LÀM NO
HAY CÁI ĂN TRONG NHỮNG NGÀY NƯỚC NGẬP
Qua
những rặng tre bị ngâm đã lâu, cành lá úa rực, xiêu đổ, chiếc thuyền nan
của chúng tôi phải len lỏi, chỗ thì phải cúi đầu để chui qua những cây sắn đổ,
chỗ thì phải đè một cành cây cổ thụ xuống nước, chỗ thì phải gạt những trà rào
trôi nhấp nhô trên mặt nước đỏ ngầu và phải đẩy cong con sào mới vượt được cụm
bèo tây ứ lại. Chiếc thuyền mỗi chốc chòng chành làm cho tôi lảo đảo, nhưng cái
ý muốn mục kích cảnh điêu linh cùng khổ của dân lụt đã làm cho tôi quên cả nhọc
nhằn. Một vùng nước mông mênh bát ngát, bao nhiêu những nhà tranh vách đất chỉ
còn trông thấy những mái úp sập sè hình như những quần đảo ẩn hiện chập chùng
theo làn nước bạc mà rập rờn như phao. Những thuyền nan, những mảng chuối nhấp
nhô chen chúc tựa lá tre dưới những rặng cây lả lướt. Đàng xa kia, trên những
gò, đống mấp mô thấy lố nhố những sừng trâu cong vắt; con đứng, con nằm, thỉnh
thoảng lại nghe tiếng rống lên như báo cho chủ biết nỗi thèm rơm đói cỏ của nó
Người ta bảo trận vỡ đê Đồn Vàng nước to hơn năm Quý Tị. Thằng bé chở thuyền
cho tôi ngoảnh lên hỏi:
- Cậu
định đi đâu?
Tôi
thẫn thờ đáp:
- Đi
đâu cũng được!
Thuyền
qua một rặng trúc, nhìn vào bên trong thấy có ba gian nhà tranh xiêu lật lại
đằng sau. Trước nhà, biệt ra một khu vuông vắn như một cái ao, tôi đoán chừng
đó là cái sân. Trước sân đóng bốn cái cọc tre, trên bắc cái chõng, chiếc rổ đeo
lủng lẳng một bên, chiếc sào vó ghệch lên thành chõng. Phía dưới là một cái
mảng ghép bằng bốn cây chuối. Từ cái chõng đi vào trong nhà, có một cái cầu tre
vắt ngang. Một người đàn ông, vóc rạc hom hem, đầu trọc tếu, ngồi thu hình
trong chiếc áo bành tô rách mướp, nét mặt đăm đăm nhìn xuống tăm nước đục lờ.
Tôi hỏi:
- Nhà
ai đây?
- Đây
là nhà bác ba Tụy.
- Rẽ
vào chơi đã.
Thằng
bé khom lưng lái mũi thuyền vào trước sân, len qua những cụm bèo tây đóng
chuồng trong những chiếc vành nong kìm bằng chiếc nạnh tre có những bè muống,
bè ngổ, bè dừa quấn quýt xung quanh. Bác Tụy trông thấy tôi, vồn vã hỏi:
- Kìa
ông Ký đã về chơi đây ư? Các ông ở tỉnh về được dịp bơi thuyền chở mảng thế này
thì thích lắm nhỉ. Mời ông lên đây, cái chõng này còn chắc chắn, ông ngồi chơi
xem tôi kéo vó cho vui.
Tôi
ghé thuyền sát cái mảng chuối, rồi bước lên. Bác khúm núm với cái điếu cày treo
trên cọc, mời tôi hút thuốc, tôi không biết hút. Bác bèn lấy thuốc giắt trên kẽ
tai, đặt vào nõ điếu, thổi cái mồi rơm, rụi than vào điếu, rúc một hơi thật
dài, cái điếu rít lên như tiếng chim sẻ, một làn khói xanh từ miệng bác đưa lên
khét lẹt, những cái xương sườn theo nhịp thở mà vươn lên rụt xuống trước cái bộ
ngực gầy nhom. Mấy đứa trẻ lau nhau, nghe tiếng người lạ chen chúc nhau thò cổ
ra trước mái tranh mà nhìn. Những cái bộ mặt gầy còm hốc hác ấy như thiếp một
màu vàng lợt, làm nổi những cặp mắt trõm lờ đờ, đần độn. Tôi đưa đà hỏi:
- Thế
nào, bác kéo cá có được khá không, cho tôi mua một bữa nào, có con nào to
không? Ngồi kéo vó giữa sân cũng thú nhỉ.
Câu
nói của tôi như nhắc bác chưa cất vó. Bác nhoẻn mép nhìn tôi, rồi vui vẻ pha
trò, gạn bán mẻ vó bác sắp cất. Nói rồi khom lưng, bãi càng, kẹp đầu sào xuống
dưới háng, hai tay giương thang, cất vó lên, giọt nước theo bốn gọng thánh thót
chạy xuống, dưới lòng vó thấy hơi động, dần dần lên khỏi mặt nước, mấy cặp mắt
nhìn cả vào, thấy mẻ vó được hai con cua kềnh và bốn con giếc con. Bác vơ vó
vào để bắt, ngoảnh lại hỏi tôi:
- Ông
trả cháu bao nhiêu?
- Độ
một hào chứ mấy!
Bác
cười khanh khách và nói:
- Nếu
thế thì nhà cháu phong lưu chán!
Bác
nói rồi ngoái tay với cái giỏ bỏ vào. Tôi điểm một câu chúc của phường hội tát:
"Sí
sốc một chốc đầy giỏ" rồi nhổm lên nhìn vào trong giỏ thì mới có độ một
vốc tay tép mại, hai con ốc nhồi và một mẻ vó bác mới bỏ vào sau. Bác khôi hài:
- Thế
là nhà cháu đã được một niêu hai tay bưng rồi đấy ông ạ!
Thoảng
tiếng trẻ con trong mái tranh đưa ra:
- Bố
ơi, bố làm bánh đa cho con ăn.
Tôi
ngạc nhiên hỏi:
- Bác
lại có cả nghề làm bánh đa nữa ư?
Bác
ngặt nghẽo cười:
-
Vâng, bánh đa nhà cháu là thứ bánh đa mới chế, chưa ai biết làm cơ. Ông ngồi
đây, cháu làm cho ông xem.
Bác
nói rồi chui vào trong nhà, một lát đem ra một nắm đất sét trắng, một cái mê
rổ, một cái khăn vuông. Bác dúng cả khăn lẫn đất xuống nước cho ướt, rồi đặt
lên chõng, căng thẳng chiếc khăn vuông, phiết một lần đất lên thật mỏng, đoạn
đặt vào mê rổ, lại chui vào nhà, thổi lửa nướng. Chỉ trong chớp mắt, bác đã
bưng ra, trông trong mê rổ thấy một lượt đất khô cong, lũ con bác kéo nhau ra
xúm xít chung quanh rổ. Bác mời tôi thử nếm bánh đa bác mới chế, tôi ngẩn người
chưa hiểu bác nói thật hay bỡn, thì bác tách ra một miếng bỏ vào miệng, nhai
giòn khau kháu, lũ con bác cũng xô nhau bẻ lấy mà ăn một cách ngon lành. Bác
bảo:
- Đấy
là thứ quà vặt của các cháu, nếu ông biết thứ ăn thay cơm của nhà cháu thì cháu
xin đưa ra để ông xem.
Bác
nói rồi chui vào lấy ra một cái nồi đất to chìa cho tôi xem, và đố tôi biết là
cái gì. Tôi thấy bác gạt một lần tép vụn ở trên, dưới lộ ra một lớp đen đen,
xếp từng miếng mỏng như miếng bánh dầy. Nhìn gần lại, thì thoáng ngửi một mùi
nằng nặng, khăn khẳn, như mùi thối tai. Tôi nín thở, lắc đầu xin chịu để bác
giảng cho tôi nghe thức ăn quái gở ấy. Bác đắc chí cười rũ ra bảo tôi:
- Cũng
đất đấy! Người ta bảo chết thì ăn đất, nhưng chính nhà cháu sống về đất đấy ông
ạ! Món này là một thứ cơm nắm của nhà cháu, làm công trình hơn một tí. Mới đầu
là lấy đất sét trắng về, vật đi vật lại như ta nặn đầu rau, rồi thái từng miếng
mỏng như ta thái bánh dầy, đặt vào mủng, mẹt đem phơi khô. Khi dùng nó thì phải
có nõn sắn lót thật dầy xuống đáy nồi, rồi mỗi lượt đất lại một lượt cá tép,
rồi cho vài duộc tương. Bắc lên đun thì tra thêm tí nước cho khỏi khê, cứ nhỏ
lửa đun mãi cho tương cạn cá chín, những cái béo của tương của cá ngấm vào đất
sét đỏ như miếng hồng tầu thế là được. Tôi hỏi:
- Ăn
như thế mùi mẽ ra làm sao?
Bác
bảo:
- Nó
quanh quánh như ta nhai miếng bánh dày, lại đậm vì có tương có cá đưa đi, không
phải ăn đồ ngoài.
- Thế
ăn vào có thấy gì không?
- Việc
quái gì! Nó chỉ phải cái nặng bụng hơn các thứ rau cỏ khác. Lần đầu cháu ăn rặt
đất thì thấy tanh tanh và chán lắm, ăn vào rồi hôm sau thấy mền mệt, chắc là
không có béo bổ gì, cho nên cháu nghĩ ra cách om với cá thì ăn ra chiều dễ chịu
hơn. Tôi hỏi:
- Ai
bảo bác rằng đất sét ăn được?
Bác
nói:
- Nào
có ai bảo đâu, cũng là một cách ăn liều của cháu. Hôm nước vào đã già nửa
tháng, trong nhà hết ăn, mẹ cháu phải ra tỉnh kiếm việc làm. Bữa sáng hôm ấy
chỉ có mấy củ khoai lang đủ cho cháu ăn thôi, cháu đành nhịn đói, để anh em nó
trông nhau ở nhà, một mình chở mảng ra cái ao trước cửa đình để lặn xuống đánh
củ súng. Lặn ngụp mãi chưa dò thấy cụm củ súng nào cả, mà lòng không dạ đói,
lặn mãi mệt quá. Cháu cố lặn một hơi thật dài, mò mãi chẳng thấy gì, bèn xắn vội
nắm đất sét ngoi lên. Thấy chất đất vừa dẻo, vừa trắng, ngửi thấy tanh tanh,
nhân lúc đói ngoạm chơi một miếng, nhai rồi nuốt đi, không thấy gì, ăn hết nắm
đất, thấy đỡ cồn cào. Cháu liền bỏ cả củ súng, hãy xắn mấy cục đất đem về đã.
Đương lềnh bềnh trên mảng chuối trở về, bỗng thấy mập mờ cái vó trôi, cháu mừng
quá đuổi theo vớt được cả vó lẫn gọng là cái vó này đây. Cả nhà cháu mới ăn đất
được dăm hôm nay, các cháu cũng chịu khó ăn cả, nhưng mới đầu chưa biết cách
chế biến, ăn chóng chán lắm, cách om đất với cá này nhờ có cái vó nên cháu mới
nghĩ ra. Tuy vậy, cũng cần phải đổi bữa luôn.
- Đổi
bữa bằng gì?
Bác
chỉ tay ra mấy đám trước sân:
- Kìa
ngổ dừa, bèo tây, còn cụm rau muống là của quí nhất, hiếm nhất, cháu còn đương
gây chưa dám ăn đến, vì chưa biết bao giờ nước ra khỏi làng. Trong những thứ
rau ấy thì ngổ với dừa dễ ăn hơn, nhưng sợ ăn mãi nó cụt đi, cháu phải ăn độn
thêm bèo tây.
- Bác
làm thế nào mà ăn?
- Muối
dưa cụm sen kia, vặt lá vặt rễ, chỉ để cái vú, phơi hơi tái đi rồi muối như ta
muối dưa cải, lấy vỉ nén cho chặt. Giá không có muối mặn thì ăn nó chẳng khác
gì nhai cái ngọn mía nhạt, mà lại lăn tăn ngứa! Thứ ấy là thứ đồ ăn, ăn kèm với
cháo cám thì ngon tuyệt! Đã nửa tháng nay, cả nhà cháu không biết một hột cơm,
hột gạo là gì cả, mà cám cũng ít có, vì chỉ hôm nào kéo cá được một vài con to,
bán được dăm ba xu thì mới dám mua cám ăn, cám là thứ quý nhất, chỉ ăn cho có
hơi gạo đó mà thôi, chứ ăn nó thì lấy đâu. Một hôm, cháu nghĩ buồn cười quá ông
ạ. Đong được cám về, thằng bé lớn nhà cháu lấy nồi đổ nước lên đun, lóng cóng
thế nào nồi vỡ, không đun được nữa. Cháu bèn vớt cám ra, nắm lại một nắm, ngoài
trát một lần đất sét bỏ vào bếp nung. Thế mà ăn ngon hơn bánh khảo phục linh
đấy ông ạ. Giá được rặt cám mà ăn thì còn nói gì nữa, khốn nỗi họ lại pha mùn
cưa vào cho được nhiều lãi, thì ăn chẳng còn lý thú gì cả, chỉ thấy ráp sì
thôi.
Tôi
chợt trông thấy cây cau, cây nào cũng cụt cả, vội hỏi:
- Sao
cau cụt cả thế kia?
Bác
nói:
- Nó
cũng đã chui vào mồm cả rồi đấy.
- Cau
mà cũng ăn được ư?
- Ông
tính cái gì vào lửa mà chẳng ăn được. Ôi chà, nghĩ cái nguồn cơn ăn cổ cau mà
sợ. Lần đầu, cháu chặt một cái, bóc hết bẹ xanh rồi thái như thái măng phơi, cứ
thế luộc rồi đem ra ăn: ăn rồi, bố con rạo rực nằm mất một ngày, chân tay cứ
rời rã ra, bọt mép phèo ra, bụng vẫn tỉnh mà không sao cựa được, sau hỏi ra mới
biết phải luộc bỏ nước đi, ngâm hết nửa ngày nữa mới ăn được. Ăn hết cau rồi,
thấy làng nước họ đua nhau đi tìm củ chuối để ăn, cháu cũng vớ được vài cái đem
về bung. Ăn nó có phần mát ruột mà chắc dạ hơn ăn bèo tây, rau ngổ, hơn cả ăn
đất sét, đất sét phải cái nặng, làm rỗng cả ruột ra, về sau ăn cái gì cũng mãi
mới no!
Nhưng
củ chuối đâu mà ăn được hàng tháng trên mặt nước, chỉ được ít lâu là nó thối
nhũn ra thì còn ăn gì được nữa. Cháu cứ ăn liều mà nhiều cái cả làng phải bắt
chước cháu. Cháu còn nhớ một năm trời không làm lụt, nhưng phải năm đói kém
quá, làng nước nhao cả lên. Mẹ cháu năm ấy lại vừa ở cữ, thành ra lúng túng với
nhau, chẳng đi làm đâu được, ở làng chẳng ai mướn làm gì cả, cháu chỉ nghĩ cách
ăn trừ bữa cái ni lại ăn trừ bữa cái kia. Lần đầu cháu đi qua nền Văn chỉ thấy
một đám cải rừng, xanh tốt lắm, cháu nhấm thấy thơm thơm, liền hái một chét đem
về ăn thử, thế mà luộc chấm tương ăn thú lạ; nhà cháu ăn ba bốn ngày làng nước
mới biết thì chẳng còn gì cả. Cháu lại xoay ra tìm cách khác xem ra lợn ăn được
cái gì thì người ăn được cái ấy. Một lần cháu ăn liều mà ngon. Đương mùa nhãn,
cháu thấy ở chợ người ta vứt rất nhiều hột, cháu mới quét lấy được trên lưng
thúng đem về. Lấy dao gọt hết vỏ đen đi, đổ vào ngâm một đêm cho hết chát, rồi
tra vào nồi, bung như ta bung ngô, thế mà đem ra ăn cứ bùi nghìn nghịt như hạt
sen, đã ngon lại chắc dạ; thế là cháu cứ tìm đi các chợ, để nhặt hết hạt nhãn
đem về tích lại một gánh, vợ chồng ăn uống no nê mà chẳng ai biết cách ăn của
cháu thế nào. Rồi sau họ biết, họ đặt vè để chế cháu, cho nên làng ta bây giờ
đã có câu Nói dối thằng Trà, ăn ma thằng Tụy. ông tính thế có tức không, mình
có ăn cắp ăn trộm của ai đâu, không có, ăn xằng ăn bậy cho qua ngày đoạn tháng,
họ cũng chế, họ bảo là ăn ma ăn mãnh. Cháu thấy họ chế; tức mình giấu biệt
những cách ăn độn ăn lót của nhà cháu cho bõ ghét. Cháu còn nhiều cách ăn giản
tiện mà ngon, cháu chế biến cũng khéo, cho nên họ lo đói, cháu chẳng biết đói
là cái gì, chỉ có ngon hay không mà thôi, làm thế nào cháu cũng có cái ăn,
không chịu đói bao giờ. ông tính con sâu con bọ, con giun con dế nó còn chẳng
lo đói huống nữa là mình, phải thế không ông?
-
Phải, sống qua trong nạn đói mà vẫn giữ được lòng ngay thẳng, thật thà thì còn
gì quý hóa bằng. Giá bác tài nấu nướng thế mà ra Hà Nội mở hiệu thì...
Bác
phá lên cười, rồi tiếp câu nói của tôi: - Thì... cho chó nó ăn!... ông nhỉ?
Ánh
nắng chiếu xiên qua nan chõng, chiếu xuống làn nước đỏ ngầu, gặp trận gió rung
rinh trên mặt nước thành những đàn rắn ngoằn ngoèo. Một tảng vỏ mít lềnh bềnh
trôi vào gọng vó, bác Tụy chỉ tay mà bảo:
- Kìa,
tảng vỏ mít kia đã cứu sống vợ chồng con cái nhà cháu ba ngày đấy ông ạ!
Nói
đoạn, lấy sào kều ngửi, lắc đầu:
-
Hỏng, thối cả.
Vứt
tõm xuống nước rồi kể tiếp:
-
Thằng bé lớn nhà cháu năm nay lên tám. Ấy chính năm đẻ nó thì gặp trận đói to,
vì hai năm mất mùa liền, nhân dân lại xao xuyến về dịch lệ. Nhà cháu quanh năm
ăn độn, ăn lót, ăn thường, nhưng bu cháu mới đẻ, nếu cho ăn xằng xịt vào thì sợ
ốm đau khổ cả mẹ lẫn con, cho nên dù sao cháu cũng cố kiếm cho mẹ cháu mỗi bữa
một niêu cơm riêng để lấy sữa cho con bú, còn cháu thì ăn thế nào cũng được.
Gặp nạn đói mới biết cái khổ của hạng sức dài vai rộng như chúng cháu, đi xin
không ai cho, làm mướn không ai thuê, thế mà lại lâm vào cảnh vợ mọn con thơ
thì lại càng khổ nữa! Hôm ấy trong nhà chỉ còn đủ gạo để thổi bữa sáng cho mẹ
cháu, còn cháu thì có hai bát ngô bung. Ăn xong, cháu vác thuổng, bủa sang chợ,
đón công xem ai mượn đánh gốc bổ củi thì cháu làm.
Ngồi
từ sáng tới non trưa, chẳng ai hỏi tới, chợ thì vãn, bụng thì đói, mà chắc mẹ
con nhà cháu cũng đang mong chờ bữa. Cái nông nỗi mong chờ vơ vẩn làm cho cháu
nóng ruột bội phần. Tần ngần ngồi bên đống vỏ mít, ruồi nhặng bậu đen ngòm,
cháu nghĩ cách ăn tranh chúng nó, bèn ngả nón bốc đem về, đổ vào rổ sề đem ra
ao rửa sạch, gọt hết gai đi, rồi thái cả sơ lẫn cùi, cho vào nồi đun thật dừ.
Tra mắm muối cho vừa vặn. Còn mấy chục bát hột tìm trong đống vỏ vẫn định luộc
riêng, rồi nấu cháo cho bu cháu ăn, nhưng nó thấy cháu nhường nhịn chẳng đành
lòng, nên cùng ăn cả. Cháu bèn giã cả hột cho vào thành một thứ canh vừa bùi
vừa ngọt, ăn thú quá! Một điều sung sướng nữa là ăn vào, sáng hôm sau hai bầu
sữa của bu cháu thẳng căng, thằng cháu bú no nê, không cằn nhằn như mấy bữa
trước. Thế là mấy hôm sau cháu cứ việc đi chợ khuân vỏ mít về làm bữa, ăn rồi
lại kỳ cạch thái phơi bỏ lọ, thứ thì lựa rặt cùi để kho ăn với cơm. Nhưng mà
mít nó là giống có mùa, không thể trông vào đấy mà ăn mãi được. Cháu nghĩ ngay
ra cách ăn bã đậu.
- Bã
đậu chắc ăn chóng chán lắm thì phải, vì tôi ngửi mùi nó ngang ngang khó chịu
lắm, nhất là khi nó đã ôi.
- Làm
cho không có mùi ngang ngang, mà không bao giờ ôi được mới tài chứ! Cháu tìm ra
cách ăn được, nhất định bí truyền, thành ra các tướng cũng bắt chước cháu ăn,
rồi bỏ cả đấy ông ạ!
- Làm
cách nào mà ăn?
- Khó
gì đâu! Chỉ có mẹo một tý thì bã đậu đã thành một thứ xôi vò thượng hảo hạng!
Mới đầu hãy tãi ra cái nia, phơi trong râm, nhưng đừng để cho ruồi nhặng đậu
vào, thỉnh thoảng lấy đũa cả đánh đi đánh lại cho rời ra rồi cho vào chõ đồ,
rắc thìa muối cho đậm, hơi bốc lên là bạt hết mùi chua, mùi ngái mà ông bảo là
ngang ngang, muốn kỹ đem đồ hai lượt thì tốt lắm. Ăn bã đậu béo người, tuy mất
tiền mua nhưng cũng rẻ, cứ bốn bố con nhà cháu, một ngày chỉ hai xu bã đậu là
no phính!
- Mỗi
năm bác phải ăn độn lót thế độ mấy tháng? - Quanh năm ấy ông ạ! Có chăng chỉ
những ngày giỗ tết thì dù túng kiết thế nào cũng cố dành dụm kiếm lưng cơm quả
trứng, thoi vàng nén hương cho tinh sạch. Những ngày ấy mới là ngày ăn uống
sang trọng của nhà cháu, tưởng ăn một bữa hết hai hào chỉ, giá cứ quanh năm ăn
thế thì núi cũng phải lở, ông nhỉ?
-
Nhưng ăn rồi lại kiếm ra thì sợ gì ?
- Kiếm
như chúng cháu nghĩ mà buồn! Chỉ mong một ngày được ba xu với hai bữa cơm no
cũng còn khó thay, ấy bu cháu ra tỉnh chuyến này nếu ở được mỗi tháng một đồng
kia đấy, nhưng mà...
Thoáng
một vẻ buồn hiện trên nét mặt bác, tôi mỉm cười nói giỡn:
- Thôi
lại nhớ mẹ đĩ rồi!
Bác
cũng gượng cười nói chữa:
-
Không, giá cháu nhớ thì cháu đã chẳng bảo đi, nhưng cháu chỉ lo nước Hà Nội
chóng ngay xương lắm! Đi làm đỡ nạn mấy tháng khi về lại quen đi, không gồng
gánh nặng nhẹ được thì khổ, ấy cũng nhiều người thế đấy, rồi sau vợ chồng sinh
chán nhau hoặc bỏ chồng theo những anh bồi bếp để ăn trắng mặc trơn, nhiều anh
mất vợ vì thế đấy.
- Có
"tâm" là lòng, "ý" là lòng chứ, ai cũng thế thì còn ai dám
đi làm lụng gì nữa. Vả lại bác gái nhà bác bồ chề xốc xếch thế thì việc gì!...
Bác
nghe câu khuyên giải của tôi, nét mặt lại bình tĩnh như thường. Tôi bỗng nhắc
bác:
- Kìa
từ nãy tới giờ, mải nói chuyện mà quên cả cất vó? Dễ vợ chồng con sộp nó đem
nhau vào ở cữ trong vó của bác rồi cũng nên!
Bác
khanh khách cười, tay nâng sào vó, khom lưng rút khung gọng vó, nước sóng sánh
chuyển động chiếc bèo tây đang đủng đỉnh trôi xuôi. Mẻ vó suông! Bác khoan
khoan cho vó xuống, tôi thẫn thờ nhìn ánh nước rập rờn trên bức vách.
No comments:
Post a Comment