BIẾT THƯƠNG MÀU LÁ
Suốt buổi chiều tôi đi qua dưới những tàn lá vệ đường. Từ lúc mặt trời
ban trưa đổ lênh láng trên da thịt rám nắng ướt mồ hôi, cho đến khi hoàng
hôn lần xuống, màu xám xanh của trời phơn phớt cùng những ngọn gió mát thổi hây
hây từ con sông quen thuộc.
Tôi đi hái những trái bàng xanh, đè nghiến nó trên mặt đường, dùng đá
nhọn hay chiếc guốc mộc đập vỡ nát lớp vỏ ngoài xơ xác, đôi chút hột bàng không
còn nguyên vẹn, từng mảnh nhỏ béo bùi trong miệng. Hồi đó, tôi chưa biết thương
màu lá. Tôi chẳng hề quan tâm đến lá cây, lá non, lá vừa xanh hay lá chết vừa
lìa cành. Tôi chỉ chú ý đến những trái chín.
Và có lẽ không nơi nào bằng được vườn nhà tôi, quanh năm cây đầy trái.
Mùa nào cũng có một thứ trái cây vừa ửng chín, thay phiên nhau cống hiến quả
ngọt cho tôi không bao giờ thiếu vắng. Hết nhãn lồng đến mãng cầu, trứng cá,
trứng gà, cam, quýt, thanh trà, mít, khế ngọt, ổi, “chay”… và một vài thứ khác
nữa, tưởng có thể bày một cửa hàng trái cây ngay trước cổng.
Nhưng nhà tôi không phải là một nhà buôn bán. Nhà sống êm đềm tĩnh mịch,
dành những căn phòng cổ kính với bàn thờ ông bà nghi ngút khói hương cho người
lớn. Còn khu vườn hoàn toàn dành riêng cho trẻ thơ.
Và trẻ thơ thì không thích đổi chác. Trẻ thơ xẻ từng múi bưởi ngọt đem
chia sớt cho bạn bè. Đêm đêm khi đói bụng trẻ thơ đến trước cổng nhà bạn, huýt
sáo ra hiệu rồi xúi bạn xin mẹ vài đồng để hai đứa dắt tay nhau ra chợ ăn chè
đông sương. Trẻ thơ, thường là một kẻ hào hoa, đôi khi phải làm hành khất… “đại
hiệp”, nhưng chẳng bao giờ là một nhà doanh thương mại bản.
(Đến nay, khi đã lớn, tôi vẫn còn là một kẻ hành khất hào hoa và cũng là
một khách hào hoa… khất thực).
… Vườn nhà đến mùa trăng, tôi bỏ quên vườn. Vì một ngày lễ Trung thu
tưng bừng đang được tổ chức ở trường học.
Trường nằm bên bờ sông, năm ấy thay vì phát quà bánh Trung thu chán phèo
như thường lệ, thầy giáo dạy môn sử ký đề nghị dựng lại một chiến tích lịch sử
oai hùng trên sông: Hưng Đạo Vương đại thắng Ô Mã Nhi. Cả trường bận rộn tập
dượt liên tiếp mấy ngày. Áo mũ xênh xang, gươm giáo sơn phết hoa hòe, pháo khói
màu cũng xoay được đủ cả. Ông hiệu trưởng chạy đi thuê mấy chiếc đò, thầy giáo
lật lại cuốn Việt Nam sử lược của cụ Trần Trọng Kim để tìm thêm vài chi tiết.
Thế rồi chiều mùa thu hôm ấy, nước sông Hương gợn sóng, là Bạch Đằng
Giang dậy sóng.
Đáng buồn thay, tôi bị xếp vào phe quân Tàu, lại phải thủ vai Ô Mã Nhi
mới chết chứ. Tụi được làm quân Việt, bây giờ đang hớn hở múa tay múa chân hăng
hái xuống thuyền ở bờ sông bên kia. Cái thằng bạn cùng lớp được vinh dự và may
mắn làm Hưng Đạo Vương lăng xăng sửa râu sửa nón, tay cầm kiếm gỗ hứng chí vung
vẩy.
Quân tàu phù như bọn tôi thì ngồi trên đò mặt mày rầu rĩ, những bộ mặt
bôi phấn vẽ râu khi méo xẹo bất mãn trông như những thằng hề. Chưa ra quân mà
biết chắc đã thua trận rồi, làm sao cãi lại lịch sử được.
Bên kia bờ, đại quân Việt đã từ từ chèo đò tách bến, “khí thế” coi dũng
mãnh gớm. Quân Tàu chưa chi mà đã thấy bủn rủn tay chân. Tôi phải vén cái mặt
nạ Ô Mã Nhi lên một chút, hớp một miếng “bia lây” để lên tinh thần, rồi thúc
hối “quân lính” chèo thuyền xung phong. Đúng như chương trình, bọn tôi được tấn
công tưng bừng một lúc, Hưng Đạo Vương ra lệnh lui binh để dụ địch. Quân địch
chèo đò tại một quãng, rồi thi nhau ầm ĩ la hét thách thức quân Tàu đuổi theo.
Tôi đang ngần ngừ. Tiếng thầy giáo cố vấn đang chạy dọc theo trên bờ
sông gân cổ trong máy phóng thanh:
– Đuổi theo đi… Còn chờ gì nữa?
“Phó tướng” của tôi, một thằng chuyên môn đứng nhất về Việt sử, lên
giọng “quân sư” ngăn cản:
– Đừng dại. Coi chừng trúng kế, tụi nó dụ mình đến khúc sông có đóng cọc
sắt để phục kích đó.
“Ô Mã Nhi” bực mình, càu nhàu:
– Ai mà không biết. Nhưng thầy đã dặn mình là phải đuổi theo để tụi nó
bao vây bắt sống. Làm sai chương trình là chủ nhật bị cấm túc liền.
Thế là quân Tàu cũng phải chèo đò đuổi theo, dầu biết trước là sẽ đi vào
“cửa tử”. Khi những chiếc đò của hai phe chạm sườn vào nhau, một tiếng pháo
hiệu nổ vang cùng lúc với tiếng reo hò “Sát Đát! Sát Đát!” inh ỏi. Quân Việt
tới tấp nhảy qua thuyền bọn tôi, vung gươm sát phạt. Đã được lệnh trước, tụi
tôi chưa xáp trận mà đã phải buông gươm giả vờ lăn ra chết.
“Hưng Đạo Vương” hùng hổ nhảy tới trước mặt tôi, định đánh bay thanh
kiếm gỗ, nhưng hắn đánh trật vào cườm tay tôi một cú đau điếng. Tôi cáu sườn
vung mã tấu quất vào ống quyển hắn một cái “cộåp”, thằng nhóc ngã lăn ra. Kêu
oai oái mà chẳng thấy thằng lính hầu nào thèm đỡ dậy. Quân Tàu thấy chủ tướng
đột ngột phản công một cách lý thú vỗ tay khoái trá reo hò rồi lượm gươm giáo
lăn vào chiến đấu. Thế là sai hẳn với chương trình, quân Tàu giờ đây lại sắp
thắng thế.
Quan khách (trong đó, trời ơi… có ông hiệu trưởng!) đang đứng trên bờ
chắc ngạc nhiên lắm. Tôi lại nghe tiếng thầy giáo khàn giọng la hét:
– Ô Mã Nhi! Mi làm gì kỳ vậy? Bọn mi mau vất gươm đầu hàng… nhảy xuống
sông làm bộ chết mau lên!
Thằng phó tướng của tôi lại lên giọng… “‘Tam Quốc Chí”:
– Mi đừng thèm nghe. Tướng đã ra quân có khi không thèm tuân mệnh vua!
Trời ơi, tôi phải làm sao đây? Một bên là thầy giáo cứ bắt đầu hàng khi
mình đang sung sức như cọp dữ, một bên là tên quân sư quạt mo với bầy lính cứ
muốn choảng nhau một trận tận tình rồi ra sao thì ra…
“Hưng Đạo Vương” bây giờ mới lồm cồm bò dậy được một tay nắn bóp ống
chân, xuống giọng năn nỉ với tôi:
– Thôi mi chịu thua đi. Không cả hai đứa đều bị phạt hết.
Tôi đành phải nghe theo lời nó. Không tuân mệnh vua thì chưa biết sao
chứ cãi lệnh thầy thì ốm đòn là cái chắc… Và kết quả trận đánh đúng theo như
lịch sử, quân Tàu lớp bị bắt sống, lớp chết trôi đầy sông, chỉ có tên phó tướng
của tôi là cứng đầu hơn cả, hắn bực tức đòi nhảy xuống sông “tuẫn tiết” (nhưng
tôi biết hắn sẽ bơi một mạch lẻn trước lên bờ sông, chỗ đang có hàng bán xi- rô
và đá chanh muối).
… Tôi về đến nhà khi trời đã tối. Mâm cỗ Trung thu đã được bày ra trước
sân, bánh nướng, bánh dẻo, trà Tàu… Bà ngoại tôi cùng mấy ông cậu, bà dì ngồi
trầm ngâm trong vườn, mọi người đều nhìn lên trời thưởng trăng.
Trăng đêm nay sương đầy vằng vặc, loang loáng trên sân làm trời có vẻ
như một sớm mai còn nằm trong sương chứ không phải là đêm.
Tôi không thích nhâm nhi trà Tàu. Tôi lủi thủi đi quanh quẩn trong sân
để thích thú nhìn thấy bóng mình chập chờn đi theo dưới đất.
Tôi nhìn trăng và cũng thấy trăng đi theo tôi. Tôi đi tới đi lui khắp
cả, vừa đi vừa nhìn lên trời, đi đâu tôi cũng thấy trăng chậm rãi theo mình.
(Ước gì suốt đời tôi được sống gần bên trăng xanh bình yên đó nhỉ).
Một ngọn gió từ đâu trong đêm thổi hơi mạnh làm cây lá chập chờn lung
lay. Dì N. khẽ kêu lên với tôi:
– Trời ơi, cháu nhìn lá rơi kìa. Coi tội nghiệp và đẹp không?
Không, tôi không thấy đẹp gì cả. Hồi đó, tôi chưa biết nhìn lá, chưa
biết thương màu lá, chưa biết buồn cho đời lá.
* * *
Khi biết thương màu lá, là biết mình đã lớn.
Tôi đã lớn. Nhưng không phải từ tốn nhẹ nhàng lớn lên trong khu vườn địa
đàng, mà lớn lên trong gió cát bụi mù giữa dòng đời lang bạt. Tôi đã qua tuổi
hai mươi, không phải qua trên hai tay chăm sóc của mẹ hiền, mà qua suốt hành
lang trắc trở của cuộc đời hai mặt dối lừa.
Tôi đã lớn… và tôi đã trở về. Không còn tuổi nhỏ để leo hái những trái
bàng cho hàm răng nhai ngon, mà giờ đây, suốt buổi chiều tôi thẫn thờ lặng ngắm
tàn lá thay màu. Trên cùng một khóm cây, trên cùng một chiếc lá, mà những màu
sắc đã dần đổi thay khác biệt. Đến mùa lá rụng, mùa thu, chỉ còn một chút màu
xanh non dại trên cành, lấm tấm lẻ loi trong màu nâu, màu vàng, màu đỏ sẫm và
màu chết úa… những màu sắc sống động kỳ diệu của loài cây chan hòa tan loãng
trong nhau, mắt mình nhìn chăm thật lâu, mình sẽ thấy nhòa đi sau màn lệ mỏng
cả một màu lá xôn xao rung động, từ đó, có lẽ mình mới biết thích những bức
tranh phong cảnh tuyệt tác của Monet, vì trong những tảng màu nhạt nhòa đầy ánh
sáng chan chứa với nhau đó, đã biến hình vĩ đại, đã gợi hứng lớn lao cho tâm
hồn mơ ước cùng thắm hòa với thiên nhiên nguồn đẹp vô ngần của trái đất. Từ đó,
có lẽ mình mới bồi hồi day dứt hơn vì một câu thơ ngắn mơ màng: Rừng phong thu
đã nhuộm màu quan san…
Từ đó… Từ lúc biết thương màu lá, là cho dù vào một đêm thu, trăng có
rực sáng trong lành vẫn không còn tìm được chú Cuội ngồi gốc cây đa, chị Hằng
cũng không thấy đâu trên trời. Mà ngay ở dưới trần gian này… ôi thôi, biết bao
nàng Hằng Nga cứ lần lượt thay nhau cười cợt đời mình, không chịu múa khúc Nghê
thường mà chỉ giẫm nhẹ gót chân vào lòng mình nhói đau rồi tung bay mất hút.
Từ lúc biết thương màu lá, là không còn rước đèn kéo quân đi trong sân
hồn nhiên hát bài “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi…”, mà chỉ vang vang thăm thẳm
trong tim nhạc khúc âu sầu của Đoàn Chuẩn. “Thu đi cho lá vàng bay… lá rơi cho
đám cưới về. Ngày mai người em nhỏ bé… ngồi trong thuyền hoa… tình duyên đành
lỡ…” và cho dù lá không rơi, đám cưới cũng về. Những hôn lễ chẳng đợi mùa thu
hay mùa xuân, những đám cưới choàng áo cô dâu cho những người em nhỏ bé của
mình hết em này đến em khác mà mình suốt đời làm chú rể với mấy ngọn đèn đêm vất
vưởng.
(Ch. của tình đầu ở thị trấn Buồn Muôn Thuở; L. của giảng đường và thư
viện mà có lần chúng ta vào đó không phải để tìm sách đọc, chúng ta lật từng
trang sách của hồn nhau; V. của những xoa dịu sẻ chia trong một thời lo âu bất
trắc… Và trên hết, sau hết, tôi biết trước rằng một ngày kia, N. sẽ bẻ gãy ngọn
cỏ chong chong của em để quên tất cả mà an lòng qua cầu, rồi có lẽ tôi sẽ một
lần về đó, một mình đi qua cây cầu nhỏ của em, khẽ hát bài ca của một nhân vật
trong đời Tam Quốc: “Cưỡi lừa qua cầu nhỏ… thương tiếc khóm mai gầy…”. Cả N.
nữa, cô bé đôi khi kéo dài “giờ ra chơi” cho đến chiều tối, cũng có ngày em sẽ
quên lược gương bỏ rớt đâu đó vào một thuở nào, vào một ngày nào, vào một túi
áo nào, để nhẫn vàng thay cho nhẫn cũ bạc màu thô sơ).
Thôi… một lời ca đã kéo tôi đi quá xa rồi. Bây giờ tôi xin trở về trong
khu vườn, vườn tôi hay vườn nhà ai cũng được.
Nửa đêm trăng, có nhiều bạn hữu. Mọi người đều đã lớn, rượu và đồ nhậu
thay cho bánh trà. Quỳnh hoa lan hương thoang thoảng, rượu Bách Nhật say ngọt
uống mềm môi. Người xưa Thu ẩm Hoàng Hoa tửu, ngày nay, tôi được uống một chai
la ve trong bầu không khí thân ái này là cũng thỏa mãn lắm rồi.
Tôi và người thiếu nữ đi xa dần tiếng nói chuyện cười đùa của người
khác. Tôi và nàng đứng trước một hòn non bộ, lặng lẽ ngắm cảnh núi non sông
nước thu nhỏ lại như một chiếc hộp, mà vẫn gợi lên cả một bầu trời bao la.
Những hòn đá chồng chất bên nhau, lâu ngày mọc đầy rêu xanh, có những hốc nhỏ,
có những lùm cây trông không khác gì một hoang đảo thực sự, có vài mô hình giả
làm con đò neo bến, có cả lão già ngồi câu cá. Một chút đất đá, một chút cây
cỏ, một chút nước hòa hợp khéo léo trong một không gian nhỏ, chờ thời gian dần
qua, đến đêm nay trong màu trắng bàng bạc biến thành cả một vũ trụ có linh hồn,
một thế giới xa lánh tất cả phiền muộn để dành riêng cho ai đó.
Nhưng không dành riêng cho tôi và người thiếu nữ. Vì khi tôi chỉ tay vào
một tịch cốc nằm sâu trong núi, và hỏi:
– Em có thích ở đây với anh không?
Thiếu nữ hất mái tóc bối rối che lên má, nhưng đã mỉm cười lắc đầu. Thế
là từ đó, tôi biết tâm hồn tôi và người thiếu nữ, dần dà sẽ chia xa. Mọi chuyện
sẽ trở nên đơn giản và trọn vẹn từ một cái gật đầu. Nhưng vì một cái lắc đầu,
tôi sẽ trở thành một con ngựa chứng lưu lạc, mãi mãi rông chạy hoang đàng.
Tôi biết. Dầu nàng thường thích những vòng khói, và tôi đã thổi cả triệu
vòng khói thuốc đeo vào tay nàng, nhưng những vòng khói trắng mờ ấy sớm bay
loãng, tan tành rồi hoàn toàn mất biệt khỏi đời nàng. Từ đêm ấy, cả nàng và
trăng đều lắc đầu với tôi. Từ đó, tôi sống quay cuồng dưới mặt trời đỏ lửa. Tôi
đã đủ trí khôn để biết rằng không phải mình đi đâu trăng cũng đi theo, trăng ở
lại muôn đời vì tiếng nói lạnh nhạt của nàng và mình thì cứ ra đi, ra đi đi mãi
mãi. (Ôi, thế thì có trí khôn làm chi).
Mọi người thấy đó. Đừng biết thương màu lá, hãy ham hố nhai lấy trái
ngon, nuốt cho hết vị ngọt dại khờ. Chứ đừng rộng rãi tình cảm, thương cho ngọn
lá yếu đuối hay tan tác trong vòm trời hoang mang trăm lối.
Nhưng tôi đã trót là một người nhiệt tình rộng lớn
Hoàng Ngọc Tuấn
304Đen – llttm - ovv
No comments:
Post a Comment