Wednesday, November 9, 2022

Gion - Xuân Sương

 

GION

Chắc anh bạn Ch. hơi bực, bởi đã cẩn thận sửa chính tả là «Don chị ạ». Nhưng với tôi gion là ký ức, là tình cảm mặn nồng của mình về nơi sinh trưởng, tôi tôn vinh nó với cách viết khác đi không tìm thấy ở bất cứ tự điển nào. Gion. Gion của tôi. Nếu thêm chữ A nó sẽ được mang tên như Thánh.




Mỗi lần bạn bè kể lể thèm món nọ món kia, tôi sôi nổi mà mơ màng nói chỉ thèm gion, chỉ nhớ gion, chỉ mê gion… Và giữa bao nhiêu món các bạn suýt soa, tôi chẳng thấy món nào dân giã bằng, độc đáo bằng, tinh khiết bằng, nhẹ nhàng bằng, nồng nàn bằng, đáng yêu bằng món gion của tôi hết cả. Rất hiếm người biết nên thường hỏi gion là gì. Khó tả lắm. Nó có họ hàng thúc bá với hến. Nhưng nếu vỏ hến có hình thù như bất kỳ con sò nào và dày, thì vỏ gion của tôi cỡ ngón út trẻ con, dài dài mỏng manh màu trái ô liu đậm với nhiều vân phơn phớt nhỏ. Nếu thịt hến có hình dáng tròn tròn thì gion của tôi dài dài thon thả mỹ miều, phốp pháp lắm thì bằng đầu đũa cơm, trên gáy có chiếc ngoe nhỏ xíu điệu hạnh tô son màu hồng tươi rựng lên giữa màu xám nhạt toàn thân. Và hến xuất thân bá tánh có mặt khắp nơi, có thể sinh sản quanh năm con đàn cháu đống, nói tới ai cũng biết, có biết cũng không hẳn thích ăn. Gion của tôi nhu nhã lắm, quý hiếm và mong manh như rươi miền Bắc mùa thunó chờra giêng trời lành lạnh không mưa to gió lớn mới có, như thể  biết thân phận quê mùa phải nhường chỗ cho các món  sang trọng ngày xuân. Bởi là gion nên nó thiệt thà nghĩ thế, chứ ba ngày Tết nếu có nó lại là cái may cho thiên hạ vì sang hèn giàu nghèo đều ăn được, từ ông tướng đến anh nông phu đều hỉ hả khen ngon. Đó là món duy nhất không lấy tiêu chuẩn xã hội mà đo, lại có thể giúp người ta không bội thực.

Dọc dài bờ sông Trà Khúc là nơi duy nhất gion chào đón cuộc đời. Ra chút xíu đến Chu Lai không còn nữa. Vào chút xíu đến Sa Huỳnh cũng chẳng thấy đâu. Đời gion ngắn ngủi chỉ đến cuối hè, hôm nào trời giở chưng ẩm ướt gió hắt hiu, ôm tô gion ấm nóng trong tay thì Thủy Tinh có lỡ dâng  lên cũng bàng hoàng hạ xuống, Sơn Tinh trước khi vươn ngược trời cũng vội vã xì xụp vài tô. Mỵ Nương thản nhiên các anh choảng nhau mặc kệ, em ăn gion cái đã!  Bà bán gion bận áo mưa bện bằng lá dừa cứng như áo giáp, nón lụp xụp vai nhún nhẩy đôi vò đất nung nằm trong giá bằng mây. Một đầu là vò gion nằm trong  rổ, chung quanh bọc lá chuối giữ hơi ấm, đầu kia vò nước lạnh để rửa tô khách đã dùng. Trên miệng vò nước lạnh là chiếc rá nhỏ đựng đũa muỗng, gói ớt xanh và mấy cái tô, đè lên lá chuối làm nắp, chồng bánh tráng nướng thẳng thớm nằm trong bọc ny lông lủng la lủng lẳng đầu gánh. Bà hàng cầm cán cái vá mỏng tênh tang bằng sọ dừa vời vợi trong vò vài ba cái rồi kéo lên. Trong vá nước có vài ba chục con gion ẩn hiện, thấp thoáng vài mẩu hành lá xanh xanh. Khoảng 6, 7 lần vậy là chìa được cho khách đang nôn nao chờ, tô gion nóng hổi. Nhưng nghệ thuật của vò gion không phải kiểu nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Khỏi thổi. Và mặc dù trời rỉ rả mưa vò gion vẫn âm ỉ nóng, để khi mọi thành phần đầy đủ trong tô rồi thì chỉ việc hít hà thưởng thức.

Người ta kháo nhau  muốn nấu ngon,  mấy bà bán gion bỏ vào nồi vài ba con trùn. Nhảm đấy. Bản thân gion ngọt lịm mê man. Các ông ôm người tình thơm sực mùi Lancôme hay Chanel, hay môi em đượm mùi nho tươi…chắc chắn cũng không thể nào hạnh phúc như bưng tô gion giữa hai tay lúc ngoài trời se lạnh.  Mùi tanh tanh của sông, của bùn và nước gion ngà ngà xanh màu sông nước, tuyệt không gia vị nào khác ngoài chút hành lá, đánh ngã hết các mùi sang trọng.

Tô lỏng bỏng một nhúm gion dưới đáy, bẻ bánh tráng nướng vào, giằm trái ớt kim xanh. Không được dùng ớt chỉ thiên chỉ địa hay ớt to to, mà phải là ớt kim người Nam gọi là ớt hiểm, tuyệt đối, và phải là ớt xanh, không được dùng ớt chín, tuyệt đối. Mà ngộ lắm, muốn vệ sinh dùng tô nhà thì khẩu vị kém đi ngay. Như thể suốt cuộc đời của đám tô, đũa, muỗng thiếc đã thấm đẫm mùi gion trong từng hạt đất nung, từng thớ tre sống, giúp món gion thêm tuyệt diệu. Dùng đôi đũa tre xin xỉn chắc cả triệu chiếc lưỡi háo gion đã kinh qua, đảo bánh tráng lên cho thấm nước đều. Những con gion e ấp dưới đáy tô đã chui lẫn vào bánh tráng, những mẫu ớt xanh nho nhỏ đã đâm lẫn vào bánh tráng, những mẩu hành lá đã mọc lẫn vào bánh tráng… Ngũ quan ta bừng dậy. Tay thoăn thoắt trồn trộn với niềm vui biết mình sắp mãn khẩu. Mũi và lưỡi nhấp nhổm nôn nao. Tai nghe tiếng lách tách nho nhỏ của bánh rêm mình trong nước. Và mắt dán vào bức tranh lúc này đã pha màu hoàn mỹ : bánh vừa thấm, những chỗ phồng đã xẹp xuống, kịp mềm, ớt đã bớt hăng, chỉ còn mùi nồng nàn rất sang, hách dịch. Bánh tráng nướng, ớt, gion, ba mùi quyện vào nhau sực lên mũi, tạo thành một bản hoà tấu độc đáo vô song. Và ta có thể nao nức đưa vào miệng. Xin mời. Nhưng khoan, phải thong thả, gion không nóng ran, cũng không nguội, nó vừa tầm, phải ăn từ từ để thưởng thức trọn vẹn từng miếng từng miếng đang ngao du trong đường hầm cuống họng. Con đường hầm từ đó xuống bao tử không xa, xin chớ vội vàng…

 

Có những món khi bé ta yêu thích biết bao nhiêu, nhưng lớn lên hoặc đi xa đâu một thời gian, ngày về háo hức thử lại nhớ đến một thời, thường không tìm thấy hương vị hay khẩu vị như xưa. Gion thì ban đầu nhiều người ăn không được, nhưng  lạ lắm, nó như cô gái quê giản dị ngây thơ mà cực kỳ quyến rũ, nhan sắc không rực rỡ quý phái như ai nhưng có duyên ngầm, khi đã trao thân gửi phận cho nhau rồi thì không một dung nhan lộng lẫy nào làm lu mờ bóng hình nó được.

Hồi sang Mỹ, các bạn hỏi muốn ăn gì, tôi trả lời gion. Thế là cô bạn mua mấy hộp Baby Clamb của Thái Lan có hình thù con gion nhưng khổng lồ, nấu với nước gà hộp. Ngon vì thèm, nhưng vì có chất thịt gà, nó không thanh tao nhẹ nhàng nữa. Cái độc đáo là món gion chẳng chút thịt chút mỡ nên ăn không bao giờ ngấy, vị rất thanh và không bao giờ là «miếng nhục» như phở của cụ Nguyễn Tuân. Tứ thời sáng trưa chiều tối bốn cữ gion đều hoan hỉ. Lần về Quảng Ngãi, một sáng ở khách sạn Hùng Vương tôi lùng khừng chẳng muốn ăn gì. Thấy có mấy tô bánh tráng sống bẻ nhỏ chờ sẵn. Cô phục vụ «mời cô ăn gion cô». Tôi tưởng nghe nhầm. Thế là mắt rực đèn pha. Có cả ớt kim xanh. Không hẹn người thương mà vô tình gặp mới hả hê. Bưng tô gion trong tay mà lòng dạ rưng rưng. Ăn xong, tôi e dè hỏi cho cô một tô nữa được không. Và không bỏ phần nước còn lại, chỉ thêm gion mới để không nóng sôi mới đúng điệu : phải giữ bánh tráng sống vừa deo dẻo mềm, không được nhũn mới ngon.

Mỗi lần về, chị tôi đều dẫn đi ăn gion. Bây giờ tiệm gion mọc đầy, ngay ở Sài gòn cũng có, gọi là «gion giả» vì hến mạo danh. Gớm thiệt, gion mà cũng giả. Từ tỉnh Quảng Ngãi đi dọc xuống Phú Thọ, có con đường nhiều hàng gion. Người ta treo tấm bảng «Chè – Don», tức vừa bán chè vừa bán gion. Không phải như hàng phở hàng mì, gánh gion nào ăn cũng ngon và các bà thong thả bước, lặng lẽ không rao mời và khách chẳng bao giờ biết tên các bà. Có phải vì vậy mà các tiệm gion đời nay cũng không có tên riêng? Ở những nơi này thèm thì ăn, có thể vẫn ngon nhưng không có được hương vị và bầu không khí ấm cúng như xưa các bà gánh rêu rểu lúc trời xuân lành lạnh. Cho nên cũng ăn vài tô nhưng lòng không nôn nao như thuở nào ôm tô gion trong tay mà vẫn thấy thiếu, mà đã thấy nhớ, mà đã sợ xa rồi! Ăn đến mẩu bánh tráng bằng đầu cây tăm cũng không bỏ sót, giọt cuối cùng cũng múc cho bằng được, bụng căng kềnh mà vẫn thênh thang sảng khoái và vẫn thèm thuồng. Lau miệng rồi dư vị nó ẩn nấp đâu đó nhẩn nha thơm. Đem tô đem đũa trả mà chỉ muốn ngồi bên cạnh cái vò mầu nhiệm của bà. (Chả thế mà có vè Nghèo nghèo nợ nợ, Cũng cưới con vợ bán gion, Mai sau nó chết cũng còn cặp ui). Làm gì có tiệm gion bàn bàn ghế ghế. Người đi đường thì ngồi xổm vỉa hè hoặc gốc cây nào đó. Mình trong nhà ngồi ăn vẫn thấy bà hàng quang gánh hiên ngoài. Cái món rẻ tiền dân giã mà chễm chệ cửa hàng học làm sang thì nó lạc điệu biết bao. Chính cái đó làm cho gion của tôi kém đi phần lãng mạn trữ tình. Và tỉnh Quảng Ngãi nhỏ bé của tôi đang rùng mình phát triển nhưng thiếu gánh hàng gion là đã mất hết cái duyên riêng của thành phố. Mỗi lần về quê không được ăn gion thiệt, vẫn thấy thiêu thiếu, ấm ức, bâng khuâng như đám trai trẻ hẹn hò với người yêu mà không được gặp. Ở nơi xa quê này trời thường lạnh. Mỗi lần nghĩ đến món gì ấm bụng tôi chỉ ao ước được ôm ấp tô gion…

Hồi xưa có lần truyền hình chiếu tuồng gì gì của đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, ông tướng về vùng hẻo lánh, gặp cô gái Thanh Nga, hát một câu tôi nhớ mãi. Giờ xin nhắc lại, chỉ thay chữ HOA bằng ký ức của mình:

Giữa vùng đất khô cằn sỏi đá,

Lại vươn lên loài GION vương giả này sao !

Xuân Sương

Paris, Nov. 2008

304Đen – llttm - ovv

No comments: