“CHÚ TƯ CẦU” LÊ XUYÊN
Viết
hồi ký, viết hoài về chuyện chết chóc, sự khốn khổ của kiếp người, chính người
viết cũng thấy nản. Nhưng làm sao được, vì chính những người nằm xuống đó là
chỗ thân tình của tác giả, anh em, bạn bè, hoặc là người mà tác giả ngưỡng mộ,
một nhà văn, một nhà báo, một thi sĩ nào đó. Tôi nghĩ cũng là chuyện thường
thôi, không oán trời oán đất gì hết, hay đổ lỗi cho ai. Con người ta chẳng qua
có một số mạng, trời cho sướng thì được sướng, trời bắt khổ thì phải khổ mà
thôi. Như một lần nhà văn Lê Xuyên nói với tôi.
Nguyễn
Thụy Long
Sài Gòn 1999: Nguyễn Thuỵ Long – Nguyễn Mạnh Đan – Uyên Thao.
Ðời
sống tiêu cực chăng? Tôi không biết nữa. Nói chung đời sống chúng ta như bị cấy
sinh tử phù, dở sống dở chết. Thôi cũng được. Người ta già mà chết, tai nạn mà
chết, hoặc khổ quá mà chết thì cũng là chết vậy. Tôi không muốn nói đến chuyện
chết chóc nữa. Bây giờ già rồi, có thì giờ thì dạo chơi, đi thăm bạn bè mà
không tốt sao, chúc cho nhau câu sống lâu trăm tuổi. Còn khối người bạn vẫn
sống đó, hoặc thành công, hoặc thất bại, hoặc ngất ngư, bị dính “sinh phù tử”.
Những
người bạn thành công trên đường đời, hãy khoan, tôi chưa đi thăm vội, tôi tìm
thăm những người bạn ngất ngư trước đã.
Hình
như tôi cũng có nhiều thì giờ, tôi thuộc về loại đàn ông bây giờ vô tích sự, ăn
bám vợ con, tự nhiên thích rong chơi, thăm anh bạn này, anh bạn kia đau ốm,
hoặc có chuyện khốn khổ chi đó.
Sau cơn bão, áp thấp nhiệt đới số 4 và số 5, trời lại đẹp. Buổi sáng ở thành
phố Sài Gòn, không khí trở nên trong lành, se se lạnh nhự trời thu Hà Nội. Tôi,
nhà báo hết thời, làm báo từ khi còn in báo từ máy typo bỗng thấy ngứa nghề,
nhớ nhung vẩn vơ và thích chạy rong. Tôi có thể ngồi nhà, trên căn gác bút mà
gặm nhấm kỷ niệm, dĩ vãng coi như lùi vào quên lãng cho đỡ buồn. Mà sao cẳng
tôi như cuồng lên, nhớ nhung gì đâu không. Muốn ngồi quán cà phê lúc trời tảng
sáng, muốn ngửi mùi giấy thơm mực in của những tờ báo mới được nhả ra từ máy
in, cái không khí âm âm của tòa soạn, tiếng máy đánh chữ lách tách. Hoặc được phóng
chạy như một phóng viên đi nhặt tin giờ chót, làm phóng sự: “Vẫn còn một cột
tin giờ chót để cho anh đấy trước khi báo lên máy”. Lời anh tổng thư ký tòa
soạn như còn vẳng bên tai tôi.
Ðã gần ba chục năm nay mà sao tôi thấy gần gũi như mới nghe sáng nay. Ôi nhớ
nhung vô vàn. Tôi yêu nghề, nâng niu nghề nghiệp của mình đến trọn đời. Vậy sao
nay tôi lại gác bút đến hai mưới mấy năm trời, như một số anh em khác. Do lý do
tế nhị khó nói ra nên ai hiểu sao cũng được. Nhưng những dự định viết cái gì đó
trong đầu người cầm bút vẫn còn đó, mãi mãi như một nỗi bất hạnh dai dẳng… Tôi
đã thấy điều đó từ nhiều năm qua.
Sau cơn áp thấp nhiệt đới trời đẹp, tôi lại ngứa nghề, muốn lên đường để nhìn
ngó lung tung, muốn đi trở lại những con đường mà trước đây tôi từng in dấu
chân thuở viết văn làm báo, thăm lại một số bạn bè xưa.
Thế là tôi rời căn gác bút, ra đường trên chiếc xe đạp cũ rích, cà là tàng đi
trên các nẻo đường, từng quen thuộc mà nay hơi xa lạ đấy. Thành phố thanh bình
như khi tôi còn hành nghề phóng viên, bên ngoài thành phố khi đó vẫn ì ầm tiếng
súng, chiến tranh khắp mọi nơi, thành phố khi ấy chỉ là phồn vinh giả tạo.
Hôm nay thành phố vẫn đẹp, vẫn văn minh mà dân quê vẫn hứng chịu mọi bất công,
thối nát, đói nghèo. Nạn nhân chính của thiên tai lũ lụt trên đồng bằng sông
Cửu Long, miền Trung đất cày lên sỏi đá. Thành phố chỉ có một bộ mặt thanh
bình, văn minh, nhưng mặt trái của nó thì khác. Xe hơi, xe gắn máy đời mới chạy
nườm nượp trên đường. Tôi chóng mặt, nhảy xuống khỏi xe đạp dẫn bộ, nhưng mà sao
cứ vẫn chệnh choạng. Tiếng xe hới thắng kít sau lưng tôi, tôi nhìn, một thanh
niên trẻ lái ô tô con thò cổ ra cửa, ngoạc mồm chửi:
“Ðịt mẹ thằng già, chán sống rồi hả?”
Tôi nghệt mặt ra, anh ta chỉ đáng tuổi con tôi mà phát ngôn được một câu độc
chiêu như vậy. Tôi ngỡ ngàng đến không kịp phản ứng, chiếc xe hơi bóng loáng
phóng vút đi bỏ lại một nạm khói xộc thẳng vào mũi tôi, chạy xuyên qua suốt lên
óc. Có lẽ cậu bé thuộc loại con ông cháu cha, hoặc giả là ông bé mà làm lớn,
loại này ở đây thì nhiều lắm. Tôi, dân đen, thấp cỗ bé miệng chịu đựng xử sự
của những người thuộc loại đó nhiều năm và quen rồi.
Tôi nở nụ cười ngu ngơ đứng xem một đoàn du khách nước ngoài “tham quan” Sài
Gòn 300 năm, thành phố Hồ Chí Minh. Ở những con đường chính, tôi đã “tham quan”
coi như hết rồi. Tôi đã đi qua nhiều, xưa kia là tòa báo tôi đã làm việc. Bây
giờ thì tôi đi thăm ai đây?
Tôi dừng lại ở đầu đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng) và đường Nguyễn Trung
Trực. Tại nơi này nhìn qua Thư viện Quốc gia, Đại học Văn khoa hồi xưa, có một
kiosque bán cà phê, nhìn sang bên kia đường là tòa báo Ðại Dân Tộc, phía góc
đường Thủ Khoa Huân, Gia Long là báo Sống. Nói tóm lại có rất nhiều tòa báo
trên quãng đường ấy. Ký giả, phóng viên, nhà văn sáng sáng ngồi đầy các quán cà
phê lề đường, tất cả đều quen nhau, thân thiết đến độ xộc thẳng vào đời tư của
nhau, nên tình nghĩa bạn bè cũng rộn rã. Sau năm 1975, ngày “đứt phim”, báo chí
thuộc chế độ cũ dẹp tiệm, ký giả nhà văn có người đi mất, người còn sót lại lêu
bêu. Tôi ở trong số đó. Buồn quá đi thôi, bỗng dưng tôi phải buông bút (mới chỉ
buông chứ chưa gác), vẫn còn nghĩ mình dùng được ngòi bút để phục vụ độc giả.
Sau vài lần “vỡ mặt” mới sáng mắt ra.
Nơi tôi đứng là một lề đường rộng, cái kiosque sơn màu xám xỉn cũ kỹ nay đã
biến mất. Nơi đó tôi từng ngồi, thân thiết chủ quán đến độ có thể ghi sổ nợ
từng ly cà phê, điếu thuốc thơm trợ hứng cho lúc viết bài hay trang feuilleton
đăng trên nhật báo. Chẳng phải riêng mình tôi mà nhiều anh em đồng nghiệp cũng
thế. Sau ngày đứt phim tôi còn thấy lai rai vài người. Họ vớt vát cái gì, hay
chờ đợi như ngày anh em tụ lại với nhau khi báo được lệnh đóng cửa.
Hình ảnh nhà văn Lê Xuyên, anh em quen đùa gọi là chú Tư Cầu, tên tác phẩm nổi
tiếng của anh viết về đồng quê Nam Bộ, dĩ nhiên là có những mối tình quê mùa mà
không kém đam mê, tiêu biểu là nhân vật chú Tư Cầu Trước ngày miền Nam bại
trận, Lê Xuyên là tổng thư ký báo Sài Gòn Mai rồi Ðại Dân Tộc, anh có cái nhạy
cảm của người làm báo cùng với sự sâu sắc của người viết văn. Anh đã có cả lô
tiểu thuyết ấn hành, tôi không nhớ hết. Nhà văn Lê Xuyên hay nhà báo Lê Xuyên
cũng được. Nhưng anh em gọi anh là chú Tư Cầu cho thêm phần thân mật. Nhưng
hình ảnh của nhà văn Lê Xuyên gây ấn tượng nhất cho tôi là sau ngày chế độ Sài
Gòn bại trận, tôi vẫn còn thấy anh ngồi ở quán cà phê đó vào những buổi sáng kế
tiếp. Mắt nhìn lên tòa soạn xưa buồn rười rượi, y nguyên như ngồi uống cà phê
chờ anh chef typo xuốn báo cáo đã đủ khuôn, xin lệnh chạy máy, hay cần lấp một
lỗ hổng. Bây giờ không còn gì nữa, không vắng lặng mà có cái xôn xao của cờ
quạt, biểu ngữ khẩu hiệu và các trẻ thơ nối vòng tay lớn nhảy múa như cuồng ở
góc đường, góc công viên.
Lê Xuyên vẫn cái áo sơ mi bỏ ngoài quần tây, cái mũ phở giản dị, đôi dép. Tôi
chưa bao giờ thấy ở anh một sự “se sua” thời trang nào. Con người anh rất giản
dị, cái giản dị của người miệt quê Nam bộ, nên gọi anh là chú Tư Cầu cũng rất
đúng, không từ nào chính xác bằng. Tôi đã ngồi đó nới chuyện với Lê Xuyên, tôi
không nhớ mình nói gì. Sau đó các văn nghệ sĩ, nhà văn nhà báo chúng tôi hầu
hết bị vồ đi học tập cải tạo, Lê Xuyên đương nhiên có mặt trong đám “học viên”
đó. Anh về sớm, tôi lại gặp anh trên những nẻo đường đi bán bánh tiêu bánh bò,
rồi anh mở quán bán thuốc lá lẻ ở đường Ngô Quyền, Chợ Lớn gần nhà anh. Tôi
ngồi sửa xe đạp ở góc đường Nguyễn Kim gần đó, nên thỉnh thoảng tạt qua gặp
nhau.
Ðã lâu rồi, đến hai ba năm tôi không có ghé qua anh. Sáng nay tại sao tôi không
ghé, lần sau cùng gặp anh coi bộ anh yếu lắm. Khi đó anh nói với tôi anh tròn
70 tuổi. Ðường về Chợ Lớn đối với tôi bây giờ xa vời vợi, nhưng phải đi chứ.
Thăm một người bạn sau nhiều năm giam mình ở ấp Ðông Ba cũng là một điều hay.
Kia kìa, chú Tư Cầu còn đó, sau cái quầy bán thuốc lá cũ rích, con người anh
cũng cũ rích, gầy guộc và đầy chất Nam bộ chân chất. Cái mũ bánh tiêu rúm ró
chụp trên đầu, cái sơ mi mỏng lét, mòn cả vai, cái quần tây màu nâu ống cao ống
thấp, đôi dép không rõ bằng vật liệu gì nữa. Mặt anh gầy rộc, xanh mét. Tôi gọi
anh:
“Chú Tư Cầu!”
Anh nhìn tôi một giây xong mới hỏi:
“Có phải Trâu Nước không?”
“Chính tớ, mà sao ông gầy thế, có khỏe không?”
“Ông cũng chẳng hơn gì tôi, tôi suy yếu toàn diện rồi, 72 tuổi, hai mươi năm
ngồi bán thuốc lá lẻ ở lề đường, trên góc đường này còn gì. Cám ơn, ông mò đến
tôi mới nhớ mình là Lê Xuyên, chú Tư Cầu…”
Niềm hãnh diện còn lại của một người cầm bút. Niềm xót xa của một nhà văn đã
từng có một thời vang bóng. Nay anh ngồi đây trong sự lãng quên, hai mươi năm
ngồi ở một góc đường. Trước mặt, bên kia đường có cái đình tên Vĩnh Viễn, bên
cạnh đình có một căn nhà có bản đề “BCH phường đội 8”.
Tôi nói với anh, tôi mới đi thăm thành phố Sài Gòn về, tức là thuộc khu vực
Quận 1, Quận 3. Anh nói:
“Tớ 15 năm nay không lên đến thành phố Sài Gòn, chẳng biết bây giờ nó ra sao
nữa?”
“To cao lắm, đúng là chốn phồn hoa đô hội, cũng đã lâu lắm tớ không tới đó,
giống như gã nhà quê ra tỉnh…”
“Chúng ta giống nhau.”
Nhìn cái quầy thuốc lá cũ rích, long đinh, tróc sơn thấp lè tè của Lê Xuyên,
tôi lại lo lắng cho anh trong trận mưa chiều ngày 9 tháng 11 vừa qua nhiều con
đường ngập lụt, hàng hóa chợ Bình Tây bị nước úng hư hỏng thiệt hại bạc tỉ. Lê
Xuyên cũng chỉ cười.
Anh cố ép tôi hút một điếu thuốc Con Mèo. Trong câu chuyện của anh, tôi rút ra
được có một câu: “Tớ suy sụp toàn diện rồi”. Tôi cũng được biết hoàn cảnh gia
đình anh, bà vợ bị mắc bệnh hiểm nghèo từ mấy năm nay, một đứa con gái của anh
đã chết vì ung thư bỏ lại hai đứa con và cái quầy thuốc lá này cho anh, anh là
ông ngoại của chúng. Tôi hỏi về sự học hành của hai đứa cháu mồ côi, anh có vẻ
ngạc nhiên. Qua câu nói của anh, tôi biết anh không đủ sức nuôi hai cháu ăn
học. Một quầy bán thuốc lá lẻ như vầy ở đường kiếm chác được bao nhiêu, nuôi
bao nhiêu miệng ăn, đã thế lại phải lo thuốc thang cho người bệnh. Tôi cũng
đang mệt nhọc vì còn ba đứa con đi học nên rất đồng cảm với anh.
Xoay sang chuyện văn học nghệ thuật, Lê Xuyên than phiền với tôi rằng anh mới
đọc một bài báo nói về các tác giả làm văn học Việt Nam từ năm chục năm trở lại
đây, những nhà văn nhà thơ ở miền Nam đã từng cầm bút và có danh không được
nhắc đến một ai, nghĩa là bị gạt ra ngoài lề. Tôi nói tôi có biết quyển từ điển
văn học ấy.
Báo Kiến thức Ngày nay số 297 trang 186, mục “Ai sao?” có một độc giả tên Lê
Minh (Khánh Hòa) hỏi: Vì sao các nhà văn Võ Hồng, Sơn Nam, Nguyễn Văn Xuân,
Kiên Giang, Bình Nguyên Lộc không có tên trong Từ điển văn học do nhà xuất bản
Khoa học Xã hội in năm 1983-84? Người tòa soạn có tên là Phan Hoàng trả lời:
Chúng tôi thiết nghĩ ông nên gởi thẳng câu hỏi này về Ban biên tập Từ điển văn
học và NXB KHXH. Tin rằng ông sẽ nhận được hồi âm cho thắc mắc mà dường như tất
cả những người yêu thích văn chương đều quan tâm. Chúng tôi chỉ xin lưu ý, bên
cạnh những nhà văn trên đây, còn rất nhiều tên tuổi văn học đáng kính khác cũng
không hề được nhắc đến, dù chỉ cái tên, trong bộ từ điển tầm cỡ quốc gia này.
Chẳng hạn như các bậc tiền bối thời tiền chiến: Hoàng Ðạo, Ðinh Hùng, Nguyễn
Vỹ, Phạm Hầu, Ðoàn Phú Tứ, Bàng Bá Lân… cho đến những nhà văn nhà thơ góp phần
đáng kể vào diện mạo văn học Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến vừa qua: Lý
Văn Sâm, Dương Tử Giang, Vũ Anh Khanh, Trần Dần, Lê Ðạt, Phùng Quán, Văn Cao,
Hoàng Cầm, Hữu Loan, Quang Dũng…
Những nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ tầm cỡ như thế còn chưa được ngồi sau porte
bagage đèo xe đạp vào văn học sử nữa là… Ðừng nói là người ta thiếu sót trong
việc biên soạn, vì ban biên tập toàn là người có đầu óc, có văn hóa được đào
luyện. Sỏi đá xôn xao. Chúng tôi cười xòa, cũng xong cả thôi. Quan tâm làm đếch
gì đến chuyện đó.
Bạn bè lâu ngày gặp nhau không cà kê dê ngỗng, thì cũng dây cà ra dây muốn. Tôi
hỏi anh về việc cư trú, anh nói anh chưa có hộ khẩu, đương nhiên không thể có
chứng minh nhân dân, chẳng có giấy tờ mẹ gì cho biết anh là một con người sống
trong chế độ.
“Ông có xin nhập hộ khẩu sau khi đi học tập cải tạo về không?”
“Có chứ sao không, xin nhiều lần rồi mà người ta không cho, đôi khi còn bị mắng
mỏ khi xin giấy tờ, nên đành ì ra, bị phạt thì chịu thôi, chán rồi người ta
cũng nản.”
Ðến lúc ấy tôi mới thấy Lê Xuyên xì ra chuyện sống chết.
“Tớ cũng nghĩ về những trường hợp của những người chết chui.”
Tôi ở dưới chế độ này lâu lắm nên hiểu rất rõ từ “chui” là gì, từ này được nhập
cảng vào miền Nam sau năm 1975. Chui có nghĩa là lậu, buôn chui, bán chui, phở
chui. Những thứ không được công nhận. Chết chui thì thảm lắm, thảm còn hơn phở
chui lèo tèo mấy miếng, nước lèo thì nhạt thếch nhạt thác đựng trong bình thủy,
bát phở không hành ngò. Nói theo kiểu thời thượng là “phở không người lái”.
Thi sĩ Bùi Giáng chết, cũng ở dạng chết chui, nhưng vì ăn ở có đức nên được
chôn cất đàng hoàng, lại được người đời vớt cho một câu: “Chúng tôi đã bỏ quên
anh.” Dù rằng với cách sống của ông thì ông cóc cần. Khoác thêm cho cái xác
lạnh tanh ấy một sơ mi gỗ hay đội lên đầu thêm vòng nguyệt quế nữa thì nhằm nhò
gì.
Thuở còn ăn mắm mút dòi, gạo châu củi quế, người dân khoái xài đồ chui hơn là
đồ quốc doanh. Vì, muốn ăn một bát phở quốc doanh phải xếp hàng cả buổi, nhân
viên phụ trách khâu bưng phở mặt vác lên như ba cái thớt chồng lên nhau, dằn tô
phở trước người mua phiếu như ra ơn ban phát, bố thí. Phở đồng loạt là phở
chín, khách hàng không nên đòi chín nạm gầu hoặc xin thêm nước béo hành trần
lôi thôi, chẳng ngon lành gì hơn phở chui.
Người ta thèm nụ cười cầu tài của anh bán phở chui, lấy chuyện đó làm hài lòng
nên cũng ấm cái bụng. Chứ không treo bảng “khách hàng là thượng đế” như bây
giờ.
Nhìn sang bên kia đường tôi thấy một sạp báo. Báo chí đủ các thể loại phục vụ
độc giả, sắc màu rực rỡ, hấp dẫn, in ấn đẹp bằng mười ngày xưa, hơn thuở tôi
còn xách bút chạy rong nhiều. Sự tiến bộ trong ngành báo chí trông thấy ngay
trước mắt. Tôi nói với Lê Xuyên:
“Có một dạo tôi tính mở một sạp báo bán cho đỡ buồn, nhưng rồi lại thôi, dù có
mượn được vốn.”
“Tại sao vậy?”
Tôi lắc đầu:
“Sau những ngày thực tập nghề bán báo, tôi bỗng cảm thấy buồn, vì ngày nào cũng
đụng đến báo chí tự nhiên mình thấy nhớ nhung gì đâu không, cái dĩ vãng làm báo
tội nghiệp của tôi ám ảnh tôi quá nhiều.”
Lê Xuyên vốn là tổng thơ ký của nhiều nhật báo gật gật đầu:
“Ờ ông nói có lý đấy, chúng ta không thể hành nghề bán báo được, sẽ buồn lắm,
không như nghề bán thuốc lá lẻ của tôi.”
Có người khách ghé mua một gói thuốc lào. Bây giờ tôi mới biết anh còn bán cả
thuốc lào đượm khói dân tộc nữa, nhặt nhạnh từng cắc một, quả là con người
lương thiện từ đầu đến chân.
Chia tay chú Tư Cầu vì trời đã muộn. Gặp anh tôi không thể không nhớ đến nhan
đề một truyện dài của anh là Gió đưa trăng. Sau này tôi biết anh lấy từ câu hò
trữ tình trên sông nước Cửu Long. Câu hò như thế này: Gió đưa trăng, trăng đưa
gió, [con] trăng lặn rồi gió biết đưa ai?…
Tôi như nghe thấy tiếng ca trữ tình vút lên thinh không, man mác trên sông nước
Cửu Long, đồng bằng lúa gạo Nam bộ. Tính chất Nam bộ trải dài trong tác phẩm
của anh và ở ngay chính con người anh. Trăng lặn rồi gió biết đưa ai? Có phải
một câu than thở không? Tôi lẩn thẩn mãi với câu hỏi ấy trong đầu. Tôi nghĩ đến
hát ru Nam bộ mà Lê Xuyên đặt tên cho tác phẩm của mình, có một câu bỏ lửng.
Tôi về đến nhà ở Ấp Ðông Ba xưa vào buổi trưa, mở truyền hình lên coi. Tôi nhận
được tin cơn bão số 6 đang trên đường đổ vào bờ biển Việt Nam. Sao mà khổ thế
nhỉ, bao nhiêu là tai ương. Người ta kêu gọi nhân dân chống bão lụt.
Tôi nghĩ hoài về nhà văn Lê Xuyên. Mưa ập xuống ngập đường như sông. Trên con
đường Lê Xuyên ngồi bán thuốc lá lẻ nước ngập đến bụng, liệu Lê Xuyên có khiêng
nổi xe thuốc đội lên vai lên đầu để tránh ướt không, bảo vệ cái vốn liếng nhỏ
bé, duy nhất của gia đình anh trên đôi vai còm cõi.
Tôi lo lắng, thương xót bạn, thầm cầu xin sự an lành đến với anh. Năm hết Tết
đến rồi. Anh từng nói từ lâu rồi anh không có mùa xuân.
Nguyễn
Thuỵ Long
Nguồn: Chương VII: “Chú Tư Cầu” Lê Xuyên, trích Giữa
đêm trường, hồi ký của Nguyễn Thuỵ Long (trang 101-114), nxb Tiếng Quê Hương,
Virginia 2000, USA
304Đen
– Llttm - sgtc
No comments:
Post a Comment