Saturday, November 5, 2022

Đôi Mắt Rồng - Nguyễn Chính

 

ĐÔI MẮT RỒNG




 


Nằm gọn trong thung lũng sông Vàng, sau trận lụt từ trên cao nhìn xuống làng Hạ nham nhở, loang lổ như một bức tranh vẽ dở chưa khô mực. Đông dân, ít đất, mùa vụ lại bấp bênh vì nước lụt, nên cả làng chả mấy nhà có bát ăn , bát để. Vậy mà các cụ xưa vẫn để lại được cho con cháu một di sản: cái đình, với những cột lim to tướng đen như sừng, nâng mái ngói vảy cá trĩu nặng, sỉn mốc. Thoạt nhìn đình làng Hạ cũng hao hao như những ngôi đình ở đâu đó, cũng long, ly quy, phượng, rồng uốn, hổ vờn, voi gầm, ngựa hý… in đâm dấu ấn một thời oanh liệt. Nhưng lại có điểm khác, ấy là ngay chính giữa mái, một con rồng lớn đang hướng con mắt sáng quắc xuống dưới như thể muốn hỏi, muốn nói điều gì.

Đã lâu lắm làng Hạ không cúng đình, hội hè cũng thưa dần kể từ khi các cụ trong ban khánh tiết lần lượt về chầu giời. Sân đình trở thành bãi đá bóng của lũ trẻ. Chúng tha hồ hò hét, phá phách, có đứa bậy cả lên lưng voi, tai ngựa. Tình cảnh sân đình sẽ còn tệ hơn nếu Hợp tác xã nông nghiệp không ,mượn làm trụ sở. Ông chủ nhiệm HTX tán với các bậc cao niên trong làng: “Chúng tôi sẽ xây thêm các kho chứa thóc, thuốc sâu, phân bón, cái sân sẽ cải tạo thành sân phơi, lợi chán! Sẽ có bảo vệ đêm ngày trông coi, chả hơn để cho lũ trẻ nó phá, nó ỉa vào bộ mặt của làng à?”.

Việc ấy lão Tiện vào chân bảo vệ kể ra cũng được lãnh đạo xã và ban quản trị hợp tác cân nhắc kỹ lưỡng. Thành phần lí lịch lão thì khỏi phải bàn rồi. Cụ cố nội lão là mõ làng, từng mòn tay rải chiếu đình, còn lại ba đời nhà lão đều đi ở cho nhà Phú Tín, thằng cha địa chủ giàu nhất tỉnh, đã bị nông dân đấu gục hồi cải cách. Tuổi sáu mươi nhưng lão khỏe như vâm. Thủa đương trai, lão cày một buổi bằng người khác làm mấy ngày. Vì vậy mà với lão, Phú Tín rất biết điều. Người làng Hạ còn nghe kể lại, Phú Tín có hai cô con gái luôn giành nhau được mang cơm ra đồng cho Tiện, để xem Tiện cày. Đến khi cô nào cũng ình bụng ra thì Phú Tín mới ngã ngửa người. Giữa trưa, hắn vác roi chạy ra đồng định sẽ vút đen đét vào cái lưng trần bóng nhẫy mồ hôi kia cho nó chừa cái thói mất dạy. Nhưng nhìn thằng ở cày ngon lành quá, hắn lại lắc đầu, vứt roi chửi rủa một hồi, rồi dằn mặt Tiện “ông sẽ lột xác mày”. Tiện lành như cục đất, chả biết to tiếng với ai bao giờ. Lão không có con và đã góa đến mấy đời vợ. Người ta bảo số lão sát vợ, nên gái làng nhiều đám thích lão nhưng chả cô nào dám theo. Tiện chỉ có một nhược điểm là không biết chữ. Thủa “bình dân học vụ” , tối tối lão cũng xách đèn đi học, nhưng học trước quên sau, kết cục chẳng để vào đầu chữ nào. Bí thư chi bộ làng Hạ, sau khi phân tích kĩ gốc gác, lai lịch lão Tiện, đã kết luận: “Lão Tiện tốt, giao trọng trách trông coi tài sản của tập thể, của xã hội chủ nghĩa cho một người như thế, chúng ta yên tâm”. Hợp tác xã thu xếp cho lão tiện ở một gian nhà nhỏ trong khu vực trụ sở. Rõ khổ, hàng chục năm đầu tắt mặt tối mà đồ đạc của lão chuyển lên chỉ có mấy cái nồi nhôm méo, cái rổ đựng mấy cái bát sành, vài ba bộ quần áo cũ mèm và bộ mùng mền đã chuyển sang màu cháo lòng. Bỏ lại căn nhà ổ chuột lão chả tiếc. Lão chỉ tiếc cái chõng tre, vì hợp tác xã đã đóng hẳn cho lão cái giường gỗ xoan. Tần ngần với bộ “long sàng” một lúc, rồi lão cũng tặc lưỡi: “Thôi thì tiếc cái thứ vứt đi chả chó nào thèm nhặt ấy làm gì”. Từ ngày có lão Tiện, đình làng Hạ vắng hẳn tiếng trẻ, lão bảo: “Nơi kho tàng, trụ sở trẻ con bén mảng làm gì”. Ngôi đình, trong được lão quét dọn sạch bong. Hết giờ, lão cẩn thận khóa cổng lại, ai vào lão cũng hạch hỏi, căn vặn đủ thứ. Vì thế mà chưa xảy ra mất cái gì bao giờ… Một buổi tối, làng Hạ vừa lên đèn thì lão Tiện nghe có tiếng gọi cổng. Lạ nhỉ ai còn đến vào giờ này?

– Cho tôi hỏi ông Tiện — tiếng một người đàn bà.

– Có việc gì? Từ trong nhà lão Tiện nói với ra cụt lủn.

– Dạ, xin ông cho tôi vào có chút việc.

Tôi không làm được việc gì sốt. Nhà ông chủ nhiệm ở… nhà ông bí thư ở… nhà ông chủ tịch ở… cứ đến đấy mà làm việc. Tôi là bảo vệ, giờ này không mở cửa được, trong này kho tàng không được phép.

– Ông ! Ông Tiện, xin ông ra cho tôi nói đã — người đàn bà vẫn khẩn khoản nài nỉ — Tôi từ xa tới, chẳng nhẽ lại không nhờ ông được hớp nước, lẽ nào ông lại ác đến thế.

Lão Tiện ngần ngừ một lúc rồi cũng miễn cưỡng đi ra, tra chìa vào ổ khóa. Người đàn theo lão vào trong nhà. Lão vặn to ngọn đèn dầu, rót nước đưa cho khách. Người đàn bà trạc tuổi hồi xuân, mập mạp ra dáng người tỉnh thành. Đỡ bát nước trên tay, thị không uống ngay mà đặt xuống bàn, nhìn lão trân trân:

– Anh Tiện không nhận ra em thật à? (Thị đột ngột đổi cách xưng hô).

– Chị là… là…

– Em là con gái cụ Phú đây.

Lão Tiện lặng đi mất mấy giây rồi la lớn:

– Cô út phải không? Trời ơi! Trời ơi…

Lão Tiện trở nên lóng ngóng vì xúc động, cứ nhắc đi nhắc lại hai tiếng trời ơi.

– Vậy thế cô ở đâu, đi đâu thế này?

– Em về làng tìm anh.

– Tìm tôi? Mấy chục năm rồi từ ngày ra đình cụ Phú bỏ đi…

– Thôi anh nhắc lại mà làm gì.

Đêm ấy, lão Tiện lại được tận hưởng thỏa thuê cái hơi ấm kỳ lạ của người đàn bà đã từng vụng trộm với lão thủa còn là anh trai cày đi ở mướn. Thị cho lão biết, sau khi bố mất, gia đình tan tác cả. Người chị theo chồng đi biệt tích, còn mình cùng mẹ phiêu bạt vào mãi một tỉnh xa trong Nam. Thị lấy chồng được một đứa con trai thì chồng chết, bây giờ ở vậy nuôi con. Sau những phút no nê cuồng nhiệt, lão Tiện hỏi người đàn bà:

– Cô bảo về tìm anh có việc gì?

– Em chỉ nhờ anh việc này, chắc là anh làm được.

Thị gỡ tay lão ngồi dậy, thì thào: “Trước khi mất, bố em dặn ngày xưa khi xây đình, cụ tổ bảy đời nhà em đã hiến cho làng đôi mắt rồng, chúng em phải tìm về mà lấy lại”. Lão Tiện giãy nảy :

– Mắt rồng! Rồng nào?

Người đàn bà vội bịt miệng lão: Khẽ chứ !

– Nhưng làm sao, làm sao mà tôi lấy được?

Khổ quá, có gì khó đâu…

Rồi thị châm đèn, lấy trong túi xách mang theo con dao nhỏ nhọn hoắt và hai viên thủy tinh tròn như hai hòn bi.

– Đây, anh lấy con dao này khẽ nậy từ dưới lên, thế này, thế này, rồi lắp hai con mắt thủy tinh này vào như cũ…

Lão Tiện không sao ngủ tiếp được. Lần đầu tiên trong đời lão trằn trọc. Hừ ! Lão già Phú Tín chỉ rách việc, xuống lỗ rồi còn dặn con về lấy lại thứ đã hiến cho làng từ thủa cụ tổ bảy đời. Quá lắm! Lão nhỏm dậy, với tay lấy hai viên thủy tinh gõ gõ vào nhau. Hừ, chắc cũng là đá cả chứ cứt gì. Mà khi nãy con mẹ này nó nói gì nhỉ, ừ phải rồi, đã từ lâu làng đâu có cúng kính, rước xách gì nữa mà rồng với phượng, thứ ấy cũng đâu phải của hợp tác xã. Lão chợt nhớ đến những ổ khóa đã hoen gỉ của mấy cái kho rỗng. Khoán sản rồi, trong ấy giờ cũng chẳng có chó gì đáng giá. Xưa nay, mình cũng có để mất mát gì đâu mà sợ. Nghĩ vậy, lão thở phào nhẹ nhõm, quay sang ôm ghì lấy người đàn bà… Đêm về khuya, gió thổi nhẹ, trời mát dịu, tất cả đang chìm dần vào im lặng, chỉ còn nghe tiếng sấm đầu mùa hạ ì ầm vọng tới từ xa…

Nửa đêm, trời mưa như trút nước. Người đàn chợt tỉnh giấc, lay gọi lão Tiện:

– Đến giờ rồi, nào giúp em đi.

Lão Tiện chẳng nói chẳng rằng, mặc quần áo, quàng vải mưa, nhét cái gói nhỏ có con dao và hai viên thủy tinh vào túi ngực. Lão lầm lũi bước ra ngoài trời, được mấy bước nghĩ sao lại lập cập quay vào, ghé tai người đàn bà:

– Này, mình làm vậy không biết Thành Hoàng làng có bắt tội không nhỉ ?

– Lo gì, ai thèm bắt tội anh coi kho. Chỉ riêng việc để đình làng hoang vắng, lạnh ngắt, Ngài đã cho cả làng đói nhe răng ra đấy thôi.

Sau mấy giây lưỡng lự, lão Tiện tặc lưỡi, ừ! Làm thì làm, trước sau trời đất đổi thay gì thì mình vẫn là thằng làm thuê, là đứa ở, sợ đếch gì.

Khi công việc xong xuôi thì lão Tiện đã ướt sũng. Lão chây chả tồng ngồng trước ánh đèn dầu, để người đàn bà lau khô người cho lão. Rồi thị lại kéo lão vào giường, trả công lão bằng cách xoa bóp khắp mọi nơi cho cái cơ thể còn rất cường tráng của lão nóng rực lên. Những động tác của người đàn bà hồi xuân mỗi lúc một thêm cuồng nhiệt. Hai viên hồng ngọc đã cất kỹ như cũng đang sáng lên trong đầu thị… Thì ra, suốt mấy chục năm mà cái anh trai cày ngày xưa vẫn ngây ngô, u tối, chẳng sáng dạ ra được chút nào…

***
Lúc lão Tiện tỉnh dậy thì mặt trời đã lên được mấy con sào. Người đàn bà đã bỏ đi từ lúc nào. “Không được một lời chào, bố đồ vô ơn” — Lão rủa thầm. Chợt nhớ đến việc làm tối qua, lão bước nhanh ra sân, nhìn lên mái đình. Đôi mắt con rồng vẫn nhìn lão sáng quắc. Không, không phải, hai con mắt ấy đã dại đi. Lão dụi mắt, nhìn lại lần nữa. Đúng! Đôi mắt ấy đã dại đi mất rồi. Lão hoảng hốt, làm thế nào bây giờ. Nhưng rồi lão chấn tĩnh được ngay. Lâu nay, có ma nào nó để ý đến rồng, đến phượng đâu mà lo, can hệ đếch gì. Nghĩ vậy, lão thấy nhẹ cả người.

Một ngày mệt lả đã trôi qua. Mới chập tối mà hai mắt lão Tiện đã díp lại, vừa đặt mình xuống giường lão đã ngáy như sấm. Có tiếng gì huỳnh huỵch như có ai đang đánh vật bên ngoài. Lão Tiện vừa rút được then cửa thì đã té nhào xuống đất. Con rồng đang quằn quại trước thềm nhà và vươn cổ phun nước phì phì vào mặt lão. Từ hai hố mắt nó, những viên thủy tinh rơi ra kéo theo những giọt máu đỏ tươi. Mồ hôi vã ra như tắm, lão hét toáng lên, vùng chạy, nhưng chân tay cứ nặng trĩu không thể nhấc lên được… Một cơn gió làm hai cánh cửa sổ đập mạnh vào nhau. Lão giật mình choàng tỉnh, thì ra lão nằm mơ…

Sáng ra, một cơn đau đầu dữ dội khiến lão Tiện lăn từ giường xuống đất, rồi lại từ đất lên giường. Người ta vội đưa lão đi bệnh viện. Bác sỹ bảo, lão bị “thiên đầu thống” cấp tính, khó mà cứu nổi hai con mắt. Quả nhiên, sau khi ra viện mắt lão mờ dần, mờ dần cho đến khi bóng đêm hoàn toàn bao trùm lên lão. Và, sau một trận ốm thập tử nhất sinh nữa, lão thành người mất trí. Lão thường chỉ tay lên mái đình và gào lên những tiếng lạ tai đến khản đặc cả cổ. Không ai ở làng Hạ hiểu nổi lão Tiện muốn nói cái gì. Theo hướng tay lão,họ chỉ thấy con rồng lớn vẫn nằm đó, toàn thân nặng trĩu bởi những lớp rêu đen. Chẳng biết đã có ai nhận thấy, đôi mắt của con rồng làng mình, từ lâu đã không còn phát ra được những tia sáng quắc?

Nguyễn Chính

304Đen – llttm - OVV

 

 

No comments: