác làm ăn chớ ở đây đói hết sao
sống?’
Người lính trẻ cười hiền:
‘Thì kiếm nghề khác mà sống. Nghề nầy dơ quá! Rồi mấy cổ lây bịnh tùm lum…’
Một má nuôi chõ mỏ vô:
‘Nói thì dễ thầy ơi. Bỏ nghề rồi biết làm gì ăn đây. Với lại còn nhà cửa nữa.
Sang lại cho ai rồi mua nhà mới ở đâu? Dính ăn dính thua ráo nạo rồi. Thôi thì
lỡ đâm lao phải theo lao thôi. Mấy thầy thương thì nhờ ghét thì chịu.’
Người lính không muốn nghe tiếp, đưa cây ba-trắc dang ra
thẳng tay lùa từng tốp vô một căn nhà được lấy làm Đại Bản Doanh tạm thời. Ai
vô tới cửa cũng để lại Thẻ Kiểm Tra trên
bàn. Ai không có thì là giấy cớ mất kiểm tra, không có gì hết thì vô ngồi một
góc chờ tính sau.
Các cô gái, ái ngại ngó qua ngó lại những người đồng cảnh rồi chiếu tướng người
lính để đoán coi anh ta hiền hay dữ. Cô nào mặc quần áo phong phanh thì quơ
quào gì đó của bạn che chắn đỡ. Cô nào ướt thì mượn nhờ khăn của bạn lau được
chút nào hay chút nấy. Áo ướt, dính vô da thịt, phơi bày khiến nhiều cô mắc cở
co ro hay lấy tay che ngực, mặt bí xị như giẻ rách.
Có tiếng cười diễu, hơi lớn:
‘Tới nước nầy mà còn e lệ gì nữa! Bộ chưa từng cho ai coi sao mà che.’ Cả bọn
cười ồ, không khí buồn bã sợ sệt hình như đã bớt chút đỉnh.
Người lính trẻ ngồi trước bàn để đống Thẻ Kiểm Tra buồn tình giở ra coi từng
thẻ. Bỗng anh sửa lại thế ngồi, chăm chỉ ngó vô tấm thẻ cầm trên tay nãy giờ,
đọc lại lần nữa rồi ngước mặt lên với đám đông. Anh đọc tên người mang thẻ và
kêu lên ngồi trước mặt để hỏi chuyện:
‘Cô tên nầy? Hay là mượn thẻ của ai? Sao không giống hình trong thẻ?’
‘Dạ thẻ của em. Em là Hồng thị Én! Ai ở đây cũng đều biết là thẻ của em.’
‘Cô lúc nhỏ ở khu Vườn Lài?’
‘Sao thầy biết?’
‘Nghiệp vụ mà. Chúng tôi có cách riêng.’
‘Đâu cô nói về thời gian lúc nhỏ của cô ở đó rồi tại sao cô đi khỏi xóm. Làm gì
để sống. Có vô Khu không mà bỏ đi bí mật
vậy?’
Cô gái lấm lét ngó vô mặt người đối thoại:
‘Thầy đừng nói vậy tội nghiệp em. Làm gái ở đây đã khổ lắm rồi. Mắc vô cái tội
đi Khu có mà chết.’
‘Cô nói đi! Tại sao ba cô bị bắt!’
‘Ba em nói sao thì em nói lại với thầy. Bữa đó có người mang một gói gì đó, ông
ta nói là trái cây người bà con ở Cai Lậy biếu khi đi thăm. Ổng đi xe ba em. Sợ
trái cây dập, mà ôm thì mỏi tay, ông ta kêu ba em mở thùng xe dưới chỗ ngồi, bỏ
vô, ông ta ngồi trên cho dễ dàng thoải mái. Chạy gần tới một chốt xét xe vừa
mới được dựng lên, ông ta nhảy xuống băng qua đường lẻn vô hẻm, xe ba em bị
chận lại xét. Có chứa lựu đạn. Ông bị giam mấy tháng, sau họ thấy tình ngay lý
gian nên thả ra.’
‘Chuyện nầy thì chúng tôi biết rồi.’ Người lính mặt lạnh như tiền trả lời rồi
lơ đãng ngó ra ngoài sân. Lính tráng vẫn láo nháo với một số người vừa bị bắt
thêm khi trốn trong những nhà có cửa bí mật. Khách thương hồ trên ghe được dịp
đứng lên chỉ chỏ, cười nói.
‘…Má em lúc ba em bị tù có lùm xùm sao đó với Cậu Út cháu nội bà chủ Phát nên
bị bà ấy chưởi mắng thậm tệ. Má mắc cở bỏ nhà đi. Em ở đó vài ba ngày thì bà
Ngoại lên đem về Trà Ôn sống với ngoại… Khi ba được thả về và mướn được nhà kha
khá thì xuống dưới đó đem em lên Sàigòn. Em chưa bao giờ gặp lại má. Bả đi biệt
từ đó. Có thể là đi theo gánh hát cải lương như đã tuyên bố nhiều lần khi còn ở
với ba em.’
‘Xin lỗi. Cô đưa bóp cho tôi xét giấy tờ. Coi
có gì khả nghi không.’
Cô gái rụt rè đưa cái bóp cầm tay cho
người lính. Coi đẹp mà chẳng có bao nhiêu tiền trong đó. Cô gái chăm chăm ngó
từng cử chỉ của người cảnh sát. Coi bộ hơi mắc cở vì mình nghèo. Người lính lục
từng ngăn một hồi rồi rút ra một tấm hình. Một người đàn ông ốm yếu, mình trần
môi sứt lòi răng dưới lỗ mũi bên trái, tay anh ẵm đứa con gái chừng ba tuổi coi
bộ cũng tong teo. Cả hai chụp hình mà không vui.
Cô gái nhìn cử chỉ của người lính. Cô nhíu mày suy nghĩ.
‘Anh chàng sứt môi nầy là chồng cô?’
‘Dạ ảnh tên Bé! Mà bây giờ ảnh hết sứt môi rồi. Năm ngoái có tàu Bịnh Viện Hoa
Kỳ ghé Bến Tàu vá môi cho ảnh. Lúc nhỏ em và bạn em ăn hiếp ảnh hoài. Nhưng bạn
em lên học trường Petrus Ký rồi ở trọ gần đó luôn em không bao giờ gặp nữa.’ Cô
vừa nói vừa quan sát sự biến đổi sắc mặt người đối thoại. Người lính cảnh sát
vẫn lạnh lùng, nghiêm trang như từ trước tới giờ.
‘…Em về thăm chỗ cũ vài ba lần, không gặp người quen nào ngoài anh Bé rồi hai
đứa nghèo khổ dựa nhau mà sống. Thầy coi, có còn quen ai đâu?’
Người trước mặt bây giờ mới nhếch mép cười:
‘Chú ba Huê lúc nầy còn chạy xích lô máy không?’
Người con gái trả lời như máy:
‘Dạ còn! Nghề nghiệp bao nhiêu năm biết làm gì ăn?’
‘Anh Bé có đánh vợ như ba ảnh không?’
Người con gái hai mắt sáng lên. Cô đưa tay lấy lại tấm hình, tự tiện bỏ
vô bóp, không trả lời thẳng câu hỏi mà tuông ra tràng tâm
sự dài.
‘Lúc nhỏ em có người bạn cùng lứa, chơi với nhau thân mật lắm. Lớn lên cũng
mong gặp ảnh để được làm vợ ảnh, để được ảnh đánh mà không bao giờ gặp. Tới bây
giờ nếu có gặp lại nhau thì cũng lỡ làng rồi. Chẳng có duyên số với nhau thì
dành chịu. Chịu thua ông Trời chơi ác!’
Người lính trả Thẻ Kiểm Tra cho đương sự, nói lớn với người bạn lính khác mới
vừa bước vô:
‘Anh coi giùm mấy cô nầy, tôi phải hướng dẫn cái cô nầy đi cầu, cổ đau bụng máu
mà không dám đi một mình.’ Anh nheo mắt với bạn.
Cô gái năn nỉ nho nhỏ nhưng giọng đã có hơi dạn dĩ:
‘Cho con bạn em theo với. Nó mới có 17 tuổi thôi, bị gạt bán vô động cả tháng rồi.
Hồi vô nó còn gin. Tiếc thân nó khóc hoài.’
Cả ba bước ra cửa, đi về vùng bóng tối phía xa xa.
Một lúc sau anh lính một mình về lại căn nhà làm Tổng Hành Dinh cuộc ruồng bố.
Người bạn ngó anh gật đầu. Anh nheo mắt và mỉm cười nói nhỏ: ‘Bạn thời chơi nhà
chòi.’
Nguyễn Văn Sâm
Victorville, CA, 20 tháng 04, 2019
No comments:
Post a Comment